Chương 29: Gian thì giết quách
Trước khi diễn “ Lang kiều di mộng ”, mấy vị biên tập bảo tôi đi xem rồi viết cho họ một bài. Phim ảnh bây giờ toàn diễn tích cũ, tôi chưa xem. Đúng là bình mới rượu cũ, chủ yếu là có cuộc tranh luận xung quanh “ Lang kiều di mộng ” tôi thấy rất phiền, cho nên chẳng thiết xem. Một số người nói, cuốn tiểu thuyết này xui người ta ngoại tình, cần phê phán, một số khác nói nó lên án ngoại tình, không nên phê phán. Thế là “ Lang kiều di mộng ” được gắn với “ ngoại tình ”. Nếu tôi xem bộ phim này thì phải phê phán ngoại tình. Đối với “ Lang kiều di mộng ”, tôi phán đoán thế này: một là, đây là chuyện bịa, không có thật, hai là, nếu có thật thì cũng là chuyện của người Mỹ, chẳng dính dáng gì đến mình. Một số đồng chí nói, chẳng cần biết nó dính dáng hay không, chỉ biết xem phim rồi thì phải phê phán nó về mặt đạo đức. Điều này làm tôi nhớ lại câu chuyện gần hai mươi năm trước: Nhà hát kịch Paris đưa vở “ Trà hoa nữ ” sang diễn tại Bắc Kinh, có một số khán giả nói: Trà hoa nữ là gái điếm kia mà! Nhân vật chính nam cũng chẳng ra gì, Magaritte và Aman, hai người hợp lại vừa đúng một cặp gái bán ɖâʍ và khách mua ɖâʍ! Nếu Duma-con còn sống, nghe bình luận như thế sẽ tức điên lên mất. Ca sĩ Pháp có nghe thấy thì chắc sẽ nói: Chúng tôi đến diễn ở đây là làm một việc ngu ngốc. Diễn xong một vở mệt đứt hơi, gân cổ lên hát mãi, ở dưới họ nhìn thấy gì? Bán ɖâʍ và mua ɖâʍ! Từ bấy đến nay đã gần hai chục năm. Tôi thấy khán giả Trung Quốc nên có tiến bộ một chút – đâu có ngờ vẫn chẳng có gì thay đổi.
Hồi bé tôi có thằng bạn, cứ thấy gà trống đạp gà mái là nó cầm đá đuổi ném đến kỳ cùng, tôi hỏi sao vậy, nó bảo để ngăn chặn hành động đểu giả. Tất nhiên rồi, gà không cưới nhau, chúng nó toàn là yêu đương ngoài hôn nhân cả, hơn nữa lại làm trò đồi bại giữa thanh thiên bạch nhật, còn đâu là thuần phong mỹ tục. Nhưng gà là gà, hành vi của nó chẳng làm hại gì đến mình – tôi bảo thằng bạn thế. Nhưng nó nghĩ khác: tuy chúng nó là gà, nhưng vẫn là làm trò đểu. Thằng bạn tôi có bộ mặt gà, mũi dãi ròng ròng, tính khí hẹp hòi, nói chẳng đâu vào đâu. Không hiểu tại sao những kẻ ngu đần lại rất nhạy cảm với đạo đức, có thể chỉ là ngẫu nhiên chăng? Vấn đề ta cần bàn là: Trong phạm vi những người thông minh, nhạy cảm mạnh với đạo đức là tốt hay bớt nhạy cảm đi là tốt.
Về mặt đạo đức, chắc chắn là không thể hoàn toàn vô cảm, tôi thừa nhận điều đó. Nhưng nhạy cảm đến mức như thằng bạn tôi cũng không được: Nó sẽ làm cho gà chó bất an. Thấy trai gái hôn nhau là ném đá, ném không trúng thì không biết vào ai, do đó thành cái hại chung trong điện ảnh. Nó ném đá lên màn ảnh gây nguy hiểm cho người xem. Người ta biết nó có cái tật ấy, khi chiếu phim không cho nó vào rạp, nhưng đá vẫn có thể ở ngoài bay vào. Bạn xông ra tóm cổ nó và nó cười lên như điên. Thí dụ này cho thấy rằng người cổ hủ quá chẳng thể nào thưởng thức được các tác phẩm văn nghệ, họ chỉ biết quấy rối người khác…
Tôi không tán thành ngoại tình, cũng không tán thành bán ɖâʍ mua ɖâʍ, nhưng săm soi vấn đề này cũng nên có mức độ, đừng điên cuồng như đấu tranh giai cấp đầu những năm 70. Nước ta có năm ngàn năm lịch sử, một dòng suy nghĩ chính thống là chống ngoại tình, chống thông ɖâʍ, và còn chống mọi quan hệ trai gái, cho dù chính đáng hay không chính đáng. Đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhưng có lúc làm quá mức rồ dại. Đạo học thời Tống Minh là một thí dụ. Khi đạo học thịnh thì khoa học suy, nghệ thuật không phát triển, chỉ quan tâm mỗi một điều chấn chỉnh quan hệ nam nữ, chắc chắn kết quả chẳng ra gì. Nhân sĩ trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, ngoài việc có vốn văn hóa ra thì phẩm hạnh chẳng khác gì một bà già thủ tiết với chồng, ở góa từ hai mươi tuổi nơi núi non hẻo lánh. Tôi đọc được đoạn ghi chép trong tiểu thuyết ký sự triều đại nhà Thanh, ngắn hơn “ Lang kiều di mộng ” nhưng rất hay. Chuyện kể rằng, có một anh chàng nho nhã đi dạo trong vườn sau nhà, đến bên hàng rào thấy hai con châu chấu đang giao cấu. Nếu tôi thấy chuyện này thì tôi cũng chẳng thèm xem vì hồi bé tôi thấy quá nhiều rồi. Nhưng vì rất ít khi ra khỏi thư phòng, anh chàng nọ dừng lại xem rất thích thú. Bỗng một con chẫu chàng sặc sỡ từ trong đám cỏ vọt lên, tợp một miếng nuốt chửng hai con châu chấu, anh chàng giật mình kinh hãi, như vừa tỉnh giấc mộng… Chuyện chỉ có thế. Cái hay là ở chỗ qua chuyện này tác giả đã thốt lên một tiếng than. Mọi người có thể đoán được tác giả than gì…
Nói thật lòng, đọc đến đó, tôi gấp sách lại và suy nghĩ, muốn đoán xem tác giả định than thở điều gì. Về mặt này tôi hơi dốt, nghĩ mãi không ra. Nhưng các đồng chí đã thấy chuyện ngoại tình trong “ Lang kiều di mộng” và thấy nó cần phê phán, các đồng chí ấy chắc chắn giỏi hơn tôi và sẽ đoán được: Bọn châu chấu đang yêu nhau ngoài hôn nhân, cho ch.ết, đáng đời. Chắc gần sát với lời giải. Điều tác giả than thở là “gian thì giết quách”. Do đó câu chuyện có thể giải thích lại rằng: Hai con châu chấu đang gian díu vụng trộm bên hàng rào là hai kẻ trụy lạc. Còn con chẫu chàng xanh xanh vàng vàng béo múp míp là một nghĩa sĩ về đạo đức, thấy chuyện xấu xa thì xông ra trừng phạt – chén luôn. Ẩn ý thì hay nhưng có phần quá kỳ quặc: Chuyện con chẫu chàng đớp châu chấu mà lôi sang chuyện quan hệ nam nữ, e rằng hơi gò ép quá. Tôi vẫn nghi ngờ sự cao thượng của con chẫu chàng, cùng lắm là nó nghĩ được rằng: Hôm nay sao mà may mắn thế, một phát được hai con! Còn chuyện thấy người ta làʍ ȶìиɦ mà xông ra trừng phạt – nó chẳng có cái tầm ấy đâu. Bởi vì nếu châu chấu không giao cấu thì không có châu chấu con, không có châu chấu con thì chẫu chàng ch.ết.
HẾT.