Chương 9: Vay tiền như thay áo
Sau khi khuyên mẹ trở về nhà, Tuần Tuần ở lại túc trực bên Giáo sư Tăng. Nhìn khuôn mặt mỗi ngày một hõm sâu xuống của bố dượng, Tuần Tuần rất khó có thể gợi lại rằng, ông đã từng là một người có bước đi vững chãi, cử chỉ nho nhã, không biết lúc ấy có khi nào ông nghĩ mình sẽ ngã gục và hôn mê vào một ngày nào đó, thân thể ông trở thành quân cờ trong ván cờ giữa những người thân của mình không nhỉ?
Buổi chiều, có một số học sinh trong trường đến thăm Giáo sư Tăng, Tuần Tuần đang tiếp họ thì có chuông điện thoại di động, màn hình hiển thị số điện thoại lạ. Tuần Tuần nhấc máy, ở đầu dây bên kia vọng đến giọng nói vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, đúng là Trì Trinh.
“Tôi biết ngay là một người như cô sẽ không bao giờ dám để lỡ bất cứ cuộc gọi nào”, trong giọng nói của anh ta ẩn chứa vẻ cười cợt, ngay cả lời chào đầu tiên cũng không có, quen thuộc tới mức không thể hình dung nổi.
Tuần Tuần hỏi: “Anh lấy số điện thoại của tôi từ đâu vậy?”.
“Cô không cho tôi, chẳng nhẽ tôi lại không biết hỏi thăm?”
“Hỏi ai?”
“Mẹ chồng cô”, Trì Trinh đáp như lẽ đương nhiên, “Tôi nói có việc muốn trưng cầu ý kiến của cô, thế là bà ấy lập tức cho tôi ngay”.
Tuần Tuần nghe mà muốn té xỉu. Đúng là chỉ có những điều anh ta không nghĩ tới, chứ không có việc gì là anh không làm được.
“Tôi có thể hỏi anh, rốt cuộc anh muốn trưng cầu ý kiến gì ở tôi không?”
“Không có gì, tôi chỉ muốn hỏi tối hôm qua về muộn như vậy, Tạ Bằng Ninh có gây khó dễ gì cho cô không?”
Anh ta nói với giọng tưởng như rất thật lòng. Tuần Tuần bước ra khỏi phòng bệnh, cố nén giọng: “Đừng có vờ như không biết rằng tối hôm qua anh ta không trở về nhà. Nếu như tôi đoán không nhầm thì tối hôm qua Thiệu Giai Thuyên cũng không ở bên anh, đúng không?”.
Trì Trinh lại cười, “Những lúc cô giả vờ hồ đồ thật đáng yêu. Có điều lúc đầu tôi không biết là tối qua Thiệu Giai Thuyên có về hay không… Nhờ sự quan tâm chu đáo của chồng cô đấy. Anh ta thuê cho mỗi người chúng tôi một phòng. Như thế cũng hay, không thể phụ lại ý tốt đó của anh ta, tôi nghĩ chắc anh ta cũng biết khi ngủ say thì Thiệu Giai Thuyên rất thích ngáy bên tai người khác”.
Tuần Tuần lặng im, thấy trong lòng trống rỗng.
“Anh nói với tôi những điều đó để làm gì?”
“Chỉ để nói chuyện, thế thôi. Tôi nghĩ chúng ta có chung cảnh ngộ, vì thế sẽ có cùng những vấn đề.” Anh ta nói có phần thành khẩn, “Sáng nay Giai Thuyên đã về. Cô ấy nói, tối hôm qua sau khi xử lý xong vết thương ở bệnh viện thì đã muộn, may sao nhà chồng cô cách bệnh viện không bao xa nên Tạ Bằng Ninh đã đưa cô ấy tới nhà mẹ chồng cô nghỉ qua đêm. Về điểm này thì cô và Thiệu Giai Thuyên không giống nhau. Cô ấy là người tính tình thẳng như ruột ngựa, bụng nghĩ gì là thể hiện ngay ra nét mặt, nói dối một cái là biết ngay. Khi về cô ấy còn mua đồ ăn sáng cho tôi, trước đây chưa khi nào cô ấy quan tâm đến tôi như vậy.”
“Thế anh đã phản ứng như thế nào?”
Trì Trinh đáp: “Tất nhiên là tôi không vui rồi, vì vị hôn phu của tôi đã đi cả đêm không về. Có lẽ cô ấy cảm thấy áy náy, như thế chẳng phải tôi sẽ càng được hưởng lợi hay sao? Mà tội gì việc vui lại không làm?”.
“Vô duyên”, Tuần Tuần khẽ đáp.
“Cô cũng có thể được hưởng chút lợi như thế đấy, tất nhiên điều kiện đầu tiên là Tạ Bằng Ninh phải phối hợp mới được”. Ở đầu dây bên kia phía Trì Trinh hình như có cả tiếng nhạc từ trong xe, điều đó khiến cho cô cảm thấy ngữ điệu của anh ta càng to. “Đề nghị của tôi hôm qua cô đã suy nghĩ đến đâu rồi? Bọn họ càng ngày càng lộ liễu, điều ấy chưa hẳn đã là một chuyện xấu. Mặc kệ bọn họ, để đến khi thu lưới về càng cảm thấy thú vị. Với bản lĩnh giả bộ hồ đồ như cô thì việc này chắc cũng không khó.”
Tuần Tuần không nói cho anh ta biết rằng, vấn đề này đã bám riết lấy cô suốt một đêm, cô chỉ nói ra những lời mang tính kết luận.
“Tôi rất hoài nghi, nếu anh thực lòng yêu một người, cho dù có tồi tệ hơn nữa thì cũng không thể đặt cô ấy ở vị trí của một con mồi, rồi bày mưu tính kế như vậy.”
Trì Trinh phản bác lời của Tuần Tuần, “Sai! Điều đó chứng tỏ cô chưa hề yêu. Trên thực tế, chỉ có những người đã từng trả giá về tình cảm thì mới biết được. Bởi vì cô thường quá quan tâm một người, nên mới muốn trả lại cho người ấy gấp bội mà những gì người ấy đã mang đến cho cô. Mọi người đều bận như vậy, ai còn hơi đâu mà để tâm tới những người không mấy quan trọng? Không hỏi han, không ngó ngàng thì mới là lạnh nhạt vô tình”.
Tuần Tuần chán chẳng muốn phản bác lại những lý lẽ đó của Trì Trinh, “Bây giờ tôi chẳng có tâm trí đâu mà nghĩ đến những thứ đó!”.
“Nghe kiểu nói ấy thì hình như tâm trạng của cô đang rất tệ, cô cứ việc coi tôi như thùng rác đi”, Trì Trinh nói với giọng hào phóng.
Tuần Tuần không dám tuỳ tiện sử dụng thùng rác đó, cô lo một ngày nào đó khi không vui, thùng rác đó lại mang những điều mình kể đổ dồn sang cô. Cô định kết thúc câu chuyện, nhưng chợt nhớ ra rằng lúc trước hình như Trì Trinh có nói rằng anh ta từng học y, nên do dự một lúc, cô đã hỏi anh ta rằng có nên sử dụng loại thuốc đặc hiệu đó đối với Giáo sư Tăng hay không.
Quả nhiên, trước khi trả lời, Trì Trinh đã hỏi rất kỹ về tình trạng hiện tại của Giáo sư Tăng. Tuần Tuần đành phải kể lại đúng sự thật về nỗi băn khoăn trước hai sự lựa chọn cho sức khoẻ của ông.
Trì Trinh ngẫm nghĩ một lát rồi mới trả lời: “Tôi biết loại thuốc mà cô nhắc tới. Về mặt dược lý mà nói, bác sĩ điều trị cho bố dượng của cô đã nói khá rõ. Phản ứng của mỗi người với cùng một loại thuốc đúng là khác nhau, không ai dám đưa ra một kết luận chắc chắn hoàn toàn. Nhưng dưới góc độ một người bạn, tôi hỏi cô, nếu cô phản đối thì mẹ cô có từ bỏ phương án đó không?”.
Tuần Tuần cũng chẳng còn tâm trí mà để ý tới việc anh ta thêm từ “một người bạn” vào trong câu, cô thừa nhận , chỉ bằng một câu Trì Trinh đã đi ngay vào cốt lõi của vấn đề.
“Tôi nghĩ rằng không”, cô đáp rất thật thà.
“Vậy vấn đề chỉ còn là có ủng hộ hay không mà thôi. Nói một cách thẳn thắn , rõ ràng hơn, chính là vấn đề tiền nong. Theo như tôi được biết, loại thuốc đó khá đắt, hơn nữa cũng không nằm trong danh mục các loại thuốc điều trị bằng bảo hiểm và chi phí công.” Thấy Tuần Tuần im lặng, anh ta liền nói luôn: “Nếu cô gặp khó khăn…”.
Tất nhiên là Tuần Tuần sẽ từ chối, làm sao cô có thể nói cần tiền của anh ta được. Mặc dù trước khi rời đi, mẹ của Tuần Tuần đã nói rõ rằng cần con gái giúp đỡ về mặt kinh tế, loại thuốc đặc trị cần dùng cho Giáo sư Tăng bao gồm cả thuốc tiêm, mà mỗi mũi tiêm mất cả vạn tệ, tính ra, chi phí ban đầu mất chừng hai mươi vạn tệ. Số tiền này tuy không phải là quá nhiều, nhưng nó vượt quá phạm vi điều trị bằng chi phí công, vì vậy đối với một người không có sự hỗ trợ của bạn bè và người thân như mẹ của Tuần Tuần thì đúng là một con số trên trời. Lúc đó Tuần Tuần cũng đã nói rõ với mẹ rằng, số tiền trong tay mà cô có thể huy động tối đa cũng chỉ được hơn tám vạn tệ, mong mẹ cô cân nhắc thật kỹ lưỡng. Nhưng mẹ cô nhất quyết không thay đổi ý định. Khi Tuần Tuần hỏi mẹ có thể dồn được bao nhiêu thì mới tá hoả rằng, trong suốt mười mấy năm giữ tiền, số tiền bà tích góp được còn ít hơn cả con gái.
Vay tiền là điều mà Tuần Tuần rất kỵ, dù là giữa những người rất thân thiết nhưng nếu có chuyện liên quan đến tiền thì vẫn trở nên rất khó nói, huống chi Trì Trinh lại là người đặc biệt, nhìn thì thấy trẻ trung nông nổi, nhưng thực ra lại là người rất khó nắm bắt được.
Khi gần tối, Tuần Tuần dặn dò cô hộ lý rồi rời khỏi bệnh viện. Mẹ chồng cô gọi điện tới bảo cô trước khi về nhà thì ghé qua chỗ bà lấy ít đồ ăn về, vì thế Tuần Tuần phải tới nhà bố mẹ chồng một lúc.
Mẹ chồng của Tuần Tuần là một người khéo tay, sau khi về hưu nhàn rỗi không có việc gì làm, bèn nghiên cứu cách thức chế biến các món ăn. Tối qua bà đã làm một ít điểm tâm nên muốn con trai và con dâu nếm thử. Bà là người rất tinh tế, biết Tuần Tuần không thích ăn đồ ăn ngọt, vì vậy ngoài đồ dành cho con trai còn làm riêng cho Tuần Tuần mấy thứ hợp khẩu vị của cô. Tuần Tuần thật lòng khen tài nghệ của bà, khiến bà vui tới mức mỉm cười suốt, trước khi Tuần Tuần ra khỏi cửa còn không quên nhắc: “Mấy chiếc bánh này mẹ cho thêm ít kiềm ăn đấy, ăn nhiều chất kiềm vào thì mới sinh được con trai”.
Tuần Tuần nghe thấy thế liền dừng bước lại. Cách đây không lâu, cô còn luôn trong trạng thái chuẩn bị làm mẹ, nhưng bây giờ, cô đã rất khó hình dung ra đứa con máu thịt của cô và Tạ Bằng Ninh trông như thế nào.
Cô đứng ở cửa, cười đáp lại: “Thứ này phải để đàn ông ăn nhiều hơn thì mới được ạ. À, phải rồi, mẹ ơi, tối hôm qua chẳng phải là anh Bằng Ninh và cô ở nhà ta hay sao? Sao mẹ không bảo anh ấy tiện thể cầm về luôn?”.
“Tối hôm qua?” Ánh mắt bà không che giấu nổi vẻ ngạc nhiên, rồi tối sầm lại ngay sau đó.
“À… ừ… Đúng thế, con phải biết là người già trí nhớ kém lắm, vì thế lại phải để con đến lấy.”
Tuần Tuần gượng cười và gật đầu: “Đâu có, thời gian này vì chuyện của chú dượng con nên con thường xuyên phải ở bệnh viện, ít có thời gian đến thăm bố mẹ”.
Mẹ chồng vuốt ve cánh tay của Tuần Tuần, “Con ngoan, con vất vả quá. Bằng Ninh bận công việc, nếu không thì nó cũng phải đỡ cho con một ít. Nhưng phụ nữ chúng ta là phải như vậy đấy. Đàn ông lo sự nghiệp ở bên ngoài, còn chúng ta thì phải chăm lo việc trong nhà cho tốt. Con cũng thông cảm cho nó, cố gắng dành thời gian ở bên chồng”.
Tuần Tuần không nói gì. Cô bước ra khỏi nhà mẹ chồng, nhìn về hướng mặt trời sắp lặn, hít một hơi thở thật sâu. Có một câu nói rất đúng với cô lúc này: Mẹ chống dù có tốt đến mấy thì cũng là mẹ của người ta. Cho dù trước đó bà có yêu mình đến thế nào đi chăng nữa, thì khi hai vợ chồng có vấn đề, bà cũng sẽ đứng về phía của con trai.
Trên đường về, cô liên tục nhận được điện thoại của mẹ nói, bác sĩ bảo với bà, nên nhanh chóng đưa ra hướng điều trị cho Giáo sư Tăng, nếu quyết định lựa chọn phương án thứ hai, thì phải đến bệnh viện ký cam đoan, tiền điều trị cũng phải nộp dần.
Tuần Tuần hỏi: “Nhưng tiền của con vẫn không đủ thì phải làm thế nào?”.
Mẹ cô ngẫm nghĩ trong mấy giây, rồi cằn nhằn: “Mẹ đã bảo con từ lâu rồi, hàng ngày con nên quản tiền chặt hơn, nhưng con thì sao nào, cái gì cũng nhất nhất nghe lời Tạ Bằng Ninh. Lấy chồng ba năm rồi mà trong tay chỉ có được ngần ấy tiền, như vậy thì còn nói được gì nữa”.
Tuần Tuần không cãi lại bởi cô biết có làm như thế cũng chỉ là vô ích.
“Ngày mai con mang tám vạn tệ của con đến, mẹ cũng còn được một ít, số còn lại sẽ tính sau”, mẹ Tuần Tuần nói.
“Mẹ nghĩ ra được cách gì?” Khả năng của mẹ đến đâu thì Tuần Tuần quá rõ.
“Con bàn với Tạ Bằng Ninh, chắc chắn nó sẽ có tiền.”
“Anh ấy ư?”
“Không phải là nó thì là ai? Người đang nằm trong bệnh viện là bố vợ nó, chuyện liên quan đến sống ch.ết, không lẽ là con rể mà không lo gì?”
“Con với anh ấy vợ chồng, mỗi đồng con bỏ ra đều là tài sản chung của vợ chồng, sao lại nói là anh ấy không lo?”
“Tám vạn tệ? Lúc đầu mẹ phải khổ sở vất vả bao nhiêu để con lấy được Tạ Bằng Ninh chỉ là để lấy tám vạn tệ ấy thôi sao? Nhà vợ xảy ra chuyện lớn, nó đã lấy con thì việc của con cũng là việc của nó.”
Câu “bán mình một cách hợp pháp” của Trì Trinh tự nhiên vang lại lên bên tai Tuần Tuần.
“Giữa con và anh ấy xảy ra chút chuyện”, Tuần Tuần thấp giọng.
“Cái gì?”, rõ ràng là mẹ của Tuần Tuần không nghe rõ.
“Con phát hiện ra rằng, trong lòng anh ấy đã có người khác.”
“Nó cùng với đứa con gái khác giở trò ở bên ngoài bị con bắt được à?”
“Chuyện đó thì không có, nhưng con cảm thấy được.”
Ở đầu dây bên kia, mẹ Tuần Tuần im lặng. Tuần Tuần đưa chiếc điện thoại ra xa, quả nhiên, một lát sau, những lời của bà bắt đầu như trận roi quất xuống, “Cái gì mà cảm giác? Sao mày lại không mở mắt ra mà giống hệt thằng bố ch.ết tiệt của mày thế? Nó đâu có bị mày bắt tại giường, mà cho dù bắt thì cái lý cũng ở trong tay mày cơ mà, thế thì nó lại càng phải đưa tiền ra. Đừng có hồ đồ nữa! Mẹ mày dạy mày thế nào? Đối với đàn ông phải ngon ngọt, phải quản lý…”.
“Con chỉ tiện mồm nói thế thôi, bây giờ thì không có chuyện gì nữa rồi.” Tuần Tuần nói xong thì gác máy, mặc dù có thể hình dung ra cảnh ở đầu dây bên kia mẹ cô sẽ nhảy dựng lên như thế nào. Cô thấy hối hận, chuyện này ngay từ đầu không nên nói với mẹ.
Khi về đến nhà thì Tạ Bằng Ninh đã ở trong thư phòng. Tuần Tuần đi thăm con mèo, đúng là nó không bị trừng phạt nhiều, sau đó cô bước tới bên chồng, đặt chỗ bánh mẹ chồng làm lên bàn của anh.
“Mẹ nói tối qua anh về nhà, nhưng lại quên không đưa cho anh thứ này.”
Tạ Bằng Ninh nhìn cô một cái, rồi mở hộp ra, cười: “Có còn là trẻ con nữa đâu, ai mà ăn những thứ này”.
“Tay của Thiệu Giai Thuyên không sao chứ?”, Tuần Tuần hỏi với giọng rất thản nhiên.
“À, đã tiêm vắc xin rồi, chắc là không có chuyện gì đâu.” Tạ Bằng Ninh đặt tay lên tay của Tuần Tuần, “Sao quầng mắt em thâm thế, không ngủ được à? Bệnh của chú dượng em thế nào rồi?”.
Tuần Tuần nhìn vào hai bàn tay giao nhau, bụng nghĩ, không lẽ đây đúng là “phản ứng áy náy” như lời Trì Trinh nói?
Ngẫm nghĩ một lát, cô khẽ nói: “Bằng Ninh, em có chuyện này muốn thương lượng với anh… Bây giờ trong túi anh có dư tiền không?”.
“Em cần bao nhiêu?”, Tạ Bằng Ninh ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên kể từ sau đám cưới Tuần Tuần hỏi tiền anh, trước đây về mặt kinh tế họ đã quy định rất rõ ràng, Bằng Ninh lo tiền tiêu trong nhà và trả cho Tuần Tuần một khoản tiền như đã hứa, cô chưa bao giờ kêu thiếu tiền.
“Anh có bao nhiêu?”, Tuần Tuần cúi đầu xuống hỏi.
“Xảy ra chuyện gì vậy?”
“Bệnh của chú dượng em cần phải có hai mươi vạn tệ, nhưng số tiền mà em có cộng với số tiền của mẹ không đủ.”
“Hai mươi vạn tệ, sao lại như thế được? Rõ ràng là chú dượng em được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cơ mà!”
Bằng Ninh nói như vậy, Tuần Tuần buộc phải nói cặn kẽ bệnh tình của chú dượng cho chồng nghe.
“Như thế không thể được!” Tạ Bằng Ninh cũng từng học y, nên hiểu về sự việc này chẳng mấy khó khăn. Cố nén nỗi kích động trước đó, anh lấy lại bình tĩnh giảng giải cho vợ, “Trước hết chúng ta tạm thời chưa bàn tới sự an toàn của loại thuốc đó, mà vấn đề ở chỗ mẹ em đã đưa ra một quyết định rất không sáng suốt. Dựa vào đâu mà hai mẹ con em lại dốc tất cả những gì mình có để trả chi phí cho loại thuốc ấy, còn các con ông ấy thì ngồi nhìn mà chẳng làm gì? Nếu là người khác sẽ hiểu rõ cái lợi cái hại ở trong đó hơn. Mẹ em không có văn hoá thì không cần nói đến, nhưng em cũng hồ đồ! Nếu như…”.
Bằng Ninh cứ thao thao bất tuyệt phân tích cho cô thấy cái lợi, cái hại, cái được, cái mất và hậu quả của chuyện đó, phân tích rất sáng suốt và đầy lý lẽ.
Tuần Tuần cứ ngây người ra nghe Bằng Ninh nói, rồi đột nhiên cắt ngang lời anh: “Bằng Ninh, vừa rồi mình thu tiền cho thuê nhà cả năm, liệu anh có thể đưa trước chỗ tiền đó cho em được không? … Ý em là chuyển sang cho em, sau này em sẽ bù lại”.
Sau khi tổ chức đám cưới một năm, hai vợ chồng đã đầu tư mua một căn hộ nhỏ, vì đất ở khu vực đó tăng giá, nên họ đã cho thuê, thu nhập cũng kha khá.
“Xem ra em không nghe rõ những lời anh nói rồi!”, Tạ Bằng Ninh thở dài.
“Thế những lời em nói, anh có nghe rõ không?”
Lúc ấy căn hộ đó phải trả hết tiền ngay, khi mua giá đất còn tương đối rẻ, Bằng Ninh bỏ ra một nửa, một nửa còn lại là tiền Tuần Tuần gom góp được trước khi cưới và tiền bán một ít đồ nữ trang.
Bằng Ninh do dự một lát, rồi đáp: “Đúng là đưa số tiền đó cho em không có vấn đề gì. Nhưng mấy hôm trước Giai Thuyên nói là ở chỗ cô ấy có một hạng mục đầu tư rất thích hợp cho chúng ta, nên anh đã đưa số tiền tạm thời chưa sử dụng đến cho cô ấy rồi”.
Tuần Tuần đã rõ, mẹ chồng cô cũng có lần nói, Thiệu Giai Thuyên làm cố vấn cho một công ty đầu tư tiền tệ ở Thượng Hải…
Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác anh ta đang sỉ nhục trí thông minh của cô.
Rất nhiều lúc, vì cô đòi hỏi quá ít nên người ta mới không cho cô cái gì, kết quả là cô chẳng có gì cả.
Trì Trinh đúng là đồ khốn, câu nào anh ta nói cũng như đinh đóng cột.
Tuần Tuần chầm chậm rút tay về, hỏi bằng giọng lạnh lùng: “Không lẽ anh thấy rằng đến một câu thông báo cho em biết cũng là điều không cần thiết?”.
Tạ Bằng Ninh có vẻ hơi bối rối, “Anh tưởng rằng em không để ý đến chuyện này”.
“Giống như việc em đã không để ý đến chuyện tối qua anh ở đâu chứ gì?”
Lần này thì đúng là ánh mắt của Tạ Bằng Ninh không giấu nổi vẻ kinh ngạc. Một hồi lâu sau, anh ta mới mỉm cười tự giễu: “Nói đến chuyện tiền nong, tự nhiên anh cảm thấy em biến thành một người khác”.
Nói rồi Tạ Bằng Ninh lấy ra từ ngăn kéo một chiếc thẻ ngân hàng và đẩy về phía Tuần Tuần.
“Thôi được rồi, cãi nhau về chuyện này đúng là vô vị. Trong đó có hai mươi vạn, trong tay anh chỉ có khoản tiền mặt ấy thôi, nếu em cần thì cầm lấy đi.”
Tuần Tuần đưa tay miết lên chỗ lồi của tấm thẻ, trong đầu toàn nghĩ đến những chuyện không liên quan.
Đó là một sự so sánh rất khập khiễng.
Ngửa tay ra xin tiền của người khác chẳng khác gì việc cởi bỏ quần áo trước mặt người ấy. Nếu chấp nhận sự giúp đỡ của Trì Trinh giống như việc cởi áo, tháo đi trước mặt một người lạ, vậy thì nhận lấy hai mươi vạn tệ này từ chỗ Tạ Bằng Ninh sẽ chẳng khác gì việc cởi bỏ sạch sành sanh áo quần trên người trước mặt một người đàn ông vừa mới nói rằng không yêu mình. Cho dù họ đã có không biết bao nhiêu lần đối diện thành thật với nhau, nhưng điều đó chỉ càng làm cho nỗi nhục nhã giờ phút này tăng thêm mà thôi.
“Cô ấy sẽ không nói với anh chủ đề vô vị này chứ?”, Tuần Tuần mỉm cười hỏi.
“Không biết là em đang nói gì nữa”, Tạ Bằng Ninh nói, nhưng lại tránh ánh mắt của cô.
Ăn cơm xong một lúc thì Tạ Bằng Ninh lấy cớ là cơ quan có việc gấp phải đi, điều đó cũng có thể hiểu là anh ta đi gặp Thiệu Giai Thuyên, Tuần Tuần nghĩ, có lẽ phần nhiều là anh ta đang tìm cách trốn người vợ bỗng dưng thay đổi như người xa lạ.
Tuần Tuần gọi điện cho Tăng Dục, “Số tiền em gửi ở chỗ chị cho đến bây giờ là bao nhiêu nhỉ?”.
“Cô chờ một chút.” Một lát lâu sau Tăng Dục mới tiếp tục trao đổi với Tuần Tuần qua điện thoại, dường như cô đã phải tìm một chỗ thích hợp để nói về chuyện này, “Ý cô muốn hỏi số tiền bắt đầu gửi ở chỗ tôi từ hồi học trung học chứ gì? Để tôi xem sổ đã nhé… Tất cả là năm mươi nghìn bảy trăm hai mươi sáu tệ ba hào, nếu không tính đồ vật.”
“Ngày mai em tới chỗ chị lấy thế có tiện không?”
“Thế giới bị huỷ diệt rồi à?”, Tăng Dục rất ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng lấy lại vẻ bình thường, tuy vẫn không có câu trả lời.
“Tuần Tuần cô đã nghĩ kỹ chưa đấy? Tôi bảo cô tới chỗ bác sĩ là hy vọng cô có thể khuyên nhủ mẹ cô.”
“Vì sao, đây chẳng phải là điều mà các anh chị muốn thấy sao?”
“Cô đừng có chế giễu tôi! Nói thật với cô, trong lòng tôi không dễ chịu chút nào. Bây giờ người ốm nằm kia là cha đẻ của tôi, không ai hy vọng ông ấy nhanh chóng bình phục bằng tôi, thế mà bây giờ cô lại đang ép buộc tôi, khiến tôi trở thành người ngoài cuộc.”
“Em không ép chị.”
“Cha tôi như bây giờ là điều chẳng ai mong muốn. Nếu ông ấy không tỉnh lại, tôi dù có phải chăm sóc ông ấy suốt thì cũng không dám có một lời oán thán. Nhưng có một số chuyện cô cũng biết đấy, trong lòng anh trai chị và gái tôi đầy hận thù, không chỉ có họ, mà có lúc chính tôi cũng thấy rất hận. Mẹ tôi đã ch.ết như thế nào, cô còn nhớ không? Bà ấy đã vì quá uất ức mà sinh bệnh ung thư. Cha mẹ tôi từng là đôi vợ chồng mẫu mực hàng hai chục năm trời, đến khi mẹ tôi ốm nằn viện, cha tôi tới đưa cơm, trên đường về thì mò tới giường của mẹ cô. Anh trai và chị gái tôi đã nhìn thấy cảnh mẹ tôi ch.ết mà không nhắm được mắt như thế nào. Xác của mẹ tôi chưa kịp lạnh thì cha tôi đã vội vã tục huyền. Lúc đó, anh chị tôi đã nói, nếu ông ấy lấy mẹ cô, thì họ sẽ coi như mất cả cha lẫn mẹ. Nếu cha tôi qua đời thì họ sẽ về để đưa tang, nhưng nếu ông ấy còn ở với mẹ cô thì họ sẽ không hề nhỏ một giọt nước mắt nào.”
Tuần Tuần đáp: “Em biết, vì thế em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện trách cứ họ”.
“Thế thì là trách tôi.” Tăng Dục nói, “Tôi khác anh trai và chị gái tôi, bọn họ có thể ra đi là xong, nhưng tôi thì không thể đi được. Tôi đã sống với những người thân trong gia đình mười bốn năm, và cũng sống với chung với mẹ con cô mười bốn năm. Mấy năm đầu khi mẹ con cô mới chuyển đến, nhìn điệu bộ của mẹ cô, đến nằm mơ tôi cũng muốn bóp ch.ết bà ấy. Tất nhiên tôi cũng ghét cô, còn bé tí mà đã biết cách lấy lòng người khác. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng ăn cơm mẹ cô nấu mười bốn năm, bà ấy không xử tệ với tôi. Hồi còn nhỏ, mặc dù biết tôi lấy đồ của cô nhưng bà ấy không mắng tôi, mà ngược lại còn dạy bảo cô. Con người ta là thế, tôi vẫn không thích mẹ cô, nhưng từ lâu rồi tôi không còn hận bà ấy nữa. Mấy năm nay, nếu không nhìn ảnh thì tôi không nhớ rõ khuôn mặt mẹ mình như thế nào, nhưng tôi muốn không nhớ đến mẹ con cô nữa thì lại thật là khó. Những quyết định mà anh chị tôi đưa ra, tôi không thể làm ngược lại, bởi họ là người thân của tôi, vẫn đề là ở chỗ người thân của tôi và của cô thì có có gì là khác biệt? Cô hãy nghe tôi nói câu này, hãy khuyên mẹ cô, cứ cho là cha tôi không tỉnh lại chăng nữa, tôi cũng sẽ đồng ý với bà ấy, đợi sau khi cha tôi hai năm mươi, tôi sẽ đồng ý chuyển căn hộ mà cha tôi mua bằng tên tôi cho bà ấy, như thế bà ấy yên tâm rồi chứ?”. Tăng Dục nói xong những lời này thì kiên nhẫn chờ câu trả lời của Tuần Tuần.
Tuần Tuần nhớ đến vẻ mặt của mẹ khi bà nói rằng, đợi đến khi Giáo sư Tăng về hưu sẽ đưa bà tới quảng trường khiêu vũ.
Cô hỏi Tăng Dục: “Chị nghĩ rằng em có thể khuyên được mẹ em ư? Chị cũng đã biết mười bốn năm rồi đấy, trong mười bốn năm ấy, cứ cho rằng bà ấy tồi tệ hơn nữa, thì chẳng nhẽ cuộc hôn nhân ấy với bà, ngoài căn hộ đó ra không còn thứ gì khác nữa ư?”.
Ngày hôm sau, trước khi đi làm, Tăng Dục mang tiền đến đưa cho Tuần Tuần ở chỗ hẹn, ngoài số tiền hơn năm vạn tệ gửi ở chỗ cô, Tăng Dục còn đưa thêm cho Tuần Tuần một tấm thẻ nữa.
“Tôi chỉ có ngần này. Đừng để anh và chị tôi biết, nếu không họ sẽ rất đau lòng.”
Dựa vào số tiền gom được từ đủ mọi nguồn, việc điều trị cho Giáo sư Tăng tạm thời được sắp xếp xong. Mẹ Tuần Tuần không hiểu sự việc, bà tin tưởng rằng con gái bà đã nghe theo lời dạy của mình trong việc nắm quyền quản lý kinh tế trong gia đình. Nhớ đến lời nói lạnh lùng của con gái tối hôm trước, bà cảm thấy không yên tâm, rồi một mực khuyên con đừng có ghen bóng ghen gió, đàn ông trẻ chơi bời một chút cũng là chuyện bình thường, cố chịu mấy năm, chờ đến khi họ già đi, thì dù có tình ý cũng chẳng còn sức lực đâu nữa, lúc đó khắc yên phận bên vợ con.
Tuần Tuần an ủi mẹ, nói rằng những lời cô nói hôm qua chẳng qua chỉ là nói trong lúc tức giận mà thôi.
Mẹ Tuần Tuần ôm hai mươi vạn tệ đi nộp cùng với niềm hy vọng tràn trề. Tuần Tuần ngồi một mình trên ghế trong hành lang, nhìn theo bóng mẹ. Từ trước đến nay cô luôn nghĩ rằng mình có thể sống bên Tạ Bằng Ninh đến đầu bạc răng long, cho dù không có tình yêu lãng mạn, nhưng chỉ cần hai người hiểu và nương tựa vào nhau như thế cũng đủ cho cả một đời. Nhưng không biết từ lúc nào, cô bắt đầu hiểu ra rằng, điều đó là không thể.