Chương 11-3
Nếp sinh hoạt biến động là thách thức đối với cá tính và thói quen của hai người, nhưng họ vẫn yêu nhau đằm thắm.
Đêm khuya, người đàn ông nằm nghiêng mà ngủ, ôm chặt lấy cô, trán áp vào má cô, hơi thở lìm lịm nồng nàn. Nơi cổ tỏa ra mùi hương đặc trưng của anh, hỗn hợp từ nước hoa và thịt da tinh sạch. Cho dù ngày ngày ở bên anh, cô vẫn háo hức cảm nhận hơi hướm của sự hiện diện rõ rệt này. Luồn lách khuếch tán, thấm vào tâm phế. Họ yêu thương và khao khát nhau bằng tâm hồn thiếu niên, mỗi ngày qua là một ngày thấy nhau mới mẻ. Cô ngắm rìa tóc pha sương trên hai thái dương anh, bên trên còn đen, bên dưới đã bạc, sắc trắng này sẽ lan dần ra, cho đến khi anh biến thành người đàn ông năm mươi tuổi.
Anh đang già đi, Đã sống chung với nhau, anh cũng không giữ kẽ nữa, cứ thế bộc lộ hết nhưng khía cạnh mong manh, lưỡng lự, rúm ró, hãi hùng. Anh không còn là người đàn ông mạnh mẽ uy thế hơn cô mười ba tuổi, sẵn sàng dẫn đường ban phát bảo vệ nữa. Ngược lại, anh dần dần biến thành cậu bé của cô, cần cô bầu bạn chăm sóc thứ tha phù hộ.
Nằm trong bóng tối, cô âm thầm thương xót. Tự hỏi mình, cô có yêu anh không? Cô ngắm khuôn mặt anh, đưa tay vuốt ve vầng trán và tóc mai, tự trả lời, có chứ. Yêu anh, là phải yêu hết các cấu thành của sinh mệnh anh, không thể chỉ lọc lấy thứ mình cần được. Yêu sự mạnh mẽ, phải yêu cả yếu đuối. Yêu sự dồi dào, phải yêu cả thiếu sót của anh. Chấp nhận con người thật, chứ không phải một diện mạo anh được vẽ nên bằng ảo ảnh.
Cô yêu anh tha thiết, y như ngày xưa.
Chỉ hiềm chưa từng nghĩ, sẽ theo anh đến sống ở vùng đảo chật hẹp cô lập này.
Đã nhiều lần, cô cùng anh đến đây trong những chuyến đi ngắn hạn. Bấy giờ họ trú chân ở khách sạn ven biển. Thanh Trì bận rộn công việc, cô tự bắt tàu điện ngầm, thăm thú khắp đường lớn ngõ nhỏ của Sheung Wan. Ngồi tàu thủy qua biển. lang thang trong khu phố cũ ở Yau Ma Tei. Vùng đảo sôi nổi hỗn loạn mà thanh khiết này rất thích hợp để đi bộ, dốc chập chờn lên xuống, đường núi cũng mê hồn. Sang đây sinh sống, cô cảm thấy nhẹ nhõm. Thoát ly được quá khứ, Vân Hòa, Thượng Hải, Nhất Đồng, Định Sơn, Fiona, đồng nghiệp, người quen… và mọi gánh nặng ở thế giơi cũ. Cô vốn dĩ là một người độc lai độc vãng, không vương vấn gì thế tục. Dĩ nhiên đồng thời, cô cũng phải gánh chịu tịch mịch.
Ở Hồng Kông, cô không có ai để trò chuyện, trừ Thanh Trì. Mất đi cơ hội nghề nghiệp, bởi vì không biết dừng chân ở đây bao lâu.
Thanh Trì cũng không cần cô đi làm. Anh đã tìm hiểu, đã chứng kiến công việc của cô, đồng cảm với thế giới nội tâm, tôn trọng các giá trị quan của cô. Đây là một kết nối quan trọng nữa của họ bên cạnh thể xác, kết nối tinh thần. Chu Khánh Trường ba mươi hai tuổi, từng dạo chân khắp chân trời góc bể, không hợp với thời cuộc và xã hội hiện thực, giống một người ẩn dật, không biết phải làm gì. So với người đàn ông cá tính phức tạp, chán ghét thế gian nhưng không thể thoát ly mà cứ phải lao đầu vào đó, sự tồn tại đơn thuần mà kiên định của cô cũng có sức mạnh ngang bằng với khả năng trụ vững về tinh thần của anh.
Cô không có mối giao thiệp nào với con người, giữa trung tâm thành phố sầm uất, lại ôm tâm hồn tĩnh lặng của người dân miền núi chìm đắm vào những hoạt động riêng. Sắp xếp đống ảnh trắng đen chụp suốt một năm ở Xuân Mai. Đống ảnh thực hiện bằng cách thức nguyên sơ nhất, máy phim, ghi lại ruộng đồng, đồi núi, trẻ con, đàn bà, đàn ông, người già, cuộc sống ngày thường ngày lễ của họ, và bốn mùa trong năm của cô tình nguyện viên đã công tác cả một thập kỉ ở trường tiểu học. Kết hợp với các chú thích ngắn gọn, gửi đến Bắc Kinh, đăng một phần trên tạp chí nhiếp ảnh nhân văn nọ, gây tiếng vang bất ngờ. Độc giả chuyên mục phỏng vấn trước đây của cô cũng nhất loạt quan tâm tới màn trở lại này. Ảnh hưởng rầm rộ, thị phi tranh cãi dĩ nhiên lại nổi lên.
Vẫn tác phong cũ, Khánh Trường không tham dự, không giải thích, không biện minh. Làm hết một việc là xếp gọn sang bên. Tự động cắt đứt quan hệ với nó.
Biên tập viên một nhà sản xuất ở Đài Loan gửi thư tới, đề nghị hợp tác xuất bản số ảnh đó thành sách. Tư tưởng gặp nhau, Chu Khánh Trường vốn cũng có ý này.
Khi giã từ, Tín Đắc từng nói đến nếu phát hành sách ảnh, Khánh Trường đừng gửi đến Xuân Mai làm gì, cô không có nhu cầu xem. Một năm cô dành cho Khánh Trường là một năm đãi khách. Chịu ảnh hưởng của cô, Khánh Trường trở nên tập trung và đơn thuần hơn. Tập trung cho bất cứ việc nào đang làm, chỉ rút tỉa lấy cơ bản, còn các chi tiết râu ria thì thôi.
Quét dọn, nấu nướng, giặt giũ, thu xếp việc nhà. Nhàn rỗi thì đọc sách, xem đĩa, một mình ra ngoài, dù ngày nào cũng ngồi tàu thủy, vẫn không hề chán ngán. Có lúc tinh mơ, có lúc hoàng hôn, mang máy ảnh với ống kính một tiêu cự ra chụp bầu trời, đám mây, các công trình kến trúc. Cô không xem vô tuyến, không đọc báo tạp chí, không bàn luận thời sự chính trị, không để tâm tin nóng. Không hề hay biết thời thế, cũng không màng hỏi han. Trong khi đó lại miệt mài đọc sách về các chuyên ngành lịch sử cổ đại, lịch sử nghệ thuật cổ đại, bút kí cổ đại… Nghiền ngẫm tài liệu tôn giáo và triết học, đào bới cả Đông y và Đông dược. Sống trong thế giới riêng biệt, như thể vẫn sống trên núi.
Cô dần dần nhận rõ và chấp nhận hoàn cảnh của mình. Lựa chọn vị trí không hợp thời cuộc. Lựa chọn cuộc sống ẩn dật lạc hậu, thông qua nó kháng cự thời đại đáng thất vọng này. Dễ dàng bị nuốt chửng bất cứ lúc nào. Tin tưởng và bám víu vào toàn những thứ vô thường. Bao gồm cả tình cảm với Thanh Trì.