Chương 13 : Chim bằng cất cánh

Đốt phủ Chúa Trịnh, Vua Chiêu Thống có cái tin tưởng dung dị là đã mất tổ rồi thì con cháu họ Trịnh không có chỗ ra vào ở Thăng Long nữa mà nhà Lê cũng thoát được cái vai cày nặng trĩu đeo đẳng đã hơn hai trăm năm.


Chỗ tin tưởng của nhà Vua, cũng may đã đúng với sự thực. Vì từ khi chạy sang Quế Ổ, cái thế lực của Yến đô vương mỗi ngày một điêu tàn. Sau rốt, bị Nguyễn Hữu Chỉnh công phá một trận, thành tan ra mấy khói.
Nhưng lại nảy ra một cái ách mới mà nhà Vua không ngờ đến là ách Nguyễn Hữu Chỉnh.


Nhà Vua có ý trừ Chỉnh nên mật bàn với bọn cận thần là Ngô Vi Quý và Nguyễn Xuân Hợp:
- Chỉnh tuy có công thật, nhưng mỗi ngày một kiêu lọng, nếu không trừ trước đi sợ sau này hối lại không kịp!
Hai người ngẫm nghĩ rồi tâu:


- Chỉnh là người lập tâm nham hiểm lắm, thực là kẻ gian hùng đời loạn. Từ khi đắc chí hắn coi thường cả mọi người. Việc quân đốc tự hán chuyên quyết cả, không bàn với ai mà cũng không tâu Vua nữa. Theo ngu ý chúng tôi thì hắn như con lang, con sói không thể dung được. Nhưng muốn giết hắn không phải là dễ. Ngay bây giờ Bệ hạ hãy làm ra vẻ trọng đãi hắn. Rồi đây khi hắn bắt đầu quen rồi, sẽ mời hắn vào điện ăn yến, dùng rượu độc mà giết đi. Như vậy không lộ ra hành tích gì hết. Kế hay tưởng không gì hơn thế nữa!


Nhà Vua gật đầu, bảo hai người:
- Việc này chỉ có ta với các ngươi biết, chứ chớ để lộ đến người ngoài. Cổ nhân nói: “Vua không kín thì mất bề tôi, bề tôi không kín thì hại đến mình”. Các người phải nhớ lấy câu ấy, khi nào có cơ hội Trẫm sẽ bảo.


Mấy hôm sau, một đại thần là Vũ Trinh vào hầu, nhà Vua mang việc trên ra hỏi. Trinh giật mình nói:


available on google playdownload on app store


- Nếu bệ hạ thi hành kế ấy thì nguy cho xã tắc không biết bao nhiêu mà kể. Ngay nay giặc ngoài đương mạnh, tin báo mỗi ngày một gấp. Đáng lẽ Bệ hạ phải lấy Chỉnh làm vây cánh, lấy bụng thực mà xử với hắn, hắn sẽ cảm động thì dù là gian thần cũng đổi làm lương thần. Nếu ức đạc mà ngờ vực hắn thì Vua tôi sẽ không có liên lạc với nhau nữa, xã tắc nguy mất. Vả các địa vị quan trọng trong nước đều ở tay bọn thủ hạ hắn cả. Nếu giết chủ chúng, chúng sẽ nổi lên mà theo giặc. Như vậy có phải là mình tự cầm dao mà cắt vây cánh đi không?


Nhà Vua có ý hối hận:
- Nếu ông không nói, Trẫm sẽ mắc một cái lầm to!
Và lập tức truyền bọn Ngô Vi Quý và Nguyễn Xuân Hợp không được cử sự nữa.
Việc dần đến tai Chỉnh, Chỉnh có ý oán Vua, bảo riêng với bộ hạ là Nguyễn Như Thái:


- Ta đi khắp chân trời, góc bể, không ai dám giương mắt nhìn thẳng vào ta, thế mà ngày nay gặp mấy anh đồ kể cũng táo gan thật. Khi nào ta mang quân đi đánh giặc, sẽ mượn cái cổ hắn để thử xem gươm ta có sắc hay không? Nên cho hắn xuống âm phủ mấy những mưu độc ác.


Thái hỏi ai thì Chỉnh nói rõ là Ngô Vi Quý và Nguyễn Xuân Hợp.
Từ đấy, Chỉnh không vào chầu nữa. Mỗi lần có việc gì quan trọng thì Chỉnh sai người vào tâu với Vua. Vua định đoạt thế nào, lại sai bọn đại thần là Phan Lê Phiên, Trần Công Sán và Vũ Trinh ra nói cho Chỉnh biết.


Một hôm, nhân gặp trời rét, Vũ Trinh nhân có việc đến phủ Chỉnh. Bọn lính canh ngăn lại, không cho vào nói:
- Tướng công đương nghỉ ở trung đường. Bây giờ không phải là lúc tiếp khách, xin ông hãy về, lúc khác sẽ lại.
Trinh gắt:


- Việc quân khẩn cấp, không thể chậm được, Tướng công ngồi cách đây có hai bức cánh cửa mà coi như nghìn dặm là nghĩa làm sao? Tôi vì việc công mà lại đây, chứ có phải việc riêng đâu? Về làm sao được?
Chỉnh nghe tiếng vội cho mời vào. Trinh nói xong mọi việc, vội lui ra, Chỉnh giữ lại:


- Việc ấy đã có quận Thái và các ty tướng cấp quân đi rồi. Ông không cần phải về phục mệnh nữa. Hãy ngồi lại đây uống vài chén rượu.
Vừa nói vừa rót rượu đưa cho Trinh, Trinh từ không uống. Chỉnh bất bình hỏi:
- Hay ông có bụng nghi tôi chăng?
Trinh xin lỗi, nâng chén rượu uống cạn, nói:


- Tôi bất tài, nay tôi được cất nhắc đều là nhờ ơn Tướng công cả. Có đâu dám nghi.
Tiệc tan, Vũ Trinh cáo về; khi ra tới cửa có bảo riêng môn hạ của Chỉnh là Nguyễn Khuê:


- Thiên hạ có lắm kẻ nói xằng, trăm điều không được một điều đúng. Quân gian nhân thế lại gièm pha vào để làm rối loạn trong ngoài. Tướng công là người minh mẫn, hẳn không để ý đến những điều ấy. Chỉ sợ nhiều người nói quá thì cũng sinh ngờ, tôi muốn giải rõ những điều ấy để Vua tôi cùng hiểu nhau là việc rất may mắn cho giang sơn xã tắc.


Hôm sau, Nguyễn Khuê mang lời Vũ Trinh thuật lại với Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh nói:


- Lời thiên hạ đành rằng không nên tin cả những cũng không hẳn là không có vài phần sự thực, vậy chưa hẳn là đã không có. Nhưng dù có nữa, cũng không làm gì được ta. Hiện nay trong nước đương lắm việc. Điều đó ta hãy để đấy, chưa bàn đến vội.


Chỉnh tuy biết lấy lượng mà đáp lại một việc xuất ở tiểu tâm của Vua Chiêu Thống, nhưng quyền hành đã thu vào trong tay cả thì ít ai đã tự kiềm chế nổi mà không trở nên tự tin và kiêu căng, nhất là từ khi Chỉnh trừ được hai tay cường thần là Dương Trọng Tế và Hoàng Phòng Cơ nổi lên ở Kinh Bắc và Sơn Tây thì suốt từ trong triều ngoài nội, Chỉnh không còn coi một ai ra gì cả. Chỉnh xin gia tước Quận công cho môn hạ mình là Nguyễn Như Thái và Hoàng Viết Tuyển, Vua thuận. Các quan muốn a phụ Chỉnh xin Vua phong cho chỉnh tước Công một chữ, mở quân phủ Võ thành và đúc ấn Vũ Thành, Vua cũng cho. Con Chỉnh là Nguyễn Hữu Du cũng được thăng lên chức Tướng quân, coi hết cả quân quyền. Bộ ngũ của Chỉnh cũng cậy thế Chỉnh mà làm những việc phi pháp; các nhà thức giả thấy Chỉnh chỉ chăm lo phú quý mà không thiết gì đến việc quân cả thì thất vọng, đoán rằng cơ loạn sẽ tới sau lưng, nên tìm cách cáo về. Dân chúng bị bộ hạ của Chỉnh sách nhiễu, cũng ca thán mà quy cả tội vào cho Chỉnh.


Thấy nhàn tâm ly tán, Chỉnh liền nghĩ đến cách mua chuộc lòng người nên mới theo phép của Tư Mã Quang đời Tống, đặt ra lối “Thập khoa thủ sĩ”. Năm Đinh Mùi, Chỉnh mở ra chế khoa, cho phép các quan từ tam phẩm trở lên được đề cử nhân tài, cho vào đình đối sách. Danh sĩ trong nước nhân đó, nô nức ra thi. Lúc vào điện thi có tới hai trăm người, Chỉnh định cho đỗ cả để thu lấy nhân tài, nhưng lúc đó truyền lưu chỉ có hai người hợp cách là Trần Bá Lãm và Nguyễn Gia Cát. Chỉnh không bằng lòng. Sang mùa đông lại mở một kỳ điện thí ở lầu Ngũ Long, lấy bọn Bùi Dương Lịch tất cả mười lăm người đỗ tiến sĩ. Người của Chỉnh là Nguyễn Khuê đỗ thứ tư nên thiên hạ đều ngờ là Chỉnh có ý thiên vị.


Chỉnh muốn mua chuộc lòng người, nhưng việc làm càng ngày càng mất lòng người. Chính lệnh của triều đình vì đó, không được ai tôn trọng nữa. Ngoài thành giặc cướp nổi lên như ong, tại miền thượng du thì các thổ tù kế tiếp nhau mà mộ quân đúc khí giới, chống lại với Chỉnh. Nhà Vua nghe tin cấp báo, lo sợ không biết nhường nào, bảo Chỉnh thì Chỉnh cứ dương dương tự đắc, yên trí rằng với một đạo hịch có thể gây được cuộc bình trị ở khắc trong triều ngoài nội.


Trong các triều thần, hãn hoặc có người đã trông rõ mối loạn, muốn tìm phương hướng giải cứu, nhưng mở môi ra, là sợ Chỉnh thù mà tìm cách hại ngầm.


Về mặt Nam Hà thì Chỉnh tin rằng có tướng Tây Sơn là Nguyễn Duệ, trấn thủ Kỳ Hoa về hùa với mình nên không tính cách đề phòng. Nhưng đến khi Nam hà xảy ra cuộc xung đột giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, Duệ giục Chỉnh cất quân thì Chỉnh lại không dám, vì vợ con còn gửi gắm cả ở trong đó.


Không bao lâu Bắc bình vương phái Vũ Văn Nhậm ra Nghệ An hỏi tội Nguyễn Duệ, Duệ tự biết là không chống nổi, phải bỏ thành trốn về Quy Nhơn. Nhậm nhân viết thư ra trách Chỉnh, Chỉnh giấu không cho Vua biết, rồi mật trả lời, trong có câu:


“Người ta không biết bụng tôi, thấy tôi ở Bắc Hà thì bày đặt ra chuyện này, chuyện khác. Sao không xét cho rằng sau khi Chúa công về Nam, tôi lưu ở Nghệ có mươi ngày thì kịp đâu mà tư thông với Nguyễn Duệ được? Đầu cuối như thế, xin Tướng quân vì tôi mà thân oan với Chúa công cho.”


Vũ Văn Nhậm đệ thư của Chỉnh về Phú Xuân, Bắc Bình vương thừa biết rằng Chỉnh trí trá mà nói thác ra vậy, nhưng Nam Hà đương lắm việc nên Vương cũng bỏ qua mà chưa hỏi đến. Chỉnh tưởng rằng mình đã dối trá được Bắc bình vương rồi, nên không lo gì phòng bị nữa.


Chợt có tin đồn Vũ Văn Nhậm đương kén lính ở Nghệ An, sớm chầy sẽ ra đánh lấy Bắc Hà và Thăng Long về đổi làm một chiến trường lớn. Dân chúng không biết thực hư thế nào, đều chôn giấu của cải và bồng con bế cái đi ẩn trốn các nơi.


Vua thấy dân tình huyên náo, liền triệu Chỉnh vào hỏi, Chỉnh tâu:


- Họ bịa ra đấy, có gì là thực. Tôi đã phái người vào thận nơi xem xét rồi. Từ khi về Nam, Nguyễn Huệ ở luôn ngay Phú Xuân, xây thành đắp lũy và thu giữ cả lấy những của cải và khí giới cướp được ở Bắc Hà. Nhạc phong cho Huệ làm Bắc bình vương, bắt phải nộp những của đó và về chầu tại Quy Nhơn, Huệ không chịu, Nhạc liền mang quân ra đánh. Hiện nay trong nhà họ đương lục đục, anh em thù ghét nhau quá người ngoài. Như vậy họ còn tâm trí đâu qua dãy Hoành Sơn, ra đây mà tranh hơn thua với ta nữa.


Ta cứ lo sửa sang việc nước là tự nhiên được hưởng thái bình. Còn trấn Nghệ An thì ta cứ sai sứ giả vào nói khéo, tự khắc họ sẽ trả mình. Ta với họ còn có tình dâu gia, bất tất phải lo ngại lắm.
Chức Ngự sử là Nguyễn Đình Giản bác lời Chỉnh:


- Xưa nay dâu gia có chắc gì? Nếu mình có tự cường lên được thì mới không phải lo người dòm ngó. Bắc bình vương là một vị anh hùng trong thiên hạ, ta coi thường sao được.


- Tôi đã từng chung đụng với họ, phỏng tôi còn lạ gì. Bắc bình vương quả anh hùng thật, son nhân tài ở Bắc Hà phỏng có kém gì? Nếu có xảy ra cuộc binh cách, tôi xin đương đầu với ông ta. Còn từ Văn Nhậm trở xuống thì đáng kể gì. Bảy huyện ở Nam Hà chưa biết chừng sẽ về tay ta cả.


Vua Chiêu Thống thấy Chỉnh nói cứng như vậy thì cũng hơi yên lòng, bảo Chỉnh:
- Nước ta yên hay nguy quan hệ ở trong Nam động hay tĩnh. Ông nên tính kỹ để Trẫm đỡ phải lo lắng.
Chỉnh khảng khái tâu:


- Vũ Văn Nhậm tuy là tướng của Nguyễn Huệ, nhưng là rể Nguyễn Nhạc. Nay thấy anh em Tây Sơn đánh nhau Nhậm sao khỏi phân tâm mà thiên về phía bố vợ. Tôi nghe nói khi Nhậm ở Đông Hải có xin về chầu nhưng Bắc bình vương không cho, bắt phải ra thẳng Nghệ An. Nhân lúc Nhậm đương bị nghi, tôi muốn cho người vào nói việc cương giới Nghệ An. Ngoài có Nhậm giúp đỡ, trong có Công chúa chu toàn. Bắc bình vương dù có chẳng muốn, cũng không thể không theo ta được.


Hôm sau, Vua Chiêu Thống hội tất cả các quan để bàn việc cử người đi sứ.
Trương Đăng Quỹ bàn nên cử Nguyễn Đình Giản và Phạm Điển, nhưng Phan Lê Phiên gạt đi nói:


- Bắc Bình vương quỷ quyệt lắm, lúc nói thế này, lúc nói thế khác, không biết đâu mà lường được. Tôi sợ hai ông này không thể đương đầu được với ông ta.
Chỉnh xin cử Trần Công Sán. Nhà Vua thuận, Sán xin cho Ngô Nho làm phó sứ và một vị hoàng thân là Lê Duy Án cùng đi.


Nhà Vua lại sai Nguyễn Hữu Chỉnh hợp với Phan Lê Phiên, cùng thảo quốc thư, đại ý nói:


“Xứ Nghệ gần với xứ Thanh, là côn bản của quốc triều tôi. Văn vũ người ở đấy nhiều mà lính Túc vệ cũng mộ từ đấy ra. Nếu dùng người mà bỏ đất để cho người ta phải làng nước cách biệt, họ hàng ly tán thì thật trái với nhân tình. Nhà Vua vãn lấy điều tín giao hảo với lân bang, việc dù nhỏ nhặt đến đâu thẩy đều rõ cả, không lẽ không trông thấy một việc rành rành làm vậy? Vả, khi nhà Vua ra Bắc Hà, là noi theo mục đích giúp đỡ nước tôi khi tiên đế tôi còn, cùng với nhà Vua cùng ngồi trên sập, những lời vàng đá nay còn văng vẳng bên tai. Đến lúc lâm chung, tiên đế tôi vẫn còn ân cần dặn bảo, phải nương nhờ quý quốc. mới đây nhà Vua sai tướng ra giữ đất Nghệ An, người nước tôi kinh nghi, tưởng là tướng biên thùy sinh sự. Đến khi tiếp được giấy đạt, mới biết quý quốc muốn nước tôi phải chia đất để khao quân. Tôi mới lên làm Vua, chưa hiểu rõ mọi việc, khi sai đình nghị, mới biết rằng đó là hai châu Minh Linh và Bố Chính, chứ không liên quan gì đến đất Nghệ An cả. Lúc trước, quý quốc vương có nói: ‘nếu đất của nhà Lê một tấc cũng không lấy’. Vì cần phải khao quân thì cắt đất không bằng lấy của. Nước tôi sẽ thu thuế trong hạt ấy năm năm một lần mang nộp quý quốc ở địa đầu. Xin quý q uốc nghĩ cho thế nào để toàn cái nghĩa bang giao của hai nước.”


Thư làm xong dâng lên, Vua xem xong sai lấy vàng, lụa trao cho Sán mang đi.
Hôm lên đường, các quan tiễn sứ bộ ra đến ngoại ô, duy có Chỉnh đi mãi đến chùa Thịnh Liệt, nhân lúc vắng người Sán bảo Chỉnh:


- Bắc bình vương dối trá mà bất trắc lắm. Việc này vị tất đã nghe nào. Nhưng tôi đã vâng mệnh đi thì cũng cứ hết sức biện bác cho khỏi nhục mệnh Vua. Còn ông ở nhà thì phải gia tâm đề phòng. Tại sơn phận đất Thanh Hóa, phải chia ra đóng đồn thủ hiểm. Các cửa bể như Sơn Nam chẳng hạn, cũng phải cắm cờ mặt sông mà giữ mặt thủy. Nếu họ có trái ước mà mang quân ra thì ta cũng đã phòng bị sẵn sàng rồi, không lo ngại gì cả.


- Xin thầy[11] cứ yên tâm mà đi, bất tất phải lo xa quá. Tôi chắc nếu thầy nói khéo thì họ phải nghe. Bằng họ không nghe chăng nữa thì cái tài dụng binh của tôi phỏng có kém gì người. Vạn nhất có biến cũng làm cho rầm rĩ như sấm sét một phen để đạp đổ cả núi, bể cho thỏa lòng mình. Dù họ có kiệt liệt, vị tất cũng đã làm nổi.


Công Sán thấy Chỉnh tự đắc một cách quá đáng, có ý không bằng lòng. Tới huyện Quỳnh Lưu, bộ tướng Vũ Văn Nhậm xem xét vật phẩm, rồi chỉ cho ba quan sứ và mười tám người tùy tòng vào địa giới, còn lại đuổi về cả.


Đến trấn lỵ Nghệ An, Nhậm mở tiệc thết đãi. Ăn uống xong, Nhậm bảo Công Sán:


- Các quan ngoài Bắc Hà như ông được mấy người, vua Lê giao quyền cho Chỉnh tự nghĩ thế nào? Tôi hiện đã lĩnh ấn ra đánh Bắc Hà, không bao lâu nữa sẽ tới Thăng Long, trước là chém đầu Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi hỏi vua Lê về tội bội ân, đã dong một kẻ phản bạn. vua Lê đã không giữ nổi nước thì từ Thanh trở ra nếu ta không lấy thì người khác cũng lấy mất, chứ đất Nghệ An này thì có khinh trọng gì mà đáng kể.


Sán nín lặng.
Khi ra, Nho bàn với Sán nên đổi lời lẽ trong quốc thư, nhưng Sán nhất định không nghe. Tới Phú Xuân, Sán mang vật phẩm và quốc thư vào trình Bắc bình vương. Đọc thư xong, Vương tỏ vẻ tức giận quát hỏi:


- Thư này ai làm mà nói năng vô nghĩa thế này? Tao có phải trẻ con đầu mà lừa dối được.


Trần Công Sán không biến sắc mặt, cùng Bắc bình vương biện thuyết, không chịu kém câu nào. Vương truyền bắt bọn Trần Công Sán hạ ngục, rồi ngầm bảo Trần Văn Kỷ đến dụ hàng. Nhưng Sán không chịu, thành ra cả bọn bị đưa ra cửa Đan Nhai mà dìm xuống đáy bể.
__


[11] Trần Công Sán là thầy học cũ của Chỉnh.






Truyện liên quan