Chương 2
Tương lai hấp dẫn tôi: đó là nơi tôi đang
định trải qua những tháng năm sắp tới.
-WOODY ALLEN-
San Francisco
Tháng Chín năm 2006
Elliott 60 tuổi
Elliott mở choàng mắt. Ông đang nằm vắt ngang giường. Tim ông đập thình thịch và toàn thân ướt đẫm mồ hôi.
Cơn ác mộng đáng nguyền rủa!
Ông là người chẳng bao giờ nhớ nổi những giấc mơ của mình, vậy mà ông vừa mới có một giấc mơ vô cùng kỳ lạ: ông lang thang trong sân bay ở San Francisco, cho tới khi ông chợt gặp phải... một bản sao của chính mình. Nhưng là một bản sao trẻ hơn và anh ta có vẻ ngạc nhiên không kém khi nhìn thấy ông. Tất cả có vẻ như rất thật, đến mức khiến ông bối rối, giống như ông đã thực sự bị đưa tới ba mươi năm về trước.
Elliott nhấn vào nút bấm để rèm cửa sổ tự động mở ra rồi ném ánh mắt lo lắng về phía chiếc lọ đặt trên bàn đầu giường nơi để những viên nhộng màu vàng. Ông mở cái lọ ra: vẫn còn chín viên. Hôm qua, trước khi đi ngủ, ông đã tò mò uống thử một viên. Phải chăng nó là nguồn gốc dẫn đến giấc mơ bí hiểm của ông? Ông già người Campuchia đã đưa cho ông chiếc lọ nhưng chỉ nói mơ hồ về tác dụng của thuốc, cho dù cụ đã trịnh trọng khuyến cáo ông "không bao giờ được lạm dụng chúng".
Elliott khó nhọc đứng dậy và tiến lại gần cửa sổ rộng nhìn ra biển. Từ chỗ này, ông có được một góc nhìn tuyệt đẹp hướng ra đại dương, đảo Alcatraz và cầu Cổng Vàng. Mặt trời lúc bình minh chiếu xuống thành phố một làn ánh sáng đỏ liên tục đổi sắc thái mỗi phút đồng hồ. Ngoài khơi, những chiếc thuyền buồm và tàu thuỷ chạy xen kẽ nhau trong tiếng còi, và mặc dù mới sáng sớm song một vài người tập thể dục đã chạy bộ dọc theo Marina Green, một thảm cỏ dài nằm dọc theo bờ biển.
Nhìn những khung cảnh quen thuộc đó, ông cảm thấy bình tâm lại đôi chút. Những trăn trở của buổi đêm vừa qua chắc chắn sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Ông vừa mới tự nhủ với mình như vậy thì lớp kính đã phản chiếu cho ông thấy một hình ảnh đáng kinh ngạc: một vết sẫm hiện lên trên vạt áo ngủ của ông. Ông cúi xuống để quan sát vết bẩn đó cho rõ hơn.
Máu ư?
Nhịp tim ông đổ dồn, nhưng điều đó kéo dài không lâu. Ông đã bị chảy máu cam trong đêm và đã mang cả biến cố đó vào trong giấc mơ. Đây là một chuyện hoàn toàn bình thường, chẳng có gì phải hoảng hốt lên cả.
Mới yên tâm được một nửa, ông đi vào buồng tắm để chuẩn bị tắm rửa trước khi đi làm. Ông điều chỉnh vòi hoa sen và đứng sững ra một lát, chìm trong luồng suy tư, trong khi buồng tắm bắt đầu ngập đầy hơi nước. Vẫn còn có điều gì đó khiến ông thấy băn khoăn. Nhưng là gì mới được? Ông bắt đầu cởi bỏ quần áo thì bỗng một trực giác xui khiến ông lục tay vào túi bộ pyjama. Trong túi có một tờ khăn giấy lấm lem máu. Sau những vệt huyết cầu tố còn vương lại, người ta vẫn có thể nhận ra được hình vẽ chiếc cầu nổi tiếng nhất thành phố và một dòng chữ vắt ngang: Quán cà phê cầu Cổng Vàng - Sân bay San Francisco.
Lại một lần nữa, tim ông đập rộn lên và lần này thì ông cảm thấy thật khó có thể lấy lại được bình tĩnh.
***
Có phải căn bệnh khiến đầu óc ông kém tỉnh táo rồi chăng?
Vài tháng trước, qua một lần xét nghiệm, ông biết được mình đã mắc bệnh ung thư phổi. Nói cho cùng, điều này chẳng hề khiến ông ngạc nhiên: người ta không thể hút hơn một bao thuốc mỗi ngày liên tục trong vòng bốn mươi năm mà lại không gặp trục trặc gì. Những hiểm hoạ, ông đã biết từ lâu và ông đã chấp nhận chúng. Vậy đấy, đó là rủi ro của cuộc sống. Ông chưa bao giờ tìm cách có một cuộc sống tinh khiết cũng như tự hào về mình bằng mọi giá để tránh khỏi những tổn thương trong cuộc sống. Bằng cáhc nào đó, ông tin vào số phận: mọi việc sẽ đến nếu như chúng phải đến. Và con người bắt buộc phải gánh chịu chúng.
Một cách khách quan, đây là một loại ung thư rất nguy hiểm: một trong những thể phát triển nhanh nhất và khó chữa trị nhất. Những năm gần đây, y học đã tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực này và những loại thuốc mới giờ đã cho phép kéo dài sự sống cho những người bệnh. Nhưng với ông thì đã quá muộn: khối u đã không được phát hiện đủ sớm và các xét nghiệm đã cho thấy sự di căn sang các cơ quan khác.
Người ta đã đề nghị ông theo điều trị một phác đồ điển hình - phối hợp giữa hoá trị và xạ trị - nhưng ông từ chối. Đến giai đoạn này, chẳng còn gì nhiều để thử nữa. Kết quả cuộc chiến đã được định sẵn: ông sẽ ch.ết trong vài tháng nữa.
Cho tới giờ, ông đã thành công trong việc che giấu căn bệnh của mình, nhưng ông biết sẽ không thể tiếp tục như thế mãi. Các cơn ho của ông ngày một kéo dài, những cơn đau hai bên sườn và vai ngày một trở nên dữ dội và sự mệt mỏi đôi khi bất ngờ xâm chiếm ông, mặc dù ông vẫn nổi tiếng là người không bao giờ biết mệt.
Song đau đớn không phải là điều khiến ông sợ hãi. Điều đáng gờm nhất đối với ông là phản ứng của những người xung quanh. Đặc biệt là của Angie, đứa con gái hai mươi tuổi của ông, hiện đang là sinh viên ở New York, và của Matt, người bạn thân nhất mà ông vẫn thường chia sẻ mọi điều.
Ông bước ra khỏi vòi sen, nhanh chóng lau khô người và mở tủ quần áo. Hơn bao giờ hết, ông cẩn thận lựa chọn trang phục: áo sơ-mi bằng vải bông Ai Cập và com-lê Ý. Mặc quần áo xong, bóng đen của bệnh tật đã bị xoá bỏ để thay vào đó là một người vẫn còn trong độ tuổi sung mãn, dáng vẻ rất đàn ông. Cho tới gần đây, với sự quyến rũ không thể phủ nhận, thỉnh thoảng ông vẫn còn cặp với một vài phụ nữ trẻ đẹp đôi khi chỉ bằng nửa tuổi ông. Song những mối quan hệ đó không bao giờ kéo dài. Tất cả những ai đã từng thân cận với Elliott Cooper đều biết rằng chỉ có hai người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Người thứ nhất là con gái ông, Angie. Và người thứ hai tên là Ilena.
Bà đã qua đời từ cách đây ba mươi năm.
***
Ông bước ra đường và được đón chào bởi ánh nắng, những đợt sóng và gió. Ông đứng lại giây lát để tận hưởng một ngày mới đang lên trước khi mở cánh cửa nhà để xe nhỏ. Rồi ông chui vào trong một chiếc Coccinelle kiểu cổ màu da cam, tàn tích cuối cùng của một thời hippi đã qua từ lâu. Hạ mui xe xuống, ông chậm rãi nhập vào dòng xe cộ trên đại lộ và chạy lên phố Fillmore về phía những căn nhà theo kiểu Victoria trên Pacific Height. Giống như trong các bộ phim, các con phố của San Francisco, quanh co và dốc đứng như đường tàu lượn. Nhưng Elliott đã qua cái tuổi thích chơi trò đánh võng mỗi khi tới chỗ ngoặt. Lên tới phố California, ông rẽ trái và gặp một chiếc xe điện đang chở những người khách du lịch đầu tiên về phía khu Chinatown. Trước khi chạy tới khu phố Tàu, ông chui thẳng vào một bãi đậu xe ngầm nằm cách Nhà thờ Grace hai toà nhà và đến Lenox Medical Center nơi ông làm việc từ hơn ba chục năm nay.
Là chủ nhiệm khoa phẫu thuật bệnh nhi, ông được coi như một trong những nhân vật có cỡ của bệnh viện. Nhưng ông mới chỉ được thăng chức cách đây không lâu và ông đạt được thành quả đó lúc đã có tuổi. Trong suốt cả sự nghiệp của mình, ông lúc nào cũng dành mọi ưu tiên cho bệnh nhân và luôn nỗ lực - một điều khá hiếm thấy ở một bác sĩ phẫu thuật - để không chỉ dừng lại ở những bài thuyết trình mang tính kỹ thuật, mà còn quan tâm cả tới phương diện tình cảm. Ông không bao giờ bị choáng ngợp bởi sự tôn vinh và cũng chẳng bao giờ tìm cách xây dựng cho mình một mạng lưới các mối quan hệ thông qua các buổi chơi golf hay các kỳ nghỉ cuối tuần bên hồ Tahoe. Mặc dù vậy, mỗi khi con cái của chính các đồng nghiệp của ông cần phải phẫu thuật, họ luôn tìm đến ông, một dấu hiệu không khi nào gây nhầm lẫn trong nghề này.
***
- Cậu có thể phân tích cái này cho tôi được không?
Elliott đưa cho Samuel Below, trưởng phòng xét nghiệm của bệnh viện, một túi nilon nhỏ trong đó ông đã gạt vào một chút bột vụn moi từ đáy chiếc lọ đựng thuốc.
- Cái gì thế này?
- Thì anh phải nói cho tôi biết mới được chứ...
Rồi ông nhanh chóng lướt qua căng-tin, nhập liều cafein đầu tiên rồi lên phòng mổ để thay đồ và tìm gặp kíp mổ của ông bao gồm một bác sĩ gây mê, một nữ y tá và một bác sĩ trẻ người Ấn do ông giám sát thực tập. Bệnh nhân là một trẻ sơ sinh yếu ớt mới bảy tháng tuổi tên Jack bị bệnh tim. Dị tật ở tim của em ngăn chặn sự chuyển hoá ô-xy trong máu khiến cho da em có màu tái xanh, các ngón tay cứng đờ và đôi môi thâm tím.
Trong khi chuẩn bị rạch dao vào lồng ngực đứa trẻ, Elliott không thể ngăn mình có một thứ cảm giác hồi hộp, giống như một nghệ sĩ trước lúc ra sân khấu. Đối với ông, những ca mổ tim luôn chiếm giữ một chút gì đó mầu nhiệm. Ông đã thực hiện được bao nhiêu ca mổ rồi? Hàng trăm, hàng ngàn thì phải. Năm năm trước, một đoàn làm phim truyền hình đã thực hiện một phóng sự về ông trong đó họ ca ngợi "những ngón tay vàng" có khả năng khâu lại những mạch máu mảnh như thân kim với những sợi chỉ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng lần nào cũng đều căng thẳng như thế, cùng một nỗi sợ hãi thất bại.
Ca mổ kéo dài hơn bốn tiếng, trong thời gian đó tim phổi tạm ngừng hoạt động và được thay thế bằng một chiếc máy. Giống như một người thợ sửa ống nước, Elliott bít lỗ hổng giữa hai buồng tim lại rồi mở một đường lên phổi để tránh cho máu xanh khỏi tràn vào động mạch chủ. Đây là một công việc tỉ mỉ đòi hỏi rất nhiều rèn luyện và tập trung cao độ. Đôi tay ông không hề run, nhưng một phần tâm trí của ông lại đang để ở nơi khác: nơi chính căn bệnh của bản thân mà giờ ông không thể tảng lờ đi được nữa và giấc mơ kỳ lạ đêm qua. Chợt ý thức được sự mất tập trung của mình, ông tự cảm thấy có lỗi và lại quay về với công việc mà ông phải hoàn thành.
Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, Elliott giải thích với bố mẹ của bệnh nhi rằng giờ vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận xét về kết quả của ca mổ. Trong vòng vài ngày tới, đứa trẻ sẽ được theo dõi tại khoa săn sóc đặc biệt nơi vẫn tiếp tục được giúp thở bằng máy cho tới khi, từng chút một, các lá phổi và tim của bé phục hồi toàn bộ chức năng.
Vẫn còn trong trang phục phẫu thuật, ông đi xuống bãi đậu xe của bệnh viện. Mặt trời đã lên cao trên bầu trời, toả ánh nắng chói chang và trong một khoảnh khắc ông cảm thấy choáng váng. Ông mệt lử, kiệt sức, trong đầu đầy những câu hỏi: phủ nhận căn bệnh của mình như ông đang làm liệu có phải là một việc đúng đắn? Liệu có cẩn trọng khi tiếp tục phẫu thuật với nguy cơ mạo hiểm tính mạng của những người bệnh? Chuyện gì đã xảy ra sáng nay nếu ông bị choáng váng ngay giữa ca mổ?
Để tiếp sức cho dòng suy tưởng, ông châm một điếu thuốc và rít hơi đầu tiên với vẻ mãn nguyện. Đây là điều duy nhất chắc chắn đối với căn bệnh ung thư này: giờ thì ông có thể hút thuốc bao nhiêu tuỳ thích, việc đó chẳng hề thay đổi tiến triển của bệnh nữa.
Một làn gió nhẹ khiến ông rùng mình. Từ khi biết mình sắp ch.ết, ông trở nên mẫn cảm hơn đối với tất cả mọi thứ xung quanh. Ông gần như có thể cảm nhận được hơi thở phập phồng của thành phố giống như đó là một cơ thể sống. Bệnh viện toạ lạc trên ngọn đồi nhỏ Nob Hill. Từ đây, người ta có thể mường tượng ra sự chuyển mình của mọi sự bên dưới khu cảng và trên các bến tàu. Ông rít một hơi cuối cùng trước khi dụi tắt điếu thuốc. Ông đã ra quyết định: ông sẽ dừng phẫu thuật vào cuối tháng này và sẽ thông báo để con gái và Matt biết về bệnh tình của mình.
Vậy đấy, thế là hết. Không thể nào quay lại được. Sẽ chẳng bao giờ ông còn thực hiện được công việc duy nhất mà trong đó ông cảm thấy mình thực sự sống có ích: chữa bệnh cho những người khác.
Ông cân nhắc thêm chút nữa về quyết định đột ngột đó và chợt cảm thấy mình già cỗi và đáng thương.
- Bác sĩ Cooper?
Elliott quay người lại và nhìn thấy Sharika, cô bác sĩ nội trú người Ấn đang đứng đối diện với ông. Cô đã thay đồ, cởi chiếc áo blouse trắng ra và mặc chiếc quần jean bạc phếch cùng chiếc áo hai dây mảnh mai. Gần như nhút nhát, cô đưa cho ông chiếc cốc nhựa đựng cà phê. Toàn thân cô toát ra vẻ đẹp, sự trẻ trung và sức sống.
Elliott nhận lấy cốc nước và cảm ơn cô bằng một nụ cười.
- Tôi đến để tạm biệt ông, thưa bác sĩ.
- Tạm biệt?
- Đợt thực tập của tôi ở Mỹ đến hôm nay là kết thúc.
- À phải, ông nhớ ra, cô sẽ quay trở về Bombay.
- Cảm ơn ông đã đón tiếp và đối xử tốt với tôi. Tôi đã học được rất nhiều với ông.
- Cám ơn sự giúp đỡ của cô, Sharika, cô sẽ là một bác sĩ giỏi.
- Còn ông, ông là một bác sĩ vĩ đại.
Elliott lắc đầu, gần như lúng túng trước lời khen.
Cô gái Ấn Độ tiến một bước sát đến chỗ ông.
- Tôi tự nhủ... tôi nghĩ có lẽ chúng ta có thể ra ngoài ăn bữa tối.
Trong vòng chưa đầy một giây, làn da màu đồng tuyệt đẹp của cô chuyển sang đỏ rực. Cô rất nhút nhát và đã phải cố gắng lắm mới có thể đưa ra lời đề nghị.
- Tôi xin lỗi, nhưng điều này thì không thể, Elliott trả lời và vô cùng ngạc nhiên vì câu chuyện đã xoay chuyển theo hướng đó.
- Tôi hiểu, cô nói.
Cô ngừng lại vài giây rồi nói thêm:
- Đợt thực tập của tôi chính thức kết thúc lúc mười tám giờ. Tối nay, ông sẽ không còn là cấp trên của tôi nữa và tôi cũng không phải tuân theo lệnh của ông. Nếu vì vậy mà ông cảm thấy ngại thì...
Elliott nhìn cô chăm chú hơn. Cô bao nhiêu tuổi nhỉ? Hai mươi tư? Cùng lắm là hai lăm. Ông chưa bao giờ cư xử khiến cô hiểu lầm và ông cảm thấy hơi lúng túng.
- Vấn đề không phải như vậy.
- Thật buồn cười, vậy mà tôi vẫn nghĩ rằng ông không hề thờ ơ với tôi...
Ông phải trả lời cô thế nào bây giờ? Rằng một nửa con người ông đã ch.ết và nửa còn lại cũng sắp ch.ết theo ư? Rằng người ta cứ bảo tình yêu không quan trọng tuổi tác, nhưng điều đó thật là vớ vẩn...
- Tôi chẳng biết nói gì với cô nữa.
- Vậy thì ông đừng nói gì cả, cô vừa nói thầm vừa quay gót.
Tự ái, cô bỏ đi song còn sực nhớ ra điều gì.
- À, tôi quên mất, cô nói song vẫn không quay người lại, tổng đài đã nhận được tin nhắn của người bạn ông tên là Matt: ông ấy đã chờ ông từ nửa giờ nay và bắt đầu thấy sốt ruột.
***
Elliott hối hả rời bệnh viện và vẫy vội một chiếc taxi. Ông đã hẹn ăn trưa với Matt và giờ đã trễ hẹn quá rồi.
Cũng giống như có những tình yêu sét đánh, đôi khi trong tình bạn cũng có những cú sét. Matt và Elliott đã gặp nhau cách đây bốn mươi năm trong hoàn cảnh thật đặc biệt. Nhìn bề ngoài, chẳng có gì khiến hai người có thể gần nhau: Matt là người Pháp, hướng ngoại, thích theo đuổi những cô gái đẹp và hưởng thụ cuộc sống; Elliott là người Mỹ, khá kín đáo và đơn độc. Họ đã cùng nhau lại một đồn điền trồng nho trong thung lũng Napa, trang trại Périgord de la Californie. Những loại rượu vang mà họ sản xuất - rượu vang đỏ của vùng Sauvignon và rượu chardonnay có vị dứa và mơ lông - đã có được tiếng tốt nhờ vào những nỗ lực kiên trì của Matt để quảng bá cho sản phẩm của họ trên khắp đất nước cũng như ở châu Âu và châu Á.
Với Elliott, Matt là người bạn vẫn còn ở lại kể cả khi xung quanh ông không còn người bạn nào nữa, là người ông sẽ gọi vào giữa đêm nếu một ngày nào đó ông cần phải giấu một cái xác.
Nhưng giờ thì Elliott đang trễ hẹn và Matt chắc sẽ càu nhàu đây...
***
Nhà hàng rất tao nhã Bellevue, nơi họ thường xuyên ăn trưa với nhau, nằm dọc theo phố Embarcadero và trông ra biển. Tay cầm ly rượu, Matt Delluca đã chờ từ nửa tiếng đồng hồ trên sân thượng không có mái che trông ra vịnh Bridge, đảo Treasure và những toà nhà chọc trời của khu phố thương mại.
Ông chuẩn bị gọi thêm ly thứ ba thì điện thoại của ông reo lên.
- Chào cậu, Matt, tớ xin lỗi, nhưng tớ sẽ đến muộn một chút.
- Cậu không cần vội, Elliott. Sau một thời gian, cuối cùng thì tớ cũng đã quen được với quan niệm đặc biệt của cậu về sự đúng hẹn...
- Tớ có nằm mơ không! Không phải cậu đang giận tớ đấy chứ?
- Ồ không, ông bạn thân mến: cậu là bác sĩ và việc cứu sống sinh mạng con người cho cậu mọi quyền, ai chẳng biết điều đó.
- Đúng như tớ nghĩ, cậu đang giận tớ...
Matt không thể không mỉm cười. Áp chặt điện thoại vào tai, ông rời khỏi sân thượng và bước vào trong gian phòng lớn của nhà hàng.
- Cậu có muốn tớ gọi thức ăn cho cậu không? Ông vừa đề nghị vừa tiến lại gần quầy đồ biển. Trước mặt tớ đang có một con cua bể đang giãy và nó sẽ rất vinh hạnh nếu được xuất hiện trong bữa ăn của cậu...
- Tớ tin tưởng cậu đấy.
Matt bỏ máy và gật đầu ra hiệu cho người phục vụ, số phận của con cua bất hạnh đã được định đoạt.
- Một con cua bể nướng, một thôi!
Mười lăm phút sau, Elliott chạy băng qua gian phòng rộng được trang trí bằng gỗ quý và gương. Sau khi đã vướng chân vào chiếc xe đẩy bốn bánh đựng đồ tráng miệng và vô tình va phải một cô phục vụ bàn, cuối cùng ông cũng tới được chỗ người bạn đang chờ ở bàn mà họ vẫn hay ngồi. Những lời đầu tiên của ông là giao hẹn:
- Nếu cậu vẫn còn coi trọng tình bạn của chúng ta, thì hãy tránh nói trong cùng một câu các từ "muộn" và "lại".
- Tớ có nói gì đâu, Matt trấn an. Chúng ta đã đặt bàn này cho giữa trưa, bây giờ là 13strong0 nhưng tớ vẫn chưa nói năng gì. Thế nào, chuyến đi Campuchia của cậu ra sao?
Elliott vừa mới nói được vài lời thì bật ho thành tràng.
Matt rót cho bạn một cốc đầy nước khoáng.
- Chẳng phải cậu ho hơi nhiều sao? ông hoảng hốt.
- Cậu đừng lo lắng quá.
- Sao lại không chứ... Có lẽ cậu nên khám thử xem sao? Chụp cắt lớp hoặc cái gì đó tương tự thế...
- Tớ mới là bác sĩ, Elliott đáp và mở thực đơn ra. Thế nào, cậu đã gọi gì rồi?
- Nói cậu đừng giận, nhưng tớ thấy trông mặt cậu kém lắm.
- Sự tử tế này của cậu có kéo dài lâu không đấy?
- Đơn giản là tớ lo cho cậu thôi: cậu làm việc nhiều quá đấy.
- Tớ ổn cả, tớ nói với cậu rồi! Chỉ có điều chuyến đi Campuchia vừa rồi khiến tớ hơi mệt thôi!
- Lẽ ra cậu không nên đi, Matt vừa thẳng thắn nói vừa nhăn mặt. Với tớ, châu Á...
- Trái lại, chuyến đi rất bổ ích. Có điều ở đó tớ đã gặp phải một chuyện rất kỳ lạ.
- Tức là sao?
- Tớ đã gặp và giúp đỡ một cụ già người Campuchia và cứ như là một vị thần đèn, ông cụ đã hỏi tớ ước ao điều gì nhất...
- Thế cậu đã trả lời thế nào?
- Tớ đã xin một điều không thể.
- Cậu ước có thể thắng một trận golf ư?
- Thôi bỏ đi.
- Không, nói cho tớ nghe...
- Tớ đã nói với ông cụ rằng tớ muốn gặp lại một người...
Đến đây, Matt hiểu ra rằng bạn mình đang nghiêm túc và nét mặt ông biến đổi hẳn.
- Và cậu muốn gặp lại ai? Ông hỏi mặc dù đã biết trước câu trả lời.
- Ilena...
Một nỗi buồn chợt bao trùm lên hai người đàn ông. Nhưng Elliott không chịu để nỗi buồn xâm lấn. Trong khi người phục vụ bàn mang món khai vị tới, ông tiếp tục câu chuyện, kể lại cho bạn nghe điều kỳ lạ về chiếc lọ đựng những viên thuốc và cơn ác mộng bất thường mà ông đã gặp đêm hôm qua.
Matt tìm cách trấn an
- Nếu cậu muốn biết ý kiến của tớ thì hãy quên câu chuyện đó đi và bớt vơ việc vào mình đi thôi.
- Cậu không thể tưởng tượng được giấc mơ đó giống như thật và khiến tớ phải suy nghĩ đến mức nào đâu. Thật là lạ.. rất lạ khi gặp lại chính mình ở tuổi ba mươi.
- Cậu thực sự tin rằng chính những viên thuốc đã khiến cho cậu trở nên như vậy sao?
- Thế còn gì khác nữa?
- Rất có thể cậu đã ăn phải thứ gì đó không được tươi cho lắm. Matt đoán mò. Theo tớ, cậu đến cái cửa hàng bán đồ ăn Tàu đó hơi nhiều quá...
- Thôi đi...
- Tớ nghiêm túc đấy. Đừng có đặt chân tới chỗ lão Chow đó nữa: cái món vịt quay, tớ tin chắc là thịt chó đấy...
***
Phần còn lại của bữa ăn diễn ra trong không khí vui vẻ. Matt được phú cho biệt tài phân phát niềm vui xung quanh mình. Mỗi khi ở bên cạnh bạn, Elliott quên hẳn những ý nghĩ tối tăm và mọi lo âu. Cuộc trò chuyện đã bắt đầu chuyển sang giọng bông đùa và giờ đề cập tới những chủ đề phù phiếm hơn.
- Cậu có nhìn thấy cô gái ở gần quầy bar không? Matt vừa hỏi vừa ăn một miếng chuối nướng rượu. Cô ấy đang nhìn tớ phải không nhỉ?
Elliott quay về phía quầy rượu: một cô gái xinh đẹp quyến rũ, đôi chân thon dài và đôi mắt nai tròn đang mơ màng nhấm nháp ly rượu Martini.
- Gái gọi đấy, anh bạn ạ.
Matt lắc đầu.
- Không hề.
- Cậu muốn đánh cược không?
- Cậu nói thế là vì cô ấy nhìn tớ.
- Cậu đoán cô ấy bao nhiêu tuổi?
- Hai lăm.
- Còn cậu?
- Sáu mươi, Matt thừa nhận.
- Chính vì thế mà đó là gái gọi...
Matt im lặng một vài giây trước khi kịch liệt phản pháo.
- Chưa bao giờ tớ sung sức như bây giờ!
- Chúng ta già rồi, anh bạn ạ, như thế đấy, cuộc sống là như vậy và tớ nghĩ cậu nên bắt đầu chấp nhận nó đi.
Matt nghĩ về điều hiển nhiên đó với đôi chút lo âu.
- Thôi, tớ phải đi đây, Elliott vừa nói vừa đứng lên. Tớ sẽ đi cứu thêm vài sinh mạng nữa. Còn cậu? Cậu có chương trình gì cho chiều nay?
Matt ném một cái nhìn về phía quầy rượu rồi rầu rĩ nhận ra rằng cô gái đang tán gẫu với một khách hàng trẻ tuổi. Một vài năm trước, có thể ông đã tới nẫng cô gái xinh đẹp này khỏi tay anh chàng tốt mã vô duyên kia, nhưng giờ thì ông cảm thấy mình đã yếu thế, giống như một anh chàng đấm bốc sắp sửa tham gia một trận đấu vượt quá hạng cân.
- Xe của tớ đậu ở bãi, ông vừa nói vừa đuổi kịp Elliott. Tớ sẽ đưa cậu về bệnh viện. Một ông già như tớ có lẽ sẽ cần phải khám tổng quát một chút...