Chương 20: Không có ai đợi cả
Tôi cùng Ula đi gặp người trồng vườn. Tôi dùng khoản tiền dành thanh toán hóa đơn điện thoại để đặt cọc mua cây – tôi đặt mua một cây liễu cực đẹp, cao ba mét, một cây liễu rủ nho nhỏ, một cây thích lá vàng và một loạt các cây lưu niên khác. Ông ta sẽ mang cây đến trồng tại vườn nhà tôi. Cỏ mọc đẹp, tử đinh hương ra hoa ngay sau đó. Từ nay tôi sẽ sống hòa nhập với thiên nhiên. Đàn ông tôi cho hết ra rìa. Rồi lúc nào tôi cũng vui cho mà xem. Đúng là tôi đang bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới
Không thể tin nổi. Tôi không thể tin là tôi lại có hai con mèo con. Tôi không thể tin là tôi đã chấp nhận như vậy.
Tôi ngồi bên cửa, nhìn ra sân và viết bài đặt trước, thế rồi, một con mèo con lạ hoắc đen tuyền, đi ngang qua con Borys như không có chuyện gì xảy ra. Nó nhảy lên bàn phím, gõ “jjhjhjhjhjhjhjhjhhhjjtaepr” rồi trèo lên vai tôi. Con Borys ngơ ngác, cả tôi cũng vậy. Với vẻ tin cậy, nó ôm lấy cái cổ đã hết đau của tôi, và giữ nguyên như thế. Tôi cho con mèo ăn, thả nó ra vườn, nó nhảy lên bệ cửa sổ rồi ngồi ở đó.
Tosia đến. Tôi tưởng nó sẽ phát điên lên vì mừng.
Tôi nói:
- Con nhìn kìa, con mèo mới đẹp làm sao. Nó đã chọn nhà mình.
Còn Tosia:
- Mẹ có biết hai con mèo nghĩa là thế nào hay không? Mẹ không nhớ con Zaraz đã làm những gì hay sao? Nó sẽ tống ra hàng đống và con không dọn đâu nhé. Chỉ có ngốc mới đi nuôi hai con mèo mà thôi! Con không ngờ mẹ lại như vậy.
Tosia quay về phòng mình. Rồi sau đó đến chỗ tôi và nói:
- Con mèo có thể ở lại, nhưng con muốn thứ Sáu này đi Krakow, ngay sau khi tan học. Đi hai ngày. Con đã hẹn với Irek rồi.
Chỉ còn thiếu nước này nữa mà thôi!
Thế nhưng tôi không ném con mèo nhỏ lông đen ra ngoài đường, chỉ tại vì tôi có đứa con gái chăng?
Ôi, tháng Năm đẹp làm sao, những cây tử đinh hương đẹp làm sao! Ngay bên thùng rác nhà tôi hoa cũng nở. Thế nhưng ngay cả việc vui xuân một cách yên bình tôi cũng chẳng có được. Bởi Tosia dứt khoát phải đi Krakow. Biết làm sao bây giờ. Tôi mà không cho đi, nó sẵn sàng bỏ trốn. Tôi mà cho đi, nó sẽ thất vọng.
Hồi trước, có lần tôi cũng đã từng đi như vậy. Nhưng bấy giờ tôi đã mười chín tuổi. Chỉ phải thú thật rằng, mười chín tuổi mà tôi ngây ngô y như cô gái mười lăm bây giờ vậy. Thế thì tôi còn nói cái nỗi gì. Tôi quên rằng, thông thường, tuổi mười lăm là tuổi dậy thì. Cho nên hồi ở tuổi đó đầu óc tôi chỉ bằng cô bé chín tuổi bây giờ mà thôi. Tôi đi đón giao thừa. Bạn trai mời. Ngày 28 tháng Mười hai anh ta gọi điện, nói:
- Nếu thích đón Năm Mới cùng với anh thì em đến đi. Anh sẽ đợi em ở sân ga.
Khi đó tôi cho rằng, một lời mời như vậy là tột đỉnh của lịch thiệp, của gia giáo, của tình cảm sâu đậm và của rất nhiều những thứ khác không diễn đạt được thành lời.
Tôi chạy đến chỗ bố mẹ như bay trên đôi cánh và tuyên bố, hai ngày nữa tôi sẽ lên tàu, vượt bốn trăm tám mươi ba cây số, vì anh ấy mời tôi và sẽ đợi tôi ở sân ga. Bố nhìn tôi, hỏi:
- Con nhất quyết đi chứ gì?
- Tất nhiên! – tôi hét ầm lên sung sướng, mẹ nhìn tôi thông cảm, có phần ái ngại và hỏi tôi một cách nhã nhặn, liệu có phải lời mời ba ngày trước đêm giao thừa chắc chắn xuất phát từ yêu cầu tối đó anh ta phải vui chung với tôi, có điều một khi anh ta cần đến như vậy thì anh ta hãy đến đây, chứ sao phải theo ý anh ta khi mới được ngoắc ngón tay thôi. Còn bố tôi nói, bố mà ở vào hoàn cảnh của tôi thì bố sẽ khuyên tôi…
Nhưng tôi có nghe theo lời bố mẹ đâu.
Ngày 30 tháng Mười hai tôi đi, bố mẹ tiễn tôi một cách chân tình, bố nói tôi mà xin bố lời khuyên v.v..., mẹ tôi buồn bã lắc đầu bảo: “Rốt cuộc con đã lớn ” (cô gái mười chín tuổi đã lớn!), còn tôi mặc chiếc quần mượn của cô em họ, (để nom mảnh mai hơn – cái quần chật ních) và chân đi đôi giày thượng hạng. Tôi nhìn bố mẹ và nhận ra rằng, những thứ đó chẳng hề làm họ để ý.
Chiều tối hôm đó tôi xuống một ga xép ở ngoại ô Krynica. Trời tối, tuyết tắng xóa, giá lạnh, hai chiếc đèn pin lấp loáng, và đó là tất cả. Không hề thấy bóng dáng bạn trai đâu. Hay anh gãy chân vì đi trượt tuyết? – tôi tự an ủi. Hay anh gặp tai nạn? Tôi đợi hai giờ đồng hồ, sau đó tôi lên chính con tàu nọ, khi nó quay về Warszawa. Sáng hôm sau tôi về đến nhà.
Tôi, vẻ mặt nhún nhường, chờ đợi câu nói ưa thích của bố: “Bố đã bảo con mà!” Và câu nói ưa thích của mẹ: “Mẹ đã bảo con rồi, đúng không?”
Lần này bố mẹ đón tôi cứ như thể tôi chưa hề đi xa.
- Hay lắm, con gái ơi, con đấy à, – mẹ tôi nói.
Tôi suýt ngã khuỵu vì xúc động.
Thôi được, Tosia của tôi cứ đi đi, còn tôi bắt đầu tập nói câu: “Ô, hay lắm, con gái ơi, con đấy à.” “Ô, hay lắm, con gái ơi, con đấy à.”. Nhất định thằng bé sẽ lừa con bé… Không đi đến nhà thằng bé được đâu. Nó phải tự mình đến đây chứ. Con bé không tôn trọng mình gì cả. “Ô, hay lắm, con gái ơi, con đấy à.” Tại sao tôi lại không có một cậu con trai, để nó sẽ không đứng trên sân ga đợi cô người yêu đến với nó? Và khi đó tôi khỏi phải lo lắng gì?story_text_center">o O o
Con mèo đen được gọi là con Potem {Sau đó - tiếng Ba Lan}. Tosia vẫn đi Krakow. “Ô, hay lắm, con gái ơi, con đấy à.” Cách đây hai giờ. Nó vẫn còn một giờ đồng hồ nữa để nếm quả thất vọng lớn nhất trong đời.
Bây giờ chúng tôi có hẳn một bộ sưu tầm mèo ở trong làng. Con Retunek của Ula, trắng, xinh, nhỏ xíu; con Ojej, nó không đi, chỉ rảo chân, không kêu meo meo, chỉ phát ra âm thanh, không chạy, chỉ bước nhanh, không nhảy, chỉ nâng mình lên cao, không ăn, chỉ tiêu thụ, không uống, chỉ giải khát – nó đường hoàng như vậy đó. Lông con Zaraz trắng bạc và tai có những chùm lông, con Potem nhỏ xíu, đen tuyền, và nhất định nó sẽ lớn thành con mèo phù thủy thứ thiệt.
Tại sao Tosia đi Krokow không về ngay? Bởi nó vẫn còn chưa tới nơi. Tôi không nghĩ về chuyện đó nữa.
Tôi sẽ không làm một bậc phụ huynh độc địa.
Tôi sẽ không làm một bậc phụ huynh độc địa.
Tôi sẽ không làm một bậc phụ huynh độc địa.
Nhưng tôi đúng là như thế.
Mẹ gọi điện hỏi tôi có bị thần kinh hay không mà dám để cho con gái một thân một mình đi xa, đến một nhà không quen biết. Tôi bảo rằng, nhà thì không phải là không biết, vì tôi đã nói chuyện điện thoại với mẹ của thằng bé này rồi và OK thôi.
Bố gọi điện và hỏi tôi có bị thần kinh hay không, vì mẹ gọi điện cho bố và bảo…
Tosia gọi điện, báo là nó đã đến Krakow. Bây giờ hai đứa đang cùng bố mẹ của thằng bé đến tiệm cà phê dưới tầng hầm nhà hàng Barany. Ngày mai nó sẽ lại gọi điện về.
Tôi đã biết là thằng bé sẽ đợi con bé!