Chương 7: Mối tình xà lim
Đúng vậy, xà lim và tình yêu cũng có thể nằm chung một chỗ lắm chớ? Có thể có tình với xà lim lắm. Chẳng hạn như hồi Lêningrad bị địch bao vây cô lập thì được ở Trung ương khám đường thì còn gì bằng! Nhờ ở tù mà còn sống chắc. Dưới từng đợt mưa pháo kích thì còn chỗ nào an toàn mà đâu phải chỗ núp riêng của mấy ông điều tr.a viên ăn ngủ tại chỗ?
Đâu phải đùa? Những ngày bị bao vây dân Lêningrad có biết đến rửa mặt là gì, mặt ai chẳng cáu ghét Nhưng tù khám lớn vẫn có quyền 10 ngày tắm nước nóng một làn. Đồng ý là ngoài hành lang – nơi các cai ngục đi lại – có hơi nóng sưởi ấm và xà lim thì lạnh tanh. Nhưng ngoài xà lim khám lớn ra có nhà nào ở Lêningrad còn có nước máy xài và cầu tiêu trong phòng? Mà khẩu phần hàng ngày của tù đâu có thua người tự do: đồng đều 120 gam bánh mì. Còn canh thịt ngựa, còn ít cháo loãng, mỗi ngày mà.
Được voi như vậy còn đòi tiên sao? Còn cát-xô biệt giam, còn “chuyến đi vĩnh viễn” về pháp trường thật, nhưng đó là những chuyện khác, đâu có liên quan gì với chương MỐI TÌNH XÀ LIM?
Giờ đây anh thử ngồi nhắm mắt hồi tưởng lại những xà lim, tất cả những xà lim mà anh đã có dịp vô trong những năm dài tù ngục chớ? Chắc anh không nhớ, không đếm được quá. Có xà lim 2 người, có cái nhét vô 150 mạng. Xà lim ở vài phút, xà lim ở suốt một mùa hè. Nhưng quên làm sao được xà lim đầu tiên, cũng như mối tình đầu tiên trong đời người? Anh sẽ nhớ tới nó như nhớ người yêu, cái khoảng chật hẹp anh chung đụng với những người bạn đồng tù đầu tiên trong đời, chia sẻ “nơi ăn chốn ở” như cùng với những người thân trong gia đình.
Vì đó là nhà anh, nơi anh lần đầu tiên được nếm mùi vị điều tra, thẩm vấn mà cũng chỉ mong sao đời anh đừng phải gặp nữa! Dĩ nhiên nhà tù có trước anh cả ngàn năm và còn sẽ sống mãi nhưng buổi thẩm vấn đầu tiên anh làm sao quên nổi?
Nếu kể là chỗ ở thì có xà lim ở cực khổ trần ai. Rận rệp lúc nhúc, bít bùng không lỗ thông hơi. Không giường, không ổ, trơ trụi sàn nhà dơ dáy. Đó là hộp nhốt người cá nhân kiểu KPZ khắp nước Nga chỗ nào chẳng có, từ thôn ấp tới nhà ga, bến tàu? Cũng tạm giam nhưng kiểu DPZ có tổ chức hơn, nhốt được nhiều hơn. Tính chung lại thì nội số tù giam cứu nghĩa là tạm nhét vô để điều tr.a trong cả rừng KPZ hay DKZ cũng đã khổng lồ rồi!
Cát-xô biệt giam trong Archangel thì bít bùng, phía trên có gắn miếng kính để lấy chút ánh sáng cũng bị phết lớp sơn chì màu cam. Trong cát-xô lúc nào cũng đỏ hồng màu máu, cộng thêm vô bóng đèn 15 watt chiếu tối ngày sáng đêm.
Cát-xô khám Choibalsan vỏn vẹn chưa được 7 mét vuông mà phải chứa 14 mạng, muốn co chân lên cho đỡ mỏi phải bảo nhau co đều một lượt. Vậy mà có người nằm đúng 6 tháng! Khám Lefortovo có một dãy cát-xô sơn đen ngòm, sàn tráng dầu hắc nhưng không khủng khiếp vì “ống gió” của hàng xóm là Trung tâm Nghiên cứu.
Động cơ Phản lực. Bao nhiêu động cơ đưa vô thí nghiệm tối ngày gầm lên, rú lên nhất loạt trong “ống gió”, miệng ống chĩa sang khám đường rõ ràng để khủng bố lỗ tai, đầu óc bọn tù. Âm thanh động cơ phản lực mà. Chiếc ly để ở mép bàn không coi chừng là rung lên lật bật rớt như chơi. Giữa những gầm rú rợn người có gân cổ hét cũng vô ích. Mỗi lần “ống gió” nghỉ xả hơi là nhẹ hẳn người, sung sướng còn hơn tù sổ lồng!
Chừng được nằm xà lim là anh đâm yêu nó. dĩ nhiên anh chẳng thể yêu được cái sàn dơ dáy, vách nham nhở và thùng cầu tiêu hôi thối! Nhưng ở đó còn những thằng bạn tù đồng cảnh ngộ, tim cùng nhảy chung một nhịp, cùng chia sẻ với anh những ý tưởng lởn vởn, kỳ dị mà anh chưa bao giờ nghĩ tới.
Anh chịu đựng đã nhiều mới có ngày được ra xà lim chớ. Nằm cát-xô một mình anh đâu có được nghe tiếng người, được thấy một ánh mắt người? Chỉ bị gõ vào óc, vào tim mà có khóc lóc rên rỉ chỉ làm trò cười. Một tuần lễ hay một tháng lọt vào tay đám người thù, anh bị bỏ rơi đến hết muốn suy nghĩ, hết muốn sống. Bằng không anh đâu đã nghĩ đến việc đâm đầu nhảy đại vào miệng ống lò sưởi cho rồi đời. Bỗng đâu được ra xà lim nằm chung với đám bạn là anh như được sống lại. Hạnh phúc như vậy không yêu xà lim sao được? Anh mơ tưởng xà lim như mơ tưởng ngày trả tự do, cứ làm như được trả tự do thật, dù chính bản thân anh vẫn bị xách cổ dài dài từ ngục này sang khám khác, chẳng hạn như từ nhà lao Lefortovo (Mạc Tư Khoa) tới “địa ngục trần gian” Sukhanovka (Lêningrad).
Suknhovka là khám dữ nhất của MGB. Chỉ nghe tên Sukhanovka là tù đã run lên, nên các điều tr.a viên thường đem nó ra làm ngáo ộp. Muốn thăm hỏi tin tức địa ngục Sukhanovka cũng chịu vì đã lọt vô đó thì một là gởi xương, hai là điên khùng ăn nói lảm nhảm.
Sukhanovka vốn là một tu viện, có từ đời Nữ hoàng Catherine. Có hai toà nhà lớn thì một dành để nhốt tù thọ hình, một toà gồm sáu mươi tám ngăn nhỏ xưa kia mỗi tu sĩ chiếm một ngăn để cấm phòng bây giờ làm cát-xô dành cho tù giam cứu. Từ trung tâm thành phố đến khám đi xe hơi mất 2 giờ. Không ai ngờ địa ngục Sukhanovka nằm cách biệt điện Gorky của Lênin và lâu đài Zinâid Volkonskaya có vài cây số. Chung quanh khám là một vùng thôn dã quang cảnh tuyệt vời.
Tù mới đến Sukhanovka bao giờ cũng bị màn cảnh cáo phủ đầu là tống vào cát-xô đứng. Cứ đứng cho đến khi đầu gối khuỵu xuống đụng vách. Tinh thần cao đến đâu cũng chỉ hơn một ngày là sụm! Bù lại tù Sukhanovka ăn uống sướng không đâu bằng. Gần đây có câu lạc bộ của các kiến trúc sư nghỉ dưỡng sức nên tiện bếp cung cấp luôn cho nhà tù đỡ tốn. Cũng có khoai rán thịt băm viên ngon lành nhưng một phần ăn của ông kiến trúc sư thì 12 thằng tù chia nhau. Do đó đói thường trực, đói đến biến tính đâm gắt gỏng, bứt rứt.
Cát-xô Sukhanovka kể ra 2 thằng nằm cũng vừa nhưng để tiện việc điều tr.a chỉ nhốt một phạm nhân, chiều dài 2 mét 9 phân, chiều rộng 1 mét 56 đúng boong [4] . Có 2 cây trụ xi măng nho nhỏ gắn chặt xuống sàn, ban đêm lính gác nhấn nút là một tấm ván treo bên trên rớt xuống đúng chỗ, biến thành đi-văng. Kèm theo còn có một ổ rơm vừa vặn cho đứa con nít nằm. Tấm ván chỉ ở cát-xô có 7 tiếng đồng hồ ban đêm, vừa vặn để nghỉ lưng nếu không bị kêu lên thẩm vấn. Ban ngày vẫn có 2 trụ xi-măng nhưng tuyệt đối cấm ngồi lên. Có cái mặt bàn kê trên 4 cộc sắt. Phía trên có một lỗ thông hơi tí hon có gắn kính có lưới sắt che đàng hoàng nhưng chỉ mở đúng 10 phút một ngày, lúc lính gác điểm tù.
Tù Sukhanovka không được ra ngoài. Mỗi ngày chỉ được phép đi cầu một lần, đúng vào giờ ít ai đi cầu nhất là 6 giờ sáng. Chỉ được hướng dẫn đi một lần, ngoài giờ là ráng nhịn. Cứ 7 cát-xô là một khu đêm ngày có 2 lính gác coi chừng, thường trực từ hai đầu đi tới “làm con thoi” không ngừng. Muốn kiểm soát, lính canh chỉ việc liếc qua khuôn cửa kính nho nhỏ ngó xuống, nên Sukhanovka độc ở chỗ tuyệt đối im lặng mà không một cử chỉ nhỏ nhặt nào của thằng tù trong cát-xô thoát khỏi cặp mắt cú vọ của cai ngục.
Có hai cách thoát khỏi cát-xô biệt giam để ra xà lim. Một là gồng mình chịu cô độc, hành hạ để khỏi phát điên đến chừng nào được kêu ra là kể như sống lại. Hai là không cần chống chọi gì hết, chỉ việc khai tùm lum, khai cho bất cứ người nào. Cũng được ra xà lim nhưng ra cách thứ hai sẽ khó sống chắc, thà ch.ết gục trong cát-xô còn hơn.
Ra xà lim là hết cô độc, là được sống lại với những người đồng cảnh, những người còn sống và cùng đi một đường [5] . Ôi, còn gì sung sướng cho bằng người được nói chuyện với ngườI được dùng danh từ “chúng ta”, “tụi mình”!
“Chúng ta”, “tụi mình” chỉ là những đại danh từ tầm thường, có thể anh không thèm xài tới ở ngoài đời. Nhưng ở xà lim, để thay thế cho chữ “tôi” đơn độc nghe mới dễ chịu, ngọt ngào làm sao! “Tụi mình là một”… “Chúng ta có quyền bất mãn”… “Chúng tôi nguyện rằng… chúng tôi yêu cầu”. Còn xài được những danh từ đó là hết cô độc. Còn có thể nghĩ rằng dù sao cõi đời này vẫn còn những người – những con người – khôn ngoan, sáng suốt.
Bốn ngày đầu trí với điều tr.a viên tôi mệt ngất ngư. Gã cai ngục còn độc ác, đợi đúng lúc tôi vừa nằm nghỉ ráng chợp mắt được giữa cát-xô đèn chói loà mới chịu lách cách mở cửa. Làm gì không nghe thấy nhưng tôi cố tình lờ đi đợi khẩu lệnh “Đứng dậy mau! Lên thẩm vấn” cái đã! Tội gì không lợi dụng tí thời gian, dù chỉ là 3 phần trăm của một giây đồng hồ để nằm nán lai vờ ngủ? Nhưng đêm nay gã cai ngục truyền lệnh: – Đứng dậy. Có cái gì xách theo hết! Đổi phòng…
Tôi đã biết “đổi phòng” là gì đâu, lại tiếc giấc ngủ quý giá nên thu dọn “đồ đạc” mà không hài lòng chút nào. Nào giày vớ, nào áo khoác mũ lạnh, thêm chiếc chiếu nệm nhà lao ôm kè kè dưới nách. Gã cai ngục đi rón rén, ra lệnh cho tôi không được gây một tiếng động đi theo ra ngoài hành lang lạnh tanh. Đi suốt lầu 4 Lubyanka, đi ngang văn phòng trưởng khu, đi ngang một dọc dài những xà lim gắn bảng số sáng lóng lánh, có ô cửa nhỏ cũng phủ vải màu cứt ngựa. Tới xà lim số 67 hắn mở khoá nhét tôi vô và đóng sập cửa lại.
Mới “giới nghiêm” chưa đầy 15 phút nhưng giờ được phép ngủ của thằng tù giá trị quá, quý hoá quá nên lúc tôi vô “toàn dân” xà lim 67 đã ngủ yên hết. Đứa nào cũng nằm lù lù trên ghế bố, hai tay để rõ ràng, ngay ngắn ra ngoài mền. [6]
Ít giây sau mới thấy 3 cái đầu khẽ nhúc nhích, 3 khuôn mặt ngơ ngác ngó. Họ cũng ngán bị kêu lên thẩm vấn đêm lắm chớ. Rõ ràng 3 khuôn mặt gầy ốm xanh xao, râu ria lởm chởm chẳng dễ thương chút nào. Nhưng đối với tôi lúc bấy giờ sao gần gụi, thân thiết đến thế? Tôi cắp chiếu đứng ngây người nhìn họ và mỉm cười sung sướng. Cả ba nhoẻn miệng cười đáp lễ. Chao ôi, mới một tuần lễ vắng bóng mà nụ cười sao quý giá thế?
Họ lên tiếng hỏi thăm. Câu hỏi thông lệ của tù cũ hỏi thằng tù mới:
“Anh bạn vừa ở ngoài đời vô phải không?”
Tôi đáp ngay: “Không, không”. Cũng vẫn câu trả lời thông lệ. Chịu 4 ngày thẩm cung liên tiếp thì còn ở ngoài đời mới vô sao được? Không phải “tù cựu” nhưng nhất định chẳng phải tôi vừa ở chỗ tự do vào xà lim 67 này!
Họ là người đến trước, nằm trước ở xà lim này dĩ nhiên có quyền nghĩ tôi là kẻ vừa gia nhập, vừa rời bỏ tự do. Gã lớn tuổi trong bọn không để râu nhưng có cặp lông mày rậm đen đã nôn nả hỏi thăm hồi này thế nào.
Lạ quá lúc bấy giờ đã cuối tháng hai mà họ mù tịt tình hình thực. Chẳng biết có hội nghị Yalta, chẳng biết quân ta bao vây Đông Phổ và tiến quân xuống phía dưới thủ đô Balan từ trung tuần tháng giêng. Ngay cuộc triệt thoái tai hại của Đồng minh từ tháng 12 năm ngoái cũng không biết mảy may. Ra tù giam cứu là thế, triệt để không được biết bất cứ một cái gì ngoài cuộc điều tr.a đang tiến hành. Họ bị cô lập, mù tịt tình hình thực sự.
Tôi đã tính đả thông tin tức cho họ, sửa soạn hăng say kể lại cho họ nghe những chiến thắng gần đây của quân ta, làm như những thắng lợi do chính tôi làm ra vậy.
Nhưng tạm thời vẫn phải nín khe vì gã gác khám trực đêm đã thảy vô thêm chiếc ghế bố để tôi thu xếp chỗ ngủ, không được ồn ào. Gã quân nhân trẻ tuổi đứng lên phụ giúp với tôi kê ghế. Nhìn sang giường hắn thấy bộ mũ áo Không quân treo một bên. Hắn xăng xái giúp và còn cất tiếng hỏi trước ông già nữa…nhưng không thăm hỏi tình hình mà chỉ giản dị: “Anh có thuốc lá không?”.
Không hiểu sao đang sung sướng, thực tình cởi mở với bọn họ và chỉ mới trao đổi qua loa và câu chuyện mà riêng với gã Không quân cùng cỡ tuổi tôi, ngay lúc bấy giờ tôi đã đánh hơi thấy một sự gì khác lạ. Riêng với hắn tôi phải thận trọng, câm miệng.
Hồi đó tôi đâu đã biết thế nào là nasedka? Có ngờ đâu mỗi xà lim đều có gài chỉ điểm, mà đâu đã có thì giờ nhất định con người gã Georgi Kramarenko? Vậy mà ngay lập tức tôi đã có “tín hiệu” của trực giác để linh cảm rằng con người này phải kiêng dè. Sau này nhiều phen tôi đã phải kinh ngạc nhận ra rằng trong tôi lúc nào cũng có một “bộ máy nhận định người” vô cùng bén nhạy. Dù đi chung, ngủ chung hoặc làm chung với cả trăm cả ngàn con người xô bồ hỗn độn, bộ máy không hiểu do đâu mà có và có từ hồi nào vẫn cứ âm thầm làm việc. Ngó sơ một khuôn mặt, thoáng nghe một giọng nói là đủ để nhận định con người này chơi được hay phải dè dặt hoặc chớ nên giao thiệp với.
Bộ máy nhận định người của tôi bén nhạy, chính xác đến độ đánh hơi ra chỉ điểm không bao giờ sai chạy. Bọn phản bội luôn luôn bại lộ ở nét mặt, giọng nói, dù kỹ thuật che giấu tài tình cũng có một cái gì kỳ cục, một cái đuôi lòi ra! Cùng lúc đó tôi còn linh cảm được ở ngay phút đầu, những người trung hậu, thành thực có thể thổ lộ mọi bí mật – dù là bí mật ch.ết người – mà tuyệt đối không sợ bì “bán đứng”. Nhờ vậy mới thoát được 8 năm tù Cải tạo, 3 năm an trí và 6 năm viết văn lậu chớ? Trong 17 năm đằng đẵng tôi đã thổ lộ tâm sự với cả mấy chục người không một chút e dè, vậy mà có lầm lẫn một người, một lần nào?
(Linh tính đặc biệt đó tôi chưa hề nghe nói. Xin ghi nhận ở đây ch những bạn muốn nghiên cứu Tâm lý học. Theo ý tôi nhiều người được trời phú khả năng bén nhạy này nhưng không biết mà khai triển nên bị nếp sống máy móc, duy lý làm cùn mòn dần.)
Đêm đầu tiên ra xà lim, tôi muốn trò chuyện lắm – vừa nằm vừa nói thầm để khỏi bị tống trả lại cát-xô. Nhưng gã thứ ba can thiệp ngay. Hắn cỡ trung niên, mái tóc ngắn sắp ngã sang bạc và giọng miền Bắc gay gắt:
“Thôi, chuyện gì mai nói. Lo ngủ đi…”
Đúng thế! Đêm là để ngủ và ngủ được phút nào hay phút ấy vì lúc nào cũng có thể bị xách cổ lên thẩm vấn đến 6 giờ sáng là hết ngủ. Giấc ngủ giá trị hơn bất cứ cái gì trên cõi đời vì tù đâu được ngủ ngày, ngủ bù như điều tr.a viên. Vả lại tự nhiên tôi ngậm miệng kịp vì cảm giác e dè, thận trọng “chưa chắc đã nên kể chuyện mình cho người khác nghe”. Đối với một thằng vừa bị bắt thì cuộc đời thình lình sụp đổ, bao nhiêu quan niệm về cuộc đời cũng đảo ngược hẳn, đúng là một góc 180 độ. Tốt hơn là thận trọng.
Ba người bọn họ ngủ tiếp, nằm xây lưng khăn tay đắp mặt cho đỡ chói mắt vì ngọn đèn 200 nến, hai tay quấn khăn cho đỡ lạnh vì không được luồn dưới mền. Tôi nằm một mình, sung sướng vì còn có bạn! Một giờ trước đâu dám ngờ được như thế này, chỉ sợ chẳng được nhìn ai nữa cho đến lúc lãnh một viên vào gáy (như lời ông điều tr.a viên doạ). Dĩ nhiên còn phải khai cung nữa, nhưng nằm đây đỡ khổ nhiều. Mai chuyện trò cũng được, mấy thằng đồng cảnh kể cho nhau nghe, dĩ nhiên tôi đâu dại gì mang chuyện thực ra kể. Chưa bao giờ ngày mai đối với tôi quan trọng, sung sướng đến thế! (Từ lúc đó quan niệm của tôi rõ hẳn: tù ngục chưa phải là vực thẳm. Bất quá chỉ là một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời.)
Không ngủ được, tôi ngó quanh xà lim. Cái gì cũng lạ, nhất là cái ô vuông cỡ ba hòn gạch, khuôn cửa để lính gác ngó vô kiểm soát. Có lớp giấy xanh đậm che kín để những báo động khỏi sợ lọt ánh sáng ra ngoài. Có khuôn cửa vậy là sáng mai chắc nhìn thấy chút ánh sáng rọi vô, chắc đến trưa mới bật đèn. Chao ôi, mai có ánh sáng!
Chà, còn cái bàn kê chình ình ở chỗ dễ thấy nhất trong xà lim. Trên bàn có bình trà, bàn cờ, ít cuốn sách. Mãi sau này tôi mới hiểu tại sao phải kê bàn chỗ đó. Thì ra luật lệ Lubyanka ấn định cả rồi: Lính gác một phút liếc vô khuôn cửa một lần, bàn phải đặt chỗ đó để thấy ngay có thằng tù nào toan làm ẩu không. Chẳng hạn lấy bình trà phá vách, lấy sách mồi lửa đốt khám, hay nuốt bậy một quân cờ trốn nhiệm vụ công dân Xô Viết. Biết đâu chừng? Ngay cặp kính đeo mắt ban đêm còn phải nạp kho sáng mai lấy lai xài mà!
Nhưng thôi, được thế này cũng đã tiện nghi chán. Giải trí có cờ, có sách. Ngủ có ghế bố, có nệm, có mền, mấy năm tác chiến có đêm nào tôi ngủ ngon đến thế! Cũng có sàn nhà, dù hư hỏng. Và rộng rãi đi lại được bốn bước kia mà. Xà lim chính trị phạm Lubyanka quả tuyệt vời!
Sướng nhất là nằm đây không sợ pháo kích. Quên làm sao tiếng đạn đại bác đi véo véo trên không, rít róng giây lâu rồi “ầm” một phát? Đạn súng cối “đi” thật êm, nhưng loạt phi đạn bốn phát loại Goebbels nổ đùng đùng, phá thiệt dữ. Nhớ lại mặt trận Wormdit nơi đang đóng quân bị họ bắt. Tuyết phủ ướt át, sình lầy khó chịu. Vậy mà vẫn lặn lội cực khổ tối ngày để canh bọn lính Đức phá vòng vây.
Thôi thì mình muốn chiến đấu họ không cho, họ bắt vô đây thì cứ nằm đây.
Chúng ta đã để mất nhiều giá trị và còn mất thêm một lớp ngời sáng tạo vô danh, những bậc tiền bối chẳng mấy khi có tên trong văn học tiền cách mạng. Lâu lâu mới bắt gặp được một thoáng bóng dáng, như Marina Tsvetayeva, như “Mẹ Mariya” với tập hồi ký lao tù.
Họ là những người đi trước, họ muốn vươn lên vượt khỏi những cái tầm thường của cõi đời, họ nhằm những cái gì cao cả, thiêng liêng nên mất luôn đất đứng. Họ là những người có nếp suy tư mãnh liệt, vùng thoát ra khỏi sự sụp đổ của xã hội. Nhưng đối lại họ bị chế nhạo và liệt vào loại gàn dở, hẹp hòi hủ lậu. Còn bị gán chung là một bọn “thối nát”. Số phận của họ là số phận loài hoa nở quá sớm, đi trước mùa quá xa. Họ lại không chấp nhận sống theo thời, không chịu cong lưng không giả trá luồn lọt. Mỗi lời của họ phải có lập trường, phải có mê say, chống đối. Những con người đó phải bị tiêu diệt: Phải bị guồng máy cuốn vô nghiến tan tành.
Những con người đó từng nằm xà lim này. Họ phải lưu lại chút dấu vết gì trên 4 bức vách ngục này, nhưng có còn gì đâu sau bao nhiêu lần tô vôi trát vữa, quét đi sơn lại? (Hoạ chăng vách tường thời buổi này chỉ còn gắn mi-crô ngầm để nghe hóng!). Những con người từng nằm đây…tìm đâu ra tài liệu viết về họ, nói về sinh hoạt của họ, tư tưởng của họ trước khi bỏ xác pháp trường hay ngoài hải đảo Solovetsky? Làm sao có thể viết nổi một tác phẩm về những con người đó, chỉ một tác phẩm cũng giá trị ngang 40 xe sách thời đại.
Chúng ta chỉ có thể nghe kể lại. Từng chi tiết nhỏ nhặt, góp từ cửa miệng những người còn sống sót. Nhờ họ mới biết lao Lubyanka hồi xưa giường nẹp gỗ, nệm rơm, vách quét vôi trắng xoá và xà lim còn có cửa sổ. Qua năm 1923 cửa sổ mới có lưới sắt bít bùng hết (chớ không phải thời Beria!). Hồi đó tù muốn gõ vào vách chơi cũng không bị phạt dù nhà lao biết họ có thể gõ thông tin cho nhau. Đấy là một “truyền thống” còn sót từ thời Nga hoàng: nếu gõ vách tường cũng cấm thì tù còn gì để giết thì giờ? Còn một chi tiết lạ là tất cả giám thị hồi 1920 đều gốc người Latvia, cựu quân nhân Latvia cũng như nấu ăn cho tù là mấy mụ đàn bà người Latvia.
Những chi tiết vụn vặt ấy đáng suy ngẫm lắm chớ. Chính tôi từng “ao ước” vô Lubyanka một lần cho biết mùi, khám chính trị phạm lớn nhất nước Nga và quả nhiên được vô thiệt! Tôi bỗng nhớ tới Bukharin [7] và cố tưởng tượng hồi đó nếp sống Lubyanka thực sự như thế nào. Tôi cho rằng giờ đây chỉ còn sót lại một số tàn tích nên ở Lubyanka cũng không khác ở các trại giam tỉnh lẻ của Cơ quan bao nhiêu, dù vẫn có một số tập tục riêng.
Nằm xà lim có người để nói chuyện với cũng đỡ khổ, lại còn có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe.
Người già nhất xà lim chúng tôi là Antoly Ilyich Fastenko, 63 tuổi nhưng tóc hớt cao, lông mày rậm, tính tình hoạt bát chớ không già chút nào. Đó là một “cây cổ thụ” giá trị, vừa là chứng nhân của các chế độ lao tù Nga vừa là một Sử Sống của những trào Cách mạng. Nhờ trí nhớ của lão tù Fastenko có thể phác hoạ lại tổng quát đời sống tù ngục, hoạt động cách mạng của quá khứ cũng như hiện tại. Đó là týp người cần có, ở xà lim nhà giam cũng như ở ngoài xã hội tự do.
Trong xà lim chúng tôi có một cuốn Sử nói về cuộc Cách mạng 1905 có tên Fastenko. Đảng viên Fastenko thuộc týp kỳ cựu có chân trong Đảng Dân chủ Xã hội lâu quá nên phút cuối cùng bỏ Đảng luôn. Thuở thiếu thời, ông ta lãnh án tù đầu tiên năm 1904 song được trả tự do ngay sau bản Tuyên ngôn ngày 17 tháng 10 năm 1905. [8]
Là người trực tiếp hưởng lệnh đại xá dĩ nhiên Fastenko phải nhớ “biến cố” này hơn ai hết. Ông ta kể lại hồi đó cửa sổ nhà tù đâu đã bọc lưới sắt, đứng trong xà lim khám Belaya Tserkov nhìn xuống sân dễ dàng, tù đi tới thấy rõ hết và thấy đồng bào đi dưới đường tù còn kêu réo om sòm. Ngày 17 tháng 10 chính đồng bào đọc báo hay tin điện Đại xá, phóng thích hết chính trị phạm bèn “thông báo cho anh em ở trong”. Thế là tù chính trị reo hò như điên, đập phá cửa lớn cửa nhỏ tưng bừng và yêu cầu giám thị: “Phóng thích tụi tôi ngay lập tức!”.
Có thằng tù nào bị đánh đập, nhốt cát-xô hay truất quyền mượn sách Thư viện đọc, mua hàng Câu lạc bộ đâu? Trái lại các giám thị khám Belaya còn phải chia nhau đi từng phòng trấn an, năn nỉ: “Mấy ông đừng làm vậy. Biết điều chút chớ. Tụi tôi đâu dám tự tiện phóng thích mấy ông, căn cứ trên bức điện Đại xá đó. Tụi tôi còn phải chờ lệnh thẩm quyền trực tiếp trên Kiev, biểu sao làm vậy. Mấy ông ráng chờ, ở thêm một đêm nữa đi, một đêm thôi”. [9]
Vừa được trả tự do ra dĩ nhiên Fastenko phải tham gia cách mạng để rồi bị bắt nữa. Tám năm khổ sai, tức 4 năm cùm kẹp và 4 năm đi đày! 4 năm đầu trong khám lớn Sevastopol có cuộc tổ chức phá khám cộng đồng do cách đảng liên kết tổ chức. Một trái bom phá tung vách ngục đủ để một con ngựa chui cũng lọt… nhưng chỉ có khoảng hai chục người được Đảng chỉ định trước (chớ không phải ai muốn ra thì ra) võ trang súng lục do các giám thị trao lén từ trước xông ra. Riêng cán bộ Fastenko đã không được ra mà còn bị Đảng Dân chủ Xã giao công tác “phá rối” để đánh lạc hướng lính gác cho các đồng chí dễ thoát thân.
Chừng bị đi đày Yenisei ông ta đâu có chịu ở lâu. Theo lời Fastenko (và nhiều tài liệu khác dẫn chứng tù cách mạng thời Nga hoàng trốn thoát ra ngoại quốc cả trăm cả ngàn) thì vượt ngục hồi đó quá dễ. Chỉ những thằng làm biếng không vượt ngục nổi! Chỉ kể như một vụ xuất ngoại không mang theo thông hành vậy. Đã mò tới Hải Sâm Uy mà không có tàu đi vì trục trặc giờ chót, Fastenko còn lì lợm dùng xe lửa “trốn” ngược trở lại, đi suốt một nước Nga cho tới Ukraine. Nơi đây ông ta vô Đảng Cộng sản, được cấp thông hành giả để vượt biên sang Áo.
Công việc trốn tránh dễ dàng và chắc ăn đến độ Fastenko suýt bị lộ tẩy ở trạm gác biên giới: Ai đời ẩu đến quên mất cả tên giả trong sổ thông hành giả. Giới chức kiểm soát đã thâu hết 40 cuốn sổ để lần lượt gọi tên trả lại mà nhè quên không nhớ tên mình thì nguy quá! Fastenko chợt có giải pháp cấp tốc là nhắm mắt giả vờ ngủ: thấy kêu tên Makarov mấy lần không ai nhận đã tính liều lĩnh dứng lên lãnh thì may quá có ông Sĩ quan Hoàng gia tới đập vai đánh thức: “Ông Makarov, ông Makarov. Dậy đi chớ. Pát-po của ông đây”.
Fastenko sang tới Balê gia nhập nhóm Lênin, Lunacharsky giúp việc quản trị ngôi trường của Đảng ở Longjumeau. Vừa học tiếng Pháp ông ta vừa để ý quan sát tình hình và quyết định đi một vòng thế giới để học hỏi. Trước Thế chiến I, Fastenko sang Gia Nã Đại ở lại làm ăn rồi qua Mỹ ít lâu. Thời gian ở hai nước này đã “mở mắt” nhà cách mạng Nga: Đời sống dễ chịu, sung sướng quá, mà tổ chức xã hội vững chắc. Nếu vậy thì cách mạng vô sản để làm gì?
Thế rồi nước Nga làm cách mạng, sớm hơn dự liệu. Rồi Cách mạng lần nữa. Như tất cả những người Nga ly hương hăm hở trở về phục vụ, Fastenko cũng hồi hương nhưng ngọn lửa cách mạng nguội lạnh rồi. Chim có tổ người có nước thì phải trở về vậy thôi. [10]
Tôi thấy Fastenko quả có gì khó hiểu. Một người như vậy một thời từng là đồng chí, hoạt động thân thiết với Lênin thiệt sao? Ông ta ít khi nhắc đến. Nhưng tôi bực bội mỗi lần nghe gọi xách mé, gọi ông ta bằng tên thánh Ilyich, nhất là để hỏi một câu không mấy sạch sẽ: “Coi, Ilyich, bữa nay tới phiên đổ cầu tiêu hả?”. Là người thành tâm tôn thờ, với tôi chỉ có một Ilyich là Lênin. Không thể ráp gần Ilyich với “đổ cầu tiêu” được! Rõ ràng tôi linh cảm Fastenko có gì muốn nói mà chưa có dịp. Chẳng hạn có lần ông ta nói khơi khơi:
“Chú chớ nên tôn thờ bất cứ một hình ảnh nào.”
Thấy tôi vẫn hăng, vẫn chưa hiểu gì, ông ta bảo thẳng:
“Nghề của chú là Toán học. Con nhà Toán sao lại quên câu châm ngôn của Descarter kìa? Cái gì cũng phải đánh dấu hỏi. Đánh dấu hỏi hết?”
Lạ quá, đời tôi đánh dấu hỏi đã khá nhiều, song không lẽ cái gì cũng phải đánh dấu hỏi? Sao lại “bất cứ cái gì”. Gạn hỏi thì Fastenko giải thích:
“Có mấy thằng chính trị phạm kỳ cựu cỡ tôi ngày giờ này còn sống sót? Bị giết sạch cả. Thủ tiêu luôn cả lớp người từng hoạt động thời 1930. Để làm gì hả? Chỉ để không cho kết hợp, tụ họp thảo luận.”
Giọng Fastenko ôn tồn, bình thản khi gợi nhớ những sự kiện đáng lẽ phải gầm thét lên cho động trời. Với tôi chẳng qua lại thêm một tội ác của Stalin, vạch ra thì ghê gớm nhưng vô bằng. Hiển nhiên đây là một trong những trường hợp “lọt tai này qua tai kia” không ghi nhận lại trong đầu óc. Chỉ vì quan điểm xa cách nhiều quá. Vì vậy chuyện Fastenko tôi còn nhớ rành rành nhưng lập trường, tư tưởng của ông ta chỉ man mán.
Fastenko đọc tên ít cuốn sách, bảo tôi ra tù ráng kiếm đọc. Ít nhất ông ta cũng hài lòng bày tỏ được chí hướng phần nào chớ tuổi già sức yếu mong gì sống sót ra khỏi tù phen này? Không ghi chép được mà nhớ không nổi (chuyện tù thì còn bao nhiêu việc đáng ghi nhớ) tôi chỉ để ý một vài cuốn hồi đó tôi khoái hơn cả. Chẳng hạn Những tư tưởng bất hợp thời của Gorki (một sáng tác vô sản vô địch!) hay Một năm ở nước mẹ của Plekhanov.
Đọc lại những gì Plekhanov viết từ 28.10.1917 tôi biết liền tư tưởng, lập trường của Fastenko:
“Những biến chuyển mới đây làm tôi thất vọng. Không phải vì tôi không muốn giai cấp lao động chiến thắng, trái lại tôi còn thành tâm nguyện cầu là khác. Đừng quên nhận định của Engels là không gì tai hại ghê gớm cho giai cấp lao động bằng lên cầm quyền khi chưa chuẩn bị xong. Thay vì tiến bộ còn thụt lùi.”
Vì thành tích cách mạng trong bóng tối nên sau khi trở về Nga chính Fastenko đã được mời và bị ép giữ một chức vụ quan trọng. Ông ta từ chối chỉ nhận một chân biên tập khiêm nhượng báo Pravda rồi xin đổi qua sở thiết kế Đồ thị Mạc Tư Khoa. (Tôi ngạc nhiên hỏi thì Fastenko chỉ thủng thẳng nói: “Chó già đâu có chịu xích mà tập”). Biết tình hình và cũng biết thân biết phận, Fastenko sống nép mình nhẫn nhục cốt giữ lấy mạng sống. Không dám lãnh tiền hưu trí, trợ cấp của chính phủ (sợ lòi ra những liên hệ với bọn “phản động” đã bị thanh trừng) ông ta ráng tiện tặn sống qua ngày và bình an cho đến năm 1953.
Thế rồi chạy không khỏi, Fastenko bị dính chỉ vì ở chung một dãy lầu chung cư với văn sĩ L.S. một dân nhậu bê bối tối ngày say rượu dám khoe lên ầm lên là nhà có súng lục. Chứa súng dĩ nhiên chỉ để phá hoại, khủng bố mà nhà có thể hiểu rộng là cả dãy lầu chung cư, trong đó có ông già Fastenko. Một dân hoạt động chính trị dám chứa súng trong nhà để chuẩn bị khủng bố, phá hoại chế độ lắm chớ. Do đó đưa về Cơ quan ông ta được điều tr.a viên khép ngay vào tội có hoạt động phá hoại. Từ đó nảy thêm tội gián điệp đế quốc Pháp, Gia Nã Đại và còn tội cộng sự viên của Okrana nữa! [11] . Nă 1945 các điều tr.a viên của Cơ quan rất chăm chỉ “tham khảo” những hồ sơ lưu trữ của Cảnh sát, Hiến binh thời Nga hoàng. Có vậy những bản tự thú mới có màu sắc thời đại, mới có đầy đủ chi tiết đích xác về hoạt động cách mạng năm 1903 chớ.
Phải 10 ngày sau Fastenko mới nhận được gói đồ tiếp tế của bà vợ già gởi vô (hai vợ chồng không con). Gói đồ thảm hại mà phải xoay sở mãi mới có nổi và gởi được! Một miếng bánh mì bột thô cỡ 300 gam (mua chợ đen 450 gam 50 đồng rúp), chục củ khoai luộc. Có vậy thôi mà cũng bị giở ra xét tanh banh, bánh mì bẻ ra, khoai xâm thủng nát bấy. Ai nhận “đồ tiếp tế” thấy vậy chẳng đứt từng khúc ruột?
Một đời người làm cách mạng, lương thiện đắn đo tới 63 tuổi thì vậy đó.
*
Xà lim của chúng tôi 4 mạng ghế bố kê hai bên, bàn đặt chính giữa. Tôi vô mươi hôm thêm một đứa thứ 5 và một chiếc ghế bố kê xéo. Còn một giờ nữa đến giờ dậy, đúng lúc giấc ngủ quý báu nhất nên tụi tôi lo ngủ vùi, không buồn nhỏm dậy ngó. Chỉ một mình Kramarenko vùng dậy đón cốt xin tí tấm lòng, biết đâu chừng còn moi được ít nhiều tin tức. Hai gã thì thầm nói chuyện, 3 đứa tôi cố lờ đi nhưng không được vì thằng cha mới vô coi bộ có gì oan ức cứ lên giọng kể lể, tả oán mãi. Nó còn hỏi ngớ ngẩn ở đây có nhiều người bị xử bắn không…làm tôi phải gắt lên: “Nói khe khẽ thôi!”.
Sáng sớm tinh mơ nghe còi báo thức chúng tôi cùng nhỏm dậy. Nằm nán là có chầu xuống cát-xô mà. Lạ quá, thằng cha mới vô đây là một cấp tướng, thứ thiệt sao? Dĩ nhiên vô đây là gỡ lon, giựt bỏ huy hiệu ở cổ áo, tay áo. Nhưng chỉ cần nhìn bộ đồ cực kỳ sang trọng, áo khoác ngoài mềm mại, khổ người tròn trịa mập mạp và nhất là khuôn mặt no tròn thế kia thì nhất định phải là cấp tướng. Người hắn thiếu chiều cao, thừa mỡ nhất là ở mặt, ở bụng, làm con người có một cái vẻ béo tốt, bệ vệ, rõ ra tay quyền thế. Đúng là một ông tướng, thứ tướng cao cấp chớ không phải Chuẩn tướng, Thiếu tướng lèng xèng. Hình như bao nhiêu uy quyền, oai vệ của hắn gom hết vô nửa dưới khuôn mặt nên cằm bạnh hẳn ra coi thật hách. Có vậy mới ngần này tuổi đã tướng lãnh cao cấp chớ.
Sau đó là mục giới thiệu mới hay hắn còn trẻ quá, mới 36 tuổi (“Nếu năm nay không bị xử bắn!” Hắn nói vậy). Có điều L.V.Z. không phải cấp tướng. Đại tá cũng không, đúng ra chưa hề ở quân ngũ một ngày. Hắn thuộc giới kỹ thuật, hắn là kỹ sư.
Hắn mà là kỹ sư, một con người như vậy? Giới kỹ sư mà tôi quen biết những năm 1920 đâu có hùng hục, hạ cấp thế? Kỹ sư phải là con người văn minh, trí thức ngoài địa hạt kỹ thuật chuyên môn còn phải rành rẽ phần nào về nghệ thuật, về cung cách giao thiệp. Từ cử chỉ đến ngôn ngữ phải lịch thiệp, rõ ra người có học. Nếu không chơi được đàn thì cũng phải biết qua hội hoạ, nói chung phải tao nhã, dáng dấp con nhà chớ.
Từ năm 1930 tôi không giao thiệp với giới kỹ sư nữa rồi chiến tranh bùng nổ. Bây giờ mới gặp lại một ông kỹ sư, một kỹ sư chế độ mới. Dĩ nhiên hắn hách hơn, tự tôn hơn lớp kỹ sư cũ mà còn khoẻ mạnh, vạm vỡ hơn. Cứ coi bàn tay, bả vai vạm vỡ thế kia là biết liền, dù lâu ngày không xài đến! Mắt hắn nhìn, cất tiếng nói trịch thượng quen rồi. Hắn trưởng thành khác mà làm việc cũng khác lớp người cũ.
Đúng vậy, vì thân sinh ra ông kỹ sư mới Lenya V.Z. là thợ cày đúng nghĩa. Hắn là con nhà nông, không có cơ hội được giáo dục như Tolstoi, Belinsky từng tiếc giùm. Cũng không phải thiên tài như Lomosonov, cho dù thông minh sáng láng nhưng mạt đời cũng chẳng lọt vào nổi ngưỡng cửa Đại học. Nếu không có Cách mạng lớn thì lên cũng đến cày ruộng dù Lenya cũng có thể sử dụng sự tinh khôn chăm làm của hắn để chuyển lên nghề lái buôn làm giàu lớn.
Nhưng có Cách mạng, có Đảng lại khác. Chú con nhà nông Lenya gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản, hăng say công tác đoàn thể nên được bốc từ chỗ tối tăm ra ánh sáng, từ thôn quê ra tỉnh để vô trường Lao động và tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật. Kỹ sư Lenya V.Z. ra trường năm 1929, đúng vào lúc từng đoàn kỹ sư chế độ cũ bị đẩy vào quần đảo tù ngục. Chế độ mới cần ngay một lớp kỹ sư mới toanh, có ý thức chính trị và trung thành 100% để trám vào những lỗ hổng đó. Từ Đại học Kỹ thuật ra, lớp người như Lenya hẳn phải là các bộ lạc kỹ thuật cao cấp chỉ biết phục vụ nhà nước.
Cuộc đời Lenya lên như diều, thây kệ những biến cố chung quanh. Nào giai đoạn 1929-1933 nội chiến lan tràn, đời sống điêu đứng. Nào giai đoạn 1918-1920 súng đại liên đặt trên xe ngựa và chó trận được sử dụng để ngăn chặn đám nói chung ch.ết đói đánh liều kéo ra tỉnh. Khắp mọi ngả đường kéo tới nhà ga bao nhiêu đám người thất thểu bỏ nhà đi. Bị cấm lên tỉnh kiếm ăn đã đành, họ trở cờ cũng không đủ hơi sức đành nằm chất đống ăn vạ ở hàng rào nhà ga. Đám người chờ ch.ết áo vải bố, giày lõi cây cứ ùn ùn ngày một nhiều. Cậu sinh viên gốc nhà nông Lenya không cần biết dân thành thị phải mua bánh mì hạn chế theo bông. Cũng chẳng cần biết tháng lãnh học bổng 900 rúp trong khi bác dân cày lãnh vỏn vẹn 60 đồng. Rũ sạch bùn lầy khỏi đế giày là Lenya quên hết gốc nông dân. Cán bộ kỹ thuật cao cấp của nhà nước mà.
Ra trường hắn không cần tập sự, không phải làm dưới quyền ai mà nhảy cái một lên nắm quyền chỉ huy cả chục kỹ sư, cả ngàn thợ. Kỹ sư trưởng công trường xây cất lớn ở ngoại ô Mạc Tư Khoa! Chiến tranh khỏi nhập ngũ mà có quyền di tản cùng với cơ quan vào vùng Alma Ata để phụ trách một cơ sở lớn hơn ở ven sông Ích lợi. Dĩ nhiên hồi đó bao nhiêu thợ dưới quyền hắn đều là tù đi đày cả nhưng để ý đến những thằng người khốn khổ ấy làm chi cho mệt? Với kỹ sư trưởng Lenya thì chỉ cần hoàn thành công tác đúng đề án, đúng dự liệu. Có chậm trễ, trở ngại là trừng phạt. Phạt thằng sếp đốc công nào đó hay tổ A. trại B. gì đó là đủ. Chúng bắt buộc phải tự xoay sở để làm cho đủ, cho kịp. Bằng không thì… Kỹ sư trưởng khỏi cần biết, khỏi thắc mắc về năng suất hoặc khẩu phần của công nhân.
Những năm chiến tranh có hậu phương nào an toàn bằng Alma Ata? Do đó kỹ sư trưởng Lenya sướng như trời. Đó là một luật bất biến: Chiến tranh thực nhưng thằng nào khổ cứ khổ, thằng sướng còn sướng hơn nhiều! Đó là lúc đầu óc khôn ngoan, ma mãnh của ông Kỹ sư trưởng đã được sử dụng cấp tốc để thích ứng tình thế thời buổi chiến tranh thì kinh tế cũng phải tổ chức theo thời chiến. Tất cả để Chiến thắng, tất cả để phục vụ kỹ nghệ chiến tranh.
Tuy nhiên bản thân ông Kỹ sư trưởng thì chỉ “thích ứng với chiến tranh” ở chút xíu vỏ ngoài. Nghĩa là thay vì bận đồ lớn ca-vạt thì đi đâu cũng chỉ kaki thôi, dù áo cắt theo kiểu cấp tướng (đó là bộ quần áo lúc vô xà lim) và giày phải là giày cao cổ, da láng và đo chân đi cho vừa vặn. Cứ kaki vậy đủ rồi. Cho giống mọi người, mấy thằng đau khổ vì chiến tranh khỏi chửi mà đàn bà con gái vẫn chịu.
Dĩ nhiên ông Kỹ sư trưởng được nhiều đàn bà con gái chạy theo. Họ chạy theo để ăn no, mặc tốt và nhiều trò thú vị. Vì hắn nhiều tiền quá, nhiều tiền công quỹ toàn quyền sử dụng. Ví tiền Lenya lúc nào chẳng căng phồng giấy bạc. Giấy 10 rúp kể như 1 xu và giấy 1000 rúp bằng 1 đồng là nhiều. Hắn không thích giữ tiền, chi tiêu tiếc lắm và lười đếm. Hắn còn mắc đếm, ham đếm một thứ khác. Đó là đàn bà, nhất là những đứa con gái đến để ông Kỹ sư Lenya làm thành đàn bà!
Ngay trong xà lim hắn kể cho tụi tôi nghe mà còn tiếc hùi hụi vì bị tống vô Lubyanka nửa chừng không đạt tới mức 300. Vì theo Lenya, hắn mới “phá” được có hai trăm chín mươi mấy em! Thời buổi chiến tranh đàn bà nhiều quá, cô độc quá mà! Huống hồ ngoài tiền bạc, quyền thế hắn còn khoẻ không thua gì Rasputin!
Lenya đã hào hứng khoe vậy và có thể đúng thế vì trông hắn quá đỗi dồi dào sinh lực. Hắn còn sốt sắng và sẵn sàng vẽ lại từng chiến công thích thú có điều tại tụi tôi không muốn nghe mà thôi. Phải nhìn nhận là hắn đã “xài” đàn bà con gái theo nhịp độ hối hả quá. Những năm qua có gì đe doạ hắn mà Lenya phải quá vội vàng sợ không kịp hưởng thụ? Ai đời hưởng thụ khoản này mà quơ một mớ như mớ cua, mớ ốc, xốc đều lên và “làm thịt” xong con nào là liệng phắt cái vỏ!
Trong con người của gã kỹ sư Lenya V.Z. có nhiều thói quen tiêm nhiễm. Với hắn cái gì cũng bỏ được, uốn được hết cũng như quen hoạt động, quen chân chạy vạy. (Những bữa bối rối thì trong xà lim hắn cũng lồng lên như ngựa, biên bản hùng hục dám đụng đổ bất cứ cái gì!). Hắn quen ở trong một môi trường của những cấp chỉ huy (như hắn) mà chuyện gì cũng có thể tạo ra được, điều đình được và che giấu được. Hắn chỉ quên một điều căn bản: danh vọng càng lên càng nhiều kẻ ganh người ghét.
Chừng gặp ông điều tr.a viên, lật hồ sơ ra coi thì Lenya mới hỡi ôi! Hắn đã “có hồ sơ” từ 1957, sau một bữa nhậu say đã nói bậy gì đó và tất cả đã được báo cáo về cơ quan hết. Sau đó là nhiều thư tố cáo, nhiều tờ trình bất lợi ở nhiều nơi (đi chơi với gái dĩ nhiên phải nhiều nơi đông đảo, làm sao nhớ nổi!). Lại có một phúc trình dài tố cáo năm 1941 hắn đã vô tình lần chần ở lại Mạc Tư Khoa có ý đợi giặc Đức chiếm thủ đô. Sự thực hắn có ở quá ít ngày nhưng chỉ để thu xếp cho một em nào đó.
Dĩ nhiên quen ăn vụng hắn phải biết chùi mép nào ngờ có Điều 58 Hình Luật! Bao nhiêu tang chứng, tố cáo lẽ ra chưa đổ lên đầu Lenya nếu hắn không quá khinh suất quá tự tin đến độ không chịu cung cấp một số vật liệu cho một ông Công tố xây nhà mát. Thế là một hồ sơ đang ngủ yên bỗng được khui ra và chuyển động ầm ầm (lại thêm một nạn nhân của Mật Vụ Mũ Xanh!).
Năng lực văn hoá cũng như nhãn quan của ông Kỹ sư Lenya V.Z. có thể tóm gọn trong một điều sau này: Hắn ta nhất định tin rằng có tiếng Gia Nã Đại! Trọn 2 tháng nằm trong xà lim có ai thấy hắn đọc nổi một cuốn sách, hay trọn một trang sách? Lâu lâu chỉ đọc một đoạn, đọc cho quên cái vụ điều tra. Theo lời hắn ngay cả ở ngoài đời hắn cũng không thêm đọc sách. Bận rộn quá mà. Hắn cũng biết Pushkin nhưng cứ tưởng tác giả truyện Tiếu lâm. Còn Tolstoi là Ủy viên Hội đồng Xô Viết Tối cao!
Về mặt Đảng, liệu ông Kỹ sư Lenya V.Z. có trung kiên tới 100%? Có phải là thứ cán bộ kỹ thuật cao cấp mà Đảng đã quyết đào tạo để trám vào chỗ của những Palchinsky, Von Meck? Hoàn toàn không mới là kinh ngạc! Tụi tôi nhiều lần kể chuyện chiến tranh và tôi xác nhận là ngay từ đầu đã vững tin ta thắng, Đức nhất định thua. Hắn nhìn tôi chòng chọc, không tin. Hối thúc hắn nghĩ sao cứ nói thực, đừng sợ thì Lenya ôm đầu chán chường: “Sasha, tôi cho rằng Đức thắng chắc! Vậy bây giờ mới thế này…”
Chao ôi, một cán bộ cao cấp từng “góp phần vào chiến thắng vinh quang” như hắn mà cho rằng Đức thắng chắc, chỉ đợi ngày chúng tới! Đâu phải hắn thân Đức mà chỉ vì từng ở bên trong, được biết quá nhiều về tiềm lực kinh tế của ta. Chỉ những thằng không biết gì như tôi mới “vững tin ta thắng”.
Bị tống vào xà lim ai chẳng buồn bực. Tụi tôi cũng vậy, nhưng đâu đến nỗi đau khổ bằng hắn. Tụi tôi còn trấn an hắn rằng tối đa hắn cũng chỉ 10 năm, ở tù hắn cũng được làm tù cha chú chớ không bị ngược đãi hành hạ như bọn này. (Quả nhiên như vậy thực). Nhưng Lenya không bớt rầu rĩ mà vẫn đau khổ vì đang “lên” chói lọi rớt cái độp. Con người ta chỉ có một cuộc đời, đời hắn từng hưởng thụ sung sướng quá đâm luyến tiếc, 36 năm nay chỉ biết có bấy nhiêu! Thế là ngồi ôm đầu gục mặt xuống bàn hay ngửng mặt nhưng cặp mắt ngơ ngẩn xuất thần, hắn ư ử một bài ca sầu:
Đau đớn cho thân phận đứa mồ côi là tôi
Bị bỏ rơi từ những tháng ngày thơ dại
Ai thèm nhớ đến đứa trẻ mồ côi…
Thường thường chỉ vài câu thế thôi là Lenya ôm mặt khóc nức nở. Làm như nỗi đau khổ trào lên, phá vách ngục ra không nổi nên hắn phải nén xuống và bật ra thành tiếng khóc vậy.
Hắn thương thân và thương vợ. Cứ 10 ngày một lần – vì nhiều hơn không được – người vợ mà hắn đã bỏ bê từ lâu lại tiếp tế cho hắn một mớ đồ ăn nhà giàu: nào bánh mì thứ chiến nhất, nào bơ, trứng cá muối, thịt bê, cá chẽm. Mỗi người bọn tôi được hắn mời một kẹp bánh mì, một ít thuốc lá. Bao nhiêu thức ăn được hắn bày ra trước mặt để ngắm nghía, hít hà chán rồi mới thưởng thức. (Đồ tiếp tế của ông kỹ sư như vậy chớ đâu phải mấy củ khoai xám ngắt của chiến sĩ cách mạng bóng tối Fastenko!).
Mỗi lần “ngắm” thức ăn là Lenya lại khóc rưng rức, khóc hăng gấp đôi. Rồi lên giọng kể lể, thương xót cho những giọt nước mắt của vợ hắn ngày nào! Nào khóc vì bắt gặp thư tình chồng nhét túi quần, noà khóc vì móc túi áo lạnh của chồng thấy cả đồ lót của đàn bà, chắc là vội vàng trên xe hơi rồi quên mất.
Đặc biệt là mỗi lần khóc vì cảm thương thân phận thì cái vỏ cán bộ cao cấp của hắn rơi mất để lộ nguyên hình một con người thành thật bị đời hành hạ. Không ngờ một người như hắn có thể nức nở quá dễ! Theo nhận xét của Arnold Susi, người bạn đồng xà lim người Estonia có mái tóc muối tiêu thì đây chỉ là một thứ luật thừa trừ: “Những đứa tàn ác bao giờ cũng đa cảm, dễ xúc động. Với dân Đức đó là đứa dân tộc tính!”
Trong số 5 người nằm chung xà lim, Fastenko lại là người vui vẻ, yêu đời nhất, dù chỉ một mình ông ta là không hy vọng gì ngày trở về với tự do. Ông ta ưa quàng tay tôi ngâm câu thơ: “Đứng lên nói sự thực. Nói xong vô tù ngồi” hoặc dạy tôi một khúc ca của dân tù khổ sai thời Nga hoàng:
Anh em ta dù bỏ xác nơi đây
Giữa ngục tù khổ sai sủng nước
Là để cho lớp con cháu sau này
Đường chính nghĩa thênh thang cất bước.
Tôi tin vậy. Và mong sao những trang sách này giúp niềm tin của bạn tù già Fastenko trở thành sự thực.
*
Một ngày nằm xà lim là 16 tiếng chui rúc, chẳng biết tin tức bên ngoài nhưng vẫn là 16 giờ đáng sống đến độ giờ đây phải đợi xe buýt 16 phút tôi thấy nhàm chán, phí thì giờ hơn nhiều. Chẳng có gì là biến cố đâu nhưng đêm nào tôi cũng mừng thầm vì ngày vừa qua quá ngắn. Có vô đây mới học được cung cách nhìn ngắm những chuyện vặt vãnh ở đời qua tấm kính phóng đại.
Khó chịu nhất là 2 giờ đầu trong ngày, lúc nghe tiếng khó mở lách cách rồi cửa mở bật. Luật lệ của Lubyanka dù chỉ để hô “đến giờ dậy rồi” cũng phải mở cử cũng như cánh cửa xà lim nhà lao này không có “lỗ thông”.
Ở hầu hết các nhà giam cửa phòng đều mở một lỗ nho nhỏ, hạ cánh xuống có thể làm bàn viết đỡ. Giám thị muốn nói gì hay đưa thức ăn, đưa giấy tờ bắt ký cũng nhét qua những “lỗ thông” này.
Nghe hô “Đến giờ dậy” là phải ngồi bật dậy dọn giường và ngồi lù lù bất động hoặc ngồi ngó bóng đèn. Dậy không để làm gì cả nhưng lối dựng dậy đúng 6 giờ sáng của khám Lubyanka là một đại nạn: Đầu óc còn ngái ngủ, thân xác mệt đừ mà xà lim lại oi bức chịu không nổi, nhất là vừa bị điều tr.a viên “quay” suốt đêm. Thèm ngủ lắm mà bị dựng dậy mới đau khổ! Đừng mong ngủ lén qua mặt sếp gác, dù dựa vào tường, chống tay lên bàn vờ đánh cờ hay giả vờ mở cuốn sách đặt trên đầu gối. Lập tức sẽ có tiếng mở khoá lách cách cảnh cáo. Sau đó cánh cửa xà lim có thể khe khẽ mở không một tiếng động (nghề của bọn gác khám Lubyanka) để một gã cai sếp luồn vô như một bóng ma, chộp cổ quả tang. Thằng ngủ lén hết chối cãi sẽ giật bắn mình chịu phạt. Hoặc là cá nhân nó bị nhốt cát-xô hay cả xà lim bị phạt oan ức: Tịch thu sách, cấm ra ngoài xả hơi. Hình phạt bao nhiêu thứ đã kê sẵn danh sách, dán ngay trên vách. Muốn đọc dễ quá nhưng phải tinh mắt, nếu cần mang kính là hỏng vì giờ này đâu đã được giữ kính. Giờ này còn là giờ cấm, “nội bất xuất ngoại bất nhập”, không được phép mang ra mang vô bất cứ cái gì, tuyệt đối cấm hó hé. Điều tr.a viên mệt mỏi suốt đêm còn lo ngủ bù, giám thị thì mới sửa soạn dậy. Chỉ có các toán vertukhai – nghĩa đen là chuyên viên mở khoá – thường xuyên đi kiểm soát, một phút một lần vén tấm màn che ngó qua lỗ hổng không sai chạy.
Cũng trong khoảng 2 giờ đầu có một thủ tục quan trọng: gã gác khám ẽ mở cửa vô ra lệnh “Đứng dậy. Giờ vệ sinh”. Chính hắn sẽ chỉ định thằng nào phụ trách “đổ cầu” chứ không cho phép từ tự cắt cử lấy. Thế rồi đi hàng một, thằng bưng thùng thiếc có nắp đậy đi trước, tất cả theo sau, hai tay đưa ngay ngắn ra sau lưng. Tới địa điểm “công tác vệ sinh” tất cả lại bị dồn vô trong, khoá cứng cửa lại sau khi mỗi thằng được phát một miếng giấy chùi cỡ nửa bàn tay.
(Lao Lubyanka phát giấy trắng nên công tác vệ sinh đâm buồn bã. Mọi nơi khác là giấy in, xé từ cuốn sách nào đó ra. Thằng tù có dịp đọc “giải trí”, cầm miếng giấy có thể đoán thuộc loại gì, xé ở cuốn nào ra và sau khi đọc ngấu nghiến bỗng bực bội vì bị xé ngang. Lúc bấy giờ có thể đổi trang cho nhau để “học hỏi” thêm vì nhà lao ưa phát giấy xé từ Bách khoa Từ điển ra lâu lâu còn có tác phẩm lớn nữa!)
Đọc đến đây thế nào cũng có bạn chê “Chuyện đó mà cũng kể cho bẩn văn chương”. Xin nhắc lại là chuyện đó hẳn nhiên là chuyện cần thiết mà sáng ra ai làm được còn tốt nữa. Đối với Lubyanka thì được sử dụng để hành hạ tù nhân, lại hành hạ tinh thần mới là đau khổ! Đâu phải tình cờ có lệ “công tác vệ sinh” sáng sớm tinh mơ.
Trong tù ăn uống thiếu thốn, vận động đi lại quá ít nên cơ thể quen làm biếng, nhất là sau giấc ngủ. Có dễ gì vừa mở mắt dậy, chưa làm gì hết đã “đi” nổi? Chưa “đi” hết hay “đi” chưa ra đã hết giờ, bị kêu ra, lên xà lim trở lại, nhốt kín cho đến sáng hôm sau. Trọn ngày vừa hồi hộp lo bị kêu lên điều tra, vừa ăn vô uống vô lại gặp bao nhiêu chuyện vụn vặt trong này mà đến lúc muốn “đi” không được đi thì không khó chịu sao? [12] Người tự do hiểu sao được sự sung sướng được đi cầu? Làm sao hiểu nổi chính nhu cầu bình thường, nhỏ nhặt đó đã thực sự hành hạ, dằn vặt nạn nhân cỡ nào ngay từ lúc ở phòng “công tác vệ sinh’ về và mỗi lúc chiến sĩ một khó chịu khẩn trương thêm. Bực bội đến độ không muốn đọc, không muốn suy nghĩ, không muốn nói và không muốn đụng chạm cả đến một tí đồ ăn kia mà.
Luật chỉ cho đi cầu về buổi sáng ở Lubyanka – cũng như mọi luật lệ ở các nhà giam khác – quả là ác độc. Mới đây chỉ là một phát giác tình cờ sau thấy hiệu nghiệm quá, tại sao không áp dụng luôn? Lính gác chỉ đổi phiên này 8 giờ sáng, 8 giờ tối nên giờ “cho đi vệ sinh) thích hợp nhất là trước lúc đổi phiên, cho đi một loạt cho dễ kiểm soát. Đâu thể cho từng đứa đi vào giữa phiên để mất công đưa đi đưa về, canh chừng phiền phức mà nhà nước cũng chẳng trả thêm một xu lương. Cũng như kính đeo mắt là phải giữ đến lúc đổi phiên 8 giờ sáng mới trả luôn nhất loạt cho tiện.
8 giờ sáng thấy cửa xà lim lần lượt mở ra phải hiểu là giờ mang trả kính. Nếu chưa thấy trả thì ráng đợi, gõ gõ cửa ra hiệu hỏi xà lim bên đã trả chưa là có chầu phạt nặng.
Cặp kính coi vậy cần thiết lắm chớ. Fastenko chỉ cần kính những lúc đọc sách như Susi không có kính đâm ngó láo liên. Vả lại hắn mang kính vô, cặp kính gọng đồi mồi thích hợp với khổ mặt xương xương trông rõ ra dân học thức. Mà Susi là trí thức chính hiệu, xuất thân Đại lục Petrograd ban Sử và ban Triết nên dù có trở về Estonia sinh sống 20 năm vẫn nói tiếng Nga làu làu, văn vẻ. Ngoài tiếng Estonia ra hắn còn rành rẽ tiếng Anh, tiếng Đức vì thời gian học luật ở Tartu hắn vẫn đều đều theo dõi tuần báo Ăng-lê Economist cũng như mấy tờ báo Đức tổng hợp mà. Có thể nói Susi là một học giả tiêu biểu của Âu châu, từng chịu khó nghiên cứu Hiến pháp, tổ chức luật pháp nhiều nước mà hành nghề luật sư ở Estonia cũng nổi tiếng “ông thầy cãi có cái lưỡi bằng vàng”!
Thấy có tiếng lịch kịch, xôn xao ngoài hành lang là biết sắp có ăn. Một gã lính hậu phương áo choàng xám sẽ chuyển vô một khay bày 5 phần bánh và 10 cục đường. Mỗi phần bánh cổ lệ 453 gam mà lãnh vô còn phải chia lại cho thật đồng đều, từ mấy mảnh vụn vỏ bánh đến chút ruột bánh cũng phải phân chia ra làm 5 phần, tuyệt đối không phần nào hơn phần nào kém. [13] Bắt buộc phải chia đi chia lại thật công bằng nhưng bao giờ cũng vậy, thấy khay bánh vô là gã Kramarenko phải nhỏm dậy chạy ra đỡ để biết đâu chừng dính tay hay “hụt” đi được tí bánh tí đường!
Có khẩu phần bánh chia hàng ngày như vậy mà cũng đến nhiều chuyện. Mà bánh nào có ra bánh, pha đến phân nửa bột khoai tây! Nào chia cách nào cho thật đều. Có nên chia theo kiểu hôm qua chăng? Cắt bằng sợi chỉ hơn hay cứ bẻ ra từ miếng nhỏ bằng tay rồi gom lại…đều hơn? Chia xong mỗi thằng một phần rồi cũng nên ăn ngay một lần hay để dành đến chiều hay để thỉnh thoảng nhón ra một tí nhấm nháp cho đỡ buồn, cho có ăn cả ngày? Hay có bao nhiêu ăn hết rồi làm một bụng nước vô cho no cả ngày?
Dù có một phần bánh ẩm chẳng ra bánh trong tay, con người ta cũng hăng hái đấu hót, bàn tán xôn xao (vì như lời Fastenko, thợ thuyền Mạc Tư Khoa cũng ăn thứ bánh này chớ đâu có thứ nào khá hơn). Không biết thứ bánh này có còn một chút bột mì nguyên chất không hay là thêm thắt những thứ gì ở trong? Thời buổi này thì chắc chắn phải phá phách nhiều nhưng ăn ở vẫn cứ được! Bánh mì bấy giờ đâu phải thứ những năm 1920 về trước. Làm từng ổ đàng hoàng, ruột mềm xéo trắng tươi như bông. Bao giờ cũng mềm mại thơm tho dù lớp vỏ ngoài vàng sẫm giòn tan và phía dưới luôn luôn sem sém làm như còn dính tí tro than trong lò vậy. Thứ bánh quý giá bánh bột mì thiệt đó lấy đâu ra bây giờ? Bọn trẻ sanh năm 1930 trở lại đâu được biết mùi vị miếng bánh thiệt ra nó thế nào! Nhưng thôi, bỏ qua vụ bánh mì cho rồi! Mình đồng ý cấm đề cập đến thức ăn kia mà.
Sau vụ án đến nước uống. Hành lang lại nhộn nhịp giờ chia nước trà. Một gã quân nhân khác, vẫn áo khoác xám phụ trách. Bình trà trong xà lim được chuyền hết ra ngoài để hắn trút từ thùng lớn xuống. Hắn trút đã quen, trút ào ào để nước trà vô bình một phần, lọt ra ngoài hành lang một phần. Đỡ phải đổ nước khác để chùi cho hành lang sạch bóng như hô-ten hạng nhất. [14]
Có bánh mì, có nước trà rồi thì ráng đợi thức ăn chính. Có cái gì và thức ăn cũng phát làm 2 lần kế nhau, khoảng 1 giờ trưa và 4 giờ chiều. Tù Lubyanka bắt buộc phải ăn dồn 2 bữa gần như làm một, đại khái 4 giờ chiều ăn và ráng nhịn đến 1 giờ trưa hôm sau. (Sự thực đây không phải nhà lao muốn hành hạ mà chỉ vì Cán bộ Hoả đầu vụ muốn cho tiện việc để về sớm.)
Cỡ 9 giờ sáng có sếp hành lang tới viếng. Quen nghe từng tiếng giày gõ, tiếng ổ khoá mở lách cách nên nghe cồm cộp, loảng xoảng lớn hơn, hách hơn là biết ngay ông Trung úy phụ trách nguyên một khu (tức một dãy lầu) chớ chẳng phải giám thị thường. Ông sếp hành lang sẽ bước vô, đi 2 bước, đứng thẳng người gườm gườm nhìn cả bọn. Dĩ nhiên chúng tôi phải đứng lên hết, không dám hỏi có phải chính trị phạm hồi trước không bắt buộc phải đứng lên không, vì Trung úy không có nhiệm vụ điểm danh. Đó là đại diện nhà lao theo thủ tục vô để thăm hỏi coi tù có gì thắc mắc, khiếu nại không. Trên thực tế thì chính người vô để không cho phép khiếu nại, thắc mắc gì hết. Cứ thấy vẻ cứng nhắc, gườm gườm, không muốn phát ngôn thừa thãi của ông Trung úy là có thắc mắc cũng chẳng dám nêu chắc.
Vì chúng tôi đâu được biết quyền hạn được thắc mắc những gì. Thắc mắc vì đôi giày rách, hay khai đau? Khai đau thì được cho đi khám bệnh là cùng mà bác sĩ Lubyanka thì lầm lì, hà tiện lời nói như tất cả cán bộ Cơ quan. Bệnh gì cũng chỉ hỏi một tiếng: “Đau hả?”. Kể lể dông dài là đuổi cổ. Răng đau ư? Nhổ. Hay muốn xài thạch tín? Trám răng? Ở đây khỏi có trám. (Khốn nạn, trám răng thì nhân đạo quá!)
Đã vô đây là phải biết…ít nhất y sĩ và điều tr.a viên cũng cùng một phe. Y sĩ Cơ quan trợ giúp đắc lực cho kẻ tr.a tấn nên thiếu gì nạn nhân ăn đòn ch.ết ngất đi chừng tỉnh dây ngài nghe ông thầy bảo điều tr.a viên: “Tiếp tục được đấy. Mạch nhảy bình thường”. Có kẻ chịu đựng nămn gày năm đêm ngất ngư dưới cát-xô mà ông thầy vẫn định bệnh: “Cứ việc lấy cung tiếp đi”. Trường hợp bị tr.a tấn, mà ch.ết thì y sĩ Cơ quan sẽ ký ngay y chứng: Đương sự từ trần vì sưng gan vì mạch máu nghẹt ở tim. Nạn nhân có hấp hối chờ ch.ết dưới cát-xô thì nhiệm vụ y sĩ là chờ cho nó ch.ết luôn. Làm khác đi thì thuyên chuyển đi chỗ khác gấp.
Chúng tôi không dám có thắc mắc. Nhưng mật báo viên Kramarenko có chớ. (Hắn nói bị câu lưu điều tr.a mười một tháng rồi và chỉ phải lên lấy cung ban ngày). Hắn giơ tay xin nói. Muốn gì? Gặp giám đốc nhà lao. Giám đốc nào, ông số 1 Lubyanka? Đúng vậy. Thế là hắn được lấy tên tuổi và buổi chiều tối được kêu lên, đúng giờ thẩm vấn viên sắp làm ca đêm. Lát sau hắn trở về xà lim trong túi có một mớ thuốc lá.
Cứ kể gài một báo viên cách đó thì lộ liễu quá. Nhưng làm sao hơn, khi chưa đủ điều kiện gài mi-crô sau vách tất cả 111 xà lim và chưa thể tổ chức theo dõi ngần ấy đường dây một lúc, 24 giờ một ngày. Đâu có đủ nhân viên. Đành phải xài tạm nasedka vậy. Trong xà lim chúng tôi ông Kramarenko làm ăn coi bộ khổ sở quá! Lắm lúc hắn ta vểnh tai nghe hóng xem bọn tôi nói gì mà phải cố gắng tới đổ mồ hôi hột vẫn không hiểu gì h hết.
Theo quy chế Lubyanka chúng tôi còn một quyền nữa để thay thế cho những quyền tự do báo chí, hội họp, đầu phiếu mà vô đây hẳn là mất. Đó là quyền làm đơn thỉnh nguyện, mẫu đơn có sẵn. Dĩ nhiên là phải có người hướng dẫn. Đó là một ông sĩ quan 1 tháng 2 lần đến tận xà lim, đưa những kẻ nào muốn viết thỉnh nguyện tới một gian nhỏ và kín như phòng đầu phiếu. Ngồi trong đó một mình và trên nguyên tắc muốn viết gởi ai cũng được, dù Lãnh tụ hay Chủ tịch Hội đồng Xô Viết, Tối cao Trung ương Đảng hoặc các đồng chí Bộ trưởng Beria, Abakumov…hay ông Chưởng lý, Giám đốc Nhà lao, Trưởng ban điều tra. Anh muốn thỉnh nguyện cái gì cũng được hết, kể cả vụ tại sao bị bắt nằm đây. Vì thực tế là thỉnh nguyện thư của anh sẽ nằm ch.ết trong một tập hồ sơ nào đó và nhân vật cao cấp nhất có thể để mắt coi không ai ngoài chính ông điều tr.a viên của anh!
(Tuy nhiên anh không thể kêu ca là bản thỉnh nguyện của anh không được gởi đi. Bằng chứng đâu? Và sợ rằng có người coi cũng chẳng thể đọc ra vì tờ đơn thỉnh nguyện chỉ lớn hơn tờ giấy vệ sinh hồi sáng một chút mà giấy thì quá xấu. Bút nếu không cùn ngòi cũng móc câu, có ráng nắn nót thì cũng chỉ viết được hàng tựa THỈNH NGUYỆN. Chưa xong chữ THƯ đã muốn liệng đi vì giấy xấu, nhòe cả sang mặt kia.)
Vấn đề quyền hạn có thể chấm dứt ở đây. Một là vì cán bộ phụ trách có quyền lờ đi và hai là có nhiều quyền hạn đến mấy mà chỉ thuần túy trên giấy tờ thì thà không biết đến cho xong!
Đến giờ điểm danh là thấy bóng các điều tr.a viên vô tận xà lim đứng ngó để “chuyên viên mở khoá” kêu tên điểm từng người. Mấy ông gác khám, ưa làm ra vẻ bí mật kêu tên ai cũng chỉ xách mé có một chữ tắt: “S. đâu? Ai tên S. đâu?”. Hoặc tên ai đầu chữ có T. đứng lên!”. Dĩ nhiên anh phải đủ thông minh và nhanh trí để biết xà lim này không có ai tên T. tên S. đâu ngoài anh để đứng bật dậy.
Lối điểm danh bằng một chữ đầu được áp dụng để “bảo mật” phòng trường hợp giám thị kêu lên xà lim: Gọi cả tên ra có khác nào thông tin cho tù biết tên… tên… cũng đang nằm trong Lubyanka này. Làm như chúng tôi không có một cách nào liên lạc thông báo cho nhau biết tình hình nhà giam vậy trong khi tin tức vẫn truyền đi đều đều vì nhốt quá nhiều người bắt buộc phải đổi phòng hoài hoài và dân mới tới bao giờ cũng muốn có chuyện lạ kể cho anh em cùng biết.
Do đó tụi tôi nằm lì ở xà lim lầu 4 mà không lại gì “chuyện nội bộ” khu nhà hầm, khu lầu một, khu lầu hai, tối tăm dành nhốt phụ nữ, khu lầu 5 phụ (lầu cao quá làm thêm gác xép lưng chừng được mà) và khu lầu 5 chót vót với xà lim lớn nhất mang số chót 111. Chẳng hạn trước khi tôi vô, nhà văn chuyên viết truyện nhi đồng Bondarin cũng nằm xà lim 67 sau khi nằm lầu 2 giữa khu phụ nữ cùng với một nhà báo Balan. Có thằng từng nằm chung với Von Paulus, nghe nó kể lại đâu còn sót chuyện gì về ông Thống chế Đức.
Sau giờ điểm danh kêu đi thẩm vấn là những thằng còn được ở lại xà lim có quyền hưởng nguyên một ngày thong thả, không sợ “công tác nhà lao” lắm. Chẳng hạn 15 ngày 1 lần mới phải thanh toán lũ rệp ở ghế bố bằng đèn xì. (Đó là chuyện ngược đời: cây quẹt thì cấm, muốn mồi điếu thuốc phải năn nỉ kín mấy ông gác khám nhưng đèn xì của nhà lao thì sẵn sàng để sử dụng!). Hoặc một tuần lễ 1 lần phải ra ngoài hành lang hớt bớt mớ tóc, mớ râu… chớ không phải được hớt tóc. Hoặc lau chùi, đánh bóng sàn xà lim, hành lang. Nếu không thiếu ăn đến độ làm bất cứ việc gì cũng mau mệt không ngờ thì công tác chùi sàn còn hứng thú là khác. Ít ra cũng có dịp chuyển thân thể lau tới lau lui cho đỡ buồn.
Vào khoảng tháng Ba nhờ phải tiếp nhận thêm một dân mới mà cả 5 người xà lim 67 chúng tôi được chuyển hết sang một xà lim vào hạng sang nhất Lubyanka là xà lim số 53. (Cũng may mà Lubyanka không có lệ bắt tù ngủ đất mà cũng không gắn thêm giường treo dựng lên vách!). Xà lim mới của chúng tôi phải gọi là phòng hô-tên có hạng mới đúng: Nó là phòng ngủ mà Công ty Bảo hiểm dành riêng cho quý khách nên trần nhà cao ngoài 5 mét [15] . Cứ giường 4 tầng xếp vô dám nhốt 100 mạng còn bảo đảm rộng rãi. Cách cửa sổ khổng lồ, rộng mênh mông cao hơn đầu người, nhưng 4 phần 5 che lưới sắt đầy, bản lề thép đóng kỹ rõ ra là xà lim.
Đối với chúng tôi thế là quý hoá chán vì nhờ chỗ 1 phần 5 không bưng bít mà những ngày đẹp trời mắt còn nhìn thấy một vài tia ánh sáng mặt trời chắc là từ bờ tường nhà lao hay cửa sổ lầu 6 lầu 7 phản chiếu sang. Nhưng dù phản chiếu cũng là ánh nắng. Chúng tôi trìu mến ngắm nó bò ngược dần vách xà lim từ dưới lên trên, căn cứ vào đó để đoán giờ cơm, giờ được ra hứng gió. Cỡ gần bữa cơm trưa là nó “ra” khỏi xà lim!
Ở xà lim sung sướng thế là cùng! Lại còn được ra ngoài hứng gió, được đọc sách, được kể chuyện, thảo luận và bữa ăn còn có 2 món nữa!
Nói về vụ ra hứng gió thì ở Lubyanka chỉ những thằng kẹt ở các lầu 1, 2, 3 chịu thiệt thòi vì sân chơi giống hệt đáy giếng: một mảnh sân con con, ẩm thấp giữa 4 bề nhà cao vút. Dân lầu 4 lầu 5 đỡ khổ vì được đưa lên chuồng chim nóc lầu 5, một mảnh sân xi măng 4 vách cao bằng 3 đầu người. Lính gác áp giải không mang súng, đã có lính canh ở vọng gác chĩa đại liên xuống. Nhưng giờ hứng gió vẫn sung sướng ở chỗ hít không khí thực, được nhìn mảnh trời thực!
“Tay đưa sau lưng… Hai người một cặp… Cấm nói, cấm đứng”. Khẩu lệnh nhiều lắm nhưng họ quên bắt chúng tôi ngửa mặt ra sau. Vì đi hứng gió tụi tôi thằng nào chẳng ngước mắt ngắm trời, không phản chiếu không giả tạo. Một ông mặt trời ở trên cao, mấy tia nắng xuyên qua những đám mây.
Chao ôi, mùa Xuân mùa hứa hẹn. Với thân phận tù tội thì bầu trời xuân đẹp gấp 10 lần. Tôi ngước nhìn mảnh trời tháng tư và cảm thấy tù tội chẳng nghĩa lý gì. Đâu đến nỗi ch.ết bắn mà sợ? Ở chốn này chắc chắn tôi sẽ khôn ngoan hơn nhiều, chắc chắn sẽ còn thấu hiểu nhiều.
Đây là lúc tôi sẽ nhìn lại những lầm lỗi của mình để sửa chữa.
Tôi ngước nhìn Trời, thành tâm tin tưởng vậy. Phía dưới từ một đáy giếng nào vang vọng lên loạt âm thanh đều đặn: nhịp còi xe hơi, những chiếc xe đang lượn vòng vo trên công trường Dzerzhinsky. Tôi có cảm tưởng những người đang lái xe chạy theo hồi còi bên dưới ấy chỉ là những cây kèn xe không hơn không kém, rõ ràng không có nghĩa lý gì.
Thời gian hứng gió chỉ có hai mươi phút nhưng điều đáng kể là đã chủ tâm vào đó tới cỡ nào và làm được những gì.
Trước hết nhờ được đi ra đi vô nhiều lắm, có thể hình dung được vị trí của toàn bộ nhà lao Lubyanka để ấn định vị trí từng nơi, từng chỗ để sau này ra ngoài đời có dịp đi dạo quanh công viên chơi có thể chỉ rõ từng nơi từng chỗ một. Từ xà lim lên chuồng chim đường đi vòng vo lắm nhưng tôi có cách tính riêng: khởi đi từ xà lim cứ rẽ tay mặt là cộng (+) 1 và rẽ tay trái là trừ (-) 1. Dù có bị dẫn đi thật nhanh vấn đề không phải là ghi nhận đi vòng vo như thế nào mà chỉ cần cộng, trừ cho đúng tổng số. Sau đó qua các cửa sổ cầu thang, nếu nhìn thoáng thấy phần lưng của các pho tượng nữ thần ngã người tựa bồn nước cao ở chính giữa công viên Lubyanka và nhớ cho đích xác lúc nhìn thấy đếm tới số bao nhiêu thì lúc trở về xà lim làm lại con toán sẽ biết ngay cửa sổ xà lim trông ra đâu.
Dĩ nhiên hứng gió phải chú tâm vào việc hít thở khí trời càng nhiều càng tốt. Đi ngước nhìn trời còn là một dịp nhìn lên, vạch trước bước đường tương lai không nhầm lẫn không sa đoạ. Lúc xếp hàng đối đi hứng gió cũng là lúc thuận tiện nhất để ngỏ cho nhau những chuyện kín đáo nhất. Đang đi cấm nói chụ thật nhưng thiếu gì cách nói không thể cấm được? Dù chuyện tối mật cũng chẳng sợ bị chỉ điểm nghe hóng hoặc mi-crô bắt dính.
Giờ hứng gió tôi ưa đi cặp cùng Susi. Có những chuyện không nên nói trong xà lim, phải đợi lúc này chắc ăn hơn. Mới đầu không quen nhưng dần dà Susi kể cho tôi nghe nhiều chuyện, hé mở cho tôi cả một chân trời mới. Từ nhỏ tôi chỉ lo học hỏi lịch sử Cách mạng Nga và không biết, không cần đọc gì ngoài chủ nghĩa Mác-xít. Định mệnh đưa đẩy tôi gặp Susi, một mẫu người khác hẳn. Hắn say sưa kể về xứ sở Estonia, tới tự do dân chủ.
Có bao giờ tôi để ý tới mảnh đất Estonia, tới tự do dân chủ trưởng giả! Giờ tôi chăm chú nghe Susi nói về 20 năm sống giữa lòng đất Estonia, xứ sở nhỏ bé của những con người có chí, cần cù nhẫn nại nếp sống trầm lặng, chắc chắn. Còn bản Hiến pháp Estonia, đúc kết tinh hoa Âu Châu, còn Quốc hội 100 ghế với sinh hoạt nghị trường.
Thật khó giải thích tại sao tôi chăm chú theo dõi chuyện Susi đến thế và chịu lắm. Thảo nào hắn từng nhận định tôi là mẫu người kỳ lạ nửa Mác-xít, nửa dân chủ. Hồi đó bên trong con người tôi quả là một xáo trộn thiệt!). Tôi thấy thương cho mảnh đất Estonia nhỏ bé từ bao đời mắc kẹt trong thế trên đe dưới búa, hết Teuton đến Slav. Hết nạn Đông đến nạn Tây, hết hoạ này đến hoạ khác, đến bây giờ chưa hết. Năm 1918 đã bị Nga toan thôn tính một lần nhưng nhất định không khuất phục. Chuyện đó mọi người biết hết, trừ chúng tôi. Người Estonia tự nhận gốc Phần Lan nhưng cứ bị Nga gán tội “quân cướp phản động”. Rồi học sinh các trường Trung học Estonia xung phong đầu quân. Quân Nga liên tiếp đánh 3 lần: năm 1940, 1941 và 1944. Thanh niên Estonia hết bị Nga bắt lính đến Đức bắt lính nhưng một số vẫn thoát ly vô rừng lập chiến khu. Ở thủ đô Tallinn, các bô lão, trí thức Estonia thảo luận sách lược rút ra khỏi thế gọng kìm, tách ra sống cho yên thân. Sẽ thành lập một chính phủ độc lập, Thủ tướng có thể là Tiel và Bộ trưởng Giáo dục Susi chẳng hạn. Họ kêu gọi các cường quốc nhưng Roosevelt, Churchill lờ đi. Chỉ một mình Stalin chiếu cố. Ngay sau khi vào thủ đô Tallinn, trong một đêm Hồng quân săn bắt bằng hết những chính trị gia sống trên mây, đưa 15 thủ lãnh Estonia về Mạc Tư Khoa tống vô lao Lubyanka, mỗi người một xà lim để “lập thủ tục” truy tố về tội đòi tự trị, chiếu khoản 2 điều 58 Hình Luật.
Sau 20 phút được ra ngoài trời mỗi lần về xà lim là một lần ngột ngạt như ở tù một lần nữa, dù xà lim 53 cao ráo là thế. Giá mỗi lần đi hứng gió về được ăn một cái gì thì tốt biết mấy! Nhưng thôi nói chuyện ăn làm chi cho mệt thân! Lúc bấy giờ thằng nào có đồ ăn nhà tiếp tế giở ra ăn thì quả là bất hợp thời và vô ý thức. Bộ nó tính huấn luyện anh em nhịn thèm, chống cự cho quen chắc?
Ngay cuốn truyện đang dọc dở tác giả cứ tả dềnh dàng, tả quá kỹ những mục ăn uống cũng liệng bỏ? Chịu hết nổi.
Gogol là bỏ cái một, cả Chekhov nữa. Truyện gì mà chỗ nào cũng có ăn uống ê hề! Coi “chàng thấy ngán ăn, không muốn ăn chút nào hết. Vậy cũng phải nuốt cho xong miếng bít tết bò con và ly la-ve. Chàng chàng khốn nạn! Thà đọc truyện ma còn hơn. Trong tù phải đọc Dostoyeski, dù lâu lâu Dos cũng nhét một câu, đại khái: “Bọn con nít thế là đói. Mười ngày liền có gì ăn đâu, ngoài bánh mì xúc xích?”.
Ở Lubyanka chỉ có cái thư viện là được mụ quản thủ tóc vàng người ngợm xấu quá thể. Thân hình vạm vỡ, lùng sục như ngựa càng trưng diện mụ càng tệ hại thêm. Nguyên một mặt trát bự phấn trơ trơ như khuôn mặt búp bê, son môi tím thẫm và lông mày nhổ đi tô bút chì đen sì.
Đồng ý trang điểm thế nào là quyền của mụ…nhưng nếu mụ có duyên một chút thì tụi tôi nhìn cũng đỡ khổ phần nào. Không lẽ quản thủ thư viện Lubyanka cũng phải xấu để hành tụi tôi?
Nhưng dù sao có mụ còn hơn không vì 10 ngày một lần mụ đi thâu lại sách cũ, hỏi muốn đổi những cuốn gì. Tụi tôi đọc tên sách, tên tác giả mụ đứng thẳng người như cây gỗ, lầm lì không biết có nghe thấy hay không (đúng tác phong cán bộ Cơ quan). Từ lúc mụ ôm sách cũ về và sách mới chưa thấy đến là chúng tôi nôn nao chờ cả mấy giờ liền. Bao nhiêu sách cũ lấy từ xà lim về nhân viên thư viện phải lật giở từng tờ, khám xét từng hàng chữ để kiểm dấu vết khả nghi. Những chỗ đánh dấu, hoặc dấu chấm hoặc gạch bằng móng tay. Phạm nhân đang giam cứu thiếu gì cách mượn sách thư viện, dùng ám hiệu để thông tin, liên lạc kín. Thư viện mà phát giác ra một vết móng tay khả nghi thì dù không làm cũng bị coi là thủ phạm: Nhẹ bị truất quyền đọc sách 3 tháng, nặng thì cả xà lim đi cát-xô và còn bị điều tr.a nữa!
Nằm xà lim đọc sách là khoảng thời gian nghỉ ngơi lý tưởng trước khi bị tống vô trại Cải tạo đày đoạ nên cấm đọc sách quả là cực kỳ đau khổ. Mấy giờ chờ sách tụi tôi hồi hộp nhiều khi phát run hệt như cậu nhỏ gởi lá thứ nhất mà người đẹp chưa hồi âm. Chừng có sách mới yên chí. Ít ra cũng có gì đọc trong 10 ngày. Nếu số sách cho mượn bị bớt thì phải hiểu là bị cảnh cáo. Sách mượn về không đọc, chỉ chuyện tò bậy. Còn đúng quy chế Lubyanka thì sách cho mượn cũng như bánh mì phát ra cứ tính đầu người. Mỗi người một cuốn, xà lim càng đông càng mượn được nhiều.
Thư viện Lubyanka gồm toàn những sách tịch thu từ nhiều nơi gom lại, nên có nhiều cuốn sách cấm, hiếm có mà chủ nhân của chúng đã qua đời, kiếm không ra thì lại nằm sờ sờ ngay trong đống sách của Cơ quan! Mấy chục năm lo lùng kiếm tịch thu sách cấm ở đâu đâu còn trong thư viện nhè lại có đầy đủ mà tù hỏi đến bà quản thủ cũng cho mượn như thường. Có cả sách của Zamyatin, Pilnyak, Romanov còn tác phẩm của Merezhkovsky thì có đủ bộ, không thiếu cuốn nào. Dân tù có máu khôi-hài-đen quả quyết Lubyanka chứa sẵn cả kho sách cấm cho tù mượn vì họ cho rằng đã vô đây kể như chắc ch.ết, cho đọc lần chót. Theo tôi thì lý do giản dị hơn nhiều. Họ cho mượn bừa vì họ có đọc đâu, có biết sách viết gì?
Thông thường chúng tôi đọc hăng nhất trước giờ ăn trưa. Đôi khi đọc xong một câu mà đi tới đi lui, bứt rứt hoài, phải có một người nào đó để trút niềm tâm sự, để phân tích ý nghĩa bằng không chịu không nổi.
Từ đó chuyển sang thảo luận, tranh luận và lý sự mấy hồi? “Cãi nhau chờ giờ cơm” mà.
Người tôi hay cãi cọ nhất là Yuri Y, kẻ thứ 6, người mới mặt nhất trong xà lim.