Chương 82: Chủ nghĩa Dân Tộc Quốc Gia

Nghị sự phòng,
Đinh Liễn nhìn qua nhóm tứ trụ,
“Các vị thấy ý tưởng của Lương Ngọc như thế nào?”
Thái sư Nguyễn Bặc lên tiếng:


“Muôn tâu bệ hạ, hạ thần cho rằng ý kiến của Lương Đại Nhân hoàn toàn đáng giá nghiên cứu. Đất nước ta đã loạn lạc quá lâu. Cả hơn 1000 năm bao nhiêu cuộc nổi dậy khởi nghĩa đều kết thúc trong thất bại rõ ràng là do chúng ta không có một hệ tư tưởng dẫn đường”.


“Từ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng...đều không giữ nổi thành quả. Cho nên nhu cầu có một hệ tư tưởng lãnh đạo là lửa xém lông mày. Nếu không phải bệ hạ nhắc nhở thì chúng thần quả không nghĩ tới”.
Thái Phó Lưu Cơ cũng tiếp lời:


“Trước đây, chúng thần cứ nghĩ do quyết tâm của chúng ta không đủ hoặc do lạc hậu về kinh tế, vũ khí, quân đội...nên không thể giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc nhưng giờ được bệ hạ chỉ điểm mới thấy rõ những suy nghĩ này quá ngây thơ.


Nếu không phải thời kỳ này nhà Đường loạn lạc chia năm, xẻ bảy thì chúng ta cũng khó mà giành được nền độc lập thành công”.
Đinh Liễn mỉm cười lấy tay ra hiệu:


“Thật ra, Tiên Đế có thể thành công dẫn dắt mọi người chiến đấu thống nhất đất nước và khai quốc lập triều không phải chỉ do bên phương Bắc chia năm xẻ bảy. Mà bởi vì suốt cả ngàn năm bị đô hộ đã thức tỉnh trong ý thức dân tộc ta một hệ tư tưởng mới. Chẳng qua, các ngươi chưa từng nhận ra đó thôi”.


available on google playdownload on app store


“Ồ. Thật vậy sao bệ hạ? Chúng ta có một hệ tư tưởng ư? Sao chúng thần không biết?”
Các đại đô đốc nhao nhao lên tiếng. Định Quốc Công Đinh Điền mắt sáng lên tay chỉ vào chính mình thì thào:
“Ý bệ hạ là chỉ...cái đó...”


“Đúng vậy. Định Quốc Công đã đoán ra. Đó chính là ý thức dân tộc. Ý thức độc lập và tự chủ. Bởi có cỗ ý thức này gắn kết mà từ thời Khúc Tiết Độ sứ, Ngô Vương đã quy tụ được rất nhiều anh hùng hào kiệt bên cạnh. Nhưng phải đến khi Tiên Đế lãnh đạo nghĩa quân thì ý thức dân tộc mới thật sự lớn mạnh như hạt mầm chui ra khỏi bùn đen. Tuy còn yếu ớt nhưng đã bắt đầu tiếp nhận ánh mặt trời tẩy lễ”.


Mọi người lúc này mới tỉnh ngộ. Hóa ra có những thứ hàng ngày mọi người vẫn sử dụng nhưng lại không biết gọi nó là gì? Cho dù có biết tên gọi nhưng lại không thực sự hiểu được tầm quan trọng của nó. Dẫn đến nhiều khi cứ tưởng mình không có nên bỏ gần lấy xa.


Thái Bảo Trịnh Tú sáng mắt hỏi dồn.
“Bệ hạ. Bệ hạ tính sử dụng hệ tư tưởng dân tộc ư?”


“Đúng, nhưng không đúng. Tinh thần dân tộc bây giờ chỉ là một cỗ ý thức. Nó chảy trong huyết quản và suy nghĩ của chúng ta nhưng nó vẫn chưa trở thành tư tưởng, càng không phải một hệ tư tưởng”.


Mọi người cảm thấy hơi rối, những từ ngữ mà Đinh Liễn sử dụng quá mới lạ, tân tiến nên nhất thời chưa thể hiểu một cách chính xác. Kể từ khi Đinh Liễn hồi sinh đến giờ, bệ hạ dùng rất nhiều từ lạ, bọn họ phải chạy theo liên tục để có thể hiểu một cách chính xác ý muốn biểu đạt.


Đinh Liễn thật ra cũng mệt mỏi chứ? Nói mà người khác không hiểu phải đi giải thích thì mệt mỏi là phải rồi. Ngôn ngữ thời hiện đại và ngôn ngữ thời này cách nhau cả ngàn năm, biết bao nhiêu sự đổi thay và khác biệt. Cho dù hắn có trí nhớ của kiếp này nhưng thói quen sinh hoạt, tư duy, nói năng lại là của thời hiện đại, nhất thời không thể chuyển hóa một cách tinh tế.


Cho nên bây giờ hắn cần cảm thấy phải giải thích một khóa về Triết học cho các đại thần ở đây:
“Như vầy. Ý thức tức là ý nghĩ. Hàng ngày chúng ta suy nghĩ thì được gọi là ý thức. Ý thức về chủ quyền, độc lập và dân tộc là một phần trong các ý thức thường xuyên sử dụng.


Khi chúng ta hệ thống tất cả các suy nghĩ, ý thức về cùng một chủ đề là dân tộc một cách đầy đủ và toàn vẹn thì gọi là tư tưởng.


Khi chúng ta đưa các tư tưởng đó biến thành văn tự , văn bản, đồng thời còn có thêm các phương pháp luận thúc đẩy sự phát triển và được mọi người công nhận thì gọi là Hệ tư tưởng, học thuyết hay chủ nghĩa.


Ở đây, trẫm muốn cùng các khanh thảo luận là tìm cách để ý thức dân tộc trở thành một hệ tư tưởng hoàn chỉnh. Chủ nghĩa dân tộc sẽ thành kim chỉ nam, thành ngọn đuốc soi sáng đất nước ta đi lên. Chúng ta, những người khai sáng ra học thuyết này sẽ có tư cách sánh vai với các thánh nhân như Khổng Tử, Lão Tử, Thích ca...tuy rằng họ là một người, chúng ta cần nhiều người hơn nhưng tư cách thì đủ rồi.


Các khanh nghĩ mà xem, sau này trăm năm, ngàn năm, vạn năm nữa con cháu của chúng ta vẫn tưởng nhớ và vinh danh chúng ta trở thành những người khai sáng của cả một thời đại. Quả là vinh dự tột cùng ? Những ai đang ngồi trong căn phòng này đều sẽ được ghi chép và lưu danh muôn thuở. Cơ hội này, các ái khanh có muốn hay không?”


Mọi người trợn tròn mắt, miệng há to ra nhìn Đinh Liễn. Họ đã bị Đinh Liễn trấn trụ đến mất hồn, mất vía. Trời ạ. Họ đang nghe được cái gì? Bệ hạ đang muốn làm một việc kinh thiên động địa. Ý nghĩ này quá vĩ đại, quá to lớn.


Khai sáng tư tưởng thời đại ư? Lão tổ của cả một hệ tư tưởng? Trở thành thánh nhân ư? Muôn đời lưu truyền ư? Bệ hạ muốn làm Thiên Cổ Nhất Đế? Bọn họ sẽ là Tòng Thánh chi công? ...Hàng trăm câu hỏi xẹt xẹt qua trong não khiến họ cảm giác như đầu mình không đủ dùng.


Mãi một lúc sau họ mới tỉnh hồn. Trong lòng vui sướng như điên. Bây giờ họ muốn quyền có quyền, muốn vinh hoa phú quý có vinh hoa phú quý, lẽ ra họ chỉ ăn nằm chờ ch.ết. Nhu cầu còn lại chỉ có thể là lưu truyền thiên cổ. Nhưng nghĩ là một chuyện, thực hiện lại là một chuyện. Nay bệ hạ chỉ dẫn một hướng đi mới giúp bọn họ tân sinh. Không đồng ý có mà bị lừa đá vào đầu. Công việc này nhất định phải nhận, dù có ch.ết cũng phải nhận.


“Bệ hạ. Chúng thần nguyện ý”.
“Bệ hạ, nhất định phải cho thần tham gia”.
“Bệ hạ...”
Cả đám quần thần nhao nhao tranh nhau xung phong nhận việc. Tinh thần phấn trấn như đánh máu gà.


Đinh Liễn cười to. Trong lòng thì vô cùng đắc ý. Miếng bánh nướng này khi hắn tung ra chắc chắn bọn họ sẽ dính mồi, tranh nhau mà đoạt. Hắn cũng chả thèm độc chiếm mà lựa chọn chia sẻ.


Thứ nhất, ý thức tư tưởng dân tộc đã có sẵn, sớm muộn gì cũng có người hệ thống lại. Không có hắn đầu têu thì chắc chắn sẽ có người khác khai mở. Thứ hai, hắn cũng chỉ biết sơ sơ về chủ nghĩa dân tộc, việc hệ thống lại thành học thuyết hay chủ nghĩa là làm việc trí óc quá mất nhiều công sức và thời gian để hoàn thành. Hắn chia sẻ công lao để có đám người nghĩ giúp, dù sao công lao của hắn không phải to nhất ư?


Thứ ba, thời này các đại tộc còn thói quen cát cứ, tức tự nuôi quân đội riêng. Đây chính là mầm tai họa nội loạn. Hắn cần tìm cách tước bỏ quyền này hoặc ít ra phải hạn chế. Nếu không, sớm hay muộn cũng sẽ gặp vạ. Chính biến vừa rồi không phải như thế hay sao?


Nếu nhóm Lê, Dương, Nguyễn, Phạm không có sức mạnh quân sự trong tay thì làm sao lá gan lại mập như thế. Cái này cũng nói rõ Đinh Tiên Hoàng làm cách mạng chưa triệt để cho nên mới rước họa vào thân. Cho nên, cột những đại thần của các gia tộc lớn lại là rất cần thiết. Hắn phải kiếm việc cho họ bận rộn, tránh cái kiểu rảnh rỗi sinh nông nổi, nhàn cư vi bất thiện. Hừ hừ.


“Được rồi. Tất cả mọi người ở đây đều có phần. Không cần phải tranh. Nhưng mà, ai cống hiến nhiều hơn thì người đó sẽ được xếp hạng phía trên cho công bằng. Hoàn thành xong sẽ được đúc tượng, dựng bia, ghi chép cuộc đời sự tích để con cháu muôn đời ca tụng.


Trên nguyên tắc như Lương Ngọc đã nói. Tham khảo tư tưởng Phật, Đạo, Nho, Mẫu và ý thức dân tộc cho vào một lò để lấy những cái tinh hoa , loại bỏ những tư tưởng không phù hợp. Xây dựng một hệ tư tưởng mới cho dân tộc ta. Đó chính là chủ nghĩa dân tộc quốc gia.


Chủ nghĩa dân tộc là để bảo tồn văn hóa, dòng máu, lãnh thổ, chủ quyền, tinh hoa của người Việt. Chủ nghĩa quốc gia là để dung hợp và ràng buộc nhiều dân tộc khác nhau vào cùng một lãnh thổ.


Nói như thế này cho dễ hiểu, một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh tồn trong đó dân tộc Kinh chúng ta chính là dân tộc lãnh đạo đất nước. Triều đình chính là tổ chức thống trị dân tộc, đất nước. Và Hoàng Đế chính là tinh hoa của triều đình.


Dân tộc và quốc gia như âm và dương, là nhu và cương, có bản sắc lại đa bản sắc. Chủ nghĩa dân tộc quốc gia sẽ giúp triều đình ta củng cố và chuẩn bị cho việc mở rộng lãnh thổ, đồng hóa các dân tộc khác sau này”.


Quần thần hiểu ý gật đầu. Bệ hạ quả thật mưu lược thâm sâu, đi một bước tính ba bước. Mới chuẩn bị cũng cố triều đình thì tầm mắt đã nhìn thấy mục tiêu của cả thiên hạ.
----


P/s: Những chương này theo tác là vô cùng quan trọng. Không có một học thuyết, một tư tưởng, một chủ nghĩa dẫn đường thì tất cả những thành tựu về quân sự hay kinh tế cũng chỉ là bọt nước. Hệ tư tưởng mới chính là căn cơ tồn tại và phát triển của mỗi chế độ xã hội.


Giống như ở Trung Quốc vây, thời đại Xuân Thu Chiến Quốc bách gia chi tử, trăm nhà đua tiếng chính là giai đoạn thai nghén và đặt căn cơ cho đất nước họ suốt mấy ngàn năm. Dù triều đại thay đổi nhưng những học thuyết và tư tưởng đó vẫn mãi tồn tại cho đến ngày nay.


Đại Cồ Việt cũng nên sinh ra những hệ thống tư tưởng như vậy để đặt nền móng cho cả dân tộc mãi sau này.






Truyện liên quan