Chương 8: Tích, tắc
Padma có thể nghe thấy nó: không gì dồn nén sự hồi hộp như đếm ngược. Tôi quan sát đóa hoa-phân của tôi làm việc hôm nay, quấy những vại rau quả dầm như một cơn lốc, như thể làm thế sẽ khiến thời gian trôi nhanh hơn. (Mà có lẽ là có; thời gian, theo kinh nghiệm của tôi, cũng biến thiên và bất ổn như nguồn điện của Bombay. Nếu quý vị không tin, cứ gọi cho dịch vụ báo giờ tự động thì biết - gắn với lưới điện, nó thường bị sai vài tiếng. Trừ phi kẻ sai là chính chúng ta... không dân tộc nào có từ chỉ “hôm qua” và “ngày mai” là một lại được coi là nắm chắc về thời gian cả[ ])
[ ] Trong tiếng Hindi, chữ kai trong mệnh đề thì tương lai nghĩa là “ngày mai,” nhưng trong mệnh đề thì quá khứ lại có nghĩa là “hôm qua.”
Nhưng hôm nay, Padma nghe thấy tiếng tích tắc của Mountbatten... Do Anh sản xuất, nó đập với sự chính xác lạnh lùng. Và giờ nhà máy đã trống không; hơi còn lởn vởn, nhưng những vại rau quả dầm đã lặng; và tôi đã giữ lời. Ăn vận chỉn chu, tôi chào đón Padma khi cô xô đến bàn tôi, ngồi phệt xuống sàn cạnh tôi, ra lệnh: “Bắt đầu.” Tôi nở một nụ cười thỏa mãn; cảm thấy đàn con của nửa đêm xếp hàng trong đầu mình, chen lấn xô đẩy như mấy mụ dân chài Koli; tôi bảo tụi nó đợi, không lâu nữa đâu; tôi hắng giọng, khẽ lắc cây bút một cái; rồi bắt đầu.
Ba mươi hai năm trước thời điểm chuyển giao quyền lực, ông tôi vập mũi vào mặt đất Kashmir. Hồng ngọc và kim cương xuất hiện. Và có lớp băng của tương lai, chực chờ dưới làn nước. Và có một lời thề: không cúi đầu trước thần hay người. Lời thề ấy tạo ra một lỗ hổng, tạm thời được lấp đầy bởi một người đàn bà sau một tấm ga khoét lỗ. Một lão lái đò từng tiên đoán về những vương triều nấp trong mũi ông tôi giận dữ chở ông qua một hồ nước. Có những lão chúa đất mù và những nữ đô vật. Và một tấm ga trong một gian phòng tăm tối.
Ngày hôm đó, di sản của tôi bắt đầu hình thành - màu xanh của bầu trời Kashmir - nhỏ vào mắt ông tôi; sức chịu đựng của cụ bà tôi rồi sẽ biến thành tính nhẫn nại của chính mẹ tôi và sự sắt đá sau này của Naseem Aziz, năng lực trò chuyện với chim của cụ ông tôi rồi sẽ thèo dòng huyết thống quanh co di truyền vào mạch máu của con Khỉ Đồng em tôi; xung đột giữa chủ nghĩa hoài nghi rằng ông ngoại và tính cả tin đằng bà ngoại; và trên hết là bản chất ma quái của tấm ga giường khoét lỗ, đã định cho mẹ tôi phải học yêu một người đàn ông theo từng mảnh, và kết án tôi phải nhìn cuộc đời mình - ý nghĩa của nó, cấu trúc của nó - cũng theo từng mảng một; thế nên khi tôi hiểu được nó, thì đã là quá muộn.
Năm tháng tích tắc trôi đi - và di sản của tôi lớn dần, bởi giờ đây tôi có túi răng vàng huyền thoại của lão lái đò Tai, và chai rượu của lão báo hiệu về những tửu tinh của cha tôi; tôi có Ilse Lubin cho chuyện tự tử và rắn ngâm rượu cho chuyện bổ dương; tôi có Tai-ủng-hộ-sự-không-thay-đổi đối nghịch với Aadam-cổ-xúy-tiến-bộ; rồi, còn nữa tôi có mùi hôi của lão lái đò không tắm đã đuổi ông bà tôi xuôi Nam, và khiến Bombay trở thành điều có thể.
... Và giờ, bị Padma và tiếng tích tắc thôi thúc, tôi tiếp tục, thu thập Mahatma Gandhi và phong trào hartal của ông, tiêu hóa ngón-cái-và-ngón-trỏ, nuốt trọn thời khắc Aadam Aziz không biết mình là người Kashmir hay Ấn Độ; giờ tôi đang uống Mercurochrome và nhuộm hình những bàn tay sẽ tái hiện trong bãi nước trầu lênh láng, và tôi đang nốc cạn Dyer, bộ ria và các thứ; ông tôi được cái mũi cứu sống và một vết bầm xuất hiện trên ngực ông, vĩnh viễn không tan biến, nhờ vậy ông và tôi tìm thấy trong cơn nhức nhối bất tận của nó câu trả lời cho câu hỏi kia, Ấn Độ hay Kashmir?
Bị nhuộm màu bởi vết bầm của một chiếc khóa cặp Heidelberg, chúng tôi quyết định chung số phận với Ấn Độ; nhưng sự xa lạ của cặp mắt xanh vẫn còn đó. Tai ch.ết, song ma thuật của lão vẫn đeo đuổi chúng tôi, biến chúng tối thành tách biệt.
... Chạy hộc tốc, tôi dừng lại để nhặt trò phụt-ống-nhổ. Năm năm trước ngày một quốc gia ra đời, di sản của tôi lại lớn lên, để bao gồm một dịch bệnh lạc quan sẽ bùng phát lần nữa vào thời của tôi, và những vệt nứt trên mặt đất rồi-sẽ-đã-được tái sinh dưới da tôi, và con Chim ngân nga cựu ảo thuật gia người đã khởi đầu một hàng dài các nghệ sĩ xiếc rong vẫn luôn song hành với cuộc đời tôi, và cặp nốt ruồi như núm ɖú phù thủy và sự thù ghét ảnh chụp và câu cái-gì-không-biết của bà tôi, và những cuộc chiến của ch.ết đói và im lặng, và sự thông thái của bác Alia tôi sẽ biến thành kiếp gái già và nỗi cay đắng để rồi cuối cùng bùng nổ trong một đòn báo thù ch.ết chóc, và tình yêu của Emerald và Zulfikar rồi sẽ cho phép tôi bắt đầu một cuộc cách mạng, và những lưỡi dao cong, những vầng trăng sát nhân được lặp lại trong cái tên mẹ “gọi yêu” tôi, chand-ka-tukra thơ ngây cùa bà, mảnh trời... yêu dấu của bà... giờ đây, đang lớn dần, bồng bềnh trong bể nước ối của quá khứ.
Tôi được nuôi lớn bởi một tiếng ngân vút lên cao-mãi, cao-mãi cho đến khi đàn chó tới cứu viện, bởi một cuộc đào tẩu vào ruộng ngô và sự giải cứu xuất phát từ Rashid, cậu trai kéo xe với trò khỉ Gai Wallah khi cậu chạy - HẾT TỐC LỰC! - và hét lên trong im lặng, khi cậu tiết lộ bí mật của những ổ khóa Ấn Độ và đưa Nadir Khan vào một buồng vệ sinh có chứa cái tủ giặt, phải, tôi đang nặng lên theo từng giây, béo ra nhờ tủ giặt và tình yêu dưới-tấm-thảm của Mumtaz và gã thi sĩ không vần, phính lên khi nuốt giấc mơ của Zulfikar về chiếc bồn tắm đặt cạnh giường và một lăng Taj Mahal trong lòng đất và cái ống nhổ bằng bạc khảm thanh kim thạch.
Một cuộc hôn nhân tan rã, và nuôi lớn tôi. Một bà dì phản bội chạy giữa phố phường Agra, bỏ quên lòng tự trọng, và nó cũng nuôi lớn tôi. Giờ đây những khởi đầu hụt đã chấm dứt, và Amina đã thôi không là Mumtaz, còn Ahmed Sinai đã trở thành, theo một nghĩa nào đó, cha cô và đồng thời là chồng cô... di sản của tôi gồm cả năng khiếu này, cái năng khiếu tự tạo ra cha mẹ mới cho mình mỗi khi cần thiết. Cái quyền năng cho ra đời những ông bố và bà mẹ: cái điều Ahmed muốn nhưng không bao giờ có được.
Qua dây nhau của mình, tôi hấp thu những kẻ lậu vé và sự nguy hiểm của việc mua quạt lông công; sự cần mẫn của Amina rỉ vào tôi, và những thứ đáng ngại hơn - tiếng bước chân lộp cộp, nhu cầu của mẹ tôi phải nài tiền cho tới khi cái khăn ăn trong lòng cha tôi bắt đầu run rẩy và dựng lên một túp lều nhỏ - rồi tro hỏa táng của những chiếc Arjuna Indiabike, rồi cái hộp vạn hoa mà Lifafa Das cố nhét mọi thứ trên đời vào, rồi bè lũ bất lương thực hiện hành vi phá hoại; những quái vật nhiều đầu căng phình trong tôi - những quỷ vương Ravana đeo mặt nạ, những con bé tám tuổi có tật nói ngọng và một hàng lông mày liền, những đám đông gào thét Kẻ hϊế͙p͙ ɖâʍ. Những lời tuyên bố công khai đang nuôi dưỡng tôi lớn dần đến thời khắc của mình, và chỉ còn bảy tháng nữa thôi.
Biết bao nhiêu sự vật con người ý tưởng chúng ta mang theo vào thế giới này, bao nhiêu khả năng và cả sự giới hạn của khả năng! - Bởi hết thảy những điều này đều là cha mẹ của đứa trẻ ra đời nửa đêm hôm đó, và với mỗi một đứa trẻ nửa đêm là lại thêm ngần ấy nữa. Trong số cha mẹ của nửa đêm: thất bại của kế hoạch của Phái đoàn Nội các; quyết tâm của M.A. Jinnah, kẻ sắp ch.ết và muốn thấy Pakistan ra đời khi ông ta còn sống, và sẽ làm bất kỳ việc gì để đảm bảo điều đó - chính tay Jinnah mà cha tôi, rẽ nhầm như thường lệ, từng từ chối gặp; rồi Mountbatten với sự hối hả bất thường và bà vợ khoái ức gà; rồi còn nhiều, nhiều nữa - Thành Đỏ và Thành Cổ, khỉ và kền kền đánh rơi những bàn tay, rồi những gã lại cái da trắng, rồi thầy lang bó xương và người luyện chồn và Shri Ramram Seth người tiên đoán quá nhiều.
Và giấc mơ sắp xếp lại kinh Quran của cha tôi cũng có chỗ của mình; rồi vụ đốt godown đi biến ông thành lái buôn bất động sản thay vì vải giả da; rồi cái mẩu của Ahmed mà Amina không thể nào yêu. Để hiểu được chỉ một cuộc đời thôi, quý vị sẽ phải nuốt cả thế giới. Tôi đã bảo rồi.
Rồi ngư dân, rồi Catharine xứ Braganza, rồi Mumbadevi dừa gạo; tượng Shiva và điền trang của Methwold; một cái bể bơi hình Ấn Độ thuộc Anh và ngọn đồi cao bằng tòa nhà hai tầng; một cái ngôi giữa và một cái mũi thừa kế từ Bergerac; một ngọn tháp đồng hồ không hoạt động và một vòng xuyến nhỏ; nỗi thèm khát một ẩn dụ Ấn Độ ở một người Anh và hành động quyến rũ vợ một nghệ sĩ phong cầm. Vẹt đuôi dài, quạt trần, Thời báo Ấn Độ đều là một phần của hành trang tôi mang vào đời... vậy quý vị có lấy làm lạ rằng tôi là một thằng bé nặng không? Jesus da xanh rỉ vào tôi; và nỗi tuyệt vọng của Mary, và dã tính cách mạng của Joseph, và sự nhẹ dạ của Alice Pereira... tất cả đều tạo ra tôi.
Nếu tôi có vẻ hơi kỳ dị, hãy nhớ tới sự phong phú điên rồ của di sản của tôi… có lẽ, nếu muốn giữ mình là một cá nhân giữa đám đông lúc nhúc, người ta phải tự biến mình thành dị dạng..
“Rốt cuộc,” Padma nói với vẻ thỏa mãn, “anh đã học được cách kể chuyện thực nhanh rồi đấy.”
13 tháng Tám, 1947: bất hòa trên thiên giới. Sao Mộc, sao Thổ và sao sao Kim đang kỳ xung khắc; chưa hết, ba ngôi xung tinh này đang di chuyển vào cung hãm nhất. Các nhà chiêm tinh thành Benares gọi tên nó đầy sợ hãi: “Karamstan! Chúng đi vào Karamstan!”
Trong khi các nhà chiêm tinh đưa ra những thông báo hoảng loạn cho các thủ lĩnh đảng Quốc đại, mẹ tôi ngả mình ngủ trưa. Trong khi Bá tước Mountbatten hối tiếc vì Ban Tham muu của mình thiếu những chuyên gia thần bí học, cái bóng quay chầm chậm của một chiếc quạt trần ru Amina vào giấc ngủ. Trong khi M.A. Jinnah, yên trí rằng Pakistan của mình sẽ ra đời sau chỉ mười một tiếng nữa, tròn một ngày trước Ấn Độ độc lập, vốn còn tận ba mươi lăm tiếng, đang giễu cợt những lời phản đối của các ông thầy tử vi, lắc đầu với vẻ khoái trá, đầu Amina cũng đang quay qua quay lại.
Nhưng bà đang ngủ. Và suốt những ngày mang thai nặng như đeo đá ấy, một giấc mơ kỳ quái về giấy bẫy ruồi không ngừng ám ảnh giờ ngủ của bà... trong đó, lúc này, như mọi lần, bà đang lang thang trong một quả cầu thủy tinh đầy những dải giấy nâu dính đu đưa, bám chặt vào quần áo bà và xé toạc chúng ra khi bà vấp lên vấp xuống giữa rừng giấy không thể xuyên thủng ấy; và giờ bà vật lộn, xé giấy, nhưng nó túm lấy bà, tới khi bà trần truồng, với đứa trẻ quẫy đạp trong bà, và đám xúc tu dài của giấy dính ruồi vươn ra chụp lấy cái bụng phập phồng của bà, giấy dính chặt vào tóc mũi răng ɖú đùi bà, và khi bà há miệng toan kêu thì một nùi giấy nâu dính chẹn ngang đôi môi vừa hé mở.
“Amina Begum!” Musa gọi. “Dậy đi! Ác mộng, Begum Sahiba!”
Những sự kiện của vài tiếng cuối cùng ấy - chỗ cặn cuối cùng trong di sản của tôi: khi còn ba mươi lăm tiếng nữa, mẹ tôi mơ thấy bà bị dính vào thứ giấy nâu như một con ruồi. Và vào giờ cocktail (ba mươi tiếng nữa) Wiiliam Methwold đến thăm cha tôi ở khu vườn của Biệt thự Buckingham. Ngôi giữa sải bước bên cạnh và bên trên ngón cái, Ngài Mechwold hồi tưởng lại. Những câu chuyện về Methwold đầu tiên, người đã mơ thành phố này thành hiện thực, lấp đầy bầu không khí buổi tối trong ánh hoàng hôn sau chót ấy.
Và cha tôi - bập bẹ giọng Oxford lè nhè, nóng lòng gây ấn tượng với tay người Anh sắp ra đi - bèn đáp, “Thật ra, nhà tôi cũng là một dòng họ khá danh giá. ông bạn già ạ.” Methwold lắng nghe: đầu ngửa lên, hoa hồng đỏ nơi ve áo màu kem, mũ rộng vành che mái tóc rẽ ngôi, một tia thích thú kín đáo trong mắt... Ahmed Sinai, được whisky bôi trơn, bị sự ngạo mạn thôi thúc, hào hứng tiếp tục đề tài ấy.
“Dòng dõi Mughal, thực tế là vậy.” Thế là Methwold, “Không! Thật à? Ông bỡn tôi chứ hả?”Và Ahmed, đã trót đi quá xa, đành phải tiếp tục. “Ngoại hôn, tất nhiên; nhưng Mughal, chắc chắn đấy.”
Đó là chuyện, ba mươi tiếng trước khi tôi ra đời, cha tôi đã cho thấy ông cũng khát khao những tổ tiên hư cấu ra sao... ông đã đi đến chỗ sáng chế ra một cây phả hệ mà, nhiều năm sau đó, khi whisky đã xóa mờ ký ức và những chai-tửu-tinh làm ông lẫn lộn, sẽ xóa sạch đi mọi vết tích của hiện thực ra sao... và, để gia cố cho luận điểm của mình, ông đã mang vào đời chúng tôi ý tưởng về lời nguyền của dòng họ như thế nào.
“Chính thế,” cha tôi nói khi Methwold ngửa mái đầu u ám không cười, “nhiều gia tộc lâu đời có những lời nguyền như thế. Trong dòng họ nhà tôi nó được truyền từ con trai cả cho con trai cả - chỉ bằng chữ viết, bởi nói ra không thôi cũng đủ giải phóng quyền năng của nó, ông biết đấy.”
Và giờ Methwold: “Hay thật! Và ông biết những lời ấy?” Cha tôi gật đầu, môi trề ra, ngón chân bất động khi ông gõ trán để nhấn mạnh.
“Ở đây cả, nhớ nằm lòng hết. Chưa có ai động đến từ khi một cụ tổ cãi lộn với Hoàng đế Babar và buông lời nguyền lên chính con trai mình Humayun... câu chuyện kinh khủng, mà... bọn học trò ai cũng biết.”
Và rồi sẽ đến lúc cha tôi, vật lộn trong sự lẩn tránh tuyệt đối khỏi hiện thực, tự nhốt mình trong một căn phòng màu xanh và cố nhớ lại một lời nguyền ông đã mơ ra vào một buổi tối trong vườn nhà mình khi ông đứng gõ tay lên thái dương cạnh hậu duệ của William Methwold.
Giờ đây, bị trói cùng những giấc mơ về giấy bẫy ruồi và các tổ tiên tưởng tượng, tôi vẫn còn hơn một ngày nữa mới ra đời... nhưng giờ tiếng tích tắc lạnh lẽo kia tái lập vị thế của mình: còn hai mươi chín tiếng, hai mươi tám, hai mươi bảy...
Còn những giấc mơ nào được mơ vào cái đêm cuối cùng ấy? Có phải là - phải rồi, sao lại không? - Bác sĩ Narlikar, không hề biết về tấn kịch sắp xảy ra ở Nhà Hộ sinh của mình, đã lần đầu tiên mơ về tetrapod? Có phải vào cái đêm cuối cùng ấy, trong khi Pakistan đang ra đời ở phía Bắc và Tây của Bombay - cậu Hanif tôi, người đã chuyển (giống chị mình) đến Bombay, và đem lòng yêu một nữ diễn viên, nàng Pia thần thánh (“Gia tài của nàng là gương mặt!” tờ Illustrated Weekly từng viết), lần đầu tiên tưởng tượng ra cái thiết bị điện ảnh rồi sẽ sớm mang đến cho ông bộ phim đầu tiên trong ba phim bom tấn của ông?
... Có vẻ lắm, thần thoại, ác mộng, truyền kỳ đều có trong không khí. Có điều này là chắc chắn: vào cái đêm cuối cùng ấy, ông tôi Aadam Aziz, giờ còn lại một mình ở ngôi nhà cổ lớn trên đường Cornwallis - ngoại trừ bà vợ mà sức mạnh ý chí dường như tăng lên trong khi Aziz kiệt quệ đi vì tuổi tác, và một cô con gái, Alia, mà sự đồng trinh cay đắng sẽ kéo dài đến ngày một quả bom chẻ bà làm đôi mười tám năm sau đó - bỗng nhiên bị giam cầm trong những đai kim loại khổng lồ của hoài niệm, và nằm thao thức khi chúng đè siết lên ngực ông; đến khi cuối cùng, vào năm giờ sáng 14 tháng Tám - còn mười chín tiếng nữa - ông bị một sức mạnh vô hình đẩy khỏi giường và kéo tới trước một cái thùng tôn cũ.
Mở nó ra, ông thấy: những tạp chí tiếng Đức cũ; cuốn Làm gì? của Lenin; một tấm thảm cầu nguyện được gấp lại; và cuối cùng là thứ mà ông vừa cảm thấy một nỗi thôi thúc không cưỡng nổi phải nhìn lần nữa - trắng, được gấp lại và tỏa sáng yếu ớt dưới ánh bình minh - ông tôi lấy ra, từ chiếc thùng tôn của quá khứ, một tấm ga giường ố bẩn và khoét lỗ, và phát hiện thấy cái lỗ đã to ra; thấy có những lỗ khác, nhỏ hơn trên mặt vải xung quanh; và bị bóp nghẹt trong cơn thịnh nộ điên cuồng của niềm hoài nhớ ông lay vợ dậy và làm bà sửng sốt khi ông vừa quát lên vừa vung vẩy lịch sử của bà trước mũi bà:
“Nhậy cắn! Nhìn xem, Begum: nhậy cắn! Bà quên không bỏ băng phiến rồi!”
Nhưng giờ tiếng đếm ngược không chối bỏ được nữa... mười tám tiếng; mười bảy; mười sáu... và tại Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar, đã có thể nghe thấy tiếng thét của một phụ nữ đang đau đẻ. Wee Willie Winkie đang ở đây; với vợ anh Vanita; cô ở trong tình trạng đau đẻ kéo dài, không có kết quả đã tám tiếng đồng hồ. Cơn đau đầu tiên nhói lên đúng lúc, cách đấy hàng trăm cây số, M.A. Jinnah tuyên bố sự ra đời vào nửa đêm của một quốc gia Hồi giáo... nhưng cô vẫn quằn quại trên một cái giường trong “buồng từ thiện” của Nhà Narlikar (dành riêng cho con nhà nghèo)... mắt cô lồi phân nửa ra khỏi đầu; người cô bóng nhẫy mồ hôi, nhưng đứa bé không tỏ vẻ gì là sắp chui ra, và bố nó cũng không có mặt; lúc này là tám giờ sáng, nhưng, theo tình hình này, vẫn có khả năng là đứa bé đang chờ đến nửa đêm.
Tin đồn trong thành phố: “Đêm qua bức tượng lại phi!”
… “Và các tinh tú đang không thuận!”
... Nhưng bất chấp những điềm chẳng lành này, thành phố vẫn bình thản, với một huyền sử mới lóe lên nơi khóe mắt, Tháng Tám ở Bombay: tháng của hội hè, tháng của sinh nhật Krishna và Ngày Dừa: riêng năm nay - mười bốn tiếng nữa, mười ba, mười hai - trên lịch còn có thêm một ngày lễ nữa, một huyền sử mới để ăn mừng, vì một đất nước trước đây chưa từng tồn tại sắp sửa giành được tự do, phóng chúng ta vào một thế giới mà dù có năm ngàn năm lịch sử, dù đã phát minh ra cờ vua và thông thương với Ai Cập thời Trung đế chế[ ], vẫn chỉ hoàn toàn là tưởng tượng vào một xứ sở huyền bí, một đất nước sẽ chẳng bao giờ tồn tại nếu không có những nỗ lực của một ý chí tập thể phi thường - nếu không phải trong một giấc mơ mà chúng ta đều sẵn lòng mơ; đó là một ảo tưởng tập thể được chia sẻ từ nhiều góc độ giữa người Bengal và Punjab, Madras và Jat, và theo định kỳ sẽ cần được thánh hóa và tái sinh, điều chỉ có thể thực hiện được bằng những nghi lễ của máu. Ấn Độ, huyền sử mới - một tiểu thuyết tập thể mà trong đó mọi thứ đều là có thể, một ngụ ngôn mà chỉ hai huyền thoại vĩ đại khác mới xứng là đối thủ: tiền và Chúa.
[ ] Nguyên tác: Middle Kingdom Egypt, vương quốc Ai Cập thời kỳ 2080-1640 trước Công nguyên.
Tôi đã là, trong thời của tôi, bằng chứng sống cho bản chất hoang đường của giấc mơ tập thể này; nhưng tạm thời, tôi phải chia tay với những ý tưởng khái quát, vĩ mô này để tập trung vào một nghi lễ riêng tư hơn; tôi sẽ không miêu tả những vụ đổ máu tập thể đang diễn ra ở biên giới tỉnh Punjab bị tách (nơi những quốc gia bị chia cắt đang tắm mình trong máu của nhau, và một tay Thiếu tá Zulfikar mặt hề Punchinello[ ] đang mua lại điền sản của dân tị nạn với giá thấp đến lố bịch, đặt nền tảng cho một gia tài sẽ cạnh tranh được với Thủ hiến bang Hyderabad); tôi sẽ ngoảnh mặt không nhìn cảnh lực ở Bengal và cuộc đi bộ dài vì hòa bình của Mahatma Gandhi. Ích kỷ? Đầu óc hẹp hòi? À, có thể; nhưng theo ý tôi thì có thể thông cảm được. Nói cho cùng, ai cũng chỉ sinh ra có một lần.
[ ] Nhân vật trong hài kịch dân gian của Ý, có cái mũi khoằm và nhọn.
Còn mười hai tiếng nữa. Amina Sinai, vừa tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng giấy bẫy ruồi, sẽ không ngủ lại cho đến sau... Ramram Seth đang choán hết đầu bà, bà đang lênh đênh giữa một vùng biển động nơi những con sóng của niềm háo hức xen lẫn với những hố thẳm đen ngòm, váng vất, đẫm nước của nỗi sợ hãi. Nhưng còn gì đó khác cũng đang hoạt động. Hãy nhìn tay bà - khi, không hề có chỉ dẫn của ý thức, chúng ấn mạnh lên bụng bà; hãy nhìn môi bà, mấp máy mà bà không hề biết, “Nào, rùa con, con không muốn bị hụt lên báo chứ!”
Còn tám tiếng nữa... vào bốn giờ chiều hôm đó, William Methwold lái chiếc 1946 Rover đen lên ngọn đồi cao bằng hai tầng nhà. Ông ta đỗ xe ở vòng xuyến giữa bốn tòa biệt thự quý tộc; nhưng hôm nay ông ta không thăm ao cá hay vườn xương rồng; ông ta không chào Lila Sabarmati với câu cửa miệng.
“Cái pianola sao rồi? Mọi thứ ngon lành cả chứ” - và ông ta cũng không chào ông lão Ibrahim đang ngồi dưới bóng râm của mái hiên tầng trệt, đu đưa trên chiếc ghế đu và ngẫm ngợi về cây sisal; không nhìn đến cả Catrack lẫn Sinai, ông ca đứng vào vị trí chính giữa vòng xuyến. Hoa hồng trên ve áo, mũ màu kem áp cứng trước ngực, ngôi giữa lấp lánh dưới nắng chiều, William Methwold đăm đăm nhìn ra trước mặt, qua tháp đồng hồ và đường Warden, vượt bể bơi hình bản đồ của Breach Candy, qua những con sóng vàng lúc bốn giờ chiều, và giơ tay chào; trong khi ngoài xa, phía trên chân trời, mặt trời bắt đầu đường lặn dài về phía biển.
Còn sáu tiếng nữa. Giờ cocktail. Những người kế tục William Methwold đang ở ngoài vườn - trừ Amina ngồi trong phòng-tháp, né tránh những cái liếc mắt ganh đua nhẹ nhàng được ném về phía bà từ Nussie-nhà-bên, cô ta cũng đang thúc giục Sonny của mình tụt xuống và chui ra giữa hai chân cô ta, hẳn thế; một cách tò mò họ quan sát tay người Anh, đứng bất động và cứng đơ như cây thông nòng súng mà trước đây chúng ta đã so sánh với cái ngôi giữa của ông ta; tới khi họ bị thu hút vào nhân vật mới xuất hiện.
Một người đàn ông cao, mình dây, cổ đeo ba vòng hạt, lưng quấn một cái đai bằng xương gà; làn da đen nhem nhuốc bồ hóng, tóc thưa và dài - không mặc gì trừ chuỗi nạt và bồ hóng, vị sadhu sải bước giữa những biệt thự lợp ngói đỏ. Musa, lão đầy tớ già, bước xuống định xua ông ta đi; nhưng ngần ngừ, không biết phải ra lệnh cho một tu sĩ ra sao. Rẽ qua bức màn lưỡng lự của Musa, vị sadhu tiến vào khu vườn của Biệt thự Buckinghan; đi thẳng qua mặt cha tôi đang ngỡ ngàng; ngồi yên vị, xếp bằng tròn, dưới cái vòi nước nhỏ giọt trong vườn.
“Cụ muốn gì ở đây, sadhuji ?” - Musa, không tránh khỏi sự tôn kính; vị sadhu, bình thản như mặt hồ: “Ta đến để chờ đón sự giáng hạ của Người. Của Mubarak - Kẻ được Ban phước. Nó sắp xảy ra rồi.”
Tin hay không thì tùy; tôi được tiên đoán hai lần liền! Và vào cái ngày mọi thứ đều đặc biệt đúng lúc, sự nhạy cảm về thời điểm của mẹ tôi đã không phụ lòng bà; lời cuối cùng vừa rồi môi vị sadhu thì lập tức vang lên, từ căn phòng-tháp tầng một với những bông tulip thủy tinh nhảy múa trên cửa sổ, một tiếng hét chói tai, một ly cocktail gồm ba phần bằng nhau của sợ hãi, háo hức và đắc thắng… “Arre Ahmed!” Amina Sinai hét lên, “Janum, đứa bé! Nó sắp ra rồi - cực đúng giờ!”
Điện phập phù trên khắp Điền trang Methwold... và đây là Homi Catrack, với dáng chạy hối hả hốc hác mắt trũng sâu, đề nghị: “Chile Studebaker của tôi ngài cứ tùy nghi sử dụng, Sinai Sahib; lấy luôn đi - đi ngay đi!”
…Và khi vẫn còn năm tiếng ba mươi phút nữa, nhà Sinai, chồng và vợ, lái xuống quả đồi cao bằng hai tầng nhà trong chiếc xe đi mượn; kia là ngón chân cái cha tôi ấn xuống chân ga; kia là tay mẹ tôi ấn xuống cái bụng vầng trăng; và giờ họ đã đi khuất, vòng qua khúc quanh, qua Hiệu giặt là Band Box và Thiên Đường của Độc giả, qua nữ trang của Fatbhoy và đồ chơi của Chimalker, qua những thanh Sô cô la Dài Cả Mét và những cánh cổng ở Breach Candy, phóng đến Nhà hộ sinh của Bác sĩ Narlikar, nơi, trong một buồng từ thiện, Vanita của Wee Willie vẫn đang hổn hển và rặn, cột sống cong lại, mắt lồi ra, và một bà đỡ tên gọi Mary Pereira cũng đang đợi đến thời khắc của mình...
Thế nên cả Ahmed của môi trề và bụng nhão và tổ tiên hư cấu, lẫn Amina da sậm bị tiên tri ám ảnh đều không có mặt khi mặt trời lặn xuống lần cuối cùng trên Điền trang của Methwold, và vào đúng thời khắc của lần biến mất sau cùng ấy - còn năm tiếng hai phút nữa - William Methwold giơ cánh tay trắng, dài lên quá đầu. Bàn tay trắng lơ lửng trên mái tóc đen vuốt dầu thơm; những ngón tay trắng thon dài xoắn về phía cái ngôi giữa, và bí mật thứ hai và sau chót được tiết lộ, vì những ngón tay đã cong lại, vồ lấy mái tóc; khi rút khỏi đầu ông ta, chúng không nhả con mồi ra; và vào khoảnh khắc khi mặt trời vừa biến mất Ngài Methwold đứng trong ánh ngày tàn ở Điền trang của mình với mái tóc trên tay.
“Một gã hói!” Padma thốt lên. “Mái tóc bóng lộn của gã... tôi biết mà; đẹp quá hóa rởm!”
Hói, hói; đầu bóng lộn! Bị tiết lộ: trò lừa đảo đã bịp được người vợ một nghệ sĩ phong cầm. Như Samson, sức mạnh của William Methwold nằm ở mái tóc; nhưng giờ, mảng đầu hói lung linh giữa chiều chạng vạng, ông ta ném mái tóc qua cửa sổ vào xe; phân phát, với thái độ có vẻ bất cần, giấy chứng nhận sở hữu đã ký tên cho các cung điện của mình; rồi lái xe đi. Không một ai ở Điền trang Methwold gặp lại ông ta nữa; nhưng tôi, người chưa gặp ông ta lần nào, lại thấy không thể quên được con người này.
Bỗng nhiên tất cả đều màu nghệ và xanh lục. Amina Sinai ở một căn phòng có tường màu nghệ và đồ gỗ màu xanh. Trong buồng bên cạnh, Vanita của Wee Willie Winkie, da xanh, lòng trắng trên mắt vẫn màu nghệ, đứa bé rốt cuộc đã bắt đầu chui ra bằng lối bên trong, nơi cũng có, hẳn rồi, màu sắc tương tự. Từng phút màu nghệ và từng giây màu xanh trôi đi trên những chiếc đồng hồ treo tường.
Bên ngoài Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar, có pháo hoa và đám đông, cũng tuần theo những màu sắc của đêm - pháo bông màu nghệ, mưa lấp lánh màu xanh; đàn ông mặc áo màu zafaran, đàn bà quấn sari màu chanh. Trên một tấm thảm màu nghệ-và-xanh, Bác sĩ Narlikar bảo Ahmed Sinai.
“Tôi sẽ đích thân chăm sóc cho Begum của anh,” ông ta nói, với giọng nhẹ nhàng mang màu sắc của buổi tối, “Không phải lo gì cả. Anh chờ ở đây; phòng rộng tha hồ mà đi lại.”
Bác sĩ Narlikar, mặc dù ghét trẻ con, lại là một bác sĩ phụ khoa lành nghề. Khi rảnh rỗi ông ta giảng bài viết lách phát truyền đơn nhiếc móc cả nước về chủ đề tránh thai.
“Ngừa Thai,” ông ta nói, “là Ưu Tiên Số Một Của Cộng Đồng. Một ngày kia tôi sẽ nhồi được điều đó vào những cái đầu ngu dốt của thiên hạ, thế là tôi sẽ rảnh nợ.”
Ahmed Sinai mỉm cười, gượng gạo, thấp thỏm. “Riêng tối nay,” cha tôi nói, “quên bài giảng đi - đỡ đứa nhỏ giùm tôi.”
Hai mươi chín phút nữa là tới nửa đêm. Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar đang hoạt động với nhân sự tối thiểu; có nhiều người vắng mặt, nhiều nhân viên thích ăn mừng sự ra đời sắp đến của đất nước hơn, nên sẽ không trợ giúp sự ra đời của lũ trẻ đêm nay. Áo màu nghệ, váy màu xanh, họ tụ tập trên những con phố trang hoàng, dưới những dãy ban công bất tận của thành phố, nơi những ngọn đèn dia bằng đất nung đổ đầy thứ dầu bí ấn; bấc nổi trong những ngọn đèn nối liền mọi ban công và mái nhà, và những ngọn bấc này cũng tuân theo kiểu phối màu hai tông của chúng ta: phân nửa số đèn cháy màu nghệ, nửa kia rực màu xanh.
Luồn lách xuyên qua con quái vật nhiều đầu tức đám đông kia là một chiếc xe cảnh sát, sắc vàng và lam của những bộ cảnh phục bị ánh đèn kỳ bí biến thành màu nghệ và xanh. (Ta đang ở trên đường đê Colaba, chỉ giây lát thôi, để hé lộ rằng hai mươi bảy phút trước nửa đêm, cảnh sát đang truy lùng một tên tội phạm nguy hiểm. Tên gã: Joseph D’Costa. Gã hộ lý đang vắng mặt, đã vắng mặt mấy ngày nay, khỏi công việc ở Nhà Hộ sinh, khỏi căn phòng của gã gần lò mổ, và khỏi cuộc đời nàng Mary đồng trinh sầu muộn.)
Hai mươi phút trôi qua, với những tiếng aaah từ Amina Sinai, mỗi lúc một gắt hơn và gấp hơn, và những tiếng aaah yếu ớt mệt nhoài từ Vanita ở phòng bên cạnh. Con quái vật trên đường phố đã bắt đầu ăn mừng; huyền sử mới chảy trong huyết mạch nó, thay máu cho nó bằng thứ huyết cầu màu nghệ và xanh. Và ở Delhi, một người đàn ông gân guốc nghiêm nghị ngồi trong Nhà Quốc hội chuẩn bị phát biểu.
Ở Điền trang Methwold, cá vàng lửng lơ bất động trong ao khi mọi người đi từ nhà này sang nhà kia mang theo hạt dẻ cười và kẹo viên, ôm nhau và hôn nhau - hạt dẻ cười cười màu xanh được đánh chén, và những viên laddoo màu nghệ. Hai đứa trẻ chui ra theo lối bí mật trong khi ở Agra một ông bác si già ngồi bên vợ, người có hai nốt ruồi trên mặt như núm ɖú phù thủy; và giữa bầy ngỗng say ngủ và những hồi ức bị nhậy cắn, vì sao đó họ đâm ra nín lặng chẳng biết phải nói gì.
Và ở mọi thành phố mọi thị trấn mọi làng mạc, những ngọn đèn dia cháy trên cổng vòm bậu cửa hiên nhà, trong khi tàu hỏa cháy ở Punjab, với những lưỡi lửa xanh của sơn phồng rộp và màu nghệ rừng rực của nhiên liệu bị đốt cháy, như những ngọn dia lớn nhất thế gian.
Và thành phố Lahore, cũng đang cháy.
Người đàn ông gân guốc nghiêm nghị rời khỏi ghế. Người xức nước thiêng từ sông Tanjore, ông ta đứng dậy, trán bôi tro thánh, ông ta hắng giọng. Không hề có văn bản trong tay, không hề học thuộc một câu chữ chuẩn bị trước nào, Jawaharlal Nehru bắt đầu: “… Nhiều năm về trước, chúng ta có một lời ước định với vận mệnh; và giờ đây đã tới lúc chúng ta thực hiện cam kết của mình - dù không trọn vẹn hay đi đến tận cùng, nhưng hết sức thực chất...”
Hai phút nữa là mười hai giờ. Tại Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar, viên bác sĩ da đen phát sáng, với sự trợ giúp của một bà đỡ tên là Flory, một phụ nữ mảnh mai nhân hậu không đóng vai trò gì quan trọng, động viên Amina Sinai: “Rặn đi! Mạnh nữa!... Tôi thấy cái đầu rồi!...”
Trong khi ở phòng bên một ông Bác sĩ Bose - với Cô Mary Pereira bên cạnh - đảm trách giai đoạn cuối của cơn đau đẻ dài hai mươi bốn tiếng của Amina... “Thế rồi, một lần nữa thôi, cố lên; sắp rồi, và sau đó là xong...!”
Đàn bà rên rỉ và la hét trong khi ở một căn phòng khác đàn ông im lặng. Wee Willie Winkie - hát không nổi nữa – ngồi bệt trong góc nhà, người gật gù lên xuống, lên xuống... còn Ahmed Sinai đang tìm một cái ghế. Nhưng trong phòng này không có ghế; đó là căn phòng được bố trí để đi lại; thế là Ahmed Sinai mở một cánh cửa, tìm thấy một cái ghế ở một bàn tiếp tân bỏ không, nhấc nó lên, đem nó về căn phòng đi lại, nơi Wee Willie Winkie gật gù, gật gù, đôi mắt trống rỗng như người mù... cô ấy sẽ sống? hay là không?... và giờ, cuối cùng, đã tới nửa đêm.
Con quái vật trên đường phố đã bắt đầu cất tiếng gầm, trong khi ở Delhi một người đàn ông gân guốc đang nói, “… Vào đúng thời khắc nửa đêm, khi cả thế giới chìm trong giấc ngủ, Ấn Độ tỉnh giấc để được sống và tự do...”
Và dưới tiếng gầm của con quái vật còn có hai tiếng la, thét, gầm rống, tiếng gào khóc của hai đứa trẻ mới chào đời, tiếng phản đối vô hiệu của chúng trộn lẫn với tiếng ồn ào của độc lập lơ lửng màu-nghệ-và-xanh giữa bầu trời đêm - “Một thời khắc đã đến, đến một lần hiếm hoi trong lịch sử, khi chúng ta từ cái cũ bước sang cái mới; khi một thời đại kết thúc; và khi linh hồn một dân tộc bị áp bức lâu nay cất lên tiếng nói...”
Trong khi ở một căn phòng trải thàm màu nghệ-và-xanh, Ahmed Sinai vẫn đang bưng cái ghế khi Bác sĩ Narlikar bước vào thông báo: “Vào đúng nửa đêm, người anh em Sinai ạ, Begum Sahiba của anh đã sinh hạ một đứa bé to khỏe: một đứa con trai!”
Lúc này cha tôi bắt đầu nghĩ về tôi (không biết rằng...), với hình ảnh khuôn mặt tôi lấp đầy suy nghĩ ông quên mất cái ghế; bị tình yêu với tôi ám ảnh (mặc dù...), bị nó lấp đầy từ đỉnh đầu đến ngón tay, ông đánh rơi cái ghế.
Phải, là lỗi tại tôi (bất chấp tất cả)... chính sức mạnh của khuôn mặt tôi, của tôi chứ không ai khác, đã khiến tay Ahmed Sinai buông cái ghế ra; và khiến cái ghế rơi xuống, với gia tốc mười mét trên giây, và khi Jawaharlal Nehru tuyên bố trước Nhà Quốc hội, “Hôm nay chúng ta chấm dứt một thời kỳ bất hạnh,” khi những vỏ ốc xà cừ loa lên tin tức về tự do, chính tại tôi mà cha tôi cũng hét lên, vì cái ghế rơi xuống đã làm giập nát ngón chân ông.
Và giờ chúng ta đến với nó, tiếng hét khiến tất cả xô đến, cha tôi và vết thương của ông đã cướp đi một khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi của hai bà mẹ đang đau đớn, của hai ca sinh nở đồng thời lúc nửa đêm - vì Vanita cuối cùng cũng đã cho ra đời một đứa bé có kích cỡ lạ thường: “Anh không tin nổi đâu,”
Bác sĩ Bose nói: “Nó cứ chui ra mãi, mỗi lúc lại thấy thằng bé quẫy đạp ra thêm, một anh cu cỡ bự mười đồng hẳn hoi!”
Và Narlikar, đang rửa ráy: “Của tôi cũng thế.” Nhưng đó là chuyện một lúc sau - ngay bây giờ Narlikar và Bose đang chăm sóc ngón chân cho Ahmed Sinai; các bà đỡ đã được chỉ đạo tắm và quấn tã cho đôi trẻ sơ sinh, và giờ Cô Mary Pereira sẽ đóng góp phần mình.
“Đi đi,” cô bảo Flory tội nghiệp, “xem chị có giúp được gì không, ở đây để em lo được rồi.”
Và khi còn lại một mình - hai đứa trẻ trong tay - hai sinh linh trong quyền hạn của mình - cô đã làm điều đó vì Joseph, hành động cách mạng bí mật của riêng cô, thầm nghĩ Anh ấy nhất định sê yêu mình vì điều này, khi cô đổi thẻ tên của hai đứa trẻ khổng lồ, ban cho đứa trẻ nghèo một cuộc đời đầy đặc quyền và đày đọa đứa trẻ nhà giàu bằng phong cầm và đói khổ
... “Hãy yêu em, Joseph!” là điều Mary Pereira nghĩ trong đầu, và sau đó là xong. Nơi cổ chân đứa bé cỡ bự mười đồng có đôi mắt xanh như bầu trời Kashmir - cũng là đôi mắt xanh như Methwold - và cái mũi ấn tượng như của người ông quê Kashmir - cũng là cái mũi của người bà từ Pháp - cô buộc vào cái tên này: Sinai.
Màu nghệ bảo bọc tôi khi, nhờ có tội ác của Mary Pereira, tôi trở thành đứa trẻ được chọn của nửa đêm, người mà cha mẹ không phải cha mẹ mình, người mà đứa con sẽ không phải con mình... Mary đem đứa trẻ nằm trong bụng mẹ tôi, đứa trẻ sẽ không trở thành con bà, một con cá chim mười đồng khác, nhưng có đôi mắt đã kịp ngả màu nâu, và đầu gối cũng lồi như Ahmed Sinai, bọc nó vào màu xanh, rồi trao nó cho Wee Willie Winkie người đang nhìn cô đờ đẫn, người hầu như không thấy đứa con mới chào đời, người không bao giờ hay biết chuyện những cái ngôi giữa... Wee Willie Winkie, người vừa biết rằng Vanita đã không qua nổi cơn vượt cạn. Lúc mười hai giờ ba phút, khi các bác sĩ rối rít với ngón chân giập nát, Vanita đã bị băng huyết và qua đời.
Thế là tôi được trao cho mẹ tôi, và bà không hề nghi ngờ tính chân thực của tôi dù chỉ một giây. Ahmed Sinai, ngón chân bó nẹp, ngồi bên giường khi bà nói: “Xem kìa, janum, thằng bé tội nghiệp, nó có cái mũi của ông ngoại.” Ông nghệt mặt nhìn khi bà kiểm tr.a cho chắc là chỉ có một cái đầu; rồi bà thở phào nhẹ nhõm, hiểu rằng cả thầy bói cũng chỉ có năng lực giới hạn.
“Janum,” Mẹ tôi hớn hở nói, “mình phải gọi bên báo đi. Gọi chỗ tờ Thời báo Ẩn Độ ấy. Em bảo mình thế nào? Em thắng rồi.”
“… Đây không phải lúc để phê phán hẹp hòi hoặc thiếu tính xây dựng,” Jawaharlal Nehru nói với Quốc hội.
“Không phải lúc để hận thù. Chúng ta phải xây ngôi nhà tráng lệ của Ấn Độ tự do, nơi mọi người con của đất nước có thể an cư.” Một lá cờ trải ra: nó màu nghệ, trắng và xanh.
“Một người Anh?” Padma thốt lên kinh hãi.
“Anh nói cái gì thế? Anh là người Ấn gốc Anh à? Tên anh không phải là của anh à?”
“Tôi là Saleem Sinai,” tôi bảo cô, “Thò Lò, Mặt Nhọ, Cả Khịt, Hói, Mảnh Trăng. Ý em là sao - không phải của tôi?”
“Bấy lâu nay anh lừa tôi,” Padma tức giận than vãn. Mẹ anh, anh gọi bà; cha anh, ông anh, dì anh. Anh là cái thứ gì mà chẳng buồn ngay cả nói ra sự thật bố mẹ mình là ai ? Anh chẳng buồn quan tâm rằng mẹ anh đã ch.ết khi sinh ra anh? Rằng bố anh khéo vẫn còn sống đâu đó, không xu dính túi, đói khổ? Anh là quái vật hay là gì?”
Không: tôi không phải quái vật. Tôi cũng không phạm tội lừa đảo. Tôi đã cung cấp manh mối... nhưng có một điều quan trọng hơn thế. Đó là: về sau khi chúng tôi khám phá ra tội ác của Mary Pereira, tất cả đều nhận ra rằng chẳng có gì thay đổi! Tôi vẫn là con trai họ: họ vẫn là bố mẹ tôi.
Trong một kiểu thất bại tập thể của trí tưởng tượng, chúng tôi hiểu ra mình đơn giản không thể nghĩ vượt ra ngoài quá khứ củamình... nếu quý vị có hỏi cha tôi (ngay cả ông, bất chấp mọi chuyện đã xảy ra!) con trai ông là ai, không điều gì trên đời có thể khiến ông chỉ về phía thằng bé lem luốc, đầu gối gõ nhau của người chơi phong cầm. Cho dù thằng Shiva này, nó sẽ lớn lên thành một người hùng thực thụ.
Thế đấy: có đầu gối và cái mũi, cái mũi và đầu gối. Kỳ thực, khắp nước Ấn Độ mới ra đời, giấc mơ mà chúng tôi đều chia sẻ ấy, những đứa trẻ đang được sinh ra chỉ có một phần là hậu duệ của cha mẹ chúng - những đứa trẻ của nửa đêm cũng là những đứa con của thời đại: được hoài thai bởi lịch sử, quý vị hiểu chứ. Điều ấy có thể xảy ra. Đặc biệt là ở một đất nước mà bản thân nó cũng là một thứ giấc mơ.
“Đủ rồi,” Padma hậm hực.
“Tôi không muốn nghe nữa.” Chờ đợi một đứa trẻ hai đầu kiểu này, cô bực bội khi nhận được một kiểu khác. Dù sao chăng nữa, dù cô có nghe hay không, tôi vẫn có nhiều chuyện cần ghi lại.
Ba ngày sau khi tôi ra đời, Mary Pereira bị giằng xé trong nỗi ăn năn. Joseph D’Costa, trên đường lẩn trốn xe cảnh sát đang săn lùng, hiển nhiên đã bỏ rơi Alice em gái cô cũng như Mary; và người phụ nữ nhỏ bé tròn trịa - không thể, giữa niềm kinh hãi, thú nhận tội ác của mình - nhận ra rằng mình đã là một con ngốc.
“Đồ lừa ở đâu không biết!” Cô tự rủa, nhưng vẫn giữ bí mật. Tuy nhiên, cô quyết định làm một việc gần như bồi thường.
Cô thôi việc ở Nhà Hộ sinh và tiếp cận Amina Sinai bằng “Thưa bà, mới gặp em bé của bà một lần tôi đã thấy yêu. Bà có đang cần ayah không?” Và Amina, ánh mắt ngời lên tình mẫu tử, “Có”. Mary Pereira (“Anh gọi bà là mẹ cũng không sai đâu,” Padma chen vào, chứng tỏ cô vẫn quan tâm, “Bà đã tạo ra anh còn gì”), từ giờ phút ấy, dành trọn đời để nuôi nấng tôi, và do đó ràng buộc phần đời còn lại với ký ức về tội ác của mình.
Ngày 20 tháng Tám, Nussie Ibrahim nối gót mẹ tôi vào bệnh viện trên đường Pedder, và thằng Sonny nối gót tôi ra đời – nhưng nó chần chừ khỏng chịu ló đầu ra; một cặp forcep buộc phài đi vào mà lôi nó ra; Bác sĩ Bose, trong lúc nóng vội, ấn hơi mạnh tay, và Sonny xuất hiện với hai vết lõm nhỏ ở hai bên thái dương, hai hốc forcep nông sẽ khiến nó trở nên hấp dẫn không cưỡng nổi như mái tóc của William Methwold đã làm với tay người Anh. Bọn con gái (Evie, con Khỉ Đồng, những đứa khác) vươn tay ra vuốt ve hai thung lũng nhỏ xinh của nó... điều sẽ dẫn đến rắc rối giữa bọn tôi.
Nhưng tôi đã để dành mẩu tin thú vị nhất đến phút chót. Vậy giờ tôi xin tiết lộ rằng, một ngày sau khi tôi ra đời, mẹ tôi và tôi được viếng thăm tại một phòng ngủ màu nghệ và xanh bởi hai nhân vật từ tờ Thời báo Ẩn Độ (ấn bản Bombay). Tôi nằm trong chiếc cũi xanh, bọc trong màu nghệ, ngước mắt nhìn họ. Có một tay phóng viên, anh này để hết thời gian phỏng vấn mẹ tôi; và một tay thợ ảnh cao, mũi khoằm, anh này dành trọn sự chú ý cho tôi. Hôm sau, tin tức cùng hình ảnh đã xuất hiện trên báo...
Vừa mới đây thôi, tôi đến một khu vườn xương rồng nơi có lần, từ nhiều năm trước, tôi đã chôn một quả địa cầu đồ chơi bằng thiếc bị móp nặng và được dính lại bằng Scotch Tape[ ]; và lấy ở bên trong ra những thứ tôi đã nhét vào ngần ấy năm về trước. Giờ đây, cầm chúng trên tay trái, khi đang viết, tôi vẫn thấy được - dù cả hai đã ngả vàng và lên mốc - một thứ là một lá thư, một lá thư gửi riêng cho tôi, ký tên Thủ tướng Ấn Độ; còn kia là một mảnh giấy cắt ra từ báo.
[ ] Một nhãn hiệu băng dính của Anh.
Nó có tiêu đề: ĐỨA TRẺ CỦA NỬA ĐÊM
Và một dòng chữ: “Một tấm hình duyên dáng của Bé Saleem Sinai, ra đời đêm qua đúng vào thời khắc độc lập của Đất nước ta - Đứa Trẻ hạnh phúc của Giờ Phút huy hoàng ấy!”
Và một bức hình lớn: một bức-hình-em-bé A-l thượng-hạng trang-nhất cỡ-đại, trên đó đến giờ tôi vẫn có thể nhìn ra một đứa trẻ có những vết bớt hoen trên má và cái mũi thò lò lấp lánh. (Bức hình có chú thích: Ảnh: Kalidas Gupta.)
Bất kể cái tiêu đề, dòng chữ và bức hình, tôi phải kết án hai vị khách vì tội tầm thường hóa; những nhà báo đơn thuần, tầm nhìn không vượt quá số báo hôm sau, họ không hề có khái niệm gì về tầm quan trọng của sự kiện mình đang đưa tin. Với họ, đó chỉ là một câu chuyện giật gân hấp dẫn độc giả không hơn.
Làm sao tôi biết được? Bởi vì, cuối buổi phỏng vấn, tay thợ ảnh cho mẹ tôi một tấm séc - trị giá một trăm rupee.
Một trăm rupee! Có thể nào tưởng tượng ra một con số bé mọn, rẻ mạt đến thế không? Đó là con số mà một người có thể, nếu là người có đầu óc để thấy như vậy, thấy bị sỉ nhục. Tôi, tuy thế, sẽ chỉ cảm ơn họ vì đã tán tụng sự ra đời của tôi, và tha thứ cho họ vì thiếu một sự nhạy cảm lịch sử thực thụ.
“Đừng tinh tướng,” Padma dằn dỗi nói.
“Một trăm rupee cũng không bé lắm đâu; nói cho cùng, ai mà chẳng ra đời, có gi là to tát kia chứ.”