Chương 6: Những con quái vật nhiều đầu
Trừ phi, tất nhiên, chẳng có gì là tình cờ hết, khi ấy Musa - bất chấp mọi già nua tận tụy của lão - không là gì khác hơn một trái bom hẹn giờ khẽ khàng tích tắc đến thời điểm định trước. Nếu vậy, chúng ta nên - một cách lạc quan - đứng dậy reo mừng, bởi nếu mọi sự đều được sắp đặt trước, thì tức là tất cả chúng ta đều có ý nghĩa, và được giải thoát khỏi nỗi khiếp sợ khi biết mình chỉ là ngẫu nhiên, không hề có tại sao. Hoặc là, dĩ nhiên, chúng ta có thể - như những kẻ bi quan - buông xuôi ngay tại đây ngay lúc này, nhận thức được sự vô ích của suy nghĩ quyết định hành động, vì ta có nghĩ gì cũng chẳng đem lại khác biệt nào; tất cả vẫn sẽ xảy ra như nó sẽ xảy ra.
Vậy thì, sự lạc quan ở đâu? Trong định mệnh hay trong hỗn độn? Cha tôi đã lạc hay bi quan khi mẹ tôi báo tin cho ông (sau khi tất cả xóm giềng đã biết), và ông trả lời, “Tôi bảo mình rồi; đó chỉ là vấn đề thời gian”? Việc mẹ tôi có thai hình như đã được vận mệnh an bài; sự ra đời của tôi, tuy vậy, phần lớn là hệ quả của tình cờ.
“Đó chỉ là vấn đề thời gian,” cha tôi nói, với mọi vẻ mãn nguyện; nhưng thời gian vốn bất ổn, theo kinh nghiệm của tôi, không phải thứ có thể tin cậy. Nó thậm chí có thể bị chia cắt: đồng hồ ở Pakistan chạy nhanh hơn các đồng nghiệp Ấn Độ nửa tiếng...
Ngài Kemal, người không muốn dây dưa gì đến chuyện Chia cắt, rất hay nói: “Đây là minh chứng cho sự dớ dẩn của kế hoạch ấy! Bọn Liên đoàn này định chuồn đi với hẳn ba mươi phút đây mà! Thời Gian Không Chia Cắt,”
Ngài Kemal kêu lên, “Phải thế mới đượcl” Và S.P. Butt nói, “Nếu chúng có thể thay đổi thời gian như thế, còn gì là thực nữa đây? Tôi hỏi ông? Còn gì là thật?”
Đó hình như là ngày của những câu hỏi lớn. Tôi trả lời, xuyên qua những năm tháng không đáng tin cậy, cho S.P. Butt, người đã bị cắt cổ trong đợt bạo loạn Chia cắt và đánh mất hứng thú vời thời gian: “Cái gì là thực và cái gì là thật không nhất thiết phải là một.”
Thật, với tôi, là điều gì đó từ những buổi đầu đời ẩn trong những câu chuyện Mary Pereira kể tôi nghe: Mary ayah của tôi, người không phải mẹ, nhưng còn hơn cả mẹ; Mary người biết hết về tất cả chúng tôi. Thật là điều ẩn ngay sau đường chân trời mà ngón tay lão đánh cá đang chỉ về, ở bức tranh trên tường phòng tôi, khi cậu bé Raliegh lắng nghe những câu chuyện của lão.
Giờ đây, viết ra chuyện này dưới quầng sáng Anglepoise của mình, tôi đo lường sự thật dựa trên những gì xa xưa ấy: Liệu Mary có kể như vậy không? tôi tự hỏi. Liệu ông lão đánh cá kia có nói thế này chăng?... Và theo tiêu chí ấy, sự thật không thể phủ nhận là, vào một ngày tháng Một năm 1947, mẹ tôi được nghe hết về tôi, sáu tháng trước khi tôi chào đời, trong khi cha tôi gặp phải một quỷ vương.
Amina Sinai vẫn đợi thời điểm thích hợp để chấp nhận đề nghị của Lifafa Das; nhưng hai ngày liền sau vụ cháy nhà kho của Indiabike, Ahmed Sinai ở lì trong nhà, không hề đến văn phòng ở Connaught Place, như thể đang tôi luyện mình cho một cuộc chạm trán không lấy gì làm dễ chịu. Hai ngày liền túi tiền màu xám vẫn yên vị những tưởng trong bí mật dưới gầm giường phía ông.
Cha tôi tỏ ra không hề muốn nói về lý do xuất hiện cái túi xám; nên Amina tự nhủ, “Kệ anh ấy; ai mà thèm?” vì bà cũng có bí mật của mình, đang kiên nhẫn đợi bà cạnh cổng Thành Đỏ trên đỉnh Chandni Chowk. Trề môi ra trong cơn giận hờn bí mật, mẹ tôi giữ Lifafa Das cho riêng bà. “Trừ phi và trừ khi anh ấy cho mình biết anh ấy đang tính chuyện gì, việc gì mình phải nói?” bà lý luận.
Và rồi một buổi tối tháng Một lạnh giá, khi Ahmed Sinai bảo “Tối nay tôi phải ra ngoài”; rồi mặc bà van nài “Trời lạnh đấy - mình ốm mất...”, ông khoác lên người bộ âu phục và tấm áo choàng, bên dưới chiếc túi xám bí ẩn nọ lồi lên một cục lộ liễu đến mức kỳ quái; nên rốt cuộc bà bảo: “Mặc ấm vào,” và thả cho ông đi đâu thì đi, và hỏi “Mình về muộn à?”
Và ông trả lời, “Ừ, tất nhiên.” Năm phút sau khi ông đi, Amina Sinai lên đường đến Thành Đỏ, thẳng tiến vào trung tâm cuộc phiêu lưu của bà.
Một cuộc hành trình bắt đầu ở một tòa thành; cuộc kia lẽ ra phải kết thúc ở một tòa thành, nhưng lại không. Cuộc này dự báo tương lai, cuộc kia xác định vị trí địa lý cho tương lai ấy. Trên một hành trình, lũ khỉ nhảy múa mua vui; trong khi, ở nơi kia, một con khỉ cũng nhảy múa, nhưng mang đến tai ương. Ở cả hai cuộc phiêu lưu, đều có vai trò của lũ kền kền. Và những con quái vật nhiều đầu núp ở cuối cả hai con đường.
Từng chuyện một, nhỉ... và đây là Amina Sinai dưới những bức tường cao của Thành Đỏ, nơi các Mughal từng trị vì, từ tầm cao ấy, quốc gia mới sẽ được tuyên bố thành lập... dù không phải đế vương hay tín sứ, mẹ tôi vẫn được chào đón nồng nhiệt (bất chấp thời tiết).
Trong ánh sáng cuối ngày, Lifafa Das hoan hỉ, “Begum Sahiba! Ôi, bà đến thật là hay quá!” Làn da đen trong tấm sari trắng, bà ra hiệu cho anh lên taxi.
Anh đưa tay định mở cửa sau, nhưng tay tài xế búng tay: “Mày nghĩ gì thế? Mày nghĩ mày là ai? Mau, lên ghế trước mà ngồi, thằng ranh vặt, để bà đây ngồi ghế sau!”
Vậy là Amina ngồi chung ghế với chiếc hộp vạn hoa màu đen có bánh xe, trong khi Lifafa Das tạ lỗi: “Xin lỗi nhé, Begum Sahiba? Ý tốt không tính là mạo phạm.”
Nhưng đây, dứt khoát không chờ đến lượt, là một chiếc taxi khác, dừng lại ngoài một tòa thành khác và thả xuống ba ông khách mặc âu phục, mỗi người xách một chiếc túi xám cộm lên dưới lần áo khoác... một dài như đời người và mảnh như một lời nói dối, người thứ hai nhìn như không xương xống, và người thứ ba môi dưới trề ra, cái bụng có chiều nhão phệ, mái tóc đang thưa dần, nhờn và chờm quá đỉnh tai, giữa hai hàng lông mày là một nếp nhăn mách bảo rằng. Khi ông ta về già, nó rồi sẽ hằn sâu thành vết sẹo của một người đàn ông cay nghiệt, cáu kỉnh. Tay tài xế tỏ ra hồ hởi, bất chấp cái lạnh.
“Purana Qila!” anh ta xướng to, “Mời quý khách xuống! Thành Cổ, đến nơi rồi!”
... Có rất, rất nhiều thành phố Delhi, và Thành Cổ, đống đổ nát đen ngòm ấy, là một Delhi xa xưa đến nỗi đặt cạnh nó, Thành phố Cũ của chúng tôi chỉ như một đứa trẻ còn quấn tã. Phế tích của một thời đại cổ xưa đến mức hoang đường này chính là nơi Kemal, Butt và Ahmed Sinai bị một cú điện thoại nặc danh triệu đến.
“Tối nay. Thành Cổ. Sau lúc mặt trời lặn. Nhưng cấm báo cảnh sát... bằng không cái godown funtoosh!” Ôm chặt mấy cái túi xám, họ tiến vào cái thế giới cổ xưa, đổ nát ấy.
... Ôm chặt túi xách, mẹ tôi ngồi cạnh chiếc hộp vạn hoa, trong khi Lifafa Das ngồi ghế trước cạnh tay tài xế cáu kỉnh đang lấy làm khó hiểu, dẫn đường cho xe chạy vào những con phố ở đằng sau Bưu điện Trung tâm; và khi tiến vào những con đường đắp cao nơi cái nghèo ngốn dần lớp tarmac[ ] như một trận hạn hán, nơi con người ta sống cuộc đời vô hình (bởi vì họ chịu chung lời nguyền vô hình với Lifafa Das, và chẳng phải ai cũng có nụ cười rạng rỡ), có điều gì mới mẻ dồn dập ùa đến trong bà.
Dưới áp lực của những con phố mỗi phút một chật chội hơn, mỗi tấc một đông đúc hơn, bà đã đánh mất “con mắt thành thị” của mình. Khi có con mắt thành thị, quý vị không thể nhìn thấy những con người vô hình, những người mắc chứng phù tinh hoàn và đám ăn mày ngồi xe hộp không có tác động đến quý vị, và những đoạn ống bê tông của cống thoát nước tương lai nhìn không ra hình hài những cư xá.[ ] Mẹ tôi đánh mất con mắt thành thị và sự mới mẻ của những gì bà đang thấy khiến bà đỏ mặt, sự mới mẻ như một trận mưa đá đâm lên má bà.
Kìa, trời ơi. lũ trẻ xinh xắn kia có hàm răng đen sì! Ai mà tin nổi... những bé gái phơi trần nụ hoa! Kinh khủng quá đi mất! Và, Allah-tobah, xin Chúa chở che, những người đàn bà quét rác với - không! - gớm ghiếc quá! - cột sống sụm xuống, dăm bó chổi tre, không ký hiện đẳng cấp, tiện dân, lạy đức Allah!... và người què nhan nhản khắp nơi, được những bậc cha mẹ yêu con làm cho tàn phế để đảm bảo cho chúng nguồn thu nhập trọn đời từ ăn xin... phải, ăn mày ngồi xe hộp, những người trưởng thành với đôi chân con nít, trong những hộp gỗ có bánh xe, làm bằng giày trượt patanh vứt đi và thùng đựng xoài cũ.
Mẹ tôi kêu lên, “Lifafa Das, quay lại đi!”
...Nhưng anh cười nụ cười rạng rỡ của anh, rồi nói: “Từ đây ta phải đi bộ.”
Thấy rằng không thể quay lại được nữa, bà bảo chiếc taxi đợi, và tay tài xế cáu bẳn nọ đáp: “Vâng, tất nhiên, với một quý bà thì còn có việc gì khác ngoài đợi, bà khi bà về tôi sẽ phải đánh xe chạy lùi ra tận đường lớn, vì ở đây làm gì có chỗ quay đầu!”
... Trẻ con giật vạt sari của bà, những cái đầu ở khắp nơi chằm chằm nhìn mẹ tôi, bà thì tự nhủ, cứ như mình bị một con quái vật gớm ghiếc vây quanh, một sinh vật toàn đầu là đầu; rồi bà tự đính chính, không, tất nhiên không phải quái vật, những con người khốn khổ này - vậy thì là cái gì? Một dạng quyền lực, một lực lượng không nhận thức được sức mạnh của mình, một sức mạnh thối rữa thành bất lực vì chưa hề được sử dụng... Không, đây không phải là những con người thối rữa, dầu gì đi nữa.
“Mình đang sợ,” mẹ tôi thấy mình nghĩ vậy, đúng lúc một bàn tay chạm vào tay bà. Quay lại, bà thấy mình đang nhìn vào gương mặt của - không thể nào! - một người đàn ông da trắng, bàn tay rách rưới chìa ra, và giọng nói như một bài hát nước ngoài cao vút.
“Bố thí chút gì đi, Begum Sahiba...” rồi cứ lặp đi lặp lại như đĩa hát bị vấp trong khi bà bối rối nhìn khuôn mặt trắng trẻo với hàng mi dài và chiếc mũi khoằm quý phái - bối rối, vì anh ta da trắng, mà ăn xin vốn không phải dành cho người da trắng.
“… Lặn lội từ tận Calcutta lên đây, đi bộ,” anh ta nói, “tro phủ đầy người, bà thấy đấy, Begum Sahiba, vì nỗi nhục nhã đã có mặt ở đó trong vụ Thảm sát - tháng Tám năm ngoái, bà nhớ không, Begum Sahiba, hàng nghìn người bị đâm ch.ết trong bốn ngày ngập tiếng kêu gào...”
Lifafa Das bất lực đứng đó, không biết phải xử sự ra sao trước một người da trắng, dù là ăn xin, rồi “... Bà có nghe nói tới gã người Âu không?” người ăn xin hỏi, “... Phải, trong đám sát nhân, Begum Sahiba, đi ngoài phố giữa đêm với tấm áo vấy máu, một gã da trắng, phát điên vì tương lai vô định của những kẻ như gã; bà có nghe không?”
Và giờ, giọng nói như hát khó hiểu ấy tạm dừng, thế rồi: “Hắn là chồng tôi.” Đến bây giờ mẹ tôi mới nhìn bộ ngực bị ép chặt dưới mớ áo rách...
“Bố thí cho nỗi nhục của tôi.” Kéo tay bà. Lifafa Das kéo tay kia, thì thào, Hijra, lại cái ấy mà, đi thôi Begum Sahiba, và Amina đứng bất động khi bị kéo về hai hướng ngược nhau, những muốn nói Đợi đấy, người phụ nữ da trắng, đợi tôi xong việc đã, tôi sẽ đưa bà về nhà, cho bà ăn cho bà mặc, trả bà về thế giới của bà.
Nhưng đúng lúc đó người đàn bà nhún vai và tay không bỏ đi xuống con phố hẹp dần, nhỏ dần thành một điểm cho đến khi biến mất - ngay tức thì! - vào cái bần tiện xa xăm của con đường. Và giờ Lifafa Das, một vẻ kỳ quái hiện ra trên mặt, nói: “Họ funtoosh rồi! Xong hẳn! Rồi họ sẽ đi sớm thôi; khi đó chúng ta sẽ được tự do mà giết lẫn nhau.” Khẽ đặt một bàn tay lên bụng, bà theo anh tiến vào một ô cửa tối om, trong khi khuôn mặt bà bừng cháy.
[ ] Thứ vật liệu lát đường là hỗn nhợp của nhựa đường (tar) và đá dăm (marcadam). Rushdie chủ ý dùng những từ có gốc Anh (tarmac và reccine đều là hai thương hiệu ở Anh) để thể hiện sự xâm thực toàn diện của Anh trên đất Ấn Độ.
[ ] Những đoạn ống bê tông cỡ lớn dùng làm đường ống thoát nước là nơi trú ngụ của những người vô gia cư.
... Trong khi đó, tại Thành Cổ, Ahmed Sinai chờ đợi Ravana. Cha tôi giữa buổi hoàng hôn: đứng giữa khung cửa tối om của cái từng là một căn phòng giữa những tường thành đổ nát, môi dưới trề ra dày thịt, tay chắp sau lưng, đầu ngổn ngang chuyện tiền nong. Ông chưa bao giờ là người hạnh phúc. Ông mơ hồ ngửi thấy mùi thất bại từ tương lai. Ông xử tệ với người hầu, có lẽ ông ước rằng, thay vì theo chân người cha quá cố vào ngành kinh doanh vải giả da, ông đã có dũng khí đeo đuổi cái hoài bão ban đầu của mình, sắp xếp lại kinh Quran theo trình tự thời gian chuẩn xác.
(Có lần ông bảo tôi: “Khi Muhammad tiên tri, họ chép lời Ngài lên lá cọ, cất tạm bợ trong một cái hộp. Lúc Ngài mất, Abu Bakr và những người khác cố nhớ lại cho đúng thứ tự; nhưng trí nhớ của họ không được tốt cho lắm.” Một cú rẽ nhầm nữa: lẽ ra viết lại một cuốn sách thiêng, cha tôi nấp trong một đống đổ nát, chờ đợi lũ yêu quái. Chẳng có gì lạ khi ông không hạnh phúc; vì tôi sẽ chẳng giúp được gì. Vừa ra đời, tôi đã làm giập nát ngón chân ông.)
... Người cha bất hạnh của tôi, tôi nhắc lại, luôn cáu kỉnh khi nghĩ về tiền bạc. Đến vợ ông, người phỉnh từng đồng rupee từ ông, và móc túi ông hằng đêm. Đến bà vợ cũ (sau cùng ch.ết bất đắc kỳ tử, khi cãi vã với một người đánh xe lạc đà và bị con lạc đà cắn vào cổ), người viết cho ông những lá thư xin xỏ bất tận, dù đã có khoản bồi thường ly dị. Và đến cô em họ Zohra, người cần tiền hồi môn từ ông, để cô ả có thể nuôi con mình lớn lên, cưới con ông, và nhờ thế càng đào mỏ ông được nhiều hơn. Rồi những lời hứa hẹn tiền nong của Thiếu tá Zulfikar (thời kỳ này, Thiếu tá Zulfy và cha tôi rất hợp nhau).
Ngài Thiếu tá viết những lá thư nói, “Anh cần phải quyết định vì Pakistan khi nó ra đời, vì nó nhất định sẽ ra đời. Đó chắc chắn là mỏ vàng cho những người như chúng ta. Hãy để em giới thiệu anh với chính M.A.J,” nhưng Ahmed Sinai không tin ở Muhammad Ali Jinnah, và không đáp ứng đề nghị của Zulfy; nên khi Jinnah trở thành Tổng thống Pakistan, sẽ có thêm một cú rẽ nhầm nữa để ta ngẫm nghĩ.
Và, cuối cùng, những lá thư từ bạn cũ của cha tôi, Bác sĩ phụ khoa Narlikar, ở Bombay. “Bọn Anh đang lũ lượt bỏ đi, Sinai bhai... Nhà đất rẻ như bèo! Bán hết đi; lên đây; mua; và sống xa hoa đến hết đời!” Các tiết kinh Quran không có chỗ trong một cái đầu đầy tiền đến thế... và, trong lúc đó, ông ở đây, cạnh S.P. Butt người sẽ ch.ết trên một chuyến tàu tới Pakistan, và Mustapha Kemal người sẽ bị côn đồ giết hại trong ngôi nhà đồ sộ của ông ta ở đường Cột Cờ, trên ngực là dòng chữ “quân đầu cơ hϊế͙p͙ mẹ” viết bằng chính máu ông... cạnh hai nhân vật xấu số này, chờ đợi trong bóng tối bí mật của một gian phòng đổ nát, theo dõi kẻ tống tiền đến lấy tiền.
“Góc Tây Nam,” cú điện ra lệnh, “Tháp canh. Cầu thang đá bên trong. Leo lên. Chiếu nghỉ trên cùng. Để tiền lại. Rút. Hiểu chưa?” Coi thường mệnh lệnh, họ núp trong căn phòng đổ nát; đâu đó trên đầu họ, giữa chiếu nghỉ trên cùng của tháp canh, ba chiếc túi xám nằm chờ giữa bóng tối đang đổ về.
... Giữa bóng tối đang đổ về trên một lối cầu thang ngột ngạt, Amina Sinai leo đến với lời tiên tri. Lifafa đang vỗ về bà, bởi vì giờ đây khi bà đã đi taxi vào cái chai chật chội nơi đến lượt anh có quyền thương hại bà, anh cảm thấy một sự thay đổi ở bà, một sự hối hận về quyết định của mình. Anh trấn an bà khi họ trèo lên. Lối cầu thang tối tăm ấy đầy những mắt, những con mắt lấp loáng sau cửa chớp trước cảnh tượng người phụ nữ da đen leo cầu thang, những con mắt ɭϊếʍƈ láp người bà như những cái lưỡi mèo linh hoạt, thô ráp. Và trong khi Lifafa Das nói, êm dịu, mẹ tôi cảm thấy ý chí bà xẹp dần, Cái gì đến, sẽ đến, sức mạnh ý thức và sự tự chủ rỉ từ bà vào khối bọt biển đen ngòm của bầu không khí ở cầu thang. Chân bà lê từng bước nặng nề theo chân anh, lên những tầng trên cùng của tòa chawl[ ] đồ sộ tù mù, khu chung cư xập xệ nơi Lifafa Das và mấy ông anh họ có một góc nhỏ, tít trên mái... ở đây, sát mái, bà thấy ánh sáng tối tăm len xuống đầu những người què đang xếp hàng.
“Anh họ thứ hai của tôi là thầy lang bó xương,” Lifafa Das nói.
Bà trèo qua những người đàn ông gãy tay, những người đàn bà bàn chân bị quặt ngược thành những góc khó tin, qua những người lau cửa sổ bị ngã và thợ nề rạn xương, con gái một bác sĩ bước vào một thế giới cổ xưa hơn bơm tiêm và bệnh viện.
Cho đến khi, rốt cuộc, Lifafa Das nói: “Đến nơi rồi, Begum,” và dẫn bà qua một gian phòng nơi ông thầy lang bó xương đang buộc cành và lá cây vào những chân tay giập nát, băng những cái đầu vỡ bằng lá cọ, cho đến khi bệnh nhân bắt đầu giống những cái cây nhân tạo, cành lá trồi ra từ vết thương... rồi ra đến một mảnh sân thượng rộng và bằng phẳng trát xi măng. Amina, mắt hấp háy trong bóng tối trước ánh sáng của những ngọn đèn lồng, nhận ra những hình thù quái dị trên sân thượng: khỉ múa may, cầy nhảy nhót, rắn lắc lư trong sọt, và trên bức tường bao, bóng những con chim lớn, hình dáng cũng khoằm và dữ tợn như cái mỏ của chúng: kền kền.
[ ] Một kiểu chung cư rẻ tiền, tiện nghi sơ sài, chỉ có ở tiểu lục địa Ấn Độ.
“Arre baap,” bà kêu lên, “cậu đưa tôi đến đâu thế này?”
“Không phải lo đâu, Begum,” Lifafa Das đáp. “Đây là các anh họ của tôi. Anh thứ ba và thứ tư. Anh kia là người múa khỉ...”
“Tập luyện ấy mà, Begum!” một giọng nói thốt lên. “Bà xem: khỉ ra trận và hy sinh vì tổ quốc!”
“... còn kia, anh xiếc chồn với rắn.”
“Xem chồn nhảy kìa, Sahiba! Xem rắn múa kìa!”
“... Còn lũ chim?...”
“Không sao đâu, thưa Bà: chẳng qua có Tháp Im lặng[ ] của Bái hỏa giáo ở ngay gần đây; khi đó không có người ch.ết, lũ kền kền lại đến. Giờ chúng ngủ rồi; ban ngày chúng thích xem cấc anh tôi luyện tập,” tôi nghĩ vậy.
[ ] Kiến trúc thiên táng của Bái Hỏa giáo, thi hài được đặt lộ thiên trên đỉnh tháp.
Một căn phòng nhỏ, ở đầu kia sân thượng. Ánh sáng trào ra qua cánh cửa khi Amina tiến vào... và thấy, trong nhà, một người đàn ông trạc tuổi chồng mình, một người to béo có mấy tầng cằm, mặc chiếc quần trắng ố bẩn, áo ca rô đỏ, không đi giày, đang bỏm bẻm nhai hạt hồi và uống một chai Vimto, ngồi xếp bằng trong một căn phòng trên tường là tranh vẽ mọi hóa thân của thần Vishnu, và mấy thông báo: BIẾT VIẾT, và KHÁCH NHỔ NƯỚC BỌT LÀ TẬT XẤU. Chả có đồ đạc gì... và Shri Ramram Seth đang ngồi xếp bằng, cách mặt đất hai mươi xăng ti mét.
Tôi phải thừa nhận: xấu hổ thay, mẹ tôi rú lên...
... Trong khi, tại Thành Cổ, bầy khỉ rú lên giữa những thành lũy. Thành phố đổ nát này, bị con người bỏ hoang, giờ là nơi trú ngụ của langoor. Đuôi dài và mặt đen, lũ khỉ bị ám ảnh bởi một ý niệm tối thượng về sứ mệnh. Lên-lên-lên chúng trèo, nhảy lên những đỉnh cao nhất của tòa thành, đánh dấu lãnh địa, rồi toàn tâm toàn ý vào việc tháo dỡ, từng hòn đá một, toàn bộ pháo đài. Padma, thật đấy: em chưa bao giờ đến đó, chưa bao giờ đứng dưới ánh hoàng hôn nhìn những sinh vật lông lá, quyết tâm, tận lực ấy xoay xở với từng viên đá, kéo rồi lại lay, lay rồi lại kéo, gỡ từng viên một ra... ngày ngày, dưới tay lũ khỉ, từng viên đá lăn xuống những bức tường, nảy lên ở chỗ góc và mặt lồi, lao xuống con hào bên dưới.
Một ngày kia sẽ không còn Thành Cổ nữa, cuối cùng, chẳng còn gì ngoài một đống gạch vụn nằm dưới chân lũ khỉ đang reo hò chiến thắng... và đây là một con khỉ, chạy dọc những bức tường thành - tôi sẽ gọi nó là Hanuman, lấy tên vua khỉ đã giúp Hoàng tử Rama đánh bại gã Ravana đầu tiên, Hanuman của những cỗ chiến xa biết bay... Quan sát nó khi nó lại gần ngọn tháp này - lãnh địa của nó; khi nó nhảy kêu chạy từ góc này sang góc kia giữa vương quốc của mình, chà mông lên đá; rồi dừng lại, đánh hơi thấy gì đó đáng lẽ không có ở đây... Hanuman bổ về phía hốc tường này, ở chiếu nghỉ trên cùng, nơi ba người đàn ông đã bỏ lại ba vật xám mềm kỳ lạ.
Và trong khi lũ khỉ nhảy nhót trên gác thượng đằng sau nhà bưu điện, chú khỉ Hanuman nhảy nhót đầy cuồng nộ. Vồ lấy mấy vật xám nọ. Rồi, chúng buộc khá lỏng thôi, chẳng tốn công lay đi kéo lại, kéo đi lay lại lắm đâu... xem Hanuman đây, kéo lê từng viên đá xám mềm ra mép dốc đứng của bức tường thành ngoài. Nhìn nó xé chúng ra: rột! rẹt! roạt!... Nhìn nó thành thạo bốc giấy từ bên trong mấy vật xám ra, rắc chúng xuống như một trận mưa bồng bềnh để gột rửa những viên đá rơi dưới hào!
... Giấy rơi xuống với một vẻ duyên dáng lười nhác, miễn cưỡng, chìm xuống như một hồi ức tươi đẹp vào hàm răng của bóng tối, và giờ, đạp! thụi! lại đạp! ba hòn đá xám mềm lăn khỏi mép tường, rơirơi vào bóng đêm, và cuối cùng vọng lên một tiếng tõm khe khẽ đầy sầu muộn. Hanuman, công việc xong xuôi, hết hứng thú, hối hả chạy đến một chóp tháp xa xa trong vương quốc của mình, bắt đầu lay một hòn đá.
... Trong khi, bên dưới, cha tôi trông thấy một hình thù kỳ quái nhô ra từ bóng tối. Không hay biết tí gì về tai họa vừa xảy ra trên đầu mình, ông quan sát con quái vật từ bóng tối của căn phòng đổ nát: một sinh vật mặc quần thụng rách rưới trong cái mão hình yêu tinh, một thứ đầu ác quỷ bằng giấy bồi mỗi mặt đều là những bộ mặt cười nhăn nhở... đặc phái viên của băng Ravana. Kẻ nhận tiền.
Tim đập thình thịch, ba thương gia nhìn con ma chui ra từ ác mộng của một bác nông dân ấy biến mất vào lối cầu thang dẫn lên chiếu nghỉ, và một lát sau, giữa cái tĩnh lặng của đêm trống trải, vang lên tiếng chửi thề vô cùng người của con quỷ.
“Quân hϊế͙p͙ mẹ! Bọn hoạn quan từ lỗ nẻ chui lên!”... Không hiểu chuyện gì, họ thấy kẻ hành hạ quái dị của họ hiện ra, lao thẳng vào bóng đêm, biến mất. Những lời chửi rủa của gã...
“Lũ giao hợp đằng đít! Quân lợn đè! Đồ ăn phân chính mình!”… lởn vởn trong gió. Giờ họ leo lên, sự bối rối khiến tâm thần họ hoảng loạn. Butt tìm thấy một mẩu vải xám bị xé rách, Mustapha Kemal cúi xuống một đồng rupee nhàu nát, và có lẽ, phải, sao lại không, cha tôi thoáng liếc thấy bóng đen lông lá của một con khỉ... và họ đoán.
Và giờ là tiếng rền rĩ của họ và tiếng rủa the thé của ngài Butt vọng lại lời chửi bới của con quái vật; và một trận chiến nổ ra, không lời, trong đầu bọn họ: tiền hay godown hay godown hay tiền? Ba thương gia cân nhắc, trong nỗi sợ hãi câm lặng, câu đố trọng yếu này - nhưng mà, dù họ có phó mặc chỗ tiền cho đàn chó và người chuyên bới rác, làm sao chặn được những kẻ châm lửa? - và rốt cuộc, sau khi không ai hé răng nói gì, quy luật khó cưỡng của tiền tươi thóc thật đã chiếm lĩnh họ.
Họ bổ xuống cầu thang đá, dọc bãi cỏ, qua những lần cổng đổ nát, rồi chạy - TÁN LOẠN! - xuống đường hào, bắt đầu vốc rupee nhét vào túi, xúc thật lực cào thật lực vơ thật lực, mặc kệ những bãi nước đái và quả thối, ôm niềm tin trái ngược mọi khả năng rằng đêm nay - nhờ hồng ân của... - chỉ một lần đêm nay thôi, băng cướp sẽ không thể giáng xuống đòn báo thù của mình như đã hứa. Nhưng, tất nhiên...
... Nhưng, tất nhiên, Ramram Nhà Tiên tri không phải đang thật sự lơ lửng giữa không trung, cách mặt đất hai mươi xăng ti mét. Tiếng hét của mẹ tôi lắng đi, bà nhìn kỹ lại, và bà nhận thấy một cái giá nhỏ, chò ra từ trong tường.
“Trò rẻ tiền,” bà tự nhủ, và, “Mình làm gì ở đây thế này, ở cái xó xỉnh tồi tàn của kền kền đang ngủ và thợ múa khỉ, chờ nghe những thứ dớ dẩn gì không biết từ một lão guru[ ] bay lên bằng cách ngồi trên giá?”
[ ] Bậc đạo sư thông thái, người hướng dẫn về tinh thần cho tín đồ Hindu.
Điều Amina Sinai không biết là, lần thứ hai trong lịch sử, tôi chuẩn bị buộc thế giới cảm thấy sự hiện diện của mình. (Không: không phải con nòng nọc giả mạo trong bụng bà đâu: tôi muốn nói bản thân tôi, trong vai trò lịch sử của mình, vai trò mà các vị thủ tướng đã viết “... đấy là, theo một nghĩa nào đó, tấm gương của hết thảy chúng ta.”
Đêm hôm đó, những thế lực vĩ đại đang vận động; và tất cả những ai có mặt sắp cảm nhận được quyền năng của chúng, và khiếp sợ.)
Mấy anh em họ - từ một đến bốn - vây quanh ô cửa người phụ nữ da đen vừa bước vào, bị thu hút như những con ngài tới ánh nến là tiếng hét của bà... Lặng lẽ quan sát bà dưới sự hướng dẫn của Lifafa Das tiến đến ông thầy bói không ra dáng thầy bói, là ông lang bó xương người dụ rắn và anh xiếc khỉ.
Giờ là những tiếng thì thào khích lệ (và có phải cả tiếng khúc khích sau những bàn tay thô kệch?): “Ôi sẽ là một số mệnh tuyệt vời lắm đấy, Sahiba!” và, “Kìa, anh, bà đây đang chờ!”
... Nhưng tay Ramram này là ai? Một tên buôn bán cò con, một gã xem tướng hai hào, một kẻ ban phát mấy lời tiên đoán bùi tai cho những phụ nữ khờ khạo - hay là hàng xịn, người nắm giữ chìa khóa?
Và Lifafa Das: có phải anh chỉ thấy, ở mẹ tôi, một phụ nữ có thể thỏa mãn với một trò bịp hai rupee, hay anh nhìn thấy sâu hơn, tới tận trái tim dưới lòng đất của nỗi yếu đuối trong bà?
Và khi lời tiên tri đến, có phải mấy anh em họ cũng kinh ngạc? - Rồi vụ sùi bọt mép? Cái đó thì sao?
Và có thực là mẹ tôi, dưới tác động xáo trộn của buổi tối kích động này, đã từ bỏ sự kiểm soát đối với bản ngã quen thuộc của bà - mà bà vừa cảm thấy tuột khỏi mình rơi vào khối bọt biển hút nước của bầu không khí không ánh sáng trên cầu thang - và bước vào một trạng thái tâm lý mà chuyện gì cũng có thể xảy ra và đáng tin?
Và còn một khả năng khác, kinh khủng hơn; nhưng trước khi nói lên nghi vấn của mình, tôi phải miêu tả, chính xác hết mức có thể, bất chấp tấm màn mờ đục của những mơ hồ này, điều thật sự đã xảy ra: tôi phải mô tả mẹ tôi, tay nghiêng ra chìa về phía người xem tướng đang lại gần, mắt thao láo như một chú cá chim - còn mấy anh em (khúc khích?).
“Lời đoán số bà sắp nghe sẽ thật hết sảy, Sahiba!” và, “Nói đi, anh, nói đi!” - nhưng tấm màn đã lại buông xuống, nên tôi không dám chắc - có phải ông ta bắt đầu giống một gã xiếc rong rẻ tiền, nhai lại một lượt những kết hợp rỗng tuếch của đường sinh đường tâm và những đứa con sẽ trở thành triệu phú.
Trong khi các ông em họ tung hô, “Chà, chà!” và “Phán chuẩn quá, yara!” - thế rồi, có phải ông ta biến đổi? - có phải Ramram bỗng đờ ra - mắt trợn ngược đến khi chỉ còn lòng trắng - có phải ông ta, bằng giọng nói kỳ quái như một tấm gương, hỏi.
“Bà cho phép tôi chạm vào đó chứ, thưa Bà?” - trong khi mấy ông em họ lặng đi như kền kền đang ngủ - và có phải mẹ tôi, cũng kỳ quái như thế, đáp.
“Phải, tôi cho phép,” biến ông ta thành người đàn ông thứ ba trong đời chạm vào bà, ngoài người thân trong gia đình? - và có phải, đúng thời khắc ấy, một luồng diện như chớp giật nhoáng qua giữa những ngón tay múp míp và làn da người mẹ? Và mặt mẹ tôi, nghệt ra như thỏ, nhìn nhà tiên tri mặc áo ca rô bắt đầu xoay tròn, mắt vẫn trắng dã trên cái mềm mại của khuôn mặt; rồi chợt một cơn rùng mình lan qua người ông ta và vẫn giọng nói cao vút kỳ dị kia phát ra từ đôi môi ông ta (tôi phải miêu tả cả đôi môi ấy nữa - nhưng để sau, vì giờ...)
“Con trai.”
Mấy anh em nín lặng - lũ khỉ cổ tròng dây ngừng chí chóe - rắn hổ mang cuộn mình trong giỏ - và người thầy bói đi vòng tròn, thấy lịch sử cất tiếng nói qua môi mình. (Phải thế chăng?)
Bắt đầu, “Con trai... gớm thay đứa con trai!” Và nó đến, “Một đứa con trai, Sahiba, sẽ không bao giờ già hơn tổ quốc mình - không già hơn cũng chẳng trẻ hơn.”
Và giờ, nỗi sợ thực sự trong lòng người dụ rắn người múa chồn người bó xương và anh chàng hộp vạn hoa, bởi vì chưa bao giờ họ thấỵ Ramram như thế, trong lúc ông ta tiếp tục, ngân nga, cao vút lên: “Có hai cái đầu - nhưng bà sẽ chỉ thấy một - sẽ có đầu gối và mũi, mũi và đầu gối.” Mũi và gối và gối và mũi... nghe kỹ nhé, Padma; ông ta nói cấm có sai!
“Báo chí ca ngợi nó, hai mẹ nuôi dạy nó! Tụi đạp xe mê nó - nhưng đám đông sẽ chê nó! Chị em sẽ khóc; hổ mang sẽ ngóc...” Ramram, vẫn chạy vòng quanh nhanh-nữa nhanh-nữa, trong khi bốn anh em xi xầm.
“Gì thế này, baba?” và, “Lạy Chúa, Shiva, phù hộ chúng con!’
Trong khi Ramram, “Đồ giặt che khuất nó, giọng nói dẫn dắt nó! Bạn bè thương tổn nó - máu sẽ phản bội nó!”
Và Amina Sinai, “Thế nghĩa là sao? Tôi không hiểu - Lifafa Das - ông ấy bị sao thế?”
Thế nhưng, mắt trắng dã và người xoay tít quanh bà đang đờ ra như tượng, Ramram Seth vẫn không dừng lại: “Ống nhổ tẩy não nó, bác sĩ hút kiệt nó - rừng già sẽ chiếm nó - phù thủy tái chiếm nó! Lính tráng kết án nó - bạo chúa sẽ rán nó...”
Trong khi Amina cầu xin lời giải thích và mấy anh em rơi vào một cơn kinh hãi xoắn xuýt tay chân không kìm nổi vì có gì đó đã chi phối tất cả và không ai dám chạm vào Ramram Seth khi ông xoay tít đến đỉnh điểm: “Nó sẽ có con trai mà không có con trai! Nó sẽ già trước khi nó già! Và nó sẽ ch.ết... trước khi nó mất.”
Có phải vậy chăng ? Có phải khi đó Ramram Seth, bị tàn phá có một sức mạnh lớn hơn sức mạnh của ông ta lưu chuyển qua cơ thể, đột nhiên ngã vật ra đất và sùi bọt mép? Có phải cây gậy của người múa chồn được nhét vào giữa hàm răng lập cập? Có phải Lifafa Das đã nói. “Begum Sahiba, xin bà đi cho: anh tôi đổ bệnh rồi”?
Và cuối cùng người dụ rắn - hay tay múa khỉ, hay ông lang bó xương, hay cả Lifafa Das của chiếc hộp vạn hoa có bánh xe - đã nói.
“Tiên đoán nhiều quá, giời ạ. Tối nay Ramram nhà ta tiên đoán nhiều quá đây mà.”
Nhiều năm sau, khi ngấp nghé bước vào thời kỳ lẩm cẩm, khi đủ thứ bóng ma trào ra từ quá khứ mà nhảy múa trước mắt bà, một lần nữa mẹ tôi gặp lại anh chàng hộp vạn hoa, người được bà cứu mạng bằng cách tuyên bố về sự giáng hạ của tôi và đã báo đáp bằng cách dẫn bà đến với quá nhiều tiên đoán, và bình thản bảo anh, không chút cay đắng.
“Cậu quay lại rồi à,” bà nói, “Ừm, để tôi nói cậu nghe điều này: tôi ước gì khi ấy mình hiểu được điều anh cậu nói - về máu, đầu gối và mũi. Vì biết đâu đấy? Tôi đã có thể có một đứa con trai khác.”
Như ông tôi vào buổi đầu, giữa một hành lang đầy mạng nhện trong ngôi nhà một người mù, rồi một lần nữa vào hồi kết; như Mary Pereira sau khi mất đi Joseph của mình, và như tôi, mẹ tôi có biệt tài nhìn thấy ma.
... Nhưng giờ, bởi vẫn còn nhiều câu hỏi và mơ hồ nữa, tôi buộc phải nói lên vài điều nghi ngờ. Nghi ngờ cũng là một con quái vật với quá nhiều đầu; vậy thì, vì sao tôi không thể ngăn mình thả nó xông vào mẹ ruột của tôi?... Từ nào, tôi tự hỏi, sẽ miêu tả khách quan cái bụng của lão thầy bói? Và ký ức - cái ký ức mới mẻ, biết tuốt của tôi, chứa đựng hầu hết cuộc đời của cha mẹ ông bà và tất cả mọi người - đáp lời: mềm; nhão như bánh bột ngô.
Một lần nữa, miễn cưỡng, tôi hỏi: tình trạng đôi môi lão ta thế nào? Và câu trả lời hiển nhiên: đầy; dày thịt; thi sĩ. Và lần thứ ba tôi lục vấn ký ức của mình: thế còn mái tóc? Đáp án: thưa; đen; xuôi; chờm qua tai. Và giờ nỗi nghi ngờ vô căn cứ của tôi đặt câu hỏi tối hậu... phải chăng Amina, trong trắng nhường kia, kỳ thực đã... bởi sự yếu lòng trước những người đàn ông giống Nadir Khan, có thể nào bà lại... trong tâm trạng kỳ dị ấy, và xúc động trước bệnh tình của lão thầy bói, lẽ nào bà không...
“Không!” Padma quát lên, thịnh nộ.
“Sao anh dám ám chỉ? Về người phụ nữ tốt bụng ấy - mẹ đẻ ra anh? Rằng bà ấy sẽ? Anh chẳng biết cái gì mà cũng dám nói thế?” Và, tất nhiên, như mọi khi, cô đúng. Nếu cô mà biết, cô sẽ nói rằng chẳng qua tôi chỉ muốn báo thù, vì điều tôi đích xác đã thấy Amina làm, nhiều năm về sau, qua ô cửa sổ bụi bặm của Pioneer Café, và có lẽ cái ý niệm phi lý của tôi đã sinh ra từ đó, nảy nở một cách phi logic ngược thời gian, rồi chín muồi khi tìm đến cuộc phiêu lưu sớm hơn và, phải, hầu như chắc chắn là trong sạch này. Phải, hẳn là như thế. Nhưng con quái vật không chịu nằm xuống...
“À,” nó bảo, “thế còn chuyện bà ấy nổi cơn tam bành - cái hôm Ahmed thông báo họ sẽ chuyển xuống Bombay?”
Giờ nó nhại lại bà: “Anh - lúc nào cũng anh quyết. Còn tôi thì sao? Nhỡ tôi không muốn thì sao... Tôi chỉ vừa thu xếp cái nhà này tinh tươm xong và vừa mới...!” Nào, Padma: có phải đấy là tâm huyết của người nội trợ - hay là sự ngụy trang?
Phải - ngờ vực vẫn lẩn quất đâu đây. Con quái vật chất vấn, “Tại sao bà ấy không, bằng cách này hay cách khác, kể cho chồng về chuyến đi của mình?”
Câu trả lời của bị cáo (Padma của chúng ta lên tiếng thay cho mẹ tôi vắng mặt): “Nhưng thử nghĩ xem ông ấy sẽ tức giận thế nào, lạy Chúa! Ngay cả khi không có vụ hỏa tặc khiến ông ấy đau đầu! Một đám đàn ông lạ; bà ấy thì một thân một mình; ông ấy lại chả điên lên! Điên hẳn ấy!”
Những nghi ngờ không đáng... tôi phải gạt bỏ chúng; phải gìn giữ sự nghiêm khắc của mình lại cho sau này, khi, thiếu vắng sự mơ hồ, không còn tấm rèm che phủ, bà trao cho tôi những bằng chứng rõ ràng, xác thực, không thể chối cãi.
... Nhưng, tất nhiên, khi cha tôi trở về nhà đêm ấy, với mùi cống rãnh lấn át thứ hơi hám quen thuộc của thất bại tương lai, trên mắt và má ông nước mắt hòa tro chảy thành dòng; lỗ mũi ông đầy lưu huỳnh còn đầu đầy thứ bụi xám của vải giả da ám khói... vì tất nhiên là chúng đã đốt trụi cái godown.
“Nhưng còn đám gác đêm?” - ngủ, Padma, ngủ. Được cảnh báo trước rằng hãy uống thuốc ngủ để phòng khi... Mấy gã lala dũng cảm, mấy tay chiến binh Pathan ấy, những kẻ, sinh ra ở thành thị, chưa từng thấy đèo Khyber[ ], mở những gói giấy nhỏ, trút thứ bột màu gỉ sắt vào ấm chè sôi sục. Họ kéo mấy cái giường bạt ra rõ xa khỏi godown của cha tôi để tránh xà nhà rơi và cơn mưa tàn lửa; rồi nằm dài trên giường bạt họ nhấp nước chè và tiến vào cơn mụ mị ngọt đắng của thuốc ngủ.
Đầu tiên họ om sòm cả lên, lớn tiếng tán tụng những ả gái điếm ưa thích của mình bằng tiếng Pushtu; rồi lăn ra cười rinh rích khi những ngón tay mềm mại của thuốc ngủ ngó ngoáy cù vào sườn họ... đến khi tiếng cười nhường chỗ cho giấc mơ và họ lang thang trên những con đèo ở biên giới của thuốc ngủ, cưỡi bầy ngựa của thuốc ngủ, và cuối cùng đạt đến một trạng thái vô giác không mộng mị mà không gì trên đời có thể đánh thức họ dậy chừng nào thuốc ngủ còn chưa chạy hết vòng dược lực.
[ ] Lala - người nhút nhát, ngại va chạm. Pathan, một tộc người cư trú tại vùng biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Đèo Khyber nằm ở đây.
Ahmed, Butt và Kemal đến nơi bằng taxi - anh lái xe, phát hoảng vì ba người đàn ông tay siết chặt từng nắm tiền nhàu nát bốc mùi gớm ghiếc hơn cả địa ngục vì những vật chất chẳng thơm tho gì mà chúng tiếp xúc dưới hào nước, lẽ ra đã không chờ họ, có điều nếu vậy họ sẽ từ chối trả tiền anh.
“Tha cho tôi, các ngài ơi,” anh nài nỉ, “tôi là một kẻ bé mọn; đừng bắt tôi ở đây...” nhưng lúc đó lưng họ đã đi xa khỏi anh, tiến về ngọn lửa. Anh nhìn họ chạy, tay siết chặt những đồng rupee nhoe nhoét cà chua và cứt chó; miệng há hốc, anh trân trối nhìn cái godown đang cháy, nhìn từng đám mây giữa trời đêm, và như tất cả những người có mặt, anh buộc phải hít thứ không khí ngập ngụa vải giả da và diêm và gạo cháy. Tay bưng mắt, dòm qua kẽ tay, anh tài xế bé nhỏ râu quặp thấy Ngài Kemal, mảnh như một cây bút chì điên loạn, quật đá túi bụi lên thân hình say ngủ của những người gác đêm; và anh suýt nữa đã bỏ cả tiền xe mà chạy trong kinh hoàng vào lúc cha tôi hét lên.
“Coi chừng!”... nhưng, vẫn ở lại bất chấp tất cả, anh thấy cái godown vỡ tung ra dưới sức mạnh của những lưỡi lửa ɭϊếʍƈ vào, anh thấy trào ra khỏi cái godown cả một dòng dung nham không tưởng của gạo đậu lăng đậu xanh áo khoác không thấm nước hộp diêm và rau quả dầm nấu chảy, anh thấy từng bông hoa nóng đỏ của ngọn lửa nở bung lên trời khi các thứ trong nhà kho chảy tràn ra nền đất cứng vàng như một bàn tay cháy đen của sự tuyệt vọng. Phải, tất nhiên cái godown đã bị đốt trụi, nó hóa thành than hồng từ trên trời trút lên đầu họ, nó xộc vào những cái miệng há hốc của đám gác đêm mình mẩy thâm tím song vẫn ngáy...
“Chúa cứu vớt chúng ta,” Ngài Butt nói, và Mustapha Kemal, thực tế hơn, trả lời: “Ơn Chúa là ta đã được bảo hiểm cẩn thận.”
“Đúng lúc đó,” về sau Ahmed Sinai bảo vợ, “đúng lúc đó tôi quyết định từ bỏ nghề buôn vải giả da. Bán cả văn phòng, cả thương hiệu, quên sạch những gì tôi biết về kinh doanh reccine. Lúc đó - không trước, không sau, tôi cũng đi đến quyết định, sẽ không nghĩ ngợi gì về vụ Pakistan dớ dẩn của gã Zulfy chồng con bé Emerald nhà mình nữa. Giữa hơi nóng hầm hập của đám cháy ấy,” cha tôi thổ lộ - và giải phóng cơn tam bành của bà vợ - “tôi quyết định dọn đến Bombay, chuyển sang kinh doanh bất động sản. Nhà cửa ở đấy đang rẻ như bèo,” ông bảọ bà trước khi bà kịp lên tiếng phản đối, “Narlikar biết.”
(Nhưng sẽ đến lúc, ông gọi Narlikar là quân phản bội.)
Trong dòng họ nhà tôi, bao giờ chúng tôi cũng đi khi bị xô đẩy - mùa đông băng giá năm 48 là ngoại lệ duy nhất. Lão lái đò Tai đuổi ông tôi khỏi Kashmir; Mercurochrome xua ông khỏi Amritsar; sự tan vỡ của cuộc sống dưới thảm trực tiếp dẫn đến việc mẹ tôi rời bỏ Agra; và những con quái vật nhiều đầu đẩy cha tôi tới Bombay, để tôi có thể ra đời ở đó.
Đến cuối tháng một năm ấy, lịch sử rốt cuộc đã, bằng một loạt cú xô đẩy, tự dẫn mình đến thời điểm gần như sẵn sàng để tôi xuất đầu lộ diện. Có những điều bí ẩn không thể giải đáp được chừng nào tôi chưa bước lên sân khấu... chẳng hạn như điều bí ẩn trong lời nhận xét khó hiểu nhất của Shri Ramram: “Sẽ có cái mũi và đầu gối: đầu gối, và cái mũi.”
Món tiền bảo hiểm đến; tháng Một kết thúc; và trong quãng thời gian cần thiết để đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Delhi và dọn đến thành phố mới, nơi - như Bác sĩ phụ khoa Narlikar biết rõ - nhà đất tạm thời đang rẻ như bèo, mẹ tôi chuyên tâm vào cái kế hoạch phân đoạn để học cách yêu chồng của bà. Bà bắt đầu cảm thấy một niềm say mê sâu sắc với hình dấu hỏi của đôi tai ông; với độ sâu đặc biệt của rốn ông, nơi ngón tay bà có thể vào đến hết đốt thứ nhất, mà chưa cần phải ấn; dần dần bà yêu cả cái lồi của đầu gối ông; nhưng, dù cố gắng đến mấy (và vì đang dành cho bà sự ưu đãi do thiếu bằng chứng, tôi sẽ không đưa ra đây một lý do khả dĩ nào), có một bộ phận ở ông bà không bao giờ yêu nổi, dù đó chính là thứ ông sở hữu, hoạt động hoàn toàn bình thường, còn Nadir Khan chắc chắn là thiếu; vào những đêm ông nhấp nhổm trên bụng bà - khi đứa bé trong tử cung bà chỉ nhỏ bằng con ếch - bà không có chút khoái cảm nào.
... “Đừng, đừng nhanh thế, janum, cuộc sống của em, lâu hơn chút nữa đi,” bà nói; và Ahmed, nhằm kéo dài thời gian, cố nghĩ đến đám cháy, đến điều cuối cùng xảy ra vào cái đêm rực lửa ấy, ngay khi quay đầu bỏ đi thì ông nghe thấy một tiếng kêu ghê rợn trên không, và, ngẩng lên, kịp thấy một con kền kền - giữa đêm! - một con kền kền từ Tháp Im lặng bay trên đầu, và vừa đánh rơi bàn tay Parsee[ ] đang ăn dở, bàn tay phải, cái bàn tay - lúc này! - tát thẳng vào mặt ông khi rơi xuống; trong khi Amina, nằm dưới ông ở trên giường, tự trách mình: Sao mày không thích được, đồ đàn bà ngu xuẩn, từ nay mày phải cố vào.
[ ] Nguyên văn: Parsee, tín đồ Bái hỏa giáo, đặc biệt là hậu duệ của những người từ Ba Tư chạy sang Ấn Độ trong khoảng thế kỷ 7- Công nguyên.
Ngày mồng 4 tháng Sáu, đôi vợ chồng đổng sàng dị mộng rời Bombay trên chuyến tàu Frontier Mail. (Có tiếng đập cửa, tiếng người cố sống cố ch.ết cầu xin, tiếng nắm đấm kêu gào.
“Maharaj! Mở cửa đi, một tích tắc thôi! Trời ơi, từ dòng sữa của lòng nhân từ, hỡi ngài tôn quý, làm ơn cứu vớt!” Và có cả - giấu dưới đống hồi môn trong chiếc thùng tôn xanh - một chiếc ống nhổ cấm kỵ bằng bạc, khảm thanh kim thạch, chế tác tinh xảo.) Cùng ngày, Bá tước Mountbatten xứ Miến Điện tổ chức họp báo, tại đó ông ta tuyên bố việc Chia cắt Ấn Độ, và treo tờ lịch đếm ngược của mình lên tường: bảy mươi ngày nữa là đến thời điểm chuyển giao quyền lực... sáu mươi chín... sáu mươi tám... tích, tắc.