Chương 29: Một thân cô độc, nhớ gió thu
Trì Thanh Ngọc nghe thấy tiếng cửa bị đẩy mạnh cùng tiếng bước chân xa dần của Lam Hạo Nguyệt, lòng cũng cảm thấy khó chịu, ngổn ngang trăm mối.
Nhưng chàng vẫn không nói nửa lời, chỉ chầm chậm sờ ghế, ngồi xuống.
Trong đầu chỉ toàn những lời soi mói của đám người dưới lầu… Chàng cảm thấy mình đã thay đổi thật rồi, trước đây chàng chưa từng để ý đến những chuyện thế này bao giờ, nhưng nay lại cảm thấy rất suy sụp. Chàng cũng không rõ rốt cuộc mình lại ra làm sao thế này?
— Có điều, đó chẳng qua chỉ là trải nghiệm mà thôi… Chờ những người Đường môn tới rồi, sẽ có thể trở về bình yên.
Chàng thầm tự an ủi bản thân như thế.
***
Nhưng Cố Đan Nham đi chuyến này, không nói khi nào mới về. Trì Thanh Ngọc chờ trong nhà trọ ít nhất cũng đã ba ngày, mỗi ngày nghe tiếng người dưới tiệm dần vang lên thì chàng hay trời đã sáng, nghe thấy tiếng rao hàng và tiếng cười nói ngoài phố dần biến mất, cho đến khi xung quanh hoàn toàn tĩnh lặng, thì biết trời tối rồi.
Đây là những điều được dạy từ bé, là kết luận tự rút ra qua một thời gian dài.
Cái gọi là hừng đông hay tối khuya, cái gọi là thấy hay không thấy, trong lòng chàng, thật ra chỉ là những khái niệm cứng nhắc hư vô, cũng như khi Lam Hạo Nguyệt muốn chàng chạm vào hoa ngọc trâm, nói chàng biết màu trắng màu tím là gì. Không phải chàng không biết trên đời có rất nhiều loài cỏ hoa chim muông, ngược lại, sau khi lên núi La Phù, sư phụ đã khắc chữ và tranh lên thẻ tre, để chàng hiểu được rất nhiều điều mà trước đây không thể hiểu nổi.
Nhưng dù vậy thì thế nào?
Chỉ là qua đường nét thôi, lúc đầu ngón tay lướt qua, mới cảm giác phần nào hình dáng mơ hồ.
Rất nhiều lần trong lúc nói chuyện, khi các sư huynh, hoặc Tố Hoa, Tố Hoài vô tình nói ra điều gì đó, từ đầu đến cuối, chàng thực sự không tài nào hiểu được.
Nhưng chàng cũng chưa bao giờ hỏi lại cả.
Chàng chỉ có thể tiếp tục sống trong thế giới của mình, không cần biết cái gì là đúng là sai, càng không quan tâm thế nào là đen là trắng.
Vậy nên chàng kháng cự sự tiếp cận của Lam Hạo Nguyệt, nàng càng sôi nổi, càng tốt bụng, chàng càng cảm thấy phiền não. Không nghĩ, tốt nhất là không nghĩ bất kì điều gì nữa, mới có thể duy trì sự thanh tĩnh thản nhiên ban đầu.
Viên ngọc màu xanh trong ngực như giọt nước đá, chàng mang ra nắm chặt trong tay, như thể chỉ như vậy, mới có thể khiến tâm hồn đang xao động dần bình lặng.
***
Ở đây ba ngày, quả thật Lam Hạo Nguyệt không đến phòng này nữa. Ban đầu chàng cảm thấy cuối cùng cũng có thể được yên tĩnh như trước rồi, ấy mà bất tri bất giác, trái tim cứ thấp thỏm.
Vì nhớ tới việc nàng ra đi không nói lời nào ngày hôm đó, Trì Thanh Ngọc bắt đầu lo lắng, sợ không biết liệu nàng có lại một mình rời đi, còn bản thân lại cứ ngây ngốc chờ ở nhà trọ thế này.
Vì thế dù chàng không ra khỏi phòng, nhưng vẫn lẳng lặng ngồi ngay sau cửa, lắng nghe tiếng bước chân lên xuống cầu thang.
Chàng nhớ từng tiếng bước chân của Lam Hạo Nguyệt, dù giữa phố xá sầm uất, vẫn có thể ngờ ngợ nhận ra.
Thế nhưng cả nửa ngày trời mà âm thanh quen thuộc kia vẫn không hề xuất hiện, chàng cứ đứng ngồi không yên, nhưng ngay khi chàng muốn ra khỏi cửa đi tìm, cuối cùng lại chờ được đến khi có tiếng bước chân của nàng đi qua trước cửa.
Thì ra cô ấy vẫn ở đây.
Có thế thì lúc này, trái tim mãi mà vẫn không thể bình tĩnh được của Trì Thanh Ngọc mới trầm xuống. Nhưng sau đó lại càng phiền não hơn, chàng cứ phải chú ý lắng nghe liệu sau khi xuống lầu, nàng có quay về không. Chàng nghe thấy tiếng nàng tới tới lui lui, biết mỗi ngày nàng đều có ở đây, chỉ vậy thôi, đã hài lòng rồi.
***
Sáng sớm ngày thứ tư, chàng ngồi trước cửa phòng, nghe thấy tiếng xe ngựa lao nhao dưới lầu, kèm giọng nói của những người nơi khác. Dù rời Nga Mi từ nhỏ, nhưng chàng vẫn có thể nhận ra những người này đến từ đất Thục. Lại chăm chú lắng nghe, quả nhiên cũng có mấy người đã gặp ở Đường môn ngày đó.
Chàng vừa muốn mở cửa thì lại nghe thấy tiếng đẩy cửa từ phòng bên kia của Lam Hạo Nguyệt, nàng chạy thật nhanh xuống. Dưới lầu, tiếng cười nói không ngớt, hẳn là những lời reo mừng khi xa nhau, lâu ngày mới gặp lại. Chàng cố kiềm chế ý định xuống lầu, một mình quay người lại, mò mẫm đến bên cửa sổ, đứng lặng yên.
Mãi lát sau, Cố Đan Nham gõ cửa vào, câu đầu tiên rằng: “Sao đệ lại cãi nhau với Lam cô nương nữa vậy?”
Trì Thanh Ngọc chỉ đưa lưng về phía cửa, chàng nghe thế, không quay đầu, chỉ thản nhiên nói: “Đệ chỉ bảo để cô ấy đừng tiếp cận mình nữa, tránh hỏng danh dự.”
Cố Đan Nham thở dài một hơi, đóng cửa lại, nói: “Thanh Ngọc, lúc đệ ở cùng chúng ta không có như thế. Huynh không hiểu tại sao đệ lại không thể nói chuyện vui vẻ với cô ấy được.”
Chàng lặng thinh không nói, thật ra thì chính chàng cũng không biết tại sao.
Cố Đan Nham trầm mặc một lát, bảo: “Ngày mai lên đường.”
“Trở về núi à?” Trì Thanh Ngọc giật mình, hỏi.
“Có vẻ tạm thời không thể về được.” Cố Đan Nham tiếc nuối nói, “Bọn họ đánh nhau với đám người Thân Bình của Đoạt Mộng lâu, huynh tìm được bọn họ ngay lúc Thân Bình vừa bị đánh lui, thế nhưng thủ hạ của Đường Ký Huân cũng đã bị thương. Nếu chúng ta cứ rời đi như vậy thì có vẻ không thích hợp cho lắm.”
Trì Thanh Ngọc ngạc nhiên: “Vậy ý của huynh là?”
“Ít nhất phải đưa họ tới vùng gần Hành Sơn đã.” Cố Đan Nham lại nhìn chàng, “Nếu đệ thật sự không muốn đi cùng bọn họ, huynh sẽ để tiền lại, đệ ở đây, chờ huynh quay lại rồi đưa đệ về núi La Phù.”
Tâm trạng Trì Thanh Ngọc sa sút, cảm thấy mình đã trở thành gánh nặng.
“Không sao cả, đệ có thể đi cùng mọi người.” Chàng cố nở nụ cười, nói: “Sau này sẽ không cãi nhau với cô ấy nữa.”
Lúc chàng nói lời này, cũng không nghĩ tới sau này sẽ ra sao.
Sau khi âm thanh dưới lầu dần im ắng hẳn, Cố Đan Nham đưa chàng xuống gặp người của Đường môn. Lúc Trì Thanh Ngọc xuống lầu, cảm thấy Lam Hạo Nguyệt đi lướt qua chàng, hai người, một đi lên một bước xuống, vai lướt qua nhau, đều không dừng lại.
Chàng cố tỏ vẻ điềm tĩnh đi theo sư huynh đến sảnh. Dựa vào giọng nói mà nhận ra Đường Ký Dao, Đường Ký Huân, ngoài ra, còn một số thủ hạ theo cùng.
“Ái chà, thì ra anh cũng là đạo sĩ sao?!” Đường Ký Dao nhìn thấy chàng, kinh ngạc nói.
Trì Thanh Ngọc không lên tiếng, chàng không thích chị, cũng chưa bao giờ che giấu cảm xúc của mình.
Cố Đan Nham mỉm cười nói: “Tiểu sư đệ lớn lên ở đạo quan từ nhỏ, thế nên ngôn hành cử chỉ đều luôn tuân thủ thanh quy rất nghiêm.”
Đường Ký Huân chưa từng đánh nhau với Trì Thanh Ngọc, nhưng hôm nọ có nhìn thấy chàng ở cạnh Lam Hạo Nguyệt, cũng có chút ấn tượng về người thiếu niên này. Lần này thấy chàng ăn mặc khác trước, đạo trang nghiêm nghị, tua trắng bay bay, lưng đeo Cổ kiếm, rất có tiên cốt, chỉ là vẻ mặt lại cao ngạo khó gần.
Dù trong lòng rất ngạc nhiên nhưng Đường Ký Huân vẫn ôm quyền đi tới: “Ngày đó may nhờ có đạo trưởng, lấy lại được Thần châu Chính Ngọ cướp đi, trả về chủ cũ.”
Trì Thanh Ngọc thuận theo mà nói: “Không cần, chỉ là tiện tay thôi.”
“Đúng rồi, thế lần này, cô bé kia không đi cùng anh à?” Đường Ký Dao vẫn nhớ mãi không quên sự chua ngoa đanh đá của Hoàn Nhi, cố tình hỏi Trì Thanh Ngọc.
“Con bé còn nhỏ, không tiện ra ngoài lưu lạc.” Trì Thanh Ngọc hờ hững trả lời.
Đường Ký Dao cười mấy tiếng, nói: “Thế cũng đúng, anh là người tu hành mà lúc nào cũng mang theo một cô bé như thế bên cạnh, khó tránh bị người ta chỉ trích.”
Trì Thanh Ngọc mím môi không nói, Cố Đan Nham cũng không nhịn được mà lườm chị.
***
Bọn họ nghỉ ngơi ở trấn nhỏ này một ngày, sau đó lên đường tới Hành Sơn.
Lúc rời khỏi nhà trọ, tiếng xe ngựa ầm ĩ, Trì Thanh Ngọc đứng một mình cách xa mọi người, chàng biết nên cố gắng làm gì để không gây phiền phức cho kẻ khác.
“Hạo Nguyệt, lên xe ngựa đi em!” Đường Ký Dao cao giọng gọi, Trì Thanh Ngọc nghe thấy có tiếng người xuyên qua đám đông, lập tức lên xe ngựa, sau đó là đủ loại âm thanh xen vào nhau, Cố Đan Nham dắt ngựa tới, để chàng ngồi lên.
Đường Ký Dao thích nói đủ chuyện trên trời dưới đất, dù đi trên đường nhưng lúc nào cũng nghe thấy tiếng cười đùa vui vẻ. Trì Thanh Ngọc đi cùng bọn họ, từ đầu đến cuối vẫn không nghe thấy giọng nói của Lam Hạo Nguyệt. Cứ mãi như vậy đến tận tối, khi tới một nhà trọ ở trấn khác, tình hình vẫn không hề thay đổi.
Bọn họ ngồi uống rượu tán dóc trong sảnh, Lam Hạo Nguyệt cũng có mặt, chàng cũng bị ép ngồi lại một lát nhưng vẫn không hề nghe thấy Lam Hạo Nguyệt nói câu nào. Trì Thanh Ngọc vốn không thích cảnh náo nhiệt, ngồi ngơ ngác trong đám đông, hoàn toàn không biết bọn họ đang vui vẻ vì cái gì.
“Thanh Ngọc?” Cố Đan Nham cảm nhận được sự khác thường của chàng, khẽ gọi, “Đệ đang nghĩ gì thế?”
Chàng hơi giật mình, nhẹ giọng bảo: “Không có gì.”
Lại truyền tới tiếng Đường Ký Dao và mọi người đang chơi oẳn tù tì, chắc Lam Hạo Nguyệt vẫn ở đây, thế nhưng chàng lại không nghe thấy giọng nói của nàng nữa.
“Sư huynh, đệ về phòng trước.” Chàng thấp giọng bảo, sau đó bám vào bàn rồi đứng dậy. Cố Đan Nham muốn đưa lên nhưng chàng lại khéo léo bảo không cần, mọi người Đường môn đang chè chén no say, chỉ nhìn chàng một cái rồi cũng không để ý nữa.
Trì Thanh Ngọc tự trở về phòng, đẩy cửa ra, đóng thật chặt.
***
Buổi tiệc dưới lầu đêm đó kéo dài đến tận khuya. Trì Thanh Ngọc ngồi trước cửa sổ, nghe tiếng nói cười ầm ĩ, tiếng ly rượu va vào nhau, trong đầu nhớ tới những ngày ngủ trên lưng ông nội thuở bé, nghe tiếng hát dân ca khàn khàn. Gió núi thổi lạnh đến thấu xương, rét mướp thổi vào từ bốn phía quanh căn nhà tranh, có cái chăn chống rét duy nhất cũng phải bán đi để đổi gạo, ông nội chỉ đành cõng chàng nép vào một góc, dùng nhiệt độ của mình để ủ ấm cho chàng.
“Ông ơi, ông ơi, hát nữa đi.” Chàng rét cóng đến run lẩy bẩy, nhưng vẫn muốn nghe.
Ông xoa bàn chân trần của chàng, thở dài nói: “Cháu ngoan, nghe xong bài này là phải ngủ ngay nhé.”
“Con không ngủ được, lạnh.” Chàng dùng sức ôm bờ vai gầy trơ xương của ông, “Nhưng con nghe ông hát là sẽ thấy ấm lên một tí.”
Ông thấp giọng cười khẽ, lại ngâm nga một bài dân ca của Nga Mi.
Bài dân ca hát về một đứa bé được cha cõng trên vai đi ngắm hoa đăng, đèn hoa đang sáng trưng, có rồng có phượng, có mẫu đơn thược dược, bé con nhìn mà cười hớn hở.
Chàng lay ông nội: “Ông ơi, ông ơi, cha con đâu rồi?”
“Cha con phải xa nhà, đợi con lớn rồi mới về.”
“Ông bảo lúc con sinh ra đời, cha cũng mang con đi xem hoa đăng ạ?”
“Đúng thế…”
“Thế sao con lại không nhớ nhỉ?”
Ông ho khan, cố gượng cười: “Con còn nhỏ mà, quên đó thôi.”
Lúc đó, chàng không biết mình không giống những người khác, chỉ cho rằng đã thật sự trải qua, chỉ vì còn nhỏ quá nên quên hết mà thôi.
“Thế con còn có thể được nhìn hoa đăng nữa không ông?”
“Có thể, chờ cha về rồi sẽ mang con đi.” Ông nói xong, ôm chàng vào lòng, vỗ về, “Cháu ngoan, tối rồi, nên ngủ thôi.”
Chàng nghe lời nằm trong lòng ông, nhưng mắt lại mở to. Ông thở dài một hơi, đưa tay khẽ khàng xoa nhẹ lên mắt chàng.
Gió lạnh rít từng cơn, chàng co người, mơ màng nói: “Con muốn đi ngủ rồi, ông ơi, con muốn được xem hoa đăng nữa.”
“Được được, năm nay dẫn con đi.” Ông thuận miệng đáp.
***
Tết Nguyên tiêu năm ấy, ông nội đã thật cõng chàng lên trấn trên. Xung quanh là tiếng rao hàng cười nói, lần đầu tiên chàng đến một nơi náo nhiệt đến vậy. Chàng ngửi thấy mùi đèn cầy cháy, rất nhiều, rất nhiều, khiến chàng cảm thấy rất kì lạ.
“Ông ơi, ở đây đang đốt gì thế?”
“Đó là nến trong hoa đăng đấy.” Ông nói xong, vất vả trong đám người lấn chen, cuối cùng mới len vào chỗ đông vui nhất.
“Cháu, đưa tay ra, sờ hoa đăng này xem.” Ông cầm bàn tay nhỏ xíu của chàng, vươn ra. Ngón tay cảm thấy âm ấm, thứ dưới đầu ngón tay mỏng tanh, nhẵn bóng, hình như hơi mấp mô, có lẽ là hoa văn gì đó.
“Đây là gì ạ?” Chàng tò mò vuốt ve, lại chạm tới thứ gì đó mỏng manh, nhẹ hẫng, đưa tay cầm lấy, muốn sờ cho thật kĩ.
Ông nội chưa trả lời thì có tiếng người quát lớn: “Cái gì đó hả? Thằng bé kia, không mua thì đừng có sờ lung tung!”
Chàng sợ run lên, thứ trong tay rơi xuống.
Ông nội quay qua người kia xin lỗi, hình như giải thích rằng bọn họ không cố ý sờ lung tung đâu.
“Mắt cháu tôi không nhìn thấy, lần đầu ra khỏi thôn, tôi chỉ muốn cho cháu nó biết hoa đăng là gì thôi.”
“Mù mà còn xem đăng đèn cái gì?! Đi đi, cái thứ rách nát, đừng có cản trở chuyện buôn bán của tao!”
Chàng nằm trên lưng ông, không biết vì sao người kia lại nổi giận, chỉ cảm thấy ông bị người ta đẩy, suýt nữa là té xuống. Chàng hoảng sợ ôm lấy ông, trái tim nhỏ đập bình bịch.
Ông thở dài, cõng chàng trở về, nghe thấy đằng sau có tiếng người cười nhạo.
“Đồ mù!”
Đồ mù, cái từ này, thật ra không phải lần đầu tiên chàng nghe thấy. Trong thôn cũng có người từng nói vậy trước mặt chàng, thế nhưng chàng lại không biết thế nghĩa là gì. Chàng chỉ cảm thấy lạ lắm, rõ ràng là chàng có tên, vì sao người ta lại gọi chàng như vậy. Những người khác có bị gọi thế đâu.
Chàng vốn tưởng chỉ có những người trong thôn mới nói thế thôi, không ngờ người ở đây cũng biết nói từ đó nữa.
Mà hơn nữa, cũng giống mấy người trong thôn, đều cười ha hả.
Trên đường về, nghe thấy tiếng gió thổi, ông nói với chàng, hội hoa đăng kết thúc rồi.
Chàng cúi đầu, thấy chán nản, vẫn còn nhiều điều chưa được biết cơ mà. Chẳng lẽ những âm thanh ầm ĩ hò hét kia được gọi là ngắm hoa đăng sao?
Cái gì là rồng? Cái gì là phượng? Mẫu đơn là sao? Thược dược là thế nào?
— Còn nữa, rốt cuộc cái gì gọi là đồ mù?
“Ông ơi,” Chàng lấy hết dũng khí, giọng nói sợ hãi hỏi, “Cái gì gọi là đồ mù ạ?”
Hình như bước chân ông khựng lại, mãi thật lâu sau mới trả lời: “Lớn rồi con sẽ biết.”
…
Lớn rồi sẽ biết.
Rất nhiều khi, rất nhiều câu hỏi, mỗi lần chàng hỏi đều nhận một đáp án như nhau.
Vì thế chàng học được rằng, không đặt câu hỏi nữa, vì chàng biết, chỉ khi nào lớn lên mới có thể hiểu được.
Cứ như thế. Nhưng thật ra câu hỏi này của chàng, chẳng bao lâu sau đó đã nhận được đáp án.
Một lần bị ốm, cả người chàng nóng hừng hực, ông nội vội tìm người tới khám. Thầy lang kia cũng là trong thôn, sờ trán của chàng rồi ra ngoài nói với ông: “Anh à, thật ra anh thấy có nên bỏ đi hay không… nhật được thằng bé này, em còn tưởng anh có người phụng dưỡng khi về già, nhưng sau này lại không ngờ nó là đứa mù. Anh nuôi lớn nó, nó cũng chẳng làm gì để sống được, ăn không cơm của anh, chẳng thà cho nó đi đi thôi, cũng để nó khỏi phải chịu khổ.”
Ông run giọng nói: “Lúc nhặt về tuy không biết mắt nó mù, nhưng nuôi lớn vầy rồi, anh coi nó như cháu ruột. Chú bảo anh bỏ, chứ sao mà bỏ được, sao mà đành?”
Thầy lang thở dài bỏ đi. Chàng ngủ trên đệm rơm ẩm ướt lạnh lẽo, run rẩy, nhưng không dám lên tiếng.
Sau khi quay vào, ông ôm chàng, chàng nức nở nép vào ngực ông nội, bàn tay nhỏ xíu, nóng hổi nắm chặt nếp nhăn trên cổ áo ông.
“Ông ơi, ông ơi! Đừng bỏ con mà!” Dù chàng mơ màng thiếp đi nhưng trong tiềm thức vẫn có một nỗi sợ hãi vô hình, chẳng nói gì khác, chỉ thút thít câu ấy mãi thôi.
Sau khi khỏe lại, chàng học cách dùng gậy trúc để dò đường phía trước. Chàng rất vui, vì thế này sẽ không cần ông phải cõng nữa. Chàng cũng học cách đốn củi, ôm bó củi nặng đến nỗi không thể đứng thẳng lưng, nhưng chàng vẫn mò mẫm để mang về nhà cho ông.
“Ông ơi, con không ăn không cơm của ông đâu.”
“Con là cháu ông, ông sẽ nuôi con.”
“Ông ơi, sau này con lớn rồi con cũng sẽ nuôi ông.”
Mỗi ngày chàng chống gậy đi ngang qua con đường nhỏ trong thôn, bị những đứa bé đang chăn trâu gọi là đồ mù, chàng chỉ mím môi đi xăm xăm về trước. Thời gian dần trôi, chàng bắt đầu hiểu dần, hóa ra người khác đi đường không cần dùng gậy trúc. Người khác làm gì cũng nhanh hơn, tốt hơn chàng. Hoa đăng là để xem bằng mắt, không phải lấy tay sờ. Mỗi người đều có bộ dáng riêng, không cần phải lấy tay sờ mới biết.
Chàng dùng tay sờ lên mắt mình, chàng không hiểu, chàng cũng có mắt mà, sao lại không có tác dụng.
Có rất nhiều điều không thể hiểu nổi, dẫu nghìn lời vạn chữ cũng không thể nói rõ ràng. Chàng chỉ biết, mình không giống như những người khác.
Có lẽ vì vậy, chàng không có bạn.
Lúc nghe thấy những đứa trẻ khác chơi đánh bông vụ ven đường, chàng cũng từng bị tiếng nói cười kia hấp dẫn, đứng bên cạnh lắng nghe. Chàng thích tiếng gió vù vù, tuy không biết cái gì gọi là đánh bông vụ.
“Cho tôi chơi với được không?” Chàng từng gánh bó củi rất nặng, đi tới cạnh bọn họ, nhẹ giọng hỏi.
Thế nhưng không ai đáp lại câu hỏi của chàng, ngược lại, tiếng vù vù kia biến mất.
“Tụi tao không chơi với đồ mù.” Đám con nít ầm ĩ tản ra, mau chóng chạy đi, chỉ còn một mình chàng đứng ngây tại chỗ.
Từ đó về sau, Trì Thanh Ngọc hiểu cách để tránh xa. Tránh xa hết thảy những kẻ không chào đón, những người khác với chàng. Bọn họ có thế giới của bọn họ, còn trong thế giới của chàng, chỉ một mình cô độc.
***
: Đọc chương này thấy thương, càng thương càng muốn ngược