Quyển 2 - Chương 65
Bát Tư Ba gật đầu:
- Ta biết đệ là người hiền lành, chất phác. Mau gọi thêm vài người đưa đệ ấy về phủ Quốc sư đi. Đại hãn vẫn còn ở đây, đừng để ngài ấy chê cười chúng ta.
Rinchen muốn kéo Yeshe đi nhưng Yeshe vốn lực lưỡng hơn cậu rất nhiều nên Rinchen không sao khiến cậu ta nhúc nhích được. Yeshe kéo áo Rinchen, bật cười ha ha:
- Nếu năm xưa mẹ huynh hạ độc giết ch.ết mẹ anh ta thì Kháp Na sẽ không ra đời, và tôi sẽ là con trai út của phái Sakya. Nếu thế, người cưới công chúa Mông Cổ và con gái của vạn hộ hầu sẽ là tôi đây. Ha ha!
Bát Tư Ba bị kích động nghiêm trọng. Trước khi Kháp Na ra đời, mẹ Rinchen nuôi dã tâm hãm hại mẹ Bát Tư Ba nhưng do nhầm lẫn, người bị đầu độc lại là cha cậu ấy. Đây là bí mật của gia tộc, không ai được phép nhắc đến, vậy mà Yeshe dám ngang nhiên gào lên như vậy. Bát Tư Ba bước đến, giáng cho Yeshe một bạt tai:
- Còn mẹ của cậu thì sao? Có phải năm xưa cũng ủ mưu thâm độc, muốn xô Kháp Na lúc ấy còn chưa đầy bốn tuổi xuống cầu thang, để cậu trở thành con út của phái Sakya? Nếu mẹ ta không dùng mạng sống của mình để đổi lấy tính mạng của Kháp Na thì gian kế của mẹ cậu và cậu đã được thực hiện rồi phải không?
Tôi bàng hoàng, chưa bao giờ tôi thấy cậu ấy mất bình tĩnh đến thế. Khuôn ngực phập phồng dữ dội, những đường gân dữ dằn nổi rần rật trên nắm đấm chắc nịch, tia mắt vằn đỏ. Một người vốn điềm đạm, chừng mực, khoan hòa là thế, vậy mà giờ đây đang bị kích động, nổi trận lôi đình, sự uy nghiêm bất khả xâm phạm toát ra từ cậu ấy khiến người khác nghẹt thở.
Trên mặt của Yeshe in rõ hình năm ngón tay, nửa mặt sưng vù, cậu ta bị tát cho tỉnh táo, ánh mắt căm phẫn, bất mãn. Cậu ta nắm chặt tay, ôm mặt, hầm hè phản bác:
- Chuyện này chẳng có chứng cứ gì hết, huynh đừng hòng vu khống mẹ tôi!
Bát Tư Ba nhìn cậu ta bằng vẻ lạnh lùng, khinh bỉ:
- Ta có vu khống hay không, trong lòng dì năm rõ nhất. Phật Tổ trên cao thấu tỏ mọi sự, gieo nhân nào gặt quả đấy, ác giả ác báo. Cho dù bà ấy thoát được sự trừng phạt ở kiếp này nhưng địa ngục Vô gián sẽ chờ đợi bà ấy ở kiếp sau.
Bỗng có tiếng kẹt cửa, Kháp Na hốt hoảng bước vào:
- Đại ca, đệ tìm huynh khắp nơi. Đại hãn chuẩn bị hồi cung, huynh mau đến tiễn ngài đi.
Bát Tư Ba gật đầu với Kháp Na rồi quay sang lạnh lùng nhìn Yeshe, giọng nói phẳng lặng như mặt hồ lúc lặng gió nhưng chất chứa sự quyết đoán không thể kháng cự:
- Ngày mai đệ hãy về Sakya.
Yeshe khẽ lắc đầu quầy quậy, ánh mắt lộ vẻ hoang mang, gào lên như điên dại:
- Tôi không về! Vì sao tôi phải coi mình như miếng giẻ rách, các người thích ném đi đâu thì ném?
Bát Tư Ba chẳng buồn để tâm đến cậu ta, cất bước rời khỏi đó. Kháp Na cũng đi theo, nhưng vừa bước qua bậc cửa, cậu ấy chợt ngừng lại, buồn bã nhìn Yeshe:
- Anh ba, nếu như có thể, đệ mong được hoán đổi vị trí với huynh, để huynh được cưới Mukaton và Dankhag. Nếu không gánh trên vai trọng trách của người con út, đệ sẽ được sống những ngày tháng tự do tự tại mà đệ hằng khao khát, chứ không phải giam mình trong chiếc lồng son, no cơm ấm cật, sống ngày nào biết ngày đó như thế này!
~.~.~.~.~.~
- Sau khi Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế, Bát Tư Ba đã tận dụng sức ảnh hưởng của cậu ấy với Hốt Tất Liệt để tham dự chuyện chính sự. Và thế cậu ấy trở nên năng nổ hơn trên vũ đài chính trị. – Tôi trầm ngâm nhớ lại. – Năm 1261, mặc dù lúc đó Hốt Tất Liệt vẫn đang trong cuộc chiến với A Lý Bất Ca, Bát Tư Ba vẫn mượn uy danh của Hốt Tất Liệt để thực hiện một kế hoạch mà đối với Tây Tạng là vô cùng quan trọng: khôi phục chế độ trạm nghỉ từ thời vương triều Tufan.
- Không biết tôi nói thế này cô có phật ý không. – Chàng trai trẻ chần chừ giây lát, gắng lựa chọn từ ngữ. – Không thể phủ nhận Bát Tư Ba là một lãnh tụ tôn giáo vĩ đại nhưng trong cảm nhận của tôi, đôi lúc ngài ấy giống như một chính khách hơn là một đại sư.
Tôi mỉm cười:
- Đúng vậy! Bát Tư Ba xem xét nhiều vấn đề ở khía cạnh chính trị, chứ không đơn thuần chỉ là mục đích tôn giáo. Ví như việc khôi phục chế độ trạm nghỉ chẳng hạn, đó là nhằm mục đích thống nhất Tây Tạng.
Cao nguyên Thanh Tạng đất rộng, người thưa, khí hậu khắc nghiệt, giao thông trắc trở. Bất luận là vương triều của người Tạng hay các vương triều phong kiến Trung Nguyên, nếu muốn kiểm soát đất Tạng, nhất thiết phải thiết lập hệ thống trạm nghỉ quy củ, nghiêm ngặt và hiệu quả để đảm bảo việc truyền đạt thông tin, duy trì giao thông, tiếp đón người đưa tin và đảm bảo công tác hậu cần, cung cấp lương thực, vật dụng cho quân đội. Vương triều Tufan khi xưa đã xây dựng một hệ thống trạm nghỉ quy củ như thế, phía đông bắc tiếp nối với trạm nghỉ của nhà Đường, phía tây bắc kéo dài đến Đôn Hoàng và An Tây tứ trấn. Tiếc thay, sau khi vương triều này sụp đổ thì hệ thống trạm nghỉ cũng theo đó trở nên hoang phế.
Chàng trai trẻ vỗ tay tán thưởng:
- Bát Tư Ba quả là người có tầm nhìn xa trông rộng, ngài đã nhìn nhận ra vấn đề này: muốn thống nhất Tây Tạng, phải thiết lập kênh trao đổi thông tin hiệu quả.
Trong năm đó, viên quan tên gọi Đạt Môn đã mang theo chiếu thư của Hốt Tất Liệt và pháp chỉ của Bát Tư Ba đến đất Tạng, bắt đầu công cuộc xây dựng hệ thống trạm nghỉ. Trên đường đi, viên quan này đã triệu tập dân chúng, phân phát quà tặng, tuyên đọc chiếu thư và pháp chỉ, lập ra bảy trạm nghỉ lớn trên trục đường Thanh Hải – Cam Túc – Tây Tạng, chín trạm nghỉ trên cung đường Tứ Xuyên và Xương Đô căn cứ vào điều kiện đường sá và sản vật của từng địa phương. Riêng ở Tây Tạng đã có đến mười một trạm nghỉ nhỏ. Các trạm nghỉ được phân bố đều đến tận vùng Sakya xa xôi.
Tôi hoan hỷ kết luận:
- Sau khi hệ thống trạm nghi được thiết lập, chính quyền trung ương đã kiểm soát được Tây Tạng chặt chẽ hơn. Có một số trạm nghỉ vẫn phát huy tác dụng cho đến tận cuối thời nhà Thanh.