Chương 12: Định Quốc Công Đinh Điền
Thư phòng Dưỡng Tâm Điện,
Thở dài một tiếng, Đinh Liễn lên tiếng:
“Người đâu?”
"Muôn tâu bệ hạ, nô tài có mặt". Kim công công bước vào quỳ xuống hô.
“Ngươi mau đi mời quốc công Đinh Điền lại đây”.
“Nô tài tuân chỉ”.
Thái giám nhận lệnh, đứng lên lùi ra ngoài rồi nhẹ nhàng khép cửa lại.
"Quốc công Đinh Điền là từ nhỏ đã đi theo lão cha, lòng trung thành không cần bàn cãi. Kiếp trước, chính Đinh Điền đã cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú, Phạm Hạp và hơn 40 quan tướng trung với Tiên Đế dấy binh khởi nghĩa phản kháng Lê Hoàn. Tuy rằng sau đó thất bại thảm hại nhưng tấm lòng trung nghĩa là không hề phải bàn cãi. Người này ta có thể tranh thủ..."
Đang suy nghĩ miên man thì tiếng nói của thái giám bên ngoài vọng vào.
“Bệ hạ. Đinh Quốc Công đã tới...”
“Cho mời vào”.
Cánh cửa mở ra, Đinh Điền bước vào, thấy Đinh Liễn đang đứng quay lưng, hai tay chắp về phía sau, mắt nhìn vào bức tranh Sơn Hà thì vội cúi xuống, hai tay vòng lên phía trước hô:
“Thần, Đinh Điền, khấu kiến bệ hạ..”
Lúc này Đinh Liễn quay lại, đi tới, cầm hai tay Đinh Điền đỡ lên, rồi nói.
“Trong này không có ai cả, Bác Điền cũng không cần đa lễ. Mau ngồi xuống, uống một chén nước cho ấm bụng rồi hãy nói chuyện.
Đinh Điền cảm động, nghe Đinh Liễn nói như thế biết Đinh Liễn coi mình như người nhà và có ý vẫn tiếp tục trọng dụng nên ông rất vui mừng. Làm người từng trải và lăn lộn trong giới quan trường ông rất hiểu chân lí "một đời vua, một triều thần"(*). Bệ hạ vẫn nhớ tình cũ quả thật đáng quý nhưng không vì thế mà ông lên mặt cậy già.
“Ngài là Quân, bề tôi là Thần, dù cho cùng là hoàng tộc thì cũng không thể bỏ mất cấp bậc lễ nghi”.
Biết Đinh Điền cũng là ý tốt và người này có tính cách con lừa nên cũng không miệt mài theo đuổi.
"Bác trước uống cốc nước vối nóng cho ấm bụng, trời mùa Đông lạnh lẽo, bác cũng chú ý giữ sức khỏe, giang sơn này vẫn cần đến bác gánh gồng". Nói đoạn, Đinh Liễn cầm lấy ấm nước đang ủ trong Chĩnh rót cho Đinh Điền.
Đinh Điền hoảng sợ vội cầm hai tay đỡ:
“Để đó cho thần, để đó cho thần. Tạ ơn bệ hạ ban nước”.
Cầm cốc nước ấm, hai tay run run. Đinh Điền cảm động quá. Trong khoảnh khắc, ông bỗng nhớ lại cái thời còn cầm quân dẹp loạn 12 sứ quân, khi gặp nhau bàn chuyện công sự, Đinh Liễn cũng khiêm cung, thân thiết như thế.
Sau này, khi Tiên Đế lên ngôi, mỗi người mỗi chức vụ, hai người cũng không còn đi lại gần gũi như thế nữa. Phần vì công sự bận rộn, phần vì giữ khoảng cách để cho Tiên Đế an tâm.
Nếu người thừa kế đi lại quá thân thiết với Thái sư đầu triều trong khi Hoàng Đế đang tại vị, khó tránh khỏi lòng nghi kỵ của Tiên Đế và dị nghị của bách quan. Gần vua như gần cọp, chân lý này tuyên cổ trường tồn.
Ngẩng đầu nhìn lên thấy Đinh Liễn sau khi khởi tử hồi sinh, thân thể thoát thai hoán cốt, trẻ lại như tuổi hai mươi, thần thái ung dung, khí chất cao quý, ông thấy hình ảnh Đinh Liễn của quá khứ như trùng điệp lại với hiện tại. Tuy có khác biệt về khí chất, thần thái nhưng thái độ vẫn thân thiết, khiêm cung như trước. Ông vội hỏi:
“Thưa bệ hạ, Ngài gọi thần đến là có chuyện gì ạ?”
“Bác Đinh Điền, chuyện Tiên Đế cùng ta bị đầu độc, bác có cách nhìn thế nào?”
Đinh Điền nghe vậy thì trầm ngâm, châm chước. Trong lòng ông phỏng đoán quả không sai, bệ hạ gặp ông sẽ hỏi về vấn đề này. Bệ hạ không hỏi thẳng hung thủ là ai mà lại hỏi cách nhìn của ông thế nào, rõ ràng ý tại ngôn ngoại, yêu cầu ở ông nhiều hơn. Quan sát sắc mặt và đoán ý qua lời nói của cấp trên cũng là một môn học vấn. Ông nhìn quanh một chút rồi nhỏ giọng:
“Sự kiện này nhắm vào Tiên Đế và bệ hạ là hai người trụ cột triều đình. Một người đang tại vị, một người có cơ hội thừa kế ngôi vị lớn nhất rõ ràng là âm mưu dọn đường cho sự soán ngôi. Kẻ nào được lợi nhất đương nhiên đáng nghi nhất”.
Nói xong, Đinh Điền liếc nhìn về phía Hậu cung. Đinh Liễn nghe vậy, chậm rãi nói:
“Một người đàn bà dù có làm chủ hậu cung cũng khó thành đại sự. Nhưng nếu không có sự giúp sức, cấu kết bên ngoài thì không thể hoàn thành sự kiện ám sát ngày hôm nay. Chỉ nói đến việc phá vỡ Long khí bảo hộ của Tiên Đế cũng là một vấn đề không nhỏ. Hơn nữa, trẫm hoài nghi kế hoạch này đã được lên kế hoạch từ lâu, tỉ mỉ từng khâu và lại là liên hoàn kế”.
Nghe đến đây, Đinh Điền hít một hơi lạnh, thấp giọng thì thào:
“Ý bệ hạ là sự kiện hồi tháng 3, cái ch.ết của Thái tử Đinh Hạng Lang?”
“Không phải...”
“Vậy là sự kiện Tiên Đế gia phong Đinh Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Toàn làm Vệ Vương năm ngoái?”
Đinh Điền hít sâu một hơi nói.
Đinh Liễn nhìn Đinh Điền thật sâu rồi gằn giọng:
“Trẫm chỉ e rằng kế hoạch đã có từ trước khi Vệ vương sinh ra. Thời điểm Vệ Vương sinh ra, kế hoạch mới chính thức khởi động. Thậm chí, trẫm cho rằng Vệ Vương cũng chưa chắc là cốt nhục của Tiên Đế. Đây là một âm mưu kinh thiên, một liên hoàn kế, một kế hoạch thiên y vô phùng”.
“Tiên Đế, Trẫm, Vệ Vương, Thái tử Đinh Hạng Lang, Trinh Minh, Ca ông hoàng hậu...đều chỉ là con cờ mà thôi...thậm chí ngay cả kẻ chủ mưu cũng là con cờ của kẻ khác cũng không hề hay biết...”
Nghe đến đây, trái tim Đinh Điền giật thót, hai tay run rẩy không vững, cốc nước sóng sánh bắn hết ra bàn. Ông biết rằng, mình đã suy nghĩ sự việc quá đơn giản, nhưng không ngờ lại phức tạp và dính líu nhiều đến thế. Kẻ đứng sau quá âm hiểm, mưu cao kế độc, tính toán mọi thứ không bỏ sót.
Có thể lập kế hoạch sớm đến tận 10 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa, kẻ này đúng thật là cao thủ. Hơn nữa, điều kinh khủng là hắn lại có thể nắm bắt tâm lí, tính cách, phản ứng, trạng thái của tất cả mọi người chuẩn không cần chỉnh, người như thế có thể tồn tại hay sao?
Hắn là ma quỷ hay là thần tiên? Dù là loại nào thì ông cũng không nguyện ý đối mặt. Nghĩ đến đây, cả người ông không được tự nhiên, lưng ông đã ướt đẫm vì mồ hôi.
Đinh Liễn liếc Đinh Điền một cái rồi im lặng, cho thời gian để Đinh Điền suy nghĩ thấu đáo. Đối với người thông minh mà nói, chỉ cần cho họ vài dữ kiện quan trọng, họ đều có thể vô sự tự thông, suy đoán ra cả một bức tranh.
Thấy Đinh Điền đã bình tĩnh trở lại, Đinh Liễn ném ra thêm một quả bom nặng ký:
Theo trẫm suy đoán, thế lực đứng sau sự kiện này không chỉ là thế lực hậu cung, quân đội mà còn liên quan đến cả tôn giáo. Phật môn tuy thế mạnh, căn cơ sâu dầy nhưng Đạo giáo cũng không kém.
Nếu không phải vậy, Tiên Đế cũng không chơi trò cân bằng quyền lực khi phong cho sư phụ của ta Khuông Việt làm chức Tăng thống ( tương đương vị trí đứng đầu Giáo hội phật giáo) và Trương Ma Ni Trương Đạo sỹ làm Tăng Lục ( tương đương lãnh tụ của Đạo giáo), đồng thời lại gả công chúa cho con trai Trương giáo chủ để kết thân.
Con trai làm đệ tử thế tục của Phật Môn, Con gái thì kết hôn với con trai của thủ lĩnh Đạo môn. (**)Không phải là để duy trì cân bằng thì là gì?
Khi triều đình thành lập thì tất nhiên sẽ phải sử dụng thế lực của Nho môn, một mặt lợi dụng Nho môn đào tạo nhân tài, gia tăng lực lượng quan lại, một mặt sử dụng tư tưởng Trung quân ái quốc của Nho môn để củng cố vương quyền, cai trị dân chúng.
Nói đến đây, Đinh Liễn tạm ngưng, liếc nhẹ qua Đinh Điền một chút rồi nói tiếp.
Thế cho nên, thế lực của Nho môn xâm nhập và lớn mạnh tại nước ta là điều tất yếu của lịch sử. Quốc miếu sẽ được xây, trường học sẽ được mở, thi cử sẽ được tổ chức, cái này gọi là Đại thế.
----
P/s:
(*) Thành ngữ: một triều vua, một đời thần là của người Hán ý chỉ Vua như thế nào, thần như thế đó. Khi vua mới lên thay thì đồng nghĩa triều thần cũng phải tẩy bài ít nhiều.
Thời hiện đại, chúng ta nhìn thấy hiện tượng này rất phổ biến. Mỗi khi một vị Thủ tướng, tổng thống lên chức thường giải tán chính phủ cũ, thành lập chính phủ mới với các nhân sự phù hợp với tư tưởng, chính sách của lãnh đạo đương quyền.
Trong các công ty và tập đoàn cũng vậy. Mỗi khi bổ nhiệm một ông sếp mới thì có nghĩa ekip cũ sẽ nghỉ việc hoặc chuyển công ty. Ekip lãnh đạo mới sẽ về thay thế. Điều này giúp ích cho lãnh đạo thuận lợi hơn trong việc thi hành chính sách, không bị cản trở bởi những người khác hệ.
(**) Các tình tiết này là sự thật được ghi trong chính sử và cả dã sử. Đinh Tiên Hoàng cùng lúc muốn tận dụng cả hai tôn giáo. Phật giáo có mạnh hơn nhưng lấy Đạo giáo làm thế cân bằng, đối trọng. Thuật Đế Vương ngày xưa thường dùng thủ đoạn như vậy.