Chương 8: Mối tình xà lim 2

Yuri Y. vô hồi tháng ba, vào buổi sáng. Có hắn tụi tôi mới được sang xà lim 53 này.


Hắn bước vô như một bóng ma, chân không buồn đạp đất và thất thểu sợ đứng không vững phải vịn thành cửa. Đèn vừa tắt, trời chưa đủ sáng nhưng mắt hắn hấp háy, đứng đờ ra một lúc.


Xét theo vỏ ngoài không hiểu quần áo hắn lấy đâu ra. Quân phục Đức hay Nga rõ ràng không phải…mà chẳng có vẻ Balan hay Ăng lê nữa. Mặt xương xương, dài dài không có chất Nga chút nào. Hắn ốm tong teo mà quá cao nên càng thảm hại. Tụi tôi hỏi bằng tiếng Nga hắn không đáp. Yuri nhóng hỏi tiếng Pháp, tiếng Anh cũng vậy. Lát sau mới thấy hắn nhếch miệng cười. Khuôn mặt ảm đạn, khô cằn như thây ma. Chưa bao giờ tôi thấy nụ cười thê lương, dễ sợ vậy!


Hắn thều thào nói “Chào anh em” như người vừa ngất đi mới tỉnh dậy hay sắp lên đoạn đầu đài vậy. Bàn tay gầy guộc, trơ xương giơ ra có đeo tòn tên một vải rách. Gã chỉ điểm Kramarenko đánh hơi ra liền, chạy tới vồ đưa ra bàn mở coi: Thuốc lá thơm. Vài trăm gam. Hắn tự động lấy giấy cuốn một điếu thuốc cỡ gấp 4 điếu thường.


Hắn cho biết tên Yuri Nikolayevich Y, vừa nằm cát-xô đúng 3 tuần lễ ra.


Nhớ lại khoảng 1929, trong thời kỳ có cuộc tranh chấp đường Hoả xa Trung Quốc Đông phương, nước Nga vang vang bài ca “Lấy ngựa thép ra ngăn chận quân thù. Có chiến sĩ Sư đoàn 27”.


available on google playdownload on app store


Sư đoàn 27 anh dũng đó có đơn vị đại pháo mà chỉ huy trưởng là Nicolai Y, một sĩ quan xuất thân từ thời Nga hoàng. Ông Đơn vị trưởng pháo binh Sư đoàn 27 có lệ “chồng đâu vợ đấy” nên đi thị sát chiến trường từ Đông sang Tây, từ sông Volga rặng Ourals cũng tò tò kéo theo bà vợ. Dĩ nhiên toàn gia chất lên vừa vặn một toa xe hàng cải biến thành nhà ở, có lò sưởi đàng hoàng.


Chính trên toa xe nhà đó Yuri ra đời đúng 1917, năm Cách mạng. Con nhà võ, cha lại thế lực quen biết (nhân vật có uy tín Viện Đại học Quân sự Lêningrad kia mà) nên Yuri dĩ nhiên phải nối nghiệp nhà. Vừa ra trường Sĩ quan thì cuộc chiến Phần Lan nổ bùng, Yuri quá nôn nóng phục vụ tổ quốc nên được xoay cho một chân sĩ quan tùy viên trong Bộ Tham mưu Quân đoàn. Không cần phải bò lên thanh toán ổ pháo địch hay xông pha giữa vòng vây hoặc chui vào ổ tuyết tránh địch bắn sẻ, nhưng sĩ quan văn phòng Yuri cũng có chiến công có huy chương Hồng Kỳ như ai. Nghĩa là cũng đóng góp vào một chiến thắng có chính nghĩa tử tế.


Nhưng đánh với Đức không dễ như vậy: Yuri chỉ huy một pháo đội và bị bao vây gần Luga. Đơn vị tan, chỉ huy trưởng cũng bị lùa về trại Tù binh Sĩ quan gần Vilnius. Nằm trại TBSQ này 2 năm, con người Yuri lung lay, thay đổi từ gốc. Bao nhiêu tin tưởng, nhiệt thành nguội lạnh hết. Đời sống trong trại TBSQ khốn nạn thế nào chẳng thể tả bằng lời. Chỉ rút gọn bằng một câu: “ch.ết chắc. Chí ít thằng khôn ngoan là khỏi”.


Không muốn ch.ết trong trại TBSQ Đức thì phải làm một cái gì đó. Làm An ninh, Trật tự để hành hạ chính các bạn đồng ngũ đồng cảnh thì Yuri không làm nổi. Làm bếp không được và làm Thông ngôn Yuri cũng không thể, dù nói tiếng Đức quá rành cũng đành phải giấu. Làm thông ngôn cho địch phản quốc rõ (địch cần thông ngôn quá mà).


Nhận một chân “chuyên viên đào huyệt” cũng đỡ khổ, còn sống thêm được một ít ngày, nhưng Yuri tranh sao lại với những thằng khoẻ hơn, quen chân quen tay hơn nhiều? Đành phải khai là hoạ sĩ vậy. Sự thực hắn cũng theo cua hội hoạ, sơn dầu vẽ có nét và nếu nghề võ chẳng phải là nghiệp nhà (ông thân sinh Yuri đối với hắn là một thần tượng xưa nay) thì hắn đã vô trường Mỹ thuật từ lâu.


Yuri là một ông hoạ sĩ già mà tôi quên mất tên được chọn gấp. Còn được cấp riêng một căn trong trại làm “hoạ thất” để ngày ngày sản xuất những tấm tranh cho đám sĩ quan trong ban quản đốc trại TBSQ. Và còn khẩu phần đặc biệt mới đủ sống…chớ hơi sức đâu đứng xếp hàng từ 6 giờ sáng mới được lãnh lèo tèo vài miếng sau khi ăn đòn tơi bời của bọn Trật tự, An ninh và cả bọn nhà bếp nữa!


Chiều chiều nhìn qua cửa sổ, hoạ sĩ Yuri vẫn lặng người ngắm làn sương chiều phủ trên bình nguyên ngoài hàng rào thép gai, xa xa bập bùng lửa đạn. Bên trong chỗ nào cũng có đống lửa nhóm lên với những hình hài rũ rượi bu quanh, những người mới đây còn là Sĩ quan Hồng quân.


Nhưng bây giờ họ là những bóng ma thất thểu đi lượm xương ngựa ch.ết về gậm, nhặt khoai hư khoai thối về nướng ăn, lấy phân ngựa khô hút thay thuốc lá và người thì nhung nhúc những chấy rận. Đâu phải họ ch.ết cả đâu? Họ còn sáng suốt, tỉnh táo chán mà ánh lửa bập bùng soi rõ những khuôn mặt người thật chớ đâu phải con người thời hồng hoang?


Yuri đau khổ vì cảm giác ngậm ngùi. Cuộc đời đã đến nước này thì sống nữa mà chi, nếu chỉ sống cho riêng mình, lấy mình? Hắn đâu phải týp người dễ quên? Nếu được phen này thì phải có thái độ, phải làm một cái gì.


Bảo rằng bọn Đức nhẫn tâm hành hạ tù binh, cố tình giết lần giết mòn? Không phải vậy. Chỉ có trại TBSQ này, chỉ riêng đám Sĩ quan Hồng quân sa cơ mới lại đối xử tàn tệ và ch.ết trong đau khổ, khốn nạn thế này. Chẳng có trại tù binh nào ghê rợn bằng những trại giam tù binh Nga, đúng vậy, không phải chỉ tù binh Anh, Na Uy mới được đối xử đàng hoàng. Ngay bọn Ba Lan, Nam Tư cũng đỡ khổ hơn nhiều, nhiều lắm. Tù binh Anh, Na Uy đều nhận được tác phẩm, thuốc men từ nước họ gởi, nhờ Hồng thập tự quốc tế chuyển giao. Họ đâu thèm xếp hàng nhận đồ ăn của trại giam. Yuri còn lạ gì, có trại giam tù binh Đồng minh kế bên là thế nào cũng có mục vì tình chiến hữu quăng sang ít đồ dư để tù binh Nga nhảy tới cướp như chó tranh xương.


Tại sao lại có chuyện mâu thuẫn trong việc đối xử với tù binh như vậy? Nga cũng là Đồng minh mà.


Dần dà Yuri hiểu. Nga phủ nhận chữ ký đặt trên Quy ước The Hague về vấn đề tù binh chiến tranh. Nghĩa là tự dành quyền không chấp nhận hẳn bất cứ trách nhiệm nào về việc đối xử với tù binh mà cũng không đòi hỏi, không cần đặt vấn đề bảo vệ chiến sĩ của mình sau khi họ sa cơ. [1]


Nga cũng không công nhận Hồng thập tự Quốc tế. Nga chối bỏ luôn, không đặt vấn đề cứu trợ, bảo vệ chiến sĩ của mình khi họ đã bị địch bắt làm tù binh.


Thế là bão tố nổi lên trong lòng Yuri, công dân Nga ra đời cùng một năm với Cách mạng. Trong “hoạ thất” hắn bao nhiêu lần tranh luận cùng ông hoạ sĩ già. Một người nhất quyết “bóc” dần từng lớp vỏ để phanh phui sự thực, một người không chịu chấp nhận dễ dàng. Có thể nào đổ tội cho một mình Stalin? Kết tội như vậy có quá đáng không? Còn kẻ đứng sau, những kẻ đứng quanh và bao nhiêu người lớp dưới Stalin thì sao? Những kẻ nham nhàm khắp nước, nhân danh Toàn quốc…


Giả thử chính Tổ quốc đã bán đứng chúng ta thì sao? Liệng ta vào chỗ ch.ết thì sao? Một người vợ phản bội, một bà mẹ bán mình thì chồng con còn phải trung thành? Một Tổ quốc phản bội đám con có còn là Tổ quốc?


Thế là Yuri dứt khoát lập trường. Ngay ông cha thần tượng ngày nào hắn cũng căm hận và lần đầu tiên trong đời, hắn dám liệt vào hạng phản bội lời lời thề đối với quân đội khi tán trợ cho mặt chế độ chiến sĩ. Một chế độ phản bội rõ ràng như vậy đâu thể bắt buộc Yuri trung thành?


Đó là lý do ở trại TBSQ Yuri cương quyết đăng vô đội thân binh chống lại Hồng quân. Vì lập trường chớ không phải vì cơm áo, vì đói như một số bạn đồng cảnh. Hắn không ở lâu trong binh đoàn này xét vì “Khi họ đã lột da cừu thì nói làm chi chuyện thương xót mớ lên”. Lúc bấy giờ hắn mới chịu sử dụng mớ vốn tiếng Đức để về làm phụ tá cho một sĩ quan Đức phụ trách tổ chức trường huấn luyện điệp viên kiểu com-măng-đô. Muốn giải phóng quê hương thật, nhưng giải phóng bằng cách đào tạo lính điệp viên cho Đức? Bọn Đức dĩ nhiên dứt khoát nhưng Yuri phân vân, bối rối. Biết chọn ngã đường nào bây giờ?


Rồi Yuri vô quân Đức, cấp bậc Trung úy. Hắn mặc quân phục Đức, đi nhiều nơi trong nước Đức kể cả Bá Linh, thăm nhiều đồng bào ly hương. Đọc truyện đọc sách của các tác giả Nga bị cấm ở bên nhà: Bunin, Nabokov, Aldanov, Amfiteatrov… Coi, Yuri cứ tưởng đâu ở tác phẩm của một nhà văn ly hương như Bunin mỗi trang phải là một trang máu mới phải. Sao vậy kìa? Họ được tự do nhưng họ đã sử dụng sự tự do vô cùng quý giá vào việc gì? Ca tụng đàn bà đẹp, khoái lạc, vẻ đẹp của thiên nhiên hay của cặp lông mày, moi ra kể chuyện xưa tích cũ. Sáng tác của họ dửng dưng mà như ở nước Nga không hề có một cuộc Cách mạng và Cách mạng là một cái gì phức tạp, khúc mắc quá họ không diễn tả nổi. Quả thực họ không nói lên được một cái gì và để mặc bọn hậu sinh ở Nga loay hoay tự tìm lấy đất đứng.


Yuri sống hối hả, đi lại hối hả, tìm hiểu cũng hối hả. Đúng truyền thống Nga hắn hối hả chôn niềm thắc mắc vào trong men rượu Vodka.


Xét kỹ thì lớp huấn luyện điệp viên hữu danh vô thực. Có 6 tháng vừa vặn để huấn luyện 3 thứ căn bản là nhảy dù, sử dụng chất nổ và sử dụng máy truyền tin! Giới quân sự Đức đâu có hy vọng, tin tưởng ở vụ thả người xuống hậu phương địch? Riêng Yuri thì thà có còn hơn. Thay vì bị bỏ rơi hay bỏ mạng ở trại tù binh thì xin học làm “điệp viên” để ăn no mặc ấm rủng rỉnh tiền tiêu rồi cũng đến ch.ết là cùng! Nhưng bề ngoài tất cả đều tin tưởng: Nhảy dù xuống hậu phương địch, hoàn thành công tác, phá xong mục tiêu, dùng máy liên lạc với một tiền đồn nào đó để trở về căn cứ.


Các học viên dứt khoát lập trường từ lâu: Thay vì nằm đợi ch.ết mòn trong trại giam thà chọn cách này. Họ cũng muốn sống lắm nhưng dùng súng Đức để bắn vào đồng bào ngoài mặt trận thì không. [2] Họ chỉ muốn “mượn phương tiện Đức” để có cơ hội được trở về nước, còn những chuyện về sau hoàn toàn do họ quyết định. Tất cả đều liệng thuốc nổ TNT, máy truyền tin đi ngay lập tức và sau đó còn tùy. Có kẻ ra đầu thú tức khắc, như gã “gián điệp Đức” tôi gặp ở cát-xô Phản gián Quân đoàn. Có kẻ tìm rượu nhậu đã đời, ăn xài vung vít cho hết tiền rồi hãy tính. Tuyệt nhiên không một kẻ nào trở về phòng tuyến Đức.


Cuối năm 1944 bỗng nhiên 1 thằng về báo cáo: “Công tác hoàn thành tốt”. (Không tin thử tới cứ soát tại chỗ!”. Sếp lớn không lạ gì SMERSH gởi nó về nên ra lệnh bắn bỏ, ông học trò gương mẫu. Yuri cố xin tha cho nó và còn gắn mề đay để “nức lòng đám học viên”. Sau đó trò mời thầy một chầu và quất xong chai Volka trò đỏ mặt rỉ tai: “Yuri Nikolayevich, Bộ Tổng Tư lệnh sẽ tha tội cho anh nếu trở về tức khắc!”.


Yuri rùng mình. Trái tim tưởng là đã chai đá, chối bỏ hết thảy bỗng ấm lại. Nếu được tha thứ sao không về? Một năm rưỡi rời tại TBSQ, Yuri có sung sướng gì đâu? Không hối hận thật nhưng kẻ cùng cảnh trạng cũng tuyệt đối không hối hận, nhưng đất đứng thì không có. Cuộc sống này giả tạo. Bọn Đức chỉ lợi dụng để phục vụ mục tiêu riêng. Nhưng Đức thua trận thấy rõ quá rồi.


Riêng Yuri có lối thoát chứ? Sếp Đức của hắn chẳng bảo cứ yên lòng, nếu chế độ Quốc Xã sụp đổ thì thầy trò sẽ lánh nạn sang Tây Ban Nha, đã có sẵn cơ sở an toàn đó sao? Nhưng trước mặt hắn gã học viên cứ bô bô: “Yuri Niclayevich, Bộ Tổng Tư lệnh biết anh nhiều kinh nghiệm và đang nắm tổ chức trong tay. Chỉ cần anh tiết lộ về lề lối tổ chức của Tình báo Đức.”


Trong hai tuần lễ liền Yuri lại day dứt, dằn vặt. Chừng quân Nga tiến tới Vistula hắn đưa đi kịp toàn vẹn cơ sở và dọc đường ra lệnh cho học viên rẽ vô một nông trại Ba Lan. Cho lệnh vào hàng tập hợp xong, Yuri lạnh lùng nói:


“Nghe đây… Tôi quyết định trở về hàng ngũ Nga. Bây giờ ai ở ai đi hoàn toàn tự ý.”


Đám học viên “gián điệp” miệng còn hôi sữa 1 giờ trước còn Hít-le vạn tuế thấy vậy bèn reo mừng: “Hoan hô… Chúng ta cùng trở về luôn!” (Khốn nạn là vô trại Cải tạo mà hoan hô nỗi gì?)


Thế là cả “trường huấn luyện điệp viên” đợi cánh quân Thiết giáp Nga tới. Về tới ban Phản giáo thì trò đi một nơi, thầy một ngả. Yuri được trao “công tác” báo cáo chi tiết cách thức tổ chức trường, chương trình huấn luyện các điệp vụ phá hoại. Hắn đinh ninh Bộ Tổng Tư lệnh chiếu cố đến sự hiểu biết, kinh nghiệm tổ chức Tình báo Đức của hắn thực. Họ đã bàn định về chuyến trở về thăm nhà của Yuri kia mà.


Về đến Mạc Tư Khoa, Yuri được thăm nhà…lao Lubyanka. Để ngao ngán thấy rằng đường đất về quê hương Neva của hắn xa xôi quá. Giờ chỉ có nước nằm xà lim đợi lãnh bản án tử hình, hay nhẹ nhất không thể dưới 20 năm.


Tấm gương “trở về với Tổ quốc” của Yuri sờ sờ ra đó. Nếu không lấy ra được “gân máu” thì chiếc răng hư còn đau hoài thì trường hợp chúng tôi cũng vậy, trước khi “trở về với Tổ quốc” phải uống xong liều độc dược đã.


Yuri chỉ nằm chung xà lim với tụi tôi có 3 tuần lễ. Hắn và tôi tranh luận hoài, tôi thì ca ngợi Cách mạng có chính nghĩa, có hỏng cũng chỉ hỏng từ 1929 trở đi, nhưng Yuri ngó tôi mím môi: “Muốn cách mạng gì cũng phải triệt cho hết những sâu bọ, rận rệp lúc nhúc ở đất nước này đã!” Fastenko cũng kết luận vậy nhưng tôi vẫn cho rằng có một thời kỳ Cách mạng đã có một cấp lãnh đạo cừ khôi, đầy thiện chí và làm được việc. Yuri lắc đầu cho rằng “cả đám cũng một thứ như Stalin”, nghĩa là rặt một phường côn đồ, ăn cướp. Tôi khen Maxim Gorky như một thứ tầm thường, vô nghĩa, từ văn phòng đến nhân vật đều giả tạo, truyện từ đầu đến cuối đều “chế tạo”. Đất nước này nếu kể đại văn hào chỉ có Tolstoi!


Ngày nào hai đứa tôi cũng chịu khó tranh luận. Hăng say lắm nhưng rốt cuộc chẳng ai chịu ai và chẳng đi đến đâu hết. Ý kiến nào đưa ra cũng chỏi lại nhau chan chát.


Cho đến khi Yuri bị đổi xà lim. Chỉ có lần đó rồi bặt tin luôn, bao nhiêu lần dò hỏi cũng vô ích. Chẳng ai gặp, chẳng ai biết đến tên Yuri Nikolayevich Y, kể cả những người từ Byturki ra hay ở các trại Cải tạo, các khám dọc đường trở về. Vẫn biết đám chiến sĩ Vlasov đã sa cơ bị bắt – dù là binh nhì – thì không bị thủ tiêu vô tàng tích ngay cũng ch.ết lần ch.ết mòn trong các trại rải rác vùng Bắc cực mênh mông nhưng thân phận con người như Yuri đâu phải như một thằng binh nhì vô danh?


*


Giờ cơm tới là nghe được ít lâu trước nhờ tiếng muỗng tiếng đĩa gỗ lanh canh hào hứng, nôn nả dọc một hành lang. Như ở nhà hàng, tụi tôi cứ ngồi đợi trong xà lim sẽ có người đưa vô cho mỗi đứa một cái khay bày hai đĩa nhôm: Một đĩa cỡ một muỗng lớn súp, đĩa kia cũng một muỗng chất gì như cháo đặc, nhưng chút mỡ cũng không có.


Lúc mới vô có ai ăn uống gì được? Nuốt cũng không vô, nhiều người mấy ngày liền bỏ bánh vì không biết nhét vào chỗ nào nữa! Dần dà mới biết đói và ăn được nhưng sau đó là cả một tình trạng đói ăn và thèm ăn thường xuyên không dễ gì dằn được. Phải gò ép lắm bao tử mới chịu xẹp xuống đúng tỷ lệ khẩu phần ch.ết đói và lúc bấy giờ số lượng thực phẩm hàng ngày của Lubyanka là vừa ngán.


Đó là lúc bao nhiêu câu chuyện nguy hiểm về đồ ăn thức uống (trong tù là vậy) phải cấm tuyệt để đầu óc tập luyện vươn lên, nghĩ tới một cái gì cao cả hơn, cũng như cặp mắt phải tập cho khỏi láo liên liếc sang bên coi thằng bên cạnh có nhiều (đồ ăn) hơn mình chút nào không. Cũng may mà Lubyanka còn có được một cái lệ nhân đạo là để bọn tù nghỉ ngơi hai giờ sau bữa ăn. Đành nằm xuống quay lưng ra và lật cuốn sách để ngủ trộm chút đỉnh. Cố nhiên không được phép ngủ (giờ nghỉ đâu phải giờ ngủ?) và lính gác ngó qua lỗ hổng cũng dư biết những thằng ngủ lén nhưng thông thường họ bỏ qua, xét vì những thằng còn được nằm xà lim giờ này trung ương thuộc thành phần ngoan ngoãn. Những thằng cứng đầu chưa chịu ký cung đâu được “về phòng” giờ này. Còn bị hầm trên phòng điều tr.a chừng hết giờ nghỉ mới được thả về xà lim chớ.


Đang đói đang lo sợ, còn gì bằng giấc ngủ? Không những có thể được nghỉ ngơi lấy lại sức mà trí óc đỡ bị dày vò, hành hạ bởi chính những lỗi lầm liên tiếp của mình.


Giữa lúc đó lại cơm, cơm chiều. Cũng vẫn “bổn cũ soạn lại”, ăn dồn làm một để chờ cả 5, 6 giờ mới đến giờ ngủ. Nhưng vấn đề nhịn buổi tối không đáng sợ. Chỉ ít lâu sẽ quen không khó. Thương bệnh binh nằm quân y viện đâu được ăn buổi tối, mà lính các đơn vị trừ bị có biết đến cơm tối bao giờ?


Sau đó đến một giờ vô cùng sung sướng mà rất có thể anh vì chờ đợi nó mà khó chịu tới run rẩy cả người. Đó là giờ được đi “công tác vệ sinh” tối. Chao ôi, giản dị chỉ có việc đó mà làm xong nhẹ cả người, tưởng chừng vừa được giải thoát không bằng! Những khó chịu lớn nhỏ vụt biến, phải là người trong cảnh mới thấu hiểu…


Nhẹ nhàng làm sao là những chiều tối! Lubyanka! Nhẹ nhàng với những thằng không phải lo “Đêm nay thế nào cũng lại kêu điều tra”, dĩ nhiên. Nhờ bữa ăn chiều, thức ăn nhẹ gần như không có gì nên khỏi phải sợ ăn nhiều nặng bụng sinh mộng mị! Linh hồn phiêu hốt bay bổng đến tận chóp đỉnh Sinai để tưởng chừng sự thực từ ánh lửa hiển hiện ra. Thấy thấm thía câu thơ Pushkin: “Tôi muốn sống để suy tư và đau khổ!”. Tình cảnh chúng tôi nằm đây quả là sống trong suy tư và chịu đựng đau khổ.


Có nhiều tối tôi còn đắm mình trong lý luận. Tranh luận với Susi về một bàn cờ hoặc một đoạn truyện nào đó. Với Yuri thì mỗi chuyện mỗi cãi cọ hăng hơn nhiều. Hai đứa còn trẻ ham hơn thua toàn đề cập những vấn đề “nổ”, chẳng hạn kết quả cuộc chiến rồi đây sẽ ra sao. Gã gác khám lầm lì bước vô lạnh lùng kéo vẹt tấm màn che cửa sổ xuống. Bên ngoài khung cửa Mạc Tư Khoa ban đêm hẳn sửa soạn bừng sống với muôn màu ánh sáng. Nằm xà lim lấy đâu ra ánh sáng muôn màu? Lấy đâu ra bản đồ để thảo luận diễn tiến mặt trận Âu châu? Lại phải vận dụng óc tưởng tượng để ghi nhận vào bản đồ trong đầu:


Lý luận của Yuri là cuộc chiến không dứt vì nó chưa thực sự mở màn. Hai lầm lẫn đang là đồng minh chắc chắn sẽ xâu xé nhau, lúc bấy giờ mới là đánh lớn và Hồng quân yếu thế, trang bị kém sẽ không thể chống nổi phe đồng minh, nhất là lính Nga sẽ không chịu đánh hăng như đánh Đức! Yuri lắc đầu nói khẽ: “Không bao giờ… Mình thua lẹ”. Tôi thầm thì vặn lại: “Không thấy trận Ardennes sao?” [3]


Chúng tôi còn vặn nhau nếu ông già Fastenko không xen vô chê cả hai! Ông ta biểu tụi tôi chưa hiểu khối Tây phương và quả quyết không ai có thể buộc phe đồng mình tấn công Nga được. Không bao giờ có chuyện đó.


Vả lại buổi tối là buổi chuyện trò thân mật để anh em thông cảm chớ đâu phải để tranh luận gay cấn tay đôi? Tại sao ở tù không nói chuyện tù cho hợp thời hợp cảnh. Có Fastenko là có sẵn một kho!


Qua lời kể của tù già Fastenko cả bọn chúng tôi đều lấy làm bất mãn vì tù binh chúng tôi ngày xưa đâu có gì xấu? Phải hân hạnh lắm mới được là chính trị phạm! Bà con thân thuộc cố nhiên là bênh vực, giúp đỡ (khỏi có vụ tố cáo) mà còn được nhiều cô chịu: ở tù vì chính trị ra thiếu gì người đẹp chưa hề quen chạy tới thăm hỏi, sẵn sàng “nâng khăn sửa túi”? Ngày xưa gặp những ngày lễ trọng tù nào cũng có quà, bánh gởi vô cho. Mùa Thương khó dân Nga ăn chay, trước ngày Phục Sinh có tập tục mang quà bánh vô tận nhà bếp cho gọi là chia sẻ với người tù vô danh. Lễ Giáng Sinh tù thế nào cũng có dăm bông, kẹo, mứt và bánh bông lan kulichi. Có những bà già ngày lễ Phục Sinh là phải mang cho tù chục quả trứng gà xanh đỏ, mới thấy lòng thư thái!


Bây giờ những tấm lòng nhân từ biến đâu mất hết? Bây giờ nước Nga không còn lòng thương ngườI mà chỉ có ý thức chính trị. Vì ý thức chính trị người dân Nga đã bị khủng bố ghê gớm đến mất cả lòng nhân, không dám nghĩ đến ban chút lòng nhân cho những người đau khổ trong vòng tù tội. Bây giờ để thử đề nghị một tổ chức nào đứng ra quyên góp quà bánh, tặng vật để ngày lễ vô khám đường phát cho tù thử coi? Sẽ bị coi là phản động, chống chính sách nhà nước tức khắc.


(Những món quà bánh nho nhỏ – dĩ nhiên là món ăn ngon đối với tù – có tác dụng an ủi người tù rất nhiều. Ít nhất xã hội cũng chưa bỏ rơi mà vẫn quan tâm đến họ).


Fastenko kể lại sau khi thiết lập xong chế độ vô sản nước Nga vẫn còn một Hội Hồng Thập tự chuyên giúp chính trị phạm. Chuyện khó tin quá, dù Fastenko không bao giờ nói sai. Hồi đó Y. P. Peshkova còn dựa vào chút ít tên tuổi. Không sợ bị bắt nên ưa xuất ngoại quyên góp tiền (ở Nga có ai còn tiền mà quên?) mang về mới mua thực phẩm gởi vô cho tù chính trị “mồ côi”. Đâu phải tù chính trị nào cũng nhận được đồ HTT? Chỉ đảng viên các chính đảng cũ thôi! Bọn tù KR tức tù phản động, phản cách mạng là triệt để cấm mà trong số này thiếu gì tu sĩ, trí thức? Hội Hồng thập tự Nga mới dự định xin nới rộng hoạt động thì bị giải tán toàn bộ, nhân viên trong ban chấp hành bị bắt hết, trừ một mình Peshkova.


Nằm xà lim Lubyanka nghe kể chuyện ra tù cũng có những ca tức cười. Đã cho vô đây Cơ quan có trả lại tự do cho ai bao giờ? Vậy mà được giám thị vô kêu lấy hết đồ để đi thì không ngạc nhiên sao? Đó là trường hợp của Z. một gã cứng đầu chưa khai xong cung. Sau khi đi 10 bữa lại thấy Z. được trả về mới hay hắn được đi sang khám dữ Lefortovo. Dĩ nhiên Cơ quan đã nắm được bản “tự thú”!


Lại có ca ly kỳ của một gã tên N. cũng được gọi đi. Không lẽ chỉ vì hồ sơ không có gì (như lời hắn nói) mà Cơ quan thả người?


Nhưng biết đâu chừng? Trước khi từ biệt gã bạn thân dặn dò: “Nếu bồ ra được thiệt lập tức có tin vô cho tụi tôi trong này biết. Thiếu gì cách nhắn. Bồ tới nhà tôi, biểu vợ tôi kỳ tiếp tế tới gởi vô cho tôi 4 củ khoai luộc, đúng 4 củ thôi là biết ám hiệu bồ đã tự do chứ gì? Đúng kỳ nuôi gã bạn mở giỏ đồ thấy đúng 4 củ khoai thì mừng quá. Vậy là có người từ Lubyanka được về nhà sao?


Té ra vợ hắn bỏ 5 củ trong giỏ nuôi. Một củ bể nát dơ dáy bị trả về, chớ Cơ quan đâu có lệ thả người. Ông bạn N. đang nằm trong lòng tàu ra đảo Kôlyma!


Hết chuyện này đến chuyện khác, buổi tối Lubyanka nhẹ nhàng trôi. Kể cũng hay, vô đây mới có dịp gặp những mẫu người khác lạ, nghe những chuyện chiêm bao chưa bao giờ được nghe ở ngoài đời. Đến giờ điểm danh tới, rồi giờ nạp mắt kính. Bóng đèn nhấp nháy 3 lần, báo hiệu 5 phút nữa đến giờ ngủ. Giờ ngủ thì quơ đại tấm mền chui vô ngủ. Ngoài mặt trận phấp phỏng sợ nửa đêm năm ba trái pháo địch rơi nhằm hầm núp cá nhân thì nằm đây chỉ hồi hộp bị kêu tên lên điều tra! Hai tay đặt ra ngoài thật ngay ngắn, cố đánh bạt những ý nghĩ quay cuồng để dỗ giấc ngủ.


Một tối tháng tư, sau khi Yuri đổi phòng mấy bữa chợt nghe tiếng mở khoá. Gác gác khám lò đầu vô… mấy quả tim thắt lại. Đêm nay ai đây? Hắn sẽ thì thào “Ai tên S. đầu” hay “Tên Z. đầu đâu?”. Không, hắn đẩy vô một thằng mới. Tụi tôi ngẩng nhìn. Một gã trẻ tuổi gầy gò đứng xớ rớ gần cửa. Quần áo xanh lao động, nón xanh thẫm.


Hắn ngập ngừng, lo sợ ra mặt khi hỏi: “Xà lim này số mấy?”. Được trả lời: “Số 53”. Chẳng hiểu sao hắn tái mặt. Trao đổi vài câu ấm ớ mới hay hắn vừa bị vồ sáng qua. Khuôn mặt khờ khạo, đặc biệt ở hàng lông mày bạc trắng. Một người trong bọn tôi hỏi: “Chú bị về tội gì đấy?”. Câu hỏi kỳ cục, vô ích. Có ai trả lời được, trả lời thực và muốn trả lời đâu. Hắn lúng túng:


“Tội gì hả? Tôi đâu biết. Mà chắc chẳng có gì…”


Chẳng có gì. Chẳng có gì quan trọng. Vô đây thằng nào không ca câu tiêu chuẩn đó? Nhưng thằng nào cũng nằm khám chỉ vì cái có gì quan trọng với thằng mới vô thì hồ sơ càng nhất định chẳng có gì thật. Có người hỏi tới: “Thì cứ nói đại ra coi”.


“Vụ của tôi hả? Tôi chỉ viết một bản Tuyên cáo, gởi quốc dân đồng bào, đại khái vậy…”


Tụi tôi thì thào: “Lạ-ạ-ạ…” Một bản Tuyên cáo gởi quốc dân đồng bào? Tụi tôi chưa hề gặp ca không có gì ghê gớm cỡ này! Mặt hắn chảy dài ra hỏi: “Liệu tôi có đến nỗi bị xử bắn không?”. Tụi tôi trấn an:


“Không đâu! Bây giờ đâu có xử bắn nữa. Đi đày thì có hoài, cứ đồng hồ gõ chuông lại đi một người: Mà nhẹ nhất là 10 năm…”


Nãy giờ mũ hắn cứ đội sùm sụp, tay đưa lên mân mê chỗ vành. Vốn con người nặng đầu óc giai cấp, tù già Fastenko khẽ hỏi:
“Chú thành phần lao động, công nhân hay công, tư chức?”


Hắn đáp: “Công nhân”. Fastenko chìa tay ra bắt và hớn hở bảo tôi: “Alekxandr, chú thấy không? Công nhân bản chất là vậy đó”. Nói rồi quay vô vách, kể như chuyện chỉ có thế, chẳng đáng lưu ý nữa. Nhưng sự thực khác hẳn. Tôi gợi chuyện hắn:


“Anh bạn vừa nói viết Tuyên cáo? Tuyên cáo cái gì và nhân danh ai, chớ không lẽ tuyên cáo khơi khơi?”
“Thì nhân danh tôi.”
“Mà anh là ai mới được chớ?”


Gã trẻ tuổi mỉm cười, lúng túng. Nhưng hắn đáp rành rẽ:
“Tôi là Mikhail, Hoàng đế nước Nga.”


Tụi tôi ngồi nhỏm dậy hết như bị điện giật. Nhìn lại cho kỹ. Không, khuôn mặt khờ khạo, xương xương thế kia chẳng giống Mikhail Romanov chút nào! Còn vấn đề tuổi tác nữa.


Susi nghiêm giọng gạt đi: “Thôi, nói gì để mai nói. Giờ ngủ rồi”.


Chúng tôi nằm xuống giường ráng chợp mắt. Sáng mai vậy là có chuyện nghe chắc. Trước giờ phát bánh mì còn 2 giờ trống chớ ít sao? Lính gác vô xà lim thêm một chiếc ghế bố cho Mikhail, Hoàng đế nước Nga. Hoàng đế lẳng lặng ngả lưng xuống ghế bố kê sát thùng vệ sinh.


*


Câu chuyện bắt đầu từ năm 1916, nơi gia đình Belov kỹ sư Hoả xa. Bà kỹ sư tên Pelageya là con chiên rất ngoan đạo. Một hôm có người đàn ông trung niên râu quai nón hung hung đỏ ăn mặc sang trọng bước vô. Người lạ mặt bồng một bé trai trao tận tay bà vợ mà rằng:


“Pelageya… Hãy giữ đứa nhỏ đầy năm này. Con bà đấy. Vì Đấng Cha Chung chúng ta ráng chăm sóc cho chu đáo. Sau này đúng thời cơ sẽ có ngày tái ngộ.”


Khách lạ chỉ nói vậy là bỏ đi. Không biết ông ta là ai, xuất xứ đứa trẻ thế nào nhưng nghe giọng oai vệ sang sảng như lệnh truyền, Pelayega đâu dám không tuân? Đứa trẻ được nuôi dưỡng đàng hoàng, cưng chiều như trứng mỏng. Lớn lên Viktor ngoan ngoãn, dễ bảo và vô cùng ngoan đạo. Hồi nhỏ có ơn phước nhiều lần được Đức Mẹ và các thiên sứ cho thấy. Lớn lên ít dần nhưng người trung niên bí mật năm nào vẫn chưa trở lại.


Viktor có nghề tài xế, năm 1936 động viên được đưa sang Birobidzhan sung vô một Đại đội Vận tải. Trong đơn vị hắn thuộc thành phần dễ thương, nhút nhát, vẻ người lại thư sinh nho nhã nên được một em thư ký trong đơn vị mê, đá đít luôn ông cán bộ Trung đổi trưởng. Giữa lúc đó Thống chế Blucher đang đi thanh tr.a ở địa phương, gã tài xế bệnh nặng nên Đại đội Vận tải được lệnh phải cung cấp một tay lái cứng nhất đơn vị để lái xe riêng cho Thống chế. Ông Đại đội trưởng xuống lệnh, ông Trung đội trưởng bàn đề nghị Viktor chỉ cốt để có dịp tống gã tình địch đi nơi khác. (Quân đội là như vậy, những kẻ được thăng thưởng đa số lại là những đứa phải tống đi cho khuất mắt.)


Vô lính mà chăm chỉ, có kỷ luật và trách nhiệm như Viktor Belov thì cấp trên nào chẳng chịu? Thống chế Blucher chịu hắn quá bèn giữ làm tài xế riêng. Ít lâu sau ông Thống chế bị kêu về Mạc Tư Khoa, tiếng là thăng quan tiến chức nhưng sự thật bị bứng khỏi gốc Viễn Đông để tống vô ngục cho êm. Vì được quan thầy thương cho tháp tùng luôn về Mạc Tư Khoa và Viktor kẹt. Như rắn không đầu chú tài xế Belov đâm bơ vơ, cứ loanh quanh trong ga-ra Sở Nội Dịch Điện Cẩm Linh. Không có nhiệm sở gốc, cứ ông lớn nào cần tài xế lái xe riêng là mượn đỡ chú Belov. Lần lượt Viktor đi cho Mikhailov (thủ lãnh Đoàn Thanh niên Cộng sản) rồi Lozovsky một thời gian.


Loanh quanh thế nào Viktor lại gặp gỡ ông Khruschhev, sau khi đã lái xe cho gần đủ mặt cán bộ cao cấp Điện Cẩm Linh. (Vì có dịp chui vô tận gốc Trung ương, gần gũi quá nhiều “ông lớn” nên dù chỉ là tài xế nhà binh quèn, Viktor quá rành rẽ mọi thủ tục sinh hoạt, giải trí, tiệc tùng, cán bộ cao cấp ở Trung ương thực sự sống như thế nào, được bảo vệ an ninh chu đáo ra sao. Hắn còn là đại diện công nhân Mạc Tư Khoa chứng kiến phiên xử Bukharin ở trụ sở Trung ương của Nghiệp đoàn).


Trong số các thủ lãnh, tài xế Belov chỉ chịu một mình Khruschhev. Chẳng “ông lớn” nào cho phép tài xế được ăn cơm chung với gia đình, ngoài Khruschhev! Tất cả đều tống thằng tài xế xuống bếp ăn và chẳng ông nào chịu sống nếp sống bình dân ngày xưa. Vốn gốc nông dân dễ tính chính Kruschhev cũng chịu chú tài Viktor lắm và năm 1938 thuyên chuyển về nhiệm sở Ukraine, nhất định đòi kéo đi theo. Không hiểu sao lúc đó Viktor muốn ở lại Mạc Tư Khoa nên từ chối. “Phải chi đi theo thì tôi đã làm với ông Kruschhev mãi rồi!”


Năm 1941 hết làm tài xế nhà nước và sắp có chiến tranh nên Viktor bị tái động viên. Sức yếu không phải đi tác chiến, hắn được về một Tiểu đoàn Công tác hậu phương. Công tác đầu tiên là cả đơn vị đi bộ tới Inza làm đường, đào chiến hào. Đang quen lái xe riêng cho các ông lớn nhàn nhã sung sướng phải hì hục xúc đất đắp đường. Viktor đã lấy làm khổ cực lắm. Nhìn ra bên ngoài thấy đồng bào đói khổ hơn nhiều càng ngày càng đói. Lương nhà binh là lương ch.ết đói, hắn mất sức nhiều và sau cùng được cho giải ngũ. Trở về Mạc Tư Khoa Viktor xoay sở được chân lái xe cho Schherbakov [4] và sau đó về làm cho Sedin, Bộ trưởng Bộ Dầu hoả. Ít lâu sau Bộ trưởng Sedin bị kín đáo cho về vườn vì tội biển thủ công quỹ 35 triệu đồng rúp. Do đó Viktor hết thời lái xe cho ông lớn đành chịu làm cho một ga-ra xe Công quản vậy.


Ông tài xế Belov có tật ưa xách xe sở chạy chơi đỡ buồn trên đường đi Krasnaya. Pakra nhưng đầu óc mắc lo nghĩ những chuyện gì khác… Chẳng là năm 1943 về nhà thăm mẹ hắn đã gặp một kỳ tích làm thay đổi cả cuộc đời. Một hôm bà mẹ vừa giặt xong mớ đồ xách đi sấy khô, Viktor ở nhà một mình thì gặp một ông già lạ mặt bước vô. Người lạ mặt tóc râu trắng như bông. Sau khi làm dấu trước ảnh tượng, ông cụ tới bên Viktor ngó sững rồi nghiêm giọng nói:


“Nghe đây Mikhail… Thượng Đế phù hộ ngươi.”
Viktor đáp lại: “Cụ nhầm rồi. Tôi tên Viktor, Viktor Belov!”. Ông già thản nhiên đáp lời:


“Mikhail… Thượng Đế đã sắp đặt để ngươi lên ngôi báu nước Nga thánh thiện.”


Bà mẹ hắn vừa xách giỏ về chợt nghe thấy muốn té xỉu tại chỗ. Hai mươi bảy năm nay mới lại thấy mặt con người bí mật ngày nào. Dĩ nhiên bộ râu quai nón hung đỏ đã bạc trắng với thời gian nhưng rõ ràng người xưa, không thể nhầm lẫn. Ông cụ quay sang ngợi khen: “Pelagega… Tốt lắm. Ngươi đã nuôi con nên người”. Sau đó Viktor được ông cụ nắm tay kéo tới ép ngồi trên ghế, nghiêm nghị như phong vương làm lễ đăng quang vậy. Rồi tiết lộ rằng năm 1953 sẽ có cuộc thay đổi chế độ…và chính hắn sẽ lên ngôi Hoàng đế trị vì cả giang sơn nước Nga vĩ đại. [5] Viktor được chỉ thị phải chuẩn bị tập trung lực lượng vào năm 1948 nhưng chuẩn bị bằng cách nào, như thế nào thì không đề cập tới. Nói dứt lời ông cụ bỏ đi mà Viktor quá sững sờ cũng không dám giữ lại.


Đang ngoan ngoãn sống cuộc đời bình thản, Viktor chợt có ý nghĩ khác. Phải chi một người nào khác gặp cảnh ngộ này ắt không dám nghĩ tới cao vọng làm Hoàng đế trị vì cả giang sơn Nga vĩ đại. Nhưng Viktor khác. Tiếng làm tài xế nhưng hắn có xa lạ gì con người cũng như nếp sống của những “ông lớn” ăn trên ngồi trốc của chế độ cỡ Mikhailov, Schherbakov, Sedin? Còn nghe mấy đồng nghiệp kháo nhau thì từng nghe nhiều quá! Làm Hoàng đế có gì khó, có đòi hỏi gì ghê gớm lắm đâu? Thực ra còn trái lại là khác.


Thế rồi chàng thanh niên hiền lành, tế nhị và trầm tĩnh vừa được “tấn phong” Hoàng đế bỗng có cảm giác từ đây mang nặng trên vai một trọng trách. Nhìn quanh thấy dân chúng cơ cực đói khổ vẫn biết chẳng phải tội lỗi mình gây ra nhưng phải làm sao cho thiên hạ bớt lầm than chớ? Nhưng tại sao phải đợi tới 1948 mới được chuẩn bị tập trung lực lượng kìa? Sao không khởi sự ngay để cứu muôn dân, sớm ngày nào hay ngày ấy? Thế là Viktor không thể đợi hơn. Mùa thu năm 1943 hắn đã bài ra Tuyên cáo quốc dân đầu tiên, công bố cho 4 bạn đồng sở trong ga-ra Bộ Dầu hoả.


Chuyện trên do tự miệng Viktor kể, ngay sáng hôm sau ở xà lim 53. Chúng tôi mải nghe chuyện hắn từ sáng sớm, say mê quá nên quên khuấy mất sự hiện diện của gã chỉ điểm. Vả lại có ai ngờ hắn thành thực đến thế, dễ tin người đến thế. Không lẽ hắn dám kể ra cả những chuyện gan ruột nhất với chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ? Câu chuyện lại ngây ngô như chuyện thần tiên…không lẽ với chúng tôi hắn còn không giấu giếm mà dám không khai trong bản cung sao? Nào ngờ chuyện Viktor kể vừa dứt thì Kramarenko đã vội vàng xin ra, có chuyện thỉnh cầu gấp.


(Hắn thầm thì với lính gác nếu không đi bác sĩ cũng “lên gặp ông Quản đốc gấp lấy thuốc lá” chẳng hạn nhưng Kramarenko được kêu lên ngay. Dĩ nhiên hắn phải vẽ gấp bốn thằng công nhân nghe tuyên cáo ở ga-ra xe hơi Bộ Dầu hoả mà có thực hay hư ai biết đâu. Ngày hôm sau ở phòng điều tr.a về Viktor ngạc nhiên quá vì “cái ông Điều tr.a viên cũng biết cả rồi”. Đó là một sơ hở tai hại của tụi tôi.)


Thì ra 4 công nhân có nghe tuyên cáo thực và ủng hộ tận tình. Không ai đi tố cáo cả! Nhưng Viktor lại cảm thấy quá sớm nên về nhà đốt bỏ hết!


Một năm qua Viktor làm thợ máy trong ga-ra xe Công quản. Hắn lại có một tuyên cáo mới vào mùa thu năm 1944 và lần này trao tận tay bản tuyên cáo cho 10 đồng nghiệp, hoặc tài xế hoặc thợ điện. Không người nào không ủng hộ. Có tuyên cáo trong tay không ai đi tố cáo hết! (Đó là một chuyện vô cùng lạ lùng, một nhóm người mà không ai phản bội giữa thời buổi mà chỉ điểm, mật báo nhiều như sung! Thì ra Fastenko không nhầm. Mà xét cho cùng kỳ ra tuyên cáo này, Hoàng đế Viktor đã khôn ngoan chán. Phải “đánh đòn” là đã nắm được một thế lực trong số giới chức cầm quyền cũng như hứa cử các “ủng hộ viên” vào công tác vận dụng quần chúng.


Mấy tháng qua, Hoàng đế lại tiết lộ bí mật cho 2 thiếu nữ đồng sở Nhưng lần này tuyên cáo gặp trục trặc cả hai đều “ý thức chính trị cao” quá! Tự nhiên Viktor có cảm giác chán chường, đánh hơi thấy đám thất bại nặng phen này. Sáng Chúa nhật nhầm lễ Truyền Tin, hắn có việc ra chợ, mang theo bản tuyên cáo. Một trong số mười người trước đã nhận ra bản tuyên cáo tiến lại gần hỏi khẽ: “Tình hình thế nào? Bản Tuyên cáo hồi đó nếu còn giữ đốt ngay đi nghe!”


Đúng vậy. Tình hình chưa chín, ra tuyên cáo còn sớm quá thật. Viktor gật đầu: “Đúng, cảm ơn. Tôi về nhà đốt liền!” Hắn lật đật quay về nhà tính đốt hết thiệt nhưng chưa ra khỏi chợ đã bị hai gã thanh niên lạ mặt kêu lại: “Viktor đi theo tụi tôi có chuyện gấp!”


Cả 3 lên xe riêng đậu sẵn bèn chạy thẳng về nhà lao Lubyanka. Việc gấp rút quá mà nội vụ lại hào hứng, gay cấn đến độ cán bộ Cơ quan mà cũng quên khuấy thủ tục xét người thường lệ. Nếu muốn, Hoàng đế dư sức đốt bỏ bản Tuyên cáo nãy giờ vẫn nhét trong túi kia mà. Nhưng nếu không thấy trong túi họ lục chỗ khác thấy thì chỉ tổ mất công và nguy hiểm thêm! Một bản Tuyên cáo thì Cơ quan đâu chịu bỏ qua.


Khi Viktor được đưa thang máy lên thẳng lầu trên vô văn phòng thì gặp ngay ông Đại tá. Ông Đại tá hướng dẫn vô ông Tướng để ông Tướng đích thân móc túi Hoàng đế lấy bản Tuyên cáo.


Phải nói là vụ Hoàng đế Viktor làm xôn xao cả Lubyanka nguyên một buổi. Nhưng chỉ một lần thẩm cung là êm ru. Coi, có gì ghê gớm đâu? Bất quá chỉ phải cho nhân viên đi vồ gấp: 10 đứa ở ga-ra xe hơi, 4 đứa ở Bộ Dầu hoả là xong hết. Nội vụ được chuyển xuống một ông Trung tá. Sau khi đọc xong Tuyên cáo gởi quốc dân đồng bào ông Trung tá cười rũ ra một hồi rồi mới “quay” cho Hoàng đế một chầu, đại khái như sau:


“Xin Hoàng đế nghe đây. Ngài phán rằng ‘Ngay mùa Xuân đầu tiên Trẫm sẽ xuống chỉ cho Bộ trưởng Canh nông giải tán tất cả các nông trường tập thể’. Xin hỏi Ngài giải tán cách nào, tách rời thế nào các nông cụ và nông súc? Ngài đã đi Nông trường chưa và đã biết nó hoạt động ra sao chưa? Ngài lại phán là:


“Trẫm sẽ xuống chỉ tăng gia xây cất nhà cửa, mỗi người phải có nhà làm đâu cất nhà gần đó. Công nhân lên lương hết…”. Tiền moi đâu ra, thưa Hoàng Thượng? Ngài “xuống chỉ” cho nhà in cứ việc in tưới tiền chắc? Lại còn hủy bỏ chế độ Công Trái nhà nước nữa! Nào Ngài làm gì nữa đây? “Trẫm sẽ ra lệnh triệt hạ Điện Cẩm Linh, san bằng ra đất”. Cũng được…nhưng bao nhiêu cơ quan nhà nước Bệ hạ tính cho làm việc ở đâu đây? Còn cái Lubyanka này, Ngài có tính triệt hạ không? Xin mời Ngài đi coi chơi một vòng cho biết…


Sau đó bao nhiêu điều tr.a viên cấp dưới có dịp đi ngang qua để “chiêm ngưỡng long nhan” một lần cho biết. Tất cả đều cười bò, coi như chuyện phường tuồng. Đúng vậy, tụi tôi nằm xà lim nghe qua câu chuyện còn phải nín cười mãi mà. Thằng Z. còn chêm một câu: “Xin Ngài đừng quên bọn tôi từng đồng xà lim 53”. Hắn nháy nhó mãi làm cả bọn cười ầm.


Nhưng tôi vẫn không quên chi tiết này: Viktor Alekseyevich Belov, người thanh niên hiền hậu, ngây thơ và dung dị với đôi lông mày bạc trắng và hai bàn tay chai cứng mỗi lần nhận được ít củ khoai luộc do bà mẹ đau khổ Pelageya tiếp tế vô cho đều thản nhiên bẻ ra từng củ chia đều, không phân biệt “của anh”, “của tôi”. Hắn luôn mồm: “Ăn đi… Ăn đi các đồng chí!”


Làm gì tôi không thấy nụ cười ngượng ngập của Viktor? Thời buổi này mà còn Hoàng đế Đại Nga thì kỳ thiệt, lại mời an mấy củ khoai luộc nữa! Nhưng nếu đó lại là một lựa chọn của Thượng Đế thì biết sao bây giờ?


Sau đó ít lâu Hoàng đế Viktor bị đổi đi phòng khác. [6]
*
Ít hôm trước ngày mồng 1 tháng 5 tấm màn che cửa sổ được gỡ ra, hiển nhiên hết lo phòng thủ, chiến tranh sắp hết đến nơi.


Chiều tối hôm đó Lubyanka yên tĩnh hơn bao giờ hết, in hệt buổi tối lễ Phục Sinh ngày nào vì lễ Phục Sinh và lễ Lao Động đi cặp kè nhau. Ngày lễ lớn nhân viên Cơ quan ưa đi chơi khỏi Mạc Tư Khoa nên điều tra, thẩm vấn cũng được nghĩ một ngày. Đột nhiên có tiếng la ngoài hành lang. Có một thằng đang bị kéo xuống cát-xô. Dù nằm trong xà lim, tụi tôi cũng định rõ vị trí. Điệu này là cát-xô để ngỏ cửa nên tiếng đòn tiếng rên la nghe mới rõ đến thế.


Sang ngày 2 tháng 5 có loạt đại bác 30 phát, báo hiệu thêm một thủ đô nữa được giải phóng. Chỉ còn Prague thủ đô Tiệp Khắc và Bá Linh. Vậy Prague hay Bá Linh đây? Qua ngày 9 tháng 5 cơm chiều được dọn cùng một lượt với bữa trưa (lệ Lubyanka chỉ có hai ngày 1 tháng 5 và 7 tháng 11 cho tù ăn nhập chung hai bữa). Điệu này chiến tranh chấm dứt rồi chắc?


Chiều tối lại có loạt 30 phát súng. Vậy là xong hết mọi thủ đô. Sau đó lại thêm loạt nữa, lần này tới 40 phát. Bốn mươi phát súng chào mừng thì chiến tranh phải chấm dứt thực rồi!


Đêm hôm đó biết bao nhiêu pháo bông, hoa đèn. Đèn pha chiếu lên rực trời Mạc Tư Khoa. Qua lỗ hổng cửa sổ xà lim Lubyanka tôi lặng ngắm hoa pháo nổ đầy trời. Từ nhà lao Lubyanka và bao nhiêu khám đường ở thủ đô, biết bao nhiêu cựu tù binh, biết bao nhiêu cựu chiến sĩ nằm lặng ngắm cũng như tôi?


Có Boris Gammenov, người lính Thiết giáp trẻ giải ngũ với một chiến thương trong lồng phổi đã thành tật vĩnh viễn, bị bắt cùng một nhóm sinh viên đành nằm mừng chiến tranh kết thúc trong một xà lim Byturki lúc nhúc những người, trong đó già nửa không cựu tù binh các trại giam Đức cũng cựu chiến sĩ tiền tuyến! Để góp phần mừng ngày vui, Gammenov cũng có một bài thơ tám câu, lời lẽ cực kỳ tầm thường nhưng cay đắng để nói lên những xúc động của một thằng tù gốc lính chiếc đêm chiến thắng nằm trong xà lim quấn vội tấm áo bành tô nhà binh rách rưới. Cũng tấm áo từng lặn lội chiến hào, từng rách tả tơi vì mảnh đạn đại bác Đức. Nay đã hết chiến tranh, nay là mùa Xuân.


Nhưng chiến thắng vinh quang này không phải của chúng tôi cũng như mùa Xuân này cũng chẳng phải của chúng tôi luôn.






Truyện liên quan