Chương 20
Và chúng tôi đã tìm thấy nó. Phải nói ngay rằng chính tôi là người tìm ra. Xin Thượng đế chớ để con mắc tật kiêu hãnh, chính tôi đã khám phá ra một vật ở khoảng giữa vại máu và Đại dinh: đó là những dấu chân người, khá sâu, trong khu đất chưa có ai đi qua. Như thầy tôi đã nhận xét ngay tức khắc, những dấu chân này có vẻ mờ hơn các dấu chân của các tu sĩ và những người giúp việc, một dấu hiệu chứng tỏ tuyết đã rơi xuống đó rất nhiều lớp. Như thế, những dấu chân này đã xuất hiện trước tiên, nhưng đối với chúng tôi, có lẽ điều đáng ghi nhận hơn cả là có một vệt dài, chạy liên tục lẫn trong những dấu chân người này kéo lê đi. Tóm lại, đó là các dấu chân chạy từ vại đến nhà ăn, sang mạn hông của Đại dinh, đến giữa ngọn tháp phía Nam, rồi sang ngọn tháp phía Đông.
Thầy William nói: - Nhà ăn, phòng thư tịch, thư viện. Lại một lần nữa. Thư viện. Venantius ch.ết trong Đại dinh và có lẽ là trong thư viện.
- Tại sao lại chính là trong thư viện?
- Ta đang tự đặt mình vào hoàn cảnh của kẻ sát nhân. Nếu Venantius ch.ết hay bị giết trong nhà ăn, nhà bếp hoặc phòng thư tịch, tại sao không để xác ch.ết lại đó? Nhưng nếu Huynh ấy ch.ết trong Thư viện thì phải vác xác đến nơi khác, vì cả hai lý do: Một là, trong Thư viện sẽ chẳng bao giờ có ai tìm thấy xác ch.ết cả, và có lẽ kẻ sát nhân đặc biệt quan tâm đến việc tất cả mọi người đều trông thấy xác ch.ết - Hai là: kẻ sát nhân không muốn mọi người tập trung vào Thư viện.
- Tại sao kẻ sát nhân muốn ai cũng trông thấy xác ch.ết?
- Thầy không biết. Thầy có thể đưa ra vài giả thiết. Làm sao chúng ta biết kẻ sát nhân đã giết Venantius vì thù oán? Hắn có thể giết Huynh ấy, chớ không phải ai khác, hòng để lại một dấu hiệu, hoặc ám chỉ một ý gì khác.
- Dấu hiệu đó là gì?
- Đấy chính là điều thầy không biết, nhưng chúng ta chớ quên rằng có những dấu hiệu như thế, nhưng thật ra vô nghĩa.
- Giết người như thế thật là gớm ghiếc!
- Giết một người để nói: “Tôi tin Chúa” thì còn gớm ghiếc hơn.
Lúc ấy, Severinus tiến đến. Thi hài đã được rửa sạch và xét nghiệm kỹ lưỡng, không có thương tích, không một vết trầy trên đầu.
Khi chúng tôi trở về bệnh xá, thầy William hỏi:
- Trong phòng thí nghiệm của Huynh có độc dược không?
- Lẫn cùng với những thứ khác. Nhưng còn tùy Huynh cho thế nào là độc dược, vì những dược chất khi dùng liều ít sẽ rất bổ dưỡng, nhưng dùng quá liều sẽ gây tử vong. Cũng như các dược thảo sư khác, tôi bảo quản các dược chất này và dùng chúng rất thận trọng. Chẳng hạn, tôi có trồng trong vườn loại cây Nữ Lang: vài giọt thuốc từ cây này trong hỗn hợp các loại dược thảo khác sẽ trợ tim, nếu tim đập không đều, nhưng nếu dùng quá liều sẽ gây choáng váng hoặc ch.ết người.
- Huynh không nhận thấy xác ch.ết có một dấu hiệu gì chứng tỏ bị nhiễm một loại độc dược nào sao?
- Không. Có nhiều loại độc dược chẳng để lại dấu tích gì.
Chúng tôi đến bệnh xá. Sau khi được rửa sạch tại nhà tắm, xác Venantius đã được đưa đến đây, đặt trên chiếc bàn lớn trong phòng thí nghiệm của Severinus. Các nồi chưng và các dụng cụ thủy tinh hoặc bằng đất khiến tôi nghĩ đến phòng làm việc của một nhà giả kim. Trên vài chiếc kệ dài kê sát tường, gần cửa ra vào, bày vô số chai, lọ, ống, nồi, đựng đầy các chất đủ màu.
- Một bộ sưu tập cây thuốc rất hay. Tất cả đều là sản phẩm từ vườn của Huynh đấy chứ?
- Không, nhiều loại hiếm hoặc không thể trồng được trong khí hậu này đã được các tu sĩ từ khắp thế giới mang đến cho tôi trong bao năm nay, cùng với các loại rất dễ trích ra từ hoa ở địa phương, tôi có nhiều dược thảo rất quý và hiếm. Huynh xem… đây là mumia, rất hiếm, được sản xuất từ sự phân hủy các xác ch.ết khô; nó được dùng để chế ra nhiều loại thuốc hiệu nghiệm gần như thần dược. Madragora officinalis, giúp ngủ ngon…
- Và giúp khơi dậy dục vọng - thầy tôi nhận xét.
- Người ta nói thế, nhưng như Huynh thấy, ở đây không dùng nó vào mục đích đó - Severinus mỉm cười - Và nhìn đây, Tutty, thuốc mắt thần kỳ - ông nói và với lấy một ống thuốc.
- Còn thứ gì đây? – Thầy William hỏi và sờ vào một thỏi đá nằm trên kệ.
- Cục đá đó à? Người ta cho tôi đã lâu rồi. Chắc nó có khả năng trị bệnh, nhưng tôi chưa khám phá ra khả năng đó là gì. Huynh có biết loại đá đó không?
- Biết. Nhưng không rõ hết dược năng của nó - Thầy William nói và lôi trong áo ra một con dao nhỏ, và từ từ đưa về phía cục đá. Tay thầy cầm dao hết sức nhẹ nhàng. Khi lưỡi dao dí sát vào cục đá, tôi bỗng thấy lưỡi dao bật vút lên, như thể thầy William đã lắc lư cổ tay nhưng thật ra tay thầy hoàn toàn bất động. Rồi lưỡi dao hít chặt vào cục đá, tạo ra một tiếng cách nhỏ. Thầy William bảo tôi:
- Con thấy không, nó hút sắt.
- Thế, nó dùng để làm gì?
- Nó có nhiều công dụng khác nhau, thầy sẽ cho con biết sau. Và bây giờ, thưa Sư huynh Severinus, tôi muốn biết tại đây có loại thuốc gì có khả năng giết người không?
Severinus nghĩ ngợi một lúc, có thể là một lúc lâu, để cân nhắc câu trả lời - Có nhiều loại. Như tôi đã trình bày, ranh giới giữa thuốc bổ và thuốc độc rất ngắn, người Hy Lạp đã dùng từ pharmacon cho cả hai loại.
- Dạo gần đây không có loại nào bị lấy đi chứ?
Severinus lại ngẫm nghĩ, dường như cân nhắc từng chữ: - Gần đây thì không.
- Thế còn trước đây?
- Ai mà biết được? Tôi chẳng nhớ. Tôi ở tu viện này ba mươi năm mà hết hai mươi lăm năm ở bệnh xá.
- Thật quá lâu với ký ức một con người - Thầy William nhìn nhận và đột nhiên nói - Hôm qua chúng ta đang nói đến các loại cây có khả năng gây ảo giác. Chúng là những cây gì thế?
Cử chỉ và vẻ mặt của Severinus chứng tỏ rằng ông vô cùng mong muốn lẩn tránh đề tài này;
- Tôi phải suy nghĩ kỹ đã. Tôi có nhiều loại thuốc thần kỳ ở đây. Nhưng chúng ta hãy nói về cái ch.ết của Venantius thì hơn. Huynh nghĩ thế nào về việc đó.
- Tôi cũng phải suy nghĩ kỹ đã.