Chương 12: Con chó mất hồn vừa rơi xuống nước
"Tiểu Giới, sao lâu vậy mà ba không đến thăm con." Dương Ấu Linh ngồi trong lòng tôi, bất mãn nói.
Trên danh nghĩa thì chúng tôi là ba nuôi – con gái, nhưng xưa nay con bé không gọi tôi là "ba", chỉ xưng là "Tiểu Giới", cũng không biết học được từ đâu nữa.
"Tại ba phải đi làm kiếm tiền mà." Tôi gõ gõ lên chiếc mũi nhỏ nhắn của con bé, dừng xe lăn trước bàn ăn.
"Khổ thế ạ." Cô nhóc dùng con thỏ bông trong tay hôn nhẹ lên má tôi, nói: "Vậy tha cho ba lần này."
"Ăn cơm thôi." Dương Hải Dương mang món súp cuối cùng từ phòng bếp ra, thấy con gái đang ngồi trên đùi tôi, vội bảo con bé xuống. Nhìn sắc mặt là biết cậu ấy sợ Dương Ấu Linh đè ch.ết tôi đến chừng nào rồi.
Thật ra tôi cũng không yếu đến thế, kể từ khi ngắm sao với Thương Mục Kiêu, tôi cảm thấy dù là sức khỏe hay tinh thần cũng cứng cỏi hơn hẳn.
"Ò." Dương Ấu Linh bĩu môi nhảy xuống khỏi xe lăn, ôm bé thỏ bông ngồi xuống ghế riêng của mình.
Nghe nói con thỏ bông này là quà sinh nhật Thương Vân Nhu tặng cho nó. Cô nhóc có vẻ rất thích, mấy nay đi đâu cũng mang theo.
Thức ăn đều do Dương Hải Dương tự nấu, là món tự nấu nhưng hương vị rất ngon, ngon hơn cả thức ăn ngoài nhiều.
Vừa ăn tôi vừa chuyện trò dăm ba câu với Dương Hải Dương, chủ yếu là mấy chuyện trong nhà, tình hình của Dương Ấu Linh ở nhà trẻ, chuyện làm ăn của cửa hàng tiện lợi, rồi chuyện của cậu ấy với Thương Vân Nhu...
"Con thích dì Vân Nhu lắm, con còn muốn dì ấy làm mẹ con nữa!" Vừa nghe đến tên Thương Vân Nhu, Dương Ấu Linh đang ăn cũng ngẩng đầu lên, bên khóe miệng còn đọng lại một hạt cơm.
"Nhưng mà dì Vân Nhu không đồng ý gả cho bố, con nói xem phải làm sao đây?" Dương Hải Dương lau đi hạt cơm bên môi giúp con bé, nở nụ cười hiền từ.
"Thế thì bố phải cố gắng nhiều hơn nữa." Dương Ấu Linh nhăn đôi mày nhỏ lại, rất tận tình chỉ dẫn bí quyết: "Phải giả vờ đáng thương, dì Vân Nhu tốt như vậy nhất định sẽ đồng cảm cho bố."
Tôi không nhịn được bật cười thành tiếng, nói với Dương Hải Dương: "Bảo cậu giả vờ đáng thương đó, nghe chưa? Học đi."
Dương Hải Dương cười không được mà khóc cũng chẳng xong: "Tớ đâu phải Thương Mục Kiêu, sao giả vờ đáng thương nổi chứ."
Nghe thấy tên Thương Mục Kiêu, ý cười bên môi tôi nhạt đi, cố tình đánh trống lảng: "Mà cậu cầu hôn rồi à?"
Vốn dĩ Dương Hải Dương chỉ thuận miệng nhắc tới, cũng chẳng để ý đến cái tên "Thương Mục Kiêu" nữa, tiếp tục nói về kế hoạch cầu hôn của mình.
"Tớ định cầu hôn ngay lễ Tạ Ơn."
"Lễ Tạ Ơn?" Dù cũng là ngày lễ nhưng hầu hết người trong nước đều không theo đạo, rất hiếm khi nghe đến vụ chọn lễ Tạ Ơn để cầu hôn.
Dương Hải Dương nói: "Nếu cầu hôn thành công, vậy thì ngày này hằng năm đều sẽ là lễ Tạ Ơn của tớ."
Tôi hơi ngẩn người, âm thầm cảm thán, không ngờ Dương Hải Dương cũng có mặt lãng mạn như này.
"Tớ đã sắp xếp một bữa tối bên ánh nến rồi, cũng mua xong nhẫn luôn rồi, chỉ mong hôm đó thật là thuận lợi, đừng xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn là được." Ánh mắt cậu ấy chợt lóe lên vẻ lo lắng, nhưng tan đi rất nhanh, cũng không đào sâu vấn đề nữa.
Có lẽ tôi biết chuyện "ngoài ý muốn" trong lời cậu ấy là gì rồi. Nếu như bị Thương Mục Kiêu biết chuyện cậu ấy cầu hôn, chỉ e không đơn giản là lấy đá đập vỡ kính mà Thương Mục Kiêu sẽ hẹn ra chỗ tối để đánh lén, đập vỡ đầu cậu ấy luôn không chừng.
Cơm nước xong xuôi, Dương Hải Dương lau dọn bàn, lấy từ phòng ngủ ra hai tấm vé đi triển lãm cho tôi.
"Triển lãm tranh của Mai Tử Tầm?" Tôi đọc tên trên vé, nghe tên cũng không quen lắm.
"Là mẹ của Vân Nhu." Dương Hải Dương nói: "Sau khi bà ấy qua đời, những tác phẩm bà vẽ khi còn sống đều do một tổ chức phi lợi nhuận quản lý dưới tên bà, định kỳ hằng năm sẽ trưng bày triển lãm tại khắp nơi trên thế giới. Lợi nhuận thu được sẽ dùng để duy trì hoạt động của tổ chức và dùng vào từ thiện."
"Vé này là Vân Nhu cho tớ, bảo tớ đưa cậu. Cô ấy bảo vừa nhìn là biết cậu là người có khả năng thưởng thức nghệ thuật..."
Mặc dù Mỹ thuật học cũng là một phần trong hệ thống Triết học, nhưng đến tận bây giờ tôi chỉ mới tìm hiểu và nghiên cứu sơ qua về nó, còn những tác phẩm nghệ thuật thì lại biết rất ít. Có điều...
"Gửi lời cảm ơn đến cô ấy giúp tớ nhé." Nếu Thương Vân Nhu đã tặng riêng cho tôi, vậy thì tôi cũng nên đi thử cho biết, đồng thời cũng không phụ lòng tốt của cô ấy.
Người quanh tôi có hứng thú với triển lãm tranh chỉ có mình Thẩm Lạc Vũ, thế là tôi gọi hỏi thử thứ sáu tuần này nó có rảnh không.
Triển lãm bắt đầu lúc 8 giờ đến 17 giờ, địa điểm tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia. Tôi hẹn Thẩm Lạc Vũ ba giờ chiều nay gặp nhau tại cổng bảo tàng, thời gian kết thúc vừa đúng lúc ăn cơm luôn.
Trước khi đến triển lãm, tôi phải tr.a tư liệu về Mai Tử Tầm, ít nhất cũng phải có kiến thức cơ bản về tranh của bà, nếu không đến lúc đó sẽ nhìn chẳng hiểu gì cả.
Trên mạng đa phần đều là tin tức về buổi triển lãm của bà, khi còn sống giành được biết bao giải thưởng gì gì đó, tóm tắt sơ qua về Thương Lộc. Hai chữ "trầm cảm", "tự sát" không hề nhắc đến một lần, chỉ nói bà qua đời vì phát bệnh, hưởng thọ chưa đến ba mươi bảy tuổi.
Những tác phẩm tiêu biểu nhất của bà đa số đều ở trước tuổi ba mươi. Sự kết hợp giữa màu sắc tươi sáng rực rỡ cùng khung cảnh thiên nhiên tạo nên phong cách nghệ thuật rất độc đáo. Hơn nữa bà còn từng được nhà phê bình thư họa (*) lừng danh – Phạm Phong gọi là "Danh họa ấn tượng nhất phương Đông". Tiếc rằng sau ba mươi tuổi, vì bị bệnh tật đày đọa, tác phẩm của bà giảm đi theo từng năm, cuối cùng đành gác bút sau hai năm.
(*)Thư Họa Trung Quốc hay còn gọi là Quốc Họa hay Thư Họa là ngành nghệ thuật cổ xưa nhất còn hiện hữu đến hôm nay. Không chỉ đơn giản là vẽ tranh hay trang trí, cái tinh hoa của Thư Họa còn thể hiện văn hóa truyền thống và triết lý uyên thâm về vũ trụ quan và nhân sinh quan.
"Cảnh Vườn" là bộ tranh cuối cùng của bà năm ba mươi tuổi, tổng cộng ba bức, mỗi bức có kích thước 190x200. Có thể nói là tiêu điểm chính của mọi buổi triển lãm, đến cả trên vé vào cổng cũng in một phần ảnh chụp của bộ tranh này.
Đến thứ bảy, tôi với Thẩm Lạc Vũ gặp mặt rồi cùng đi vào bảo tàng, xong chia nhau ra hai hướng, mỗi người một hướng, hẹn nhau năm giờ ngoài cổng.
Phòng triển lãm rất lớn, nhưng cũng không nhiều người, có khi đứng ngắm tranh cả buổi cũng không ai đến quấy rầy.
Màu tranh của Mai Tử Tầm chuẩn xác đến thần kỳ, nhìn trên mạng đã rất đẹp, giờ đây được trông thấy tận mắt, chỉ có thể dùng từ "rung động" để hình dung.
Tôi chầm chậm dạo một vòng xem từng bức từng bức một với vẻ hứng thú, đến khi dừng lại ở bức "Cảnh Vườn" cũng đã là bốn giờ.
Phòng triển lãm lớn có một lối và với một lối ra, hết thảy hai cổng. Tôi vừa định vào xem thử thì thấy một người đứng giữa sảnh, đội mũ lưỡi trai, cả người mặc trang phục moto đen. Không cần nhìn cả gương mặt, chỉ một góc nghiêng là tôi đã nhận ra Thương Mục Kiêu.
Cả tuần nay cậu ta cũng không lảng vảng trước mặt tôi nữa, từ khi hủy cá cược dường như hai chúng tôi đều chẳng còn liên lạc.
Qua một tuần, vết thương trên tay và chân cũng đã kín miệng kết vảy, chắc thêm thời gian nữa sẽ lành lại thôi. Tôi cứ ngỡ Thương Mục Kiêu cũng sẽ như vết thương này, dần dần phai nhạt khỏi tâm trí tôi, sẽ không còn gặp nhau nữa. Kết quả, đi xem một buổi triển lãm cũng chạm mặt cho được...
Phải thôi, đây vốn là triển lãm của mẹ cậu ta mà, phận làm con trai đến xem cũng có gì kỳ lạ đâu?
Tôi đang định âm thầm thừa dịp cậu ta vẫn chưa phát hiện tranh thủ lui ra. Nhưng ánh mắt vừa liếc qua, chợt thấy thứ trong tay Thương Mục Kiêu, lòng tôi đột nhiên giật thót.
Đó là một chiếc dao mở bưu kiện (*), hình dạng như cây bút, có thể kéo ra kéo vào, là "trợ thủ đắc lực" mỗi khi mở bưu phẩm. Tôi biết được là vì tôi cũng có một cái.
Nó không sắc bén như lưỡi dao truyền thống, nhưng muốn cắt vải tranh thì vẫn dư sức.
Thương Mục Kiêu lặng lẽ đứng trước bức "Cảnh Vườn", ngửa đầu nhìn vào chính giữa bức tranh, tay không ngừng kéo ra rút vào con dao sứ, vẫn chưa phát hiện ra tôi.
Sắc mặt cậu ta vô cùng âm u, ánh mắt nhìn bức họa lộ ra ý hận ngấm ngầm. Như thể đây không phải khu vườn xinh đẹp trong giấc mộng của cậu ta, mà là trong ác mộng.
Tôi có linh cảm Thương Mục Kiêu sắp làm ra chuyện ngu ngốc. Cậu ta mang hẳn một con dao vượt qua khâu kiểm tr.a an ninh, tôi không nghĩ cậu ta đến đây chỉ để nhận bưu kiện.
Bỗng nhiên, cậu ta bước đến gần bức vẽ.
"Thương Mục Kiêu!" Trước khi lý trí kịp lên tiếng, cơ thể của tôi đã tự đưa ra quyết định.
Thương Mục Kiêu dừng bước, bộ dạng như gặp ma nhìn lấy tôi, tôi nhân cơ hội đi đến nắm chặt tay cậu ta.
"Buông ra." Thương Mục Kiêu nạt nộ, không hề kinh ngạc vì sao tôi lại ở đây, chỉ muốn tôi buông tay cậu ta ra.
Cậu ta càng như vậy tôi càng không thể buông, trái lại còn nắm chặt hơn.
"Cậu muốn làm gì? Khắp nơi này đều được giám sát, mỗi bức tranh đều có thiết bị báo động, cậu điên rồi à?" Những bức này tuy là của mẹ cậu ta vẽ, nhưng theo lý mà nói thì đã thuộc về tổ chức phi lợi nhuận rồi, cậu ta không thể sở hữu, càng không có quyền phá hoại.
"Tôi nói lần nữa, buông ra." Cậu ta gằn mạnh hai chữ cuối, nói rõ từng từ một.
Thà không thấy thì thôi, nhưng đã đến nước này rồi làm sao có thể vờ như không đây?
Cậu ta vung tay muốn thoát ra, tôi vẫn nắm chặt không cho cậu ta cử động, hai người đứng trong phòng tranh giằng co qua lại. Cậu ta cảm thấy tôi lo chuyện bao đồng, còn tôi lại cảm thấy cậu ta quá bướng bỉnh, hành động của cả hai đều ngùn ngụt nộ khí.
Tôi chẳng hiểu tại sao lúc nào cậu ta cũng làm mấy chuyện ngược đời, rõ ràng đang ở tuổi xuân phơi phới lại hời hợt như vậy.
"Đưa dao cho tôi." Tôi đoạt lấy con dao của cậu ta, cậu ta kịch liệt phản kháng, trong lúc tranh chấp lòng bàn tay truyền đến cảm giác nhức nhói, con dao tức khắc rơi xuống đất, do lực mạnh mà bị văng đến chân tường.
"Thầy..." Cậu ta nổi giận đùng đùng, đến nỗi tôi có cảm giác như cậu ta muốn giết ch.ết tôi luôn vậy. Nhưng vừa nhìn thấy tay tôi, cậu ta lại giật mình, cảm xúc đờ đẫn đi, xả ra không được, tự tan cũng không xong.
Tay tôi bị con dao sứ rạch trúng, lòng bàn tay hằn một vệt máu, vẫn may là chưa sâu, chỉ là thương mới rồi thương cũ, e phải dưỡng thêm thời gian nữa.
Tôi giơ tay, lấy trong ngực ra chiếc khăn tay chặn miệng vết thương lại, không thèm nhìn cậu ta.
"Đáng ra thầy không nên cản em." Trong lời cậu ta vẫn còn ẩn chứa thù hận nhưng đã hòa nhã hơn, chắc có lẽ đã từ bỏ ý định phá hoại bức tranh rồi.
Trong phòng trưng bày truyền tới tiếng người, xa xa có chút ồn ào náo nhiệt, xen kẽ trong đó là tiếng bộ đàm, hình như cảnh sát ở phòng giám sát phát hiện thấy khác thường nên bảo những người gần đó đến kiểm tra.
Tôi vội ngẩng đầu nhìn Thương Mục Kiêu, thấy cậu ta vẫn thản nhiên đứng đó, bộ dạng bất cần, bèn nhíu mày giục: "Còn chưa chịu đi?"
Cậu ta nhìn sâu vào mắt tôi, lại tiếp tục nhìn bức "Cảnh vườn", dáng vẻ như không cam lòng, nhưng tình thế bức bách, chỉ đành vội ra khỏi cổng.
Sau khi cậu ta rời đi, tôi lập tức nhắt con dao ở chân tường lên, vừa bỏ vào túi đựng đồ trên xe lăn, phía sau bảo vệ đã đi đến, đảo mắt nhìn qua tôi, kiểm tr.a tình hình khắp phòng, thấy không có gì bất thường, bèn hồi âm lại cho người trong bộ đàm rồi đi sang khu vực khác.
Tôi thụp vai xuống, hít vào một hơi, sau đó mới nhận ra vừa rồi do căng thẳng quá mà quên cả hô hấp.
Lúc sau tôi cũng không còn tâm trạng xem triển lãm, trước thời gian ra về tôi ghé tiệm thuốc mua ít băng gạc để sơ cứu vết thương. Năm giờ kết thúc, gặp mặt Thẩm Lạc Vũ ở cổng, con bé thấy vết thương trên tay tôi liền kinh ngạc.
"Vết thương này đâu ra vậy? Trước đó có hả? Sao em không nhớ thế." Con bé đẩy cặp kính trên mặt, nhích lại gần để xem rõ hơn.
Tôi giấu đi, không để con bé quan sát kĩ quá.
"Có, tại em không thấy thôi. Tuần trước anh bị ngã, trên đùi cũng có, nhưng mà đỡ hơn rồi."
"Anh bị ngã? Sao lại ngã? Ngã ở đâu? Chân không sao chứ?" Con bé liên tục đặt câu hỏi, hoàn toàn không nghi ngờ tính chân thật trong lời tôi nói.
"Anh đói rồi, chúng ta đi ăn thôi." Tôi cố ý lảng tránh, không trả lời lấy con bé một câu nào, chỉ quan tâm đến "vấn đề sống còn tất yếu của nhân loại".
"Aizz cái anh này..." Con bé không cạy được miệng tôi thì tức lắm, nhưng suy cho cùng chẳng thể làm gì, lát sau cũng vừa đuổi vừa gọi với theo: "Vậy đến quán ăn lần trước em nói nha?"
Vốn tưởng rằng sau "trận chiến" ở triển lãm tranh, duyên phận của tôi với Thương Mục Kiêu đã đứt rồi. Nếu không tính việc tình cờ gặp nhau ở trường học, hay liên quan đến chuyện kết hôn của chị cậu ta, thì chắc sẽ không còn cơ hội gặp riêng nữa đâu.
Thế mà không ngờ ngày hôm sau tôi lại chạm mặt cậu ta, còn ngay trước cửa nhà mình.
Toàn thân ướt sũng của cậu ta cản lối đi của tôi, nước mưa nhỏ giọt từ trên tóc, trượt xuống theo đuôi mắt, như thể một con chó mất hồn vừa rơi xuống nước.
./.