Chương 9-4

Xe từ từ bò lên rặng Sùng Sơn. Xóc nảy gần mười tiếng đồng hồ thì đến Cô Nham.


Một thầy giáo ra đón. Họ Phan, khoảng ba mươi lăm tuổi, gầy gò hiền hậu, da ngăm ngăm đen, đứng đợi ở bến xe gần ủy ban. Thầy là người trong vùng, công tác tại trường tiểu học Xuân Mai đã mười lăm năm, một mình dạy ba lớp. Trong trường có một chiếc máy tính được quyên tặng nhưng đã hỏng, thầy cõng xuống huyện sửa rồi lại cõng về. Tín Đắc nhờ thầy dẫn đường cho Khánh Trường. Thầy đã đợi cô một ngày. Hai người đều chưa ăn cơm, Khánh Trường đeo cái ba lô leo núi 60L cũ kĩ thường dùng khi đi xa, bên trong là sách vở, quần áo và đồ dùng hằng ngày. Mặc sơ mi trắng quần vải thô đi giày thể thao, tóc dài tết ba dày dặn rồi quấn lên. Phong cách gọn gàng thoải mái, vừa nhìn đã biết là người quen ăn gió nằm sương. Thầy Phan nở nụ cười. Nói, hoan nghênh cô đến đây, Khánh Trường.


Viễn ly. Viễn ly khu rừng sỏi đá xi măng sắt thép. Viễn ly đám đông lúc nhúc và xa cách. Viễn ly cuộc sống hình thức và tích tụ vật chất. Viễn ly vọng tưởng.


Tín Đắc nói, ở nơi gần với trời, có thể tín hiệu và tin tức của vũ trụ sẽ sinh ra một mối quan hệ mật thiết với cuộc sống con người. Mỗi đứa trẻ chào đời đều có một cung hoàng đạo riêng. Vạn vật và tinh tú cung cấp năng lượng cho tất cả các sinh mệnh. Nhưng khi trưởng thành, người ta dần dần đánh mất mối quan hệ với nguồn sức mạnh nguyên thủy này, bị gán cho muôn vàn khái niệm đã thiết lập và ràng buộc sẵn, rồi tiến vào cái lồng tự mình tạo ra. Một đứa bé sẽ trỏ màu đỏ mà bảo là màu lục, bảo đằng trước là đằng sau, sẽ hỏi cái gì là thật cài gì là giả. Chúng không phân biết đúng sai. Tất cả định nghĩa đều do con người biên soạn, không liên quan gì đến bản chất của sự vật. Các quy tắc thể chế của thế giới người lớn đã nuốt chửng những linh cảm và bản năng liên quan đến vũ trụ, người ta dần dần mất đi khả năng liên kết với tính chân thực của chính bản thân mình.


Cô nói, cuối cùng chúng ta phải đối diện với một thế giới dung tục đến độ không sao cải thiện được.


Ba tiếng đồng hồ sau, xe khách đến một thôn nhỏ gọi là Ao Trăng. Thầy Phan nói, họ sẽ nghỉ tạm nhà dân ở đây một đêm, sáng sớm lại tiếp tục hành trình. Phải mất chừng ba tiếng đồng hồ mới đi hết đường núi để vào Xuân Mai, mà chỉ đi bộ được thôi. Một chuyến khứ hồi như thế làm tiêu hao rất nhiều thời gian và thể lực, nên bình thường cư dân Xuân Mai chẳng mấy khi ra ngoài, trừ đi chợ và trao đổi hàng hóa.


available on google playdownload on app store


Thôn làng trên đỉnh núi cao. Tiếp tục con đường lên núi, có lúc đi trên quãng dốc toàn đất sét, có lúc băng mình vào rừng rậm mịt mù. Ngày hè tháng Sáu, một cơn gió nhẹ cũng chẳng có, không khí tù đọng. Mồ hôi nhớp nháp trên da, chỉ chốc lát là quần áo đã loang lổ vết ố. Thầy Phan đặt những bước vững vàng phía trước, Khánh Trường thở phì phò theo sau, hai người đều đeo hành lý rất nặng, tiến mãi lên núi cao. Càng xa mực nước biển, tầm nhìn càng thoáng đãng. Những khoảnh ruộng bậc thang độc đáo trải dần ra, theo gió lúa rập rờn.


Thôn Xuân Mai đã hiện lên trước mặt. Những ngôi nhà bằng gỗ san sát bên nhau nối thành dãy dài, mái nhà lợp vỏ cây úa đen vì dãi dầu gió mưa sương tuyết, rêu dày xanh mọc lên hàng tảng. Trường tiểu học nằm không xa cổng thôn, trong sân có một lá cờ đỏ, một dãy nhà gỗ dựng trên sườn núi. Từ dưới tán cây vọng ra tiếng trẻ con sang sảng đọc bài.


Ngần ấy diễn biến đã đi ngược hẳn với mong muốn ban đầu. Cô không cần danh tiếng, cũng không muốn bị đem ra làm công cụ tuyên truyền, chỉ muốn tiếp tục được yên ổn dạy học trong núi sâu. Cuối cùng đã chọn cách tỏ thái độ quyết liệt, từ chối mọi hoạt động và phỏng vấn. Sau một hồi ngập tràn danh tiếng vừa rỡ ràng vừa phù phiếm như bong bóng xà phòng, thôn làng đã trở lại với không khí bình thường.


Tín Đắc đang có giờ lên lớp. Thầy Phan đưa Khánh Trường về kí túc xá. Căn phòng nhỏ, nằm trong một ngôi nhà lầu bằng gỗ, sơ sài cũ kĩ, không có bất kì một thiết bị tắm rửa vệ sinh nào. Nhà xí công cộng là một cái hố to đậy tấm gỗ lớn, nước phân chảy nguếch ngoác, ruồi nhặng bay vo ve. Họ có nhà ăn, tự nấu nướng cơm nước. Xuân Mai thu mình giữa lớp lớp núi sâu, thường xuyên mất điện, tắm rửa cần phải đi đến một chỗ nhất định để đón dòng suối từ trên núi chảy xuống. Mùa hè nóng nực, mùa đông lạnh giá. Đất đai nghèo nàn, chỉ trồng được ngô và khoai tây. Trẻ con học xong tiểu học phải xuống núi mới có lớp cao hơn. Ngoài Tín Đắc, các thầy cô khác đều là dân trong vùng.


Thầy Phan kể, hoàn cảnh cực nhọc lắm, điều kiện thiếu thốn, bài vở bộn bề, nhà trường không giữ được người. Mấy cô mấy cậu tình nguyện kéo lên đây làm vì ngưỡng mộ Tín Đắc, ở được sáu tháng nửa năm lại lục tục rời đi cho bằng hết.


Trong lúc tâm sự những chuyện này, vẻ mặt thầy rất bình tĩnh.


Khánh Trường thả ba lô xuống, để dựa vào góc tường, giơ tay đẩy cánh cửa sổ gỗ. Ngoài kia là mây mù lững lờ và rừng phong xưa cũ. Thôn làng dân tộc thiểu số được dãy dãy núi cao bao bọc, chon von xa mãi trên đỉnh non hoang vu, so với thế gian thì hoàn toàn tách biệt.






Truyện liên quan