Chương 0 : Dẫn nhập: Giá trị của Lĩnh Nam Chích Quái
VI. Giá trị của Lĩnh Nam Chích Quái.
A. Nội dung.
Qua phần phân tích trên, ta thấy Lĩnh Nam Chích Quái có những ưu điểm này về nội dung:
1) Một căn bản triết học chắc chắn:
Đầu tiên, tác giả tin vào nguồn gốc thần thánh của nhân loại, nghĩa là tin vào sự sáng thế, vào uy quyền tuyệt đối của Hóa Công và tính cách bất tất, hữu hạn của loài người. Luôn luôn giữa Hóa Công và nhân loại có một sự liên lạc chặt chẽ. Tưựng trưng cho quan niệm này là chiếc bánh chưng và chiếc bánh dày. Cái nhân ở giữa là một yếu tố quan hệ của sự hóa dục của trời đất. Nhờ sự sáng tạo, còn người xuất hiện ở trần gian. Sự hiện diện ấy không vô lý vì nó có một ý nghĩa. Con người hoàn toàn tự do trong chấp thuận hay không chấp thuận ý nghĩa ấy. An Tiêm đã lựa chọn cho đời mình có một giá trị. Tiên Dung cũng thế. Kết quả là Tiên Dung đã sống một cuộc đời vật chất hoàn toàn sung sướng trong hiện tại và hai vợ chồng về sau trở thành tiên bay về trời. Cuộc đời có ý nghĩa là ý nghĩa trong tự do. Cả tác phẩm toát ra cái không khí tự do ấy; nhưng tự do là tự do trong một vị trí, trong một vài điều kiện. Điều kiện ấy có thể là cần lao. An Tiên đã lao động cần cù. Chàng tin ở bàn tay mình cũng như tin ở Thượng đế. Trên hai nghìn năm, chàng đã là "tiền thân" của "ông già và biển cả". Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng đã cần lao cặm cụi, hy sinh và nhẫn nại. Điều kiện ấy là tin yêu. An Tiêm đã tin và đã yêu. Tiên Dung cũng đã tin và đã yêu. Điều kiện ấy là những hàng động vị tha, những thực hiện đạo đức. Thôi Vỹ xả kỷ và Thôi Vỹ đã được sống ở Dao Trì. Con người là một thực thể bất diệt nên sẽ trở về nơi trường sinh. Xác thịt có thể tàn tạ nhưng linh hồn thì bất tử. Trần gian chỉ là một nơi thử thách tạm bợ. Dao Trì, Thủy Phủ, Thiên Cung mới là nơi vĩnh phúc. Đó là lời của Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Không Lộ và Giác Hải. Tin tưởng này dẫn đến một tinh thần lạc quan tích cực và nồng nhiệt. Tinh thần lạc quan tiêu cực chỉ sinh ra thất bại, tỉ dụ trường hợp An Dương Vương. Sự thành thực dù yếu đuối mà đưa đến tan vỡ cũng sẽ được đền bù, tỉ dụ trường hợp Mỵ Nương. Sự hối hận có thể sửa chữa những tội ác vô ý thức, tỉ đụ trường hợp Trọng Thủy. Vũ trụ quan sâu xa của Trần Thế Pháp cũng như của dân chúng vô danh đã gây được một nhân sinh quan rất lành mạnh.
2) Tinh thần đấu tranh:
Trước hết là tinh thần đấu tranh để thống nhất dân tộc. Những vĩ tích của Lạc Long Quân đối xứng với những giai đoạn bình định của xứ sở. Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh là những lực lượng phá hoại ẩn náu trong dân chúng làm cho họ điêu đứng khổ sở. Người anh hùng dân tộc là người biết hy sinh cuộc đời của mình cho chính nghĩa.
Sau đấy là tinh thần đấu tranh để bảo vệ giang sơn. Thánh Gióng là một anh hùng dân tộc luôn luôn nêu cao ý nghĩa quốc gia. Tinh thần ấy vô vị lợi, nhưng mãnh liệt và quả cảm. Lý Ông Trọng tượng trưng cho tinh thần bất khuất của người Việt. Thân hình vĩ đại của Lý Ông Trọng là lòng ước muốn to lớn của nhân dân Việt Nam được sống quật khởi và anh hùng hơn cả người Trung Hoa là người thường đàn áp họ.
Sau cùng là tinh thần đấu tranh để san bằng những cảnh bất công trong xã hội. Cái ch.ết ô nhục của Hà Ô Lôi mang lại sự đắc thắng cho công lý. Kẻ có tội phải đền bù. Người xấu xa phải bị trừng phạt.
3) Giá trị lịch sử:
Ngoài ra, Lĩnh Nam Chích Quái còn mang nhiều giá trị lịch sử, lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước (truyện Hồng Bàng), lịch sử chính trị của ta ngày xưa, khi 50 người trai theo mẹ xuống biển, 50 người trai theo bố lên núi, ám chỉ nguồn gốc duy nhất của người Việt, người Mán, người Thổ, người Mường. Các sử gia có thể đưa ra những lý thuyết ưu bác, nhưng qua truyện Hồng Bàng, Lạc Long Quân cùng hậu duệ vẫn là hình ảnh oai hùng của những người Việt đầu tiên. Truyện Tản Viên cũng như truyện Phù Đổng Thiên Vương cho ta hiểu sâu hơn về hành động của tiên tổ. Những truyện truyền thuyết còn cho ta biết rõ hơn về những thổ sản của nước ta ngày xưa, về phong tục, về hôn nhân, về tri thức và tình cảm của người Việt trong quá khứ. Lĩnh Nam Chích Quái làm chứng một cách xác thực rằng dân Việt là một dân tộc có tinh thần tôn giáo từ buổi đầu, ưa thích nghề nghiệp và cần lao, có tinh thần gia đình từ những ngày đầu tiên của lịch sử và đã biết đặt hôn nhân trên căn bản ái tình và lễ giáo. Giá trị lịch sử còn được thể hiện trong những tên thôn, tên làng, tên của đền đài lăng miếu làm cho tác phẩm ấy có một sắc thái cổ kính và chứa đựng nhiều tài liệu cho người đi sau. Những truyện mà Maspéro hoặc Przyluski đã thấy giống những truyện Trung Hoa, Phù Nam, chỉ chứng tỏ một cách rõ ràng hơn sự liên lạc giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Sự vay mượn những tác phẩm Trung Hoa như Thái Bình Hoàn Vũ Ký [32], Thủy Kinh Chú [33], Tục Bác Vật Chí [34] nếu có thực đi chăng nữa không làm giảm bớt giá trị lịch sử của Lĩnh Nam Chích Quái mà còn làm chứng cho một phần sự thực lịch sử của những dân tộc Á Châu.
B. Hình thức.
1) Văn chương:
Ta thấy ngay một khuyết điểm lớn của Lĩnh Nam là đã được viết bằng chữ Hán; tuy vậy, ta cũng nên biết rằng Hán văn của tác phẩm không phải là Hán văn thuần túy của Trung Hoa nữa mà là một thứ văn riêng, một thứ văn lai, tuy đôi chỗ còn tuân theo văn phạm cú pháp của Hán văn. Đọc Lĩnh Nam Chích Quái, ta biết ngay tác giả của nó là một người Việt, Việt từ nội dung đến văn chương, ta không biết đời Trần đọc Hán văn như thế nào, nhưng ta có thể phỏng đoán cách đọc đến đời Trần đã dị biệt với cách đọc của Trung Hoa nhiều và do đó, chữ Hán ở đây đã trở thành chữ Hán Việt, tiếng Hán là tiếng Hán Việt.
Theo nhận xét ấy, ta có thể khảo sát văn chương của Lĩnh Nam Chích Quái. Đó là một lối văn kể chuyện giản dị và nhẹ nhàng; không có một điển tích nào xa xôi, không có một từ ngữ nào mà ngày nay không có trong những Từ Điển Hán Việt; lối văn được viết theo lời nói thông thường nên không có tính cách bát cổ của trường thi, không có những câu đối ý đối chữ kéo dài từng hai vế đi đôi với nhau. Đâu cũng sáng sủa, gọn gàng, có tính cách Việt Nam đến nỗi nhiều đoạn chỉ cần phiên âm là thành một câu tiếng Việt.
Ngoài ra, truyện Hà Ô Lôi trong Lĩnh Nam Chích Quái có ghi ba bài thơ tứ tuyệt bằng chữ nôm, do đấy có thể cho ta một ý niệm về thi ca đời Trần và về tình trạng của chữ nôm. Chữ nôm không biết đã được sáng chế từ bao giờ, nhưng chắc chắn không phải từ đời Sĩ Nhiếp, đời Phùng Hưng hay đời Đinh Tiên Hoàng. Từ những thời kỳ này, ta đã thấy lẻ tẻ có một vài chữ nôm được cấu tạo theo lối giả tá là một lối giản dị nhất vì chỉ cần tìm những chữ Hán đồng âm với tiếng Việt là có được một chữ nôm, tỉ dụ chữ , chữ để phiên âm những tiếng Bố, Cái, Cồ. Theo lý luận và kinh nghiệm của ngôn ngữ học thì loại giả tá dễ nhất được cấu tạo trước hết, sau đến loại hình thanh và hội ý là những loại đòi hỏi một sự đối chiếu, một sự suy luận; loại hội ý là loại tương đối ít nhất bởi vậy loại chữ hình thanh là một cứ điểm để cho chúng ta nhận định về sự hình thành của chữ nôm. Ta đã thấy những gì trong những bài thơ nôm ghi trong truyện Hà Ô Lôi. Đây là câu thơ thứ nhất:
đọc là:
Chỉn đà náu đến nguyện làm tôi
Hai chữ thiên tiên để cha Lôi.
Những chữ chỉn, đà, náu, nquyện, tôi, thiên, để, cha, Lôi, tuy trình độ âm thanh khác nhau nhưng đều là những chữ giả tá, chỉ có ba chữ đến, hai, chữ là những chữ hình thanh. Chữ đến có thể viết bên là chữ chí để chỉ ý đi đến, bên là chữ điển để chỉ cách đọc; nhưng chữ đến cũng có thể viết (đán) theo lối giả tá. Như vậy, nhận xét của ta về câu thơ này là tuy những chữ giả tá chiếm đa số, chứng tỏ chữ nôm đang ở vào giai đoạn đầu nhưng cách viết chữ đến theo lối hình thanh chứng tỏ rằng đã bắt đầu có chữ hình thanh thuộc vào giai đoạn sau của chữ nôm. Bây giờ ta xét đến bài thơ thứ 2:
Sương kể dầu sương vẹn được mười
Những nơi quyền quý thiếu chi người
Bởi vì thanh sắc nên say đắm,
Khá tiếc cho mà lại khá cười.
Xem bài thơ trên, ngoài những chữ Hán Việt, ta thấy rất nhiều chữ giả tá như: kể, dầu, vẹn, được, mười, những nơi, thiếu, chi, vì, khả, tiếc, cho, tại, khá; những chữ hình thanh là: người, bởi, nên, mà, cười; như vậy, loại chữ hình thanh vẫn ít hơn loại chữ giả tá; những chữ hình thanh đáng chú ý là chữ người do bộ nhân đứng bên chữ ngại; chữ mà đáng lẽ chỉ là một chữ giả tá (nghĩa là chữ ma đọc trại đi) ở đây đã thành một chữ hình thanh vì có chữ nhi ở dưới để biểu ý; chữ cười bộ khẩu bên chữ kỳ để biểu âm; những nhận xét này cho biết chữ nôm đã hình thành nhưng chưa có nhiều chữ hình thanh, nghĩa là vừa mới thoát khỏi giai đoạn giả tá. Trong bài thơ thứ ba, chữ hình thanh đã nhiều hơn, lên đến 8 chữ đối 10 chữ giả tá; đặc biệt trong bài này, ta thấy chữ (trời) là một chữ hội ý (thiên + thượng = cao); đó là một chữ hội ý đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam. Vậy xét về cách chế tác của chữ, ta thấy chữ nôm trong giai đoạn trước nhà Hồ đang thoát dần từ giai đoạn giả tá mà ta gọi là giai đoạn thứ nhất của chữ nôm, kể từ đời Sĩ Nhiếp đến Nguyễn Thuyên, dần dần chuyển sang giai đoạn hình thanh mà ta gọi là giai đoạn thứ hai của chữ nôm kể từ Nguyễn Thuyên trở đi đến Hồ Quý Ly; từ Hồ Quý Ly trở đi, chữ nôm mới đủ từ ngữ để phô diễn những ý tình phức tạp; những bài thơ nôm nói trên làm chứng cho giai đoạn chuyển tiếp của chữ nôm từ thời kỳ thứ nhất sang thời kỳ thứ hai.
Xét về lời thơ thì ta thấy hình thức thi ca còn vụng về, hai câu thơ đầu gần như vô nghĩa; tại sao lại nói là "náu đến"? Câu sau có ý nói về nguồn gốc thần thánh của Lôi (hai chữ thiên tiên để cha Lôi) nhưng lời nặng nề biết chừng nào. Tuy chắc là mấy bài thơ này đã bị người sau sửa chữa nhưng ý thơ là một cái gì không thể sửa chữa được có thể cho ta một ý niệm về văn thơ chữ nôm đời Trần.
2) Kỹ thuật:
Đầu tiên là kỹ thuật bố cục toàn thể tác phẩm. Ai xem mục lục của Trần Thế Pháp (do Phan huy Chú ghi lại) cũng thấy rõ trật tự thời gian của các truyện đã bị xáo trộn như thế nào; có lẽ vì thế rnà Vũ Quỳnh đã hiệu đính tác phẩm và đã làm lại một bố cục khác; nhưng Vũ Quỳnh đã không thấy rằng sự xáo trộn ấy là một kỹ thuật của tác giả. Đọc Lĩnh Nam Chích Quái, ta công nhận tính chất lịch sử so với Việt Điện U Linh Tập đã được giảm bớt rất nhiều; tính chất thực sự của truyện là tính chất thần thoại biến thái thành truyền kỳ và cổ tích, do đấy, tác giả hình như đã có ý không tôn trọng trật tự thời gian, làm cho Lĩnh Nam Chích Quái là một trong những cuốn sách mà người ta có thể mở đọc bất cứ chỗ nào, lật trang này sang trang khác, đọc qua loa một vài đoạn rồi lại có thể ngừng bất cử ở đâu, như thế, người đọc không cảm thấy mỏi mệt, chán nản mà lại thấy rất nhiều thú vị.
Kỹ thuật kể chuyện cũng không kém tài tình. Người đọc cảm thấy có một sức lôi cuốn huyền bí. Ta đọc chuyện này sang chuyện kia một cách dễ dàng. Đó là nhờ ở cách tác giả dàn xếp các tình tiết của câu chuyện. Các tình tiết ấy liên tiếp nhau, ăn khớp với nhau chặt chẽ, theo một trật tự mà chỉ có một ý thức già giặn về kỹ thuật hành văn mới có thể trực giác thấy. Thường truyện được bắt đầu bằng phần giới thiệu nhân vật, giới thiệu dòng dõi, tên tuổi, quê quán; sau đấy, tác giả trình bày một vài đặc điểm của nhân vật, qua cuộc đối thoại của nhân vật với những nhân vật phụ thuộc đến một đoạn tả cảnh, tả tình rồi những tình tiết khác lại xảy ra làm cho câu chuyện ly kỳ hơn, phức tạp hơn, hấp dẫn hơn. Phần tả cảnh không được tác giả trau chuốt lắm như trong Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên nhưng phần tả tình đã được đặc biệt chú ý. Có thể nói, Lĩnh Nam Chích Quái là một tập ái tình tiểu thuyết, một thứ ái tình tự do nhưng lành mạnh, trong sạch, dù bị lễ giáo cấm đoán trong lúc đầu nhưng rồi về sau cũng được lễ giáo tha thứ và công nhận. Trong những lúc này, ngòi bút của Trần Thế Pháp rất phóng túng, dễ dàng và mỹ lệ. Một truyện như truyện Đầm Nhất Dạ hay truyện Trầu Cau vẫn để lại cho người đọc những ấn tượng sâu xa. Nhờ tính cách này mà sự phỏng đoán của ta về soạn niên của tác phẩm có căn cứ vững chắc. Năm 1329, Việt Điện U Linh Tập xuất hiện trong bầu không khí mới của Nho giáo vừa manh nha. Rồi sự quật khởi của nhà Minh, sự suy yếu của nhà Trần rõ rệt từ 1370 trở đi làm cho sự bành trướng của Nho học bị lâm vào một thời kỳ khủng hoảng từ 1370 đến 1400. Sự khủng hoảng về một ý thức hệ lấy Nho giáo làm căn bản bao giờ cũng đi đôi, ở Việt Nam, với một phong trào đối kháng chủ điểm dân tộc. Lĩnh Nam Chích Quái xuất hiện trong giai đoạn này.
Kỹ thuật của tác giả luôn luôn được nâng đỡ bằng những hình ảnh đặc sắc. Có khi hình ảnh là do sự tưởng tưởng của tác giả tạo thành, tỉ dụ hình ảnh thần Kim Qui đuổi quỷ tinh, hình ảnh thánh Gióng xông ra mặt trận; đấy là những bức tranh vĩ đại, những cuốn phim đại vĩ tuyến ngày xưa; những đường viền, đường nổi, bề sâu, bề rộng của bức tranh đều được vẽ bằng những nét mạnh bạo sắc sảo. Nhiều khi hình ảnh trong Lĩnh Nam Chích Quái là những chi tiết tả thực để nguyên vẹn hay được tô điểm thêm, được cường điệu hay kiểu thức hóa, tỉ dụ hình ảnh của Ngư tinh "mình dài hơn năm mươi trượng, có nhiều chân giống như hình con rết" Những hình ảnh này mang đến cho tác phẩm một sự sinh động riêng, một màu sắc cổ sơ của những thời hoang dại.
__
32. của Nhạc Sử đời Tống (q. 170, 9).
33. của Lịch Đạo Nguyên, viết năm 535 (q. 37s 7).
34. của Lý Thạch đời Đường (q. 5)