Chương 12: Công lý lớn lên
Buổi bình minh của công lý cách mạng đã sáng rõ với những bản án tiêu biểu như thế đó, những bản án mẫu làm nền tảng cho một nền Công lý đang lớn mạnh, tiến tới trưởng thành.
Giai đoạn lớn lên của luật pháp Sô Viết có thể kể từ hạ bán niên 1921, nội chiến gần dứt nhưng phía nhà nước cũng lâm cảnh con bệnh gần ch.ết, sau 4 năm dồn nỗ lực chiến đấu mệt nhoài. Đời sống cực khổ hơn bao giờ hết, xăng nhớt cạn, than đốt cũng hiếm, nhiều chuyến xe lửa đã nằm vạ dọc đường, thị dân cám cảnh đói lạnh, thợ thuyền rủ nhau đình công ầm ầm. Sử sách cố nhiên không ghi lại một hàng! Thảm trạng đói khổ biết quy tội cho ai?
Không phải cấp lớn, cấp trung ương. Cấp địa phương cũng không. Muôn tội trút lên đầu bọn Spetsy là bọn cán bộ kỹ thuật – kỹ sư, cán sự, chuyên viên các cấp – được kết nạp để lãnh chỉ thị trung ương hoạch định chương trình, tính toán kế hoạch thực hiện tốt. Nếu trung ương không nắm vững tình hình thì bao nhiêu tội cố nhiên quy trách cho bọn kỹ thuật đặt kế hoạch sai, không cung cấp nổi thực phẩm, nhiên liệu là một con số không to tướng. Kế hoạch thổi phồng, sản xuất không tới mức dự liệu cũng là sai lầm của Spetsy. Không phải của cấp lớn ra chỉ thị, cũng không phải của Hội đồng lao động Quốc phòng hay Bộ chỉ huy trong Uỷ ban Nhiên liệu. Không than củi đốt lò, dầu xăng chạy máy là lỗi bọn Spetsy đã tạo tình trạng giao động, khủng hoảng, không tuân hành chỉ thị, phân phối bừa bãi.
Vì Spetsy lỗi nặng như vậy nên cơ quan nào gặp khó khăn bế tắc là đưa ra toà. Nhưng chỉ thị căn bản của Trung ương là “giơ cao đánh khẽ”, nhà nước Công nông cố nén cho bọn kỹ thuật hưởng những bản án ân huệ, bởi lẽ không có chúng lấy ai làm việc? Tình trạng không bế tắc nữa, mà dám sụp đổ luôn. Do đó Chưởng lý Krylenko lý luận bọn Spetsy không phản động, cố tình phá hoại chính sách nhà nước. Chúng chỉ thiếu khả năng nên không thể làm hơn. Giản dị là dưới chế độ tư bản chúng đã không học tập, chỉ nghĩ thiển cận và lo ăn của đút! Giai đoạn giao thời, kiến thiết rõ ràng nhà nước còn nương tay với bọn Spetsy.
Qua năm 1922 – năm hoà bình nhất – toà án bỗng nhiên thân chủ gấp bội. Nhân dân sửng sốt hỏi nhau chiến tranh dứt rồi tại sao toà hoạt động mạnh đến thế? (Năm 1945, rồi năm 1948 lại tái diễn y hệt).
Tháng 12 năm 1921, Quốc hội thứ 9 liên bang Sô Viết có sắc luật giới hạn bớt thẩm quyền của Cheka, đổi danh hiệu thành GPU (tháng 10-1922 thẩm quyền GPU lại nới rộng) nhưng TGĐ Dzerdzinsky tuyên bố công khai: “Giai đoạn này phải đề cao cảnh giác, đặc biệt theo dõi những phe nhóm phản động; chống chế độ, cơ quan giới hạn hình thức tổ chức, nhưng tăng cường phẩm chất công tác”.
Có lẽ đó là lý do tháng 2 năm 1922, một thành phần kỹ thuật thuần túy đã bị đặc biệt theo dõi và “bao vây” đến phải tự ý chọn cái ch.ết. Bằng không sẽ lại có một khối ít nhất 10 mạng cùng ra Verkthrib (Toà án Tối cao) thay vì 1 đồng chí cao cấp là Sedelnikov, 2 ông Kiểm tr.a Công nông, 2 cán bộ Nghiệp đoàn.
Nguyên kỹ sư Thủy điện Oldenborger từ tay kỳ cựu 30 năm của Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa, từ hồi đầu thế kỷ để leo lên Kỹ sư trưởng. Trải qua ba cuộc chiến tranh, 3 lần Cách mạng dân Mạc Tư Khoa vẫn xài nước máy Oldenborger, nhân viên cơ quan hay tù phản động cũng chỉ có một thứ nước máy. Không vợ, không con, cuộc đời ông Kỹ sư Thủy điện chỉ biết có nước máy, chỉ lo chăm sóc cho hệ thống phân phối nước máy chạy đều. Năm 1905, lính gác mon men tới gần giếng nước, giàn lọc là bị Oldenborger cảnh cáo kịch liệt chỉ sợ “lính tráng làm ẩu” dám bể ống! Cách mạng tháng 2 vừa bước qua ngày thứ 2, ông xếp máy nước đã đôn đốc thợ đi làm đủ mặt vì “Cách mạng thì Cách mạng, vòi nước vẫn phải chạy đều”. Tháng Mười đánh nhau giữa thành phố chỉ lo bảo vệ hệ thống cung cấp nước. Thợ thuyền Nhà máy Nước hưởng ứng lời kêu gọi đình công của phe Bônxơvich yêu cầu ông Giám đốc tham gia thì Oldenborger trả lời thằng: “Tham gia cái gì cũng có tôi hết, trừ việc ngưng cung cấp nước”. Ủy ban ủng hộ đình công trao tiền cho công nhân thì ông Giám đốc ký biên nhận nhưng sau đó hối hả đích thân chạy đi gắn một ống nước bể!
Như nhiều người – kể cả các đồng chí tham gia tranh đấu – Oldenborger không tin chế độ Bônxơvich đứng nổi quá hai tuần lễ! Nhưng dù muốn dù không thì Cách mạng cũng phải phòng hờ cấp chỉ huy “người chế độ cũ” bằng cách gài cán bộ của Đoàn Kiểm tr.a Công nông thường xuyên theo dõi. (Một ông tên Makarov Zemlyanski, cựu nhân viên Nhà máy Nước bị sa thải vì tác phong bê bối. Hắn nhảy sang Đoàn Kiểm tr.a Công nông vì “lương hậu hơn” rồi cạy cục xong được một chân trong Hội đồng Nhân dân Trung ương vì “lương ở đây nhiều hơn nữa”! Sau đó được biệt phái về cơ sở cũ để theo dõi thì cố nhiên ông Giám đốc Oldenborger phải bị hắn trù đặc biệt).
Một cơ sở quan trọng như Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa thì Đảng bộ Mạc Tư Khoa phải gài người vô nắm địa vị then chốt. Đồng chí Zenyuk được cử đến giám sát ông Giám đốc “người chế độ cũ”. Dù không có chuyên môn hắn cũng chỉ huy luôn Oldenborger! Kết quả là Đảng định nắm vững cơ sở Nhà máy Nước, nào ngờ công việc lại đình trệ, tệ mạt hơn. Trong khi đó Giám đốc Oldenborger uất ức vì bị xỏ mũi, phá thối một cách ngu ngốc nên quên phắt thực tại chỉ là thứ chuyên viên “không có người nhà nước phải dùng đỡ”, không ngần ngại công kích đám kỹ sư nửa mùa chế độ mới, đụng đâu hỏng đấy, đứng đầu là Zenyuk! Lập tức báo cáo bay về Kiểm tr.a đoàn như bươm bướm, tố cáo đích danh Giám đốc Oldenborger mưu toan phá hoại, cố tình làm hỏng toàn bộ hệ thống cung cấp nước để nhằm những mục tiêu chính trị! Phe chế độ mới công khai tố ông Giám đốc là “linh hồn của một tổ chức phá hoại kỹ thuật” trong khi chính họ dựng lên nhiều chướng ngại vật để phá Oldenborger và phá rối luôn Nhà máy,
Nhưng hệ thống ống dẫn nước chủ yếu của Mạc Tư Khoa, công trình của Ivan Kalita đặt từ thế kỷ thứ XIV đâu thể phá trong một vài ngày. Dân thủ đô vẫn xài nước máy đều đặn, nhiều Ủy ban đến thanh tr.a cũng không tìm thấy dấu vết phá hoại trầm trọng, nghĩa là sự phá hoại nếu có chỉ ở trong nội bộ. Cho đến ngày bầu cử Sô Viết Mạc Tư Khoa [1] thì cuộc tranh chấp nổ công khai. Đa số thợ thuyền vẫn bênh vực ông Giám đốc kỳ cựu nay lại dồn phiếu cho Oldenborger làm đại diện Nhà máy Nước ra tranh cử. Đảng ủy dĩ nhiên cử đồng chí Bí thư Chi bộ Sedelnikov. Bao nhiêu căm thù chất chồng được dịp bùng nổ, Oldenborger bị làm khó dủ điều: bị đẩy bật khỏi Hội đồng Quá trình, thường xuyên bị theo dõi, đưa ra ỦY BAN điều tr.a cật vấn, bị thay thế bởi một Ủy ban giám đốc tam đầu,
Một bài báo ký tên Sedelnikov thổi phồng những vụ phá hoại kỹ thuật do nhóm Oldenborger cầm đầu, đe doạ phá sập toàn bộ hệ thống ống ngầm và hơn nữa, dám làm rúng động và trôi luôn chân móng của thủ đô Mạc Tư Khoa! Ủy ban Hành chính thủ đô cấp tốc gửi phái đoàn điều tra. Không có gì hết! Sedelnikov cáo giác thẳng GPU vồ trọn tổ chức phá hoại cách mạng nằm giữa Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa, có thể đưa đến thảm trạng đổ sụp cả bồn nước khổng lồ Rublevo.
Bị dồn ép quá, ông Giám đốc Oldenborger chịu hết nổi, phạm phải một lỗi lầm căn bản của thành phần trí thức tiểu tư sản cong lưng, thiển cận, là không muốn sống nữa. Công trình chăm sóc một đời người tiêu tan thì sống làm gì, huống hồ đặt mua mấy cái lò ở ngoại quốc vì trong nước chưa đúc nổi mà còn bị bác hết!
“Linh hồn của nhóm phản động” ch.ết rồi, mà phản Cách mạng không phát giác ra một thằng, hành động phá hoại cũng không. Sau 2 tháng điều tr.a mật, nhóm Sedelnikov bị truy tố ra Toà Tối cao: một phe đã ch.ết rồi thì phải cho phe kia một bài học chớ. Dù xác nhận trước là đối diện một kẻ không cùng giai cấp, người công dân có quyền nhìn hắn là thù nhiều hơn là bạn. Chưởng lý Krylenko vẫn gay gắt buộc tội Sedelnikov và đồng bọn: thù oán cá nhân, bịa đặt cáo giác vô căn cứ, lợi dụng chức vụ nhà nước, mượn danh đảng tác oai, vô trách nhiệm chính trị, phá hoại cơ sở Nhà máy Nước, làm hại cho chế độ, làm hại cán bộ chuyên môn giữa lúc cơ quan cần người làm việc.
Theo Krylenko thì tội ác của Sedelnikov chất chồng, Toà phải trừng phạt hắn thích đáng, chớ không thể giỡn chơi với Công lý!
Phiên toà Tối cao Mạc Tư Khoa cũng đồng ý tuyên một bản án làm gương, do đó một mình Sedelnikov lãnh bản án 1 năm tù!
Một bản án như vậy làm nhột nhạt đám cán bộ thật và nhân dân sung sướng đến muôn đời không quên. Họ không quên những ông kỹ sư của chế độ mới, những khuôn mặt ăn no ngủ kỹ đến mập lù.
Tiếp theo đó là hai bản án nội bộ gương mẫu để chuẩn bị cho một vụ án lớn với tầm ảnh hưởng vượt biên giới: đó là vụ án xử các đảng viên Xã hội Cách mạng làm xôn xao dư luận Âu châu cùng lúc đó khiến Bộ Tư pháp giật nẩy mình. Thì ra 4 năm nay Toà vẫn cứ xử ào ào mà nước vẫn không có luật! Luật cũ từ thời quân chủ thì hủy bỏ hết rồi, nhưng luật mới đâu?
Gọi là 2 bản án nội bộ vì đây là việc riêng của nước Nga, không ảnh hưởng, không liên quan gì đến châu Âu tiến bộ và vẫn không cần giữ theo luật! Đây là lúc vô cùng thích hợp để thanh toán cho xong vấn đề tôn giáo mấy năm nay vẫn phải tạm gác lại vì nỗ lực chấm dứt nội chiến. Đây cũng là lúc người Cộng sản phải minh định thế đứng trước người Công giáo, một thế đứng bất khả dung hợp ngay từ quan điểm căn bản “nhà thờ là nhà thờ và nhà nước là nhà nước”. Không được.
Nhà thờ phải nằm trong nhà nước. Không thể có chuyện tách rời. Tài sản Giáo hội từ cơ sở nhà thờ, dụ ngôn, những món đồ thờ tự cũng nằm trong nhà nước và thuộc về nhà nước luôn,
Hai vụ án tôn giáo nội bộ được chuẩn bị đúng vào lúc dứt chiến tranh và nạn đói khủng khiếp sửa soạn diễn ra ở đồng bằng lưu vực sông Volga, một nạn đói chưa hề có trong lịch sử nước Nga từ thế kỷ XVII. Khi con người phải ăn thịt cả đồng loại thì còn gì đau khổ bằng! Có gia đình có những người đi lính hết nên ruộng đất bỏ hoang, nông dân buông cày đi vác súng đã đành nhưng những người còn ở lại sống trên mảnh đất cũng chẳng muốn sản xuất nữa: lúa gặt về họ có chắc chắn được một phần nào đâu.
Vậy để giải quyết nạn đói tại sao không đưa ra giải pháp độc ác là, trút trách nhiệm cho nhà thờ? Nếu người làm tôn giáo thực sự thương xót giáo đồ và chúng sinh tại sao không can đảm lãnh trách nhiệm cứu đói? Tinh thần Thiên Chúa giáo để ở đâu? Không lẽ nhà thờ thấy con người đói đến mức muốn ăn thịt lẫn nhau mà xuôi tay đứng ngó, trút bổn phận hết cho nhà nước? Một kế hoạch giải quyết được 2 vấn đề là vậy, quả là một cú bida chính trị thần sầu!
Nếu Giáo hội từ chối trách nhiệm cứu đói vùng Volga, sẽ có cớ trút tội “thấy dân đói không cứu” và nếu có thể quy trách nhiệm tạo nên nạn đói.
Nếu Giáo hội lãnh trách nhiệm thì tài sản Giáo hội chắc chắn chẳng còn gì! Đỡ phải tịch thu, xung công.
Nhân vụ tổ chức cứu đói này, nhà nước ít nhất cũng quơ được một số ngoại tệ không nhỏ của nhà thờ. Vàng bạc cũng có thiếu gì, trong các đồ thờ tự.
Vả lại Giáo hội Nga đã chính thức đặt vấn đề cứu đói ngay từ lúc nạn đói sông Volga sắp hoành hành. Giáo chủ Tikhon đã có thông điệp cho các địa phận từ tháng 8 năm 1921 về việc tổ chức các Ủy ban Cứu đói toàn quốc và công cuộc lạc quyên cũng bắt đầu. Nhưng nhà nước hồi đó không muốn Giáo hội trợ giúp đứng ra tổ chức để tiền quyên được biến thành bánh mì trực tiếp đến tận miệng dân đói. Nếu có công tác cứu đói thì cũng độc quyền nhà nước! Do đó các Ủy ban Cứu đói của Giáo hội bị cấm hoạt động, số tiền đã quyên được bao nhiêu phải xung nạp công quỹ hết. Giáo chủ Tikhon đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng ở La Mã cũng như Giáo chủ Anh quốc giáo tiếp tay cứu trợ nhưng gặp sự chống đối của nhà nước. Chỉ nhà nước mới có quyền liên lạc, tiếp xúc với ngoại quốc! Huống hồ nhà nước còn đầy đủ phương tiện chống đói, đâu đã đến nỗi phải kêu gọi tới người ngoài, nước ngoài?
Cũng được! Nhưng dân lưu vực sông Volga đã bứt cỏ, nhai đế già, gậm cả bậc cửa. Đột nhiên Ủy ban Nhà nước Cứu đói (Pomgol) đưa đề nghị Giáo hội san sẻ bớt tài sản cho dân đói. Không cho hết, chỉ cho những thứ không cần thiết cho việc hành lễ, thờ tự. Giáo chủ Tikhon chấp nhận. Một mặt Pomgol có chỉ thị chỉ được nhận phẩm vật, thúc giục Giáo hội tự ý quyên tặng. Một mặt Giáo chủ có thư luân lưu ngày 19-2-1922 cho các giáo xứ nhắc nhở quyên tặng những phẩm vật không phải đồ thờ tự. Nếu chỉ có vậy thì hoà hợp quá! Nếu vậy thì nhà nước “cấu kết” với Giáo hội sao?
Đột nhiên một tuần lễ sau thư luân lưu của Giáo chủ Tikhon – đúng vào ngày 26-2 – Ủy ban Hành pháp Trung ương có sắc lệnh tất cả tài sản của các nhà thờ đều được truất hữu xung công để giúp dân đói. Sau khi viết thư cho Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương không được phúc đáp, Giáo chủ Tikhon có thư khẩn ngày 28-2 cho các địa phận: Sắc lệnh ngày 26-2 của nhà nước là một xúc phạm đến cấm điều, Giáo hội không thể chấp nhận một cuộc xung công như vậy.
Ngày nay xét lại vấn đề ta thấy phải chi cấp lãnh đạo Giáo hội Nga hồi đó nhận thấy thế ch.ết kẹt của nhà nước Sô Viết không đào đâu ra phương tiện cứu đói cũng như vì ai mới có thảm hoạ ch.ết đói. Vả lại tài sản vật chất của Giáo hội có nghĩa gì đâu mà phải giữ, có phải vì chúng mà bảo vệ được giềng mối đạo giáo sau này? Tuy nhiên cũng phải thông cảm cho nỗi khổ tâm, hoàn cảnh khó khăn của một vị Giáo chủ mới toạ vị mấy năm sau Cách mạng tháng 10, vừa nắm quyền đã phải lo dẫn dắt Giáo hội đương đầu với bao nhiêu chướng ngại, phá hoại, khủng bố, ngoài trọng trách bảo vệ toàn Giáo hội nữa!
Phản ứng của nhà nước là một loạt bài công kích, triệt hạ Giáo chủ Tikhon và các chức sắc cao cấp Giáo hội Nga. Giáo hội bị buộc tội bóp nghẹt đời sống toàn vùng hạ lưu sông Volga, càng không nhượng bộ càng bị mạt sát dữ. Vì vậy từ tháng 3-1922 một số chức sắc thấy cần phải “điều đình” Giám mục Antonin Granovsky đại diện Giáo hội trong Ủy ban Cứu đói Trung ương xác nhận với Chủ tịch Kalinin: “Tín đồ Tôn giáo chỉ sợ số tài sản Giáo hội cung hiến để cứu đói bị sử dụng vào những mục tiêu khác mà họ không muốn” (đại khái lọt vào quỹ tổ chức Đệ tam Quốc tế Komintern hay quỹ tổ chức phong trào Đỏ ở Viễn Đông).
Tổng Giám mục Petrograd, Đức Cha Veniamin nói thẳng: “Tài sản của Giáo hội là của Thượng Đế. Chúng tôi muốn cung hiến tự nguyện”. Nghĩa là không chịu chấp nhận “xung công”, vả lại tiền bạc phẩm vật nhà thờ quyên góp để cứu đói thì phải có đại diện Giáo hội và giáo dân kiểm soát xem có tới miệng dân đói thực sự không. Như vậy lập trường của Đức Cha Veniamin đã sát gần lập trường nhà nước nhiều. Và cũng vượt ra ngoài ý chỉ của Giáo chủ khi Tổng Giám mục thành Petrograd chấp nhận: “Giáo hội Chính thống giáo sẵn sàng hy sinh bất cứ cái gì để cứu đói”.
Trước sự cổ võ “đoàn kết” của Pomgol Petrograd, Đức Cha Veniamin tuyên bố một câu lịch sử:
“Gánh nặng đáng sợ nhất của đất nước này là chia rẽ, thù địch. Nhưng tôi tin rằng nhân tâm nước Nga sẽ có ngày thống nhất. Nhân danh các tín đồ Chính thống giáo, tôi sẽ có cử chỉ tượng trưng. Chính tay tôi sẽ gỡ khỏi tượng Đức Bà Nhà thờ Kazan, bóc hết vàng bạc châu báu để hiến dâng Ủy ban Cứu đói. Dĩ nhiên tôi sẽ đổ lệ, nhưng vui lòng hiến nạp.”
Ba ngày liên tiếp, tờ Sự thật ở Petrograd ngày 8, 9 và 10-5 ca ngợi cử chỉ đoàn kết, hy sinh của Đức Cha Veniamin cùng lúc đó loan báo trước: “Số đồ thờ vàng và các pho tượng thánh quý ở các giáo đường Smolny đang được chuẩn bị để nấu đúc thành vàng khối, trước sự chứng kiến của các tín đồ”.
Phải nói là tài sản của Giáo hội cung hiến có bấy nhiêu chưa thoả lòng mong ước của nhà nước. Vì vậy không có “điều đình” đoàn kết gì hết! Thứ đoàn kết đó, và cách cho như vậy chẳng phải là thứ mà dân ch.ết đói vùng Volga cần đến!”. Pomgol Petrograd bị chê là quá yếu, nhượng bộ quá nhiều. Biến cố toàn quốc lại có dịp nổi lên công kích những “linh mục tồi bại”, những “ông hoàng của Giáo hội”. Lúc bấy giờ nhà nước mới ngỏ thẳng:
“Chúng tôi không cần nhà thờ cung hiến như vậy, mà cũng không có chuyện điều đình. Tất cả mọi thứ trên đất nước này phải là tài sản của nhà nước hết và nhà nước sẽ có những biện pháp thích đáng.”
Những “biện pháp thích đáng” khởi sự ở Petrograd trước rồi lan dần trên toàn quốc. Đó là căn bản mà cũng là nguyên nhân phát động các vụ án tôn giáo. Ý nguyện của nhà nước đã quá rõ qua 2 tài liệu học tập:
Giáo hội và nạn đói
Tài sản của Giáo hội sẽ bị xung công như thế nào?
Vụ án giáo khu Mạc Tư Khoa
Dĩ nhiên phiên toà xử phải là Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa, nhóm họp từ ngày 26-4 ở Viện Bảo tàng Bách khoa, Chánh thẩm Bek với 2 Công tố viên Lunin và Longinov. Cả thảy có 17 người, cả giám mục lẫn giáo dân bị cáo tội phổ biến ý chỉ của Giáo chủ Tikhon. Trước Toà Cách mạng thì tội phổ biến nặng hơn tội không cung hiến tài sản nhiều! Chứng cớ là Giám mục Zsozersky đã cung hiến tất cả tài sản trong giáo đường nhưng vẫn tôn trọng ý chỉ Đức Giáo chủ “xung công, truất hữu tài sản của Giáo hội là một xúc phạm cấm điều”. Chỉ vì điều sau này mà ông giám mục bị coi là chánh phạm trong phiên xử – để rồi sau đó bị xử bắn!
(Sự kiện trên đây cho thấy cứu đói chỉ là một cơ hội viện dẫn để nhà nước nhằm việc bẻ gãy xương sống nhà thờ).
Ngày 5 tháng 5 đích thân Giáo chủ Tikhon bị mời ra Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa làm nhân chứng. Lúc người bước vô phòng xử, đa số những người có mặt lật đật đứng dậy chào kính. Dù sao cũng mới 1922, dù số cử toạ đã chọn lựa song dân Nga hãy còn lòng tôn kính chớ đâu phải như những năm 1937, 1968!
Trước hết Toà hỏi về tội viết và phổ biến lá thư khẩn ngày 28-2, Giáo chủ Tikhon xác nhận chỉ một mình người là tác giả, nhưng Chánh thẩm Bek nhất định hướng cuộc thẩm vấn sang một ngã khác:
“Giáo chủ nói vậy đúng không? Có phải tự tay ngài viết ra hết được không? Ngài viết ngần ấy hàng chữ một mình? Ngài chỉ ký tên mới phải chứ? Xin ông cho Toà hay ai đã viết, hoặc ai đã giúp ý kiến cho ngài viết? Tại sao ngài tố cáo báo chí có phong trào nhằm triệt hạ ngài? Để làm gì? Ngài muốn nói gì?”
“Câu hỏi đó thiết tưởng ông Chánh thẩm nên đặt ra với người khởi xướng phong trào đúng hơn! Họ định nhằm mục đích gì?”
“Nhưng điều đó có liên quan gì đến tôn giáo?”
“Có liên quan tới lịch sử.”
“Ngài nói rằng Sắc lệnh của Ủy ban Hành pháp Trung ương ban hành lúc ngài đang họp với Ủy ban Cứu đói, do đó, ngài có dùng danh từ “làm lén sau lưng” phải không?”
“Phải.”
“Như vậy ngài cho rằng chính quyền Sô Viết đã làm lén, tức là làm bậy?”
Câu hỏi này từng được các Điều tr.a viên nhắc đi nhắc lại cả triệu lần trong các phiên lấy cung. Sau này chúng tôi cũng từng nghe thấy cả triệu lần nhưng chưa ai trả lời thẳng, quyết liệt như Giáo chủ.
“Đúng vậy!”
“Ngài có nhìn nhận luật pháp của nhà nước có tính cách bó buộc hay không?”
“Tôi nhìn nhận, miễn là nó không chà đạp con người!”
Phải chi trước Toà người nào cũng dám trả lời như vậy thì chiều hướng lịch sử tất đã đổi khác. Cũng như dám khẳng định trước Toà sự khác biệt giữa cung hiến tự ý và xung công bó buộc!
Sau đó Toà bắt đầu mổ xẻ danh từ, chẻ hai theo chiết tự để bắt bẻ một chữ Giáo chủ đã dùng trong bức thư luân lưu. Đó là danh từ suyato-tatstvo (xúc phạm cấm điều) trong đó suyato có nghĩa “thánh” và tat có nghĩa “trộm”.
“Ngài đã dùng danh từ ấy, ngài định ám chỉ những đại diện của chính quyền Sô Viết là bọn ăn trộm ăn cắp đồ thờ tự? Nghĩa là Ủy ban Hành pháp Trung ương là những quân trộm cướp?”
Cử toạ xôn xao, hò hét. Nhưng Giáo chủ Tikhon vẫn bình thản:
“Tôi chỉ nhắc đến Giáo luật!”
Chánh thẩm Bek xoay sang ngả khác. Nguyên bức thư của Giáo chủ có nhắc đến một vụ xảy ra ở nhà thờ St. Basil, những đồ vàng đồ bạc lấy ra từ các pho tượng thánh không được bỏ vô hộp đàng hoàng mà có người còn dùng chân mà đạp lên. Bữa đó Giáo chủ không có mặt.
“Xin ngài cho biết, linh mục nào báo cáo sự việc ấy? Ngài không có mặt lúc bấy giờ, tất nhiên phải có người thuật lại chứ?”
Giáo chủ Tikhon không tiết lộ. Như vậy khác nào ngài đã dựng đứng câu chuyện. “Ai đã đưa ra sự xuyên tạc đó?” Nếu không có thì hiển nhiên người xuyên tạc là ngài vậy.
“Bây giờ nếu ngài không chịu nói tên người kể thì chắc hẳn ngài phải biết tên kẻ chà đạp lên những món đồ thờ tự chứ? Xin cho biết hắn là ai? Bằng không chính ngài sẽ bị Toà coi là vu cáo”.
Giáo chủ Tikhon dĩ nhiên không chỉ đích danh được (Có ai làm một việc như thế đó mà lưu lại tánh danh bao giờ?). Nhưng vu cáo đâu phải tội? Toà Cách mạng phải bắt buộc được ngài vào tội âm mưu lật đổ chính phủ Sô Viết kìa! Giáo chủ Tikhon phải bị ghép vào tội viết và phổ biến tài liệu vu cáo chính quyền có nghĩa là tuyên truyền để chuẩn bị môi trường xách động nhằm tiến tới một cuộc khởi loạn trong tương lai.
Trước Toà Cách mạng, tội trạng Giáo chủ Tikhon vậy là quá rõ, Toà đình xử để lập thủ tục truy tố sau.
Ngày 7 tháng 5 Toà tái nhóm để tuyên án 17 bị cáo của vụ Giáo khu Mạc Tư Khoa: 11 bản án tử hình được công bố nhưng chỉ 5 người bị xử bắn sau đó.
Số phận Giáo chủ Tikhon được quyết định một tuần lễ sau. Ngài bị truất ngôi vị và câu lưu, tạm thời gởi đến Tu viện Donskol giam riêng để “cô lập” với các giáo dân cho họ quen đi đã rồi mới xuống tay sau [2] .
Sau đó hai tuần đến lượt Tổng Giám mục Veniamin bị bắt giữ ở Petrograd. Trước Cách mạng, ông chưa phải là một giáo quyền cao cấp, không phải được chỉ định, tấn phong như các vị Tổng Giám mục khác. Hồi đầu năm 1917 được công cử lên, cùng một lúc với Đức Tổng Giám mục Mạc Tư Khoa. Tính tình ông cởi mở, dễ dãi, đôn hậu. Luôn luôn gần gũi, tiếp xúc với công nhân nhà máy, xí nghiệp nên rất được lòng các giáo hữu cũng như các hàng linh mục thuộc cấp. Do đó mới được họ công cử lên. Lập trường Đức Tổng Giám mục rõ rệt; ông muốn tách rời nhà thờ khỏi chính trường xét vì “Giáo hội chịu đựng đau khổ đã nhiều chỉ vì chính trị!”. Vậy mà vẫn cứ phải ra Toà Cách mạng.
Vụ án giáo khu Petrograd
Vụ án giáo khu Mạc Tư Khoa chấm dứt ngày 7 tháng 5 với 11 bản án tử hình trong số 17 bị cáo (sự thật nhà nước chỉ muốn nhằm triệt hạ Giáo chủ Tikhon) thì ngày 9 tháng 6 mở màn vụ giáo khu Petrograd [3] .
Cũng là Toà Cách mạng, song phiên toà Petrograd quan trọng hơn vì số bị cáo lên tới nhiều chục người, với một tội danh rõ rệt hơn: “chống đối lại lệnh xung công, truất hữu tài sản Giáo hội”. Bị cáo gồm đủ thành phần: Tổng Giám mục, linh mục, cai quản thánh đường, giáo sư thần học. Chủ toạ phiên toà là Semyonov, một thanh niên 25 tuổi, xuất thân thợ lò bánh. Đại diện chính của Công tố viện là Krasikov, cán bộ cao cấp trong Bộ Tư pháp, một đồng chí cùng thời và kỳ cựu của Chủ tịch Lenin, từng an trí chung ở Krasnoyarsk xuất dương chung và biểu diễn vĩ cầm rất được Lenin mến mộ.
Trên đại lộ Nevsky Prospekt dân chúng sắp hàng dài dọc đường chờ đợi hằng ngày. Mỗi lần xe chở Đức Tổng Giám mục đi ra toà chạy ngang là nhiều người quỳ xuống cầu khẩn: “Cầu xin Thượng Đế cứu vớt, che chở”. (Nhiều người chỉ vì cầu nguyện mà bị Mật vụ lôi đi ngay ngoài đường và trước cửa Pháp đình). Tuy nhiên, ngay đám cử toạ ngồi trong phòng phần đông là Hồng quân cũng tự động đứng dậy, mỗi khi Đức Tổng Giám mục Veniamin mặc áo dòng tiến vào phòng xử. Trước toà ông vẫn bị kêu đích danh “kẻ thù của nhân dân”, một danh từ mới của thời đại.
Phiên toà Petrograd đáng ghi nhớ ở điểm chưa bao giờ nghề luật sư biện hộ mất giá, xuống dốc thảm hại như vậy! Ông Chưởng lý Krylenko cố nhiên không xếp vào hồ sơ, nhưng một nhân chứng hiện diện cả quyết toà đã hướng mũi dùi vào mấy ông luật sư khiến họ ngỡ ngàng cảm thấy bị công khai nhục mạ. (Thí dụ điển hình là Toà đã lớn tiếng đe doạ bắt giữ tại chỗ luật sư Bobrischhev Puskin là người biện hộ chính của các bị cáo và làm dữ đến nỗi cử toạ gào thét đòi bắt nên ông luật sư Puskin tưởng họ sắp làm đến nơi, vội cởi chiếc đồng hồ vàng, lột bóp nhờ đồng nghiệp Gurovich giữ giùm. Lỡ có bề nào,)
Nhưng không, Toà không truyền giam ông luật sư Puskinh, mà chỉ ra lệnh bắt tại chỗ một nhân chứng là giáo sư Yegorov về tội, dám đứng ra làm chứng cho Tổng Giám mục Veniamin. Dù sao giáo sư Yegorov cũng đã chuẩn bị rồi. Bằng không ông đã chẳng ra toà làm chứng mà đã mang sẵn một chiếc cạc táp dày cộm, bên trong có ít đồ ăn, vài quần áo lót và một tấm mền nhỏ? (Quả thật phiên toà Petrograd hồi đó đã có hình ảnh in hệt những phiên toà gần đây!)
Tổng Giám mục Veniamin bị cáo tội “giả vờ có thiện ý “điều đình” với nhà nước, áp dụng trì hoãn chiến để lo đối phó với lệnh xung công tài vật”. Tội danh thứ hai là lén lút phổ biến trong dân chúng bản kêu gọi Ủy ban Cứu đói [4] . Thêm tội danh thứ ba là có hành động toa rập với đế quốc, tư bản.
Để có một tội danh cụ thể, không thể chối cãi trước Toà Cách mạng, Toà đã có một “nhân chứng” giá trị để khép án Tổng Giám mục Veniamin: đó là linh mục Krasnitsky, một vai trò quan trọng của Tân Giáo hội kiêm mật báo viên GPU. Nhân chứng Krasnitsky cả quyết hàng giáo phẩm Petrograd có âm mưu xách động một cuộc nổi loạn, dựa thời cơ nạn đói đang lan tràn.
Phiên Toà chỉ chấp nhận những nhân chứng như Krasnitsky, ngược lại làm chứng có lợi cho các bị cáo là bị gạt tức khắc. Công tố viên Smirnov xin Toà 16 cái đầu nhưng Công tố viên chính Krasikov đòi hỏi mạnh hơn nhiều: “Toàn bộ Giáo hội Chính thống giáo là một tổ chức phản động ngấm ngầm!”. Nghĩa là tất cả hàng giáo phẩm đều có tội, phải tống giam hết. (Xét ra ý kiến Krasikov rất thực tế và sau này quả nhiên nhà nước đã làm gần đúng như vậy. Phải đối thoại với nhà thờ trên căn bản Krasikov mới hiệu nghiệm!).
Vì vậy, ngay từ hồi đó, trước Toà Cách mạng Petrograd, luật sư Gurovich biện hộ cho Tổng Giám mục Veniamin phải thốt ra cay đắng:
“Bằng chứng phạm tội không. Sự kiện cũng không. Lại không có đến một khoản phạm pháp luật định! Lịch sử sau này sẽ ghi chép thế nào? (Đồng ý luật sư Gurovich đã sớm biết mang lịch sử ra hù mấy ông Toà Cách mạng. Nhưng lịch sử quên hết, lịch sử có nói gì đâu?). Công tác truất hữu, xung công những tài sản của Giáo hội đã diễn ra êm đẹp, xuôi trót ở Petrograd là thế vậy mà hàng giáo phẩm Petrograd thì bị điệu ra toà như thế này. Hiển nhiên họ bị xô đẩy vào cái ch.ết!
Quý vị vừa nhấn mạnh đến nguyên tắc căn bản là phục vụ nhà nước trước đã. Xin quý vị đừng quên nhà thờ có người đổ máu oan. Tôi xét thấy không còn gì để nói nữa. Nhưng muốn ngừng lời khó quá! Tôi biết rằng còn tranh luận đây được lúc nào họ còn sống lúc đó và tranh luận dứt là mạng họ cũng chấm dứt luôn!”
Toà Cách mạng Petrograd tuyên 10 bản án tử hình, nhưng những cuộc hành hình có lệnh ngưng tạm trên một tháng hình như có ý đợi kết quả của phiên toà xử các đảng viên Xã hội Cách mạng ra sao đã rồi hành hình một lượt cho tiện. Trong khoảng thời gian đó, Ủy ban Hành pháp Trung ương cứu xét và ân xá 6 người. Chỉ có 4 người bị hành hình là Tổng Giám mục Veniamin, Linh mục Tổng quản Sergius, Giáo sư Luật khoa Novitsky và Luật sư Kovsharov. Bốn người bị mang đi xử bắn trong đêm 12 rạng ngày 13 tháng 8 năm 1922.
Cũng xin ghi nhận điều này: trong lúc Toà Cách mạng nhóm ở 2 trung tâm Mạc Tư Khoa và Petrograd thì các địa phương cũng mang những vụ tương tự ra xử. Tổng cộng có thêm 22 vụ được xử ở các tỉnh.
Đã đến lúc phải truy tố đến bọn Xã hội Cách mạng, tạo một bản án chắc chắn sẽ gây nhiều tiếng vang ngoại biên thì ít nhất cũng phải có Luật chứ? Cũng phải có một nền tảng chắc chắn cho Công lý chứ?
Ngày 12 tháng 5 có phiên họp của Ủy ban Hành pháp Trung ương nhưng trọn bộ Luật chưa hình thành, mới có một bản dự thảo gởi tới điện Gorky (ngoại ô Mạc Tư Khoa) để đích thân đồng chí Chủ tịch Lenin nghiên cứu.
Bản giáp đệ trình chỉ có 6 điều dự liệu án tối đa: xử bắn. Đồng chí Chủ tịch tự tay ghi thêm ở ngoài lề 6 điều nữa (trong đó có điều 69 trừng phạt tội tuyên truyền, xách động, đặc biệt là kêu gọi quần chúng tiêu cực chống đối chính quyền bằng cách trốn lính, trốn thuế [5] . Thêm một tội xử bắn nữa là tội ở ngoại quốc về nước lậu (bọn Xã hội là ưa có tật đi đi về về lắm!). Lại có một tội tương đương với xử bắn là tống xuất ra ngoại quốc. Chẳng là đầu óc đồng chí Chủ tịch đã phác hoạ sẵn một ngày gần đây dân Âu châu hẳn phải đổ xô sang Nga và đã được ở Nga chẳng ai dám nghĩ đến việc bị tống xuất đi!
Lenin đã đúc kết một văn thư gởi cho Bộ trưởng Tư pháp như sau:
“Đồng chí Kursky,
Theo ý tôi, phải nới rộng án tử hình dưới hình thức xử bắn (hoặc đày ra ngoại quốc) đối với mọi hoạt động của phe nhóm Menxơvich, Xã hội Cách mạng, Chúng ta phải tìm cách thức gài những hoạt động của chúng dính vào hoạt động của tập đoàn tư bản ngoại quốc”.
Nới rộng bản án tử hình dưới hình thức xử bắn. Còn gì rõ nghĩa hơn nữa? Khủng bố là phương pháp khuyến cáo hiệu nghiệm nhất. Làm sao lầm lẫn? Vậy mà đồng chí Kursky cũng không nắm vững được chỉ thị vẫn còn thắc mắc về cách thức gài, nên mới xin diện kiến đồng chí chủ tịch để thỉnh thị ý kiến. Dĩ nhiên cuộc tiếp xúc tiến hành ra sao ta chẳng thể hay biết nhưng ngày 17-5 lại có văn thư của Lênin từ điện Gorky gởi tới.
“Đồng chí Kursky,
Sau cuộc tiếp xúc hôm rồi, đây là dự thảo điều khoản bổ túc cho Bộ Hình luật. Quan điểm căn bản rõ rệt, bổ túc những thiếu sót ở bản dự thảo, ấn định thành cơ chế hẳn hoi, vừa đúng nguyên tắc vừa đúng đường lối chính trị (không thiển cận về mặt pháp lý mà thôi) để giải thích nguyên lý cũng như về sự chính đáng, sự cần thiết và giới hạn của sự khủng bố.
Toà không thể gạt bỏ khủng bố. Hứa hẹn gạt bỏ chỉ tự chuốc lấy thất vọng. Để đặt nền tảng, chính thức hoá nó một cách rõ ràng, hợp nguyên tắc, không đạo đức giả, không đánh bóng, thiết tưởng cần phải đặt vấn đề khủng bố một cách rộng rãi để với tinh thần tiến bộ cách mạng sẽ tùy tiện áp dụng vào thực tế.
Chào Cách mạng”.
Bức văn thư của Lênin thật sáng tỏ, gọn gàng. Đừng mổ xẻ phê bình vội, mà im lặng, suy nghĩ.
Chỉ thị vắn tắt song quan trọng, vì đồng chí Chủ tịch chẳng còn sống bao lâu nữa. Kể như một phần của chúc thư chính trị gởi lại cho đời sau. Lúc bấy giờ Lênin chưa ngã bệnh. Mãi mười hôm sau mới bị cú đầu tiên và chỉ tạm thời phục hồi mấy tháng mùa thu năm 1922. Không chừng 2 lá thư chỉ thị gởi đồng chí Kursky đã được viết trong căn phòng đá hoa ở lầu hai, nơi chiếc giường ch.ết đã nằm chờ người.
Kèm theo thư là bản giáp 2 đoạn bổ túc điều luật sau này sẽ biến thành điều 58, khoản 4 và trọn điều 58 Hình Luật đáng ghi nhớ. Đáng phục ở chỗ chúng đã được cấu tạo thành văn một cách rộng rãi để tùy tiện áp dụng, theo tinh thần Cách mạng!
“Tuyên truyền hay xách động, tham gia một tổ chức hoặc trợ giúp (có thể hiểu đang trợ giúp hay có thể trợ giúp) cho những tổ chức hay cá nhân có những hành động được xem là,”.
Hãy cứ đưa ông thánh Augustine ra đây! Tôi cam đoan chỉ trong một nháy mắt cũng khép cứng được ngài vào điều luật rộng rãi một cách ghê sợ đó.
Lenin đã có chỉ thị thì cố nhiên bản dự thảo Luật được sửa chữa bổ túc gấp – thêm đủ bằng ấy khoản nới rộng án tử hình – để đánh máy lại chuyển qua Ủy ban Hành pháp Trung ương chấp thuận nguyên vẹn ngày 20-5 để kịp ban hành kể từ 1 tháng 6 năm 1922.
Ít ra cũng phải có một bộ Hình luật, một căn bản pháp lý nòng cốt để còn tiến hành vụ Đảng Xã hội Cách mạng, một vụ án lớn kéo dài hai tháng trường,
Vụ án Đảng Xã hội Cách mạng
Một vụ án chính trị có tầm ảnh hưởng rộng lớn dĩ nhiên phải đưa ra Verkthrib, tức Toà án Tối cao. Cả thế giới xã hội chắc chắn nhìn vô theo dõi nên nổi tiếng hùng biện, lập trường vững (tình cờ đến oái oăm, trong ngôn ngữ Nga danh từ Karklin tên ông Chánh thẩm còn có nghĩa là “sủa, gáy, lớn họng”, mà hùng biện, lập trường vững như đồng chí Chánh thẩm Pyatakov thì 15 năm sau cũng đâu bị thanh trừng đâu!).
Vụ án đặc biệt là không có luật sư biện hộ. Các bị cáo biện hộ lấy, toàn những tay gộc của Đảng Xã hội Cách mạng, những “cây tranh luận” nhưng vẫn không cãi lại nổi một mình đồng chí Chánh thẩm!
Ngày 8 tháng 6 năm 1922, Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng ra Toà Tối cao không phải vì họ phạm pháp. Toà đâu có xét xử họ có tội hay không có tội? Căn bản vấn đề ở điểm họ là thành phần phải triệt hạ, qua một phiên toà để lấy căn bản pháp lý. Không như phe nhóm Menxơvich, Đảng Xã hội Cách mạng đã đến lúc phải triệt hạ cho xong vì họ còn chưa chịu giải tán, còn là một mối nguy mà chế độ vô sản không thể chấp nhận.
Xin đừng hiểu là Đảng muốn xuống tay trả thù bọn Xã hội Cách mạng, dù “được làm vua, thua làm giặc” là chuyện thường tình của lịch sử. Trừ một vài nước chế độ đại nghị trong khoảng thời gian cỡ vài chục năm thì lịch sử các dân tộc trên thế giới còn là gì nếu chẳng phải Cách mạng và cướp chính quyền lên xuống liên miên? Ôi, còn gì vẻ vang cho phe thắng bằng nắm vững cả tương lai lẫn quá khứ trong tay, có quyền khoác tấm áo Công lý chói sáng để hạch hỏi, luận tội những thằng thất trận? Cái gì cũng luận tội được hết, có thể công nhiên trừng phạt trước toà được hết.
Đồng ý Bộ Hình Luật mới hoàn thành và ban hành được vừa đúng 1 tuần lễ. Nhưng đó quả là kinh nghiệm đúc kết của 5 năm chính quyền. Cũng như 20 năm, 10 năm về trước và 5 năm trước đây thôi, Đảng Xã hội Cách mạng còn là anh em láng giềng, đồng minh thân thiết để cùng nhau đứng lên lật đổ ngai vàng thống trị! Xã hội Cách mạng là chủ lực, là cánh tiền phong chủ trương Cách mạng bạo động khủng bố [6] nên đảng viên Xã hội Cách mạng sa cơ nhiều, lãnh đủ lao tù đày ải, chớ bạn đồng minh Bônxơvich gần như có hề hấn gì đâu?
Trước toà Tối cao, các đảng viên Xã hội Cách mạng bị truy tố về nhiều tội danh.
Tội danh thứ nhất là Đảng Xã hội Cách mạng đã phát khởi nội chiến! Họ bị buộc đã võ trang chống lại Cách mạng tháng 10 cướp chính quyền. Lúc chính phủ Cách mạng lâm thời (mà Đảng ủng hộ và tham gia mạnh) bị Hải quân quật ngã hợp pháp bằng đại liên thì Đảng Xã hội Cách mạng đã bảo vệ chính phủ bất hợp pháp đó dám bắn trả lại và còn kêu gọi bọn đảng viên Dân chủ Lập hiến cùng đứng về phe, cố bảo vệ đến cùng. Thua về quân sự họ không chịu đầu hàng về chính trị, không chịu khuất phục Hội đồng Nhân dân đã nắm chính quyền. Đảng Xã hội Cách mạng nhất định chỉ công nhận chính quyền cũ cũng như không chịu nhìn nhận đường lối hoạt động 20 năm của Đảng là cả một sai lầm, đã đến lúc phải giải tán hẳn.
Tội danh thứ hai là đào sâu thêm hố sâu nội chiến, tổ chức biểu tình phiến loạn chống chính quyền công nông trong hai ngày 5 và 6 tháng 1 năm 1918, tuyên bố ủng hộ Quốc hội Lập hiến (do tổng tuyển cử kín, tự do và trực tiếp) mặc dầu Hải quân và Vệ binh đỏ đã thẳng tay truất phế. Thử hỏi Quốc hội Lập hiến có làm được việc gì ngoài việc làm nổ bùng 3 năm nội chiến? Tại sao không ngoan ngoãn tuân theo những Sắc lệnh của Hội đồng Nhân dân?
Tội danh thứ ba là không chịu công nhận hoà ước Brest Litovsha mà lại còn chỉ đích danh chính quyền nhượng đất cho địch, rõ ràng có những dấu hiệu phản quốc, gây tội ác đẩy đất nước vào vòng chiến tranh (phản quốc, một danh từ mà cũng là một cây hai đầu sanh, tử. Cầm đầu này thì sống, đầu kia phải ch.ết!)
Tội danh thứ tư còn nặng hơn: Mùa hạ, mùa thu năm 1918, vào giai đoạn cuối cùng Đức ráng cầm cự chống Đồng minh, chính quyền Sô Viết chiếu hoà ước Brest đã gởi sang viện trợ nhiều chuyến xe lửa vận lương cùng với số vàng phải đóng góp hàng tháng, Đảng Xã hội Cách mạng đã chuẩn bị (đồng ý bọn Xã hội bao giờ chẳng chuẩn bị, mồm, có làm nên việc bao giờ, nhưng lỡ họ làm thật thì sao?) để cho phá nổ nhiều khúc đường rầy, chặn những đoàn xe lại, không cho chở vàng sang Đức. Hiển nhiên Đảng Xã hội Cách mạng đã chuẩn bị phá hoại đường rầy là tài sản nhà nước).
(Ở đây xin mở dấu ngoặc cho rõ: năm 1922 Đảng Cộng sản còn chưa cần che giấu những vụ chuyển vàng sang Đức để giúp xây dựng chế độ Quốc xã Hitler sau này. Không hiểu Công tố viện hồi đó quan niệm thế nào là tài sản nhà nước? Nếu phá đường rầy là phá hoại tài sản nhà nước thì chở vàng sang ngoại quốc không phải là tội?)
Tội danh thứ năm cũng do tội trên: “Đảng Xã hội Cách mạng đã dự mưu mua vật liệu, dụng cụ phá hoại đường rầy bằng tiền của phe Đồng minh đưa (nghĩa là dùng tiền Đồng minh để hoạt động ngăn cản nhà nước chuyển vàng cho Đức). Đây là một trọng tội phản quốc.
Tội danh thứ sáu là đảng viên Xã hội Cách mạng làm gián điệp cho phe Đồng minh năm 1918. Trước đó làm Cách mạng nhưng về sau làm gián điệp. Năm 1922 tội gián điệp nghe còn nổ lắm nhưng dần dà vì nhiều gián điệp quá nên chẳng ai muốn nghe.
Từ tội danh thứ bảy đến tội danh thứ mười toàn là tội hợp tác. Hợp tác với Savinkov, với Filonenko, với Đảng Dân chủ Lập hiến, với nhóm Phục Sinh (không hiểu có nhóm này thật không?), với bọn sinh viên tiểu tư sản phản động và với, cả đám Sĩ quan phiến loạn nữa!
Những tội danh chằng chịt của Đảng Xã hội Cách mạng được Công tố viện bài ra dễ sợ thật nhưng giọng điệu buộc tội của đồng chí Krylenko không gay gắt, căm thù mà nghe như chỉ trích thân hữu, chia sớt tình cảm là khác. Chiến thuật “nói ngọt” bắt nguồn từ phiên xử này và đạt đến độ tận thiện tận mỹ năm 1937.
Qua giọng nhẹ nhàng buộc tội của Công tố viên, người ta có cảm tưởng kẻ xử án và người chịu án cùng chung một phe phái anh em. Nó đã đánh trúng nhược điểm của các “đồng chí” Xã hội Cách mạng. Làm sao không mũi lòng cho được, khi Ủy viên Chính phủ có lời trách móc:
“Dầu sao, các anh và chúng tôi, chúng ta cũng là người cách mạng với nhau! Tại sao các anh có thể cúi xuống, đi liên kết cùng bọn Dân chủ Lập hiến lạc hậu? Tại sao các anh có thể đi cùng bọn Sĩ quan phiến loạn? Các anh lại còn huấn luyện cho tư bản phản động, bọn sinh viên giá áo túi cơm về kỹ thuật, kế hoạch gây loạn nữa!”
Trước Toà Tối cao, các đảng viên cao cấp Xã hội Cách mạng đã bị buộc tội như vậy, nhưng họ đối đáp thế nào? Tuyệt nhiên không có tài liệu, hồ sơ trực tiếp ghi lại những lời tự biện hộ. Không biết có những người nào vạch ra rằng tính chất đặc thù của Cách mạng tháng 10 là tuyên chiến lập tức cùng bất cứ phe nhóm nào tham gia Cách mạng, gạt họ ra ngoài ngay từ đầu? (Họ đâu có mời tham gia, anh đâu dám ăn không nói có). Có thể một vài người thấm thía lời Công tố viên trách móc, tủi hổ cúi mặt cho sự xuống chân của mình. Coi, đang nằm xà lim tối om được ra chỗ sáng, được ông Công tố ngọt ngào như vậy sao khỏi động tâm?
Và ngay từ hồi 1922, Krylenko đã tìm ra đúng đường lối để sau này đàn em Vyshinsky cứ thế mà đánh vào tử điểm bọn phản động Kamenev, Bukharine; đã liên kết với phe nhóm tư bản phản động thì thế nào cũng nhận tiền của tư bản. Mới đầu đương nhiên anh chỉ nhận tiền với tư cách cá nhân để hoạt động hoặc vì lý tưởng. Cũng đương nhiên không phải đường lối Đảng. Nhưng làm cách nào vạch rõ thế nào là cá nhân, thế nào là hoạt động đoàn thể? Lý tưởng của cá nhân anh cũng có thể là lý tưởng của đoàn thể lắm chớ? Chao ôi, một đảng mang danh hiệu Xã hội Cách mạng mà nhận tiền tư bản thì còn gì là Cách mạng? Còn gì là thanh danh?
Khi tội danh đã vạch ra chất chồng thì dĩ nhiên Toà phải nhóm xử để rồi nghị án tùy trường hợp từng người, Nhưng tới đây lại nảy ra một chướng ngại làm đảo lộn hết, xét vì:
Tất cả những hoạt động của xã hội cách mạng kể như phạm pháp đều xảy ra từ hồi 1918.
Ngày 27 tháng 2 năm 1919 đã có lệnh ân xá riêng Đảng Xã hội Cách mạng, tha thứ tất cả những hoạt động chống đối phe Bôn-xê-vích trong quá khứ, với điều kiện là họ phải cam kết không hoạt động, tranh đấu trong tương lai.
Từ ngày đó họ không hoạt động, không tranh đấu thực sự.
Bây giờ mới là 1922. Vậy phải làm thế nào?
*
Đúng, phải làm thế nào để tròng tội vào cổ bọn Xã hội Cách mạng, đó là nhiệm vụ của đồng chí Krylenko.
Nguyên lệnh ân xá riêng các anh em Xã hội bắt nguồn từ sự can thiệp của Quốc tế Xã hội, yêu cầu chính quyền Xô Viết nương tay đối với anh em cùng một mặt trận. Vả lại từ đầu năm 1919, trước sự đe doạ của 2 mũi dùi Kolchak và Denikin, Đảng Xã hội Cách mạng tự ý quyết định ngưng chống chế độ Bôn-xê-vích, đảng bộ Xã hội Cách mạng ở Samara còn mở một lỗ hổng ở mặt trận Kolchak, do đó mới có lệnh ân xá. Ngay trước Toà, cán bộ Xã hội Cách mạng cấp Trung ương Gendelman còn tuyên bố thật ngây thơ: “Nhà nước thử nới lỏng, cho hưởng đủ các tự do căn bản coi. Chúng tôi đâu có phạm pháp nữa!”. (Chao ôi, có bao giờ nhà nước nới lỏng, cũng như các tự do căn bản có cho ai bao giờ?).
Lập trường cấp Trung ương của Đảng Xã hội Cách mạng là thế đó! Được như vậy là hết chống đối, coi chế độ Xô Viết là hợp pháp, nghĩa là không cần xét lại vụ truất phế cả Chính phủ Lâm thời lẫn Quốc hội Lập hiến! Chỉ yêu cầu nhà nước cho tổ chức tuyển cử tự do, chấp nhận cho tất cả các đảng phái tự do tranh cử.
Đâu thể có chuyện nhà nước Xô Viết chấp nhận cho dễ dàng như vậy? Lại một “đòn xâm nhập của tư bản”! Thời buổi khủng hoảng, kẻ thù bao vây bốn phía thì chấp nhận thế nào được? (Hai chục năm, năm chục năm, một trăm năm nữa dĩ nhiên vẫn chưa hết, khủng hoảng, kẻ thù bao vây bốn phía!).
Nói làm gì đến tự do tranh cử. Để đối đáp lại thiện tình của anh em Xã hội Cách mạng đưa đề nghị hoà bình, nhà nước Xô Viết có ngay quyết định: phải tống cổ toàn thể Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng vào tù! Lượm được mạng nào tốt mạng ấy, ít ra cũng đỡ lo chúng ngo ngoe tuyên truyền chống đối.
Khi đã tống giam bằng hết rồi, liệu có cần phải đưa chúng ra toà không? Câu lưu tới 3 năm rồi mà. Nhưng nếu đưa ra toà thì truy tố chúng về những tội gì? Dù sao cũng phải tìm ra tội trạng của từng người và thời buổi đó, công việc thẩm vấn trước khi truy tố còn quá nhiều thiếu sót, như lời thú nhận của đồng chí Krylenko.
À, có một tội rõ rệt, không cãi vào đâu được. Tháng Hai năm 1919 Đảng Xã hội Cách mạng đưa ra một nghị quyết (chưa thi hành) song căn cứ theo Bộ Hình Luật mới thì làm rồi hay chưa cũng vậy! Cán bộ Xã hội Cách mạng được lệnh ngấm ngầm xách động hàng ngũ Hồng quân, kêu gọi binh sĩ ngừng tay, không tham gia vào những vụ bắn, giết trả thù nông dân. Xách động như vậy đủ là phản động, là âm mưu phản cách mạng rồi! Lại còn mớ tài liệu của Phái đoàn Đại diện Trung ương Đảng bộ ra ngoại quốc hoạt động nữa. Chỉ có nói miệng thôi, nhưng toàn là chứng cớ buộc tội được hết.
Tuy nhiên phải tìm cho ra một tội cụ thể, tội khủng bố bạo động chẳng hạn. Nói đến cánh tả Xã hội Cách mạng là người ta liên tưởng đến bạo động, khủng bố rồi. Càng dễ làm việc! Chẳng hạn như trước khi có lệnh ân xá, Đảng Xã hội Cách mạng chẳng có sẵn kế hoạch khủng bố các cấp lãnh đạo Xô Viết đó sao? Phải hiểu lệnh ân xá chỉ đặt điều kiện ngưng hoạt động, tranh đấu , nghĩa là nếu trước có tranh đấu cũng được ân xá, chớ có tha thứ cả tội bạo động, khủng bố đâu? Đó là một đầu mối chắc chắn để đồng chí Krylenko có thể phăng dần ra nhiều tội khác.
Và nếu nói đến vấn đề khủng bố thì mấy ông cấp lớn Xã hội Cách mạng rành lắm. Nhất là khủng bố mồm, đe doạ khủng bố!
Chẳng hạn như ở kỳ Đại hội Đảng thứ 4, Chernov đã hùng hồn đe doạ: “Nếu kẻ nào chà đạp lên quyền lợi của nhân dân, Đảng sẽ dồn sức mạnh đập nát liền, như đã chứng tỏ dưới thời Nga hoàng!” Và Gots còn mạnh mẽ tố thêm: “Nếu bọn độc tài ở Smolny dám đụng tới Quốc hội Lập hiến thì Đảng Xã hội Cách mạng nhất định không quên những chiến thuật đắc lực từng thử thách dạo nào”. (Khủng bố miệng thì ghê gớm như vậy, nhưng thực sự Đảng Xã hội Cách mạng có làm một cái gì đâu?).
Đảng Xã hội Cách mạng không quên. Có điều không hành động. Nhưng với Bộ Hình Luật mới thì đe doạ xuống cũng đủ rồi!
Đồng ý rằng Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng năm 1918 ra nghị quyết không áp dụng khủng bố với các anh em Bôn-xê-vích, Đảng chỉ tuyên bố nếu phe Bôn-xê-vích không sát hại cán bộ Xã hội Cách mạng thì Đảng cũng không giở thủ đoạn khủng bố, cũng như năm 1920 đe doạ nếu phe Bôn-xê-vích làm hại đến sinh mạng các con tin Xã hội Cách mạng (tức tù nhân) thì Đảng sẽ võ trang nổi đậy. Nhưng làm sao ngăn được cá nhân Đảng viên nhúng tay vào khủng bố, phá hoại? Chẳng hạn một đảng viên Xã hội Cách mạng âm mưu gài mìn cho nổ đầu máy đoàn xe lửa chở các Ủy viên Hội đồng Nhân dân tới Mạc Tư Khoa. Tội mưu sát sẽ được quy trách cho Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng! Đồng chí Ivanora mang một bánh chất nổ nằm phục một đêm gần nhà ga. Vậy là có cuộc sắp đặt mưu hại lãnh tụ Trotsky và chủ mưu còn ai ngoài Trung ương Đảng Xã hội Cách mạng? Ngay như vụ Donskoi, Ủy viên Trung ương Xã hội Cách mạng ra nghiêm lệnh cho nữ đồng chí Fanya Kaplan, doạ trục xuất khỏi Đảng nếu cứ đi rình ám sát Lenin mà cũng cấu thành tội trạng để buộc tội Đảng Xã hội Cách mạng kia mà.
Giản dị là cá nhân vô kỷ luật gây rối thì đoàn thể chịu trách nhiệm và “chuyên viên gây rối”, mấy tay bắn mướn thì Đảng Xã hội Cách mạng có khá nhiều, kiểm soát không nổi vì họ “thất nghiệp” đông quá! (Năm 1922 hai chuyên viên Konopleva và Semyonov cũng bị bắt và phản tỉnh kịp thời, cung cấp khá đủ tài liệu cho GPU. Dù không xài được vào việc khép án cấp lãnh đạo Xã hội Cách mạng, 2 ông cán bộ khủng bố mềm lưng này cũng được nhà nước trả tự do thật đột ngột).
*
Qua những tài liệu, nhân chứng mà Công tố viện nếu ra trước Toà tối cao, ánh sáng vàng vọt, le lói của Công lý thời đó cũng đã soi tỏ cả một đoạn đường lịch sử vòng vo bấp bênh, lạc hậu của một nhóm người ô hợp, không mục tiêu, hết hy vọng, chỉ mạnh miệng nói! Gọi là Đảng nhưng có thực sự hoạt động đâu, có được lãnh đạo bao giờ, nhưng bất cứ một hành động lẻ tẻ, quyết định hay không quyết định chiến hay hoà mà đã ra Toà Tối cao đều là tội hết! Không lật đổ nhà nước, không bạo động khủng bố, không chiếm hữu tài sản bất hợp pháp thì Đảng Xã hội Cách mạng vẫn cứ bị truy tố chỉ vì một tội mà ông Chưởng lý Krylenko đã xác định:
“Tất cả các bị cáo hiện diện sau cùng vẫn có thể bị ghép vào một tội, không trừ một ai: đó là một tội biết mà không chịu cáo giác với nhà nước!”
Chao ôi, Đảng Xã hội Cách mạng mà bị lên án không cáo giác lẫn nhau cho hết thì quả là không còn gì để nói nữa! Bộ Hình Luật mới rộng rãi đến như vậy quả là đã dọn đường sẵn để các thế hệ sau thẳng tiến về Tây Bá Lợi Á. Nó mới đến nỗi ông Chưởng lý Krylenko không biết đường mò, không nhớ nổi số các điều khoản quy định tội hoạt động phản Cách mạng. Hình như lưỡi dao máy chém treo đã lâu giờ chỉ nhằm các điều khoản này mà giáng xuống vậy! Nó thô sơ đến nỗi không cần phân biệt hành động và dự mưu. Tội trạng như nhau và hình phạt cố nhiên cũng như nhau!
Qua phiên Toà xử Đảng Xã hội Cách mạng người ta đã thấy thấp thoáng – như một hoạ sĩ xuống bút phóng hoạ vài nét thô sơ làm chuẩn – bóng dáng của những phiên toà sau này: 1937, 1945, 1949. Chỉ có một nét duy nhất trội hơn mà thế hệ sau không có: đó là tư cách các bị cáo trước toà. Họ chưa là cừu mà vẫn còn người vì qua lời Krylenko, họ nghiễm nhiên tin tất cả những chuyện họ đã làm đều có chính nghĩa, do đó họ đã khẳng khái tự tìm nguồn an ủi ở sự giữ vững tư cách, sau này thế nào cũng có người biết tới và ca ngợi. Họ còn sẵn sàng làm lại hết mà. Dĩ nhiên muốn tìm hiểu tư cách trước toà của đảng viên Xã hội Cách mạng cũng chẳng có cách nào khác hơn giở lại chồng hồ sơ Công tố viện, ở chính những lời buộc tội của đồng chí Krylenko.
Chẳng hạn như Berg cương quyết tố cáo: chính các chiến sĩ Bôn-xê-vích phải chịu trách nhiệm về vụ hạ sát những người biểu tình chống lại lệnh truất phế Quốc Hội Lập hiến ngày 5.1.1918. Còn chiến sĩ Xã hội Liberov chỉ ân hận một điều: “Tôi cảm thấy phạm tội nặng đối với hàng ngũ công nhân vì năm 1918 đã không gắng hết sức để quật ngã bằng được chính phủ Bôn-xê-vích!” Nữ chiến sĩ Yevgenyia Ratner cũng chỉ ân hận in hệt, không tận lực chống bọn gọi là chính quyền Công nông, nhưng tôi hy vọng rằng còn có ngày làm lại!”.
Chao ôi, ngày đó qua luôn rồi! Cũng như những lời lẽ hào hùng vì hăng say, vì quen thói, nhưng phải nhìn nhận dầu sao các đảng viên Xã hội Cách mạng năm 1922 không mềm lưng vẫn giữ trọn tư cách. Nếu không tư cách, chắc chắn Gendelmen Grabwsky đã chẳng dám tranh luận với đồng chí Krylenko (dù chính bị cáo cũng là một luật sư) để vạch rõ nhiều nhân chứng đã được chuẩn bị bằng những phương pháp đặc biệt trước khi ra toà (GPU thiếu gì những phương pháp đặc biệt để buộc nhân chứng khai trước toà?). Còn những vụ đột ngột xuất trình thêm bằng cớ, lời khai vào giờ chót và lần đầu tiên trước toà, dù theo thủ tục chính Chưởng lý Krylenko đã chịu trách nhiệm tổng quát, theo dõi để vá víu kịp thời các hồ sơ ngay trong thời kỳ thẩm vấn.
Chẳng qua những sơ sót đó chỉ là những mấu ráp nối chưa bào chuốt mà thôi. Có một cái gì hoàn toàn được? Chưởng lý Krylenko xác nhận ngay:
“Chúng tôi thực sự không quan tâm đến vụ lịch sử rồi đây sẽ phê phán ra sao!”
*
Sự thực không thể nói nổi một sự trơn tru, toàn vẹn từ đầu đến cuối trong công tác lập hồ sơ truy tố ra toà. Ít nhất cũng có đến 3 giai đoạn riêng rẽ chớ không thể giản dị chỉ qua thủ tục hồi cung mà xong! Phải có sơ vấn để trước khi đi sâu vào điều tr.a để sau cùng tóm gọn trong bản cung khai có tính cách tự thú. Dĩ nhiên GPU phải đặt nặng công tác điều tra, đúng chiều hướng mà Cơ quan có chỉ thị,
Thiết thực mà nói thì ông Chưởng lý Krylenko đã phải mất đứt nửa năm trời chuẩn bị sắp đặt hồ sơ ở giai đoạn sơ vấn, cộng thêm đúng hai tháng để điều tra, thẩm vấn (phụ trách là nhóm chuyên viên Cơ quan, với thẩm quyền rộng rãi) để đúc kết thành những bản cung khai mà tối đa Krylenko cũng chỉ cần đúng 15 giờ để duyệt xét lại lần chót để truy tố ra Toà là phải có căn bản pháp lý đàng hoàng.
Dĩ nhiên có một cách truy tố giản dị hơn nhiều là bắn bỏ bằng hết! Trường hợp Đảng Xã hội Cách mạng xét chẳng thể giản dị hoá vậy được. Còn dư luận quốc tế chớ. Đó là ly do Krylenko xác định rõ là: “Cáo trạng do Công tố viện trình toà không có tính cách chỉ thị buộc Toà phải xử theo chiều hướng. Nhiệm vụ Toà là căn cứ trên cáo trạng để cân nhắc, xét xử và tuyên án”.
Kể ra một Toà án Tối cao mà còn cần đến một giải thích như vậy quả là thừa thãi! Tuy nhiên Toà phải chứng tỏ là dù sao cũng còn quyền phán quyết, đâu thể cho phép bắn bỏ dân Nga đến thằng phản động cuối cùng? Toà chỉ tuyên 14 bản án tử hình. Đa số lãnh án phạt giam, còn hình thức đưa đi đày để “lao động cải tạo” thì khoảng một trăm bị cáo còn lại.
Nếu Toà Tối cao không nhận chỉ thị của Công tố viện thì trái lại tất cả Toà án các cấp trên toàn quốc đều phải chiếu bản án của Trung ương để làm gương. Đó là bản án mẫu để các Toà địa phương lấy làm căn bản chung tuyên án. Thủ tục áp dụng là như vậy nên số người chịu án kế tiếp cứ tính từng tỉnh hạt và làm tính nhân lên. Phần đông lên xe lửa đi đày trại Cải tạo!
Nhưng đặc quyền ân xá của Ủy ban Hành pháp Trung ương mới là quyết định tối hậu, ăn trùm tất cả các bản án Toà! Ủy ban Hành pháp Trung ương không ân xá một ai và Toà Tối cao chẳng phải án treo nhưng trên thực tế tạm ngưng thi hành. Đợi phản ứng của những thành phần Xã hội Cách mạng còn lọt lưới, nhất là đang ở ngoại quốc coi sao đã! Con tin của các anh đã nằm sâu trên thớt, liệu chừng mà hó hé, vận động phản đối.
Bước qua mùa gặt thứ hai của thời đại hoà bình, nhà nước đâu cần phải xuống tay hành chi cho lắm. Cần thiết lắm mới để Cơ quan làm ở sân trong, hay kẹt như vụ Yuroslav, Tổng Giám mục Veniamin ở Petrograd, Phải tạo điều kiện tốt, một bầu trời xanh lơ trong trẻo để cho các phái đoàn ngoại giao, báo chí khởi sự xuất ngoại chớ? Con tin đã nằm cứng trong tay Ủy ban Hành pháp Trung ương của Công Nông thì còn vuột đi đâu?
Tờ Sự Thật đã dành hẳn 60 số liên tiếp theo dõi, trần thuật tỉ mỉ vụ án Xã hội Cách mạng. Cán bộ cao cấp chính quyền là phải đọc hết – đọc Sự Thật là bổn phận. Tất cả đều gật gù: “Đúng lắm, Đích đáng lắm. Phải vậy mới được!”. Có một giọng nào chống đối, nói khác đi đâu?
Vậy thì hà cớ họ ngạc nhiên sau này, năm 1937? Có gì đáng phàn nàn, phản đối? Nền tảng của vô luật đã chẳng được dựng nên từ 1922, khởi từ thẩm quyền xử án ngoài lề của Cheka, đúc kết bằng bộ Hình Luật trẻ trung, cơ sở pháp lý vững chắc của những phiên toà thời đó.
Nếu năm 1922 là năm cần thiết để giải quyết, thanh toán thì tại sao 1937 lại không? Đối với Stalin cần phải có. Không chừng một cần thiết lịch sử cũng nên! Dù chẳng phải nhà tiên tri, đồng chí Chưởng lý Krylenko đã biện chứng trúng phóc: “Toà không xét xử Quá khứ, mà xét xử Tương lai!”. Lưỡi hái đã đưa cao, chỉ nhát đầu còn khó phần nào, Nhân vật lớn cuối cùng của Đảng Xã hội Cách mạng bị lọt lưới – hay tự ý chui đầu vào rọ – là Boris Viktorovich Savinkov bị cơ quan An ninh Xô Viết bắt được ngày 20 tháng 8 năm 1922 giữa lúc vượt biên giới về nước. Cố nhiên Savinkov bị đưa về Lubyanka nằm tức khắc.
Tại sao Savinkov lại đâm đầu về đến nỗi sa lưới dễ dàng như vậy. Mãi sau này tạp chí Neva số 11 năm 1967 mới tiết lộ sự thực qua mẩu hồi ký của một chứng nhân giá trị là Ardamatsky, một kẻ có thẩm quyền gần gũi các hồ sơ mật của Bộ Nội An. Sau khi bắt một số đảng viên cốt cán của Xã hội Cách mạng, Cơ quan đã mua đứt họ, lợi dụng họ gài bẫy giùm nhử Savinkov về. Mấy tên phản được GPU cho ra bí mật, xuất dương tìm đến đàn anh báo cáo: Tổ chức của Đảng ta có một cơ sở lớn, còn hoạt động được nhưng đành nằm yên chỉ vì thiếu một cấp lãnh đạo cừ. Chỉ thiếu Savinkov! Bị đánh trúng tự ái lãnh tụ, muốn phục vụ Đảng lần chót nên Savinkov đánh liều từ Nice (Pháp) về nước, cố gây dựng cơ sở Đảng. Được bọn đàn em hướng dẫn về, tổ chức thật kín đáo, nhưng lọt ngay lưới GPU giương ra chờ sẵn bên kia biên giới! Sự thực có thể gần như vậy).
Một cán bộ “phản nghịch” quan trọng như vậy mà Lubyanka khai thác quá lẹ: chỉ cần viết bản tự thú, khai rõ hoạt động là hồ sơ kết thúc ngày 23 tháng 8. Vì kết thúc quá cấp tốc nên người ta cho rằng Savinkov đã tự ý cung khai chớ tr.a tấn tối da cũng chẳng làm lẹ được cỡ đó!
Bản cáo trạng chính thức thì danh từ chuyên môn đã có mẫu sẵn, chỉ việc thu xếp sao cho giả cũng thành thiệt. Nghĩa là tưởng tượng ra được tội gì thì bị cáo Savinko lãnh tội đó! Trước hết là “kẻ thù gốc bần cố nông”, tiếp tay tư bản thực hiện những mục tiêu đế quốc (nghĩa là chủ trương đánh Đức), có liên lạc với Bộ Tư lệnh Đồng minh (dù với tư cách Bộ trưởng Chiến tranh của chính phủ Cách mạng Lâm thời!), tham dự những Ủy ban gây hấn trong quân lực và chót hết là tội “có cảm tình với giới bảo hoàng”!
Ngoài mớ tội “căn bản” đó, Savinkov còn nhiều tội mới – những tội sau này trở thành “tiêu chuẩn” – nào nhận tiền bạc đế quốc, nào làm gián điệp cho Balan (chớ không phải cho Nhựt Bổn!) và cụ thể nhất là “dự mưu đầu độc Hồng quân bằng độc chất potassium cyanide!).
Toà khai mạc ngày 26.8 dưới quyền Chánh thẩm Ulrikh. Đặc biệt là không luật sư biện hộ mà đại diện Công tố viện cũng không.
Bị cáo Savinkov tự biện hộ quá ngoan ngoãn. Toà có đưa bằng chứng cũng không buồn cãi. Thái độ gần như thản nhiên chấp nhận bằng hết, Toà muốn xử sao cũng được. Lần chót được về nước, được nói trước công chúng và được dịp hối ngộ là tốt rồi!
Ngần ấy sự kiện đã lạ chớ? Nhưng lạ nhất là chính bản án! Xét vì để duy trì Công lý và trật tự cách mạng, án tử hình không cần thiết trong trường hợp này. Vả lại cũng cần khẳng định rõ Công lý của giai cấp vô sản chẳng phải là một dụng cụ trả thù cho nên Savinkov chỉ bị trừng phạt bằng bản án nhẹ nhàng là 10 năm tù.
Savinkov mà chỉ 10 năm tù? Quá nhẹ! Dư luận xôn xao, Chế độ ta khởi sự nương tay thiệt sao? Có sự thay đổi gì đây? Trên tờ Sự Thật, chính đồng chí Chánh thẩm Ulrikh còn phải lên tiếng giải thích lý do tại sao không cần phải tuyên án tử hình.
Phải biết là chế độ ta sau 7 năm cầm quyền đã vững mạnh thế nào! Tại sao lại phải e dè, sợ sệt một thằng cỡ Savinkov chớ? (Nhưng 20 năm sau nó lại yếu dần! Đừng trách cứ tại sao kỷ niệm 20 năm Cách mạng thành công mà phải xử tử đến mấy ngàn người).
Vụ hồi hương của Savinkov đã là chuyện lạ. Không bị án tử hình còn lạ hơn! Nhưng chuyện lạ nữa thì phải đợi đến tháng Năm năm 1925 mới đột biến. Chắc vì khủng hoảng tinh thần quá nên thình lình tù nhân Savinkov đã lao đầu ra ngoài khung cửa sổ (mở ngỏ, không bít bùng) để gieo mình xuống sân trong khám đường Lubyanka! Mấy cán bộ có nhiệm vụ theo sát, canh chừng nhảy lại đỡ không kịp.
Nhưng để một vụ nhảy lầu xảy ra ngay trong cơ sở Cơ quan đâu có được, Savinkov phải để lại một cái gì chứng tỏ người đã chán sống đến mức tối đa, quyết tâm chỉ đợi cơ hội là hủy mình! Có một lá thư tuyệt mạng.
Lá thư đã giải thích một cách sáng tỏ và hợp lý nguyên nhân chán sống của người. Từ văn phong đến ngôn ngữ, danh từ sử dụng đều thuần túy Savinkov, đúng chất Savinkov đến nỗi chính con trai nạn nhân là Lev Bhrisovich ở Bale cũng tin rằng lá thư đích thực của người quá cố, không ai có thể giả tạo nổi. Gặp ai ở Bale, Borisovich cũng khẳng định là thân phụ ông đã tự ý tìm đến cái ch.ết chỉ vì thất vọng não nề cho cả một lý tưởng chính trị sụp đổ. Một phá sản chính trị! [7]
Chao ôi, thế là xong một cuộc đời cách mạng!
Tuy nhiên Công lý đang lớn dần, còn nhiều vụ án lớn vô cùng quan trọng đang nằm chờ đợi.