Chương 8: Quyết chẳng rời xa
Phương Đăng lục tung tầng hai lên, chỉ tìm ra một lượng thuốc cảm nhỏ. Chút thuốc đó không đủ để đối phó với bệnh tình đang chuyển biến xấu của Phó Kính Thù. Xem tình trạng phát sốt và mê man của cậu ta, nếu không hạ nhiệt kịp thời, không biết chừng sẽ trở thành sưng phổi.
Ngoài cửa sổ trời đã tối, lúc này cô nhi viện đã vào giờ giới nghiêm, chẳng thể trông mong cậu binh tôm tướng cá A Chiếu sang giúp, già Thôi đoán chừng chắc không về kịp lúc này. Phương Đăng không biết nhờ ai cùng dìu Phó Kính Thù đến trạm y tế, chỉ đành miễn cưỡng để cậu nằm trở lại ghế tựa, một mình chạy đi tìm bác sỹ.
Trên đảo chỉ có một trạm y tế duy nhất, thường ngày sau tám giờ, y bác sỹ đều tan ca về nhà cả. Phương Đăng cắm đầu chạy, đến trước cửa trạm y tế, con bé thở không ra hơi, tóc tai rối bù, mừng rỡ khi thấy bên trong đèn vẫn sáng.
“Bác sỹ…” nó đẩy cửa bước vào, phát hiện ra bên trong chỉ còn bà lao công đang lau nhà.
“Đóng cửa rồi.” Người đàn bà đang cắm cúi lau ngẩng lên nói.
Phương Đăng ngước nhìn đồng hồ treo trên tường. Đồng hồ chỉ tám giờ mười phút.
“Nhưng… nhưng có người bệnh đang ốm nặng!”
“Bác sỹ vừa tan ca xong. Bệnh thường thường thì sớm mai đến, nặng thì cáng vào thành phố.”
“Bác sỹ sống ở đâu ạ ? Cháu đi tìm ông ấy.” Phương Đăng không cam tâm nói.
Bà lao công tiếp tục chậm chạp kéo qua kéo lại cái giẻ lau sàn. “Sống trong thành phố.”
Phương Đăng chẳng nói chẳng rằng quay đầu chạy thẳng ra bến tàu, nếu may mắn nó sẽ kịp chặn ông bác sỹ trước khi ông lên tàu. Trạm y tế tới bến tàu gần bằng khoảng cách từ đầu nọ sang đầu kia hòn đảo, đến khi Phương Đăng gập bụng thở dốc dưới ánh đèn sáng choang trên bến, cũng là lúc còi báo hiệu tàu rời bến vang lên.
Cái đuôi gà bướng bỉnh giờ xõa tung qua hai vai, gió biển mơn man mấy lọn tóc bám hờ gương mặt dậy lên cảm giác lâm râm khó chịu. Cổ họng nó như có ngọn lửa đang bốc cháy, khóc không thành tiếng.
Khi Phương Đăng trở lại, Phó Kính Thù vẫn mê man trên ghế. Nếu không bận tâm đến khóe miệng mím chặt và gương mặt đỏ ửng, thì lúc này cậu ngủ thật an nhiên. Đôi hàng lông mày lẫn gương mặt thấp thoáng vẻ bất an non trẻ, cậu bây giờ trông mới ra dáng một chàng thiếu niên mười bảy tuổi.
Cậu không cho Phương Đăng biết phải liên lạc với già Thôi bằng cách nào, trong nhà thậm chí không thể tìm ra bất cứ số điện thoại nào để liên lạc với thế giới bên ngoài. Trong lòng Phương Đăng hiểu không cách nào đưa người ra khỏi đảo vào lúc này, chỉ đành tận lực chăm sóc, cầu cho cậu bình yên qua khỏi đêm nay.
Lúc nó đi khỏi, ông phn chưa về nhà, cơm nước nó đã dọn sẵn để trên bàn. Không rõ người cha khi đêm xuống trở về không thấy con gái đâu sẽ phản ứng ra sao. Liệu có đi tìm nó ? Hay nổi trận lôi đình ? Hoặc, vui mừng khôn xiết vì bớt được một gánh nặng trên lưng ?
Từ cửa sổ phòng Phó Kính Thù nhìn sang, căn gác xép phía trên tiệm tạp hóa đã sáng đèn. Giả dụ nó về nhà “điểm danh” lúc này, chắc chắn đừng hòng bước ra khỏi cửa nửa bước.
Phương Đăng rón tay vén tấm màn nhung đỏ lên, biết bao lần con bé nhìn thấy nó từ xa, đến bây giờ mới được tận tay chạm vào. Tấm màn trơn mượt, nằng nặng y như tưởng tượng. Chưa bao giờ nó nhìn cái cửa sổ rách nát nhà mình từ vị trí này, cảm giác thật kỳ lạ. Như thể trong nhiều giấc mơ, nó và Phó Kính Thù nhìn nhau mỉm cười qua kẽ hở giữa các cây chuối tây bày trước cửa sổ này, vậy đứa con gái cô độc đang chống cằm ở kia lại là ai ?
Phương Đăng chẳng nhớ đã thay cho Phó Kính Thù bao nhiêu lần khăn mặt, chỉ biết là liên tục cả đêm. Rạng sáng gần bốn giờ, nó vào nhà bếp đun nước, trong lúc chờ, nó ngủ gật, nằm bò ra bệ bếp. Sực tỉnh, con bé giật mình đánh thót, may mà nước chưa sôi cạn, nếu không đã gây ra họa lớn.
Nó cầm non nửa ấm nước trở lại phòng khách tầng hai, kinh ngạc nhận ra Phó Kính Thù đã ngồi dậy, choàng chiếc chăn mỏng nó đắp cho ban nãy lên vai. Hai tay cậu ôm trán, dường như vẫn chưa tỉnh hẳn.
“Mệt thì nằm xuống đi.” Phương Đăng rót một ly nước, định giúp Phó Kính Thù thổi nguội. khi đưa nước tói, thuận tay nó chạm thử lên trán cậu. Tạ trời tạ đất, cơn sốt cao dường như đã bị đẩy lui, có điều vẫn còn ho. Nó định vỗ lưng cho cậu, lại suýt chút nữa làm cậu ch.ết sặc.
Con bé xấu hổ lỏn lẻn cười khan hai tiếng.
Phó Kính Thù nhấp một miếng nước, đặt cốc sang bên, ngẩng lên định mở miệng. Phương Đăng đoán ra cậu định nó gì, bèn ngắt lời : “Không cần cảm ơn, tôi làm sao trơ mắt nhìn anh ch.ết được.”
“Cái cô bé này sao cứ thích nhắc đến chữ ‘ch.ết’ mãi”. Phó Kính Thù như cười như không, giọng khàn đặc, nhưng ngữ điệu dễ chịu thường ngày đã trở lại, “Tôi muốn hỏi, trong lúc tôi mơ mơ màng màng, em ở bên lẩm nhẩm hát bài gì vậy?”
“Lẩm nhẩm hát á?” Cậu ta không nhắc, chỉ sợ Phương Đăng chẳng nhận ra mình đã hát.Ngập ngừng một lúc, mặt con bé đỏ dần lên. Trước nay Phương Đăng nổi tiếng là giọng ca vịt đực, từ hồi tiểu học đã mấy lần được gọi vào đội văn nghệ trường vì ngoại hình xinh xắn, nhưng chỉ cần nó cất giọng, thầy cô nào cũng giơ tay đầu hàng.
Lúc ấy đã khuya, màn đêm yên tĩnh rợn người, cứ lặp đi lặp lại công việc thay khăn, nó bất giác ngân nga hát lúc nào không hay. Phương Đăng không thích phải thừa nhận cho lắm. “Có à?” Nó hỏi lại.
“Có mà, em hát rất to, làm tôi tỉnh luôn.” Phó Kính Thù ngẫm nghĩ, khẽ ư ử ngân thử một đoạn giai điệu đơn giản, “Thế này này, là bài gì vậy?”
Cậu đã hát lại được cả giai điệu như thế, Phương Đăng đành phải thừa nhận trong lúc cậu hôn mê, bản thân nó cứ như bị tẩy não vậy, không nhớ kỹ mình đã làm những gì.
“Đó là khúc hát ru.” nó nói.
Phó Kính Thù nghi ngờ, “Trước nay tôi chưa nghe qua khúc hát ru này bao giờ.”
“Cô tôi bảo, hồi nhỏ mỗi lần tôi không chịu ngủ hoặc bị ốm…” Phương Đăng buột miệng phân trần, rồi ngừng bặt. Hai người chìm vào một khoảng lặng im khó xử.
“Phương Đăng, sao em tốt với tôi vậy?” Phó Thất đánh tan căng thẳng, nhưng hỏi câu này thật khó trả lời.
Phương Đăng nghịch nghịch tóc, lẩm bẩm như nói cho chính mình nghe, “Tôi đối tốt với anh á?”
“Năm tôi lên bảy, cha bay đi Malaysia, ông nói không thể đưa tôi đi theo cùng. Tôi biết thừa, bà Trịnh chỉ cho ông đi một mình, ngược lại ông thở phào nhẹ nhõm. Trên đời này người ông không muốn thấy nhất là tôi. Mười năm xa cách, ông hiếm khi gọi điện về. Nếu không vì chút trách nhiệm và nghĩa vụ, tôi đoán ông chẳng muốn duy trì mỗi năm một lần gửi thư và bưu kiện. Già Thôi… già đối với tôi rất tốt, tôi cảm kích vô cùng. Già chăm sóc tôi như chăm sóc cha tôi vậy. Đây vừa là nhiệm vụ chủ nhân Phòng Ba đã giao cho ông, vừa vì bố con tôi là máu mủ của chị ông. Trên đời này trừ ông ấy, chẳng ai để ý tôi sống hay ch.ết, hoặc có đang hạnh phúc hay không…”
“Vì tôi quan tâm anh.” Phương Đăng vội nói, hận không moi tim ra cho cậu xem được, ”Tôi mong được thấy anh cười. Anh muốn làm gì, tôi cũng sẽ giúp anh. Thật đấy, làm gì cũng được, tôi sẽ bảo vệ anh.”
“Em bảo vệ tôi?” Phó Kính Thù bật cười, ”Con trai mới nói thế chứ, còn em…”
Nó chỉ là một con bé đáng thương hơn cả cậu ta.
Phương Đăng đỏ bừng mặt, nhưng không có ý định thu lại lời vừa nói, “Tôi thật lòng mà!”
“Vì sao lại thế?”
Tại sao ư? Nếu bản thân nó biết đáp án thì tốt biết mấy. Cậu ta như thỏi nam châm, nó bị hút như bản năng. Vì cậu ấy là đồng loại, một đồng loại vừa giống, lại vừa tốt đẹp hơn nó nhiều lần, vì thế ư? Nó không thể nói thành lời. Cậu cần một đáp án, vậy nó sẽ cho cậu câu trả lời dễ hiểu nhất.
“Tôi không còn nhiều người thân.” Phương Đăng đánh liều lên tiếng.
Nó đoán không ra sau nét mặt kia đang là điều gì. Phó Kính Thù cúi đầu kéo tấm chăn trên vai. Khi Phương Đăng bắt đầu hối hận vì những gì vừa nói, cậu bỗng cất lời bằng giọng nhẹ tênh : “Bà ấy là người thế nào… Ý tôi là, cô của em ấy.”
Phương Đăng ngồi bệt xuống sàn, ngả nửa người lên chiếc ghế dựa, ngẫm nghĩ một lát, đáp : “Cô rất đẹp, nhưng rất buồn.” Đây là ấn tượng rõ nét nhất về cô Chu Nhan trong ký ức ấu thơ Phương Đăng. Mười mấy năm, nhan sắc của cô bị hao mòn vì cuộc mưu sinh, nhưng nỗi buồn của cô như phù sa dưới đáy sông ngấm ngầm tích tu, dù cô chẳng bao giờ khóc hay nói ra.
“Cô nói mình có một đứa con trai. Đôi khi cô ngân nga khúc hát ru bên cửa sổ phòng tôi, cứ như hát cho con trai mình nghe vậy.”
“Thế ư, vậy sao bà ta lại vứt bỏ con mình?” Phó Kính Thù dửng dưng phản bác.
“Sao mà thế được ? Rõ ràng là cha anh đòi ly hôn, là ông ta đuổi cô tôi đi.”
“Đó là vì bà ta lẳng lơ ɖâʍ đãng, bà ta hoàn toàn chẳng yêu cha, trong lòng không hề có cha con tôi.”
“Ai bảo anh thế?” Phương Đăng kinh ngạc quay sang nhìn thẳng vào Phó Kính Thù, thật ra chẳng nói cũng biết, dĩ nhiên là ông Phó Duy Nhẫn cha của cậu ta nói, “Cha anh chắc chắn đã lừa anh.”
“Suốt bao năm ông ấy vì chuyện này mà u sầu thảm não, em nghĩ đó là đóng kịch để lừa tôi ư?”
Phương Đăng không biết vì sao cô Chu Nhan không trở về tìm con, nhưng nếu nói cô không yêu người đàn ông họ Phó kia, không nhớ nhung đứa con trai duy nhất của mình, đánh ch.ết Phương Đăng cũng không tin. Nếu không phải yêu thương, vẻ đau đớn những khi cô đơn hoặc thinh lặng kia từ đâu mà ra ? Cô Chu Nhan thường xuyên rơi vào trạng thái thất thần, không phân biệt được đâu là quá khứ đâu là hiện thực. Ông Phương Học Nông thường bảo, những khi đầu óc cô không được minh mẫn. Tình trạng này càng lúc càng dữ dội khi cô ốm nặng, những ngày tháng sau cùng, người ở bên cô nhiều nhất chính là Phương Đăng.
“Sao gã lại lừa ta ? Con ta đâu mất rồi?” Giờ phút hấp hối, cô nhắc đi nhắc lại lời này đến tắt thở.
Phương Đăng nhớ dáng hình tiều tụy của cô trước lúc lâm chung, không nén được kích động, “Rõ ràng là cha anh vì muốn giành cơ hội học đại học mới lấy cô tôi, lợi dụng xong liền ruồng rẫy.” Vốn nó định nói thêm hành động này quá bỉ ổi, nhưng nghĩ dù gì đó cũng là cha người ta, đành cắn răng nuốt vào bụng.
Những chuyện này Phương Đăng gom nhặt từ trong lúc chửi say của ông bố Phương Học Nông. Lúc tỉnh táo ông Phương Học Nông chẳng dám động đến cô Chu Nhan, gì thì gì ông vẫn ăn cơm bằng tiền kiếm trên thân xác cô. Nhưng chỉ cần uống vào hai hớp, ông liền chỉ vào mặt cô chửi đồ ngu xuẩn, đê tiện, chỉ muốn trèo cao, kết quả là hỏng hết nửa đời người.
Phương Học Nông và Chu Nhan là anh em cùng mẹ khác cha, trong thời kỳ cách mạng Văn hóa, cha cô Chu Nhan từng làm chủ tịch Ủy ban Cách mạng đảo Qua Âm, tay nắm đại quyền sinh sát. Phó Duy Nhẫn một lòng muốn đi học, khổ nỗi bị gán vào thành phần “Phần tử tàn dư của chủ nghĩa Tư Bản”, nếu không cưới cô Chu Nhan, ông ta không cách nào được cho phép học đại học. Sau này phong trào cận động dần lắng xuống, cha cô Chu Nhan gây thù chuốc oán quá nhiều, chẳng mấy chốc bị thanh trừng. Cơ thể ông cụ vốn không khỏe, nhanh chóng ch.ết bệnh trong ngực.
Cô vừa hạ sinh con trai không lâu, Phó Duy Nhẫn liền viện đủ lý do kiên quyết đòi ly hôn, cô Chu Nhan không buồn rầy rà, một mình ra đi, cùng anh cả rời khỏi đảo, chẳng bao giờ quay về nữa. Mỗi lần ông Phương Học Nông chửi bới lung tung, Phương Đăng đều không thể chịu nổi, vậy mà cô Chu Nhan vốn đáo để chưa bao giờ nói lại nửa lời. Cô ngẩn người hồi lâu, hoặc rít liên tục loại thuốc lá rẻ tiền. Khi ấy bệnh lao phổi của cô đã nghiêm trọng lắm rồi.
“Không thể nào.” Đôi lông mày Phó Kính Thù nhăn tít lại, “Em không biết cha tôi là người thế nào. Ông ấy thanh cao từ tận xương tủy. Bảo ông mang hôn nhân ra đổi lấy cơ hội học đại học, cưới một người ông không yêu, việc đó tuyệt đối không thể nào, tôi đoán ông thà ch.ết còn hơn. Ông ấy chắc chắn có tình cảm với… cô của em, nếu không sao cứ một mực canh cánh chuyện bà ta phản bội trong lòng.”
“Có bằng chứng gì mà nói cô tôi phản bội cha anh?” Cô Chu Nhan là người thân cận nhất với Phương Đăng thời nhỏ, còn thân hơn cha ruột, con bé không thể chịu nổi trò vu khống trắng trợn này, cho dù đó là Phó Kính Thù cũng không được. Nó hơi mất bình tĩnh.
“Em đừng nóng, tai tôi sắp vỡ tung ra mất.” Phó Kính Thù tỏ ra bình thản và biết điều hơn hẳn, mặc dù cậu cũng quan tâm đến cậu chuyện này y như Phương Đăng, “Tôi loáng thoáng nhớ cả cha và già Thôi đều từng nói, cô của em có một mối tình đầu sâu nặng. Vì ông ngoại, à không đúng, là cha-của-cô-của-em ngấp nghé tiếng tăm nhà họ Phó trên đảo này, định nhân lúc họ Phó sa cơ bắt quàng làm họ, bèn ép con gái gả cho cha tôi bằng được. Bản thân cô của em không mong muốn chuyện đó. Sau khi lấy nhau cha tôi mới biết sự thật. Ông không cách nào chiếm được trái tim của bà, đó là một chuyện không thể chấp nhận được.”
Phương Đăng không thể dung thứ cách nói này, ”Các người ngậm máu phun người. Chính là tai tôi nghe cô nói, lần đầu tiên cô biết yêu là vào một ngày đảo Qua Âm họp chợ. Hôm ấy cô cùng các chị em đang chọn gương trong một sạp nhỏ bán đồ trang điểm. Cô giơ chiếc gương lên soi mặt, trong gương bỗng xuất hiện một người qua đường. Ngay lúc ấy cô đã nghĩ, mình sẽ lấy anh ta, người con trai đó chính là Phó Duy Nhẫn ! Anh nói cái gì mà mối tình đầu sâu nặng, toàn là nói quàng nói xiên.”
“Không đúng.” Phó Kính Thù dường như lờ mờ nhận ra manh mối sự thật, có vẻ cũng vô cùng kinh ngạc, tấm chăn rớt khỏi vai lúc nào không biết, “Em nhắc đến cái gương, tôi cũng có chút ấn tượng. Già Thôi nói, mối tình đầu của Chu nhan từng tặng bà một chiếc gương, bà thường soi gương đến ngẩn người. Cha nhìn thấy, vậy là hai người bắt đầu cãi cọ không ngừng… Nếu lời em là thật, già Thôi cũng chẳng lừa tôi, thì vấn đề nằm ở đâu?”
Cậu chìm vào im lặng, Phương Đăng cũng lặng lẽ vắt óc suy nghĩ.
“Chẳng lẽ…”
“Hiểu rồi!”
Hai đứa gần như cất tiếng cùng lúc, có điều phản ứng của Phương Đăng mạnh hơn, con bé đứng bật cả dậy.
“Chẳng lẽ cái ‘mối tình đầu’ mà ông hận thấu xương lại là chính ông ? Cô tôi và cha của anh đều không nói dối, tiếc là… Trời ạ, sao lại đến nỗi!” Ý nghĩ này thật hoang đường nhưng chắc gì không thể xảy ra. Phương Đăng giậm chân thình thịch.
Phó Kính Thù hơi ngẩn người, chắc cậu cũng đang nghĩ điều tương tự.
Kỳ thực Phó Duy Nhẫn và Chu Nha yêu nhau thắm thiết. Từ nơi khác đến, cô thiếu nữ Chu Nhan vừa nhìn thấy Phó Duy Nhẫn trong gương đã trúng phải tiếng sét, còn Phó Duy Nhẫn âm thầm để ý tới nàng từ lúc nào không hay. Trước khi hai người kịp tỏ tấm chân tình, ông bố vô tâm lẩm cẩm kiêm chủ tịch Ủy ban Cách mạng của Chu Nhan để mắt đến danh tiếng trăm năm của họ Phó, muốn mượn cái giấy thông hành vào đại học trao đổi, hy vọng hai nhà kết thông gia, tiện dát vàng lên thể hiện của mình. Chuyện hôn sự này thuận lợi tiến hành, chỉ tội cho đôi trẻ, kẻ thì cho rằng người kia bị cha gây áp lực mới gả cho mình, người lại tưởng người mình yêu khát khao vào đại học nên lấy hôn nhân ra đánh đổi. Đây rõ ràng là hiểu lầm trong gang tấc, tiếc cho cả hai quá đỗi kiêu ngạo. Phó Duy Nhẫn không biết cách thể hiện sự quan tâm, còn Chu Nhan hiếu thắng phải chịu ghẻ lạnh bèn giận dỗi nhận bừa mình chỉ nhớ nhung người trong gương. Thực ra từ đầu chí cuối, tình lang trogn gương của cô cũng chính là Phó Duy Nhất đang đứng phía sau đau lòng.
Nghiệt ngã một điều đến tận ngày xa cách, họ vẫn không thể bộc bạch tấm lòng mình với người kia. May có hai kẻ hậu nhân tình cờ gặp nhau, mang tất cả manh mối khớp lại, chân tướng sự việc mới ló dạng. Sự thật này tuy nực cười mà thấm thía. Đôi khi chúng ta cũng thế, những lời thật lòng, thường chỉ nói được trước người dưng.
Tất nhiên, cái gọi là “chân tướng” kia chỉ nằm trong suy đoán của Phương Đăng và Phó Kính Thù, còn sự thật thật sự, đã vĩnh viễn vùi chôn theo cái ch.ết của Chu Nhan.
“Anh có nói với cha về việc này không?” Phương Đăng vẫn nuôi hy vọng, dù cô Chu Nhan đã mất, nhưng nếu biết ông Phó Duy Nhẫn hiểu lòng mình, chắc cô dưới suối vàng cũng ngậm cười. Về phần ông Phó Duy Nhẫn, tâm tư nặng trĩu bao năm của ông sẽ được giải thoát.
Chẳng ngờ, Phó Kính Thù nghe xong chỉ lắc đầu, “Cha tôi không thích tôi gọi điện sang Malaysia, dù có viết thư gửi đi, liệu ông có tin ? Những điều mấy đứa nhóc tưởng tượng liệu có là thật ? Sự việc đã trôi qua quá lâu, ông vốn không có ý định quay về, cho dù đây là sự thật, ông biết rồi sẽ thư thái ư ? Ngày xưa người buông tay là ông, giờ đây ông sẽ càng buồn, việc gì phải thế. Chân tướng sự thật không quan trọng như người ta tưởng, con người thích tình nguyện tin vào ảo giác để an ủi linh hồn mình hơn.”
Cậu nói không phải không có lý, Phương Đăng hết đường phản bác. Lầm lỗi vô tình ngày ấy, dưới con mắt kẻ ngoài cuộc là câu chuyện ly kỳ, nhưng trong lòng hai người ấy mãi chỉ là tai nạn tàn khốc. Chẳng bằng để cho thời gian chôn vùi nó hoàn toàn.
“Chữ ‘Kính’ trong tên anh xuất phát từ đó ư?” Phương Đăng hỏi.
Phó Kính Thù cười đáp, “Ngốc. Anh họ tôi tên là Phó Kính Thuần, chẳng lẽ cũng vì đó ? Hàng anh em tôi dùng chữ ‘Kính’, như đời bố tôi là chữ ‘Duy’ vậy. Tên tôi là Phó Kính Thù, em biết rồi đấy, chữ ‘Thù’ nghĩa là khác biệt. Chắc vì trong số tất cả anh em họ tộc, tôi là đứa không giống ai. Thân thế cha nhạy cảm, bà Trịnh thu nhận ông vì đó là di nguyện của ông nội, với một người đàn bà việc này đã không hề dễ dàng. Còn tôi ư, từ nhỏ không có mẹ, cha thì bỏ đi, ngoài kia người ta đồn ầm rằng mẹ ruột tôi làm cái nghề…”
“Đó là bất đắc dĩ, là bố và tôi làm liên lụy cô.” Trong đầu Phương Đăng luân chuyển ngàn vạn ý nghĩ, muốn nói gì đó, chỉ thấy cổ họng khô rát, không thốt nên lời. Mất một lúc nó mới lên tiếng : “Cô thật sự rất đáng thương. Lúc ra đi trong người chẳng có gì, còn một đôi khuyên tai bằng bạc cũng bị cha vặt đem đi bán. Chỉ có chiếc gương trân quý nhất, khi cô ra đi tôi đặt cạnh, để cô có nó bầu bạn trên đường xuống suối vàng.”
“Gương gì vậy?”
“Chỉ là cái gương cũ rích, chẳng đáng tiền. Tôi đoán đó là cái gương giúp cô nhìn thấy cha của anh, nếu không chắc cô đã không luôn mang theo mình.”
Phó Kính Thù bỗng nhiên chống tay xuống ghế định đứng dậy, Phương Đăng cuống quýt đỡ lấy, “Anh muốn làm gì?”
“Em chờ tôi một chút.” cậu đẩy od ra, chậm chạp đi vào phòng riêng, rất nhanh mang ra một vật. Một cái gương nhỏ bằng phân nửa lòng bàn tay.
Phương Đăng khó hiểu cầm lấy cái gương, đặt trong bàn tay giở đi giở lại xem xét. Chiếc gương này tinh xảo hơn chiếc của cô Chu Nhan nhiều. Mặt trái của nó dường như bằng bạc, hơi xỉn màu, có vẻ lâu năm, bên trên là vân mây điêu khắc độc đáo. Đúng là danh gia vọng tộc, đến vật dụng hằng ngày cũng vô cùng tinh tế.
“Đồ cổ à?” Phương Đăng đang nghĩ, món đồ này nói không chừng khá đáng tiền.
Phó Kính Thù nói, “Chưa đến mức là đồ cổ, niên đại từ cuối Thanh đầu Dân quốc là cùng. Chiếc gương này ban đầu do ông nội tặng Tiểu Xuân cô nương. Tiểu Xuân cô nương nhờ già Thôi đem nó cho cha, coi như kỷ niệm. Về sau cha dùng làm lễ vật tân hôn tặng cho cô của em, khi bà rời đi đã để nó lại. Cha tôi sang Malaysia không mang theo, thành ra đến tay tôi.”
Phương Đăng ngầm đoán ra vì sao cô Chu Nhan lại trả vật này cho Phó Duy Nhẫn, chỉ một mực xem cái gương nhựa rẻ tiền là bảo bối. Có lẽ trong lòng cô, chỉ để tâm đến mặt người phản chiếu trong gương thuở ban đầu ấy mà thôi.
“Ấy, phía sau còn có chữ.” Phương Đăng gắng sức nhận hai dòng chữ tiểu triện, ”Quyết không…cái gì…rời…một lòng…cái gì dạ.”
“Một lòng một dạ, quyết chẳng rời xa.” Phó Kính Thù chán ngán đỡ lời.
Phương Đăng nhẩm một lượt, hiểu được ý tứ bên trong, “Đây là lời thể của ông nội anh với Tiểu Xuân cô nương?”
“Tôi không rõ.” Phó Kính Thù lạnh nhạt đáp, “Chiếc gương này qua tay bao người, cứ nói quyết không rời xa, rồi cuối cùng chẳng phải đều rời xa đó sao?” Phương Đăng đưa trả, Phó Kính Thù bèn đẩy lại, “Em giữ đi, để ở chỗ tôi cũng vô dụng, dù sao đây là quà cha tôi tặng cô của em.”
Cậu ta vẫn chưa chịu gọi cô Chu Nhan tiếng “mẹ”, nhưng hiện giờ nhắc đến bà, thái độ đã dịu dàng hơn nhiều. Phương Đăng không cảm thấy lạ vì Phó Kính Thù chưa đổi cách gọi. Cô Chu Nhan bỏ rơi cậu bao năm qua, tim cậu đã quen để trống vị trí ấy. Trong tim mỗi người đều có một lỗ hổng, lỗ hổng mà họ không nguyện đắp bồi.
Phương Đăng không dám cầm.
“Chính vì cái gương này đã qua tay nhiều người nhà họ Phó, nên anh phải giữ lại.”
Phó Kính Thù cười khẽ, “Phương Đăng, em không hiểu thật ư?”
“Cái gì?” ánh đèn dường như dao động, trái tim Phương Đăng chợt run rẩy.
“Tôi từng hỏi em vì sao em tốt với tôi, em đã trả lời thế nào?” Nụ cười của Phó Thất tan biến, điều gì đó khiến Phương Đăng cảm thấy khó hiểu trong đôi mắt kia, “Lý do tôi tặng nó cho em cũng tương tự. Người thân của tôi không nhiều.”