Chương 28: Về chuyện “nịnh đẹp”

Cách đây không lâu, đọc một bài báo nói về “nịnh tục” và “nịnh đẹp”, thấy tác giả cho rằng, Milan Contr.a dùng một từ gọi là “nịnh tục”, để chỉ nghệ sĩ từ bỏ phong cách nghệ thuật để làm những gì vừa lòng công chúng. Ông ta còn nói, nước ta có một số người còn dùng một từ mới là “nịnh đẹp”, chẳng hiểu thế nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ này thì tôi biết, công chúng bị một số người mê hoặc và dẫn dụ, chỉ chạy theo một phong cách nghệ thuật, cũng chẳng tự hỏi có hiểu gì hay không. Về mặt này tôi có chút kinh nghiệm, đều liên quan đến thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc sang trọng có phong cách rất cao sang, chắc không phải nghi ngờ. Bản thân tôi sự hiểu biết về âm nhạc rất nông cạn, nhạc đồng quê còn nghe được, cao hơn nữa thì chịu. 


Khoảng mười năm trước tôi ở Mỹ, một lần đến Boston thăm bạn. Đang giữa vụ hè, để tránh kẹt xe, tôi lái xe đi từ sớm tinh mơ, sẩm tối thì đến, gặp được bạn, vừa lúc anh định đi đâu. Anh bảo, gần đây có một nhà thờ, tối nào cũng có trình diễn âm nhạc thanh nhã, miễn phí, muốn tôi cùng đi nghe. Nói thật lòng tôi không muốn đi bèn từ chối: Nghe nhạc thanh nhã phải com-lê ca-vát, ngồi ngay ngắn. Tôi lái xe một ngày đường, đang mệt lử, thôi khỏi đi. Nhưng anh bảo, buổi trình diễn âm nhạc này giản dị lắm, thầy trò khoa âm nhạc trường đại học biểu diễn. Cậu vào chỉ cần không ngủ gật, không rút sớm là được. Tôi đi, đến cửa mới biết là họ đang chơi hai bản giao hưởng của Bruckner. Bạn tôi còn kéo tôi ngồi ngay giữa hàng đầu, muốn ngáp một cái cũng khó. Tôi thấy hai bản giao hưởng này không mặn không nhạt, không mỡ không muối, người diễn tấu thổi bậy, kéo bậy, người chỉ huy khua đũa lung tung, cảm giác chung như bị say sóng. Tội nghiệp, tôi lái xe mười mấy giờ đồng hồ, ngồi giữa nhà thờ vừa nóng vừa ngột ngạt, chỉ cần tựa đầu vào bất cứ cái gì là lập tức ngủ được, nhưng cố chống đỡ, hai mắt giương thao láo, từ bảy giờ đến chín rưỡi! Giữa có một đoạn khi nghe, tôi tiếc là không húc đầu vào đâu cho ch.ết quách… Hai bản giao hưởng chán ngấy! 


Tôi đã nói, tôi chẳng được dạy dỗ tí gì về âm nhạc cổ điển, cho nên không có quyền nhận xét. Có thể âm nhạc của Bruckner là hay nhưng không vào được đôi tai lừa của kẻ thô lậu là tôi. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng ngay như nghệ thuật sang trọng cũng chia ra thứ hạng, trình độ khác nhau, không thể đánh đồng được. Không thể cứ vượt qua cái ngưỡng cửa sang trọng là hay vô điều kiện – lập luận như thế là nịnh đẹp rồi. Con người ta có thể có thái độ nịnh đẹp, nhưng cảm quan của bạn lập tức có ý khác, bắt bạn phải chịu tội… 


Thí dụ sau đây là khá chắc chắn – không phải tôi tục tằn mà là người biểu diễn thứ âm nhạc sang trọng lại có trình độ quá thấp gây ra. Lần này nghe hợp xướng của Bach, về giai điệu, tôi không có ý kiến gì, không phải là tôn sùng Bach là nhà soạn nhạc tầm cỡ mà chính tôi nghe thấy hay. Tôi có nhận xét về đội hợp xướng. Nguyên nhân là vợ tôi dạy lớp Trung văn, trong lớp có một học sinh là tay kèn của đoàn nhạc nghiệp dư thị trấn Pittsburgh mời tôi đi xem diễn tập. Tuy không phải diễn chính thức nhưng thính giả phải nghiêm chỉnh vì cũng chẳng có mấy thính giả. Vì vậy tôi ăn mặc cẩn thận – mặc com-lê có gi-lê, hơi chật nhưng vợ tôi bảo mặc chật trông khỏe, cái bụng đầy thịt bò bị nén chặt, hoành cách mô bị nâng lên một tấc muốn ngạt thở luôn, cứ thế tôi đến hội trường nhỏ của học viện âm nhạc, ngồi ngay giữa hàng đầu. Màn mở, nhìn đội hợp xướng tôi cảm thấy mình nhầm: ngay giữa đội là một bà rất quen mặt, bà già không tám mươi thì cũng bảy nhăm tuổi, tôi cùng học với bà ta mấy lớp học – tôi nhớ bà được nhận của chính phủ một khoản tài trợ cho dự án “người già trở lại lớp học”, học không được nhưng thầy giáo đều cho điểm đạt yêu cầu, tôi chẳng có ý kiến gì về chuyện này, xem ra bà ta lại láng cháng dự một môn tại khoa âm nhạc, hát với các bạn cùng lớp. Không may cho bà là tuổi già rồi, khí quản thoái hóa, hát không được. Nhưng đã đến đây rồi, đụng ngay bà già quen biết, thôi thì cũng cố nghe cho xong – tôi có quyết tâm nịnh đẹp như vậy. Nói có lương tâm một chút, trình độ của đội hợp xướng này cũng được, ít nhất hát không “phô”, ông lĩnh xướng có trình độ rất cao. Đến khi giọng nữ hát, theo cách hát của phương Tây, bà già há miệng thật tròn, lên giọng cao vút: “Alleluia”, được nửa chừng, nhìn thấy rõ hàm răng giả bay ra khỏi miệng, đớp đớp trên không, như muốn cắn ai, nó vọt qua hố nhạc, bay trên đầu chúng tôi, đến hàng thứ ba phía sau, nghe “bụp” một cái. Trong trường hợp trang trọng như thế này, hát khúc thánh ca, tuy không còn răng giả, miệng hở thông thống nhưng bà già không tiện thoái lui, máy môi giả vờ hát tiếp, trông thật kỳ quặc… Hãy tin tôi, tôi ngồi đó nghiêm túc nghe đến hết mới mỉm cười vỗ tay. Tất cả những cái cười thô tục hoang dã tôi nuốt vào bụng, kết quả nội tạng vỡ nát cả. Sau đó ba tháng tôi ho ra lúc thì mảnh phổi, lúc thì miếng gan. Nhưng lúc đó còn trẻ, sức khỏe tốt, không ch.ết. Người viết xin dừng bút ở đây. Tôi kết luận: chuyện nịnh đẹp là có thật và nó có hại trước hết đối với những kẻ thô lậu.






Truyện liên quan