Chương 31: Lời cuối truyện: Chút vụn vặt về hai mươi và tám mươi
“Tình yêu đan xen thời gian” hoàn thành vào tháng bảy năm 1993, sau đó tôi được cho biết bản thảo được thông qua, tháng mười một xuất bản; lúc đó tôi cảm thấy mình chỉ là một vị khách qua đường trong giới ngôn tình, căn bản không định viết tiếp, quyển truyện ấy là quyển duy nhất trong đời được in thành sách, vậy cứ dùng tên thật để kỷ niệm.
Mà bây giờ…..tác phẩm vốn dùng tên thật để kỷ niệm kia đúng là một kỷ niệm hiếm thấy. Bởi vì chỉ có quyển đầu tiên được in mới có, đến quyển thứ hai, nhà xuất bản sẽ gọi điện thương lượng: cô lấy bút danh đi. Thế là, tôi cũng lấy bút danh mà không ngờ bút danh này lại dùng đến bây giờ chứ không phải chỉ dùng hai ba lần rồi chìm nghỉm trong biển sách mênh mông.
Một bút danh có thể dùng đến hai mươi năm cũng là điều hiếm thấy; ngay cả bản thân tôi cũng không dám tin tưởng, suýt nữa đi mua bánh kem tự ăn mừng cho chính mình; trên bánh kem viết: Tịch Quyên, sinh nhật hai mươi tuổi vui vẻ.
Sau đó tôi lại nghĩ, dù sao mình cũng đã qua cái tuổi ăn uống thả cửa cũng sẽ không béo phì rồi, loại chuyện như mua bánh kem chỉ nghĩ thôi là được, chứ nếu làm thật thì ăn xong sẽ khiến tôi vô cùng phiền não mất. Cho nên, rêu rao trong phần cuối truyện là được chứ đừng kiếm chuyện với thân thể của mình.
Tuy luôn viết nhưng sau khi viết nhiều năm, tôi thường hay có cảm giác rằng tác phẩm mình đang viết có lẽ là quyển cuối cùng! Đâu ngờ hết năm này đến năm khác, dù mỗi ngày sáng tác ít nhưng luôn không ngừng nghỉ, một năm còn có thể viết hai ba quyển, điều này đối với tôi mà nói thật sự là rất cừ.
Người sáng tác bình thường chỉ duy trì nhiệt huyết ở năm năm đầu; năm năm sau đó sẽ tự sinh ra nhận thức với mình rằng “ồ, mình là một tác giả chuyên nghiệp này!”, lúc đó sẽ có lòng cầu tiến rất mạnh, cảm thấy mình phải có đạo đức nghề nghiệp nên có, thế là sẽ tìm về một số lượng lớn sách, cảm thấy tự mình cần mở rộng tầm mắt, trau dồi kiến thức, mỗi lần sáng tác đều phải càng dụng tâm hơn càng cẩn thận hơn càng phong phú hơn_____
Yêu cầu với bản thân nhiều thì người bị hành hạ không chỉ có chính mình mà còn có độc giả____được rồi, tôi thừa nhận là tôi tùy hứng, luôn thỏa mãn ước muốn sáng tác của mình trước tiên rồi mới nghĩ đến vấn đề độc giả có thích chuyện này hay không. Tôi luôn cảm thấy mình đã có may mắn làm một người sáng tác thì đương nhiên phải trút hết những thứ trong đầu cho thỏa thích, vậy mới không uổng phí.
Sau mười năm sáng tác, chí khí tràn trề “ta là tác giả” đã bị mài mòn gần hết, tâm cảnh cũng bình lặng lại. Không còn quá để ý phê bình của độc giả, không còn khổ sở vì những bình luận ác ý trên mạng, đương nhiên, cũng không quá hồi âm nữa; sau đó, mỗi lần viết một quyển đều nghĩ rằng: đây hẳn là quyển cuối cùng nhỉ_____năm thứ hai mươi, khi viết quyển thứ tám mươi, tôi vẫn nghĩ như vậy….
Tôi nghĩ, bất kỳ một người sáng tác nào cũng rất khó phác thảo được cả đời làm nghề này của mình.
Chúng tôi thừa nhận, khả năng sáng tác của một người là có hạn. Dù chưa từng dừng bút không có nghĩa là luôn đổi mới mà đa phần là lặp lại phong cách của mình, những câu chuyện viết khác đi cũng không khác quá nhiều. Tuy có tâm muốn đột phá nhưng nhận ra không dễ dàng như vậy; thế nên, người luôn sáng tác hai mươi năm như tôi cũng không dám nói mình có thể sáng tác đến năm thứ ba mươi hay bốn mươi……Mấy con số này kêu lên rất dọa người! Nếu thật sự có thể như vậy, tôi cũng sẽ sùng bái với sự kiên trì bền bỉ vĩ đại của mình.
Thôi, quay lại đề tài chính. Sau khi nhiều lần bấm ngón tay xác định mình thật sự đã viết được hai mươi năm, tôi mới nhận ra, kỳ thực mấy năm nay lượng sáng tác của tôi tương đương với trạng thái nửa về hưu rồi! Khi tôi càng xem trọng nghề nghiệp này thì sẽ càng cẩn thận. Đồng thời, càng có ý định mỗi lần đều phải viết khác nhau, dù biết rõ rằng sức sáng tác không thể nào cuồn cuộn không dứt, nhưng cứ luôn gây sự với chính mình, thế là, viết chậm lại, ra sách ít hơn, hơn nữa cứ luôn không hài lòng với chính mình…….tôi luôn tự tìm phiền toái, cả đời này có lẽ cũng không thay đổi được.
Tôi không rõ những tác giả ngôn tình xuất đạo cùng thời với mình còn bao nhiêu người vẫn kiên trì sáng tác nhưng tôi biết hoàn cảnh thị trường cực kỳ ác liệt, trong nhà sách ở Đài Loan ngôn tình không còn là thời kỳ cường thịnh chiếm nửa giang sơn nữa mà bây giờ đáng thương tội nghiệp nấp trong quầy sách nhỏ nơi xó xỉnh, không đất cắm dùi. Thời kỳ thịnh vượng và xuống dốc của ngôn tình, tôi đều đã trải qua. Thân là một thành viên trong đó, tôi từng rất khổ sở, từng rất căm giận bất bình, từng rất hoang mang, cũng từng có ý nghĩ từ bỏ.
Nhưng, bất kể tâm tư thay đổi thế nào, bất kể tiếc nuối bao nhiêu vì sự xuống dốc của ngôn tình, từ đầu đến cuối tôi vẫn không có dũng khí chân chính buông bút___tôi yêu ngôn tình hơn nửa đời người, tôi là tác giả, lại càng là độc giả, luôn tâm niệm trong lòng rằng vất vả lắm mới làm tác giả, sao nỡ đành buông bút?
Thế gian này làm độc giả cả đời rất dễ nhưng nếu muốn làm tác giả cả đời là hi vọng xa vời, đặc biệt trong thời đại ngày nay lại càng là như thế.
Bởi vì yêu, cho nên không từ bỏ.
Bởi vì không dễ dàng, cho nên không buông được.
Mặc dù tôi cũng không biết tôi sẽ viết đến khi nào, nhưng cứ luôn cảm giác rằng cứ chống đỡ tiếp, gắng gượng tiếp, trong đầu còn có cốt truyện, hai tay còn có thể viết, nhà xuất bản còn sẵn lòng xuất bản cho mình, vậy thì, cứ tiếp tục thôi, đến khi tận mắt thấy một thời mới lại phất nó lên một lần nữa, đến lúc đó, dù có thoái lui cũng cam tâm hơn một chút.
Được rồi, không nói mấy thứ này nữa. Nói về truyện lần này của chúng ta đi.
Về hệ liệt “Bộ bộ tinh tâm” này, từ đầu tháng hai nhà xuất bản đã gọi muốn tháng sáu xong bản thảo, tức có hơn bốn tháng thời gian. Quãng thời gian này, tôi ôn lại cảm giác gấp rút đã nhiều năm chưa cảm nhận, người vốn quen chậm rãi hoàn thành bản thảo bỗng chốc phải hoàn thành trong thời gian giới hạn, thật vô cùng khó.
Nói thực, tôi tháng sáu mới nộp bản thảo đã là muộn hơn người khác rất nhiều rồi. Không phải không muốn nhanh nhưng khó, gần mười lăm vạn chữ, viết đến mức khiến tôi thở hồng hộc, ch.ết cả đống tế bào não, đúng là có sách thì sẽ có động lực, bất kể thế nào cũng phải để tác phẩm tốt hơn một chút, thế là lại càng tính toán chi li với nội dung cũng như câu chữ; càng đừng nói viết cổ đại phải tr.a tìm rất nhiều tư liệu, tuy hiện nay internet rất tiện lợi nhưng đôi khi bạn phải hiểu rõ hướng mình tìm mới có thể đưa vào chữ mấu chốt, đúng không?
Ví dụ như, khi tôi quyết định để nữ chính mười tuổi thi đậu tú tài, vậy thì tôi phải tìm được chứng cứ để thuyết phục chính mình rằng tuổi nhỏ như vậy mà thi đậu tú tài không phải là không có khả năng. Thế là, tôi lên mạng hết tr.a lại tìm, cuối cùng cũng tìm được trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử__Mạc Tuyên Khanh. Đó là người thời Đường Tuyên Tông, mười hai tuổi thi đậu tú tài, mười bảy tuổi thi đậu trạng nguyên, tuy bất hạnh trẻ tuổi mất sớm nhưng sự tích về cậu đến nay vẫn được lưu truyền ở quê nhà, được xây “Trạng nguyên từ”, cúng bái vào lễ tết.
Lại ví dụ như, tôi phải tìm trong lịch sử liệu thật sự có nữ trạng nguyên không? Sau đó, tôi phát hiện là có, khoa khi của Thái Bình Thiên Quốc mở đã cho ra một nữ trạng nguyên. Nữ trạng nguyên ấy tên Phó Thiện Tường, nghe nói tài mạo song toàn hiếm thấy, đáng tiếc Thái Bình Thiên Quốc chưa được mấy năm liền bị diệt vong; chủ trương nam nữ bình đẳng của Thái Bình Thiên Quốc đương nhiên cũng theo sự sụp đổ của chính quyền mà hóa thành bọt nước trong con sông dài lịch sử, tất cả những điều từng không được lịch sử xem trọng đều không cách nào kiểm chứng, hết thảy chỉ có thể trở thành “nghe nói”.
Viết truyện cổ đại chính là như vậy, độc giả sẽ không tích cực với bạn, nhưng tác giả lại luôn gây sự với chính mình, luôn cảm thấy phải cố hết sức tìm tư liệu lịch sử để thuyết phục bản thân về tính hợp lý của những điều mình viết. Dù sao cũng có thể nhân đó mà trau dồi kiến thức, đúng không?
Cho nên nói, viết truyện cố đại đúng là một chuyện vừa vui sướng vừa đau khổ.
Tóm lại, bị sách của mình hành hạ hơn bốn tháng, sau khi viết xong, tôi cảm thấy như tróc một lớp da, đồng thời lại đầy cảm giác thành tựu, cảm thấy cái đầu rỗng của mình được bổ sung không ít kiến thức.
Phi Điền hiếm khi thiết kế hoạt động sách lần này, tóm lại là tôi viết rất vui thích, tôi nghĩ những tác giả khác tham dự cũng có cùng tâm trạng giống tôi, sau khi nỗ lực sáng tác vừa hồi hộp vừa mong đợi phản ứng của các bạn độc giả.
Đây là quyển thứ tám mươi được tôi hoàn thành vào năm sáng tác thứ hai mươi. Tôi thích mấy con số này, thích cái năm này, thích câu chuyện này; cũng như, vừa khéo vào thời điểm này lại có hoạt động sách. Trùng hợp và viên mãn. Cảm giác thật tuyệt.
Hi vọng mọi người cũng thích quyển sách này như tôi vậy.
Tịch Quyên.