Chương 73: Mộ Binh.
Trần Minh cùng Chu Cảnh đến nơi, đây là lần đầu tiên Trần Minh nhìn thấy làng của người Việt cổ tuy nhiên làm Trần Minh bất ngờ là ngôi làng này nhìn từ bên ngoài cũng không khác mấy so với các ngôi làng ở Ngô Quận trong ký ức của Trần Minh .
Nghĩ nghĩ một hồi, Trần Minh bỗng cảm thấy đây mới là bình thường.
Long Biên thành là quận trị của Giao Chỉ, các làng xóm quanh Long Biên thành đa số chịu văn hoá nhà Hán ảnh hưởng hay cụ thể hơn là phía Dương Châu cùng mạn phía nam Kinh Châu ảnh hưởng .
Những người dân ở phụ cận Long Biên thành cũng chưa chắc là người Việt cổ bản địa, nhiều người trong số bọn họ có tổ tiên là người phương Bắc di chuyển tới .
Trước thời kỳ Hán Quang Vũ Đế - Lưu Tú thì khu vực Giang Đông là nơi đầy ải trọng phạm, tù tội của triều đình nhà Hán, đến sau giai đoạn của Lưu Tú thì Giao Châu cùng Giao Chỉ thay thế Giang Đông, trở thành nơi nhà Hán đầy ải người có tội .
Ngoại trừ tù phạm ra cũng không thiếu người bị đẩy về phía Giao Chỉ, nguyên do nhiều lắm .
Có từ Giao Châu di chuyển tới, có không sống được ở đất Dương Châu .
Đợt di chuyển lớn đầu tiên theo suy nghĩ của Trần Minh có lẽ là thời kỳ Vương Mãng cùng Lưu Tú quyết đấu .
Vương Mãng làm ra cải cách ruộng đất, đáng lý ra phải tạo phúc cho người dân nhưng trên thực tế nhà Tân của Vương Mãng chịu rất rất nhiều lần dân biến .
Nguyên do ở đâu ? nguyên do bởi nhân dân ngu dốt đồng thời Vương Mãng ảnh hưởng tới lợi ích của quý tộc.
Đây là lý do vì sao Trần Minh luôn nhấn mạnh việc phổ cập dạy chữ viết cho tất cả mọi người .
Chủ trương của Vương Mãng là tốt, theo lý thuyết người dân ở Trung Nguyên phải ủng hộ hắn nhưng phải biết ở thời cổ đại thì dư luận ở trong tay sĩ tộc, quyền phát ngôn cũng ở trong tay sĩ tộc .
Lệnh từ Vương Mãng phát ra một loại nhưng qua lời đám sĩ tộc, địa chủ lại biến thành một loại hoàn toàn khác .
Cho dù Vương Mãng cho người dán thông cáo thì cũng không có ý nghĩa bởi nhân dân không biết chữ, quyền giải thích y nguyên trong tay người đọc sách, cụ thể là sĩ tộc cùng địa chủ.
Chịu sĩ tộc cùng địa chủ tẩy nào cùng dẫn dắt, thời kỳ của Vương Mãng xảy ra rất nhiều lần dân biến, cũng vào thời điểm này không thiếu người Hán bị đẩy tới Giao Chỉ .
Dân chúng bình thường rất ít khi chịu rời khỏi quê hương, nếu bọn họ phải rời đi thì chỉ có hai nguyên nhân lớn, thứ nhất là thiên tai mà thứ hai là nhân hoạ.
Nhân hoạ hiển nhiên là chiến tranh .
Cũng bởi nguyên do này các thôn làng ở phụ cận Long Biên thành có hơi hướng Hán hoá cũng là bình thường .
Phàm là người chịu di chuyển tới các thành trấn lớn thì hầu hết đều thuộc phe thân Hán .
Về phần những người bị đẩy vào trong núi rừng thì sao ? những người này thật ra khó phân là phe thân Hán hay phản Hán, Trần Minh coi đây là 50-50.
Có lẽ thật sự là không thích người Hán, cũng có lẽ là không sống được phải chạy vào núi rừng chỉ cầu sinh tôn .
Trần Minh đoán rằng nơi ở của bọn họ mới giống các thôn làng của người Việt cổ một chút .
Dĩ nhiên theo quan điểm của Trần Minh, tổ tiên của ngươi là ai không quan trọng .
Đừng nói tổ tiên của ngươi là người Hán, cho dù tổ tiên của ngươi là người da đỏ chạy từ châu Mỹ chạy qua thì Trần Minh vẫn vui vẻ nhận.
Cũng không tồn tại nặng bên này nhẹ bên kia, Trần Minh cũng chẳng muốn so sánh hai bên bởi trong mắt hắn đây đều là nhân khẩu, đây đều là người Việt tương lai .
Còn nếu bảo hắn phải cố gắng trọng dụng người Việt ‘thuần chủng’ . . . thú thật Trần Minh cũng chẳng biết đi đâu tìm, càng không hiểu chứng minh ‘thuần chủng’ kiểu gì.
Dù sao từ thời nhà Tần đến thời nhà Hán hiện tại cũng đã hơn 400 năm .
Ngàn năm Bắc thuộc tính ra đã đi qua gần một nửa, có rất nhiều thứ đã không quan trọng .
_ _ _ _ _ _
Thôn làng trước mặt Trần Minh là dạng kiến trúc không lớn lắm, có hàng rào gỗ bao quanh, hàng rào còn đóng vài cái cọc gỗ vót nhọn đâm ra ngoài .
Thôn làng không lớn, từ trên cao có thể quan sát toàn bộ bên trong, cả làng tính ra cũng chỉ có khoảng hơn ngàn nhân khẩu .
Hơn ngàn nhân khẩu đại khái rơi vào 300 hộ dân, con số này đích xác không nhiều .
Từ trên cao nhìn xuống thì thấy được công trình nổi bật nhất làng có lẽ là cổng làng .
Về phần nhà cửa thì đều là dạng nhà tranh đất bằng, các nhà đều cao tương đương nhau, cũng không nhìn thấy trạch viện nào cả .
Thôn làng cũng thưa thớt vắng vẻ tuy nhiên nơi đầu làng vẫn có một chòi gỗ, nhìn không cao lắm, bên trên chòi gỗ có bóng người thấp thoáng .
“Đây là tháp canh đi ? “.
Long Biên thành thật sự không tính là loạn, nếu đến cả phụ cận Long Biên thành cũng loạn thì Giả Tông đã không đến Giao Chỉ, người tới đây chính là Chu Tuấn cùng đại quân của hắn.
Tuy vậy từ sau loạn Lương Long, hầu hết các thôn làng đều có chòi canh, trên chòi canh còn đặt một chiếc kẻng.
Chòi canh vừa có tác dụng canh gác cũng vừa để gọi người dân xung quanh quay về dù sao ở cổ đại là không có đồng hồ, cũng không có điện thoại liên lạc.
Người ra ngoài làm việc chỉ có thể nhìn bầu trời mà tính toán thời gian trở về đã thế đường đi lại nhiều khi khó khăn, lạc trong rừng cũng là bình thường.
Nếu như lạc trong rừng lại thêm trời sẩm tối, đây quả thật là mất mạng. Có tiếng kẻng ở xa xa gọi về dẫu sao vẫn tốt hơn không có .
Trần Minh ở trên cao quan sát một hồi sau đó cùng Chu Cảnh thúc ngựa mà tới .
Lần này hai người cũng không đi song song nữa, Chu Cảnh quan chức cao hơn Trần Minh, ở trước mặt người khác Trần Minh vẫn biết ý tứ.
Quan trọng nhất lần một binh này cũng không phải Trần Minh làm chủ mà là Chu Cảnh .
Trần Minh vốn chẳng có kinh nghiệm gì trong việc này thậm chí nếu để hắn mộ binh thì chính Trần Minh cũng sẽ làm không tốt .
Thời đại này ai nguyện ý đi làm lính ? làm lính vừa khổ, vừa tiện, vừa có thể mất mạng .
Bần nông tuy cũng khổ, cũng tiện nhưng ít ra còn có tự do, làm lính thì không.
Bởi lẽ đó cái gọi là ‘mộ binh’ nói thẳng ra là ‘chinh ích’ là ép người làm lính.
Ép đến loại nào ? cái này cũng là một vấn đề đáng giá nghiên cứu, phải biết trong mắt dân chúng thì quan binh còn ác hơn phản tặc .
Nhẹ thì mắng chửi đánh đập vài câu mà nặng ? đốt làng thậm chí đồ làng không phải không có .
Quả nhiên theo quân đội của Chu Cảnh đến, tiếng kẻng rất nhanh vang lên .
Chu Cảnh cũng không tiến vào trong làng, hắn ngạo nghễ cưỡi ngựa đi tới cửa làng, dừng ngựa lại sau đó chậm rãi đưa ánh mắt nhìn thẳng về phía cổng làng .
Binh sĩ của Chu Cảnh cũng tự động xếp thành hàng, người người tay cầm giáo, hông đeo đao, một tay khác gắn khiên gỗ, tư thế chỉnh tề đứng tại chỗ, nhìn uy nghiêm vô cùng.
“Đến bao giờ ta mới có thể được như vậy ? “.
Cưỡi ngựa đi sau Chu Cảnh, Trần Minh liếc nhìn quân tốt phía sau mà âm thầm tặc lưỡi .
Tinh nhuệ là một chuyện nhưng cái này xa xa không đủ để Trần Minh ‘thèm’ hắn ‘đỏ mắt’ là bởi đám binh lính này người người mặc giáp nhẹ.
Phải biết đến cả Trần Minh cũng mới có giáp nhẹ để mặc, binh sĩ của Trần Minh đều là áo vải, đến một tấm giáp da che người còn chẳng có .
Về phần Chu Cảnh thì càng đừng so sánh, người ta mặc nguyên một bộ giáp trụ, đầu đội mũ giáp, so với bộ giáp Nghiêm Mẫn mặc còn ‘soái’ .
Đây chính là minh chứng của ‘kẻ có tiền’ thứ mà Trần Minh thiếu nhất .
Hai người đợi không lâu lắm liền có một lão trượng đi ra, sau lưng còn vài người nữa .
Ngoài ra Trần Minh cũng có thể nhìn thấy có một đám người lấp ló nơi cửa làng, dùng ánh mắt nhìn ra ngoài.
Vì khoảng cách xa, Trần Minh không nhìn rõ ánh mắt của nhừng người này nhưng Trần Minh đoán được, đây là ánh mắt thấp thỏm cùng sợ hãi .
Tại Giao Chỉ, phàm là binh lính đi tới thì chỉ có hai việc .
Một là thu thuế, hai là chinh binh .
Giao Chỉ nghèo nhưng thuế lại chưa bao giờ thấp .
Bất kẻ ngươi ‘thân Hán’ hay ‘phản Hán’ thì đều không khác biệt mấy, đều cực khổ vô cùng .
Bị ép lên núi đào khoáng, vào rừng kiếm lâm sản đâu đâu cũng có .
Về phần nếu ngươi không nộp được thuế ? vậy thì càng thảm .
Không nộp được thuế thì . . . nộp người, nam thì bắt làm nô mang đi đào khoáng hoặc đưa lên Đông Ngô làm tiện tịch .
Nữ . . . nữ thì càng thảm, trở thành tiện tịch sau đó làm nha hoàn cho nhà khác ví như tiểu Thuý còn tính tốt số .
Bị bán đi làm kỹ nữ ở Dương Châu .. . vẫn tính là tốt số .
Bị ném vào trong quân doanh làm nô thì mới hiểu cái gì gọi là địa ngục .
Về phần trẻ em ? trẻ em là không ai nuôi cũng không ai cần, tự sinh tự diệt, sống thì sống mà ch.ết thì ch.ết .
Chẳng thế mà ở thời cổ đại rất nhiều đứa bé ‘ăn cơm trăm nhà’ mà lớn .
Tất nhiên thỉnh thoảng vẫn sẽ có gia đình giàu sang mua suống trẻ em, coi là tiện tịch nuôi từ nhỏ trong nhà nhưng không nhiều .
“Tiểu nhân tham kiến đại nhân “ .
Lão trượng rất nhanh chạy tới trước người Chu Cảnh, cúi người bái chào .
Chu Cảnh nhìn cũng không nhìn đối phương, thản nhiên nói .
“Nơi này có bao nhiêu nhân khẩu, lại có bao nhiêu hộ dân ? “.
Lão trượng nghe vậy không khỏi sợ hãi dù sao người sống đến tuổi này cũng coi như trải sự đời bất quá lão nhân này cũng không dám gạt Chu Cảnh .
Lão nhân ngửa đầu lên, thành thật trả lời .
“Bẩm báo đại nhân, trong làng có hơn 300 hộ dân, nhân khẩu quá ngàn “ .
Lão nhân này cũng không nói được chính xác trong làng có bao nhiêu người, bao nhiêu hộ dân, cái này rất bình thường dù sao đây là cổ đại .
Chu Cảnh nghe vậy thản nhiên đưa tay ra sau, theo động tác này của hắn thì đã có binh lính từ sau tiến tới, đặt vào trong tay hắn một cuộn văn thư .
“Đây là công văn của Giả thích sứ, Giả đại nhân “
“Giả thích sứ ân đức muốn vì con dân Giao Chỉ dẹp loạn binh tai, các ngươi là người địa phương cũng không thể không ra sức “
“Chọn ra 50 nam đinh, tuổi tác từ 15 đến 50 tuổi, ta cho cá ngươi 3 ngày, 3 ngày sau có binh sĩ tới đón người “.
Giọng Chu Cảnh phi thường lạnh, hắn đưa văn thư về phía lão nhân .
Từ đầu đến cuối không hỏi tên lão nhân, càng không hỏi tên làng .
Lão nhân ở trong lòng ai thán nhưng nào dám không nhận văn thư, ngược lại càng thêm cung kính đáp .
“Dạ thưa đại nhân, tiểu nhân nhất định cẩn tuân mệnh lệnh của đại nhân, tiểu nhân sẽ trở về làng điều tráng đinh trong làng cho đủ số đại nhân yêu cầu “ .
Chu Cảnh nghe vậy gật đầu, lạnh lùng đáp.
“Làm được như ngươi nói là tốt nhất, về phần không làm được các ngươi biết hậu quả ? “.
“Tiểu nhân không dám “ .
Lão nhân lúc này hơi run lên, khuôn mặt cũng tái nhưng Chu Cảnh đã không tiếp tục nhìn lão nhân, cứ thế cho quân rời đi.
Ở đây chỉ có Trần Minh lưu luyến nhìn nhiều một chút sau đó cũng theo Chu Cảnh di chuyển .
Hắn nhìn toàn bộ sự kiện trong mắt, thật ra cũng không có cảm tưởng gì, mọi thứ vẫn trong phạm vi chấp nhận được .
Giả Tông xem ra làm việc không tệ lắm .
Bình thường chinh ích binh thậm chí không cần văn thư, chỉ cần quân lính tới kêu gọi là được, Giả Tông nguyện ý đưa văn thư chứng tỏ vị đại nhân này vẫn tôn trọng quy củ.
Ngoài ra trong làng có ngàn nhân khẩu lại lấy ra 50 nam đinh cũng không tính ‘thương cân động cốt’.
Dĩ nhiên trong quá trình lựa chọn tráng đinh nhập ngũ sẽ xảy ra một số việc thậm chí có những hộ gia đình nghèo khổ trở nên triệt để không sống được vì nam đinh trong nhà bị kéo đi nhập ngũ nhưng mà .. .Trần Minh cũng không thể quản hết những việc này .
Hắn cho dù muốn quản, lại lấy cái gì quản ? .
Ít nhất so với các thái thú khác ở đất Giao Chỉ, bản thân Giả Tông đã ‘nương tay’ điều này cũng khiến Trần Minh cảm thấy có chút an ủi trong lòng.