Quyển 3 - Chương 13: Pháp hội Chumig
“Tri thức có ở khắp nơi,
Ngay cả trong lời nói của trẻ nhỏ;
Hương liệu có ở khắp nơi,
Ngay cả trong gan ruột của dã thú.”
(Cách ngôn Sakya)
Vùng Chumig nằm ở bên này lưu vực sông Nyang Chu, tiếp giáp với lãnh thổ của Vạn hộ hầu Shalu, xếp thứ hai ở vùng Hậu Tạng về sự trù phú. Bát Tư Ba đồng loạt cắt ba nghìn hộ dân Mid của Vạn hộ hầu Chumig và Vạn hộ hầu Shalu. Nếu thuyết phục được Vạn hộ hầu Chumig chấp nhận sự phân chia này thì Bát Tư Ba có thể giảm được phân nửa trở lực ở vùng Hậu Tạng. Vậy nên, chàng bước vào trang viên của Vạn hộ hầu Chumig với quyết tâm “nhất định phải thành công”.
Vạn hộ hầu Chumig – ngài Duirang – mới ba mươi tuổi, dáng vẻ nho nhã, thái độ ôn hòa, chừng mực, quả là người điềm đạm, mực thước. Từ xa, chúng tôi đã thấy ngài đứng chờ bên đường. Vừa trông thấy Bát Tư Ba, ngài tỏ ra hết sức mừng rỡ. Ngài nói rằng lúc gửi thiệp mời đại sư Bát Tư Ba tham dự pháp hội ở Chumig, ngài không mảy may hy vọng đại sư sẽ tới. Nào ngờ, đại sư chịu gác sang bên trăm công ngàn việc để đến đây, khiến gia tộc của ngài được nở mày nở mặt...
Lúc này Bát Tư Ba mới nhớ ra chuyện đó. Khoảng một tháng trước, khi năm vạn hộ hầu liên kết phản đối kế hoạch phân chia đất đai và cư dân, Bát Tư Ba đã nhận được thiệp mời tham dự pháp hội Chumig của phái Kadampa. Khi ấy, Bát Tư Ba đang bận bịu với một núi việc, chẳng có thời gian nên đã viết thư từ chối khéo léo. Tính thời gian thì còn khoảng ba ngày nữa, pháp hội sẽ được tổ chức. Bát Tư Ba quyết định tùy cơ ứng biến, chàng bảo rằng đột nhiên có thời gian rảnh rỗi nên muốn đến đây học hỏi giáo pháp của phái Kadampa.
Duirang rước Bát Tư Ba vào trang viên của mình, nơi ăn chốn ở sắp xếp vô cùng chu đáo, nhưng Bát Tư Ba chẳng lựa được lúc nào để trò chuyện riêng với ông ấy. Duirang phát thiệp mời đến tất cả các bậc cao tăng đại đức của giáo phái nên các tăng nhân cứ nườm nượp ra vào trang viên của ông ấy, khiến chủ nhà không có cả thời gian để ăn một bữa cơm yên ổn. Duirang luôn chân luôn tay luôn miệng bố trí, sắp bày mọi việc cho ngày pháp hội. Cứ thế, Bát Tư Ba chẳng có cơ hội nào để trao đổi riêng, chàng quyết định, nhân dịp này kết giao với các chi phái nhỏ của phái Kadampa, xây dựng mối quan hệ hòa hảo với các tu viện.
Người đặt nền móng đầu tiên cho phái Kadampa là vị cao tăng người Thiên Trúc, Atisha. Hơn hai trăm năm trước, vương triều Guge ở vùng Ali đã mời đại sư Atisha đến đất Tạng truyền giáo và đại đệ tử của vị cao tăng này, ngài Dromtonpa, về sau đã lập ra giáo phái Kadampa. Phái này tu theo tông pháp Hiển Tông, dòng tu này phát triển rất mạnh mẽ và được truyền bá rộng rãi. So với các giáo phái Mật Tông khác như Sakya và Kagyu, phái Kadampa coi trọng việc tu tập và tuân thủ giới luật hơn là cai quản chính quyền địa phương. Giáo phái này không chủ trương xây dựng thế lực chính trị lớn mạnh. Bởi vậy, so với những người khác, Vạn hộ hầu Chumig là tín đồ Kadamapa ôn hòa, nhã nhặn nhất. Sau này, vào cuối thời nhà Minh, nhà sư Tsongkhapa của phái Kadampa đã sáng lập ra chi phái Hoàng giáo Gelug nên toàn bộ phái Kadampa đã sáp nhập vào phái Gelug.
Biết tin Bát Tư Ba cũng tới tham dự pháp hội Chumig, toàn bộ tăng sư của các tu viện lân cận lũ lượt đổ về Chumig để được tận mắt chứng kiến phong thái của bậc thánh nhân. Trong ngày đầu tiên diễn ra pháp hội, đã có tới bảy mươi nghìn tăng nhân đến tham dự, đây là pháp hội tập trung đông người tham dự nhất trong lịch sử Tây Tạng. Duirang vui mừng khôn xiết, nhiệt liệt cảm tạ Bát Tư Ba vì sự xuất hiện của chàng đã khiến cho pháp hội lần này có quy mô lớn đến vậy.
Trong suốt thời gian diễn ra pháp hội, Bát Tư Ba tỏ ra là một danh sư bình dị, dễ gần, khiêm tốn, không ngại học hỏi, không định kiến, không thiên vị, hào hứng tiếp thu giáo pháp của phái Kadampa. Mỗi tối, Bát Tư Ba đều cùng các vị cao tăng của phái Kadampa ngồi thiền, tụng niệm kinh Phật và làm phép quán đỉnh cho rất nhiều người. Điều đó khiến cho nhiều tăng nhân của phái Kadampa thay đổi cách nhìn về Bát Tư Ba, số người ca ngợi, ủng hộ chàng ngày một nhiều, ngay cả Duirang cũng dần tâm phục khẩu phục.
Tôi lẻn đến phòng của Duirang nghe trộm, vì tôi rất muốn biết ông ta có chấp thuận phục tùng Bát Tư Ba hay không. Nhưng khi tới đó, tôi lại thấy một lão hòa thượng vóc dáng cao lớn đang bực tức, trách móc Duirang:
- Ngài xem, có người xuất gia nào như hắn không? Đi đến đâu cũng mở cờ gióng trống, kéo theo cả một đám tùy tùng, quan viên, phục trang, cưỡi ngựa, dựng trại giống hệt người Mông Cổ. Hắn còn nhớ mình là người Tạng nữa không?
Tôi nhận ra đó là đại sư Chomden Rigdrel trụ trì đền Narthang. Trong số các tăng nhân của phái Kadampa, ông ta là người có định kiến với Bát Tư Ba hơn cả. Những ngày qua, ông ta thường tỏ ra lạnh nhạt với Bát Tư Ba nhưng chàng vẫn khiêm tốn, nhún nhường.
Duirang không đồng tình với đánh giá của Chomden Rigdrel:
- Đại sư Chomden Rigdrel, hiện người Mông Cổ đang chiếm thế thượng phong, gót sắt của họ đã đạp bằng mọi chốn, ai dám không phục tùng họ? Bát Tư Ba đã theo người Mông Cổ hơn hai mươi năm, lần này lại phụng lệnh Đại hãn Hốt Tất Liệt trở về đất Tạng, việc ngài ấy đi đến đâu có quan quân hộ tống đến đó là điều khó tránh khỏi.
Chomden Rigdrel mỉa mai, châm biếm:
- Hắn làm quan to, mặc triều phục lộng lẫy của Mông Cổ thì không cần phải tuân thủ các giáo pháp của Phật Tổ nữa sao? Hắn còn lưu tâm đến nỗi buồn vui của chúng sinh nữa không?
Duirang chắp tay sau lưng, chầm chậm cất bước trong phòng:
- Đại sư, ta chẳng bận tâm việc ngài ấy vận trang phục của người Mông Cổ. Điều ta đang đắn đo là Chuming có nên tiếp tục chống lại mệnh lệnh của ngài ấy hay không? Tất nhiên, ta hiểu rõ mục đích chuyến đi này của Bát Tư Ba. Thực ra, ngài ấy hoàn toàn có thể dùng uy quyền của người Mông Cổ để ép buộc chúng ta phải chấp thuận. Nhưng ta để ý thấy những ngày qua, dù không nhận được câu trả lời từ phía ta, ngài ấy vẫn nhẫn nại chờ đợi. Với thân phận như vậy mà ngài ấy vẫn rộng lượng, khiêm nhường, quả là hiếm có. Chả trách Đại hãn Mông Cổ xem trọng ngài ấy đến vậy.
Chomden Rigdrel tỏ ra tức tối:
- Ý của ngài là, ngài sẽ cúi đầu trước người Mông Cổ?
Duirang sa sầm nét mặt:
- Năm xưa, khi người Mông Cổ tấn công Wusi, các giáo phái ở đất Tạng đông đảo là thế, vì sao không hợp sức để chống trả? Giờ đây, khi đất Tạng đã quy thuận Mông Cổ mấy mươi năm, một vạn hộ hầu nhỏ bé như ta sao dám đối địch với Bát Tư Ba? Ngài ấy đã đích thân đến đây tỏ rõ thành ý, ta nghĩa rằng đã đến lúc phải nhún nhường.
- Nhưng Vạn hộ hầu Shalu...
Duirang ngắt lời Chomden Rigdrel, ánh mắt sắc lẹm:
- Tưởng rằng ta không biết sao? Ông cũng có những toan tính của riêng mình. Chumig không đời nào trở thành khiên chắn của Shalu.
Chomden Rigdrel quay mặt đi, hậm hực. Tôi hớn hở ra về, định bụng sẽ báo tin vui cho Bát Tư Ba, rằng những cố gắng không mệt mỏi của chàng cuối cùng cũng đã có kết quả đáng mừng. Về tới nơi, thấy chàng vẫn đang miệt mài bên bàn làm việc, một ý nghĩ tinh nghịch chợt lóe lên trong đầu, tôi muốn dọa chàng. Thế là tôi liền hóa thành người, nhón bước lại gần, vỗ nhẹ vào vai chàng.
Nào ngờ, chàng hét lên một tiếng đau đớn, cánh tay đặt vội lên bờ vai mà tôi vừa chạm vào, giật mình quay lại, gương mặt co rúm vì phải chống chịu với con đau. Trông thấy tôi, hai mắt chàng mở to, chàng lập tức lùi lại phía sau, giữ khoảng cách an toàn.
- Lâu Cát, chàng... chàng làm sao vậy?
Tôi bàng hoàng nhìn lại bàn tay mình, tôi vỗ rất nhẹ thôi mà, sao chàng lại phản ứng dữ dội như thể vừa bị giáng một đòn chí mạng vậy?
- Ta không sao. – Chàng khẽ thở dốc, buông thõng cánh tay vừa ôm lấy vai xuống, quay mặt đi. – Ta đang tập trung cao độ để viết một bức thư quan trọng gửi Đại hãn thì em đến và làm ta giật mình. Ai trong trường hợp này cũng sẽ phản ứng như vậy.
- Nhưng em chỉ vỗ nhẹ thôi mà, vì sao chàng lại đau đớn như vậy?