Chương 17: Diều giấy. Câu đố
edit & beta: Hàn Phong TuyếtKhông có ti vi, không có Internet, không có manga, không được đi bơi, không được đi tập thể hình, không được đi du lịch. Tôi nghĩ rằng tôi có thể chịu đựng được cuộc sống cổ đại nhàm chán này, nhưng sự thực đã chứng minh khi thói quen hình thành rồi, muốn trở về như lúc ban đầu còn khó hơn lên trời.
Tôi bắt đầu nhớ cuộc sống hiện đại. Kể cả tôi có thể sống đơn sơ giản dị thì cũng khó mà chịu đựng nổi nỗi nhàm chán. Dù cho bên cạnh có bốn nha hoàn đáng yêu hiểu chuyện làm bạn đêm ngày, song cổ kim dù sao cũng bất đồng, tôi không có hứng thú với những điều các nàng nói, các nàng cũng chẳng hiểu điều tôi nói, thật sự là không có tiếng nói chung. Tôi không khỏi nghĩ đến những tháng ngày lấy chồng trong tương lai, ban đêm nằm ngủ cùng chồng, hắn thì nói mớ “chi, hồ, giả, dã*”, tôi luôn miệng “lôi, vựng, đảo, hãn*”. Thật là đặc sắc.
*Chi, hồ, giả, dã: Những từ thường xuất hiện trong cách ăn nói của người cổ đại.
Lôi, vựng, đảo, hãn: Những từ thường xuất hiện trong cách ăn nói của người hiện đại.
Thực ra, các thiếu nữ đài các ở cổ đại cũng có trò giải trí: gảy đàn này, chơi cờ này, thêu thùa này, làm thơ này,… Nhưng tôi đâu có biết, cũng không chịu nổi ngày nào cũng như thế. Cuộc sống đơn điệu này quả thực không thể khơi gợi nổi niềm hứng thú trong con người đã quen cuộc sống năng nổ như tôi.
Cho đến tận hôm nay, tôi chỉ phát hiện ra duy nhất một cách giải trí giống nhau của phái nữ cổ đại và hiện đại, đó chính là đi dạo phố. May mà thành Thái Bình là kinh đô, vẻ phồn hoa không thua kém gì Trường An thời thịnh thế, đường phố tấp nập như thành phố hiện đại, người phương bắc phương nam tụ hội đông đủ, chưa bao giờ thiếu trò hay.
Song không thể cứ đi ra đường mãi được. Những tiếng ồn ào ầm ĩ dễ khiến người ta bực dọc, huống chi tôi còn là tiểu thư khuê các, không thể ngày nào cũng chạy rông bên ngoài. Nếu bị người ta biết được, nói dễ nghe thì là tính cách hoạt bát, còn nói khó nghe sẽ là thiếu nữ hoài xuân*.
*Hoài xuân: tơ tưởng yêu đương.
Cho nên hôm nay tôi vẫn đàng hoàng ở yên trong phủ, không có ý định ra ngoài chạy loạn. Thời tiết sau buổi trưa thật đẹp, gió nhè nhẹ thổi, tôi chầm chậm đi dạo trong vườn. Kể từ sau khi hái hoa tặc bị bắt, hai cha con họ Nhạc khôi phục thói quen đi sớm về muộn, cũng nhờ vậy mà Nhạc Thanh Âm vẫn chưa hề tới gặp tôi để thảo luận vấn đề thật giả. Tôi ngày ngày mừng thầm.
Phong cảnh trong vườn tôi đã nhìn phát ngấy, nhưng vẫn phải chịu khó đi lại kẻo béo phì. Lục Thủy không hổ là nha hoàn ân cần, biết tôi không vui bèn nói nhăng nói cuội chọc cho tôi cười. Đang nói đến đoạn con trâu cái nhà Lý Nhị Khuê sinh được con nghé ba chân thì chợt thấy nàng chỉ lên bầu trời, hô: “Diều! Tiểu thư, có một con diều!”
Tôi ngẩng đầu nhìn, quả nhiên thấy một con diều hồ điệp* mắc trên ngọn cây ngô đồng ở góc viện, cái đuôi dài phất phơ trong gió.
*Hồ điệp: bươm bướm.
“Diều nhà ai lại rơi vào phủ ta? Thật là xui xẻo!” Lục Thủy dậm chân nói.
Mục đích thả diều của người xưa không như thời nay. Phần lớn đều là kể bệnh tật, nghèo khó, bất hạnh rồi gửi gắm vào cánh diều, đợi diều bay thật cao thì cắt dây, đại biểu cho khó khăn đã bị đưa đi, từ nay về sau sẽ được bình an. Nhưng nếu không phải chủ động cắt mà dây diều tự đứt thì sẽ là điềm rất xấu, cho nên việc cầm chắc dây là vô cùng quan trọng. Thêm nữa, nếu ai nhặt được diều của người khác trong nhà mình thì cũng là tương đối xui xẻo, vì những bất hạnh được gửi gắm rất có thể sẽ rơi vào nhà này.
Lục Thủy rất tức giận, vội kêu lên: “Hoan Hỷ Nhi! Hoan Hỷ Nhi!” Một gã sai vặt gầy tong teo lập tức chạy tới, cúi người chào, “Tiểu thư! Lục cô nương! Không biết có gì căn dặn?”
Lục Thủy giơ tay lên chỉ con diều, nói: “Đi lấy gậy trúc khều cái diều kia xuống!”
Gã sai vặt Hoan Hỷ Nhi vâng lời chạy đi ngay, chỉ lát sau đã ôm một cây gậy trúc thật dài quay lại, chọc rơi con diều. Lục Thủy lại nói: “Đem xuống phòng bếp đốt đi! Đốt sạch vận đen đi!”
Hoan Hỷ Nhi bèn cầm diều định đi, nhưng tôi gọi hắn lại, nói: “Từ từ, để ta xem con diều này đã”.
Lục Thủy vội ngăn: “Tiểu thư, vật này rất xui xẻo, đừng động vào thì hơn”.
Tôi cười, nói: “Không sao, cha là quan trong triều, trên đầu có mặt trời đỏ, trên lưng có trời xanh*, toàn thân đều là chính khí, còn sợ điềm xui hay sao?” Vừa nói vừa cầm lấy con diều. Là một chiếc diều phượng đuôi bướm, thiết kế tỉ mỉ, màu sắc tinh tế, họa tiết sinh động, rất đẹp mắt.
*Trên mũ quan có gắn quả màu đỏ, đại diện cho mặt trời, trên áo quan có họa tiết bầu trời xanh.
Lật chiếc diều lên, thấy phía sau có mấy hàng chữ, nhìn qua là chữ Khải nhỏ viết tay: Thanh ngọc án đầu xảo lộng mai, thước kiều tiên lộ sổ bồi hồi. Vũ lâm linh xử linh không hưởng, ô dạ đề thanh thốn thốn khôi*.
*Dịch nghĩa:
Trên bàn, ngọc xanh chạm trổ thành hoa mai
Lưỡng lự trên cầu Hỉ Thước – con đường tiên
Mưa rơi dai dẳng như tiếng chuông kêu
Quạ khóc đêm đen, lòng thê lương
Cẩu Hỉ Thước: chiếc cầu do chim hỉ thước bắc qua sông Ngân Hà trong truyền thuyết Ngưu Lang, Chức Nữ, ví với việc vợ chồng, tình nhân gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách.
Còn nhớ lúc mới lớn, tôi cũng từng dạt dào cảm xúc thi ca, đọc thơ Đường Tống mấy ngày, vì thế mà cũng hơi hiểu hiểu một chút. Bốn câu thơ này gieo vần, bằng trắc rất đúng luật, chỉ là ý nghĩa thì hơi khó hiểu. Điểm độc đáo duy nhất là ba chữ đầu mỗi câu thơ đều là tên của một làn điệu: Thanh ngọc án, Thước kiều tiên, Vũ lâm linh, Ô dạ đề. Thật không biết người viết bài thơ này muốn biểu đạt điều gì, mà cũng có khi là ai đó viết lung tung, nghiên cứu làm gì cho mệt óc.
Tôi đang định đưa chiếc diều cho Hoan Hỷ Nhi, lại liếc thấy ở đuôi diều cũng viết mấy hàng chữ Khải nhỏ: Lấy thơ ước định, mong mỏi tin lành. Đến hẹn không gặp, ch.ết tấm lòng son.
Thế này… tôi hiểu rồi. Ý là lấy bài thơ ra ước hẹn, đau khổ chờ người kia tới, nếu đến hẹn mà người kia không tới thì người viết bài thơ này sẽ dùng cái ch.ết để chứng minh tấm lòng của mình.
Oa! Đây là cảnh báo ch.ết vì tình đấy! Tại sao phải viết lên diều? Chẳng lẽ người viết bài thơ này thực sự ngây thơ đến mức cho rằng có thần linh giúp đỡ mình gửi cánh diều này đến người trong lòng ư? Hoặc là… người làm bài thơ đã tuyệt vọng, biết chắc rằng người kia sẽ không đến nên mới nói điều trong lòng ra, để ông trời nghe thấy? Như vậy chẳng phải là… người ấy quyết tâm muốn ch.ết sao?
Con diều này chắc chắn hôm nay mới thả, nếu không sẽ không có chuyện bây giờ mới có người phát hiện ra nó mắc ở đây. Mấy ngày nay trời trong nắng ấm, diều sau khi đứt dây sẽ không bay được xa, cho nên về cơ bản có thể kết luận là người thả diều ở ngay trong thành Thái Bình, hoặc ở gần thành Thái Bình. Chiếc diều được làm rất tinh tế, có thể thấy người này không nghèo khó.
Tiếp đó là hàm ý của bốn câu thơ đề trên. Dựa vào bốn câu dưới đuôi diều để đoán thì bốn câu trên thân diều nhất định có ý nghĩa nào đó. Nếu như có thể giải nghĩa ra thì nói không chừng, tôi sẽ tìm được người viết.
Có điều… Người khác sống hay ch.ết cũng có liên quan gì đến tôi? Đường đời là tự mình đi, bản thân tôi còn thường xuyên vừa đi vừa ngã, nào có rảnh lo đến người khác?
Thôi, đang lúc nhàn rỗi không có việc gì làm, chơi đoán chữ một chút không làm khó được tôi.
“Con diều này ta giữ lại. Hoan Hỷ Nhi, ngươi ra phố xem xem có chỗ nào bán diều giống hệt con này không, không cần mua, quay về nói lại với ta là được”. Tôi dặn dò. Hoan Hỷ Nhi nghe lời đi.
“Tiểu thư giữ lại con diều này làm gì? Nếu tiểu thư thích thì bảo Hoan Hỷ Nhi mua một cái về, chúng ta tự thả không được ư?” Lục Thủy bồn chồn hỏi.
“Trên con diều này có bí mật, ta cảm thấy thú vị, mà nhất thời không nghĩ ra được đáp án nên giữ lại xem”. Tôi cười, “Lục Thủy, ngươi đi pha trà mang đến đình nghỉ mát, ta nghỉ ngơi ở đó một lúc”.
Lục Thủy vâng lời quay đi, tôi cầm con diều đi đến đình nghỉ mát, đặt lên chiếc bàn đá, lẩm nhẩm lại bốn câu thơ vừa rồi.
Thanh ngọc án đầu xảo lộng mai,
Thước kiều tiên lộ sổ bồi hồi.
Vũ lâm linh xử linh không hưởng,
Ô dạ đề thanh thốn thốn khôi.
Bốn câu thơ này, nếu cứ thế mà luận thì không thể nào ra được, còn nếu kết hợp với bốn câu dưới thì cũng coi như có chút dấu vết mà lần theo. Nếu người làm thơ dùng bài thơ này để hẹn người khác thì nhất định phải có thời gian, địa điểm, nhưng trong bài thơ, ngoại trừ “ô dạ đề” nhắc tới ban đêm thì không còn dấu hiệu nào nữa.
Cho dù thời gian chắc chắn là buổi tối, nhưng ngày nào mới được? Cũng không thể để người ta tối nào cũng đến đó một lần phải không?
Ôi…
Không nghĩ ra được. Nếu tìm thời gian khó thì nên tìm địa điểm trước. Có hai nơi có thể đại biểu cho địa điểm: cầu Hỷ Thước và vũ lâm linh. Chẳng lẽ là ở trên cầu hoặc ở bên cầu? “Vũ lâm linh”, nếu tôi nhớ không nhầm thì là một khúc ca thời Đường, nghe nói Đường Huyền Tông vì loạn An Lộc Sơn mà đi Thục, lúc ấy mưa dầm mấy ngày liền, trên đường núi nghe thấy tiếng chuông, vì nhớ Dương quý phi mà viết nên khúc “Vũ lâm linh”. Đường núi ư? Sao tôi cứ thấy sai sai nhỉ?
Nghĩ mãi nghĩ mãi, bẵng cái hết một buổi chiều. Đang định đến phòng khách ăn cơm tối thì thấy Hoan Hỷ Nhi vội vã chạy tới, khom người nói: “Tiểu thư, nô tài theo lời người tìm suốt một buổi chiều. Nô tài đã đi khắp một vòng quanh khu Huyền Minh, có không ít nhà bán diều, nhưng không thấy có kiểu giống như chiếc trong tay tiểu thư”.
“À… Ngươi vất vả rồi, quay về uống nước nghỉ ngơi đi, sáng mai gọi thêm vài người nữa đi tới các khu khác xem sao”. Tôi vỗ vỗ vai hắn, mỉm cười.
Hoan Hỷ Nhi thoáng giật mình, sững người một lúc mới liên tục đáp “vâng”, khom lưng lui đi.
Mặc dù không giải được câu đố làm tôi hơi sốt ruột, nhưng xem lại thì muốn tìm người viết cũng cần chút thời gian, chỉ đành tạm gác lại. Đưa diều cho Lục Thủy bảo nàng mang về phòng cất, tôi chầm chậm đi về phía phòng khách.
Ngoài dự liệu, hôm nay Nhạc Thanh Âm về rất sớm, đã ngồi bên bàn đợi. Tôi vội hành lễ, ngồi xuống đối diện anh ta, cúi đầu chờ anh ta ra hiệu ăn cơm.
“Linh Ca hôm nay không đi dạo phố à?” Nhạc Thanh Âm như thể lơ đãng hỏi.
Đây chính là nỗi bi ai của cuộc sống phú quý, bất luận chủ tử làm gì thì đều có người biết, đều có người mách lẻo! Việc tôi mấy ngày hôm trước đều đi dạo phố chắc cũng đã có kẻ lắm mồm nào đó báo cho Nhạc Thanh Âm. Thật đúng là không có tí quyền riêng tư nào!
“Ngoài phố cũng không có gì thú vị nữa, ở trong nhà vẫn hơn”. Tôi cẩn thận đáp, đề phòng anh ta lại hỏi mình câu gì hóc búa, bèn liếc mắt đến bàn tay phải còn cuốn băng của anh ta, tranh trước nói: “Vết thương trên tay ca ca đã đỡ hơn chưa? Mấy ngày nay không gặp ca ca, không biết vết thương có sao không? Vẫn đau à?”
Nhạc Thanh Âm nghe vậy thì nhướng mày, bỗng như cười như không nói: “Linh Ca nói vậy, vi huynh suýt nữa thì quên… Vết thương ở tay chưa khỏi hẳn, cử động hơi bất tiện, phiền Linh Ca ngồi gần lại đây gắp thức ăn cho vi huynh”.
Sao? Bảo tôi gắp thức ăn cho anh ta? Trời ơi, đến ngồi ăn cơm đối diện anh ta mà tay tôi còn run nữa là ngồi bên cạnh.
Tôi vâng lời, từ từ đứng dậy đi đến ngồi cạnh anh ta, sau đó cẩn thận hỏi: “Không biết ca ca muốn ăn món gì?”
Nhạc Thanh Âm cười nhạt nói: “Linh Ca gắp những món vi huynh thích ăn là được”.
Lại nữa, lại nữa rồi. Thăm dò mọi lúc mọi nơi! Quả thực còn kinh khủng hơn cả tr.a tấn hỏi cung! Mặc dù chuyện này đại biểu Nhạc Thanh Âm vẫn còn chưa chắc chắn tôi là hàng giả, nhưng lúc nào cũng ở trong trạng thái căng thẳng thế này thì tôi sớm muộn gì cũng rụng sạch tóc.
Món anh ta thích… Có giời mới biết là gì! Tôi cầm đũa, bưng bát anh ta lên, tim đập thình thịch. Mà Nhạc Thanh Âm thì nhìn tôi rất tự nhiên, còn bày ra vẻ mặt hoàn toàn không có ác ý.
Kệ cha nó đi, mỗi thứ gắp một miếng! Đàn ông đàn ang, ăn kiêng làm gì?
Đặt bát xuống trước mặt Nhạc Thanh Âm, tôi mỉm cười nói: “Ca ca bị thương, mấy ngày này lại bận rộn suốt, theo lý thì nên ăn đầy đủ chất để bồi bổ cơ thể. Những món này mặn có chay có, tốt cho sức khỏe, ca ca cố gắng ăn hết nhé”.
Nhạc Thanh Âm không vặn lại, chỉ nói: “Muội cũng ăn đi”.
Tôi âm thầm thở phào: lại vừa qua một cửa.
Ngồi bên cạnh một ca ca kinh khủng như thế, tôi đương nhiên không có tâm trạng ăn uống, rất nhanh đã thấy no, đợi anh ta ăn xong thì tiễn ra cửa, thấy anh ta nói: “Mấy ngày tới vi huynh sẽ về muộn, không cần phải đợi cơm”. Nói xong liền đi.
Tin tốt! Ca ca, tốt nhất là anh đi làm 24 trên 24 luôn đi! Qúy đại cẩu quan, ta ủng hộ ngươi bóc lột sức lao động của anh ta.
Sung sướng quay về phòng, tiếp tục hao mòn tế bào não cho bốn câu thơ, cho đến khi não bị thiếu hụt nghiêm trọng mới nhào ra giường ngủ.
Sáng hôm sau thức dậy, mấy nha hoàn lại bắt đầu bận rộn phơi chăn đệm lên dây treo quần áo ngoài sân. Tôi tò mò hỏi, Lục Thủy bèn đáp: “Lúc nãy Lý ma ma tới đây nói là sắp có mưa dầm, phải nhân lúc trời còn đẹp mang chăn đệm ra phơi, kẻo đến lúc đó lại khó chịu”.
À… các trưởng bối thật chu đáo. Mưa dầm à… Bài ca kia viết thế nào nhỉ? Thí vấn nhàn sầu đô kỷ hử? Nhất xuyên yên thảo, mãn thành phong nhứ, mai tử hoàng thời vũ*.
*Dịch nghĩa:
Thử hỏi nhàn sầu chừng mấy hả
Một sông khói cỏ
Đầy thành tơ liễu
Lúc mai vàng mưa đổ
(theo thivien.net)
Đẹp, thật đẹp! Trời mưa dầm có thể khiến bất kỳ ai âu sầu, tiếc là tôi chỉ biết đọc chứ không biết làm thơ, nếu không cũng sẽ giống như bao thiếu nữ lãng mạn khác, đứng trước cửa sổ ngắm màn mưa, ngâm nga câu hát, nghĩ ra những câu từ hay, “Thanh ngọc án”…
Ấy! Khoan đã, tôi vừa nghĩ ra cái gì nhỉ? Thanh ngọc án? Đúng rồi, đúng thế! “Thử hỏi nhàn sầu chừng mấy hả? Một sông khói cỏ, đầy thành tơ liễu, lúc mai vàng mưa đổ” – chẳng phải là bài “Thanh ngọc án” của Hạ Chú thời Tống đó sao?
Thanh ngọc án đầu xảo lộng mai.
Không ít bài thơ lấy cảm hứng từ “Thanh ngọc án”, nhưng nếu nhắc đến mai vàng thì chỉ có bài của Hạ Chú mà thôi. “Lúc mai vàng mưa đổ”, chẳng phải là thời gian ư? Trời mưa dầm, tùy vào từng vùng miền sẽ là những thời điểm khác nhau, nhưng thường sẽ rơi vào sau tiết Mang chủng*, mà trên lịch lại viết ngày sáu tháng sáu là ngày “vào mùa mai”, tức là lúc mưa dầm cũng bắt đầu.
*Mang chủng: vào ngày mùng 5, 6, 7 tháng 6.
Nói cách khác, ngày được nhắc tới trong bài thơ là ngày sáu tháng sáu!
Theo lô-gic này, bí mật nằm ở ba câu sau cũng dễ giải thôi! Tôi hưng phấn động não, quả nhiên…