Chương 102: Phiên ngoại 3 – Gặp nhau những tưởng như trong mộng
Ban đầu, sau khi biết Lam Hạo Nguyệt đào hôn, Đường lão phu nhân đã chịu đả kích lớn, Đường Húc Khôn và Đường Vận Tô đành phải ở bên chăm sóc, thế nên mới để Mộ Dung Cẩn một mình tới Nga Mi. Không ngờ sau đó, trong lúc thần trí không bình thường, Ký Dao dùng độc Cùng ch.ết để giết Lệ Tinh Xuyên, khiến Đường môn càng họa vô đơn chí. Đường Húc Khôn đau đớn mất cả gia đình ba người của con gái, bệnh nằm trên giường. Đường lão phu nhân gắng gượng được vài ngày, cũng chẳng chịu nổi nữa, ngã trên đất, may mà vợ chồng Đường Vận Tô mời được danh y, mới cứu một mạng của mẹ về.
Vốn dĩ trong lòng đám người phái Thanh Thành luôn dè chừng Đường môn, nay Lệ Tinh Xuyên ch.ết trong tay Đường Ký Dao, bọn họ thấy Đường môn ngày càng suy yếu, lại được giang hồ bốn phía cổ động, nên đã tập hợp những kẻ có chung thù với Đường môn, thừa dịp rối loạn mà chạy tới bên suối Cán Hoa.
Lúc đó, Lam Hạo Nguyệt vừa được đưa về, vẫn vô tri vô giác. Trên dưới Đường môn, chỉ có vợ chồng Đường Vận Tô mang Đường Ký Huân theo để duy trì công việc hằng ngày. Khí thế đám người phái Thanh Thành ào ào, bức người của Đường môn phải xuất hiện. Lão phu nhân chống gậy run rẩy đến trước cổng chính, tóc bạc phất phơ, ánh mắt bi thương.
Ở sau bà, là cả già lẫn trẻ của Đường môn đang mặc đồ tang. Còn đám đông đen nghịt trước mặt, là những gã cao to cưỡi ngựa tới trả thù. Bọn chúng đưa ra hai điều kiện, một là muốn Lão phu nhân tự mình lên núi Thanh Thành tạ tội, hai là bồi thường các loại tổn thất, ít nhất phải đưa ra ngàn lượng vàng.
Lão phu nhân trầm giọng nói: “Ký Dao độc ch.ết Lệ Tinh Xuyên, đây là chuyện nó đã sai. Nhưng nếu lúc trước không phải Lệ Tinh Xuyên đuổi nó ra khỏi Thanh Thành, e cũng chẳng có mối thù này. Các người muốn ta tạ tội, thế thì cần Chưởng môn đương nhiệm của Thanh Thành dâng hương dập đầu trước mẹ con Ký Dao trước!”
Gã dẫn đầu chính là Hồng Thời, môn hạ đệ tử của Trác Vũ Hiền, bây giờ gã đang thay mặt chưởng môn, nghe nói thế, không nhịn mà mắng to: “Đường Ký Dao chỉ là hạng đàn bà con gái, làm sao có thể so với chưởng môn quyền cao chức trọng của phái Thanh Thành chúng ta? Đường môn vẫn quen thói kiêu ngạo, trước đây đã nuông chiều hành vi của cô ta thì bây giờ phải chịu tội!”
“Chẳng lẽ chúng ta muốn Ký Dao đi giết người? Một nhà ba người Ký Dao đều ch.ết cả, chẳng lẽ phái Thanh Thành không có lỗi?!” Đường Vận Tô lên tiếng, các đệ tử lập tức giơ nỏ nhắm bắn.
Nhất thời, hai bên đối đầu, không ai nhường ai.
Nhưng vào ngay lúc đó, bên suối Cán Hoa có tiếng vó ngựa vang rền, mọi người quay đầu lại, chỉ thấy một hàng người ngựa đi tới. Người dẫn đầu khoảng hơn hai mươi tuổi, mày kiếm xếch ngang, ánh mắt kiêu ngạo, trên người mặc bộ trường bào màu xanh ngọc, tay áo bó, giày cổ ngắn, gọn gàng nhanh nhẹn. Một đoàn người ngựa này tới gần, chàng trai trẻ kia không xuống ngựa, chỉ đưa mắt cho thuộc hạ phía sau mang một bức thư, đưa tới trước mặt Hồng Thời.
“Các người là ai?” Hồng Thời nghi ngờ không chịu nhận.
Dáng người chàng trai kia cao ngất, ngồi trên ngựa cười nói: “Coi như anh cũng là người sắp lên vị trí chưởng môn, sao còn nhát gan như thế? Tôi cũng chẳng phải người của Đường môn, hay anh sợ thư này có độc?”
Trước ánh mắt bức thiết của mọi người, Hồng Thời đành phải nhận thư, vừa mở ra đọc, trên mặt vừa sợ vừa giận.
Chàng trai trẻ kia vẫy tay, đầy tớ mang một cái rương tới, đặt ở giữa hai hàng người ngựa. “Trong này có ngàn lượng bạc trắng, đường xá xa xôi, quả thật khó mang vàng theo được.” Y hất cằm, thủ hạ lập tức mở rương ra, bạc trắng chói mắt người. “Như đã nói, ngàn lượng vàng ư, đạo sĩ xuất gia như các anh cũng ghê gớm thật, cần nhiều tiền tài như vậy làm gì, có thể thấy cũng chẳng phải là người một lòng thanh tu.” Y nói xong, khóe môi bất giác hiện ý cười.
Hồng Thời tức giận, Đường lão phu nhân nhíu mày hỏi: “Xin hỏi công tử là?”
Chàng trai kia chỉ ôm quyền, đáp: “Thù hận giữa Thanh Thành và Đường môn, tôi thấy cũng chẳng có gì to tát. Ở trong giang hồ, chuyện người sống ta ch.ết cũng là bình thường, cuối cùng dù người ch.ết có ôm hận mà ch.ết còn người sống có thể sống tốt cuộc đời của mình, vậy cũng đủ rồi.”
Y quay đầu lại, nói với đám người Hồng Thời: “Mang bạc trắng đi, còn như những gì trong thư, anh cứ cân nhắc. Sau này đi qua Trung Nguyên hay Mân Na, mọi người cũng tránh được phiền phức.”
Hồng Thời nhíu mày cân nhắc, siết chặt bức thư kia, bỗng dưng giơ tay lên, nói với đám người ở sau: “Mang rương đi, về rồi nói.”
“Sư huynh, thế này là sao?!” Mọi người không hiểu, nhưng Hồng Thời lại thấp giọng nói với bọn họ một câu, trên mặt đám người tỏ ra rất ngạc nhiên, sau đó tức tối trừng mắt nhìn chàng trai trẻ kia mấy lần, cuối cùng mang bạc trắng theo, giục ngựa rời đi.
Đường Vận Tô vốn định cá ch.ết lưới rách, nay thấy bọn chúng rời đi một cách kì lạ như vậy, không khỏi đi tới một bước, hỏi: “Công tử và chúng tôi vốn không quen, vì sao lại nhúng tay vào việc này?”
Chàng trai kia thản nhiên đáp: “Tôi biết Đường môn của bà có tài lực phi phàm, tôi cũng chẳng phải muốn khoe khoang gì, chẳng qua được người thân nhờ vả, đến Thục Trung một chuyến mà thôi.” Y dừng lại một chút, lại nói với Lão phu nhân, “Còn nữa, người ấy nhờ tôi truyền lại một tiếng, ruột thịt mất tích đã lâu của Lão phu nhân, thật ra bà ấy đã sớm qua đời, mộ được xây ở Thiên Thai, núi Xích Thành. Trên mộ kia không có một chữ, mấy năm gần đây hoang liêu quạnh quẽ không có người cúng bái. Nếu Lão phu nhân đồng ý bớt thời gian đi xem một chút, coi như cũng đã giải quyết được một tiếc nuối trong đời.”
Y vừa nói xong, Đường Vận Tô kinh ngạc hỏi: “Chẳng lẽ cậu nhắc tới tiểu muội của tôi?!”
Dù Lão phu nhân có chống gậy, thế nhưng người lại khẽ run lên, bi xót nói: “A Lam, quả thật A Lam đã đi trước mẹ rồi…”
Chàng trai thở dài một hơi, sau đó cầm cương quay ngược lại, mang theo thuộc hạ giục ngựa chạy bắn, biến mất ở cuối con suối Cán Hoa.
***
Sang năm, Lão phu nhân và Đường Vận Tô khởi hành đến Thiên Thai, Chiết Giang. Dù Lam Hạo Nguyệt chưa từng gặp người dì này, thế nhưng cũng muốn xin theo cùng. Bọn họ lo nàng không thể chịu nổi đường xá xa xôi, sau lại nghĩ đã lâu rồi Hạo Nguyệt chưa ra ngoài, thường ngồi phiền muộn trong nhà cũng không phải cách hay, thế nên cũng đưa nàng theo, cùng rời khỏi Thục Trung.
Đến lúc đó, Lão phu nhân và Đường Vận Tô mới biết người tới Thục Trung gửi thư khi trước là ai, cũng mới hiểu ‘người thân’ ở sau màn là kẻ nào. Giang hồ hỗn loạn, có nhiều khi bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi mối quan hệ giữa một người với một môn phái nọ, thế nhưng thực tế trăm mối ngàn dây, cuối cùng lại chung một chỗ. Đường môn Thục Trung tự cho mình là ghê gớm, nay liên tục chịu đả kích, lại nhờ đảo Thất Tinh ở Đông Hải xa xôi mới tạm thoát khỏi cảnh khốn cùng, chuyện như vậy, coi như cũng là ý trời trong chỗ tối tăm.
Đến Thiên Thai Xích Thành, đang tiết Thanh minh, bọn họ đưa Lam Hạo Nguyệt đi cúng bái ngôi mộ lẻ loi cô độc kia.
Khắp nơi trên núi Xích Thành đều là đất đỏ, tiền giấy đã được đốt hết, chỉ còn chút tro trắng xám.
Trước mộ vẫn còn vết nhang đèn, có lẽ trước đây con trai của Đường Vận Lam từng đến, thế nhưng y cũng không ở lại nơi này. Lão phu nhân và Đường Vận Tô nhìn tro vương đầy đất, thẫn thờ thật lâu.
Hai người đã nhìn thấy quá nhiều mối nhân duyên trở thành bi kịch, trong vài năm ngắn ngủi thôi, nỗi buồn mới, vết thương cũ chằng chịt trong lòng, như một cơn ác mộng kéo dài triền miên, ép người đến không thể thở nổi.
Sau khi rời khỏi núi Xích Thành, Lam Hạo Nguyệt trầm mặc bỗng lên tiếng, nàng nói, con muốn đến Lĩnh Nam.
“Con vẫn còn muốn đến đó làm gì, núi cao nước sâu như thế…” Đường Vận Tô lo lắng nói.
“Cũng như lời Vệ công tử kia đã nói, giải quyết mọi tiếc nuối cho xong…” Nàng cúi đầu, nhìn xuống gấu váy trắng thuần của mình.
Đường Vận Tô muốn khuyên, thế nhưng Lão phu nhân lại khoát tay, nói: “Chỉ cần con tự bảo vệ bản thân, đi rồi nhớ quay về là được. Hạo Nguyệt, chúng ta chờ con ở Thục Trung.”
Lam Hạo Nguyệt cảm ơn bà ngoại, một mình lên ngựa, rời khỏi Chiếu Giang.
Này núi xa này mây trắng vờn bay. Có nhiều khi, nàng cũng chẳng biết bản thân đang suy nghĩ điều gì mà ngay cả miếng ngọc đã vỡ kia, nàng vẫn giữ lại bên người. Những năm ấy bôn ba mưa gió, mang theo trái tim ngỗ ngược bốc đồng, dốc lòng đuổi theo một giấc mộng không được kỳ vọng.
Thế nhưng chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, vực sâu vạn trượng, mây trắng như bông, là vết nứt của thời gian, là vĩnh hằng của một kiếp.
Nàng vẫn còn nhớ rất rõ nụ cười cuối cùng của chàng.
Chàng rất ít khi cười yên bình như vậy, mà đa số, chỉ hờ hững, lạnh nhạt, mang theo một ít thấu suốt, tựa như đã nhìn thấu thế gian nóng lạnh này, không muốn dính vào bụi trần.
Ấy nhưng nàng lại kéo chàng vào hồng trần cuồn cuộn. Lam Hạo Nguyệt nghĩ, nếu như… nếu khi vừa gặp nhau dưới ánh trăng ngày trước, không phải tâm cao khí ngạo như vậy, hoặc giả như, lúc đoàn người tới Nga Mi, không cùng chàng đi tới thôn Giếng ngọt, có lẽ sẽ không có quá nhiều tình cảm thế chăng… nhưng khi ấy nào hay biết kết cục sau này?
Chỉ là thích, là yêu thuần túy nhất, chỉ muốn từng giây từng phút, mỗi ngày mỗi năm được ở bên chàng, cùng chàng nghe gió thổi mây trôi, nghe nước chảy hoa nở, cùng nhau đi con đường dài nhất, sống những ngày nhạt nhẽo bình thường nhất mà thôi.
Nào ai ngờ, chỉ vì nguyện vọng đơn giản nhất ấy thôi, đã vĩnh viễn mang chàng rời xa, chẳng thể gặp nhau nữa rồi.
***
Cuối xuân trên núi La Phù đã có cảm giác của mùa hè, ánh dương rực rỡ chói chang chiếu xuống mặt đất, cây cối trên núi xanh um, thi thoảng có nước suối bắn lên, bọt nước trắng xóa tung tóe.
Năm ấy thấp thỏm tới đây, chẳng biết chàng có quan tâm hay không, lại bị lạc giữa đường, tình cảnh chật vật. Lúc này Lam Hạo Nguyệt đi dọc con đường lát đá lên thẳng, băng qua rừng cây âm u, bước qua cầu trúc trơn trượt, đứng dưới bậc cửa thềm đá cao cao.
Thần Tiêu cung, vẫn mái đỏ ngói xanh, yên tĩnh và trang nghiêm như trước, chỉ có tiếng chuông đồng thánh thót trong gió thoảng.
Có một thiếu niên mặc đạo phục xanh đen đang đứng quét dọn ở trước cửa, nghe thấy tiếng bước chân thì ngẩng đầu lên, mắt đầy vẻ ngạc nhiên.
“Chị tìm ai?” Khuôn mặt cậu thiếu niên thanh tú, nhìn nàng, như có suy nghĩ.
Nghe thấy giọng địa phương Nam Việt của cậu, Lam Hạo Nguyệt mới sực nhớ ra cậu bé đạo đồng hái thuốc ở sườn núi năm xưa. Thời gian thấm thoát trôi, đứa bé năm đó bây giờ đã thành một thiếu niên rồi, ánh mắt lãnh đạm không chịu gò bó kia vẫn như ngày trước.
Nàng đang muốn đi tới thì cửa lớn được mở rộng, có người bước ra, như đang muốn trò chuyện với cậu thiếu niên kia. Người nọ thấy Lam Hạo Nguyệt, hơi ngạc nhiên, hành lễ chào: “Lam cô nương, nhiều năm không gặp.”
“Cố đạo trưởng…” Nàng nhìn Cố Đan Nham với phong thái nhanh nhẹn, còn chưa nói hết đã nghẹn ngào.
Dường như năm tháng không hề lưu lại bất cứ dấu vết gì trên mặt của Cố Đan Nham, anh vẫn thanh tịnh hào hiệp như trước, chỉ hơi ngăm đen hơn. Anh không hỏi gì nhiều, chỉ đưa Lam Hạo Nguyệt thong thả đi vào Thần Tiêu cung.
Đàn hương thoang thoảng trong đạo quán, đại thụ che trời tỏa bóng râm.
Hành lang hoa đăng tiêu chạy dài quanh co, dây leo xanh mượt, hoa đang kì nở rực rỡ nhất. Lúc đang đi, nàng không khỏi khẽ ngừng chân, có cánh hoa mỏng nhánh theo gió bay tới, rơi xuống vai.
“Tôi bôn ba bên ngoài lâu, biết cô ở Đường môn, cũng không đến làm phiền.” Cố Đan Nham nói xong, đẩy cành lá trước mặt qua, do dự một chút lại hỏi, “Lần này cô đến là…”
Lam Hạo Nguyệt thấp giọng nói: “Ban đầu tôi đến Thiên Thai để tảo mộ, các anh… có lập mộ cho chàng?”
Cố Đan Nham ngẩn ra, lập tức xoay người, nhìn rừng trúc xa xa, đáp: “Có.”
Rừng trúc lạnh lẽo, màu xanh biêng biếc. Căn phòng nhỏ kia vẫn ở đó, sau phòng vẫn có con suối chảy xuôi, róc ra róc rách, chẳng kể ngày đêm. Lam Hạo Nguyệt đi theo Cố Đan Nham đến một bãi đất trống nọ, xung quanh là cây xanh bóng cả, ở giữa có bia mộ bằng đá trắng, có khắc cái tên quen thuộc kia.
Dãy núi trước mặt có con thác đang đổ ào ào, dưới ánh mặt trời nhàn nhạt, có cầu vồng lấp lánh.
Đêm trăng năm ấy, chàng từng đưa nàng tới trước vách núi, đưa tay về phía trước, hít thật sâu, lắng nghe tiếng nước reo trong gió.
—- “Đây chính là nơi đẹp nhất mà tôi biết.”
Lam Hạo Nguyệt từ từ ngồi xuống, giống như trước kia, đưa tay, chạm tới nét chữ trên bia mộ.
Trì. Thanh. Ngọc.
Nàng vùi đầu, hai cánh tay ôm chặt, nước mắt được kiềm nén đã lâu, cuối cùng cũng tuôn trào.
***
Mặt trời từ từ khuất bóng, nước mắt Lam Hạo Nguyệt đã khô, Cố Đan Nham khuyên nhủ rất lâu, nàng mới chầm chậm đứng dậy.
Mờ mịt nhìn núi xa, nàng thấp giọng nói: “Tôi muốn đi xem chỗ ở của chàng.”
“… Được.” Cố Đan Nham thở dài một hơi, đưa nàng về lại rừng trúc. Cửa phòng được đóng kín, có một nữ đạo sĩ từ trong đi ra. Áo bào màu đen trên người cô chỉnh tề, có phần kiêu ngạo xa cách.
“Hoàn Tĩnh.” Cố Đan Nham gật đầu, thấy Lam Hạo Nguyệt có hơi ngạc nhiên, thấp giọng nói: “Con bé vừa nhập đạo năm nay, đã sửa lại tên.”
Lam Hạo Nguyệt ngẩn ra nhìn cô bé, Lâm Hoàn Nhi với thần thái hào hứng hoạt bát của quá khứ nay đã trầm tĩnh đi nhiều, thế nhưng diện mạo vẫn không hề thay đổi.
“Lam cô nương…” Cô bé chào một cái, ánh mắt phức tạp, quay đầu nhìn căn phòng nhỏ, “Ở đây không có ai ở, tôi đến quét dọn một chút.”
Cố Đan Nham nói: “Cô ấy muốn đi xem một chút…” Hoàn Tĩnh nhíu mày gật đầu, chầm chậm đẩy cửa gỗ ra, tấm rèm xanh trong phòng bị gió thổi, bay phất phơ. Bàn sách, cửa sổ, thẻ tre, cả thanh Cổ kiếm có hai màu xanh trắng đan xen được treo trên tường kia, tất thảy đều giống như xưa.
Hoàn Tĩnh đi vào phòng lấy Cổ kiếm xuống, dùng khăn tay trắng lau bụi trên nó, rũ mi nói: “Trừ tiểu sư thúc, trên đời này, chẳng có ai xứng với Cổ kiếm cả.”
Lam Hạo Nguyệt bước lên trước, giọng nói khản đặc: “Hoàn Nhi… Em có thể để tôi mang nó đi không?”
Cô bé hơi run lên, do dự hồi lâu, cuối cùng cũng cầm kiếm, đưa tới trước mặt Lam Hạo Nguyệt, “Chị lấy đi, nó ở đây, cũng vô dụng.”
“Cảm ơn.” Lam Hạo Nguyệt rất muốn nở nụ cười, thế nhưng trong mắt vẫn ầng ậng nước.
Nàng cầm Cổ kiếm, chậm rãi bước ra khỏi căn phòng nhỏ, vốn định rời khỏi, nhưng bất chợt như vừa nghĩ tới điều gì, đi ra sau nhà.
Cây cỏ góc tường tươi tốt, bên dòng suối trong rì rào, tự trở thành một mảnh đất trời.
Nàng ngồi xuống, vén bụi cỏ lên.
Một bụi ngọc trâm nho nhỏ, cành lá xanh ngắt dựa tường mà mọc, hoa cỏ xung quanh chập chờn nở rộ thế nào thì nó, vẫn yên tĩnh lặng lẽ, đứng một góc thiếu nắng mặt trời, một mình uống sương đêm hứng gió núi, dựa vào số mệnh của mình, từ từ sinh trưởng.
Lam Hạo Nguyệt ôm Cổ kiếm, đưa tay mơn trớn phiến lá lành lạnh.
Đột nhiên, một tiếng kêu vang lên, có tiếng đập cánh truyền tới từ trong rừng. Lam Hạo Nguyệt ngẩn ra, bám vào tường đứng dậy, nhưng đến khi nàng ra trước căn phòng thì thấy bóng hạc trắng như tuyết đã nhanh chóng bay xa, chỉ còn lá trúc lay lay.
Cố Đan Nham nhìn theo hướng con hạc trắng bay xa, tay vẫn cầm một ống trúc nho nhỏ.
Anh lấy ra một cái khăn trắng nọ từ trong ống trúc. Khăn kia rộng chưa tới ba tấc, bên trên có viết chữ. Lam Hạo Nguyệt thấy anh rũ mi đọc, cũng không tiện hỏi. Đang định rời đi thì nghe thấy Cố Đan Nham ở sau nói: “Lam cô nương, cho cô.”
Nàng ngạc nhiên quay đầu lại, thấy Cố Đan Nham đang từ từ đi tới, đưa cái khăn trắng kia cho nàng.
Lam Hạo Nguyệt hơi nhíu mày hỏi: “Cái này ở đâu vậy?”
“Sư phụ tôi để hạc trắng mang tới.” Tựa như Cố Đan Nham đang suy nghĩ điều chi, nhìn nàng, “Tôi nghĩ, có lẽ thầy muốn gặp cô một lần.”
“Tiền bối Hải Quỳnh Tử?” Lam Hạo Nguyệt chấn động, “Ông ấy hiện đang ở đâu?”
Cố Đan Nham khẽ bảo: “Cô xem là biết.”
Lam Hạo Nguyệt bất an, cúi đầu nhìn khăn trắng, ở trên viết bốn câu thơ bằng chữ Khải nhỏ xíu.
Không dùng hai mắt nhìn tục nhân,
Năm sông bốn biển, vẫn một thân.
Sâu thẳm động tiên, không người đến,
Đào trên lạch kia, đã mấy xuân.
***
Mân Việt vốn không xa lắm, sau khi xuống núi La Phù, Lam Hạo Nguyệt đi thẳng tới Mân Bắc. Núi Vũ Di non xanh nước biếc, sông suối uốn khúc lượn quanh, nàng vừa đi vừa hỏi thăm, quả nhiên nghe trong núi này có một ‘Lão thần tiên’ râu tóc bạc phơ cứu tế người miền núi. Thế nhưng khi hỏi rốt cuộc ông ấy ở đâu, chẳng sơn dân nào có thể chỉ rõ ràng, chỉ bảo ông là rồng thần, thấy đầu mà chẳng ngóng được đuôi.
Trong lòng Lam Hạo Nguyệt cứ thấp thỏm không yên, dò la nghe ngóng bằng nhiều cách, cuối cùng cũng biết ở sâu tít trong núi Vũ Di, có một rừng đào lớn, mỗi độ xuân về lại nở hoa rực rỡ, thế nhưng lại rất ít người lui tới, chỉ sợ lạc đường khó ra.
Nàng cất kĩ khăn trắng kia, vẫn nhớ kĩ hai câu cuối cùng, biết là muốn nhắc tới động Hoa đào ở Vũ Di. Thế nhưng đường núi kéo dài liên tục, nàng vất vả tìm kiếm nhiều ngày, cũng không thấy rừng đào nào cả, lại chẳng tìm được động Hoa đào.
Tìm suốt hai ngày, hai chân Lam Hạo Nguyệt mỏi nhừ, liền ngồi nghỉ dưới bóng cây ven đường.
Đang trầm tư suy nghĩ miên man, bất ngờ nghe thấy tiếng hạc bay lượn, hai cánh giang rộng, rất tự do. Nàng sực nhớ tới hình ảnh nhìn thấy trên núi La Phù, vội vàng đứng lên đuổi theo, thậm chí còn vứt bọc hành lý qua một bên.
Hạc kia vỗ cánh bay cao, chớp mắt đã lướt qua ngọn cây, bay vào trong rừng thẳm mây ngàn. Lam Hạo Nguyệt chạy qua cây cầu đá, đi theo hướng nó bay, bất tri bất giác đã vào trong núi sâu. Nhưng đến lúc đó, ngẩng đầu nhìn ra xa, không thấy bóng hạc trắng đâu nữa.
Nàng đưa mắt nhìn quanh, xung quanh dây mây mọc chằng chịt, cổ thụ che trời, có lẽ là một chỗ không người.
Dù trong lòng lạnh lẽo, nhưng đã đến được đây, nàng cũng không quay ra, vạt dây mây trước mặt, từ từ bước vào trong rừng sâu. Có tiếng nước ầm ầm xa xa, nhìn thấy con thác trắng như dải ngân hà treo ngược, đổ thẳng xuống vực sâu. Lam Hạo Nguyệt mang Cổ kiếm trên lưng, đường đi quanh co khúc khuỷu, dưới chân lá rụng dày, trong không khí ngập mùi nhựa cây tươi mát. Trong rừng âm u, nàng đi lại khó khăn, bỗng nghe thấy tiếng hạc kêu, trong lòng không khỏi run lên, lại rảo nhanh về trước.
Băng qua mảnh rừng này, trước mắt thoáng đãng sáng sủa.
Quần núi cao sừng sững, ở giữa có một hang sâu. Rừng đào này quả nhiên tựa núi mà thành, dù đào đã vào mùa hoa rơi, thế nhưng khi ngàn vạn cánh hoa trắng muốt trút xuống như mưa, một cảnh kinh diễm đất trời.
Đầm nước xa xa xanh bích trong như ngọc, hạc trắng đậu bên mép nước, thi thoảng rỉa hai cánh khiến mặt đầm gợn sóng lăn tăn. Lam Hạo Nguyệt bị khung cảnh đẹp đẽ mà tĩnh lặng này thu hút, chậm rãi đi tới gần. Bên đầm nước có cần câu, hình như của ai đó buông cần. Thế nhưng lúc này xung quanh trống trải, ngoại trừ hạc trắng đang thong thả nhởn nhơ, chẳng còn ai khác.
Lam Hạo Nguyệt đứng bồi hồi mê man trong cốc, ngay vào lúc đó, chẳng biết có tiếng sáo vang lên từ nơi nào. Ban đầu khẽ khàng, như mưa rơi xuống cánh sen sắp úa, sau đó lại du dương quanh quẩn, tựa con suối đang róc rách xuôi dòng về xa dưới tán lá sen, lại mơ hồ có ba phần mát lạnh bảy phần say mê.
Như có một cơn sóng ập tới trái tim. Bất ngờ có ngàn vạn bọt nước văng lên, hắt ra xa đến tận chân trời.
Trong khoảnh khắc ấy, đột nhiên nàng ngừng thở, sau đó quên hết tất cả mọi thứ, chỉ vội vàng chạy đi muốn tìm đến nơi phát ra âm thanh kia. Ấy nhưng u cốc này tối mịt sâu thăm thẳm, dãy núi xung quanh nhấp nhô, nàng hoảng loạn phán đoán, sau đó lại cố gắng chạy lên đỉnh núi kia.
Dù ngọn núi này không cao lắm, thế nhưng dốc dựng đứng trơn trượt, Lam Hạo Nguyệt bất kể, không tìm đường lên núi mà chỉ vịn vào dây leo trên cổ thụ mà đi về trước. Dọc đường đi, sử dụng cả tay và chân, đầu gối đầy đất bùn, thế nhưng nàng vẫn không hề dừng lại.
Tiếng sáo uyển chuyển du dương, trằn trọc vấn vít, như truyền tới từ nơi tận cùng của đất trời, nơi mây mù xa tít, lại như không thể phân tách khỏi non núi Vũ Di, muốn cùng sinh cùng tử, sau đó theo mây trắng bay về nơi này.
Ca khúc kia đã hết, dư âm còn lượn lờ, Lam Hạo Nguyệt như đã hoàn toàn đánh mất linh hồn, thậm chí cũng không biết rốt cuộc mình đã trèo lên sườn núi như thế nào.
Gió núi thổi qua, bóng cây xanh ngát khẽ lay, cũng lay động vạt áo của người đang ngồi dưới tàng cây.
Tóc đen được buộc lên, áo xanh nhạt thếch, tia nắng xuyên qua kẽ lá rơi xuống vai chàng, như một đóa mai trắng nho nhỏ.
Cây sáo trúc kia xanh như ngọc, tua rua ở đuôi màu trắng tuyền, khẽ bay phất phơ trong gió, từng sợi tơ mỏng dính, không thể đếm hết, mà cũng chẳng màng.
Đã rất lâu rồi Lam Hạo Nguyệt không được nhìn thấy chàng. Rất lâu, rất lâu rồi.
Lâu đến mức khiến nàng quên đi tuổi của bản thân, quên đi chàng đã rời đi bao lâu rồi. Thế nhưng có rất nhiều chuyện xưa cũ không thể nào quên được.
Như lần đầu tiên gặp nhau, bên bờ sông Đường môn, bóng kiếm dưới ánh trăng, dáng người như thần tiên trên mây.
Như trên đỉnh Phi Vân, ánh trăng sáng ngời, chàng và nàng cùng vươn tay, chạm đến bọt nước tung tóe ở xa.
Như trong thành Thiều Châu, đêm Trung Thu đó, vốc bóng trăng trong nước, lại cho rằng có thể giữ được ánh trăng vĩnh viễn.
…
Năm tháng mang đi khinh cuồng, non nớt ấu trĩ của tuổi trẻ, nàng chẳng còn là một Lam Hạo Nguyệt lúc yêu lúc giận nữa, cũng chẳng thể tìm được chàng, một người lạnh lẽo tựa ngọc, cũng ấm áp như ngọc.
Xa xa có tiếng sơn ca yếu ớt vang lên, người dưới tàng cây buông ống sáo trúc xuống.
Tựa như cảm nhận có ai đứng ở sau, chàng đặt cây sáo trúc trên đầu gối, nhẹ nhàng đưa mặt lên hỏi: “Ai đang ở đó?”
Nghe thấy giọng nói của chàng, Lam Hạo Nguyệt không thể kiềm chế được nữa, cả người nàng run lên, cố gắng khắc chế cảm xúc, chầm chậm, bước từng bước tới gần chàng.
“Là em.”
Như thể đã dùng hết hơi sức, mới có thể run rẩy nói được hai chữ kia.
Chàng không nói gì, hình như đang suy nghĩ gì đó.
Có đám mây lướt qua trên trời cao, che mất ánh mặt trời. Suy nghĩ Lam Hạo Nguyệt hỗn loạn, nàng lấy hết dũng khí để bước một bước cuối, đi tới trước mặt chàng.
Chàng trai trước mặt tuấn tú xuất trần, thế như dưới mi có một vết thương nhàn nhạt kéo qua, như vết nứt trên ngọc thô.
Nhìn chàng, nàng hoàn toàn không còn sức để đứng thẳng nữa, quỳ rạp trước gối chàng. Nước mắt trào ra như thủy triều, cũng chẳng cách nào kiềm lại.
Chàng nghe thấy tiếng nỉ non, mở to hai mắt, ánh nhìn mê man đưa về nơi xa, chần chừ hỏi lại: “Xin hỏi, cô là ai?”
***
[Lời tác giả]: Ừ thì có vài chuyện không kịp viết trong chính văn thì nay cũng đã truyền tải được.
Ngoài ra thì, cuối cùng bài thơ ở văn án cũng có đất dụng võ.
Sau đó, dù đúng là tình tiết này quê mùa thật, nhưng mà tôi cả thấy với Tiểu Trì mà nói, đây là một điều may mắn, bằng không với cá tính của chàng, tôi không biết dù được sư phụ cứu sống, chàng làm thế nào có thể đối mặt với thân thế bản thân, làm thế nào để đối mặt với cơn ác mộng mẹ ruột muốn đẩy chàng xuống vách núi?