Chương 8-2
Mùa đông năm mười sáu tuổi, lần cuối cô cùng Trinh Lượng lên núi Thanh Viễn.
Trong đại điện ngôi chùa cổ hoang phế nơi đây có ba pho tượng Phật, lần lượt tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Điêu khắc bằng gỗ cây ngân hạnh ngàn năm tuổi. Chùa Thanh Viễn giống một vũ trụ thực sự, lâu đời, bị bỏ hoang, tượng Phật gợi cảm giác chỉ tạc ra rồi để đấy, không một ai đến thắp hương khấn vái cầu xin những vinh hoa cõi tục. Chùa đã trải qua bao nhiêu kiếp nạn, bị chiến tranh và quyền lực thay nhau tẩy xóa. Về sau có một năm, sét bổ xuống cây ngọc lan trước điện, dẫn đến hỏa hoạn. Nhưng trước sau không ai quấy rầy ba pho tượng. Hình hài nguyên vẹn. Vẻ mặt kiêu hãnh cao quý.
Cây lạp mai ngoài sân nở rộ trong làn gió se sắt sau trận tuyết rơi, trên cành gầy guộc đen nhẻm phủ đầy hoa vàng óng ánh, tỏa hương trong lành, tinh khôi sức sống dưới màu trời trắng bạc. Trên bức tường lở lói còn lại dấu mực đen, chép mấy câu thơ thời Tấn, chữ theo lối hành thư.
Nắng chiều buông xuống núi
Chim về tổ bay đôi
Cảnh nhuốm phần ý vị
Muốn tả lại quên lời.(*)
(*) Thơ Đào Uyên Minh.
Cô đứng trước mấy câu thơ, nhìn đăm đăm vào nét chữ ấy hồi lâu.
Buổi tối nghỉ tại quán trọ nhỏ gần chùa. Quán trọ tư nhân này tên là Thanh Túc, mấy năm nay mỗi lần lên núi họ đều nghỉ tại đây. Quán có suối nước nóng. Ngâm mình trong suối nước nóng lộ thiên, tuyết lất phất rơi xuống, nhẹ nhàng chạm vào đầu vào mặt, tan liu riu trong nước nóng ngùn ngụt. Cô và Trinh Lượng đã cởi bỏ hết quần áo, nhích lại gần nhau, thân mật một cách hiếm hoi và ngẫu nhiên. Tấm thân căng tràn của cô giống một chồi hoa no đầy đợi nở. Thân thể và tâm hồn đều đã chín từ lâu, có lẽ là do ở bên một đôi nam nữ trưởng thành với tâm hồn ngang ngạnh sâu sắc. Tấm thân mảnh dẻ của Trinh Lượng đang bước vào quá trình phôi phai, da thịt bắt đầu chín rục. Giống cây hoa nở vào lúc rực rỡ nhất, đang giải phóng nốt chút sức mạnh cuối cùng bên trong. Hình xăm trên cánh tay, gáy và sau eo bà, đều theo mẫu hoa văn trang trí thời cổ đại.
Cô còn nhớ những lời người phụ nữ trưởng thành ấy nói.
Trinh Lượng nói, Tín Đắc, không hiểu vì sao tôi cảm thấy, con người càng già thì càng nhận ra thế giới này không còn thứ gì có vẻ thật nữa. Chỉ có tình cảm của chúng ta là thật. Người ch.ết đi không mang được gì theo cả, trừ chút kí ức đọng trong nội tâm. Tình cảm là đồng hành duy nhất với chúng ta. Nhưng nó sẽ húc vào tường ở khắp mọi nơi trong thế giới giả tạo này, cuối cùng sẽ chịu những tổn thương do giả tạo mang lại. Dần dần, tôi cho rằng không còn điều gì quan trọng nữa, đi xa đến đâu, sống cuộc đời thế nào, thảy đều không quan trọng. Quan trọng là có được tình cảm chân thực, cho dù miên man rối rắm, con người và tâm hồn đều rạn vỡ, cũng còn hơn trơ lì thản nhiên trong cả quãng đời còn lại. Có được thế giới mà thiếu vắng tình cảm, một thân một mình, thì làm sao tồn tại được. Tôi không muốn tịch mịch đến ch.ết.
Bà nói, Tín Đắc, tôi không muốn tịch mịch đến ch.ết.
Cô nói, rất lâu về sau tôi mới hiểu được câu này. Bởi chỉ đến cái lúc rất lâu ấy tôi mới hiểu, thế nào là tịch mịch.