Chương 2: Hồi kinh
Từ Yến Châu một đường hướng về phía Nam, đi qua Quảng Dương, Bạch Đàn, khi đến Mật Vân, kinh thành đã ẩn hiện ở xa xa.
Thu đến trời lạnh, đất Bắc đổ trận tuyết đầu tiên, nhưng ở phụ cận kinh thần vẫn mát mẻ dễ chịu, thích hợp để xuất hành. Gần tới buổi trưa, một đội tinh kỵ dọc theo đường cái đi tới, người dẫn đầu phóng tầm mắt, thấy cách đó không xa có một quán trà dựng ven đường, liền nhẹ nhàng nhấc dây cương, thả chậm tốc độ, chờ xe ngựa phía sau chạy tới, liền nghiêng người gõ hai cái lên vách toa xe, xin chỉ thị: “Tướng quân, chúng ta đã chạy cả một đêm, hay là nghỉ chân một chút đã, rồi hẵng tiếp tục gấp rút lên đường?”
Màn xe hé ra một khe hở, thanh âm trầm thấp của nam nhân xen lẫn với mùi thuốc đắng bay ra: “Phía trước có chỗ nghỉ chân hả? Nghỉ ngơi tại chỗ đi, các huynh đệ cực khổ rồi.”
Nam nhân nọ nhận lệnh, đoàn người liền phóng ngựa lao nhanh về phía quán trà, nơi đi qua bụi tung mù mịt, khiến người đi đường nghỉ chân trong lều che nắng dồn dập liếc mắt.
Đội nhân mã này không có cờ hiệu, ai nấy đều mặc võ bào màu xanh có tay áo hẹp, vóc người rắn rỏi, khí thế nghiêm trang, dù không thể hiện thân phận, song trên mặt cũng viết ba chữ lớn “Không trêu nổi”.
Chủ quán kinh nghiệm phong sương lâu năm, đã quen thấy người đến người đi, cũng không nói nhiều. Nam nhân đầu lĩnh xuống ngựa, đưa ra một nén bạc nhỏ, lệnh cho thủ hạ đi uống trà nghỉ ngơi; hắn lại tìm một cái bàn ở chỗ râm mát, lau chùi sạch tinh, dặn dò chủ quán chuẩn bị trà nóng và mấy món nho nhỏ, rồi đi ra ngoài cửa, dìu một công tử trẻ tuổi mặt trắng khí nhược, trông như ma ốm từ trên xe ngựa xuống.
Người nọ bước chân tập tễnh, sắc mặt bệnh trạng, cần có người dìu mới đi được, khoảng cách chỉ từ xe ngựa đến quán trà mà đi mất nửa ngày. Đến khi y rốt cuộc ngồi trên bàn rồi, thân thể như không chống đỡ được nữa mà ho khan mấy tiếng, các khách nhân ngồi trong quán đều thở dài theo một hơi —— Nhìn mà cũng thấy mệt thay y.
Nói đến cũng lạ, nam nhân này tuy rằng trông như sắp tắt thở bất cứ lúc nào, song trên người lại có loại khí chất khó diễn tả, khiến người ta không thể dời mắt nổi. Y có một cái túi da tốt vạn người mới có một, không phải cái kiểu thanh nhã tuấn tú mặt như hảo nữ, sắc như xuân hoa đang được ưa chuộng, mà là mày dài mắt phượng, mũi cao môi mỏng, lộ vẻ sắc bén lẫm liệt vô cùng.
Vóc người nam nhân rất cao, dường như đã quen rũ mắt nhìn người khác, mí mắt luôn nửa nhấc nửa không, quanh thân tràn đầy cảm giác hờ hững mệt mỏi, lại gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương, cái bát sứ trọng lượng không nhẹ trong quán trà cũng như có thể đè gãy cổ tay y.
Mà khi y ngồi tĩnh tọa, sống lưng gầy gò lại thẳng tựa cán bút, giống như một cây trúc xanh vươn mình lên từ trong đất, một thanh trường đao được rèn luyện bởi kiếp hỏa, dù cho vết thương chồng chất, lưỡi đao sắc lạnh vẫn còn có thể uống máu, thân thể suy nhược cũng không ngăn được y bễ nghễ tứ phương, tung hoành thiên hạ.
Các khách thương rong ruổi bốn phương bất giác rướn cổ, như một bầy ngỗng nhìn chăm chú. Mãi đến khi công tử trẻ tuổi nọ chậm rãi uống hết một bát nước, đặt bát sứ lên bàn “Cạch” một tiếng: “Cổ của chư vị vươn dài đến độ có thể buộc đầu lừa rồi đấy, tại hạ trông có đẹp không?”
Mấy hán tử tinh tráng đang vùi đầu ăn uống bên cạnh nghe vậy thì lập tức run lên một cái. Đám ngỗng hậm hực thu mắt về, vẫn còn mấy kẻ đặc biệt nhiệt tình, vậy mà lại tiếp lời: “Vị công tử này là từ đâu tới đây? Cũng đến kinh thành sao?”
Tiêu Tuân vẫn luôn đi theo làm tùy tùng hầu hạ vị đại gia này, nghe vậy thì da đầu tê rần, chuẩn bị chỉ cần y nói một câu “Cút”, liền lập tức đem kẻ này treo lên cái cây ngoài cửa.
Ngờ đâu vị công tử có vẻ không thích phản ứng người khác kia lại bất ngờ khoan dung, bình thản trả lời rằng: “Từ thành Yến Châu ở phương Bắc tới, đến kinh để cầu y.”
Đoàn người bọn họ đều mặc thường phục, không đeo đao kiếm, xe ngựa cũng không phô trương quá lớn, đám hộ vệ mặc dù khí thế ép người, song vị công tử làm chủ nhân này lại ăn mặc bình thường, không giống tục lệ trong kinh thành, vậy nên khách thương liền suy đoán bọn họ có lẽ là thiếu gia của một gia đình giàu có ở Yến Châu xuất hành. Vì thành Yến Châu là trọng trấn quân sự ở biên quan, dân phong nhanh nhẹn, có nhà đem theo người xuất thân từ quân hộ cũng là bình thường.
Bèo nước gặp nhau, khách thương không tiện hỏi trực tiếp bệnh tình của y, bèn chuyển đề tài nói tới một chuyện mới mẻ khác: “Công tử từ phương Bắc đến, có từng gặp xa giá xuất hành của Phó tướng quân không? Lão nhân gia áo gấm về nhà, không biết phải phô trương cỡ nào!”
Tiêu Tuân suýt chút nữa thì sặc nước trà, công tử trẻ tuổi kia giương lên hàng mi dài, hỏi đầy hứng thú: “Phó tướng quân? Là cái vị Phó tướng quân mà ta biết ấy hả?”
“Đương nhiên. Ngoại trừ Tĩnh Ninh hầu, còn ai nổi danh như vậy nữa?”
Công tử trẻ tuổi có vẻ nổi hứng nói chuyện, bèn hỏi: “Ta thấy ngài dường như biết rất nhiều về Phó…… Phó tướng quân nhỉ?”
“Đâu có đâu có,” Người nọ vừa cười vừa liên tục xua tay, “Những thương hộ vãng lai Nam Bắc như chúng ta, ở trên đường thường nghe đồn đãi về Phó tướng quân! Mấy năm nay lão nhân gia trấn thủ Bắc Cương, đường phố thái bình, chuyện làm ăn của chúng ta tốt hơn trước đây không biết bao nhiêu. Bách tính trong kinh mỗi khi nhắc đến Phó tướng quân, đều không kìm được lòng kính nể. Ngươi không biết đâu, năm ngoái khi Phó tướng quân chỉ huy Bắc Yến thiết kỵ đánh bại Thát tử, ta mới chở da lông từ phương Bắc trở về, phố lớn ngõ nhỏ đều truyền khắp nơi, nói ‘Phó soái ở Bắc Cương, kinh sư được yên ngủ’. Nhân vật trong các buổi kể chuyện ở quán trà, trong xướng khúc, trong rạp hát, đều là ngài ấy.”
Thanh danh của Bắc Yến quân và Tĩnh Ninh hầu lớn đến nhường nào, từ điểm này có thể thấy được chút ít.
Bắc Yến thiết kỵ được xưng là phòng tuyến Bắc cảnh của Đại Chu, từ khi thành lập tới nay, vẫn luôn do Phó gia quản thúc. Tiền thân là quân biên phòng do Dĩnh Quốc công Phó Kiên thống lĩnh.
Người Trung Nguyên gọi dân tộc du mục thống trị thảo nguyên phương Bắc là Thát tộc. Mấy chục năm trước, nội bộ Thát tộc chia rẽ, bộ phận bộ lạc bị ép chuyển đến phía Tây, thông hôn qua lại với Hồ tộc và dân tộc Túc Đặc của Tây Vực, được gọi là Tây Thát; một bộ phận khác thì chiếm cứ Trung bộ và đồng cỏ tương đối dồi dào ở phía Đông, gọi là Đông Thát. Hai mươi ba năm trước, Nguyên Thái đế Tôn Tuần mới lên ngôi, bộ lạc Đông Thát hung hãn xâm lấn Đại Chu. Lúc ấy biên quân yếu nhược, một kích tan tác, mà người Thát binh cường mã tráng, thế như chẻ tre, ở Bắc cương trắng trợn cướp bóc tàn sát, thậm chí thanh trừng toàn bộ hai trọng trấn biên cảnh là Tuyên Khánh, Bảo Ninh đến trống trơn.
Khi tiên đế còn tại triều thì thái bình lâu ngày, hơn ba mươi năm không thấy chiến sự, chẳng ai ngờ Đông Thát lại chỉ huy Nam tiến, lại càng chẳng ngờ biên quân không đủ sức đánh nổi một trận, khiến địch nhân chỉ trong chớp mắt đã tiến sát đến cửa nhà.
Thanh âm chủ trương nghị hòa trong triều càng lúc càng lớn, Nguyên Thái đế chính trực thịnh niên, quyết không chịu theo tôn hướng của thiên triều thượng quốc là cúi đầu trước man di. Vừa đúng lúc Phó Kiên vì công trạng mà được điều chuyển từ Lĩnh Nam tới Cam Châu, Nguyên Thái đế liền đề bạt ông làm tiết độ sứ Cam Châu, dẫn quân đóng tại ba châu Cam, Ninh, Nguyên chống lại Đông Thát. Trong hai năm, Phó Kiên cùng hai người con trai và các tướng lĩnh dưới trướng tập kết mười vạn biên quân, quét sạch Thát tộc ở quan nội. Trưởng tử của Phó Kiên là Phó Đình Trung thậm chí còn vượt qua trường thành, dẫn quân đuổi thẳng đến phúc địa thảo nguyên, suýt chút nữa là đánh hạ vương thành Đông Thát, vì trên đường Phó Kiên bệnh ch.ết nên không thể đi tiếp. Sau chiến dịch đó, Phó Kiên được truy tặng từ Dĩnh quốc công lên làm trụ quốc tướng quân, Phó Đình Trung trở thành Dĩnh quốc công, cai quản quân đội ở ba châu Cam, Ninh, Nguyên. Thứ tử Phó Đình Tín được phong làm trấn quốc tướng quân, cai quản quân đội ở hai châu Yến, U.
Hai vị này dựng nên một phòng tuyến Bắc cảnh vững chắc cho Đại Chu. Biên quân do nhà họ Phó thống lĩnh được gọi là Bắc Yến thiết kỵ. Từ năm Nguyên Thái thứ sáu đến năm Nguyên Thái thứ mười tám, trong hơn mười năm này, dưới uy nhiếp của Bắc Yến thiết kỵ, Đông Thát tạm thời ngủ đông, biên cảnh an bình, chưa bao giờ xảy ra chiến sự quá lớn.
Mãi đến năm Nguyên Thái thứ mười chín, Phó Đình Trung bị thích khách Đông Thát ám sát, Đông Thát và Chá tộc ở Bắc cảnh kết làm liên minh, lại một lần nữa xâm phạm Đại Chu. Phó Đình Tín một mình thâm nhập trùng vây, cuối cùng tử trận nơi sa trường. Chuyện nguy cấp năm xưa lại sắp tái diễn, song lúc này triều đình đã không còn nhiều tinh binh lương tướng để dùng như năm đó, Nguyên Thái đế cũng không còn ý chí tiến thủ như ngày xưa nữa. Phái chủ chiến và phái chủ hòa ầm ĩ cãi nhau suốt mấy buổi chầu, cuối cùng đưa ra một quyết định hồ đồ nhất, nhưng cũng là sáng suốt nhất.
Bọn họ đẩy trưởng tử chưa đến nhược quán của Phó Đình Trung là Phó Thâm ra chiến trường. (Con trai ngày xưa đến hai mươi tuổi sẽ làm lễ đội mũ, gọi là nhược quán.)
Đông Thát và họ Phó có thâm cừu đại hận, chuyến này chính là vì báo thù mà đến, người nào gây họa thì người đó đi thu dọn cục diện rối rắm. Huống hồ Phó Thâm từ nhỏ đã theo cha và chú rèn luyện trong quân, nghe nói Phó Đình Tín thường cảm khái “Có người kế tục”, vậy y hẳn cũng miễn cưỡng được coi là “tướng soái tài năng”.
Lý do thoạt nhìn khá đầy đủ. Nhưng phóng tầm mắt nhìn về các đời triều đại, nào có đạo lý đại thần ăn no rồi lại nằm kềnh, rúc đầu rụt cổ ở hậu phương, để một thiếu niên đi đối mặt với sài lang hổ báo?
Vạn hạnh trong bất hạnh, Phó gia thật sự là một tập thể mang sao đầu thai, Phó Thâm thanh xuất vu lam nhi thắng vu lam (trò giỏi hơn thầy), là một kỳ tài lĩnh quân bất thế xuất.
Bắc Cương báo nguy, chỉ có thể cầu viện Đường Châu, Đồng Châu ở phụ cận, nhưng khi bị đẩy ra, Phó Thâm đã chẳng hi vọng có thể nhận được trợ giúp từ người mình bên kia, y thu nạp Bắc Yến thiết kỵ, nghênh chiến chủ lực Chá tộc ở tam quan Yến Châu, lại dùng đường khai thương và chuẩn nội làm điều kiện để mượn dã lương và bộ kỵ binh của Tây Thát, bọc đánh liên quân Thát – Chá từ Tây Bắc, chia đường kích phá, hai bên cùng đánh, mới giải nguy được cho Bắc cương.
Sau trận chiến dã lương gia nhập vào nội bộ, kỵ binh pha trộn vào Bắc Yến thiết kỵ. Phó Thâm lấy lý do chiến tuyến quá dài, điều động bất tiện, đem quyền quản lý quân biên phòng ba châu Cam, Ninh, U quy về trung khu. Sau cuộc chiến tam quan, Phó Thâm chính thức nhậm chức thống soái Bắc Yến thiết kỵ, được phong làm Tĩnh Ninh hầu.
Với công lao ngăn cơn sóng dữ của Phó Thâm, vốn có thể danh chính ngôn thuận phong kế thừa tước vị quốc công, nhưng Nguyên Thái đế lại dao động, hoàn toàn không để ý đến tổ chế, chẳng những cho phép tam gia Phó gia thay mặt cháu kế thừa tước vị Dĩnh quốc công, còn ngầm cho phép Phó Thâm từ phủ Dĩnh quốc công dọn ra ở riêng bên ngoài.
Người tinh tường đều nhìn ra đệ hạ đây là bị Phó gia dọa sợ, sợ nhà bọn họ tạo ra một Dĩnh quốc công “vạn thế lưu danh”.
Quả thực có một số người được định trước là sẽ đi ngược dòng nước. Trong mấy năm ngắn ngủi, Tĩnh Ninh hầu Phó Thâm tay cầm Yến Quan thiết kỵ, thoắt cái trở thành trụ cột vững vàng của Đại Chu, đương nhân bất nhượng mà ngồi vững ở vị trí cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt của hai tộc Thát – Chá. Những năm này Bắc Cương yên bình, bách tính phương Bắc an cư lạc nghiệp, quá nửa là công lao của y. Phó Thâm chỉ cần thân ở trong quân, cho dù có ngồi bất động làm một vật biểu tượng, cũng là uy hϊế͙p͙ to lớn nhất đối với dị tộc phương Bắc. (Đương nhân bất nhượng: việc nghĩa không chểnh mảng, việc nhân đức chẳng nhường ai.)
Bách tính tầm thường ba hoa chích chòe, công tử trẻ tuổi lại nghe như chuyện tiếu lâm, nhưng khi nghe đến câu “Kinh sư được yên ngủ” kia, ý cười lại hoàn toàn biến mất. Tiêu Tuân thấy y xuất thần, vội đi lấy ấm trà rót thêm cho y, cố ý ngắt lời: “Tướng…… Công tử, buổi chiều còn phải gấp rút lên đường, ngài dùng thêm mấy miếng điểm tâm đi.”
Công tử hoàn hồn, bưng chén lên uống một ngụm trà nóng, nhếch miệng, trong nụ cười thậm chí có chút ý giễu cợt, lẩm bẩm cảm thán, “Lời này truyền ra, sẽ khiến bao nhiêu người ngủ không yên đây.”
Bên cạnh có một khách nhân mang đấu lạp bị bọn họ gợi lên hứng thú nói chuyện, bèn oang oang xen vào: “Thường nghe người ta nói ‘Cường cực tắc nhục, thịnh cực tất suy’, các ngươi ngẫm lại mà xem, Tĩnh Ninh hầu ở Bắc Cương đánh trận nhiều năm như vậy, chẳng phải y rất ứng với câu nói này hay sao? Những tướng quân nổi danh trong quá khứ, không phải đoản mệnh thì cũng cô quả, bởi vì bọn họ đều tương tinh hạ phàm (mang sao hạ phàm), mệnh chủ sát phạt, không giống người bình thường. Theo ta thấy, Tĩnh Ninh hầu quá nửa cũng mang theo mệnh thất sát, cái chân kia không chừng chính là do tạo sát nghiệt quá nhiều…..” (“Cường cực tắc nhục, thịnh cực tất suy” nghĩa là quá mạnh thì ắt sẽ chịu nhục, quá thịnh vượng ắt có ngày suy bại.)
Một tiếng “Rắc” giòn tan vang lên, cái bát trong tay Tiêu Tuân bị bóp nát vụn, máu từ kẽ tay tí tách chảy xuống. Mọi người nghe tiếng thì cùng nhìn sang, đều ngạc nhiên vô cùng, trong quán trà nhất thời yên tĩnh khiến người ta lúng túng.
“Lực tay lớn quá, lần tới mua cho ngươi cái bát sắt, tránh cho ngươi làm hỏng đồ vật.” Sắc mặt công tử trẻ tuổi vẫn chẳng khác gì lúc trước, ung dung nói, “Đi bôi ít thuốc đi. Lát nữa đừng quên đền tiền đấy.”
Tiêu Tuân cúi đầu “Vâng” một tiếng.
Cuộc nói chuyện bị một màn vừa rồi cắt ngang, chẳng thể nào tiếp tục nữa, người kia liền nói sang chuyện thiên hoa loạn trụy thần tiên hạ phàm, cũng chẳng dùng lời may mắn tốt đẹp gì. Lần này là nát một cái bát trà, lần tới không chừng sẽ bị người ta xúm lại đánh cho một trận.
Chỉ có vị công tử kia hoàn toàn bất đồng, xem trò vui không chê chuyện lớn, mỉm cười nói: “Thú vị đấy. Theo như lời giải thích của vị huynh đài này, thể nào cũng sẽ đoản mệnh cô quả, Tĩnh Ninh hầu nếu đã tàn phế, xem ra chẳng bao lâu nữa sẽ lấy được vợ nhỉ.”
Tiêu Tuân: “……..”
Có người vỗ bàn đứng dậy: “Đại trượng phu nào lại lo không có vợ chứ! Bậc anh hùng hảo hán như Tĩnh Ninh hầu, muốn nữ nhân thế nào mà chẳng có!”
Có người phụ họa: “Đúng! Đúng vậy! Nếu ngài ấy thích nam sắc, có bao nhiêu nam nhi tốt cũng chờ gả cho ngài ấy ấy chứ!”
Trong quán trà tức thì bùng nổ một trận cười kinh thiên động địa.
Vì tiền triều xem nam hôn là phong nhã, vậy nên Đại Chu mặc dù cấm chỉ nam nam trong dân chúng cưới gả, nhưng các nhà quyền quý thì không bị cấm kỵ, thậm chí còn có tiền lệ hoàng đế ban nam hôn. Tĩnh Ninh hầu là con rể kim quy trứ danh trong kinh thành, người trong mộng của biết bao thiếu nữ khuê phòng, việc kết hôn lại chậm chạp chưa ước định, bởi vậy cũng có người đoán y có ham mê khác biệt.
Đề cập đến chuyện trăng hoa thế này, hứng thú buôn chuyện của mọi người càng lên cao. Công tử trẻ tuổi nọ không xen vào nữa, chỉ yên lặng lắng nghe bọn họ bình luận bàn tán cuộc đời của Tĩnh Ninh hầu, trên môi trước sau luôn mang theo chút ý cười, như thể đang nghe chuyện gì thú vị, đặc sắc lắm.
Yên lặng hồi lâu, Tiêu Tuân liền nhẹ giọng nhắc nhở: “Tướng…… Công tử, mặt trời đã lặn rồi, bây giờ chúng ta đi chứ?”
“À? Đi thôi.” Công tử trẻ tuổi nâng tay để Tiêu Tuân đỡ mình lên, uể oải chắp tay với mấy khách thương, “Các vị huynh đài, tại hạ vội vã vào kinh, xin đi trước một bước.”
Mọi người cũng nhao nhao chắp tay nói lời từ biệt với y. Tiêu Tuân dìu y lên xe, buông màn che xuống. Xe ngựa lộc cộc đi được mấy trăm bước, chợt nghe tiếng người bên trong nói: “Trùng Sơn, cho ta viên thuốc.”
“Nhưng không phải Đỗ tiên sinh bảo ngài uống thuốc trước nửa canh giờ sao?” Tiêu Tuân lấy từ trong ngực ra một hầu bao tinh xảo, bên trong đựng một bình sứ nhỏ màu trắng, “Phải hai canh giờ nữa chúng ta mới đến kinh thành mà.”
“Chớ nói nhảm,” Dưới màn có một bàn tay duỗi ra, cướp lấy bình sứ, “Đi lên trước nữa chính là kinh doanh (quân doanh ở kinh thành), chúng ta lừa gạt dân chúng bình thường còn được, nhưng đến kinh doanh nhất định sẽ bị nhận ra, đến lúc đó giả què sao mà kịp.”
Tiêu Tuân thầm nói: “Nhưng ngài vốn què thật mà……”
Công tử quỷ bệnh kia —— cũng chính là Tĩnh Ninh hầu Phó Thâm “mệnh chủ sát phạt” trong miệng chúng nhân, ngửa đầu nuốt một viên thuốc màu nâu to bằng đầu ngón tay, cười nhạo nói: “Trùng Sơn, ngươi cảm thấy một tướng quân có hi vọng khôi phục và một tên què hoàn toàn tàn phế, kẻ nào dễ khiến ngươi ngủ không yên hơn?”
Tiêu Tuân không nói gì.
Phó Thâm ném trả bình sứ vào ngực hắn, nhắm mắt chờ đợi cảm giác tê dại sắp lan tràn ra tứ chi, nhẹ giọng nói: “Đi thôi.”