Chương 16: Alpha và Omega
[ ] Nguyên văn: rhesus, một họ khỉ phổ biến ở châu Á.
[ ] Nguyên văn: Finger Redux. Redux là một từ phổ biến trong cách đặt tên phim, ví dụ như Apocalypse Now Redux hay Ashes of Time Redux.
[ ] Hamsa trong tiếng Hindi là thiên nga, còn parahamsa tức là “siêu thiên nga”. Đây là danh hiệu dành cho những bậc trí giả Hindu đã “đạt đạo”, nghĩa là ung dung tự tại trong thế giới vật chất cũng như trong thế giới tâm linh, cũng giống như thiên nga sống thoải mái cả trên cạn lẫn dưới nước.
Padma bực bội chắt lưỡi. “Ông lại nói nhăng rồi,” cô phê bình, “Thế ông có kể chuyện Evie không thì bảo?”
... Sau kỳ bầu cử, Chính quyền Trung ương tiếp tục trù trừ lưỡng lự về tương lai của Bombay. Bang sẽ được chia cắt; rồi không chia cắt nữa; rồi chia cắt lại ngóc đầu dậy. Về phần thành phố - nó sẽ là thủ phủ của Maharashtra; hoặc là của cả Maharashtr.a lẫn Gujarat; hoặc thành một bang độc lập... trong khi chính phủ cố gắng suy tính xem phải làm cái quỷ gì, các cư dân của thành phố quyết định phải đẩy nhanh tiến trình đó. Bạo động bùng phát (và quý vị vẫn có thể nghe khúc chiến ca cũ của đảng Mahratta - Mi thế nào? – Tau khỏe re! – Để tau lấy gậy nện tòe đầu mi! – bay lên từ cuộc loạn đả), và góp phần làʍ ȶìиɦ hình tồi tệ hơn, thời tiết cũng gia nhập cuộc hỗn chiến.
Một cơn đại hạn xảy ra; đường sá nứt nẻ; ở các làng, nông dân phải giết bò; và đúng ngày Giáng sinh (ngày mà ý nghĩa của nó không thằng bé nào theo học trường dòng và có người ayah theo đạo Cơ đốc chăm sóc lại không biết) hàng loạt tiếng nổ lớn vang lên tại Bể chứa nước Walkeshwar và các đường ống nước ngọt chính, nơi khởi đầu nguồn sống của thành phố bắt đầu phun nước lên không như những con cá voi thép khổng lồ. Báo chí xôn xao bàn tán về kẻ phá hoại; các phỏng đoán về danh tính và mối quan hệ chính trị của nhóm tội phạm chen vai thích cánh cạnh những tin tức về làn sóng sát hại gái điếm vẫn tiếp diễn.
(Tôi đặc biệt lưu tâm đến việc kẻ sát nhân để lại một “chữ ký” kỳ lạ. Thi thể các cô bướm đêm đều bị siết ch.ết ngạt; quanh cổ có vết bầm tím, những vết bầm quá lớn so với dấu ngón tay cái, nhưng hoàn toàn phù hợp với dấu tích để lại bởi một cặp đầu gối vĩ đại, có sức mạnh siêu nhiên.)
Tôi lạc đề rồi. Mấy chuyện này, cái nhíu mày của Padma chất vấn, thì liên can gì đến Evelyn Lilith Burns? Ngay lập tức, vồ lấy sự chú ý này, tôi đưa ra câu trả lời: những ngày sau vụ hủy hoại hệ thống cấp nước của thành phố, đàn mèo hoang của Bombay bắt đầu hội tụ ở những khu vực trong thành phố nơi nước vẫn còn tương đối dồi dào; nghĩa là, những khu khá giả, nơi mỗi nhà đều có bể nước ngầm hoặc trên mái. Và, do đó, ngọn đồi hai tầng của Điền trnag Methwold đón nhận đợt xâm lăng của một đội quân dã miêu đói khát; mèo lúc nhúc khắp bùng binh, mèo leo lên giàn hoa giấy và nhảy vào phòng khách, mèo đánh đổ lọ hoa để uống thứ nước thiu mùi cuống hoa, mèo cắm trại trong nhà tắm, húp chất lỏng từ bồn cầu, mèo tràn lan trong bếp các cung điện của William Methwold.
Đội ngũ người hầu của Điền trang hoàn toàn thất bại trong nỗ lực đánh đuổi cuộc đại xâm lăng của lũ mèo; các quý bà ở Điền trang chỉ còn biết thốt lên những tiếng cảm thán bất lực của nỗi kinh hoàng. Những con sâu cứt mèo khô khốc rải khắp nơi; các khu vườn bị hủy hoại chỉ vì sức mạnh quân số của bầy dã miêu; và đến đêm, giấc ngủ trở thành điều không thể, bởi đạo quân ấy tìm ra giọng nói, và hát lên cơn khát của mình với vầng trăng. (Nữ hầu tước Simki von der Heiden từ chối chiến đấu với bầy mèo; nó bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu của căn bệnh sẽ sớm đẩy nó đến chỗ diệt vong.)
Nussie Ibrahim gọi cho mẹ tôi thông báo, “Chị Amina, ngày tận thế đến rồi.”
Cô ta nhầm; bởi vì vào ngày thứ ba của cuộc đại xâm lăng của lũ mèo, Evelyn Lilith Burns lần lượt đến từng nhà ở Điền trang, khẩu súng hơi Daisy hờ hững trên tay, và đề xuất, để đổi lấy tiền thưởng, chấm dứt đại dịch mèo luôn và ngay.
Cả ngày hôm ấy, Điền trang Methwold vang vọng tiếng súng hơi của Evie, lẫn với tiếng ngoao đau đớn của bầy mèo, khi Evie săn trọn đạo quân, từng con một và kiếm bộn tiền. Nhưng (như lịch sử rất thường cho thấy), thời khắc vinh quang nhất cũng chứa đựng mầm mống của sự suy tàn tối hậu; và quả có vậy, bởi vì trò khủng bố của Evie với lũ mèo, trong con mắt con Khỉ Đồng, đích thị là giọt nước tràn ly.
“Anh ạ,” con Khỉ lầm lì bảo tôi, “em đã hứa là sẽ cho con nhỏ đấy biết tay, bây giờ, ngay bây giờ, đã đến lúc rồi.”
Những câu hỏi không thể trả lời: phải chăng em gái tôi đã học được tiếng mèo, như với tiếng chim? Phải chăng tình cảm của nó với đời sống loài mèo đã đẩy nó đi quá giới hạn... khi cuộc đại xâm lăng của lũ mèo xảy ra, mái tóc của con Khỉ đã kịp ngả sang màu nâu; nó đã chấm dứt tật đốt giày; nhưng, không hiểu vì sao, trong nó vẫn còn một sự dữ tợn mà không ai trong tụi tôi có được; và nó đi thẳng xuống chỗ bùng binh, rồi hét đến vỡ giọng: “Evie! Evie Burns!! Mày bước ra đây, ngay lập tức, dù mày đang ở đâu!”
Đứng giữa lũ mèo đang tháo chạy, con Khỉ chờ đợi Evelyn Burns. Tôi bước lên hiên nhà ở tầng một để quan sát; ở hiên nhà mình, Sonny và Mắt Chẻ và Tóc Dầu và Cyrus đều đang theo dõi. Chúng tôi thấy Evive Burns xuất hiện từ đằng bếp của Biệt thự Versailles; cô nàng đang thổi khói bốc ra từ nòng súng.
“Bọn Ấn tụi mài nên tạ ơn trời vì có tao ở đây,” Evie tuyên bố, “không thì bọn mài bị mèo ăn sạch rồi!”
Chúng tôi thấy Evie nín lặng khi nhìn thấy thứ đang căng thẳng ngự trị trong mắt con Khỉ; và như một cái bóng con Khỉ nhào lên Evie và một trận chiến bùng nổ và kéo dài một quãng thời gian tưởng như vài giờ (nhưng cũng có thể chỉ vài phút). Chìm trong đám bụi giữ bùng binh, cả hai lăn lộn đấm đá cào cấu cắn xé, từng nắm tóc bay ra từ đám bụi và khuỷu tay và chân đi tất trắng lấm lem và đầu gối và những mảnh váy tung ra từ đám mây; người lớn chạy đến, người hầu không thể gỡ hai đứa ra, và cuối cùng bác làm vườn của Homi Catrack phải dùng vòi xịt nước để tách chúng ra...
Con Khỉ Đồng đứng dậy, hơi xộc xệch và giũ tà váy ướt nước, phớt lờ tiếng hét đe dọa trừng phạt phát ra từ môi Amina Sinai và Mary Pereira; vì giữa nền đất đẫm nước của bùng binh, Evie Burns nằm đấy, niềng răng gãy, tóc bết đầy bụi và nước bọt, khí phách và ách thống trị của cô nàng với chúng tôi bị bẻ gãy một lần và mãi mãi.
Vài tuần sau bố nàng cho nàng về hẳn Mỹ. “Để hưởng một nền giáo dục tử tế, tránh xa bọn man rợ này,” thấy bảo ông ta nói vậy; tôi chỉ nghe tin về nàng một lần, sáu tháng sau, khi đột nhiên nàng viết cho tôi một lá thư báo tin nàng vừa đâm một mụ già vì can tội phản đối nàng hành hung một con mèo.
“Tao cho mụ ấy một nhát ra trò,” Evie viết, “Bảo con em mày nó chỉ gặp may thôi.” Tôi nghiêng mình trước bà lão vô danh ấy: bà đã gánh nợ thay con Khỉ.
Đáng chú ý hơn cả thông điệp cuối cùng của Evie là một suy nghĩ giờ đây chợt nảy ra trong tôi, khi tôi nhìn ngược đường hầm thời gian. Giữ trước mắt hình ảnh con Khỉ và Evie lăn lộn trên đất, tôi dường như đã nhận ra động lực của trận chiến sinh tử ấy, một động cơ sâu xa hơn nhiều chuyện ngược đãi bầy mèo: hai đứa đánh nhau vì tôi.
Evie và em tôi (hai đứa, trên nhiều khía cạnh, không hề khác biệt nhau) đấm đá và cào cấu, ngoài mặt là vì số phận của dăm con thú hoang đói khát; nhưng có lẽ những cú đá của Evie là nhằm vào tôi; có lẽ đó là bạo lực xuất phát từ nỗi giận dữ trước việc tôi xâm nhập vào đầu nàng; và chắc hẳn sức mạnh của con Khỉ là sức mạnh lòng trung thành của anh em một nhà, và hành vi gây chiến của nó kỳ thực là hành động của tình yêu.
Máu, hồi ấy, đã đổ giữa bùng binh. Một cái tên bị gạt bỏ khác cho chương sách này – chắc quý vị cũng biết – là “Đặc Hơn Nước Lã”. Giữa những ngày khan hiếm nước ấy, một thứ nước đặc hơn nước lã đã chảy xuống mặt Evie Burns; lòng trung thành của huyết thống đã thôi thúc con Khỉ Đồng; và trên đường phố, những kẻ bạo loạn làm cho nhau đổ máu. Những vụ giết người đẫm máu xảy ra, và có lẽ không thích hợp lắm nếu kết thúc bản danh sách điệp huyết này bằng cách đề cập, một lần nữa, việc máu dồn lên má mẹ tôi.
Năm ấy, mười hai triệu lá phiếu được tô màu đỏ, và đỏ là màu của máu. Máu sẽ sớm đổ nữa: các nhóm máu, A và O, Alpha và Omega – và một loại nữa, một khả năng thứ ba – cũng phải được tính đến. Cả các nhân tố khác: tính tương đồng hợp tử, và kháng thể Kell, và đặc tính bí hiểm nhất của huyết dịch, có tên là rhesus, đồng thời cũng là một loài khỉ[ ].
[ ] Rhesus factor là một dạng protein đi kèm với hồng cầu. Đây là hệ tiêu chí phân loại nhóm máu quan trọng thứ hai sau hệ ABO. Khoảng 85% nhân loại mang Rh dương tính, còn lại là âm tính. Những người có Rh- chỉ có thể nhận máu từ người cùng có Rh-.
Vạn vật đều có hình dạng, nếu ta tìm kiếm nó. Không thể né tránh hình thái.
Nhưng trước khi tới ngày của máu, tôi sẽ cất cánh (như loài ngỗng parahamsa có thể bay từ môi trường này sang môi trường khác) và quay lại, trong chốc lát, với câu chuyện của thế giới bên trong tôi; bởi vì mặc dù sự sụp đổ của Evie Bunrs chấm dứt giai đoạn tẩy chay tôi của lũ trẻ trên đồi, tôi vẫn thấy khó lòng tha thứ; và trong một thời gian, giữ thái độ cô độc và xa cách, tôi đắm mình vào những sự kiện trong đầu tôi, trong giai đoạn lịch sử sơ khai của hiệp hội những đứa trẻ nửa đêm.
Thành thật mà nói: tôi không thích Shiva. Tôi ghét sự cục cằn trong giọng lưỡi, sự thô tục trong ý tưởng của hắn; và tôi bắt đầu nghi ngờ hắn về một loạt những tội ác khủng khiếp, bởi vì hắn, duy nhất trong lũ trẻ nửa đêm, có thể đóng cửa chặn tôi khỏi bất kỳ dòng suy nghĩ nào mà hắn muốn giữ cho riêng mình – một việc, tự thân nó, càng gia tăng nỗi căm ghét và nghi ngờ của tôi với thằng cha mặt chuột ấy hơn. Tuy nhiên, gì thì gì tôi vẫn là đứa công bằng; và sẽ là bất công nếu cách ly hắn khỏi các thành viên khác của Hội nghị.
Tôi phải giải thích rằng khi năng lực trí tuệ của tôi phát triển, tôi nhận ra mình không chỉ thu nhận được tín hiệu từ lũ trẻ; và gửi đi được thông điệp của mình; tôi còn có thể (bởi tôi có vẻ không thoát được cái ẩn dụ “đài phát thanh” này) đóng vai trò một mạng lưới quốc gia, nghĩa là bằng cách mở tâm trí mình cho tất cả lũ trẻ, tôi có thể biến nó thành một dạng diễn đàn, nơi chúng có thể nói chuyện với nhau, qua tôi. Vậy là, trong những ngày đầu năm 1958, năm trăm tám mươi mốt đứa trẻ sẽ tề tựu, trong một tiếng, từ nửa đêm đến một giờ sáng, tại Lok Sabha[ ] hay là Nghị viện của não bộ của tôi.
[ ] Hạ viện của Quốc hội Ấn Độ.
Chúng tôi cũng hỗn tạp, ầm ĩ và vô kỷ luật như bất kỳ hội năm trăm tám mươi đứa trẻ mười tuổi nào; và bổ sung cho sự hoạt náo tự nhiên ấy, còn có sự hứng khởi của chúng tôi khi phát hiện ra nhau. Sau một tiếng đồng hồ hò hét huyên thuyên cãi cọ cười cợt đến khản cổ, tôi sẽ là đi vào một giấc ngủ sâu đến mức không thể gặp ác mộng, và tỉnh dậy với một cơn nhức đầu; nhưng tôi mặc kệ. Khi thức, tôi phải đối mặt với nỗi đa bất hạnh từ sự dối trá của mẫu thân và sự suy sụp của phụ thân, từ sự tráo trở của tình bằng hữu và đủ kiểu bạo hành học đường; còn khi ngủ, tôi là trung tâm của thế giới hấp dẫn nhất mà trẻ con từng khám phá ra. Cho dù có Shiva, được ngủ vẫn thích hơn.
Việc Shiva quả quyết rằng hắn (hay hắn-và-tôi) là lãnh đạo tất nhiên của nhóm chúng tôi hay do hắn (và tôi) ra đời vào đúng nửa đêm, tôi buộc phải thừa nhận, có một lý lẽ ủng hộ khá vững chắc. Đối với tôi hồi ấy – và bây giờ vẫn vậy – phép mầu của nửa đêm về bản chất quả thật có tính thứ bậc rất rõ ràng, năng lực của bọn trẻ suy giảm đáng kể theo khoảng cách từ thời điểm ra đời của chúng đến nửa đêm; nhưng ngay điều này cũng là một quan điểm bị tranh cãi gay gắt.
“Ý cậu là gì sao cậu có thể nói thế,” chúng đồng thanh, thằng bé từ rừng Gir có gương mặt trống trơn không đường nét (trừ mắt lỗ mùi và khoang miệng), và có thể biến thành bất kỳ khuôn mặt nào theo ý nó, rồi Harilal người chạy nhanh như gió, và có Chúa mới biết còn có bao nhiêu đứa nữa...
“Ai dám bảo cái này tốt hơn cái kia?” Rồi, “Mày biết bay không? Tao biết này!” và “Ờ, tao nữa, mày biêt biến một con cá thành năm mươi không” và, “Hôm nay tao đã đến thăm ngày mai. Mày làm được không. Không thì -” ... đối diện với một cơn bão phản đối cỡ đó, cả Shiva cũng phải đổi giọng; nhưng hắn sẽ tìm ra một giọng điệu mới, nguy hiểm hơn nhiều – nguy hiểm cho Lũ Trẻ, và cho tôi.
Vì tôi đã nhận ra mình không miễn nhiễm với sự cám dỗ của vai trò lãnh đạo. Rốt cuộc, ai phát hiện Lũ Trẻ? Ai sáng lập Hội nghị? Ai cung cấp chỗ họp? Tôi chẳng phải là người đồng lớn tuổi nhất đó ư, và chẳng lẽ tôi không được tiếp nhận sự tôn trọng và phục tùng xứng với vai bề trên của tôi? Chẳng phải người cung cấp trụ sở hội cũng là người điều hành hội hay sao?...
Nghe vậy, Shiva, “Quên mày đi. Cái trò hội hè ấy chỉ dành cho bọn cậu ấm chúng mày thôi!” Nhưng – riêng lần này – hắn đã bị yếu thế.
Parvati-phù-thủy, con gái của nhà ảo thuật từ Delhi, thế chỗ tôi (cũng như, nhiều năm sau, cô sẽ cứu mạng tôi), lên tiếng, “Không, nghe này, tất cả mọi người: thiếu Saleem ta sẽ không đi đến đâu cả, không thể nói chuyện hoặc làm gì khác, cậu ấy nói đúng. Hãy để cậu ấy làm thủ lĩnh!”
Và tôi, “Không, gì mà thủ lĩnh, hãy xem tớ như một... một đại ca, thế thôi. Phải; chúng ta là một gia đình, kiểu vậy. Tớ chỉ là người lớn tuổi nhất, tớ ấy.”
Nghe vậy Shiva bèn đáp, đầy khinh miệt, nhưng không phản bác được, “Được rồi, đại ca: vậy giờ chúng em phải làm gì?”
Lúc này tôi bèn giới thiệu cho Hội nghị về ý niệm đã đeo đẳng tôi bấy lâu nay: ý niệm về mục đích, và ý nghĩa. “Ta phải nghĩ,” tôi nói, “xem ta sinh ra làm gì.”
Tôi ghi lại, một cách chính xác, quan điểm của một số thành viên tiêu biểu của Hội nghị (trừ những quái-nhân-rạp-xiếc, và những người, giống như cô bé ăn xin bị rạch mặt ở Sundari, đã mất năng lực, và có xu hướng im lặng suốt các cuộc tranh luận, như những người bà con nghèo trong bữa cỗ): trong số các triết lý và mục tiêu được nêu ra có chủ nghĩa tập thể
- “Ta nên tập hợp lại và sống ở đâu đó, nhỉ? Ta có cần gì từ người khác đâu?”
- Và chủ nghĩa cá nhân – “Cậu bảo chúng ta; nhưng việc chúng ta ở bên nhau không quan trọng; quan trọng là mỗi người trong chúng ta có một tài năng để sử dụng vì lợi ích của bản thân”
– Báo hiếu – “Dù có thể đỡ đần cha mẹ bằng cách nào, đó cũng là điều chúng ta sinh ra để làm”
– Và cách mạng con nít – “Giờ đây ta phải cho tất cả trẻ con biết rằng có thể sống không cần cha mẹ!”
– Chủ nghĩa tư bản – “Thử xem ta có thể kinh doanh những gì! Bọn ta, lạy đức Allah, sẽ giàu phải biết!”
– Và chủ nghĩa vị tha – “Đất nước cần người tài; ta nên hỏi chính phủ muốn sử dụng năng lực của chúng ta ra sao” – khoa học – “Nên cho họ nghiên cứu chúng ta”
– Và tôn giáo – “Hãy công bố cho cả thể giới về chúng ta, để tất cả có thể vinh danh Đức Chúa”
– Dũng cảm – “Ta phải xâm lược Pakistan!”
– Và hèn nhát – “Trời ơi, phải giữ bí mật, thử nghĩ xem họ sẽ làm gì ta, ném đá vì tội phù thủy rồi gì nữa không biết!”.
Những tuyên bố về nữ quyền và đòi hỏi cải thiện tình hình cho tiện dân, những đứa trẻ không đất mơ có đất và những bộ tộc trung du mơ xe Jeep, và cả những ảo tưởng về quyền lực.
“Họ không thể ngăn chặn ta! Bọn ta biết phép thuật, biết bay, biết đọc suy nghĩ, biết biến người thành ếch, hóa phép ra vàng ra cá, và họ sẽ đem lòng yêu chúng ta, và chúng ta có thể biến mất vào gương và thay đổi giới tính... làm sao họ đánh lại ta được?”
Tôi không phủ nhận mình đã thất vọng. Đáng ra tôi không cần phải thế; ở bọn trẻ này không có gì khác thường ngoài năng lực của chúng; đầu óc chúng chứa toàn những điều bình thường, bố mẹ tiền bạc cái ăn đất đai của cải danh vọng quyền lực Chúa Trời. Không đâu, trong suy nghĩ của Hội nghị, tôi có thể tìm được điều gì mới mẻ như chính bản thân chúng tôi... nhưng hồi ấy tôi cũng đi nhầm đường; cái nhìn của tôi cũng không tỉnh táo gì hơn người khác; và ngay khi Soumitr.a thằng bé vượt thời gian bảo.
“Tao bảo thật nhé, mấy chuyện này vô ích thôi – họ sẽ kết liễu cả bọn trước khi ta kịp bắt đầu!” chúng tôi đều phớt lờ nó; với niềm lạc quan của tuổi trẻ - một thể độc hại hơn của căn bệnh từng nhiễm vào ông tôi, Aadam Aziz – chúng tôi khước từ nhìn vào mặt tối, và không một đứa nào trong bọn cho rằng mục đích của Lũ Trẻ của Nửa Đêm có khả năng là hủy diệt; rằng chúng tôi sẽ không có ý nghĩa gì cho đến khi chúng tôi bị triệt hạ.
Vì sự riêng tư của mọi người, tôi sẽ không phân biệt các giọng nói với nhau; vì cả những lý do khác. Trước hết, câu chuyện của tôi không thể xử lý được toàn diện năm trăm tám mươi mốt tính cách; thứ nữa, lũ trẻ, mặc dù có những năng lực riêng rẽ và khác biệt, song vẫn là, trong đầu tôi, một dạng quái vật nhiều đầu, nói chuyện bằng vô số ngôn ngữ của tháp Babel; chúng là kết tinh của sự đa dạng, và tôi không thấy có lý do gì để phân tích chúng vào lúc này. (Nhưng có một số ngoại lệ. Cụ thể, là Shiva; và Parvati-phù-thủy.)
... Định mệnh, vai trò lịch sử, thiên ý: đây là những miếng ăn quá lớn với thực quản những đứa trẻ lên mười. Kể cả, có lẽ, với tôi; bất chấp sự khiển trách thường xuyên từ ngón tay đang chỉ của người ngư phủ và lá thư của Thủ tướng, tôi không ngừng sao nhãng khỏi những sự diệu kỳ mà việc khịt mũi mang lại, do những điều nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày, do thấy đói hay buồn ngủ, do chơi trò khỉ cùng con Khỉ, hay ra rạp xem Cobra Woman hay Vera Cruz, do niềm mong mỏi được mặc quần dài ngày một tăng, do cảm giác hừng hực không thể giải thích dưới-thắt-lưng, bắt nguồn từ buổi Giao lưu Học đường sắp tới, khi chúng tôi, lũ con trai của trường Trung học Nam sinh Cathedral và John Connon, sẽ được phép nhảy kiểu boxstep và điệu Nón Mexico[ ] với các cô gái từ trường kết nghĩa – như Masha Miovic nữ vô địch bơi ếch (“Yahooo,” Keith Colaco Nội tiết rú lên) và Elithzabeth Purkiss hay Janey Jaskson – các cô gái châu Âu, lạy Chúa, với tà váy buông lơi và các kiểu hôn! – tóm lại, sự tập trung của tôi liên tục bị chiếm lĩnh bởi những nỗi dày vo đau đớn, choán đầy tâm trí của sự trưởng thành.
[ ] Boxstep là một kỹ thuật khiêu vũ phổ biến, các bước nhảy chuyển động thành hình vuông. Nhiều điệu nhảy như waltz, rumba... đều sử dụng kỹ thuật này. Điệu Mexican Hat là điệu nhảy chính thức của Mexico.
Kể cả một con ngỗng biểu tượng, cuối cùng, cũng phải hạ cánh xuống mặt đất; vì thế với tôi lúc này (cũng như hồi ấy), giới hạn câu chuyện trong những khía cạnh thần kỳ còn xa mới là đủ; tôi phải trở lại (như đã từng trở lại) với sự bình phàm; tôi phải cho máu được đổ.
Thương tích đầu tiên của Saleem Sinai, và nhanh chóng được tiếp nối bằng vết thương thứ hai, xảy ra vào một ngày thứ Tư đầu năm 1958 – thứ Tư của buổi Giao lưu rất được chờ đợi – với sự bảo trợ của Hiệp hội Giáo dục Anh-Scotland. Nghĩa là, nó xảy ra ở trường.
Kẻ tấn công Saleem: đẹp trai, hung hăng, với bộ ria bờm xờm của dân man rợ: tôi xin giới thiệu chân dung hùng hổ, chuyên bứt tóc của Thầy Emil Zagallo, người dạy chúng tôi địa lý và thể dục, và là người, sáng hôm đó, đã vô tình thúc đẩy cuộc đời tôi rơi vào khủng hoảng. Zagallo tự nhận mình là dân Peru, và ưa gọi chúng tôi là bọn Anh điêng rừng rú, mê hột cườm[ ]; lão treo bức tranh in hình một người lính cứng đờ, đầy mồ hôi, đội mũ thiếc chóp nhọn và mặc quần chẽn bằng kim loại trên bảng và có cái kiểu chọc ngón tay vào bức tranh mỗi khi bực bội và quát lên.
“Nhìn thới chưa, lũ mọi rợ? Người nầy chính lờ văn minh! Liệu mà kíng trọng hắn ta, hắn ta có kiếm đới!” Rồi lão vút cây can trong không khí giữa bốn bức tường đá. Bọn tôi gọi lão là Pagal-Zagal, Zagallo khùng, vì bất chấp mọi chuyện ba hoa của lão về loài lạc đã không bướu và conquistador[ ] và Thái Bình Dương, tụi tôi biết tỏng, với sự chính xác tuyệt đối của tin đồn, là lão sinh ra trong một chung cư tại Mazagaon và bà mẹ người Goa[ ] của lão bị một tay đại lý tàu biển bỏ rơi khi về nước; vậy nên lão không những chẳng phải là người “Anh quốc” mà khéo còn là con hoang cũng nên.
Biết vậy, chúng tôi hiểu tại sao Zagallo nhái giọng Nam Mỹ, tại sao lão luôn cáu kỉnh, tại sao lão hay đấm vào tường đá ở lớp; nhưng hiểu biết ấy không làm chúng tôi hết sợ. Và sáng thứ Tư này, chúng tôi biết sẽ gặp rắc rối, bởi vì tiết học Nhà Thờ Không Bắt Buộc đã bị hủy.
[ ] Khi khám phá ra châu Mỹ, người châu Âu nhầm đây là Ấn Độ, nên gọi thổ dân ở đây là người Anh điêng (Indian - tức người Ấn). Zagallo coi thổ dân châu Mỹ là người Anh điêng “xịn”, nên gọi người Ấn là “Anh điêng rừng rú”. Thổ dân châu Mỹ rất thích hột cườm, đây là một mặt hàng người châu Âu thường dùng để trao đổi với dân bản xứ.
[ ] Llama là một loài lạc đà không bướu phổ biến ở Nam Mỹ. Conquistador là danh hiệu chỉ những người Tây Ban Nha đi chinh phục Mexico và Peru vào thế kỷ 16.
[ ] Mazagaon là một trong bảy hòn đảo tạo thành Bombay ngày nay. Goa là một tộc người ở bang Goa miền Tây Ấn Độ.
Hai tiết học sáng thứ Tư là giờ địa lý của Zagallo; nhưng chỉ lũ ngốc và những thằng có bố mẹ có định kiến tôn giáo mới đi học, vì thời gian này chúng tôi có thể chọn hành quân đến Nhà thờ St Thomas theo đội hình cá sấu, một hàng dài con trai thuộc đủ mọi dòng tôn giáo trên đời, trốn học đến nép vào bầu ngực Đức Chúa được cẩn thận dán nhãn tùy chọn của tín đồ Cơ đốc. Điều đó làm Zagallo tức điên, nhưng lão đành bất lực; tuy nhiên, hôm nay, mắt lão ánh lên một tia đen tối, vì Con Quạ (tức là thầy Crusoe hiệu trưởng) đã thông báo lúc Chào cờ buổi sáng rằng giờ đi Nhà thờ bị hủy.
Với cái giọng sống sượng, sin sít phát ra từ bộ mặt một con ếch bị gây tê, ông ta tuyên án chúng tôi hai giờ địa lý với Pagal-Zagal, khiến cả bọn ngỡ ngàng, vì chúng tôi chưa hề nhận ra rằng Chúa cũng được phép thực thi quyền lựa chọn. Mặt mày ủ dột, cả bọn lũ lượt tiến vào hang ổ của Zagallo; một trong những thằng ngốc khốn khổ mà bố mẹ chẳng bao giờ cho đi Nhà thờ tàn nhẫn thì thào vào tai tôi, “Cứ chờ đấy: hôm nay lão ấy sẽ cho chúng mày ch.ết.”
Padma: lão làm thật đấy.
Ủ rũ ngồi trong lớp gồm có: Keith Colaco Nội tiết, Perce Fishwala Mập, Jimmy Kapadia, thằng được học bổng và có bố lái taxi, Sabarmati Tóc Dầu, Sonny Ibrahim, Cyrus-đại-đế và tôi. Còn nhiều đứa khác, nhưng giờ không có thời gian, bởi với cặp mắt nheo lại khoái trá, Zagallo khùng đang ra lệnh cho chúng tôi trật tự.
“Địa lý nhân văn,” Zagallo tuyên bố. “Đây là giề? Kapadia?”
“Dạ thưa thầy em không biết thưa thầy.” Mấy bàn tay bay lên – năm thuộc về bọn ngốc bị cấm đi nhà thờ, bàn tay còn lại tất nhiên của Cyrus-đại-đế. Nhưng Zagallo hôm nay đang khát máu: những kẻ sùng đạo sẽ nếm mùi đau khổ. “Quân mán rừng,” lão tát tai Jimmy Kapadia, rồi tiện tay xoắn tai nó, “Lên lớp vài lần thì sẽ biết!”
“Ối ối vâng thưa thầy em xin lỗi thưa thầy...” Sáu bàn tay đang vẫy, nhưng tai Jimmy vẫn có nguy cơ bị đứt lìa ra. Chủ nghĩa anh hùng trong tôi trỗi dậy...
“Thưa thầy xin thầy dừng lại tim bạn ấy có vấn đề thưa thầy!” Quả thế thật; nhưng sự thật rất nguy hiểm, vì lúc này Zagallo quay ngoắt sang tôi: “Chà, một anh cu lý sự, hả?” và tôi bị túm tóc dắt lên trước lớp. Trước ánh mắt nhẹ nhõm của bạn bè đồng học – ơn Chúa là nó không phải mình – tôi quằn quại trong đau đớn với mớ tóc bị cầm tù.
“Trả lời câu hỏi xem nào. Địa lý nhân văn là cái giề?”
Đau đớn lấp kín đầu tôi, xóa bỏ mọi ý tưởng gian lận bằng ngoại cảm: “Áái không thưa thầy không thưa ấy ốối!”
... Và giờ có thấy một câu đùa trên trời rơi xuống đầu Zagallo, một câu đùa kéo dãn mặt lão thành hình mô phỏng của một nụ cười; có thể thấy bàn tay lão thọc ra trước, ngón-cái-và-ngón-trỏ xòe ra; để ý thấy ngón-cái-và-ngón-trỏ kép chặt chóp mũi của tôi và kéo xuống ra sao... mũi kéo đi đâu, đầu theo đến đó, và rốt cuộc mũi tôi chúi xuống và đôi mắt nhòe nước của tôi buộc phải nhìn chằm chặp vào đôi chân đi xăng đan với móng chân cáu bẩn của Zagallo trong khi lão phô bày sự dí dỏm của mình.
“Nhìn đi, các ông mãnh – xem ở đây ta có gì? Hãy chiêm ngưỡng, bộ mặt gớm ghiếc của sinh vật nguyên thủy này. Nó làm các cậu nghĩ đến?”
Và những phản hồi hăm hở: “Thưa thầy con quỷ.”
“Thưa thầy giống thằng em họ em!”
“Không ạ thưa thầy giống cây rau thưa thầy nhưng em không biết loại gì.”
Tới khi Zagallo, hét át những om sòm: “Im lặng, lũ khỉ con! Vật thể nầy” – giật mũi tôi một phát - “đơi chính là địa lý nhân văn!”
“Sao thưa thầy đâu thưa thầy cái gì thưa thầy?”
Zagallo phá lên cười. “Không thấy à?” lão cười hô hố. “Trên mặt con dã nhân xấu xí nầy các cậu không thấy bản đồ toàn Ấn Độ?”
“Có thưa thầy không thưa thầy như thế nào thưa thầy!”
“Nhìn đây – bán đảo Deccan buông thõng xuống!” Lại Ối-mũi-em lần nữa.
“Thưa thầy thưa thầy nếu đó là bản đồ Ấn Độ thì hai vết nhọ là gì thưa thầy?” Đó là Keith Colaco Nội tiết đâm ra táo tợn. Rúc rích, khúc khích từ đám bạn tôi.
Còn Zagallo, sải bước và giải đáp câu hỏi: “Mấy vết nhọ này,” lão thốt, “là Pakistan! Cái bớt bên tai phải là Cánh Đông; còn bên má trái nhọ nhoe nhoét nầy, Cánh Tây! Nhớ lấy, các ông mãnh: Pakistan là vết nhọ trên mặt Ấn Độ!”[10]
[10] Khi mới tách khỏi Ấn Độ, Pakistan bao gồm hai vùng lãnh thổ phía Đông và phía Tây. Sau nhiều mâu thuẫn và xung đột, phía Đông tách ra thành Bangladesh ngày nay, còn phía Tây là Pakistan bây giờ.
“Hô hô,” cả lớp cười, “Câu đùa tuyệt đỉnh, thưa thầy!”
Nhưng giờ mũi tôi đã chịu đựng đủ rồi; tổ chức cuộc nổi dậy tự phát chống lại ngón-cái-và-ngó-trỏ đang túm chặt nó, nó phát động vũ khí của riêng mình... một giọt nước mũi nhờn bóng chui ra khỏi lỗ mũi phải, rồi rớt xuống tay Zagallo.
Perce Fishwala Béo hét lên, “Thưa thầy, xem kìa! Nước mũi của nó, thưa thầy! Đấy có phải đảo Ceylon[11] không ạ?”
[11] Ceylon, tức Sri Lanka, là hòn đảo lớn ở phía Đông Nam Ấn Độ.
Tay nhoen nhoét nước mũi, Zagallo mất hứng đùa cợt. “Đồ súc vật,” lão rủa tôi, “Có thấy mày vừa làm gì không?” Tay Zagallo thả mũi tôi ra; quay sang tóc. Thứ bị mũi chối bỏ được chùi vào mái tóc rẽ ngôi chỉnh chu của tôi. Và giờ, một lần nữa, tóc tôi bị túm lấy; một lần nữa, bàn tay lại kéo... nhưng lần này là kéo lên, và đầu tôi bị giật thẳng lên, chân tôi nhấp nhớm trên đầu ngón, còn Zagallo, “Mày là cái gì? Nói xem mày là gì!”
“Thưa thầy đồ súc vật thưa thầy!”
Bàn tay kéo mạnh nữa cao nữa. “Nhắc lại.” Lúc này đã đứng bằng móng chân, tôi rú lên: “Ááii thưa thầy đồ súc vật đồ súc vật xin thầy ááii!”
Lại mạnh hơn nữa và cao hơn nữa... “Lần nữa!” Nhưng nó đột nhiên kết thúc; chân tôi lại đứng trên đất bằng; và cả lớp rơi vào cơn im bặt ch.ết chóc.
“Thưa thầy,” Sonny Ibrahim lên tiếng, “thầy giật đứt tóc nó rồi, thưa thầy.”
Và giờ cả bọn nhao nhao: “Thưa thầy, máu.”
“Nó chảy máu thưa thầy.”
“Thưa thầy em đưa nó lên ý tá nhé?”
Ngài Zagallo đứng trơ như tượng với một nắm tóc của tôi trong tay. Trong khi tôi – quá choáng để cảm thấy đau – sờ lên mảng đầu chỗ Zagallo vừa tạo thành một mảng trọc lốc, một hình tròn mà tóc sẽ vĩnh viễn không mọc lại, và nhận ra rằng lời nguyền khi tôi chào đời, lời nguyền gắn kết tôi với đất nước tôi, vừa tìm thấy thêm cho mình một hình thức biểu hiện không ngờ mới.
Hai hôm sau, Crusoe Quạ thông báo rằng, thật không may, Thầy Emil Zagallo sẽ rời trường vì lý do cá nhân; nhưng tôi biết lý do thật là gì. Túm tóc bị nhổ của tôi đã dính chặt vào tay lão, như vết máu không rửa sạch được, và không ai muốn một giáo viên mọc lông ở bàn tay, “Dấu hiệu bị điên đầu tiên,” như thằng Keith Nội tiết hay nói, “còn dấu hiệu thứ hai là nhìn xem có không.”[12]
[12] Một câu đùa quen thuộc ở Anh. Một người bảo: dấu hiệu bị điên đầu tiên là mọc lông ở bàn tay. Theo phản xạ, người nghe sẽ giơ tay lên nhìn. Người kia sẽ nói tiếp: dấu hiệu thứ hai là nhìn xem (ở tay) có không.
Di sản của Zagallo: một mảng trọc như sư; và, tệ hại hơn, một lô câu chọc ghẹo mới, mà lũ bạn cùng lớp ném vào tôi khi đứng chờ xe buýt đưa bọn tôi về nhà thay đồ cho buổi Giao lưu: “Thò Lò thành Hói rồi!” và “Thằng Cả Khịt có mặt-bản-đồ!”
Khi Cyrus xuất hiện trong hàng, tôi cố gắng chĩa mũi dùi vào nó, bằng cách mở đầu bài hát: “Cyrus-hôi-hám, đẻ trong nồi cám, vào năm bốn tám,” nhưng không một ai hưởng ứng cả.
Vậy là chúng tôi đến buổi Giao lưu Trường Cathedral. Nơi những hành vi bắt nạt trở thành công cụ của vận mệnh và ngón tay bị biến đổi thành vòi phun, còn Masha Miovic, tay bơi ếch lừng danh, ngã lăn ra bất tỉnh... Tôi đến buổi Giao lưu trên đầu vẫn còn băng bó. Tôi đến muộn, vì thuyết phục được mẹ cho tôi đi không phải việc dễ dàng; thế nên khi tôi bước vào Hội trường Lớn, dưới những dải cờ đuôi nheo và những chùm bóng bay và ánh mắt ngờ vực nặng tính nghề nghiệp của các nữ giám hộ xương xẩu, những cô nàng xinh nhất đều đã nhảy box-step hay Nón Mexico với một lũ bạn nhảy nhìn tự mãn phát ghét.
Lẽ tất nhiên, các lớp trưởng xí được những em oách nhất; tôi nhìn bọn họ với cơn ghen tị dữ dội; Guzder và Joshi và Stevenson và Rushdie và Tayarkhan và Tayabali và Jussawalla và Wagle và King; tôi cố chen vào giữa họ nhân những điệu xin-thứ-lỗi[13] nhưng khi thấy cái đầu băng bó, quả dưa chuột hình cái mũi và hai vết nhọ trên mặt tôi họ chỉ cười và quay đi...
Hờn giận nở bừng trong ngực, tôi gặm khoai tây chiên và nốc Bubble-Up và Vimto và tự nhủ, “Lũ dở người ấy; bọn nó mà biết mình là ai lại chả tránh đường ngay tắp lự!” Song nỗi sợ hãi phải bộc lộ bản chất thật của tôi vẫn mạnh hơn niềm ham muốn có phần mơ hồ với các cô gái châu Âu quay cuồng khiêu vũ.
[13] Điệu nhảy trong đó người tham gia được phép chen vào một cặp đôi để đổi bạn nhảy.
“Này, Saleem, đúng không? Này, anh bạn, cậu sao thế?” Tôi bị lôi ra khỏi cơn mộng ngày càng đắng, cô đơn (đến cả Sonny cũng có bạn nhảy; nhưng mà, nó có hai hõm forcep và không mặc qυầи ɭót – căn nguyên sự hấp dẫn của nó) bởi một giọng nói đến từ sau vai trái tôi, một giọng trầm khàn, đầy hứa hẹn – nhưng cũng đầy tai ương. Giọng con gái. Tôi giật mình quay ngoắt lại và thấy mình đang nhìn chằm chằm vào một mỹ nhân có mái tóc màu vàng óng và bộ ngực nổi bật và lừng danh... lạy Chúa, nàng mười bốn tuổi, nàng nói chuyện với tôi làm gì?...
“Tớ tên là Masha Miovic,” mỹ nhân lên tiếng, “Tớ biết em cậu.”
Dĩ nhiên rồi! Những thần tượng của con Khỉ, các tay bơi ở trường Walsingham, chắc chắn phải biết nhà nữ vô địch bơi ếch của trường!
“Tớ biết...” tôi lắp bắp, “Tớ biết tên cậu.”
“Và tớ cũng vậy,” nàng chỉnh lại nơ cho tôi, “thế là hòa nhé.”
Qua vai nàng tôi thấy Keith Colaco Nội tiết và Perce Béo nhìn chúng tôi chảy dãi và nổ mắt ra vì ghen tị. Tôi thẳng lưng và ưỡn vai ra. Masha Miovic hỏi lần nữa về vết băng bó của tôi.
“Chả có gì đâu,” tôi nói với một giọng mà tôi hy vọng là trầm ấm. “Tai nạn thể thao ấy mà.” Và rồi, cố gắng mãnh liệt để giữ giọng mình bình tĩnh, “Cậu có muốn... muốn nhảy không?”
“Được thôi,” Masha Miovic nói, “Nhưng không ôm sát[14] đâu đấy.”
[14] Nguyên văn: smooch, một kiểu khiêu vũ trong đó hai người ôm sát nhau và nhảy chậm rãi, tình tứ.
Saleem lên sàn cùng Masha Miovic, thề không ôm sát. Saleem và Masha, đi bài Nón Mexico; Masha và Saleem, nhảy điệu box-step bằng tất cả tài năng! Tôi tự cho phép mình có một vẻ mặt khệnh khạng; thấy chưa, chả cần là lớp trưởng mới kiếm được bạn gái nhé!... Điệu nhảy kết thúc; và, vẫn cưỡi trên đỉnh sóng của niềm phấn khích, tôi hỏi, “Cậu có muốn đi dạo một tí không, ngoài sân ấy?”
Masha Miovic cười kín đáo. “Ừm, chỉ một tí thôi; và không nắm tay, nhé?”
Không nắm tay. Saleem thề. Saleem và Masha, thảnh thơi tản bộ... trời ơi, phê thật đấy. Đây mới là cuộc sống. Tạm biệt Evie, xin chào Bơi ếch... Keith Colaco Nội tiết và Perce Fishwala Béo bước ra từ bóng tối của khoảnh sân.
Hai đứa khúc khích: “Hi hi.” Masha Miovic ngỡ ngàng khi chúng chặn đường chúng tôi.
“Hê hê.” Perce Béo nói, “Masha, hô hô. Cậu có cuộc hẹn oách nhỉ.”
Và tôi, “Im đi, thằng kia.”
Tức thì Keith Nội tiết, “Cậu biết vết thương chiến trận của nó từ đâu ra không, Mashy?”
Và Perce Béo, “Hii hôô haa.”
Masha nói, “Đừng thô lỗ thế; cậu ấy bị tai nạn khi chơi thể thao!”
Perce Béo và Keith Nội tiết khoái chí cơ hồ ngã ngửa ra; rồi Fishwala bóc trần tất cả.
“Zagallo giật tóc nó ra ở lớp đấy!” Hii hôô.
Còn Keith, “Thò Lò trọc lóc!”
Rồi cả hai đồng thanh, “Cả Khịt mặt bản đồ!” Mặt Masha Miovic lộ vẻ khó hiểu. Và còn có một thứ nữa, hơi hướm một tâm hồn tinh quái về ȶìиɦ ɖu͙ƈ đang chớm nở...
“Saleem, chúng nói về cậu thô lỗ quá!”
“Ừ,” tôi đáp, “kệ bọn nó.”
Tôi toan kéo nàng bỏ đi. Nhưng nàng tiếp tục, “Cậu không định bỏ qua cho chúng đấy chứ?” Những giọt hưng phấn đậu trên môi nàng; lưỡi nàng đánh vào góc miệng; đôi mắt Masha Miovic bảo, Cậu là gì? Đàn ông hay chuột nhắt?... và dưới bùa mê của nữ vô địch bơi ếch, một thứ khác trôi vào đầu tôi: hình ảnh cặp đầu gối bất khả chiến bại; và giờ tôi xông đến Colaco và Fishwala; khi hai đứa còn mải cười, đầu gối tôi thúc vào háng thằng Nội tiết; trước khi nó gục xuống, một động tác gập gối tương tự đã cho Perce Béo đo ván. Tôi quay sang tình nương; nàng hoan hô, khe khẽ.
“Này bạn, được đấy.”
Nhưng giờ thời khắc của tôi đã qua; Perce Béo đã lồm cồm đứng dậy, và Keith Nội tiết đang lao về phía tôi... rũ bỏ mọi sự lên mặt đàn ông, tôi quay đầu bỏ chạy. Hai thằng đầu gấu liền đuổi theo và sau lưng chúng là tiếng gọi của Masha Miovic, “Chạy đi đâu thế, người hùng bé bỏng?”
Nhưng thời gian đâu cho cô nàng lúc này, không thể để bọn nó tóm được, chạy ngay vào lớp học gần nhất sập cửa lại, nhưng vướng chân thằng Perce Béo và giờ chúng đã vào trong và tôi nhao ra cửa, tôi vươn tay phải túm lấy nó, ráng mở nó ra, cố mà chạy ra ngoài, chúng sập cửa lại, nhưng tôi kéo bằng sức mạnh của nỗi sợ hãi, tôi mở ra được vài tấc, bàn tay tôi vòng ra quanh cửa và nó sập xuống quá nhanh tôi chưa kịp rút tay ra nó đã sập lại. Khục một cái. Và phía ngoài, Masha Miovic vừa đến nơi và nhìn xuống sàn; và thấy một phần ba trên của ngón tay giữa của tôi nằm đó như một mẩu kẹo cao su nhai kỹ. Đây là lúc nàng ngất xỉu.
Không đau. Tất cả đều rất xa xăm. Perce Béo và Keith Nội tiết bỏ chạy, để cầu cứu hoặc trốn. Tôi nhìn vào tay mình, hoàn toàn vì tò mò. Ngón tay tôi đã trở thành một vòi phun: huyết dịch phụt ra theo nhịp tim tôi. Không hề biết ngón tay lại chứa nhiều máu thế. Đẹp thật. À y tá đây rồi, đừng lo, cô ạ. Xước da ấy mà. Mọi người điện thoại cho bố mẹ cháu rồi; thầy Crusoe đang đi lấy chìa khóa xe. Y tá rịt một cục bông tướng vào chỗ cụt. Thấm đầy như kẹo bông màu đỏ. Và giờ Crusoe. Lên xe đi, Saleem, mẹ em đến thẳng bệnh viện rồi. Vâng thưa thầy. Còn cái mẩu, ai cất cái mẩu chưa? Dạ hiệu trưởng đây ạ. Cám ơn cô, y tá. Chắc chả dùng đến đâu nhưng ai biết được. Em cầm lấy để thầy lái xe, Saleem... và cầm đầu ngón tay đứt trong bàn tay trái không bị tổn thương, tôi được chở đến bệnh viện Breach Candy qua những con phố vang vọng của đêm.
Ở bệnh viện: tường trắng cáng cứu thương tất cả nhao nhao nói. Lời lẽ tuôn ra xung quanh tôi như suối.
“Ôi xin Chúa bảo bọc chúng con, mảnh trăng bé bỏng của mẹ, chúng làm gì con thế này?”
Nghe vậy Crusoe già, “He he. Bà Sinai. Tai nạn thế là thường. Con trai mà.”
Nhưng mẹ tôi nổi cơn điên, “Trường lớp kiểu gì thế? Ông Caruso? Ngón tay con tôi đứt lìa mà ông ăn nói thế à? Nghe không trôi đâu. Không đâu, thưa ông.”
Và giờ, trong lúc Crusoe, “Thật ra tên tôi là – như Robinson ấy mà, bà biết đấy – he he,” bác sĩ tiến lại và một câu hỏi được đặt ra, mà câu trả lời sẽ đổi thay cả thế giới.
“Bà Sinai, bà vui lòng cho biết nhóm máu. Cậu bé bị mất máu. Có khả năng sẽ phải truyền bổ sung Và Amina: “Tôi nhóm A; nhưng chồng tôi nhóm O.”
Và giờ bà không kìm nổi nữa, òa khóc, nhưng bác sĩ vẫn, “À, nếu vậy, bà có biết con bà...” Nhưng bà, con gái một bác sĩ, phải thừa nhận rằng bà không trả lời được câu hỏi: Alpha hay Omega?
“Nếu vậy phải làm một xét nghiệm nhanh; về kháng nguyên rhesus?”
Mẹ tôi, qua làn nước mắt: “Hai vợ chồng tôi, đều rhesus dương tính.”
Và bác sĩ, “À, tốt, ít ra là vậy.”
Nhưng khi tôi lên bàn mổ - “Cứ nằm yên, con trai, ta sẽ gây tê cục bộ cho con, không, thưa bà, cậu bé đang bị choáng, không thể gây mê toàn phần được, được rồi con trai, cứ giơ ngón tay lên và giữ yên đấy, y tá đỡ cậu bé đi, chỉ một loáng là xong ngay ấy mà”
Trong lúc bác sĩ phẫu thuật khâu ngón tay cụt và thi triển phép mầu cấy gốc móng tay, đột nhiên ở hậu cảnh có tiếng lao xao, như xa hàng triệu dặm, và “Gia đình ta có bà hai Sinai không ạ” và tôi không nghe rõ... từ ngữ bồng bềnh qua khoảng không vô tận... Bà Sinai, bà chắc chứ? O và A? A và O? Và rheus âm tính, cả hai người? Đồng hợp tử hay dị hợp tử? Không, chắc phải có nhầm lẫn gì đó, làm sao nó có thể... Tôi rất tiếc, tuyệt đối rõ ràng... dương tính... và không phải A hay O... xin lỗi, thưa Bà, nhưng cậu nhà có phải... nhận nuôi hay là... Cô y tá chen vào giữa tôi và tiếng nói chuyện xa hàng dặm, nhưng không ăn thua, bởi lúc này mẹ tôi đã rú lên.
“Nhưng tất nhiên ông phải tin tôi chứ, bác sĩ; lạy Chúa, tất nhiên nó là con chúng tôi!”
Không phải A hay O. Và kháng nguyên rhesus: âm một cách không tưởng. Và tương đồng hợp tử không cho thấy bằng chứng gì. Và tồn tại trong máu, các kháng thể Kell hiếm. Và mẹ tôi, nức nở, nức-nở-nức-nở, nức nở...
“Tôi không hiểu. Tôi là con gái bác sĩ, nhưng tôi không hiểu.”
Có phải Alpha cùng Omega đã lật mặt tôi? Có phải rhesus đang chĩa ngón tay không thể trả lời vào tôi? Và có phải Mary Pereira sẽ buộc phải...Tôi tỉnh dậy giữa một căn phòng lạnh, trắng, cửa sổ treo mành sáo và có Đài phát thanh Toàn Ấn Dộ làm bầu bạn.
Tony Brent đang hát: “Buồm Đỏ Dưới Hoàng Hôn”.
Ahmed Sinai, khuôn mặt bị tàn phá bởi whisky và bây giờ bởi một điều tệ hại hơn, đứng sau tấm mành. Amina, khe khẽ thì thầm. Một lần nữa, những tiếng được tiếng mất từ xa hàng triệu dặm. Janumđừngmà. Emxinanh. Không, anh nói gì vậy. Tất nhiên là thế. Tất nhiên anh là. Sao anh có thể nghĩ rằng em đã. Của ai mới được chứ. Chúa ơi, anh đừng đứng đó và nhìn em như thế. Em thề. Emthềtrênđầumẹem. Suỵt, thằng bé nó...
Một khúc ca khác của Tony Brent, người mà chương trình tiết mục hôm nay giống của Wee Willie Winkie một cách bí hiểm: “Cún Con Trên Cửa Sổ Giá Nhiêu Tiền?” lửng lơ trong không khí, bồng bềnh trên sóng phát thanh. Cha tôi bước đến giường tôi, đổ bóng sừng sững xuống tôi, tôi chưa thấy ông như thế bao giờ.
“Abba...” Và ông, “Lẽ ra ta phải biết. Nhìn xem, ta ở đâu trên khuôn mặt ấy. Cái mũi đấy, lẽ ra ta phải...”
Ông quay gót rời khỏi phòng; mẹ tôi theo gót ông, quẫn trí đến nỗi không buồn thì thầm nữa: “Không, janum, em không thể để anh tin vào những điều như thế về em! Em sẽ tự tử! Em sẽ,” và cánh cửa đóng sập lại sau lưng họ.
Từ ngoài vọng vào một âm thanh: một tiếng chát. Hay một cái tát. Hầu hết những điều trọng đại của đời ta đều xảy ra vắng mặt ta.
Tony Brent bắt đầu rủ rỉ bài ca mới nhất vào bên tai nghe rõ của tôi: và trấn an tôi, rất du dương, rằng “Mây Rồi Sẽ Sớm Tan.”
... Và giờ tôi, Saleem Sinai, dự kiến trong giây lát sẽ dành cho tôi-hồi-đó cơ hội được hồi cố; phá bỏ tính thống nhất và thông lệ của văn chương chuẩn mực, tôi cho hắn được thấy trước những gì sắp tới, chỉ để hắn có thể được phép suy nghĩ những ý nghĩ sau: “Ôi sự đối lập vĩnh cửu giữa bên trong và bên ngoài! Vì mỗi con người, bên trong hắn ta, là tất cả trừ một tổng thể, tất cả trừ tính đồng nhất; đủ loại tất cả bất kỳ thứ gì được nhồi nhét ở bên trong hắn, phút trước hắn là người này sang phút sau đã thành người khác. Cơ thể, mặt khác, lại cực kỳ thuần nhất. Không thể phân tách, một bộ y-phục-một-mảnh, một ngôi đền thiêng, tùy quý vị. Bảo tồn tính nhất thể này là điều rất quan trọng. Nhưng mất mát của ngón tay tôi (được dự báo một cách dễ hiểu bằng ngón tay đang chỉ của người ngư phủ của Raleigh), chưa kể việc một vạt tóc nào đó bị giật khỏi đầu tôi, đã phá bỏ tất cả.
Bởi thế chúng ta lâm vào một tình thế hội đủ mọi yếu tố của một cuộc cách mạng; và tác động của nó đối với lịch sử chắc chắn sẽ kinh ngạc ra trò. Mở nút cơ thể[15], và Chúa mới biết ta sẽ cho trào ra những gì. Đột nhiên ta sẽ mãi mãi khác ta trước kia; và thế giới đổi thay đến độ cha mẹ có thể thôi không là cha mẹ nữa, yêu thương có thể hóa thành căm ghét. Và những điều đó, hãy nhớ rằng, mới chỉ là tác động đối với đời tư. Hệ quả đối với không gian của hoạt động công chúng[16], quý vị sẽ thấy, đang - đã - và sẽ không kém phần sâu sắc.”
[15] Nguyên văn: uncork (mở nút chai). Rushdie dùng chữ này vì nó rất giống cảnh mẩu ngón tay của Saleem bị đứt: mẩu ngón tay trông cũng giống nút chai, còn rượu vang cũng có màu đỏ như máu.
[16] Sphere of public action: thuật ngữ có lẽ xuất phát từ khái niệm “public sphere” của Jurgen Habermas. Ông quan niệm rằng giữa không gian của cá nhân (private sphere) và không gian của chính quyền (government sphere) tồn tại một không gian chung, nơi công chúng trao đổi, tranh luận, thể hiện quan điểm về các vấn đề chung. Không gian này có thể là một không gian vật lý như quảng trường, quán cà phê; cũng có thể là một không gian trừu tượng như báo chí, sách vở, tác phẩm nghệ thuật.
Cuối cùng, thu hồi món quà về khả năng tiên tri, tôi để quý vị lại với hình ảnh một cậu bé lên mười, ngón tay băng kín, ngồi trên giường bệnh, ngẫm nghĩ về máu và tiếng-động-chan-chát và nét mặt chủa cha mình; ống kính từ từ chuyển sang góc rộng, tôi cho phép nhạc nền lấn át lời tôi, bởi vì Tony Brent đã đi đến cuối điệu liên khúc, và bài kết của ông, cũng giống của Winkie: “Chúc Ngủ Ngon, Quý Bà!” là tên bài hát. Đầy tươi vui, nó cứ mãi du dương, du dương, du dương...
(Mờ dần)[17]
[17] Fade out: hiệu ứng khi kết thúc cảnh phim, hình ảnh mờ dần và âm thanh nhỏ dần đi.