Chương 3 : Viên ngọc thạch mờ
9 giờ sáng ông quận trưởng cảnh sát tới gian phòng đã xảy ra vụ ám sát hai nhân mạng một cách bí mật không sao hiểu nổi. Ông không buồn chào Đông Luy. Những viên thẩm phán đi theo, cho Đông Luy cũng là một nhân vật phụ trợ của viên cai Madơru, nếu như ông giám đốc an ninh không có mấy lời giới thiệu sơ qua về nhân vật đột xuất này.
Ông Đetmaliông đi khám xét nhanh hai tử thi và bảo Madơru giải trình khẩn trương sự việc.
Sau đó ông trở lại phòng đợi và đi lên một gian khách ở tầng hai. Tại đó, bà Fauvin đã được báo trước, đến gặp ông ngay. Perenna từ nãy vẫn không rời vị trí ở hành lang, bấy giờ cùng đi ra phòng đợi. Ở đây những người nhà đã biết có vụ án mạng, đang đi lại nhộn nhịp. Anh đi xuống mấy bậc cầu thang, tới chỗ chiếu nghỉ đầu tiên, có một cửa đi ra đã mở sẵn. Hai người đang đứng đó. Một người nói: «Không ai được ra khỏi đây».
— Nhưng...
- Không ai được ra khỏi. Đó là lệnh trên.
— Lệnh trên ? Ai ra lệnh đó ?
— Chính ông quận trưởng.
— Thật rủi cho tôi !— Perenna vừa cười vừa nói— Tôi thức gác suốt đêm, bây giờ đói mèm. Có cách nào nhét cái gì vào dạ dày không ?
Hai cảnh binh nhìn nhau. Rồi một người vẫy gọi Xinvét đến, cùng thảo luận. Xinvét đi vào buồng ăn và trở ra với một cái bánh nướng. Đông Luy nhận bánh cầm ăn, và tự nhủ: Thế là rõ rồi ! Ta đã bị giam giữ. Nhưng có điều ta muốn biết là sao ông Đetmaliông thiếu lôgic đến thế ? Nếu ông ta định giữ Acxen — Luypanh thì ngần ấy người đâu có đủ để giữ nổi chân ta ! Còn nếu ông định giữ Đông Luy Perenna thì thật là vô ích, vì nếu ngài Perenna trốn đi thì ngài tự tước mất cái quyền sờ đến miếng bánh của Cốtmô. Thế thì ta cứ yên trí ở đây. Và anh quay trở về vị trí cũ trong hành lang, chờ sự việc diễn biến. Qua cửa mở của phòng làm việc anh thấy các viên thầm phán đang tiếp tục cuộc điều tra. Viên y sĩ pháp y khám xét sơ bộ hai tử thi và nhận ra ngay những dấu vết đầu độc giống hệt những dấu vết mà chiều hôm qua ông đã thấy trên tử thi viên thanh tr.a Vêrô. Rồi hai nhân viên khiêng hai xác đặt vào hai phòng liền nhau, trên tầng gác hai là nơi ở của hai cha con trước đây.
Khi đó ông quận trưởng vừa trở xuống và Đông Luy nghe thấy ông ta nói với các viên thẩm phán: «Tội nghiệp cho bà ta ! Bà ta không muốn hiểu ra, và khi hiểu ra thì ngã vật xuống, ngất lịm. Ngất là phải ! Đột nhiên được tin hai cái ch.ết cùng một lúc: chồng và con trai... Thật tội nghiệp" !
Đến đây thì cửa đóng chặt lại, Đông Luy không nghe không thấy gì được nữa. Sau đó chắc là ông quận trưởng đã cho những hiệu lệnh qua khu vườn liền với cổng chính, vì anh thấy hai cảnh binh đi vào gác ở phòng đợi, ngay đầu hành lang, bên phải và bên trái tấm thảm ngăn.
Perenna nghĩ thầm: «Ai ngờ việc ta làm lại làm ta thất thế đến mức này ! Chắc Alếchdăng bực dọc lắm đây ! Nhưng... Thế này là cái kiểu gì !
Buổi trưa Xinvet mang tới cho anh một khay có bánh và vài món ăn. Anh ăn rồi lại chờ đợi, rất khó chịu và rất sốt ruột.
Trong phòng làm việc, sau bữa cơm trưa và thời gian nghỉ ngơi, cuộc điều tr.a tiếp tục. Từ mọi phía anh có nghe tiếng nói và thấy đi lại nhộn nhịp. Lát sau, vừa buồn vừa mệt, anh ngả lưng xuống ghế bành và ngủ thiếp đi. Khi viên cai Madơru đánh thức anh dậy thì đã 4 giờ. Madơru vừa dẫn anh đi vừa hỏi: Thầy đã tìm ra chưa ?
— Rồi.
— Tìm ra thủ phạm rồi ?
— Chứ sao nữa ! Việc dễ như trở bàn tay !
Madơru chưa hiểu là nói đùa, reo lên: «Có thế chứ ! Hay quá ! Không có thì, như thầy đã nói, thầy... đi đứt mất thôi !»
Đông Luy vào phòng. Trong phòng thấy có ông biện lí, ông dự thẩm, ông giám đốc sở an ninh, viên cảnh sát khu vực, hai viên thanh tr.a và ba cảnh binh mặc đồng phục.
Bên ngoài, trên đường phố Xuyt-sê, người đổ đến, ồn ào. Khi cảnh binh, theo lệnh ông quận trưởng, ra dẹp yên, thì có tiếng trẻ bán báo rao to: «Hai vụ ám sát liền ở phố Xuyt-sê. Những chi tiết kỳ lạ về cái ch.ết của ông thanh tr.a Vêrô ! Quận cảnh sát đang tất bật lo lắng. Báo báo !». Thế rồi cổng được đóng chặt, và im lặng.
Đông Luy thầm nghĩ: “Madơru không lầm. Không kẻ kia thì ta ! Qua những lời khai sắp nói ra, qua những việc sắp xảy ra trong cuộc hỏi cung này, nếu ta không rút ra được một vài tia sáng để có thể chỉ ra «kẻ kia» thì chắc chắn là chiều tối nay họ sẽ đưa ta ra làm mồi cho công chúng xâu xé. Hãy chú ý cẩn thận, Luypanh !.”
Anh đã biết tiếng ông quận trưởng, con người giàu kinh nghiệm, tính kiên trì, rất thích lạc vào những vụ việc quan trọng, đi sâu lần ra đầu mối, tìm ra thủ phạm rồi mới giao lại việc phải tiếp tục cho tòa án. Và anh cũng biết rõ trình độ nghề nghiệp thuần thục của ông giám đốc an ninh; biết trình độ nhận xét tinh tế và lí luận sắc bén của viên dự thẩm. Nay chính ông quận trưởng cảnh sát chỉ đạo cuộc tấn công một cách kiến quyết, không úp mở. Ông nói với một giọng hơi khô khan vắng hẳn giọng điệu thiện cảm đối với Đông Luy. Thái độ cũng cứng rắn, vắng hẳn cái mềm mỏng hôm trước đối với anh. Ông nói:
«Ông Pereana ! Ông có thể trở thành người thừa kế toàn hưởng gia tài và là đại diện, của Cốtmô-Moocninhtôn. Có những tình huống đã dẫn đến ông phải ngủ qua đêm tại gian nhà dưới này, và cũng trong đêm, tại đây đã xảy ra hai vụ giết người. Chúng tôi yêu cầu ông trình bày chi tiết những sự việc đã xảy ra mà ông đã chứng kiến".
Perenna hỏi chọi lại ngay: «Thưa ông quận trưởng ! Nói một cách khác có nghĩa là, do những tình huống xảy ra, ông đã cho phép tôi ngủ qua đêm ở đây, vì nay thì ông muốn biết những sự việc mà tôi đã chứng kiến có khớp với báo cáo của viên cai Madơru không ?
— Đúng thế.
- Có nghĩa là ông giao nhiệm vụ cho tôi, và nay ông lại nghi ngờ tôi ?
Ông Đetmaliông lưỡng lự. Ông nhìn thẳng vào mắt Đông Luy và cảm thấy rõ đôi mắt anh lộ vẻ toàn toàn chân thực. Nhưng ông đáp lại, rõ vàng và dứt khoát ;
- Ông đến đây không phải để đặt ra những câu hỏi với tôi.
Đông Luy cúi người: «Thưa ông quận trưởng, tôi xin tuân lệnh ông !».
— Ông cứ trình bày với chúng tôi những điều mà ông biết.
Đông Luy tường thuật lại tỉ mỉ những việc đã xảy ra. Sau khi nghe xong, ông Đetmaliông suy nghĩ một lát và nói: "Chúng tôi thấy có một điều cần được làm sáng tỏ thêm. Lúc 2 giờ rưỡi sáng, khi ông vào gian này và đến gần ông Fauvin, ông không thấy có một biểu hiện gì chứng tỏ ông đã ch.ết ?»,
— Vâng thưa ông quận trưởng, không một biểu hiện gì. Vì nếu có thì anh cai Madơru và tôi đã đánh động.
— Cửa vườn có đóng chứ ?
— Nhất định là có đóng, vì lúc 7 giờ sáng chúng tôi phải vặn khóa để mở.
— Mở bằng gì ?
— Bằng chìa khóa trong chùm.
— Vậy làm thế nào mà hung phạm từ phía ngoài lại có thể mở vào ?
— Chúng có chìa khóa giả.
— Ông có bằng chứng gì là cửa được mở bằng chìa khóa giả ?
- Thưa ông quận trưởng, không !
- Vậy nếu không có bằng chứng thì buộc chúng tôi phải nghĩ rằng cửa không được mở từ phía ngoài, và hung phạm tất là phải ở phía trong.
— Nhưng thưa ông quận trưởng, bên trong chỉ có anh cai Madơru và tôi !.
Trong phòng im lặng. Một sự im lặng có ý nghĩa khẳng định và chỉ chờ tiếng nói xác nhận của ông Đetmaliông.
— Trong đêm, ông có ngủ không ?
— Có, ngủ khoảng gần về sáng.
— Trước đó, lúc ở hành lang ông không ngủ ư ?
— Không.
— Còn viên cai Madơru ?
Đông Luy có một giây phân vân. Nhưng anh thấy ngay Madơru; con người trung thực và thận trọng ấy, tất đã không báo cáo điều sai lệch với lương tâm. Nên anh trả lời: «Anh cai Madơru đã ngủ ở chiếc ghế bành được hai tiếng đồng hồ. Khi bà Fauvin về thì mới thức dậy».
Lại sự im lặng, Sự im lặng này không ngoài ý nghĩa: «Vậy trong hai giờ Madơru ngủ thì rất rõ ràng là anh có điều kiện mở cửa để ám sát hai cha con ông Fauvin».
Cuộc thầm vấn diễn biến đúng như Perenna đã dự kiến. Cái thòng lọng xiết dần xung quanh anh. Đối thủ của anh tấn công với một lí luận sáng suốt làm anh không thể không khâm phục. Anh tự nhủ: «Khỉ thật ! Một người vô tội thực là khó mà bào chữa được cho mình ! Ta đã bị hai nhát bên trái và bên phải rồi. Còn trung tâm ta liệu có chịu đựng nổi không ?.
Ông Đetmaliông, sau khi đã hội ý với viên dự thẩm và nói: «Tối hôm qua lúc ông Fauvin mở cái tủ sắt trước mặt ông và viên cai, ông thấy trong tủ có những gì ?
— Một đống giấy tờ lộn xộn trên một ngăn. Trong đống giấy có một cuốn vở bìa vải xám mà sau đó đã biến mất.
- Ông có đụng chạm đến những giấy tờ đó không ?
— Không hề ! Thưa ông quận trưởng ? Cả đến cái tủ tôi cũng không đụng tới. Chắc sáng nay anh cai Madơru cũng đã báo cáo với ông là, để việc điều tr.a khỏi rắc rối, anh ấy đã bảo tôi đứng cách xa cái tủ.
Ông Đetmaliông nhìn viên dự thẩm và nhún vai.
Giá lúc đó Perenna ngờ là có cái bẫy đang gài để chờ anh, thì anh cứ nhìn sang phía Madơru là đủ rõ, mặt Madơru tái nhợt, lo cho anh.
Ông Đetmaliông liếp tục: «ông đang có nhiệm vụ điều tra, điều tr.a hình sự. Vậy tôi coi ông là một nhà thám tử đang trổ tài nghệ, để đặt một câu hỏi này».
— Tôi xin cố gắng trả lời với khả năng tối đa của tôi, thưa ông quận trưởng »
— Thế này: Trong trường hợp hiện nay trong tủ sắt có một vật, thí dụ như một viên ngọc thạch. Viên ngọc thạch ấy bị rơi từ một cái ghim cài cravát. Cái cravat ấy lại đeo ở cổ một người mà chúng ta đều biết rất rõ là đêm qua đã ngủ ở đây, thì ông thấy sự trùng hợp ấy có ý nghĩa như thế nào ?
Perenna nghĩ thầm: “Thôi ! Cái bẫy đây rồi ! Rõ ràng là họ đã thấy một vật gì trong tủ và họ qui vật đó là của ta. Nhưng ta không hề sờ đến cái tủ. Vậy thì phải giả định là ta đã có một vật gì đó bị người lấy đi và đã bỏ vào trong tủ sắt, cốt để buộc tội ta... Nhưng cũng không thể xảy ra như vậy được, vì ta mới tham gia vào vụ này từ tối hôm qua. Mà trong đêm thì không ai có đủ thời giờ để thực hiện được cái mưu kế hiểm độc đó, vì ta không hề thấy ai ra vào cả. Vậy thì...”
Ông quận trưởng cắt luồng suy nghĩ của anh và nhắc lại: Sao, ý kiến ông thế nào ?
— Thưa ông quận trưởng như vậy thì rõ ràng là có mối liên quan giữa người đã ngủ tại ngôi nhà này và hai vụ ám sát.
— Như vậy thì chúng ta có quyền nghi ngờ người đó chứ ?
— Vâng.
— Ông đồng ý như vậy ?
— Rất đồng ý !
Ông Đetmaliông lấy trong túi ra một gói giấy nhỏ, mở gói, và bằng hai ngón tay, giơ ra một viên ngọc thạch xanh mờ: Đây là một viên ngọc thạch mà chúng tôi thấy ở trong tủ sắt. Rõ ràng không thể chối cãi được, viên ngọc thạch này là của cái nhẫn mà ông đeo ở ngón tay trỏ.
Đông Luy giận điên lên. Anh nghiến răng: “A ! Những quân mất dạy ! Những quân giỏi thật ! Nhưng... Tôi không thể tin được !”
Anh nhìn vào cái nhẫn ở ngón tay anh: mặt nhẫn gồm một viên ngọc thạch lớn, mờ xung quanh là một vòng ken những viên ngọc thạch nhỏ cũng xanh mờ. Trong vòng thiếu một viên, viên ngọc thạch mà ông Đetmaliông cầm, ăn đúng khớp vào chỗ thiếu.
Ông Đetmaliông hất hàm: «Ông nói sao đây ?»
— Tôi nói là viên ngọc thạch này thuộc về cái nhẫn của tôi, nhân do ông Moocninhtôn tặng tôi vào dịp tôi cứu ông ta khỏi ch.ết lần đầu tiên.
- Như vậy thì chúng ta thống nhất chứ ?
- Vâng, thưa ông quận trưởng, chúng ta thống nhất.
Đông Luy đi đi lại lại trong phòng và suy nghĩ. Nhìn những nhân viên an ninh ở mỗi cửa ra vào, anh biết là việc bắt anh đã được dự kiến từ trước. Chỉ chờ một tiếng của ông Đetmaliông là viên cai Madơru sẽ phải tóm cổ Thầy mình. Đông Luy lại liếc nhìn người chân tay cũ của anh. Madơru phác một cử chỉ van nài thúc giục với ý nghĩa: «Thầy ơi ! Thầy còn chờ gì mà không đưa tên thủ phạm ra ? Đưa ra bây giờ là rất đúng lúc rồi !».
Đông Luy mỉm cười.
— Ông định thế nào ?- Ông Đelmaliông hỏi với một giọng không thiếu vẻ lịch sự tự phát mà ông vốn có đối với Đông Luy từ đầu cuộc thầm vấn.
— Tôi định... Tôi định... - Perenna nắm lấy cái ghế, xoay đi một vòng, ngồi xuống, và nói một câu đơn giản: - Ta cùng nói chuyện.
Cử chỉ đàng hoàng, câu nói dứt khoát của Đông Luy như làm rung động ông quận trưởng, ông nói khe khẽ: «Tôi chưa hiểu ra».
— Thưa ông quận trưởng ! Rồi ông sẽ hiểu ra ...
Bằng một giọng chậm rãi, nhấn mạnh những chỗ cần thiết, anh bắt đầu:
- Thưa ông quận trưởng ! Tình huống rất rõ ràng. Tối hôm qua ông đã cho phép tôi làm một việc khiến cho trách nhiệm của ông trở thành nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Cho nên bây giờ, bằng giá nào, thì cũng phải có một thủ phạm ngay tức khắc. Vậy thì thủ phạm đó sẽ là tôi. Những điều để kết tội tôi là sự có mặt tôi ở đây, là cửa đóng phía trong, là viên cai Madơru đã ngủ trong khi xảy ra án mạng, và là cái viên ngọc thạch xanh mờ tìm thấy trong tủ sắt. Thật là nặng nề, tôi xin thú thực như vậy. Lại còn một lý do vững chắc nữa để qui tội tôi, là hai cha con ông Fauvin ch.ết, vì không còn là người thừa kế trực tiếp gia sản Cốtmô—Moocninhtôn nên tôi sẽ được hưởng 200 triệu. Hay tuyệt ! Cho nên chỉ còn có cách là các ông đưa tôi vào hỏa lò...hoặc là
— Hoặc là... ?
— Hoặc là tôi phải giao tận tay các ông tên hung phạm, tên thực sự là hung thủ.
Ông quận trưởng mỉm cười và rút đồng hồ ra: "Tôi chờ".
— Thưa ông quận trưởng, hung thủ sẽ được tìm ra trong không đầy một tiếng đồng hồ, nếu ông để cho tôi được thoải mái hành động. Tôi nghĩ rằng muốn tìm ra sư thực thì cũng nên kiên tâm một chút.
Ông Đetmaliông nhắc lại: «Tôi chờ».
Đông Luy nói: «Ông cai Madơru ! Xin ông báo anh người nhà Xinvét là ông quận trưởng muốn gặp".
Ông Đetmaliông ra hiệu cho viên cai. Madơru đi ra.
Đông Luy trình bày: "Thưa ông quận trưởng ! Việc thấy viên ngọc thạch đối với ông là một bằng chứng hết sức nghiêm trọng. Nhưng đối với tôi nó lại là một khám phá quan trọng bậc nhất.Vì sao vậy ? Viên ngọc thạch này, tối hôm qua bị rơi xuống mặt thảm. Và chỉ có 4 người có thể biết được hiện tượng đó, nên đã có người nhặt viên ngọc thạch, bỏ vào tủ sắt, để qui tội cho kẻ thù người đó, là tôi. Người thứ nhất là một nhân viên của ông, viên cai Madơru: xin loại ra ngoài vòng nghi ngờ. Người thứ hai đã ch.ết, đó là ông Fauvin. Người thứ ba là anh Xinvét. Cho phép tôi được nói với anh ta vài câu ngắn
Quả là ngắn thực, vì Xinvét trình bày và được xác minh ngay là anh ta chỉ đến mở cửa cho bà Fauvin vào phòng. Còn trước lúc đó anh luôn luôn ở dưới nhà bếp, chơi bài với chị hầu phòng và một người nhà nữa.
— Được rồi. - Perenna nói — Một câu nữa thôi: Hẳn anh có đọc báo sáng nay, biết tin tức về cái ch.ết của ông thanh tr.a Vêrô và nhớ ảnh ông ta ?
— Vâng, có.
— Anh có quen biết ông thanh tr.a Vêrô không ?
— Không.
— Nhưng rất có thể trong ngày, ông ta đã đến đây ?
— Tôi không rõ. Vì ông Fauvin tiếp nhiều người đi vào bằng lối vườn, do chính ông ta mở cửa.
— Anh có khai thêm điều gì nữa không ?
— Không còn gì.
— Anh bảo bà Fauvin rằng ông quận trưởng rất mong được nói chuyện với bà ấy.
Xinvet đi ra.
Ông dự thẩm và ông biện lý đến gần Perenna cùng tỏ vẻ ngạc nhiên. Còn ông quận trưởng thì kêu lên: «Sao ? Ông lại nghi ngờ cả bà Fauvin nữa chăng !"
— Thưa ông quận trưởng ! Bà Fauvin là người thứ tư có thể nhìn thấy viên ngọc thạch của tôi rơi.
— Thế thì sao ? Sao ta lại có quyền, không có một chút bằng chứng xác thực, dám giả định một phụ nữ có thể giết chồng, một người mẹ có thể đầu độc con trai ?
— Thưa ông quận trưởng, tôi không giả định.
— Vậy thì sao ?
Đông Luy không trả lời. Ông Đetmaliông không giấu nổi sự cáu kỉnh. Tuy nhiên ông cũng bảo: Thôi được. Nhưng tôi ra lệnh cho ông phải tuyệt đối im lặng. Nào ! Ông muốn hỏi bà Fauvin câu gì ?
— Xin chỉ hỏi một câu ! Bà Fauvin có biết, ngoài chồng bà ta ra, còn người nào dòng dõi của hai chị em bà Rutxen không ?
— Hỏi thế để làm gì ?
— Vì nếu còn có người đó thì người được hưởng gia tài hàng trăm triệu khi hai cha con ông Fauvin không còn sống, không phải là tôi mà chính là người đó.
Ông Đetmaliông lẩm bẩm: Cũng phải... Cũng phải... Có thể đây là một con đường mới để tìm ra manh mối chăng...
Bà Fauvin vừa vào tới. Nét mặt bà vẫn duyên dáng xinh đẹp, mặc dù vì khóc mà mi mắt đã sưng đỏ và đôi má có giảm sắc hây hây. Nhưng đôi mắt bà tỏ vẻ ngơ ngác khiếp hãi. Ý nghĩ ám ảnh về tấn thảm kịch làm cho con người xinh duyên như bà, từ dáng đi đến cử chỉ, có vẻ lẩy bẩy, co giật, trông thật là tội nghiệp.
Ông Đetmaliông nói với bà một cách hết sức tôn trọng: "Xin mời bà ngồi và xin bà tha lỗi cho tôi đã gây cho bà thêm cảm xúc và thêm mệt mỏi. Nhưng thưa bà, thời giờ rất đáng quí và chúng tôi đang tìm mọi cách để hai người thân thương nhất của bà sớm được trả thù».
Bà Fauvin lại ứa hai dòng lệ từ cặp mắt đẹp, khóc nức nở và nói đứt quãng: “Vâng... Thưa ông quận trưởng... nếu tòa cần đến tôi...”
— Vâng. Chỉ xin hỏi bà một điều: Bà mẹ chồng bà đã mất phải không ?
— Thưa ông vâng.
— Chồng bà có anh chị em nào không ?
— Thưa không.
— Tức là bà Êlidabet Rútxen không có con cháu trực hệ ?
- Vâng không có ngườí nào.
- Được rồi - Nhưng bà Êlidabet-Rutxen còn có hai chị em nữa ?
— Vâng.
- Bà Ecmơlin-Rutxen là chị cả, đã bỏ nước, xuất ngoại, không còn có tin tức gì. Còn bà kia là em út...
— Vâng. Bà kia là Acmăng-Rutxen, là mẹ tôi.
— Sao ạ ?
— Vâng đúng thế. Acmăng-Rutxen là tên hồi còn con gái của mẹ tôi, và tôi đã lấy chồng là anh họ tôi, con trai bà Êlidabet-Rutxen.
Một biến chuyển bất thình lình ! Như vậy là ông H.Fauvin và Etmông, còn trai ông, dòng dõi trực hệ của bà chị cả, nay đã ch.ết, thì việc thừa hưởng gia tài Cốtmô-Moocninhtôn chuyển sang ngành tồn tại, tức là ngành bà Acmăng-Rutxen mà cho đến nay đại diện của ngành út này là bà Fauvin.
Ông quận trưởng và ông dự thẩm nhìn nhau như trao đổi ý kiến. Rồi cả hai ông tự nhiên cùng quay lại nhìn Đông Luy Perenna. Anh không tỏ một cử chỉ gì. Ông qnận trưởng hỏi tiếp:
— Bà có anh em chị em nào không ?
— Thưa ông không. Tôi chỉ có một mình.
Chỉ có một mình. Như thế có nghĩa là, không thể nào khác được, bây giờ chồng và con bà ta đã ch.ết thì gia tài trăm triệu của Cốt-mô-Moocninhtôn chỉ có một mình bà ta thừa hưởng.
Một điều đau xót như cơn ác mộng đè nặng lên những vị quan tòa, không sao tự đã thông nổi: Người phụ nữ đứng kia là mẹ của Etmông-Fauvin. Thế mà...
Ông Đetmaliông nhìn Đông Luy Perenna. Anh viết mấy chữ lên tấm danh thiếp và chìa cho ông. Ông quận trưởng dần dần đã lấy lại được vẻ lịch sự thường ngày đối với Đông Luy, cầm lấy danh thiếp đọc, suy nghĩ một lát, và hỏi bà Fauvin:
- Cậu Etmông con trai bà năm nay bap nhiêu tuổi ?
- 17 tuổi..
- Bà còn trẻ thế …
— Không không phải con đẻ của tôi, mà là con người vợ trước, đã ch.ết, của chồng tôi, tôi là vợ kế.
“A ! Té ra Etmông,.. ông quận trưởng lầm bầm không hết câu.
Chỉ trong hai phút tình thế hoàn toàn thay đổi. Trước mắt các quan tòa, bà Fauvin không còn là người vợ góa và người mẹ mất con, không được chạm đến. Mà bây giờ bà trở thành một phụ nữ có vấn đề, cần thẩm vấn. Nghi vấn được đặt ra: biết đâu, một phụ nữ xinh đẹp trong sáng như thế, được mọi người vị nể như thế, lại chả vì lí do nào đó mà nảy sinh hành động điên rồ, giết chồng, giết đứa con riêng của chồng, để một mình thừa hưởng cái gia tài kết xù ? Nghi vấn cần được giải đáp.
Ông quận trưởng lại hỏi: « Bà có nhận ra viên ngọc thạch này không ?» và đưa viên đó cho bà Fauvin. Bà ta cầm lấy, ngắm nghía một lúc, không gợn một chút bối rối, và trả lời: "Thưa ông. Tôi có một chuỗi ngọc thạch nhưng không đeo bao giờ. Những viên to hơn và không viên nào có hình dángg như viên này".
Ông Đetmaliông hỏi: «Chúng tôi đã nhặt được viên ngọc thạch này trong cái tủ sắt của ông nhà. Viên đá đó thuộc về một cái nhẫn mà người đeo nhẫn là người được chúng tôi biết rõ».
Bà Fauvin vội vã nói: «Thế thì phải tìm ngay ra người đeo nhẫn".
— «Người ấy có mặt ở đây». Vừa hỏi, ông quận trưởng vừa chỉ vào Đông Luy lúc đó đang đứng yên một chỗ nên bà Fauvin không để ý.
Bà ta rùng mình khi nhìn thấy Perenna và xúc động kêu lên: « Ồ ! Ông này ở đây tối hôm qua. Ông ấy nói chuyện với chồng tôi... Và kìa !.... — bà chỉ vào viên cai Madơru — có cả ông kia nữa. Xin các ông hãy hỏi hai người ấy, vì lý do gì mà đến đây ? Hẳn các ông thừa hiểu là nếu viên ngọc thạch thuộc về một trong hai người đó...».
Sự cố ý đổ tội đã rõ ràng nhưng mới vụng về làm sao ! Làm cho lập luận của Perenna càng tăng trọng lượng: "Viên ngọc thạch này do người một nhặt được. Người ấy đã thấy Perenna đánh rơi và muốn đổ tội lên đầu anh. Mà ngoài ông Fauvin và viên cai Madơru thì chỉ còn nghi hai người thấy anh đánh rơi: anh người nhà Xin vét và bà Fauvin. Nhưng Xinvet đã được xác minh là không thể trông thấy anh đánh rơi. Vậy chính bà Fauvin đã bỏ viên ngọc thạch vào trong tủ sắt”.
Ông Đetmaliông hỏi: "Thưa bà, đề nghị bà cho tôi xem cái chuỗi hạt xoàn của bà, có được không ạ» ?.
— Dạ, được chứ ạ ! Tôi để chuỗi hạt cùng với tác đồ nữ trang khác của tôi, ở trong cái tủ gương. Để tôi đi lấy.
- Thôi, khỏi phiền bà. Chị hầu phòng của bà biết chỗ chứ ạ ?
- Vâng.
— Vậy anh cai Madơru lên dàn xếp với chị ta.
Trong mấy phút Madơru vắng mặt, không ai trao đổi lời nào. Bà Fauvin có vẻ đau đớn miên man. Ông Đetmaliông không rời mắt khỏi bà.
Viên cai trở xuống. Anh mang theo một cái hộp lớn đựng nhiều đồ kim ngọc và nữ trang.
Ông Đetmaliông lấy chuỗi hạt xoàn, xem xét và thấy đúng là những hạt đều khác hẳn với viên ngọc thạch của Perenna, và không thấy thiếu hạt nào. Nhưrng khi gạt các hạt ngọc khác trong hộp để lấy một cái vòng cũng có ngọc thạch xanh mờ, ông quận trưởng đồng có một cử chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên:
— Hai cái chìa khóa này là thế nào ? Ông vừa hỏi bà Fauvin vừa giơ lên hai cái chìa khóa, giống hệt chìa mở then và mở ổ khóa vườn.
Bà Fauvin vẫn rất bình lĩnh, không hề thay đổi nét mặt, không chứng tỏ một chút bối rối. Bà trả lời đơn giản:
— Tôi không rõ. Hai cái chìa khóa đó vẫn ở trong hộp từ lâu.
Ông quận trưởng bảo Madơru:
— Anh thử lấy chìa mở khóa xem.
Madơru làm theo lệnh, cửa được mở ngay.
Bà Fauvin nói: «À phải rồi ! Bây giờ tôi mới nhớ ra là chồng tôi đã giao chìa đó cho tôi. Tôi giữ tới hai chìa...».
Bà ta trả lời một cách hết sức tự nhiên, hình như không cảm thấy đang có nghi vấn nặng nề đối với bà.
Thật không có gì đáng lo ngại bằng sự bình tĩnh này. Nó biểu hiện sự vô tội thực sự tuyệt đối, hay nó là sự trá hình khéo léo đến đáng sợ của một kẻ phạm tội làm chủ được mọi cảm xúc ? Phải chăng bà ta không hiểu biết chút gì về tấn thảm kịch đang diễn ra trong đó có bà có một vai không tự giác ? Hay bà ta đoán được sự buộc tội đang xiết quanh bà ta và một mối nguy hiểm đáng sợ nhất đang đe dọa bà ta ? Nhưng nếu bà ta biết như vậy thì sao bà ta lại vô cùng vụng dại đến nỗi còn giữ hai cái chìa khóa kia ?
Một loạt câu hỏi đang đặt ra trong óc mọi người. Ông quận trưởng cảnh sát lên tiếng:
- Thưa bà, có phải trong khi xảy ra án mạng thi bà đi vắng không ?
— Vâng.
- Bà đã đi xem ở rạp hát kịch ?
— Vâng, và sau đó tôi đi thăm một người bạn, bà Ec-xanh-gie.
— Người lái xe có đi theo bà ?
— Khi đi tới rạp thì anh ta có đi theo. Nhưng rồi tôi đã cho anh ta về và đến khuya anh ta mới đón tôi.
— Ồ, thế thì từ rạp đến nhà bà Ec-xanh-gie bà đi bằng gì ?
Bây giờ bà Fauvin mới bắt đầu hiểu bà ta là đối tượng của một cuộc thẩm vấn thực sự. Cái nhìn và dáng điệu của bà ta có vẻ khó chịu. Bà trả lời: "Tôi lên một xe hơi khác».
— Ở trên đường phố ?
— Ở quảng trường rạp hát kịch.
— Và lúc đó đã nửa đêm ?
— 11 giờ rưỡi. Tôi ra khỏi rạp trước giờ tan.
— Bà vội đến nhà bà bạn thế kia ư ?
— Vâng... À mà...
Bà ta ngừng nói. Bà đỏ ửng đôi má, run run đôi môi và rung cằm nói:
— Sao lại hỏi tôi những câu như thế ?.
— Vì cần thiết, thưa bà ! Nó có thể soi sáng cho chúng tôi. Xin bà cứ vui lòng trả lời. Lúc bà tới nhà bà bạn là mấy giờ ?
— Tôi không nhớ rõ. Tôi không để ý.
— Bà từ rạp đến thẳng nhà bà bạn ?
— Sao lại "gần như" ?
— Vâng. Vì tôi hơi nhức đầu nên tôi bảo lái xe đi vòng lên đường điện Êlydê, rồi đại lộ Boa...Đi chầm chậm... Rồi lại quay xuống đường điện Êlyđê...
Bà ta cũng lúng túng thêm dần. Tiếng nói không rành mạch nữa. Bà cúi đầu và im lặng, có thể đó là thái độ của người chịu nỗi đau thương quá mức, mà cũng có thể là thái độ của người cảm thấy thất bại, suy sụp, không tìm được cách chống chế nữa, những biểu hiện vụng về khiến người ta cũng phải ép hỏi. Ông Đetmaliông có vẻ ngần ngại và thấy cần phải tiếp tục thẩm vấn một cách thận trọng hơn. Ông liếc nhìn Perenna. Anh đưa ông một mẩu giấy và nói: «Đây là số điện thoại của bà Ec-xanh-gie». Ông Đetmaliông lẩm bẩm: «Phải, phải... Ta có thể biết rõ...». Ông lấy ống nói: «A lô ! Xin cho Luvơrơ, số 25.04». Và khi đã có số, ông liền hỏi:
«Ai ở máy đấy ạ ? Ông Giám đốc khách sạn à ? Bà Ec-xanh-gie đi vắng ạ ?... Cả ông ấy nữa ạ Nhưng có lẽ ông cũng giúp đỡ tôi được. Thế này ạ: Tôi là quận trưởng cảnh sát. Tôi muốn nhờ ông làm ơn cho biết đêm vừa qua lúc bà Fauvin đến đấy là mấy giờ ?.. Dạ, ông nói chắc chắn, đúng thế ạ ? 2 giờ sáng ạ ? Không sớm hơn ạ ?... Và rồi bà trở về sau mười phút ạ ? Về giờ bà ấy đến, ông nói rất chính xác đấy chứ ạ ? Vì đó là điểm mà tôi cần biết thật chính xác... Vâng, hai giờ, đúng hai giờ ạ ?... Vâng, xin cảm ơn ông.
Ông Đetmaliông ngoắc ống nói và khi quay lại thì thấy bà Fauvin nhìn ông với về lo sợ hoảng loạn.
Và mọi nguời lại có cùng chung một ý nghĩ: trước mặt họ là một phụ nữ hoàn toàn vô tội, hoặc là một diễn viên rất tài tình, tạo ra nét mặt và dáng điệu của một người hoàn toàn vô tội.
Bà ta nói lắp bắp: «Các ông muốn gì ? Thế là thế nào ? Yêu cầu các ông giải thích".
Ông Đetmaliông lại nhẹ nhàng hỏi:
- Đêm vừa rồi từ 11 giờ rưỡi đến 2 giờ bà đà làm gì ?
Một câu hỏi đáng sợ mà nhất định cuộc thẩm vấn phải dẫn tới. Câu hỏi hóc búa có nghĩa là: «Nếu bà không trả lời được rõ ràng việc sử dụng thời gian của bà trong khi xảy ra án mạng, thì chúng tôi có quyền kết luận là bà không phải không liên quan đến việc giết hại chồng bà và đứa con ghẻ của bà».
Hẳn bà ta cũng nghĩ như vậy nên người bà loạng choạng và bà nói như rên rỉ: «Khủng khiếp quá !... Khủng khiếp quá...».
Ông quận trưởng nhắc lại: «Bà đã làm gì trong thời gian đó ? Câu trả lời có khó khăn gì đâu ?».
Bà nói, vẫn giọng thảm thiết: "Sao ông lại có thể nghi ngờ... Không, không... Sao lại có thể như thể được ?... Sao ông lại có thể nghi ngờ... ?».
- Tôi chưa nghi ngờ gì cả. Chỉ một lời của bà là đủ phơi bày được sự thật.
Nhìn đôi môi mấp máy và dáng điệu cả quyết của bà, người ta tưởng lời ấy sắp bật ra. Nhưng đột nhiên bà ta thảng thốt rối loạn lắp bắp vài tiếng nghe không rõ, rồi vật xuống ghế, cùng với tiếng khóc nức nở và tiếng kêu tuyệt vọng.
Đó là một cách thú nhận, ít nhất cũng thú nhận là không giải thích được sự vắng mặt với lý do chính đáng để xóa bỏ được mối nghi ngờ.
Ông quận trưởng đi đến bên ông dự thẩm và ông biện lý, và trao đổi nho nhỏ.
Không có ai ở sát giữa Perenna và Madơru.
Madơru khẽ hỏi: "Tôi đã bảo mà ! Thế nào thầy cũng tìm ra. Thầy thật là tuyệt diệu ! Thầy dắt dẫn hay quá».
Madơru cảm thấy phấn chấn với ý nghĩ thầy mình được vô can, chấm dứt chuyện lôi thôi với các cấp trên của mình là những người được anh tôn trọng ngang với thầy. Bây giờ mọi người đã thông cảm nhau. Thì trước kia đối với nhau chả như bạn là gì ? Anh vui sướng như mở cờ trong bụng:
— Bây giờ bắt giam cô nàng, chứ thầy ?
— Không. Chưa đủ bằng chứng cụ thể để bắt người ta được.
Madơru nổi cáu, nói gằm ghè: - Chưa đủ bằng chứng ? Dễ thường thầy muốn tha bổng nó chắc ? Hay thầy bị nó mê hoặc, làm Thầy xiêu lòng rồi ? Yêu cầu thầy phải làm tới, đến đầu đến đũa. Gớm cái con yêu tinh !.
Đông Luy trầm ngâm suy nghĩ. Anh nghĩ tới những trường hợp trùng khớp nhau lạ lùng, và những sự việc đang bao vây nàng bốn phía. Và anh nghĩ tới cái bằng chứng quyết định, cái bằng chứng tập hợp được tất cả các sự việc lại thành cơ sở vững chắc để kết tội nàng. Cái bằng chứng ấy còn thiếu. Và cái bằng chứng ấy anh đã có: đó là vết răng cắn in lên quả táo lấp dưới đống lá trong vườn. Đối với luật pháp những vết răng đó có giá trị ngang với dấu in điềm chỉ. Đối chiếu vết răng trên quả táo với rết răng trên mảnh sô cô la thì cũng khẳng định...
Thể nhưng anh còn lưỡng lự. Anh hết sức chú ý và lo lắng, thương hại lẫn với khinh ghét, nhìn dò xét người phụ nữ có thể thực sự đã nhẫn tâm ám hại chồng và con chồng. Anh có nên đánh một đòn kết thúc không ? Anh có quyền làm thay tòa án không ? Mà nhỡ bằng chứng sai lầm thì chả oan người ta lắm sao ?
Ông Đetmaliông đến gần Madơru, nói với anh, nhưng cố ý để cả Đông Luy nghe thấy: “Sao ? Anh nghĩ thế nào ?”
Madơru nhún vai, không trả lời. Đông Luy nói thay:
- Thưa ông quận trưởng ! Tôi nghĩ rằng nếu người đàn bà này thực sự có tội thì thái độ của bà ta là thái độ của người đang cố gỡ tội, có gắng hết sức khéo léo nhưng lại vô cùng vụng về.
— Thế nghĩa là... ?
— Nghĩa là bà ta có thế chỉ là con rối nằm trong tay một tên đồng bọn.
- Một tên đồng bọn ?
— Vâng thưa ông quận trưởng. Hẳn ông còn nhớ những lời của ông chồng bà ta kêu lên ở quận hôm qua: “A ! Những quân khốn nạn ! Những quân khốn nạn !”. Như vậy thì ít nhất cũng phải có một tên đồng bọn nữa. Mà tên này rất có thể là người mà viên cai Madơru đã báo cáo với ông, người mà chúng ta đã thấy có mặt ở tiệm cà phê Tân-kiều trong khi ông thanh tr.a Vêrô cũng có mặt ở đó: Đó là một người có bộ râu hung đỏ, chống cái can bằng gỗ mun có tay nắm bằng bạc cho nên ta có thể...
Ông Đetmaliông tiếp lời ngay:
- Ta có thể ngay bây giờ, với những giả định đã có, bắt bà Fauvin và từ đó lần mối tìm ra tên đồng bọn.
Perenna không trả lời. Ông quận trưởng trầm ngâm nói tiếp:
- Bắt bà ta... Bắt bà ta... Nhưng phải có bằng chứng... Ông có tìm ra một vết tích chứng cớ nào không ?...
—Tôi không có, thưa ông quận trưởng. Tôi chỉ mới điều tr.a qua loa.
— Nhưng chúng tôi đã tìm lục rất kỹ trong phòng này...
— Và cả ngoài vườn nữa ?
— Cả ngoài vườn.
— Cũng tìm kỹ như vậy ?
— Không kỹ bằng, nhưng hình như...
— Hình như... Thưa ông quận trưởng, tôi thấy trái lại, bọn sát nhân đã đi qua vườn để vào và để ra thì cũng cần phải tìm tòi ở vườn kỹ hơn trong nhà, may ra.,.
— Madơru — ông Đetmaliông nói — Anh ra tìm kỹ thêm ở ngoài vườn xem.
Madơru đi ra. Perenna lại đứng lui ra và nghe thấy ông quận trưởng cảnh sát nhắc lại với ông dự thẩm:
- Chà ! Chỉ cần tìm ra bằng chứng, một bằng chứng thôi ! Rõ ràng người đàn bà này là can phạm. Có nhiều tình tiết để kết luận được như vậy... Rồi lại còn khối bạc triệu của Cốt mô-Moocninhtôn... Nhưng mặt khác, ông nhìn mà xem kìa ! Khuôn mặt đẹp. Thật là trung hậu ! Và vẻ đau đớn thực là chân thật !
Bà Fauvin vẫn khóc, thỉnh thoảng lại nấc lên, co giật người, nắm chặt tay. Có một lúc bà ta cầm cái mùi-soa đẫm nước mắt, đưa lên miệng nhe răng cắn xé, hệt như những diễn viên kịch đôi khi cũng làm như vậy. Và Perenna được dịp trông thấy những cái răng đẹp, trắng nõn, hơi rộng, ướt và trắng sáng, cắn rịt vào mảnh vải mịn của mùi-soa. Và anh liên tưởng đến vết răng in trên quả táo, thôi thúc anh rất muốn biết. Phải chăng cũng hàm răng này đã cắn vào quả táo ?
Madơru trở vào. Ông Đetmaliông vội chạy đến, và viên cai đưa ông một quả táo tìm thấy lấp dưới lá trong vườn. Ngay lập tức Perenna biết ông quận Trưởng đánh giá rất lớn tầm quan trọng đối với vật vừa tìm được và đối với những lời khai báo của viên cai Madơru. Một cuộc hội đàm khá lâu giữa các vị quan tòa, cuối cùng đi đến kết luận đúng như Đông Luy đã dự đoán.
Ông Đetmaliông tiến về phía bà Fauvin:
- Đây là lúc cởi nút vấn đề. Ông suy nghĩ một lúc về cách tiến hành đấu tranh cuối cùng này, rồi nói:
- Thưa bà ! Bà vẫn không thể trả lời về cách sử dụng thời gian của bà trong đêm qua ?.
Bà ta cố gắng trấn tĩnh và nói khe khẽ:
- Có, có... Tôi đi xe hơi... Tôi dạo chơi, cũng có lúc tôi đi bộ....
— Vâng. Đây là một việc cũng dễ kiểm tr.a khi chúng tôi gặp được một người lái xe đêm qua. Trong khi chờ đợi, chúng tôi có một việc có thế phá tan cái cảm giác hơi... khó chịu vì sự im lặng của bà...
— Vâng, thưa ông tôi sẵn sàng.
— Số là thế này. Thủ phạm hay một người trong đồng bọn thủ phạm đã cắn vào một quả táo và đã vứt quả táo ở vườn. Chúng tôi đã tìm nhặt được quả táo. Để cắt đứt mọi giả thiết nghi vấn đối với bà, tôi chỉ đề nghị bà cũng cắn vào quả táo như vậy...
Bà Fauvin hớn hở kêu lên: «Vâng, nếu chỉ cần thế là đủ để chứng minh với các ông... Tôi xin sẵn sàng thực biện ngay...».
Ông Đetmaliông lấy trong khay quả một trong ba quả táo còn lại và đưa bà Fauvin. Bà Fauvin cầm lấy quả táo. Việc này làm xong là có thể quyết định được. Nếu hai vết răng in giống nhau thì là bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi nổi.
Nhưng vừa đưa quả táo lên miệng thì bỗng bà Fauvin chững lại, như bị một mối lo sợ đến đột ngột... Sợ một cạm bẫy chăng ? Hoặc sợ sự ngẫu nhiên tình cờ có thể làm hại bà ? Hay sợ chính bà lại tạo ra mộỉ vũ khí để làm hại chính bà ?
Chính sự do dự này cũng buộc tội hơn bao giờ hết. Nó thực khó hiểu nếu nàng thật sự vô can. Nhưng nó thực rõ ràng nếu nàng thực sự có tội.
Ông Đetmaliông hỏi: «Vì sao mà bà sợ ?».
Bà ta run rẩy trả lời: «Không vì sao... Tôi không rõ...Tôi sợ tất cả... Tất cả đều khủng khiếp đối với tôi.
- Nhưng thưa bà, tôi xin đảm bảo là việc tôi yêu cầu bà thực hiện chẳng có gì là quan trọng đối với bà cả, và tôi nghĩ rằng nó chỉ đem lại kết quả tốt lành cho bà. Thế - thì vì sao... ?
Bỗng bà Fauvin bật hỏi: «Nếu tôi từ chối không thực hiện yêu cầu ?»
- Đó là quyền của bà. Nhưng bà nghĩ xem có nên từ chối không ? Tôi tin rằng người trạng sư mà bà sẽ mướn là người đầu tiên cũng sẽ khuyên bà...
— Trạng sư của tôi ? ! Bà ta lắp bắp, nói không ra hơi, vì đã hiểu ra ý nghĩa câu trả lời của ông quận trưởng.
Và đột nhiên, với vẻ quyết định dữ tợn, nhăn mặt trợn mắt như thái độ đứng trước một mối nguy hiểm lớn, bà Fauvin há miệng, lộ hàm răng trắng muốt, cắn bập vào quả táo.
— Đây, thưa ông xong rồi.
Ông Đetmaliông quay về phía ông dự thẩm: ông có quả táo nhặt được trong vườn đấy chứ ?
— Vâng, có. Thưa ông đây !
Ông Đetmaliông để hai quả táo gần bên nhau, và tất cả những người vây quanh ông, nhìn vào hai quả táo, đều cùng kêu lên một tiếng «ồ» như nhau: hai vết răng in hoàn toàn giống nhau, giống nhau từ kích thước đến hình dáng cái răng, đến hình vành cung của hàm răng.
Không ai nói một lời nào. Ông Đetmaliông ngẩng đầu lên. Bà Fauvin đứng im như tượng, mặt mày tái mét, kinh hãi tột độ. Nhưng dù nét mặt diễn biến sợ hãi, ngạc nhiên, tự ái vì bị xúc phạm, có khéo léo như một diễn viên thuần tục đến mấy đi nữa, thì cũng không sao phủ nhận được cái bằng chứng quá rõ ràng trước mắt mọi người: vết in hai hàm răng chỉ là một. Chính hàm răng này đã cắn vào cả hai quả táo.
— Bà thấy....
Ông quận trưởng vừa nói thế, bà Fauvin đã kêu thét lên trong cơn giận dữ điên cuồng: «Không, không... Không phải... Đây chỉ là một giấc mơ... Không thể... Các ông định bắt tôi ư ? Tôi mà phải vào tù ư ? Khốn nạn thân tôi ! Tôi có làm gì đâu ! Tôi xin thề ! Các ông lầm rồi !».
Hai tay bà ôm đầu, bà nói tiếp: «Trời ơi ! Tôi nổ óc ra mất ! Thế là nghĩa lý gì ? Tôi có giết ai đâu ? Tôi có biết gì đâu ? Sáng nay chính do các ông báo tin tôi mới biết kia mà ! Tôi có ngờ đâu ! Người chồng đáng thương của tôi ! Và thằng bé Etmông yêu tôi xiết bao và tôi quý nó xiết bao. Tôi giết hai người này để làm gì ? Các ông nói đi ! Giết người thì phải vì lý do gì chứ ? Lý do gì ? Các ông là những quân đao phủ ! Các ông không có quyền hành hạ một phụ nữ như thế ! Sao khủng khiếp thế ? Buộc tội tôi, bắt giam tôi, vì tôi... Tôi không có tội gì cả. Thật là đáng xấu hổ. Thật toàn là những đao phủ ! Và nhất là anh, chính anh (bà ta chỉ vào Perenna) Phải, chính anh, tôi biết, mới chính là kẻ thù. Hừ..tôi hiểu ra rồi. Anh có mặt. Tôi không có mặt. Tôi không biết một tí gì về chuyện đã xảy ra...Nhất định chỉ có anh”.
Mấy tiếng cuối bà ta nói không ra hơi vì quá mệt. Bà ta ngồi xuống, đầu gục dưới gối và lại khóc, khóc rất nhiều.
Pereana đến gần bà ta, nâng trán bà ta lên, thấy mặt bà ta đầm đìa nước mắt. Anh nói:
- Vết răng in trên hai quả táo hoàn toàn giống nhau. Rõ ràng là bà đã cắn vào quả táo tìm thấy ở trong vườn.
- Không phải !
- Phải, vì bằng chứng này không ai chối cãi được. Nhưng bà nhớ lai xem: có thể bà đã cắn vào quả táo kia, không phải đêm qua mà từ trước đó chẳng hạn...
Bà Fauvin nói lúng búng: «Ông cho là như thế ? Mà có lẽ... Tôi nhớ là hình như sáng hôm qua..
Nhưng ông quận trưởng ngắt lời:
- Vô ích, bà ạ ! Tôi vừa hỏi anh người nhà Xinvet, anh ta đã nói là anh ta mới mua táo chiều tối hôm qua. Lúc 8 giờ khi ông Fauvin đi ngủ, trong khay còn bốn quả táo. 8 giờ sáng hôm nay chỉ còn ba quả. Do đó quả táo tìm thấy trong vườn nhất định là quả thứ tư và quả táo này mới được vết răng in vào đêm qua. Mà vết răng này đúng là răng bà.
Bà Fauvin lắp bắp: «Không như tôi... Không phải tôi ! Tôi lấy danh dự ra mà thề. Và tôi cũng thề rằng tôi sẽ ch.ết ! Vâng, ch.ết ! ch.ết còn hơn là ở tù ! Tôi sẽ tự tử, tôi sẽ tự tử”..
Mắt bà đờ ra. Bà lấy hết sức để đứng lên nhưng đã ngã xuống và ngất đi.
Trong khi mọi người cứu chữa bà Fauvin, Madơru ra hiệu cho Đông Luy và nói nhỏ:
— Thầy chuồn thôi, đi ngay đi !
— Thế à ? Thế là đã hủy lệnh giam lỏng và ta được tự do ư ?
— Kia ! Thầy, hãy nhìn cái người vừa vào đây độ mười phút và đang nói chuyện với ông quận trưởng. Thầy có biết là ai không ?
Perenna nhìn người ấy: đó là một người mập ú, da đỏ hồng, mắt theo dõi Perenna không rời.
Péreana thét lên: « Ôi ! Thằng phố phòng Vơbe..”
— Vâng, thưa thầy, hắn đã nhận ra thầy. Hắn nhận ngay ra thầy là Luypanh. Hắn rất tài. Đừng ai hòng cải trang qua mắt hắn. Hẳn thầy còn nhớ: những vố mà thầy đã cho hắn nếm. Thầy thưa hiểu là hắn sẽ không quên trả thù.
— Hắn đã báo ông quận trưởng chưa ?
— Báo rồi ! Và ông quận trưởng đã ra lệnh cho mọi người là phải theo dõi sát thầy, hễ thầy định trốn đi là tóm liền.
—Thế thì ta biết làm thế nào ?
— Sao lại không biết làm thế nào ? Bây giờ thầy phải đánh lạc hướng họ đi, và phải thật khéo léo.
— Khó quá ! Bây giờ trốn đi là phải về nhà, mà nhà ta thì ai chả biết !
— Ồ ! Đã đến nước này thì thầy lại về nhà làm gì ?
— Không về nhà thì đi đâu ? Anh muốn ta nghỉ dưới gầm cầu à ?
— Trời ơi ! Thầy còn lạ gì là rồi đây, do vụ này, dư luận sẽ sôi nổi, thầy còn bị dính líu đến kỳ cùng và mọi người sẽ đổ xô vào làm hại thầy.
— Vậy thì nên như thế nào ?
— Thầy xếp vụ này lại.
— Thế còn những đứa giết Cốtmô-Moocninhtôn, giết cha con ông Fauvin ?
— Để cho cơ quan cảnh sát tiếp tục công việc.
— Anh ngốc lắm, Alếchdăng ạ !
- Vậy thì thầy hãy trở lại nguyên hình Luypanh, Luypanh không ai thấy, không ai bắt được, và thầy chiến đấu một mình như xưa kia. Nhưng xin thầy đừng đóng vai Perenna nữa, vì nguy hiểm cho thầy lắm. Thầy đừng công khai nhúng tay vào một việc chẳng liên quan gì đến thầy.
— Anh thật buồn cười, Alếchdăng ! Ta phải nhúng vào việc này vì vấn đề 200 triệu. Nếu Perenna không đứng vững ở vị trí thì 200 triệu sẽ tan thành mây khói. Ta phải giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn một cách thẳng thắn và liêm khiết mà không hề tơ hào một đồng xu nhỏ.
— Nhưng nếu người ta bắt thầy ?
- Bắt sao được ? Ta ch.ết rồi kia mà !
- Luy panh ch.ết, nhưng Perenna vẫn sống !
— Chỉ cần trong ngày hôm nay họ không bắt ta là ta yên ổn.
— Việc bắt chỉ chậm lại thôi. Lệnh rất nghiêm ngặt. Nhà của thầy sẽ bị bao vây, và họ sẽ theo dõi thầy suốt ngày đêm, sát từng bước.
— Ta rất sợ đêm tối. Có người canh gác đêm thì cũng hay !
— Khổ quá ! Thầy còn hy vọng vào cái gì ?
— Ta không hy vọng, Alếchdăng ! Mà ta biết chắc chắn là họ không dám bắt ta.
— Dễ Vơbe nó nể thầy đấy !
— Ta cóc sợ Vơbe ! Không có lệnh thì Vobe chẳng dám làm gì.
— Thì rồi sẽ có lệnh.
— Lệnh theo dõi ta thì có nhưng lệnh bắt ta thì không ! Ông quận trưởng đã có những ràng buộc vì ta nên không thể không ủng hộ ta. Vả lại còn thế này nữa Vụ này còn hàm hồ và rất phức tạp, phía các anh không có khả năng lần ra được đâu ! Không sớm thì muộn các anh sẽ phải tìm đến ta. Vì không một ai ở phía các anh có đủ tầm cỡ để chọi với những đối thủ như bọn sát nhân này, dù là anh, dù là Vơbe, và ngay tất cả các cán bộ an ninh của quận, của sở đều ở dưới tầm chúng hết. Ta chờ anh sẽ đến thăm ta. Thôi, chào Alếchdăng !
Ngày hôm sau, việc kiểm nghiệm chính thức cho biết kết quả là những vết răng in ở hai quả táo chỉ là một, và cả vết răng in trên mảnh sôcôla cũng đúng như vậy.
Ngoài ra, một người đi xe tắc xi cũng đến quận báo cáo là đêm qua có một bà từ nhà hát kịch ra, đã thuê xe anh. Xe đi một mạch tới đầu phố Hăng ri Mactanh thì đỗ cho bà ấy xuống. Đầu phố ấy cách nhà ông Fauvin 5 phút đi bộ. Đối chất với bà Fauvin, lái xe nhận ra ngay bà là người đã thuê xe.
Bà ta đã làm gì ở khu này trong hơn một tiếng đồng hồ ?
Mari-Ăngtoan Fauvin bị giam vào nhà giam quận. Ngay tối đó được chuyển đến nhà tù Xanh—Lada.
Cũng trong ngày hôm đó các phóng viên báo chí bắt đầu dăng một số chi tiết qua việc điều tra, như việc phát hiện các vết răng. Nhưng vết răng của ai thì chưa được tiết lộ.
Cũng cùng hôm ấy hai tờ báo hàng ngày lớn đã in bằng hàng chữ to đậm, đầu đề của bài nói về vụ này, cái đầu đề mà Đông Luy Perenna đã dùng để gọi những vết răng in trên quả táo, đầu đề gồm những từ bi thảm gợi lên tính chất man rợ, dữ tợn, và có thể nói là tính chất thú vật của sự việc đã xảy ra: