Chương 21

Benno thổ lộ một số điều,
Berengar thổ lộ một số điều khác
và Adso học được ý nghĩa
của việc thực sự sám hối.


Sự kiện rùng rợn vừa rồi làm chấn động cuộc sống của dòng tu. Cảnh hỗn loạn khi phát hiện xác ch.ết làm gián đoạn buổi thánh lễ. Tu viện trưởng lập tức điều động các tu sĩ về khu hát kinh để nguyện cầu cho linh hồn người tu sĩ anh em xấu số. Giọng của các tu sĩ nghẹn ngào. Thầy trò tôi chọn một chỗ ngồi để có thể quan sát được tất cả gương mặt mọi người khi nghi thức không đòi hỏi phải sụp mũ xuống. Tức thì, chúng tôi trông thấy gương mặt Berengar. Nó tái xanh, cau có và đẫm mồ hôi.


Sát bên y, chúng tôi để ý đến Malachi. Gương mặt ông u tối, suy tư, trầm tĩnh. Kế Malachi, cũng trầm tư như thế là gương mặt của tu sĩ mù Jorge. Mặt khác, chúng tôi quan sát thấy Benno - học giả hùng biện mà chúng tôi đã gặp hôm trước tại phòng thư tịch - Huynh ấy có vẻ bồn chồn, liếc vội về phía Malachi. Thầy William nói: - Benno thì bồn chồn, Berengar thì sợ hãi, phải thẩm vấn họ ngay.


- Tại sao?
- Việc của chúng ta rất khó khăn. Đó là việc gian nan của một phán quan phải đánh vào kẻ yếu đuối nhất và vào chính lúc họ cảm thấy yếu đuối nhất.


Ngay khi vừa tan lễ, chúng tôi đuổi theo Benno, lúc y đang trực chỉ thư viện. Người tu sĩ trẻ này dường như bực mình khi nghe thầy William gọi, nên lẩm bẩm thoái thác xin cáo phải đi làm việc ngay. Dường như Huynh ấy đang vội đi đến phòng thư tịch. Thầy tôi lưu ý Huynh ấy rằng, thầy đang tiến hành điều tr.a theo mệnh lệnh của Tu viện trưởng, rồi đưa Benno vào nhà dòng. Chúng tôi ngồi lên bức tường giữa hai cây cột nhìn về phía Đại dinh. Benno đợi thầy tôi nói trước.


- Này nhé, thế vào ngày Huynh thảo luận các tranh minh họa bên lề Thánh thư của Adelmo với Berengar, Venantius, Malachi và Jorge, mọi người đã nói gì?


available on google playdownload on app store


- Hôm qua, Huynh đã nghe rồi đó, Jorge bảo rằng sử dụng các hình ảnh lố bịch để trang trí những quyển sách chứa đựng sự thực là không đúng đắn. Venantius nhận xét rằng, chính Aristotle đã nói về những lối nói dí dỏm và những cách chơi chữ như những công cụ có khả năng bộc lộ sự thực hay hơn; do đó, tiếng cười không thể là một điều xấu, nếu nó có thể trở thành một phương tiện diễn đạt sự thực. Jorge bảo rằng Huynh ấy nhớ rằng Aristotle đã viết về điều này trong tác phẩm “Thi ca”[22] khi bàn luận về phép ẩn dụ. Và chính trong những điều này, có hai sự kiện rắc rối: thứ nhất, vì tác phẩm “Thi ca” từ lâu vốn đã không được lưu truyền trong xứ đạo, đã được người Maroc vô thần mang đến cho chúng ta…


- Nhưng sách đó đã được một người bạn của bác sĩ thánh thiện Aquino dịch ra tiếng La tinh.


- Đó là điều tôi đã nói với Huynh ấy - Benno phấn khởi thốt lên - Tôi đọc tiếng Hy Lạp rất tệ, nên chỉ có thể nghiên cứu quyển sách đó qua bản dịch của William xứ Moerbeke. Vâng chính tôi đã nói thế. Nhưng Jorge nói thêm rằng, nguyên nhân gây rắc rối thứ hai là do trong quyển sách đó, con người xứ Stragira[23] đã viết về thi ca, một giáo điều thấp hèn và tồn tại trong những lời bịa đặt. Venantius bảo các bài thánh ca cũng là những bài thơ sử dụng phép ẩn dụ, và Jorge bèn nổi giận vì Huynh ấy cho rằng thánh ca là các công trình của Thánh ý, và phép ẩn dụ được sử dụng để miêu tả sự thực. Trong khi đó, các bài thơ của các thi sĩ đa thần lại sử dụng phép này để diễn đạt sự giả dối, nhằm mục đích giải trí thuần túy, một nhận xét hết sức xúc phạm đến tôi…


- Tại sao?


- Vì tôi đang nghiên cứu tu từ học, tôi đã đọc nhiều nhà thơ đa thần, và tôi biết… hay tin rằng lời lẽ của họ cũng miêu tả các sự thật hiển nhiên còn hơn là người Thiên Chúa. Nói tóm lại, lúc đó, nếu tôi vẫn còn nhớ rõ, Venantius nói về những quyến sách khác, và Jorge nổi giận đùng đùng.


- Những quyển sách nào?
Benno lưỡng lự - Tôi không nhớ rõ. Sách nào thì có quan trọng gì?


- Rất quan trọng, vì tại nơi đây, chúng tôi đang cố tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong những con người sống giữa sách vở, với sách vở và từ sách vở; do đó, nhận định của họ về sách vở nhất thiết phải quan trọng.


Lần đầu tiên Benno mỉm cười, khuôn mặt gần như rạng ngời lên - Đúng đấy, chúng tôi chỉ sống về sách vở. Một nhiệm vụ đẹp đẽ trong thế giới hỗn loạn và hư đốn này. Như thế, có thể Huynh sẽ hiểu được những điều đã xảy ra vì lẽ đó. Venantius, người rất giỏi tiếng Hy Lạp, nói rằng Aristotle đã dành riêng tập thứ hai của tác phẩm “Thi ca” để viết về tiếng cười. Nếu một triết gia vĩ đại như thế đã viết cả một quyền sách về tiếng cười, thì tiếng cười hẳn phải quan trọng chứ. Jorge bảo rằng, nhiều Cha đã dành trọn những quyển sách viết về tội lỗi, điều đó quan trọng nhưng xấu xa. Venantius bảo, theo Huynh ấy còn nhớ, Aristotle đã nói về tiếng cười như một điều thiện, một công cụ của sự thật. Thế rồi, Jorge khinh miệt hỏi xem Huynh ấy từng đọc quyển sách đó của Aristotle chưa, Venantius đáp rằng chẳng có ai đọc được quyển sách đó cả, vì không ai tìm ra nó, và có lẽ nó đã thất lạc mất tiêu rồi. Thật vậy, William xứ Moerbeke cũng chưa hề cầm đến nó. Đoạn Jorge bảo, nếu chưa ai tìm ra quyển sách đó, thì chính vì nó chưa hề được viết ra, và vì Đức Chúa trời không muốn làm vinh quang những chuyện phù phiếm. Tôi muốn xoa dịu mọi người, vì tính Jorge rất nóng, còn Venantius thì cố tình chọc giận Huynh ấy. Tôi bèn nói rằng, trong những đoạn của tác phẩm “Thi ca” mà chúng tôi có biết, cũng như trong quyển “Tu từ học”[24], có rất nhiều lời nhận xét khôn ngoan về các câu đố. Venantius nhất trí với tôi. Bây giờ, Pacificus cũng về phe chúng tôi, Huynh ấy biết rất rõ những nhà thơ đa thần và bảo rằng, nói về các câu thơ dí dỏm thì không ai có thể giỏi hơn các thi sĩ Phi Châu. Huynh ấy có dẫn ra một câu đố về cá của Symphosius:


Nhà ở trên trái đất, lời đã bộc lộ rõ ràng
Chính nhà ấy đã ngân vang, nhưng khách yên lặng không lên tiếng
Cả hai cùng chạy, khách cùng lúc với nhà.


Đến lúc này, Jorge bèn bảo Chúa Kitô đã mong chúng ta chỉ nói hoặc là “có”, hoặc là “không”, và bất kỳ kiểu nói nào khác đều xuất phát từ Quỷ dữ, muốn chỉ “cá” thì chỉ cần nói “cá” là đủ rồi, chớ không cần che dấu khái niệm đó dưới âm thanh lừa lọc. Đoạn Huynh ấy tiếp rằng Huynh không nghĩ rằng, việc lấy các nhà thơ Châu Phi làm mẫu mực là khôn ngoan đâu… Và rồi thì…


- Rồi thì sao?


- Rồi có một việc xảy ra mà tôi không hiểu, Berengar phá lên cười. Jorge mắng Berengar, và Berengar bảo mình cười vì theo Huynh, nếu người ta tìm kiếm kỹ lưỡng trong số các nhà thơ Châu Phi, thì sẽ tìm thấy các câu đố hoàn toàn khác nhau, không dễ dàng như câu đố về cá ban nãy đâu. Malachi có mặt lúc đó, bèn nổi giận nắm lấy mũ của Berengar và tống Huynh ấy về nơi làm việc của mình… Berengar, Huynh biết đấy, là phụ tá của Malachi…


- Và sau đó?


Sau đó, Jorge chấm dứt cuộc tranh luận bằng cách bỏ đi. Tất cả chúng tôi bèn quay về công việc của mình nhưng trong khi tôi đang làm việc, tôi trông thấy, đầu tiên là Venantius, rồi đến Adelmo, tiến đến chỗ Berengar và hỏi Huynh ấy điều chi đó. Từ đằng xa, tôi thấy Berengar đang lảng tránh các câu hỏi của họ, nhưng nội trong ngày đó, cả hai quay lại tìm hắn. Và rồi buổi tối hôm đó, tôi thấy Berengar và Adelmo nói chuyện với nhau trong nhà dòng, trước khi vào phòng ăn. Thế đấy, đó là tất cả những gì tôi biết.


Thầy William nói: - Như thế, Huynh có biết rằng hai người vừa ch.ết một cách bí ẩn đều đã hỏi Berengar một điều chi đó.


Benno bối rối đáp: - Tôi không nói như thế! Tôi kể Huynh nghe những gì đã xảy ra hôm đó, vì Huynh yêu cầu tôi… - Huynh ấy suy nghĩ một lát và vội tiếp - Nhưng nếu Huynh muốn biết ý kiến của tôi thì nó như thế này, Berengar nói với họ về một vật gì đó trong thư viện, và đó là nơi Huynh cần tìm kiếm.


- Tại sao Huynh lại nghĩ đến thư viện? Berengar có ý muốn nói gì về việc tìm kiếm trong số những nhà thơ Châu Phi? Có phải Huynh ấy muốn nói rằng cần đọc họ rộng rãi hơn chăng?


- Có thể. Dường như là như vậy. Thế nhưng tại sao Malachi lại nổi giận chứ? Dẫu sao, chính Huynh ấy là người quyết định xem có nên đưa một tập thơ của các thi sĩ Châu Phi cho chúng tôi đọc hay không? Nhưng tôi biết một điều: Bất kỳ ai giở qua tập danh mục sách sẽ thường thấy, trong số các ký hiệu mà duy chỉ Quản thư viện mới hiểu được, một ký hiệu đề “Châu Phi". Tôi thậm chí đã tìm thấy một ký hiệu đề “Tận cùng Châu Phi” (finis Africae). Có một lần tôi hỏi mượn quyển sách mang ký hiệu đó, tôi không nhớ quyển nào, dù tựa sách rất khêu gợi óc hiếu kỳ của tôi. Và Malachi bảo các sách mang ký hiệu đó đã bị mất! Đó là điều tôi biết. Vì thế nên tôi bảo Huynh đúng, hãy để ý đến Berengar và kiểm tr.a khi nào Huynh ấy lên thư viện, không ai có thể ngờ được đâu.


- Không ai có thể ngờ được - Thầy William kết luận và cho phép Huynh ấy lui. Đoạn thầy bắt đầu đi dạo với tôi trong nhà dòng và nhận xét: trước tiên, Berengar là đề tài cho các tu sĩ anh em xầm xì; kế đến; Benno có vẻ nôn nóng muốn hướng chúng tôi về phía thư viện. Tôi thấy rằng có lẽ Huynh ấy muốn chúng tôi khám phá những điều mà Huynh ấy cũng muốn biết. Thầy tôi bảo có thể là như vậy, nhưng cũng có thể trong khi hướng chúng tôi về phía thư viện, Huynh ấy muốn chúng tôi đừng để ý đến một nơi nào khác. Tôi hỏi nơi nào, Thầy bảo không biết, có lẽ là trong phòng thư tịch, có lẽ là nhà bếp, khu hát kinh, nhà nghỉ hay bệnh xá. Tôi thưa rằng, hôm trước, chính thầy đã bị thư viện quyến rũ, và thầy nói rằng thầy muốn được quyến rũ bởi những nơi thầy đã chọn, chớ không phải bởi những nơi mà các người khác đã khuyên thầy. Nhưng cần phải quan sát thư viện, và ngay lúc này, việc đột nhập vào đó cũng là một ý hay. Hoàn cảnh hiện tại đã cho phép thầy tò mò, trong khuôn khổ tôn trọng các tập tục và luật lệ của tu viện. Chúng tôi rời nhà dòng. Các tu sinh và những người giúp việc đang từ nhà thờ đi ra sau khi tan lễ. Khi chúng tôi men theo mạn Tây của nhà thờ, chúng tôi chợt thấy Berengar đang từ trong cánh cửa ngang bước ra, rồi băng qua nghĩa trang. Thầy William gọi. Huynh ấy dừng lại, nên chúng tôi bắt kịp. Thậm chí Huynh ấy trông còn thê thảm hơn khi chúng tôi thấy trong khu hát kinh, và thầy William hiển nhiên quyết khai thác tình trạng tinh thần này như thầy đã từng làm với Benno. Thầy nói:


- Dường như Huynh là người cuối cùng gặp Adelmo còn sống.
Berengar lảo đảo, dường như muốn ngất đi:


-Tôi ư? - Huynh ấy yếu ớt hỏi, vì thầy tôi đặt câu hỏi đó như thể tình cờ, có lẽ vì Benno đã kể thầy nghe việc hai người nói chuyện với nhau trong nhà dòng sau Kinh chiều. Câu hỏi hẳn đã bắn trúng đích, và Berengar rõ ràng đang nghĩ đến một buổi gặp gỡ khác, chắc là buổi gặp gỡ cuối cùng, vì thế Huynh ngập ngừng cất giọng;


- Sao Huynh lại nói thế? Tôi không hề trông thấy Huynh ấy trước khi đi ngủ, cũng như tất cả mọi người khác.


Thầy William bèn gây sức ép ngay, quyết không buông tha - Không. Huynh còn gặp Huynh ấy sau đó nữa và Huynh biết rõ nhiều điều mà không muốn thú nhận. Ở đây đã xảy ra hai cái ch.ết rồi, nên Huynh không thể yên lặng được nữa. Huynh thừa hiểu rằng, có nhiều cách để buộc người ta nói chứ.






Truyện liên quan