Chương 1

Đông-Bắc Campuchia
Mùa mưa tháng Chín năm 2006
Chiếc trực thăng của Hội Chữ Thập Đỏ hạ cánh đúng theo giờ quy định.


Đậu trên một dải đất cao được bao quanh bởi những cánh rừng, ngôi làng với khoảng một trăm mái nhà đơn sơ phần lớn được làm từ gỗ và cành cây. Vùng đất này dường như bị lãng quên, chẳng có khái niệm thời gian, cách biệt hẳn khỏi các khu du lịch của Angkor và Phnom Pênh. Bầu không khí bị bão hoà bởi độ ẩm và bùn bao phủ khắp nơi.


Viên phi công chẳng buồn tắt động cơ. Nhiệm vụ của anh: đón một nhân viên y tế nhân đạo về thành phố. Thông thường thì chẳng có gì phức tạp cả. Khong may, giờ đang là tháng Chín và những trận mưa như trút nước liên tục đổ xuống khiến việc điều khiển máy bay trở nên khó khăn. Còn nhiêu liệu, bình dự trữ có hạn, nhưng chắc cũng đủ để đưa mọi người về tới nơi an toàn.


Với điều kiện không được mất quá nhiều thời gian...


Hai bác sĩ phẫu thuật, một bác sĩ gây mê và hai nữ y tá từ trong trạm xá dựng tạm, nơi họ đã làm việc từ hôm qua, chạy ra. Mấy tuần nay, họ đã đi một lượt các ngôi làng quanh vùng, làm hết khả năng để giải quyết sự tàn phá của bệnh sốt rét, bênh AIDS hoặc bệnh lao, chăm sóc những bệnh nhân bị què cụt và lắp chân tay giả cho họ, trong cái xó xỉnh vẫn còn đầy những bãi mìn sát thương của đất nước này.


Theo tín hiệu của viên phi công, bốn trong số năm người đã chui vào trong trực thăng. Người cuối cùng, một người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi, hơi tụt lại phía sau, ánh mắt còn hướng vào một nhóm người Campuchia đang vây quanh trực thăng. Ông không thể dứt ra để đi được.


available on google playdownload on app store


- Phải đi thôi, bác sĩ! Viên phi công hét lên với ông. Nếu chúng ta không cất cánh ngay bây giờ, các ông sẽ không thể kịp chuyến bay được đâu.


Vị bác sĩ gật đầu. Ông vừa chuẩn bị lên trực thăng thì chợt bắt gặp ánh mắt của một đứa trẻ được bế trên tay một cụ già. Nó mấy tuổi rồi? Hai tuổi ư? Cùng lắm là ba. Khuôn mặt bé nhỏ bị biến dạng khủng khiếp bởi một vết dúm chạy dọc xuống xẻ đôi môi trên của nó. Dị tật bẩm sinh này sẽ buộc nó phải húp cháo hoặc bột quấy suốt đời và sẽ khiến nó không bao giờ nói ra nổi một từ nào.


- Khẩn trương lên! Một trong hai cô y tá khẩn khoản.
- Phải mổ cho đứa bé này, người bác sĩ cố hét lên át tiếng những cánh quạt đang quay trên đầu họ.


- Chúng ta không còn thời gian nữa! Các con đường đều không thể đi được nữa vì ngập lụt và trực thăng sẽ không thể quay lại đón chúng ta trong nhiều ngày.


Nhưng vị bác sĩ vẫn không hề nhúc nhích, ông không thể rời mắt khỏi cậu bé. Ông biết rằng ở vùng này, những em bé sơ sinh với một cái miệng "hở hàm ếch" đôi khi bị bỏ rơi bởi bố mẹ chúng theo những tập tục cổ truyền. Và một khi bị đưa vào trại trẻ mồ côi, dị tật đó cũng tước bỏ mọi cơ may để chúng được nhận về nuôi.


Cô y tá lại giục giã:
- Ngày kia người ta sẽ cần tới ông ở San Francisco, thưa bác sĩ. Ông có một lịch phẫu thuật kín đặc, những buổi hội thảo và...
- Cứ đi đi, đừng chờ tôi, cuối cùng người bác sĩ quyết định và rời xa chiếc trực thăng.


- Nếu vậy tôi ở lại với ông, cô y tá quyết định và nhảy xuống đất.
Cô tên là Emily. Đó là một cô gái trẻ người Mỹ làm việc trong cùng bệnh viện với ông.
Viên phi công lắc đầu thở dài. Chiếc trực thăng bay thẳng lên và dừng lại giây lát trên không trước khi cất cánh bay xa dần theo hướng Tây.


Vị bác sĩ ôm cậu bé trong vòng tay: nom cậu nhợt nhạt và co quắp. Có cô y tá đi cùng, ông bế đứa bé quay trở vào trạm xá, ông bắt đầu nói chuyện với nó để xua tan nỗi sợ hãi trước khi tiến hành gây mê. Sau khi đứa trẻ đã thiếp đi, ông cẩn thận dùng dao mổ lật lớp thịt ở hàm trên của nó lên và kéo dài ra để che lấp vết xẻ. Rồi cũng vẫn cẩn thận như vậy, ông tiếp tục tái tạo lại đôi môi và trả lại cho cậu bé một nụ cười thực thụ.


* *


Sau khi ca mổ kết thúc, vị bác sĩ bước ra ngoài và ngồi nán lại trên hiên nhà đầy các mảnh tôn và những chiếc lá khô. Ca mổ đã kéo dài rất lâu. Ông hầu như không chợp mắt từ hai ngày nay và cảm thấy sự mệt mỏi chỉ trong chốc lát đã bắt kịp ông. Ông châm một điếu thuốc và nhìn quanh. Mưa đã ngớt dần. Một khoảng trời đổ xuống một thứ ánh sáng chói chang với gam màu chủ đạo là cam và tía.


Ông không hối hận vì đã ở lại. Mỗi năm, ông đều dành nhiều tuần lễ sang châu Phi hoặc châu Á làm việc cho tổ chức Chữ Thập Đỏ. Những chuyến công tác nhân đạo này không bao giờ để cho ông trở về nguyên vẹn, nhưng chúng như trở thành một thứ gây nghiện, một cách để ông thoát ra khỏi cuộc sống trơn tru của vị trưởng khoa trong một bệnh viện ở California.


Trong lúc dụi tắt điếu thuốc, ông cảm thấy sự có mặt của ai đó phía sau lưng. Quay người lại, ông nhận ra người đàn ông nhiều tuổi đã bế đứa bé khi chiếc trực thăng chuẩn bị cất cánh. Đó là một người gần như trưởng làng. Trong bộ quần áo truyền thống, lưng ông hơi còng và khuôn mặt đầy nếp nhăn. Thay cho lời chào, ông chắp hai tay đưa lên sát cằm, đầu ngẩng cao và nhìn thẳng vào mắt vị bác sĩ. Rồi bằng một cái ngoắc tay ra hiệu, ông mời bác sĩ theo vào trong nhà mình. Ông rót một ly rượu gạo mời bác sĩ trước khi cất tiếng nói những lời đầu tiên:


- Tên nó là Lou-Nan.
Người bác sĩ đoán đó là tên của đứa bé và chỉ khẽ gật đầu.
- Cảm ơn ông đã trả lại khuôn mặt cho nó, ông già Campuchia nói thêm.


Vị bác sĩ phẫu thuật trân trọng đón nhận những lời cảm ơn, gần như lúng túng, ông đưa mắt đi chỗ khac. Qua cửa sổ không có kính, ông có thể nhìn thấy cánh rừng nhiệt đới, dày và xanh mướt, trải dài ngay sát đó. Ông có cảm giác rất lạ khi hiểu rằng chỉ cách đó vài cây số, cao hơn một chút trên dãy Ratanakiri, vẫn có những con hổ, rắn và voi đang sinh sống...


Chìm đắm trong luồng suy tưởng, khó khăn lắm ông mới hiểu được ý nghĩa những lơi vị chủ nhà đang hỏi ông:
- Nếu như ông có điều kiện được thấy một trong những điều ước của mình trở thành sự thật, thì ông sẽ chọn gì?
- Xin lỗi, ông nói gì?


- Ước muốn lớn nhất trong đời ông là gì, thưa bác sĩ?
Thoạt đầu vị bác sĩ cố thử tìm một câu trả lời hóm hỉnh, nhưng kiệt sức vì mệt mỏi và bỗng nhiên cảm thấy vô cùng xúc động, ông nhẹ nhàng đáp:
- Tôi muốn gặp lại một người phụ nữ.
- Một người phụ nữ ư?


- Phải, chỉ một người... người duy nhất có ý nghĩa đối với tôi.
Vậy là, ở một chốn vô cùng xa xôi, cách xa những con mắt phương Tây, có điều gì đó rất trang trọng đang hình thành giữa hai người đàn ông.


- Người phụ nữ đó, ông không biết bà ta ở đâu ư? Ông già Khmer hỏi, ngạc nhiên vì ước muốn quá ư giản dị.
- Cô ấy đã qua đời cách đây ba mươi năm.
Ông già người châu Á khẽ nhíu mày và mải miết suy nghĩ. Rồi sau một quãng thời gian


im lặng, ông kiêu hãnh đứng lên và đi về phía cuối phòng, nơi có những tầng giá tạm bợ, chất đầy một phần những nguyên liệu của ông: những con cá ngựa sấy khô, những rễ củ nhân sâm, những con rắn độc quấn vào nhau trong dung dịch phoóc-môn.


Ông lục một lát trong đống hỗn độn đó cho tới khi thấy thứ cần tìm.
Khi ông quay trở lại chỗ bác sĩ, ông chìa ra một cái lọ nhỏ xíu bằng thuỷ tinh thổi.
Cái lọ có chứa mười viên nhộng màu vàng...
Lần gặp đầu tiên
Một buổi tối đẹp trời khi tương lai được gọi tên quá khứ.


Cũng là khi ta quay lại và nhìn thấy tuổi trẻ của chính mình.
-LOUIS ARAGON-
Sân bay Miami
Tháng Chín năm 1976
Elliott 30 tuổi
Đó là một buổi chiều Chủ nhật tháng Chín, dưới bầu trời Florida....


Ngồi sau tay lái của chiếc Thunderbird mui trần, một cô gái chạy xe trên con đường dẫn tới sân bay. Mái tóc tung bay trong gió, cô lái rất nhanh, vượt qua nhiều chiếc xe khác trước khi dừng lại một chốc trước sảnh khởi hành. Khoảng thời gian chỉ đủ để cô có thể thả người đàn ông ngồi trên ghế bên cạnh xuống đó. Anh lấy chiếc túi để trong cốp xe rồi nghiêng người bên cửa sổ tặng cho cô gái lái xe một nụ hôn. Một tiếng sập cửa rồi anh đi vào trong toà nhà bằng kính và thép.


Anh là Elliott Cooper. Dáng người anh dong dỏng cao và vẻ ngoài duyên dáng. Anh là bác sĩ ở San Francisco, nhưng chiếc áo khoác da và mái tóc bù xù mang lại cho anh dáng vẻ của một thiếu niên.
Một cách máy móc, anh đi về quầy làm thủ tục để lấy thẻ lên máy bay chuyến Miami - San Francisco.
- Em dám cá là anh đã bắt đầu nhớ em...


Bất ngờ vì giọng nói thân thuộc, Elliott giật mình quay lại.
Cô gái đứng trước mặt anh đang ném cho anh một ánh mắt màu lục bảo, pha trộn giữa sự cứng rắn và mềm yếu. Cô mặc chiếc quần jean cạp trễ, áo khoác bằng da thuộc có in hàng chữ Peace and love và chiếc áo phông sặc sỡ kiểu Braxin, xứ sở gốc của cô.


- Lần cuối cùng anh hôn em là từ khi nào ấy nhỉ? Anh vừa hỏi vừa đặt tay lên cổ cô.
- Ít nhất cũng phải hơn một phút rồi.
- Một thiên niên kỷ...
Anh ôm lấy cô và ghì sát vào mình.


Cô là Ilena, người phụ nữ của đời anh. Anh quen cô đã được mười năm và nhờ có cô mà anh đạt được tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình: nghề bác sĩ của anh, sự cởi mở đối với những người khác và một số đòi hỏi trong cách tổ chức cuộc sống...


Anh ngạc nhiên thấy cô quay trở lại, vì họ vẫn luôn thống nhất với nhau để tránh kéo dài những cảnh chia ly, ý thức rất rõ ràng rằng được thêm một vài phút cuối cùng sẽ là sự trả giá bởi nhiều day dứt hơn là an ủi.
Câu chuyện của họ khá phức tạp. Cô sống ở Florida, còn anh ở San Francisco.


Tình yêu vượt khoảng cách của họ tồn tại vượt qua sự chênh lệch về giờ giấc, bắt nhịp bởi bốn múi giờ và bốn ngàn cây số ngăn cách bờ biển phía Đông với bờ biển phía Tây.


Tất nhiên, sau từng ấy năm, lẽ ra họ đã có thể chọn cách chuyển đến sống chung với nhau. Nhưng họ đã không làm như vậy. Ban đầu là do họ nghi ngại sự tàn úa theo thời gian. Bởi vì cuộc sống hàng ngày, trong một hoàn cảnh êm đềm hơn, sẽ tước bỏ của họ những xúc cảm nồng nhiệt từ trái tim mà họ có được mỗi lần gặp lại nhau và đã mang lại cho họ một luồng dưỡng khí.


Thế rồi, mỗi người đã tự xây dựng cho mình một cuộc sống trong môi trường công việc. Một người hướng về Thái Bình Dương, người kia lại hướng về Đại Tây Dương. Sau những năm dài đằng đẵng theo học ngành y, Elliott vừa được nhận vào vị trí bác sĩ phẫu thuật trong một bệnh viện ở San Fracisco. Còn Ilena, cô chăm sóc những chú cá voi và hải cẩu của mình trong Ocean World ở Orlando, công viên nước lớn nhất thế giới, nơi cô làm việc với cương vị là bác sĩ thú y. Từ một vài tháng gần đây, cô đã dành rất nhiều thời gian của mình cho một tổ chức bắt đầu nổi danh có tên gọi là Hoà Bình Xanh. Được thành lập cách đây bốn năm bởi một nhóm người đấu tranh cho hoà bình và môi trường sinh thái, liên minh của những "chiến sĩ cầu vồng" đã được biết đến nhờ sự đấu tranh chống lại những cuộc thử nghiệm hạt nhân. Song lý do chủ yếu khiến Ilena tham gia các hoạt động của tổ chức này là để chống lại việc giết hại cá voi và hải cẩu.


Vậy là mỗi người đều có một cuộc sống đầy bận rộn. Hầu như không có thời gian để buồn. Mặc dù vậy... Mỗi lần từ giã lại trở nên khó khăn hơn so với lần trước đó.
"Đã đến giờ lên máy bay của hành khách bay chuyến 711 tới San Francisco, cửa số 18..."


- Chuyến của anh phải không? Cô vừa hỏi vừa nới vòng tay.
Anh gật đầu xác nhận, và vì anh biết rõ tính cô:
- Em muốn nói gì với anh trước khi anh đi phải không?
- Phải. Em sẽ tiễn anh ra tới cửa phòng chờ, cô vừa nói vừa cầm lấy tay anh.


Rồi vừa bước đi bên cạnh anh, cô vừa nói một tràng bằng giọng chứa âm sắc Nam Mỹ mà anh vô cùng yêu thích:
- Em vẫn biết thế giới này rồi sẽ gặp phải thảm hoạ. Elliott, nào là chiến tranh lạnh, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân...


Mỗi lần họ chia tay nhau, anh đều nhìn cô như thể đây là lần cuối cùng anh được gặp cô. Cô đẹp như một ngọn lửa.
- ... sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, đấy là còn chưa kể nạn ô nhiễm, sự phá huỷ các cánh rừng nhiệt đới hay...
- Ilena?
- Dạ?
- Em muốn nói chuyện gì vậy?


- Em muốn chúng ta có một đứa con, Elliott...
- Ở đây, ngay lúc này, giữa sân bay sao? Trước mặt tất cả mọi người à?
Đó là tất cả những gì mà anh tìm thấy để trả lời. Một chút hài hước để che giấu đi sự ngỡ ngàng của anh. Nhưng Ilena không hề có ý định đùa giỡn.


- Em không đùa đâu, Elliott. Thậm chí em còn khuyên anh nên suy nghĩ thật nghiêm túc về chuyện này, cô vừa nói vừa thả bàn tay anh ra và đi về phía lối ra.
- Chờ anh đã! Anh hét lên để níu cô lại.
"Đây là lần gọi cuối cùng, xin mời ông Elliott Cooper, hành khách đi chuyến bay số 711 đến...".


- Khỉ thật! Anh buột miệng và miễn cưỡng đi lên thang cuốn dẫn đến phòng chờ ra máy bay.
Lên gần đến bên trên, anh mới quay lại để vẫy tay chào cô lần cuối.
Ánh nắng tháng Chín tràn ngập sảnh khởi hành.
Elliott vẫy tay.
Nhưng Ilena đã biến mất từ lâu.
***


Trời đã tối khi máy bay hạ cánh xuống San Francisco. Chuyến bay kéo dài sáu tiếng và đã hơn 21 giờ ở California.


Elliott chuẩn bị ra khỏi sảnh sân bay và bắt một chiếc taxi nhưng anh chợt đổi ý. Anh sắp lả đi vì đói. Choáng váng vì lời đề nghị của Ilena, anh đã không hề đụng tới khay thức ăn được dọn ra trên máy bay và anh biết tủ lạnh nhà mình trống rỗng. Lên đến tầng hai, anh nhìn thấy một quán mang tên cầu Cổng Vàng Café, anh đã tới đây một lần cùng với Matt, người bạn thân nhất thỉnh thoảng cũng đi cùng anh đến bờ biển phía đông. Anh ngồi vào quầy và gọi một đĩa salat, hai cái bánh mì vòng và một ly chardonnay. Mệt mỏi vì chuyến bay này, anh dụi mắt trước khi yêu cầu cho anh một vài tấm thẻ để sử dụng máy điện thoại công cộng đặt ở cuối phòng. Anh quay số của Ilena nhưng không ai trả lời máy. Vì lệch giờ nên lúc này ở Florida đã là nửa đêm. Chắc chắn Ilena đang ở nhà nhưng rõ ràng cô không muốn trả lời anh.


Không nằm ngoài dự đoán...
Tuy vậy, Elliott không ân hận vì phản ứng của anh đối với đề nghị của Ilena. Sự thật là anh không muốn có con.
Vậy đấy.


Đó không phải là vấn đề tình cảm: anh rất yêu Ilena và tình yêu của anh đối với cô nhiều không kể xiết. Nhưng chỉ tình yêu thôi thì chưa đủ. Vì trong bầu không khí của những năm bảy mươi này, anh thấy nhân loại dường như vẫn còn chưa đi đúng hướng, và nói cho cùng, anh cũng không muốn gánh trách nhiệm sinh thành một đứa bé.


Điều này chắc chắn Ilena sẽ không muốn nghe.


Quay trở lại quầy, anh ăn nốt khẩu phần của mình rồi gọi một tách cà phê. Anh rất căng thẳng và bẻ các ngón tay kêu răng rắc một cách gần như vô thức. Trong túi áo vest, anh cảm thấy bao thuốc lá như đang ngọ nguậy hồi theo và anh không hề cưỡng lại ý muốn đốt một điếu.


Anh biết anh cần phải dừng hút thuốc. Xung quanh anh, người ta nói ngày càng nhiều về tác hại của thuốc lá. Từ khoảng mười lăm năm nay, những nghiên cứu về dịch tễ đã chỉ ra sự phụ thuộc vào chất ni-cô-tin, và là một bác sĩ phẫu thuật, Elliott biết rất rõ rằng những nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, cũng như nguy cơ tai biến tim mạch sẽ rất cao đối với những người hút thuốc lá. Nhưng giống như rất nhiều bác sĩ khác, anh quan tâm đến sức khoẻ của người khác nhiều hơn đến sức khoẻ bản thân. Cần phải nói thêm rằng ở thời đại của anh, người ta vẫn có thể hút thuốc bình thường trong nhà hàng hay trên máy bay. Là thời đại mà thuốc lá vẫn còn là biểu tượng của sự quyến rũ lịch lãm và của tự do văn hóa và xã hội.


Mình sẽ sớm bỏ thôi, anh nghĩ trong lúc phả ra một làn khói thuốc, nhưng không phải tối nay... Anh cảm thấy quá chán nản để thực hiện nỗ lực lớn lao đó.


Không biết làm gì, anh đưa mắt nhìn qua vách kính và đó là lúc anh nhìn thấy ông ta lần đầu tiên: một người đàn ông mặc một bộ pyjama kỳ quặc màu xanh da trời có vẻ như đang quan sát anh từ bên kia lớp kính. Anh nheo mắt lại để nhìn ông cho rõ hơn. Ông khoảng sáu mươi tuổi, dáng vẻ vẫn còn tráng kiện và một bộ râu quai nón ngắn hơi ngả màu xám khiến cho ông trông hơi giống Sean Connery khi già đi. Elliott nhíu mày. Người đàn ông này làm gì ở đây, chân trần và mặc pyjama, vào cái giờ muộn màng này, lại ở giữa sân bay?


Lẽ ra thì anh bác sĩ trẻ chẳng cần bận tâm làm gì, nhưng có một sức mạnh vô hình nào đó buộc anh rời chỗ ngồi và đi ra khỏi quán. Người đàn ông có vẻ mất phương hướng, giống như vừa từ một nơi nào lạc đến. Càng tiến đến gần ông, Elliott càng bị xâm lấn bởi một cảm giác khó chịu mà anh không dám thừa nhận với bản thân. Người đàn ông này là ai? Có thể là một bệnh nhân vừa trốn khỏi bệnh viện hay một cơ sở điều trị... Trong trường hợp đó, là một bác sĩ, chẳng phải anh có bổn phận giúp đỡ ông ta sao?


Khi chỉ còn cách chưa đầy ba mét, anh bỗng hiểu ra điều gì khiến anh bấn loạn đến như vậy: người đàn ông trông giống bố anh một cách kỳ lạ, ông đã qua đời cách đây năm năm vì bệnh ung thư tuyến tuỵ.


Bối rối, anh tiến lại gần hơn nữa. Càng đứng gần, càng thấy giống đến mức ấn tượng: cũng khuôn mặt ấy, cũng một lúm đồng tiền trên má mà anh đã được thừa hưởng...
Và nếu đó đúng là ông thì...


Không, anh cần phải lấy lại bình tĩnh! Bố anh đã qua đời và mất thật rồi. Anh đã chứng kiến nhập quan và hoả táng.
- Tôi có thể giúp gì được cho ông, thưa ông?


Người đàn ông lùi lại một bước. Ông ta có vẻ cũng bối rối y như anh và ở ông toát ra một sự tương phản giữa sức mạnh và sự cùng quẫn.
- Tôi có thể giúp gì ông? Anh nhắc lại.
Người kia chỉ thì thầm:
- Elliott...
Sao ông ta lại biết tên anh? Và giọng nói này...


Nếu nói rằng bố anh và anh chưa bao giờ gần gũi nhau thì cũng không hẳn. Nhưng giờ khi bố anh đã qua đời, đôi khi Elliott cũng ân hận vì đã không nỗ lực nhiều trong quá khứ để tìm cách hiểu ông hơn.


Đứng ngây người và hoàn toàn ý thức được sự vô lý trong câu hỏi của mình, Elliott không thể kìm được và hỏi bằng giọng nghẹn ngào cảm xúc:
- Bố?
- Không, Elliott, tôi không phải là bố anh.


Thật lạ, câu trả lời hợp lý đó lại chẳng hề khiến anh cảm thấy yên tâm hơn một chút gì, giống như có một linh cảm đã mách bảo anh rằng điều đáng ngạc nhiên nhất vẫn còn đang ở phía trước.
- Vậy thì ông là ai?


Người đàn ông đặt tay lên vai anh. Một tia sáng quen thuộc ánh lên trong mắt người đàn ông, và ông ta ngập ngừng giây lát trước khi trả lời.
- Tôi là anh, Elliott...
Chàng bác sĩ lùi lại một bước rồi đứng sững như bị sét đánh; người đàn ông kết thúc câu nói:


- ... tôi là anh, của ba mươi năm về sau.
***
- Tôi, của ba mươi năm sau?
Elliott khoát tay tỏ vẻ không hiểu.
- Ông nói thế là ý gì?
Người đàn ông mở miệng, nhưng chưa kịp có thêm lời giải thích nào: một dòng máu bỗng rỉ ra từ mũi ông và rơi thành giọt to xuống phần trên bộ pyjama.


- Ngửa đầu ra phía sau! Elliott ra lệnh và rút từ trong túi áo ra một chiếc khăn giấy mà anh đã máy móc nhét vào đó khi còn ở trong quán và rịt lên mũi người mà giờ anh đang coi như một bệnh nhân của anh.
- Sẽ ổn ngay thôi, anh nói bằng giọng chắc nịch.


Trong giây lát, anh thấy tiếc vì đã không mang theo mình túi cứu thương, nhưng máu đã cầm lại tương đối nhanh.
- Đi với tôi, cần phải cho ông một ít nước lên mặt.


Người đàn ông nối bước theo anh không nói năng gì. Nhưng khi họ đi đến toa-lét, bỗng nhiên người ông ta chợt rung lên, giống như đang bị lên cơn động kinh.
Elliott muốn giúp ông ta, nhưng ông ta vùng đẩy anh ra.
- Cứ mặc tôi! Ông yêu cầu và đẩy cánh cửa phòng vệ sinh.


Bị ngăn lại, Elliott quyết định đứng chờ bên ngoài. Anh cảm thấy mình có trách nhiệm với người đàn ông này và anh chưa yên tâm về tình trạng ông ta.


Chuyện này thật kỳ lạ. Trước hết là sự giống nhau về vẻ bên ngoài, rồi câu nói không đầu không cuối - tôi là anh của ba mươi năm sau - và giờ thì việc chảy máu cam và cơn run lẩy bẩy.
Khỉ thật, ngày gì thế này!


Nhưng còn lâu mới kết thúc một ngày, vì sau một hồi lâu, cảm thấy mình chờ như vậy đã khá lâu, anh quyết định bước vào trong toa-lét.
- Này ông?


Đó là một căn phòng rất dài. Trước tiên Elliott nhìn dãy bồn rửa tay. Chẳng có ai. Nơi này chẳng có cửa sổ mà cũng chẳng có cửa thoát hiểm. Vậy là ông ta ở trong một buồng vệ sinh.
- Ông có ở đó không, thưa ông?


Không nghe ai trả lời. Sợ ông ta bị ngất, bác sĩ vội vàng mở cánh cửa đầu tiên ra: không có ai.
Cánh cửa thứ hai, không có ai.
Cánh cửa thứ ba, thứ tư... rồi cánh cửa thứ mười: trống trơn.
Không còn cách nào khác, anh đưa mắt nhìn lên trần, không một tấm ván nào có vẻ bị di chuyển.


Đúng là không thể, nhưng đành phải thừa nhận một điều hiển nhiên - người đàn ông đã biến mất.






Truyện liên quan