Chương 19: Tạp văn - số đông trầm lặng


Trong cuốn sách “Cái trống thiếc”, G. Grass viết về một người không chịu lớn. Chú bé Oskar nhận thấy xung quanh giả dối quá bèn quyết định làm trẻ con mãi mãi. Trong bóng tối có một sức mạnh nào đó thực hiện quyết tâm của chú và chú bé trở thành người lùn. Câu chuyện kỳ lạ quá mức nhưng thú vị. Con người mãi mãi bé bỏng thì không thể, nhưng muốn im lặng thì có thể. Xung quanh tôi có đầy những người có tính cách như tôi. Ở chỗ đông người thì chẳng nói gì, về chỗ riêng tư thì lời vàng ý ngọc tuôn ra thao thao bất tuyệt, tóm lại với người mình tin thì cái gì cũng nói, không tin thì cạy răng chẳng nói nửa lời. Lúc đầu tôi nghĩ vì đã trải qua thời kỳ khốc liệt (cách mạng văn hóa), về sau mới thấy đó là căn bệnh phổ biến của người Trung Quốc. Bà Long Ứng Đài đã thốt lên hỏi tại sao người Trung Quốc không chịu nói. Bà ở nước ngoài đã lâu, hầu như đã trở thành một người ngoại quốc, ăn nói thẳng tuột. Bà coi thái độ giữ im lặng là nhút nhát, nhưng đâu phải thế. Im lặng là lối sống, không chỉ người Trung Quốc, người ngoại quốc cũng có người chọn lối sống ấy. 


Tôi biết một chuyện thế này: Ông là Shostakovich, một nhà soạn nhạc lớn của Liên Xô trước đây. Một thời gian rất dài ông viết nhạc, chẳng nói một lời. Về sau đột nhiên ông kể hồi ức, mỗi trang đều ký tên mình và ông ch.ết. Theo tôi biết, nội dung chính của hồi ký nói về cảm giác của mình trong khi im lặng. Đọc cuốn sách ấy tôi vô cùng thích thú – tất nhiên lúc ấy tôi đang im lặng. Đưa cuốn sách ấy cho một bạn ưa chữ nghĩa đọc, anh ta lại dửng dưng và nói cuốn sách thấp kém và u ám quá. Cuốn sách nói đến Liên Xô những năm 30, khi đó có nhiều người bỗng dưng biến mất, cho nên nhiều người sợ, chẳng ai dám nói gì với nhau. Hàng xóm láng giềng có tranh chấp cũng không dám cãi nhau, thế là họ chọn cách khác để biểu lộ tình cảm, đó là nhổ đờm vào ấm đun nước của người ta. Nhân tiện nói thêm, người Liên Xô làm một số nhà kiểu chung cư, có nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp chung cho nên nhổ đờm tiện lợi lắm. Tôi thấy thú vị bởi vì nhà soạn nhạc vĩ đại như Shostakovich, đeo kính kẹp mũi, để bộ râu dê nhổ đờm chắc không thuận lắm, phải một tay giữ kính, một tay che râu vươn cổ ra để nhổ. Nếu bị bắt gặp và bị đánh chắc còn buồn cười nữa. Thực ra ông có bộ dạng ra sao tôi cũng không biết. Tôi chỉ tưởng tượng ra thế và cười lên hô hố thôi. Bạn tôi đọc đến đoạn đó lại không cười, anh ta cho rằng cử chỉ nhổ đờm là không đẹp, thấp kém và xấu xa. Thế là tôi không dám tranh cãi nữa – tranh cãi sẽ đụng chạm vào phạm trù ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là ranh giới của hai thế giới âm và dương. 


Người đã đọc “Cái trống thiếc” đều biết về sau chú bé Oskar từ bỏ ý định của mình và cũng lớn lên. Bây giờ tôi cũng quyết định sẽ nói và tôi không phải là chú bé Oskar mà là anh chàng Oskar. Bây giờ tất nhiên tôi đồng ý rằng nhổ đờm vào ấm nước của người khác là thấp kém là xấu xa. Nhưng có một số chuyện vẫn xảy ra bên cạnh tôi, xin đưa một thí dụ ai ở nhà lầu đều biết: Nếu có ai dựng chiếc xe đạp chắn lối đi lên lầu, bạn có thể nói – gọi điện cho ban quản lý hoặc trực tiếp gặp chủ xe, nói rằng: Đồng chí, phải “năm sạch”, phải “bốn đẹp”, xin chú ý cho. Sau đó người ta trả lời bạn bằng thứ ngôn ngữ gì tôi không dám đảm bảo. Tôi đoán ít nhất anh ta bảo bạn “lắm mồm”, nếu bạn là nữ anh ta sẽ bảo “con mẹ lắm mồm” cho dù bạn bao nhiêu tuổi, có đáng mẹ hay không. Tất nhiên bạn có thể im lặng để tỏ thái độ khinh ghét trước hành vi này: xì hơi trong lốp xe ra. Khi làm việc này tất nhiên đừng để chủ xe nhìn thấy. Còn cách khác độc hơn, chẳng nên giới thiệu, đó là ấn đinh ghim vào săm. Có người ấn vào rồi rút ra thế là chủ xe chẳng biết thủng ở đâu rất khó vá, nếu nhấc được thì đưa xe đi chỗ khác để chủ xe không tìm thấy, cũng là một cách chọn lựa. Chỉ nói đến đấy thôi vì tôi không muốn xui ai làm việc xấu. Chuyện này làm tôi nhớ đến câu nói của ông Phúc Hà: Lời nói là quyền lực. Câu này nên nói ngược lại: Quyền lực là lời nói. Lấy ví dụ trên, nếu bạn định nói “năm sạch” “bốn đẹp” thì nên mang băng đỏ trên cánh tay. Theo hiểu biết thực tế của tôi thì băng đỏ chưa ăn thua, tốt nhất là mặc trang phục cảnh sát, “năm sạch” “bốn đẹp” đúng là lời hay, nhưng khi nói nên có thực lực hoặc có đảm bảo bằng chức trách của bạn. Nói đến đây lại nhắc đến câu chuyện với anh bạn về Shostakovich, anh ta nói đến tốt đẹp xấu xa, tôi chẳng nói gì, bạn thì đúng là bạn tốt, nhưng tôi sợ anh ta chọc vào cái tật của tôi. 


Nói chung bảy tuổi người ta bắt đầu đi học, bắt đầu được hun đúc bằng ngôn từ. Với tôi còn sớm hơn vì từ khi tôi khôn lớn một chút thì cái loa phóng thanh bên ngoài đã quàng quạc suốt đêm ngày. Từ những câu nói đó tôi hiểu lò đất có thể luyện được thép, nó giống như cái bếp nấu cơm, lắp thêm máy quạt gió chạy phành phành như cả đàn bọ hung đang bay. Cái thứ luyện ra là những miếng quặng đỏ dính vào nhau như cứt trâu. Một chú cầm thanh chọc lò nói: đó là thép. Năm đó tôi sáu tuổi. Về sau trong suốt thời gian dài cứ nghe đến hai chữ gang thép là tôi lại nghĩ đến cứt trâu, cũng từ những cái loa tôi biết rằng mỗi mẫu ruộng có thể thu hoạch trăm rưỡi tấn lúa, sau đó đói gần ch.ết. Tóm lại từ bé tôi đã không mấy tin lời được nói ra, càng cao giọng, càng hùng tráng thì càng không tin. Nguồn gốc của sự hoài nghi là ở cái bụng đói. So với mọi ngôn từ thì cái bụng có lý hơn. Ngoài sự hoài nghi lời nói ra, tôi còn một tật xấu là ăn bút chì. Hồi tiểu học ngồi yên chỗ sau bàn học là tôi bắt đầu ăn. Bút chì ba hào một cái, phía đuôi có tẩy. Tôi ăn từ đuôi bút, trước tiên ăn cái tẩy mềm dẻo ngon lành, rồi ăn cái vỏ sắt mềm mà dai sướng miệng, ăn đến phần thân bút bằng gỗ thì nhạt thếch, nhưng có mùi hương liệu, nó kích thích tôi ăn tiếp. Cuối cùng chỉ còn trơ lại cái lõi chì, quấn cao su lại dùng được. Ngoài ra sách, vở thậm chí bàn học cũng ăn được. Có thứ ăn mất tiêu, có nhứ gặm nham nhở. Một chân lý chưa được diễn tả thành lời, đó là: cái đói có thể biến đứa trẻ thành con mối. 


Thế giới này có một sự hiểu lầm lớn, đó là tưởng rằng mọi ý nghĩ của người ta có thể dạy bảo được bằng lời. Nếu như thế thì lời nói là một cái khuôn tư duy. Tôi nói là nhầm vì thế giới có mặt âm. Ngoài ra, cùng một lời nói có thể dạy bảo ra nhiều ý nghĩ khác nhau. Bắt đầu từ tuổi biết nghĩ tôi đã thường nghe nói: Thế hệ chúng tôi sinh ra trong một thời đại thiêng liêng, hạnh phúc biết bao và gánh trên vai sứ mệnh thần thánh là giải phóng những người cùng khổ chiếm hai phần ba thế giới, vân vân. Những người cùng tuổi nghe mà thấy phấn chấn, sướng tai, nhưng tôi thì có chút nghi ngờ, những chuyện đẹp đẽ như thế làm sao tôi làm được. Ngoài ra tôi thấy nói như vậy không đủ nghĩa. Điều có nghĩa hơn đó là gia giáo. Một hôm vào bữa ăn, thằng em tôi thấy trong bát mỗi người có một lát thịt sấy nó bèn lao ra ban công mà gào: nhà tao ăn thịt ăn cá ê hề! Bố tôi lôi vào quật cho một trận. Qua sự giáo dục như thế tôi trở nên trầm lặng. Cho nên nghe người ta bảo chúng tôi hạnh phúc biết bao, thần thánh biết bao, người khác còn khổ, chúng tôi thì không, vân vân, tôi cứ nghĩ rằng nếu chúng tôi may mắn đến thế thì đừng nói ra có hơn không. Tất nhiên không phải chúng tôi không muốn thực thi chức trách thiêng liêng của mình. Đối với hai phần ba người nghèo khổ trên thế giới này, tôi nghĩ, phải chi đừng nói đi giải phóng người ta làm người ta chờ đợi tội nghiệp, chẳng thà cứ lặng lẽ đùng một cái giải phóng người ta có phải họ được niềm vui bất ngờ không. Tóm lại tôi cứ suy nghĩ từ thực tế và suy nghĩ rất cặn kẽ. Cuộc sống thời thơ ấu, sự giáo dục gia đình, bản tính thận trọng là nguyên nhân làm cho tôi trầm lặng. 


available on google playdownload on app store



Hồi tôi còn bé, lời nói luôn luôn làm tôi sởn da gà như một hồ nước lạnh buốt. Nhưng dù sao con người đến thế gian này hình như là để bơi, sớm muộn gì rồi cũng nhảy xuống. Tôi không nghĩ mình trầm lặng đến tận bốn mươi tuổi, nếu nghĩ tôi chắc đã không dám sống tiếp. Thôi, dù sao những điều tôi nghe thấy cũng không đến nỗi điên, lúc điên lúc không điên cho nên trước mười bốn tuổi tôi chưa có quyết tâm trầm lặng suốt đời. 


Hồi nhỏ tôi chỉ có phận sự nghe người ta nói. Khi những người cùng tuổi nói, họ để lại cho tôi một ấn tượng xấu xa. Có người bạn viết một cuốn sách kể những tai họa của mình thời “cách mạng văn hóa”, cuốn sách có tên “Huyết thống”. Có thể thấy cô xuất thân không tốt. Cô muốn tôi viết lời tựa. Điều này làm tôi nhớ lại những gì mình đã nhìn đã nghe. “Cách mạng văn hóa” bắt đầu khi tôi mười bốn tuổi, đang học sơ trung năm thứ nhất. Một hôm xảy ra sự biến động kinh người, trong lớp một số bạn bỗng trở thành đỏ, số khác thành đen. Tôi hơi đặc biệt, chưa biết thuộc loại nào. Tất nhiên cách nói đen với đỏ không phải chúng tôi phát minh ra, sự biến đổi ấy cũng không phải chúng tôi gây ra. Về mặt này chúng tôi không chịu trách nhiệm gì cả. Chỉ có một vài người trong chúng tôi phải chịu chút ít trách nhiệm về việc bắt nạt bạn bè. 


Theo tôi, các bạn đỏ bỗng nhiên được rất nhiều thứ, cũng đáng mừng cho họ. Các bạn đen thì cơ cực đủ điều, cũng đáng thông cảm. Không đợi tôi chia vui hoặc thông cảm, các bạn đỏ đã cạo trọc đầu, thắt lưng da to tướng, đứng ở cổng trường, hỏi từng người muốn vào: xuất thân thế nào. Hỏi rất kỹ các bạn cùng lớp, khi nghe nói xuất thân không tốt bèn rít răng nhả ra ba tiếng: “Đồ chó đẻ!”. Tất nhiên tôi thông cảm nỗi vui mừng đến phát điên của họ khi được là đỏ nhưng việc gì phải biến bạn mình thành chó trước bàn dân thiên hạ như vậy, thật là quá đáng. Hồi đó tôi nghĩ và bây giờ tôi vẫn nghĩ thế này: lời nói dạy ta rất nhiều nhưng điều thiện và điều ác cũng biết tự nói. Lời nói muốn dạy ta rằng con người sinh ra vốn không bình đẳng, trong thiên hạ, thang bậc sang hèn mãi mãi là chân lý, nhưng bạn có quyền không nghe. 


May mà người ta không chỉ học trong sách vở mà còn học trong trầm lặng. Đó là nguyên nhân tôi hãy còn nhân tính. Về lời nói, nó dạy tôi rằng: Phải quét sạch mọi rác rưởi cặn bã, tiến hành đến cùng cuộc “cách mạng văn hóa”. Lời nói hồi đó trái ngược với nhân tính. Nếu tin thì chẳng còn nhân tính nữa. 



Bây giờ tôi nói tại sao mình vẫn còn nhân tính. Khi “cách mạng văn hóa” bắt đầu, tôi đang ở trong một trường đại học. Một hôm tôi từ bên ngoài về, gặp một đám đông người đang đi về phía cổng, dẫn đầu là một đám sinh viên đang cãi nhau hăng lắm, nói rất to, tất nhiên đang dùng ngôn từ thời thượng để tranh luận, ngoài lời dạy của Mao Chủ tịch còn hay nhắc đến “mười sáu điều”. Cái gọi là “mười sáu điều” là mười sáu quy định của Trung ương về triển khai cách mạng văn hóa, trong đó có “nên đấu văn, không nên đấu võ”, để răn đe mọi người khỏi vi phạm. Trong cuộc tranh luận đó có một người ở vị trí trung tâm. Nhưng đôi môi anh ta mím chặt, không nói một lời, bên mép có vết máu. Một nửa số sinh viên có mặt truy bức anh ta, bắt anh ta phải mở miệng nói, nửa kia bảo vệ anh ta, không cho nói. Đâu đâu “cách mạng văn hóa” cũng là tranh chấp giữa hai phái, đó là một thí dụ cụ thể. Nửa sau của tốp người này là những người mới lớn như tôi, ai cũng mím chặt môi, cũng không nói một lời và bên mép có máu, dai dẳng bám theo sau. Có mấy sinh viên định chặn họ lại nhưng không được, họ luồn sang bên mà đi nhưng vẫn không nói nửa lời. Câu chuyện có vẻ kỳ quặc. Bởi vì bọn trẻ trường tôi ghê gớm lắm, không những biết cãi biết chửi mà còn biết thượng cẳng chân hạ cẳng tay nữa, sinh viên chưa hẳn đã trưởng thành, sự hồn nhiên làm người ta trở nên thật thà, tôi lập tức cuốn theo họ, hỏi có chuyện gì, có điều lạ là các cậu ấy không thèm để ý đến tôi, môi vẫn mím chặt, hai mắt trừng trừng, toát ra một vẻ rắn rỏi và cứ đi như mắc một chứng bệnh tập thể. 


Về chứng bệnh, ta biết có bệnh không nói chỉ nhảy tung bụi cát lên, có bệnh nói huyên thiên, nhưng không nhảy nhót gì cả. Cho dù bệnh gì, điều nghĩ trong lòng và cái thể hiện ra là hoàn toàn khác nhau. Khi tôi đóng quân ở miền bắc, trong làng có mấy cô gái mắc bệnh, có một cô, nếu bạn tin thì cô là con cáo đã ch.ết từ nhiều năm trước, suốt cả ngày cãi nhau với chồng (nếu giả thiết là đúng thì anh chồng phạm tội thông ɖâʍ với loài vật), cô luôn luôn đòi ăn thịt vì là cáo. Nhưng cắt thịt đưa cho thì đòi nấu chín lại phải phi hành cho thơm. Rõ ràng không phải thói quen của cáo. Cho nên cô ta chứ không phải con cáo đòi ăn thịt. Còn về “cách mạng văn hóa”, có phần nào giống một chứng bệnh tập thể, cái người ta làm ầm lên và điều người ta nghĩ không phải là một. Tất nhiên phải suy nghĩ về mặt âm của sự vật. Nếu chỉ suy xét mặt dương thì kết luận chỉ có thể là: ngày ấy người ta chửi nhau đánh nhau lộn tùng phèo lên là để bảo vệ Mao Chủ tịch, bảo vệ trung ương Đảng. 


Nhưng đám sinh viên đó không mắc chứng bệnh tập thể. Về sau tôi kéo một cậu tôi quen ra hỏi rõ đầu đuôi, thì ra trong phòng rửa mặt có hai sinh viên cãi nhau vì không cùng quan điểm. Cãi nhau chán rồi đánh nhau, một cậu bị thương đưa đi bệnh viện. Cậu không bị thương đương nhiên là thủ phạm đánh người, chính là cậu đi đầu đám người đó. Về lý thuyết đám người đi đến một tổ chức nào đó (gọi là hội đồng cách mạng nhà trường hay gì đó tôi không nhớ nữa) để kiện, nhưng thực tế là hoạt động kiểu  brown  ở sân trường. Câu chuyện này còn một đầu mối nữa: Cậu bị đánh máu me be bét, một bên tai bị mất (tôi không nhớ tai trái hay tai phải nhưng chắc chắn là một trong hai tai), ở hiện trường cũng không tìm thấy. Theo cách suy luận của Agatha Christie, cái tai đó không ở đâu khác chỉ có thể ở trong miệng cậu sinh viên đánh người, nếu cậu ta chưa nuốt đi; cho nên cậu này không chỉ có tính khí bồng bột mà khi bức xúc quá còn cắn người nữa, mà không chỉ cắn một lần mà thôi. Tôi vội kể lại chuyện này mà quên mất một chi tiết, thí dụ cậu bị đánh đã kêu thét lên thảm thiết, mọi người kéo đến làm cho kẻ đánh người không kịp nhè cái tai ra và giấu đi, vân vân. Tóm lại bây giờ anh này chỉ còn hai cách chọn, một là trước bàn dân thiên hạ nhả cái tai ra, chứng minh tư cách xấu xa của mình, hai là nuốt nó đi. Nghe đến đó tôi bèn theo đuôi đám người, đôi môi mím chặt, hàm răng cắn chặt và thấy trong miệng mình ngậm cái gì mằn mặn. 


Bây giờ tôi thừa nhận không nhìn thấy kết cục câu chuyện, vì trời tối không về nhà thì phiền phức. Nhưng tôi thực sự quan tâm đến diễn biến của câu chuyện, cả đêm mất ngủ. Kết cục câu chuyện tôi nghe người ta kể rằng: Cuối cùng cậu sinh viên nọ đã nhè cái tai ra và bị bắt. Không biết bạn nghĩ thế nào chứ lúc đó tôi như trút được gánh nặng: dù sao, nhân tính vẫn còn. Đồng loại không ăn thịt nhau, cũng không nuốt đi một phần cơ thể người khác. Tất nhiên câu chuyện này cũng có thể cho thấy một vài điều khác nữa: Thí dụ cái tai to quá, họng cậu ta thì nhỏ, nhưng tôi không muốn nghĩ theo chiều hướng này. Kể câu chuyện này tôi chỉ muốn giải thích điều nhỏ nhoi tôi học được trong khi trầm lặng. Bạn có thể bảo những thứ đó chưa đủ, nhưng những thứ đó là tốt cho dù cách học như thế không đáng để phổ biến rộng. 


Tôi gọi cậu sinh viên cắn người là giáo sư nhân tính, nhất định làm một số người tức điên lên. Nhưng tôi có cái lý của tôi: Một người tính khí bồng bột dám dùng đến cả răng mà không dám nuốt phần thịt của người ta, bài học ấy cũng sâu sắc đấy chứ. Hơn nữa trong thời “cách mạng văn hóa”, người ta chẳng có thể học được cái gì hay hơn đâu. 


Có thời thường nghe những người lớn tuổi nói thế hệ chúng tôi chẳng ra gì, là hồng vệ binh trong “cách mạng văn hóa”, tư cách thấp hèn. Xét hồng vệ binh chẳng phải là bọn trẻ trong viện nuôi trẻ mồ côi, họ đều được dạy dỗ trong trường, gia đình và nhà trường nên chịu một phần trách nhiệm về tư cách thấp hèn đó của họ. Ngoài ra mọi người đều lo ngại hơi quá về phẩm hạnh của chúng tôi. Bởi vì thế giới không chỉ có mặt dương mà còn có cả mặt âm. Về sau lớp người chúng tôi đi xuống địa phương, các bạn học đối xử với nhau khá thân ái, ít nhất là đáng biểu dương. Sự trải nghiệm của tôi có thể chứng minh: Có lần tôi ốm nặng tưởng không qua nổi đúng vào vụ thu hoạch, lúc ấy chẳng có ai trông nom tôi cả, chỉ có một bạn cũng ốm, chuệnh choạng dìu tôi lội qua sông đến bệnh viện. Sông không sâu nhưng rộng đến năm kilômét vì nó chảy tràn lấp cả bờ. Nếu người khác ốm thì tôi cũng đưa như vậy. Với những biểu hiện như thế, tôi nghĩ chúng tôi không xấu xa, không đến nỗi phải bỏ phí tuổi xuân ở nông thôn không quay về, cũng không phải nghe theo một ám chỉ nào đó mà phải tự sát tập thể, để dành chỗ cho lớp trẻ bây giờ. Những gì còn có ích trong nhân phẩm của chúng tôi đó là nhờ sự dạy bảo của trầm lặng. 



Có một việc nhiều người biết: Chúng ta có thể lựa chọn giữa hai thứ văn hóa: trầm lặng và lời nói. Tôi đã trải qua nhiều cơ hội lựa chọn, thí dụ thời về địa phương, có bạn chọn cái gì đó, “giảng dụng” tại “tích đại hội”, sau đó được vài món lợi. Một số cách nói các bạn trẻ không quen, tôi giải thích qua: “tích đại hội” là “đại hội đại biểu những người tích cực học tập và vận dụng trước tác Mao Chủ tịch”, “giảng dụng” là nói về thu hoạch của mình khi học tập và vận dụng trước tác Mao Chủ tịch. Tham gia tích đại hội là những phần tử tích cực, mà phần tử tích cực có nghĩa là tốt. Một cơ hội khác là thời học sinh, nếu tích cực phát biểu trong hội nghị, tích cực tham gia công tác xã hội thì có thể làm cán bộ học sinh, cán bộ học sinh có nghĩa là tốt. Các cơ hội đó tôi đã tự nguyện bỏ qua. Các bạn thích nói có thể không tin rằng tôi tự nguyện bỏ qua, họ cho rằng tôi không biết nói hoặc không đủ tầm, không đáng nói. Vì lời nói là quyền lực. Quyền lực có nghĩa là tốt, cho nên quả là có nhiều người tìm mọi cách để được vào đám khua môi múa mép, thậm chí tranh giành “quyền ăn nói”. Tôi nói tôi tự nguyện bỏ, có người không tin – may mà còn nhiều người tin. Nguyên nhân chủ yếu là vào giới đó rồi thì phải nói những lời như thế, thậm chí phải tư duy như thế, tôi cảm thấy không thú vị gì. Theo tôi biết, người trong giới đó thường mắc chứng nghèo nàn. 


Hai mươi năm trước, tôi làm công tác Thanh niên trí thức ở Vân Nam. Ngoài ăn mặc sạch sẽ, da trắng ra còn thì người địa phương đánh giá tôi ra sao thật khó đoán. Tôi có cảm giác họ tưởng chúng tôi toàn là người ngồi bàn giấy, phải dùng ngôn ngữ bàn giấy nói chuyện với chúng tôi – ít nhất lúc đầu họ nghĩ vậy. Tất nhiên đó là hiểu lầm nhưng không đáng ghét. Nhưng có một hiểu lầm đáng ghét là: Họ tưởng chúng tôi lắm tiền, bán hàng cứ nhằm chúng tôi mà nói thách, mua gì cũng đắt gấp đôi gấp ba người địa phương. Về sau chúng tôi dùng cách độc đáo để mua: không mặc cả, ném ra tập tiền hào cho đếm, đồng thời cầm hàng đi. Đếm xong thì người và hàng đều mất tăm rồi. Lúc đầu chúng tôi trả đúng giá, sau có người trả càng ít dần, thậm chí tiền xu xen lẫn tiền hào. Nếu tôi bảo mình trong sạch, không làm chuyện đó thì bạn không tin, cho nên tôi không tranh cãi. Thế rồi đến một hôm, có một học sinh mua hàng kiểu đó bị người ta túm lấy – người đó quyết không phải là tôi. Ông bán hàng quyết định mắng cho một trận, lắp ba lắp bắp mãi ông ta mới nói được: Ồ! Là không tốt, là tư tưởng, là đấu tư sản, phê phán xét lại! Thế rồi chúng tôi về nhà, cười lăn cười lộn về câu nói của ông già. Cứ suy ra thì biết, nếu là bây giờ thì ông già ấy sẽ nói: Ồ! Không tốt, nào là “năm sạch”, “bốn đẹp”, nào là “ba yêu”, và chúng tôi lại lăn ra cười. Từ tình hình và tâm trạng của ông già lúc đó, điều ông ta muốn nói chỉ là một câu đơn giản. Tôi nêu thí dụ này quyết không phải nói quá lời mà chỉ muốn nói đến sự nghèo nàn của ngôn từ. Dùng nó để nói đã khó, để tư duy còn khó hơn. Các bạn ưa khua môi múa mép bảo rằng tôi đưa ra thí dụ xấu xa quá – rằng tôi nhớ kỹ chuyện này chẳng qua vì tôi muốn bôi nhọ cuộc sống, nhưng tôi cảm thấy không phải thế. 


Tôi sống trầm lặng khá nhiều năm: Về nông thôn, làm công nhân, làm sinh viên, về sau đi giảng dạy. Làm nghề dạy học mà trầm lặng tựa hồ như không thể được, nhưng tôi giảng khoa kỹ thuật, trên bục giảng chỉ nói đến kỹ thuật, tan lớp là biến. Theo tôi bất cứ làm gì cũng trầm lặng được. Tất nhiên tôi còn một ý thích suốt đời, đó là viết tiểu thuyết. Nhưng viết xong không in, vẫn giữ im lặng. Còn nguyên nhân trầm lặng cũng đơn giản. Tức là không tin đám khua môi múa mép. Theo sự trải đời ngắn ngủi của tôi, đó là một bệnh viện điên đầy tai tiếng. Khi đó tôi hoài nghi không chỉ là cái đám nói một mẫu trăm rưỡi tấn thóc, nổ trái bom nguyên tử tinh thần mà là mọi đám khua môi múa mép khác nữa. Nếu ngày nay chứng minh được rằng lúc đó tôi đã phạm sai lầm là vơ đũa cả nắm thì tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. 



Tôi nói mình giữ im lặng trong suốt thời gian dài có thể bạn không tin, điều đó cho thấy rằng bạn từ nơi khác đến. Bạn không tin tôi chưa từng tỏ thái độ trong hội nghị, chưa từng viết bài phê phán. Bạn hoài nghi là đúng, bởi vì tôi không chứng minh được mình là người câm, cũng không chứng minh được mình mù chữ, cho nên tôi đã làm cả hai việc này. Nhưng theo tiêu chuẩn của tôi, thế không gọi là nói, mà là nộp thuế nói. Tôi nghe nói trước kia, ngay cả những vị tai to mặt lớn cũng đã từng “nói trái với lòng mình”, điều đó cho thấy phía thu thuế khá rộng rãi. Bởi vì có chuyện thu thuế nói, bất kể ta nói gì đều có thể không cần tự trách mình: trên cho phép nói thế. Nhưng nếu mọi lời nói đều là thuế thu được thì hơi rắc rối. Lấy những thứ đó làm gì? Lời nói không phải là tiền, không thể dùng để đắp đập, cũng không xây dựng nhà máy điện được, chỉ để đó thối đi, cho những thế hệ sau chê cười. Điều tôi muốn nói là, việc thu thuế nói đã có từ thời cổ. Người nói thường thường đã có ý thức nộp thuế, hòa tan từ trong máu, thành sự thực trên miệng. Về điều này, có một thí dụ, trong trước tác cổ “  Hồng lâu mộng  ”, có hai cô gái nói đối trong Đại quan viên, đối mãi đối mãi, tuôn ra một câu ngợi ca. Chuyện này làm ta xấu hổ: hai cô gái mười mấy tuổi, nấp trong vườn hoa sau nhà nửa đêm canh ba làm mấy câu thơ vẫn không quên ngợi ca, thế thì gọi là gì? Cân nhắc cho kỹ, lỗi là ở người viết sách, ông ta có lỗi: đó là khi sử dụng lời nói cứ nghĩ phải nộp thuế. 


Tôi cho rằng, thế giới ngôn từ có thể chia làm hai cực. Một cực là ngôn từ của thánh hiền, đó là những lời tự nguyện hiến tặng, một cực nữa là ngôn từ của người trầm lặng, những lời nói của họ là tiền thuế cưỡng bức thu được. Trong trái tim của những người nói đó đều có một nhân viên thuế. Người đọc sách Trung Quốc rất có ý thức trách nhiệm, tức nộp tiền thuế, làm một người nộp thuế đầy đủ – cách nói đó khó nghe. Nói cho dễ nghe là có trách nhiệm với thiên hạ. 


Tôi đã từng là người trầm lặng, có nghĩa là không thích phát biểu tại các cuộc họp, cũng không thích viết báo. Gần đây đã có thay đổi, đã có phát biểu, có viết báo. Điều thay đổi này làm tôi bị chấn động như người mất đi sự trong trắng. Tôi đã vi phạm một thói quen đã có từ lâu, không còn thuộc số đông trầm lặng nữa. Tôi cũng không đến nỗi vì vậy mà đau khổ nhưng cảm thấy đôi chút hụt hẫng. Mở miệng nói không có nghĩa là khôi phục lại trách nhiệm nộp thuế. Giả sử tôi có nghĩ vậy thật thì mọi người sẽ thấy một cái sọt to tướng đầy những câu nói lăng nhăng. Tôi có trách nhiệm kiểu khác. 


Mấy năm trước tôi có tham gia một cuộc điều tr.a xã hội học, do vậy có tiếp xúc với một số “quần thể thấp cổ bé họng”, trong đó đặc biệt nhất là những người yêu đồng tính. Sau khi thực hiện xong những cuộc điều tra, tôi bỗng như bừng tỉnh: Cái gọi là quần thể thấp cổ bé họng, đó là những người có những điều không nói ra. Chính vì họ có những điều không nói ra cho nên nhiều người tưởng họ không tồn tại hoặc ở đâu xa xôi lắm. Ở Trung Quốc người ta tưởng không có những người yêu đồng tính. Ở nước ngoài thì người ta biết là có nhưng không biết họ là ai. Có hai nhà xã hội học viết một cuốn sách cho những người yêu đồng tính, cuốn sách có tên “  World is out  ”. Về sau tôi lại bỗng thấy mình thuộc về quần thể thấp cổ bé họng lớn nhất từ cổ chí kim, tức là số đông trầm lặng. Trầm lặng có đủ mọi nguyên nhân, không có khả năng nói ra hoặc không có cơ hội nói ra, có điều kín đáo không tiện nói ra hoặc có người vì nhiều lý do, không ưa cái thế giới ngôn từ. Tôi thuộc loại cuối cùng này. Là người trong số này nhưng tôi cũng có nghĩa vụ phải nói những điều tai nghe mắt thấy. 



Những gì tôi viết đại thể thuộc phạm trù văn học. Gọi là văn học, theo tôi, nghĩa là: trước hết viết văn cho hay đã, các thứ khác mặc mẹ nó. Ngoài văn học ra, tôi không biết ở đâu người ta có thể tiếp nhận cái ý nghĩ kỳ cục của tôi. Dựa vào văn học có thể tìm cho mình một chỗ đặt chân trong đám người của mình. Có chỗ đặt chân rồi là có thể tấn công cái đám đó, tấn công cả cái thế giới dương. 


Mấy năm trước tôi học ở Mỹ. Có một mụ mũi lõ mắt xanh hỏi tôi thế này: Học thuyết âm dương của Trung Quốc chúng mày, tại sao cứ cái gì tốt là thuộc dương cả, chẳng để lại cho âm tí gì? Tất nhiên cô ta hỏi thế bởi vì cô ta là người âm không hoàn chỉnh. Nhưng câu nói cũng có lý. Quyền ăn nói thuộc bên dương, tất nhiên không thể nói tốt bất cứ cái gì cho bên âm được. Ngay cả chồng con cũng thế, họ công kích đàn bà và bọn tiểu nhân không trừ một ai. Câu nói này được người ta viện dẫn mấy ngàn năm rồi nhưng tôi chưa hề thấy bất cứ sự đáp trả nào của bên bị công kích. Người ta chỉ đề phòng đừng làm tiểu nhân, còn làm sao để không làm đàn bà thì vẫn chưa có cách gì. Ngay hiện nay, phẫu thuật cho gái thành trai vẫn còn là vấn đề nan giải, hơn nữa cũng không tiện mở rộng – thế giới này nếu nhiều đàn ông giả quá thì đàn ông thật sẽ không lấy được vợ. Nói một cách đơn giản trong giới ngôn từ người ta chỉ nói những gì sẽ không bị phản bác. Nói cho dễ nghe là thật thà, còn nói khó nghe thì làm cho người ta nhớ đến câu nói vần, mô tả kẻ thất đức: chửi thằng điếc riếc thằng câm đâm thằng mất giống. Nghĩ sâu một chút, e rằng người câm, người điếc, người tuyệt tự đều thuộc âm cả, cho nên có gặp bao điều bất hạnh cũng là đáng kiếp – vốn dân tộc của người viết còn nông cạn, hiểu như thế không biết có đúng không. Nhưng tôi biết một sự thật hoàn toàn không nghi ngờ gì nữa: Bất cứ ai nói đều có tật, thánh hiền nói cũng có tật, mà còn là tật nghiêm trọng. Nếu người bình thường mắc tật này thì bị nói là thần kinh phân lập. Trong thực tế đời sống, chúng ta coi người thành thật là như vậy. 


Bây giờ thì tôi cũng chui vào cái đám ngôn từ rồi. Điều này chỉ cho thấy rằng: Cái ranh giới bây giờ đã đứt gãy rồi. Dựa vào sự thực đáng buồn ấy có thể nghe thấy nhiều tiếng nói yêu cầu chấn hưng: chúng ta hãy xây dựng lại kết cấu tinh thần Trung Quốc, vân vân. Là một người từ đám người khác đến, tôi xin kiến nghị với các bạn trong đám người mới: Chúng ta hãy tự xem lại mình, có ngớ ngẩn không, có điên không? Có đủ các loại gương để tự kiểm tra: Truyền thống Trung Quốc là một tấm gương, văn hóa nước ngoài là một tấm gương. Còn một tấm gương nữa, lớn hơn, ngay bên cạnh chúng ta, đó là số đông trầm lặng. Những điều tôi nói tất nhiên xuất phát từ sự cảm nhận. Mấy năm trước khi vừa ra khỏi trầm lặng, tôi đã viết một cuốn sách và đưa cho một bậc cao niên đọc. Ông không thích cuốn sách đó, cho rằng không thể viết sách kiểu như thế. Theo ông viết sách phải giáo dục được nhân dân, nâng cao tâm hồn con người. Thật là những lời vàng ngọc. Nhưng tôi chỉ hy vọng nâng cao một người trong tất cả mọi người trong thế giới này, đó là chính tôi. Câu nói này rất đê tiện, rất ích kỷ, tuy nhiên cũng rất thành thật.






Truyện liên quan